Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1567/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Võ Ngọc Thành
Ngày ban hành: 30/07/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1567/KH-UBND

Gia Lai, ngày 30 tháng 7 năm 2020

KẾ HOẠCH

CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Quyết định 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành dịch vụ gắn với phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai là khung nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển ngành dịch vụ và phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2025.

2. Yêu cầu

- Quán triệt các quan điểm về cơ cấu lại ngành dịch vụ theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

+ Phát triển ngành dịch vụ nhanh, hiệu quả và bền vững, đảm bảo các dịch vụ cơ bản phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, đảm bảo khai thác tốt các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Cơ cấu lại ngành dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường. Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng trong thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành dịch vụ.

+ Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực; lồng ghép việc thực hiện các cam kết quốc tế về dịch vụ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

+ Thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính ở các ngành, các cấp, cơ sở theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương và phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp địa phương, cơ sở.

+ Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ coi công nghệ thông tin là đòn bẩy để đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ.

- Các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phải bám sát các nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Đề án của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 16/3/2012

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong triển khai thực hiện kế hoạch.

3. Mục tiêu phát triển:

3.1. Mục tiêu tổng quát:

Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu tạo động lực và điều kiện cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng văn minh, hiện đại. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên cơ sở phát triển nguồn hàng và phát triển thị trường một cách bên vừng. Thu hút nguồn lực thương mại, dịch vụ khu cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, kêu gọi đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào lĩnh vực phát triển thương mại.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,58%/năm. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GRDP của tinh đạt 34,51% vào năm 2020. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 10,46%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP khoảng 37,04% vào năm 2025.

- Dư nợ tín dụng tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 12,5%, giai đoạn 2021-2025 đạt 9%. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM.

- Doanh thu bưu chính, viễn thông đến năm 2020 đạt 1.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,03%, giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,57%. Đến năm 2025 phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% khu dân cư. Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh theo Đề án đã được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt 75.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 14,57%, giai đoạn 2021-2025 đạt 13,18%. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14,38% năm; đến năm 2025 đạt 700 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 3,83%.

- Tổng doanh thu ngành vận tải giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 12,03%. Tổng sản lượng vận tải toàn ngành 4.990 triệu tấn.km (tương đương 30,81 triệu tấn/năm), 3.750 triệu hành khách.km (tương đương 24,33 lượt khách/năm). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm sản lượng vận tải hàng hóa, hành khách giai đoạn 2016-2020 đạt 10% - 13%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 9,16%.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế của tỉnh Gia Lai theo hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đến năm 2020 đạt 27,4 giường bệnh và 8 bác sĩ trên 1 vạn dân, đến năm 2025 đạt 28 giường bệnh viện và 9 bác sĩ trên 1 vạn dân.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% - 65% vào năm 2025; giải quyết việc làm cho 26.500 lao động/năm, chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.

- Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quan tâm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đã qua đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường học có chất lượng cao. Giai đoạn 2020 - 2025, hằng năm giải quyết việc làm cho 26.500 lao động, trong đó xuất khẩu 1.500 lao động, chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

- Phát triển dịch vụ khoa học công nghệ nhanh, hiệu quả và bền vững, tập trung nguồn lực phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ có hàm lượng tri thức và công nghệ. Đến năm 2025 ngành khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 30-40% GRDP. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học công nghệ tăng 10 - 15%/năm. Số lượng nhãn hiệu đăng ký bảo hộ giai đoạn 2020 - 2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 2015 - 2020. Nâng tổng mức đầu tư xã hội cho Khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,1% - 1,6% GRDP. Đảm bảo mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho Khoa học và công nghệ khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Đến năm 2025 hình thành một số tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, xây dựng các vườn ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch đạt 20%/năm, tổng thu du lịch đạt 17%/năm. Riêng năm 2020 dự kiến tổng lượt khách đến Gia Lai đạt 845.000 lượt, doanh thu du lịch đạt 510 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 2,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân là 18,6%/năm.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Về tạo lập môi trường chung cho phát triển ngành dịch vụ

- Các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020. Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch hành động số 648/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ trì rà soát, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; thực hiện các giải pháp thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng chính quyền điện tử; cung cấp dịch vụ công mức độ 4; phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công để cắt giảm chi phí hành chính công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Về lĩnh vực tài chính - ngân hàng

- Thực hiện lồng ghép các nội dung theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

- Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tăng cường quản lý nhà nước về tiền tệ, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tích cực huy động vốn, mở rộng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình thực tế của tỉnh; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đối với kiểm soát chất lượng tín dụng; tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ đã xử lý rủi ro, đảm bảo tài chính và thu nhập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin vào điều hành và quản lý, phân tích và phòng ngừa rủi ro; tiếp tục phát triển các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán qua QR Code, Tokeniation,...; mở rộng các dịch vụ ngân hàng tới các địa bàn khó khăn; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng.

3. Về lĩnh vực thông tin và truyền thông

- Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông đáp ứng các yêu cầu về hội nhập, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.

- Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng là hạ tầng chuyển phát và hạ tầng Logistic để phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; là thành phần tham gia cải cách hành chính. Từng bước chuyển dịch từ cung ứng dịch vụ bưu chính truyền thống (thư, gói kiện hàng hóa) mở rộng sang các dịch vụ bưu chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu từ dịch vụ viễn thông cơ bản (thoại, dữ liệu) sang dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Loại bỏ công nghệ cũ, ứng dụng công nghệ mới; xây dựng và triển khai chương trình băng rộng quốc gia, đưa thiết bị thông tin số đến hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp viễn thông khó có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường.

- Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông băng rộng và phổ cập thông tin theo quy hoạch, định hướng của Trung ương và tỉnh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp nội dung số để thực hiện tốt Đề án Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, phát triển nền kinh tế số.

- Phát triển các doanh nghiệp in ấn, phát hành theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất và chất lượng.

- Chủ động ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các hoạt động dịch vụ ngành thông tin và truyền thông”.

4. Về lĩnh vực phân phối, thương mại

- Sở Công Thương thực hiện tốt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 27/11/2015; triển khai hiệu quả chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035; xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tổ chức tốt thị trường lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung cầu hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp các chương trình khuyến mãi, hậu mãi với hàng hóa có mẫu mã đa dạng, có chất lượng và giá cả hợp lý, nâng cao tỷ trọng hàng Việt trong các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh;

- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả kết nối với thương mại điện tử quốc tế, chương trình thương hiệu quốc gia, hướng dẫn doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu hàng hóa gắn với chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu. Khuyến khích tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm đạt các giải thưởng trong tỉnh, quốc gia, khu vực và quốc tế. Chủ động nắm bắt thời cơ, tập trung đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác và liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trong nước và quốc tế để đảm bảo uy tín của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Tìm kiếm, phát triển các thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào các thị trường truyền thông để giảm thiểu rủi ro. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc để có biện pháp chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

5. Về lĩnh vực vận tải và logistics

Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tích lũy, đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển mạnh về quy mô, đủ sức cạnh tranh; nâng cao năng lực quản lý của các hợp tác xã vận tải, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Nâng cao chất lượng vận tải, kêu gọi đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đáp ứng được nhu cầu vận tải của xã hội. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về quản lý phương tiện người lái góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Hình thành và phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo định hướng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan. Tạo sự kết nối thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Thiết lập mạng lưới vận tải hành khách khoa học, hợp lý, tổ chức điều hành thuận tiện, tạo điều kiện quản lý tốt phương tiện tham gia vận tải hành khách. Đến năm 2025 quy hoạch tối thiểu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 bến xe và 1 bến xe bus, các bến xe tại các thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê sẽ nâng cấp đạt bến xe loại 3, bến xe tại các trung tâm huyện đạt tối thiểu loại 4 theo quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp loại bến xe khách. Ngoài ra, thực hiện quy hoạch xây dựng chung của các huyện, thị xã, thị trấn sẽ có các bến xe, điểm đỗ phù hợp với quy hoạch chung; phát triển trạm dừng nghỉ dọc quốc lộ theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải.

Phát triển dịch vụ logistis, đây là thị trường đầy tiềm năng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Trong quá trình quy hoạch đầu tư, xây dựng khu công nghiệp cần bố trí khu vực hoạt động dịch vụ logistics để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng như các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Tập trung kêu gọi đầu tư 02 cảng cạn tại Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

6. Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm

- Tập trung phát triển giáo dục đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện. Nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Nâng cao trách nhiệm của mỗi cấp trong việc quản lý công tác đào tạo và đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Quan tâm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lực lượng lao động đã qua đào tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường học có chất lượng cao.

- Xây dựng giáo dục thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo như internet, thiết bị di động (điện thoại thông minh, máy tính bảng); khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, đào tạo để nhanh chóng nâng cao số lượng và chất lượng giáo dục nhất là trong các ngành có nhu cầu cao như công nghệ thông tin.

- Đẩy mạnh xuất khẩu lao động; mở rộng và nâng số lượng lao động đi các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Trung Đông. Tăng cường công tác thông tin về thị trường lao động, thực hiện các sàn giao dịch việc làm tạo sự kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp.

- Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng. Nâng cao hiệu quả và hiệu lực trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

7. Về lĩnh vực y tế

- Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật y tế chuyên khoa sâu. Tăng cường đào tạo nhân lực y tế theo nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho y tế cơ sở và “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Khắc phục tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ y tế. Tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Năm 2020 triển khai giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Gia Lai.

- Quy hoạch và phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, mở rộng quy mô giường bệnh; xây dựng và nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai thành bệnh viện hạng I quy mô tối thiểu 1.000 giường bệnh. Phấn đấu đến năm 2025 các bệnh viện tuyến tỉnh còn lại và các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Gia Lai đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II.

- Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích phát triển y tế tư nhân, tăng tỷ trọng giường bệnh của khu vực kinh tế tư nhân; tăng các dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn do khu vực kinh tế tư nhân cung cấp. Khuyến khích phát triển các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa và các phòng khám đa khoa ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu vực xa cơ sở y tế công lập. Khuyến khích phát triển mô hình “Bác sỹ Gia đình”, mô hình “Chăm sóc sức khỏe tại nhà”. Từng bước thực hiện khám chữa bệnh tư theo hình thức BHYT.

- Phát triển, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu trồng và tự nhiên có tại tình phục vụ mục tiêu khám chữa bệnh và phát triển dịch vụ; chú trọng việc bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý có giá trị. Quy hoạch các vùng rừng có phân bổ một số loại dược liệu tự nhiên ở một số huyện như Kbang, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Krông Pa, Kông Chro, la Grai, Chư Sê, Chư Pưh. Tiếp tục quy hoạch, trồng và khai thác hợp lý các loài dược liệu đặc hữu của tỉnh Gia Lai nhu Mật nhân, Sa nhân tím, Vàng đắng, Hà thủ ô đỏ, Sâm dây.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế. Tiếp tục vận động sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế. Phối hợp với nước bạn Campuchia trong phòng, chống các bệnh dịch như HIV/AIDS, sốt rét, Covid- 19 và các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác...

8. Về lĩnh vực khoa học và công nghệ

- Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ (đàm phán, lập hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới, đánh giá, định giá công nghệ), tư vấn xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ.

- Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hỗ trợ các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành lập điểm kết nối cung cầu công nghệ và xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Khuyến khích doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.

- Triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế([1]). Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia các chợ công nghệ (Tech demo), các diễn đàn kết nối cung cầu công nghệ, các sự kiện về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Mở rộng và hợp tác giữa các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ trong và ngoài nước với các doanh nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và làm chủ công nghệ; triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án khoa học và công nghệ trọng điểm của trung ương và địa phương[2].

- Đẩy mạnh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, hoạt động chứng nhận, thông tin hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) và sở hữu trí tuệ[3]. Hỗ trợ các doanh nghiệp xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ; tra cứu thông tin đăng ký nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ kiêu dáng công nghiệp; sáng chế - giải pháp hữu ích cho các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã...trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)[4]

9. Về lĩnh vực du lịch

- Tập trung phát triển sản phẩm chủ lực, phát huy được lợi thế của tỉnh. Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút đầu tư du lịch quốc gia và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh[5]. Kêu gọi thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch có quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao để tạo điểm nhấn cho du lịch Gia Lai[6].

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Triển khai dự án “Cổng thông tin và ứng dụng thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động tích hợp bản đồ số” hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, đồng thời phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và xúc tiến, quảng bá du lịch.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch. Truyền tải các thông tin, thông điệp về du lịch địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau trên mạng intertnet và mạng xã hội.

- Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tang giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch: Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya, quần thể di tích Tây Sơn - Thượng đạo, tuyến du lịch Phú Thiện - Chư Sê, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng...

- Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các dự án du lịch của tỉnh. Xây dựng quy chế quản lý khách du lịch là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai; tạo cơ chế thông thoáng cho các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn phát triển. Tạo sự kết nối giữa nhà nước và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch gắn với nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý điểm đến cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh đối với doanh nghiệp; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ đối với lao động trực tiếp.

III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Nguồn lực kinh tế - xã hội để thực hiện kế hoạch: vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Các Sở, ban, ngành, đơn vị dự toán cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch và dự toán kinh phí cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định.

3. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Tham mưu, tổng hợp cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện và chế độ thông tin, báo cáo về triển khai thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành dịch vụ của các ngành, lĩnh vực, địa phương; kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh biện pháp xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Định kỳ hằng năm (trước ngày 15/11), bắt đầu từ năm 2021, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cấp có thẩm quyền về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch trong trường hợp cần thiết.

2. Các sở, ngành, địa phương có trách nhiệm:

- Theo chức năng nhiệm vụ, chủ động lồng ghép các nội dung và nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên đây vào các nhiệm vụ chuyên môn được giao.

- Trên cơ sở các nội dung và nhiệm vụ cơ cấu lại các ngành dịch vụ tại Kế hoạch này, khẩn trương và chủ động xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên lĩnh vực, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện tái cơ cấu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, kiểm điểm, báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại ngành, lĩnh vực dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, các Sở, ngành, địa phương chủ động đề xuất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- VPCP (Vụ ĐP);
- Các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- T/Trực Tỉnh ủy; T/Trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- T/Trực UBMTTQ tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- TT Huyện ủy, HĐND các huyện, thị xã, TP;
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Website tỉnh;
- Lưu VT, CV các khối, KTTH.

CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ ĐẾN NĂM 2020 ĐỊNH HƯỚNG 2025

TT

Chương trình

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

Cấp trình

Hình thức văn bản

1

Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Cạnh Tranh

Sở Công Thương

Các cơ quan liên quan

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định và Bộ Công Thương ban hành Thông tư hướng dẫn Thực thi Luật Cạnh Tranh

Văn bản hướng dẫn

2

Đề án tăng giường bệnh cho Bệnh viện Nhi và Trung tâm Y tế thị xã An Khê

Sở Y tế

Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng

2020

UBND tỉnh

Đề án

3

Phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Gia Lai giai đoạn 2020-2025

Sở Y tế

Sở Tài chính, Sở Nội vụ

2020

UBND tỉnh

Tờ trình kèm theo Đề án

4

Dự án Khoa sản Bệnh viện nhi tỉnh Gia Lai

Sở Y tế

Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng

2021-2025

UBND tỉnh

Tờ trình kèm theo Đề án

5

Đề án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I

Sở Y tế

Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Xây dựng

2021-2023

UBND tỉnh

Đề án

6

Giải pháp nâng cao xếp hạng của ngành du lịch theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI).

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án

UBND tỉnh

Kế hoạch

7

Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Các cơ quan liên quan

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch

UBND tỉnh

Quyết định



[1] Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để nghiên cứu và phát triển công nghệ của các tổ chức KHCN công lập trực thuộc.

[2] Chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp sử dụng và hướng dẫn hình thành, phát triển doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Nghiên cứu, đánh giá yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động Khoa học và Công nghệ. Phê duyệt dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2019-2021. Xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thống kế, đánh giá tình hình đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp; xác định tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị, giá trị giao dịch của thị trường KHCN.

[3] Tiến hành rà soát, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp; xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ để phục vụ doanh nghiệp.

[4] Thực hiện các giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có, phân bổ lao động hợp lý, định hướng việc làm, tránh tình trạng mất cân đối nguồn cung lao động, đặc biệt là các ngành nghề công nghệ cao. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác đào tạo có chiến lược, gắn với nhu cầu thị trường, từng bước xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hoá, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nghiên cứu cải cách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động, tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, bao gồm các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn khu vực tư nhân.

[5] Gồm: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch văn hóa-lịch sử... theo hướng bền vững

[6] Dự án sân Golf Đak Đoa, dự án Khu du lịch Biền Hồ-Chư Đang Ya, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường... Phát huy hiệu quả của Quần thể di tích Tây Sơn-Thượng đạo. Khu di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) và các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh trong việc khai thác loại hình du lịch văn hóa-lịch sử. Khai thác loại hình du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, lòng hồ Ayun Hạ, Lòng hồ thủy điện Sê San 4-Thác Mơ...

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 1567/KH-UBND ngày 30/07/2020 về cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


166

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.42.174
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!