ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2022/QĐ-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
06 tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG
THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa
ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số
166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về quy định thẩm quyền,
trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ,
phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Thông tư số
04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản
văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 616/TTr-SVHTTDL ngày 16 tháng 3
năm 2022 và ý kiến của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 448/BC-STP ngày 12 tháng 4 năm
2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý di sản
văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 5 năm
2022 và bãi bỏ Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về ban hành Quy chế quản lý di sản văn hóa trên địa
bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Tỉnh; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ VHTTDL;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- TT/TU, TT/HĐND, UBMTTQVN Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Tỉnh;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, THVX. VD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đoàn Tấn Bửu
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(kèm theo Quyết định số 07/2022 /QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định các hoạt động
về quản lý di sản văn hóa (bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) trên
địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã được cơ quan nhà nước công nhận, xếp hạng theo quy định
của Luật Di sản văn hóa; danh mục kiểm kê di sản văn hóa đã được Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.
Điều 2.
Đối tượng quản lý
1. Di tích xếp hạng quốc gia,
quốc gia đặc biệt.
2. Di tích xếp hạng cấp tỉnh.
3. Di tích thuộc Danh mục kiểm
kê đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt
4. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc
gia.
5. Di sản văn hóa phi vật thể
được đưa vào Danh mục quốc gia, cấp Tỉnh.
Điều 3.
Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các
cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và
người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực di
sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 4.
Nguyên tắc chung
1. Hoạt động quản lý, bảo vệ và
phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Tỉnh phải
bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp
luật hiện hành có liên quan.
2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ,
hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong lĩnh vực quản lý theo ngành, lĩnh vực và
theo địa bàn.
Chương II
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ
Điều 5. Quản
lý nhà nước về di sản văn hóa
1. Công tác quản lý Nhà nước về
di sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân Tỉnh quản lý thống nhất và toàn diện.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố (gọi chung là cấp huyện) giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện quản lý
nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn được phân công tại Quy chế này.
4. Đối với các cơ quan, đơn vị,
ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu cấp có thẩm quyền quản lý Nhà nước về
di sản hóa đối với các di sản văn hóa trực tiếp quản lý.
Điều 6.
Phân công quản lý trực tiếp
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quản lý những di sản tiêu biểu, bao gồm: Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp; các
di tích quốc gia: Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; các di
tích cấp tỉnh: Cụm di tích Bảo tàng Tỉnh (Dinh Quận, Dinh Cò Tây, Nhà thầy thuốc
Lư, Phòng tra tấn và Phòng biệt giam); di tích Mộ cụ Phan Văn Cử.
2. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội quản lý di tích Nghĩa trang liệt sĩ Tỉnh.
3. Viễn thông Đồng Tháp quản lý
di tích Địa điểm Cơ quan Giao bưu Thông tin vô tuyến điện Nam bộ.
4. Vườn quốc gia Tràm Chim quản
lý danh thắng Vườn quốc gia Tràm Chim.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện quản
lý các di sản văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh và các di sản đã được
đưa vào danh mục kiểm kê của Tỉnh trên địa bàn quản lý (bao gồm di sản văn hóa
phi vật thể), trừ các di tích được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
6. Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn (gọi chung là cấp xã) quản lý các di sản văn hóa khi được Ủy ban nhân
dân cấp huyện ủy quyền.
Điều 7. Nhiệm
vụ các cấp quản lý
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm
a) Thành lập Ban quản lý di
tích cấp huyện để tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản
lý đối với các di tích trên địa bàn và trực tiếp quản lý đối với các di tích
quan trọng tại địa phương. Đối với các địa phương có số lượng di tích ít, chưa
thành lập Ban quản lý di tích cấp huyện thì giao trách nhiệm cho Phòng Văn hóa
và Thông tin trực tiếp quản lý đối với các di tích quan trọng trên địa bàn và hướng
dẫn nghiệp vụ về quản lý di tích đối với cơ sở.
b) Cơ cấu Ban quản lý di tích cấp
huyện gồm: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện làm Trưởng ban; lãnh đạo Phòng
Văn hóa và Thông tin làm Phó trưởng Ban thường trực; thành viên gồm lãnh đạo
các phòng, ban, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cấp huyện.
c) Ban quản lý di tích trực thuộc
Ủy ban nhân dân cấp huyện, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã có
trách nhiệm
a) Thành lập Ban quản lý di
tích cấp xã, thành phần gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã, đại diện
ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đại diện dòng họ (nếu là di tích lưu niệm
danh nhân), đại diện trụ trì hoặc người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích, chủ
sở hữu di tích.
b) Ban Quản lý di tích cấp xã
thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa
bàn theo quy định; hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự chỉ đạo về chuyên
môn nghiệp vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có
trách nhiệm ban hành quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích cấp huyện; Ủy
ban nhân dân cấp xã ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích cấp xã.
4. Ban quản lý di tích cấp huyện
và cấp xã có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng quy chế
hoạt động để thực hiện tốt công tác quản lý di tích trên địa bàn. Căn cứ tình
hình thực tế của từng địa phương, Ban quản lý di tích cấp xã xem xét việc lập
các Tổ quản lý trực tiếp cho từng di tích, cụm di tích trên địa bàn được giao
quản lý hoặc giao cho chủ sở hữu di tích trực tiếp quản lý.
Chương
III
QUẢN LÝ VÀ PHÁT HUY GIÁ
TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
Điều 8. Quản
lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật
thể trên địa bàn tỉnh; tham mưu xây dựng ban hành danh mục kiểm kê đối với di sản
văn hóa phi vật thể của tỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
cấp huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị
các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được ghi danh vào danh mục Di sản
văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu
cho Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích tạo điều kiện để tổ
chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn
hóa phi vật thể tại địa phương.
3. Kinh phí hoạt động bảo tồn,
phát huy di sản văn hóa phi vật thể (kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, nghiên cứu,
truyền dạy, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể) được bố trí từ nguồn
ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Điều 9. Bảo
vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thực hiện việc thẩm định, hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ lưu giữ bảo quản di sản
văn hóa phi vật thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân; đồng thời chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Tổ chức thực hiện các dự án
nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, phân loại bổ sung Danh mục di sản văn hóa phi vật
thể trong phạm vi toàn tỉnh; Tổ chức đánh giá, lựa chọn di sản văn hóa phi vật
thể đảm bảo tiêu chí lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền đưa vào Danh
mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
b) Tổ chức truyền dạy, phổ biến,
xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
c) Tăng cường đầu tư và hỗ trợ
kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
d) Mở rộng các hình thức xã hội
hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
2. Người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được tiến hành nghiên cứu, sưu tầm di sản
văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải tuân thủ theo quy định pháp luật
có liên quan về nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.
Điều 10.
Hoạt động khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch,
kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa, con người Đồng Tháp
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã căn cứ thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp khai thác các giá
trị văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch có trách nhiệm quản lý khách
tham quan theo quy định; không được lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình
diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành
vi khác trái pháp luật làm sai lệch nội dung, giá trị di sản.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
các Sở, ngành Tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã căn cứ thẩm
quyền được giao chủ trì, phối hợp xây dựng cơ chế chính sách đối với việc khai
thác, sử dụng các di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch nhằm
thúc đẩy kinh tế phát triển và đảm bảo lợi ích cho người dân.
Chương IV
QUẢN LÝ VÀ PHÁT HUY GIÁ
TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ
Điều 11.
Các hoạt động quản lý
1. Hoạt động kiểm kê, phân loại
di tích
a) Di tích trên địa bàn tỉnh Đồng
Tháp phải được kiểm kê, lập hồ sơ theo quy định của pháp luật về di sản văn
hóa. Việc kiểm kê di tích được tổ chức thực hiện theo tiêu chí quy định tại Khoản
2, Điều 28 Luật Di sản văn hóa và Khoản 9, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Di sản văn hóa.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm
kê di tích trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kiểm kê di
tích trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt, công bố hoặc điều chỉnh,
bổ sung danh mục kiểm kê di tích.
c) Định kỳ 05 (năm) năm một lần,
giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và
tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện rà soát, kiểm kê và trình Ủy ban nhân
dân Tỉnh bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục kiểm kê các công trình xây dựng, địa
điểm, cảnh quan thiên nhiên không đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích.
d) Kinh phí tổ chức kiểm kê từ
nguồn ngân sách tỉnh, cấp huyện và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
đ) Ủy ban nhân dân cấp xã chịu
trách nhiệm kê khai bổ sung các công trình xây dựng, địa điểm, khu vực thiên
nhiên trên địa bàn có tiêu chí theo quy định tại Điều 28 Luật Di sản văn hóa
(được sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Di sản văn hóa) nhưng chưa có trong danh mục kiểm kê di tích, báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp huyện lập danh sách, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kiểm
tra, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.
2. Hoạt động lập hồ sơ xếp hạng
di tích
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chịu trách nhiệm thực hiện việc lập hồ sơ khoa học di tích và trình Ủy ban nhân
dân Tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh; tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh trình Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia; tham mưu Ủy ban nhân
dân Tỉnh trình Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng
di tích quốc gia đặc biệt theo quy định hiện hành.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tiến hành lập hồ sơ xếp hạng.
3. Lễ đón bằng xếp hạng di tích
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc
biệt.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lễ đón bằng xếp hạng di
tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.
c) Kinh phí tổ chức lễ đón nhận
bằng xếp hạng di tích được hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, cấp
xã và huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
4. Về quy hoạch di tích
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban
nhân dân cấp huyện nơi có di tích, xây dựng quy hoạch tổng thể, đề án về quản
lý và phát huy giá trị di tích quốc gia, cấp tỉnh.
b) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục
lập, phê duyệt quy hoạch thực hiện theo quy định tại Nghị định số
166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về việc quy định thẩm
quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản,
tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
5. Tu bổ, phục hồi di tích
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
lập kế hoạch dự toán kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia, cấp
tỉnh bằng các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn tài
trợ hợp pháp khác.
b) Các Sở, ngành và Ủy ban nhân
dân cấp huyện được phân công quản lý trực tiếp di tích phối hợp với Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch lập kế hoạch dự toán kinh phí bảo quản, tu bổ, phục hồi các
di tích trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Ngân sách đầu tư hoạt động bảo
quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích:
- Ngân sách Trung ương, ngân
sách tỉnh ưu tiên đầu tư hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị
di tích tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 Quy chế này. Tăng cường huy động, xã hội
hóa các nguồn lực đầu tư.
- Ngân sách cấp huyện và các
nguồn huy động hợp pháp khác đầu tư hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát
huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn do cấp huyện quản lý (trừ các di
tích nêu tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 Quy chế này).
- Tùy thuộc vào tính chất cấp
thiết, mức độ xuống cấp (bao gồm di tích: quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh),
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên
quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất cấp có thẩm quyền về mức vốn đầu tư
công trình từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và giao nhiệm vụ
chủ đầu tư để thực hiện tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích trên địa bàn
do cấp huyện quản lý, và do các cơ quan, đơn vị, ngành trực tiếp quản lý.
d) Nội dung thực hiện công tác
bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích thực hiện theo quy định tại Nghị định số
166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình
tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi
di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL
ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết
một số Điều về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND
ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành
Quy định phân công, phân cấp và ủy quyền trong việc thực hiện một số nhiệm vụ
quản lý dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
6. Quản lý đất đai và không
gian di tích
a) Di tích được xếp hạng và di
tích thuộc danh mục kiểm kê phải được bảo vệ về đất đai, mặt bằng và không gian
di tích theo các quy định của pháp luật hiện hành.
b) Việc cải tạo, xây dựng công
trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích được
thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của
Chính phủ và các quy định hiện hành. Trong quá trình cải tạo, xây dựng các công
trình thấy có khả năng phát hiện các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
hoặc phát hiện các di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải
tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi di tích tọa lạc.
7. Quản lý và sử dụng các nguồn
thu từ di tích
a) Nguồn thu của di tích bao gồm:
Phí tham quan di tích; các khoản thu hợp pháp từ hoạt động phát huy giá trị di
tích; nguồn tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài
và các khoản thu khác (bằng tiền, hiện vật và các hình thức hợp pháp khác).
b. Quản lý, sử dụng nguồn thu của
di tích:
- Ban quản lý di tích quản lý
các nguồn thu, lập dự toán thu, chi hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt,
sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
- Nguồn thu của di tích được sử
dụng cho công tác quản lý, phát huy giá trị di tích; tu bổ di tích; chi tổ chức
lễ hội và các hoạt động thường xuyên tại di tích; hỗ trợ, bồi dưỡng những người
trực tiếp trông coi: Ban hội hương, Thủ từ, làm vệ sinh và chi hoạt động xã hội,
từ thiện.
- Đối với các di tích là cơ sở
tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì thực hiện theo quy định của
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
c) Việc quản lý, sử dụng các
nguồn thu phải được công khai, minh bạch và được sự giám sát, kiểm tra của Sở
Văn hóa, Thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị, ngành quản
lý trực tiếp di tích.
8. Việc tiếp nhận, bổ sung hiện
vật thờ cúng mới vào di tích
a) Được sự đồng thuận của nhân dân
nơi có di tích, được sự đồng ý và hướng dẫn cụ thể của Phòng Văn hóa và Thông
tin cấp huyện.
b) Hiện vật thờ cúng được bổ
sung phải có giá trị thẩm mỹ, kích thước, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với loại
hình, không gian kiến trúc và nội thất của di tích.
d) Việc bổ sung hoặc tiếp nhận
các hiện vật thờ cúng mới vào di tích phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ
quan quản lý nhà nước về văn hóa (đối với di tích lập danh mục kiểm kê: Phòng
Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố; đối với di tích đã xếp hạng: Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch).
9. Quản lý di vật, cổ vật, bảo
vật quốc gia trong di tích
a) Các đơn vị được giao chịu
trách nhiệm trong việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
được phân cấp tại Điều 5 Quy chế này.
b) Các chủ sở hữu di tích chịu
trách nhiệm trong việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
sau khi di tích được đưa vào danh mục kiểm kê di tích và di tích đã được xếp hạng.
c) Tổ chức, cá nhân được giao
quản lý di tích không được tự ý di dời, tu sửa làm thay đổi màu sắc, kiểu dáng
hiện vật và các yếu tố gốc cấu thành di tích hoặc tiếp nhận, đưa thêm hiện vật
vào di tích và khuôn viên di tích khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý
nhà nước có thẩm quyền về văn hóa (đối với di tích lập danh mục kiểm kê: Phòng
Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố; đối với di tích đã xếp hạng: Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch).
Điều 12.
Các hoạt động bảo vệ di tích
1. Các di tích đã được xếp hạng
phải được cắm mốc giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ khoanh
vùng bảo vệ; gắn bia, biển hướng dẫn, bảng nội quy và bảng giới thiệu di tích,
do Ban quản lý di tích và đơn vị trực tiếp quản lý di tích chủ động phối hợp với
các ngành có liên quan thực hiện.
2. Các di tích chưa có điều kiện
phát huy giá trị phải được bảo vệ nguyên trạng; khi có dấu hiệu xuống cấp hoặc
bị xâm hại, Ban quản lý di tích và đơn vị quản lý trực tiếp di tích phải có
phương án bảo vệ kịp thời và báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp bảo vệ, tu
bổ.
3. Các hoạt động bảo vệ di tích
phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong các hoạt động bảo
tồn, tôn tạo di sản văn hóa của pháp luật hiện hành.
Điều 13.
Các hoạt động phát huy giá trị di tích
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp
huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa, quảng bá
giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.
2. Các hoạt động dịch vụ tại di
tích phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện và của
đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích.
3. Hoạt động dịch vụ được bố
trí ở vị trí thích hợp, đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới yếu tố gốc cấu
thành di tích, cảnh quan môi trường, an ninh và các hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo.
4. Đối với các di tích là cơ sở
tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tín ngưỡng,
tôn giáo và các quy định khác có liên quan.
5. Khuyến khích và vận động các
tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động tu bổ, phục
hồi và phát huy giá trị di tích.
6. Các tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động phát huy giá trị di tích có trách nhiệm bảo vệ, ngăn ngừa các
hành vi xâm hại đến di tích, di vật; đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh,
cảnh quan môi trường di tích theo quy định.
Điều 14.
Các hoạt động khác
1. Hoạt động tham quan nghiên cứu
khoa học
a) Các tổ chức, cá nhân là công
dân Việt Nam có quyền tham quan, nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa trên địa
bàn và tuân thủ các quy định về tham quan, nghiên cứu khoa học của đơn vị quản
lý.
b) Các tổ chức, cá nhân người
nước ngoài, các tổ chức quốc tế và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu
nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo các
quy định hiện hành.
2. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên
quan tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác
quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; tổ
chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các đối tượng hoạt động hành lễ tại di tích.
b) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố tổ chức các hình thức bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ
cán bộ cơ sở và những người trực tiếp quản lý di sản tại địa bàn quản lý.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích
xuất sắc trong việc quản lý và phát huy giá trị di sản được biểu dương, khen
thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các
quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan đến công
tác quản lý và phát huy giá trị di sản sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.
Điều 16. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chịu trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Quy chế
này và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh.
2. Các Sở, ban, ngành Tỉnh có
liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp, chỉ đạo
các Ban quản lý di tích triển khai thực hiện Quy chế này phù hợp với tình hình
thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
3. Trong quá trình triển khai
thực hiện nếu có vấn đề chưa phù hợp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết
định./.