BAN HÀNH NỘI QUY HỘI NGHỊ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ VỀ
CÔNG TÁC NHÂN QUYỀN VÀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Báo chí số
103/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số
72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông
tin đối ngoại;
Căn cứ Nghị định số
09/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về quy định chi tiết việc
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
22/2016/TT-BTTTT ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông về việc hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Kế hoạch số
9034/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề
án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn
tỉnh Quảng Nam;
Theo đề nghị của Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 108/TTr- STTTT ngày 15 tháng 5 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Nội quy Hội nghị
cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố và các cơ quan báo chí; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ về Nhân quyền tỉnh (CA tỉnh gửi giúp);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh;
- VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT; KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Quang Bửu
|
NỘI QUY
HỘI NGHỊ CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ VỀ CÔNG TÁC NHÂN QUYỀN
VÀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1271/QĐ-UBND ngày 29/05/2024 của UBND tỉnh
Quảng Nam)
I. ĐỐI VỚI
CƠ QUAN BÁO CHÍ
1. Thành phần tham dự
- Lãnh đạo cơ quan báo chí; nhà
báo, phóng viên phụ trách lĩnh vực nội chính/chính luận/thời sự/quốc tế có bản
lĩnh chính trị; dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp và kiến thức về vấn đề quyền con
người và thông tin đối ngoại; không bị xử lý kỷ luật dưới mọi hình thức và thuộc
danh sách được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tùy tính chất của Hội nghị
cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại
trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt Hội nghị), Giám đốc Sở Thông tin và
Truyền thông báo cáo UBND tỉnh xem xét, mở rộng danh sách thành phần đại biểu của
cơ quan báo chí tham dự Hội nghị.
2. Trách nhiệm
Cơ quan báo chí có đại diện được
mời tham dự Hội nghị tạo điều kiện để nhân sự tham dự đảm bảo yêu cầu, thông
tin kịp thời, đầy đủ (trường hợp thay đổi nhân sự tham dự phải báo cáo và có
sự thống nhất của Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị); Chỉ đạo thực hiện các sản
phẩm báo chí về quyền con người và thông tin đối ngoại về tỉnh Quảng Nam đảm bảo
đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thông báo cho
Ban Tổ chức về các tác phẩm báo chí đã được đăng phát hằng tháng để theo dõi
(qua Sở Thông tin và Truyền thông).
- Chấp hành nghiêm nội quy Hội
nghị; tham dự đầy đủ các Hội nghị (định kỳ hằng tháng/quý hoặc đột xuất)
và thông báo với cơ quan chủ quản, đơn vị chủ trì tổ chức Hội nghị (ít nhất
01 ngày trước thời điểm tổ chức Hội nghị) trong trường hợp vắng mặt; chấp
hành các quy định về bí mật nhà nước; sử dụng thông tin được cung cấp từ các cơ
quan chức năng có thẩm quyền để nâng cao số lượng và chất lượng công tác thông
tin đối ngoại, nhân quyền góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Nam, đấu tranh, phản
bác các thông tin xuyên tạc, sai trái.
3. Quyền hạn
- Đề xuất nhu cầu thông tin
liên quan đến công tác quyền con người trên địa bàn tinh (việc đề xuất cung
cấp thông tin phải đảm bảo quy định về bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân,
bí mật khác theo quy định).
- Được hưởng các chế độ theo
quy định hiện hành của Nhà nước khi tham dự Hội nghị hoặc các hoạt động thực tế
trong khuôn khổ Hội nghị (nếu có); được xem xét hợp tác truyền thông đối
với cơ quan báo chí mà phóng viên, nhà báo có bài viết chất lượng, phản ánh
đúng thực chất sự việc liên quan đến nhân quyền.
- Được mời tham gia các hoạt động
thực tế, các hội nghị, hội thảo liên quan về nhân quyền do các đơn vị thành
viên Ban Tổ chức Hội nghị tổ chức.
II. ĐỐI VỚI
CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Trách nhiệm của đơn vị chủ
trì tổ chức Hội nghị
Sở Thông tin và Truyền thông và
Công an tỉnh là đơn vị đồng chủ trì tổ chức Hội nghị. Trên cơ sở chức năng, nhiệm
vụ được giao, phối hợp triển khai thực hiện:
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách thành phần đại biểu của cơ quan báo
chí tham dự Hội nghị.
- Mời đại biểu tham dự Hội nghị,
tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị và các hoạt động khác liên quan
đến công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị,
địa phương cung cấp thông tin về tình hình nhân quyền theo định kỳ tháng/quý hoặc
đột xuất khi có yêu cầu và đề xuất nội dung cần tuyên truyền trong tháng/quý kế
tiếp.
- Tiếp nhận nhu cầu thông tin của
đại diện cơ quan báo chí dự Hội nghị và xem xét điều phối cung cấp thông tin.
- Hằng tháng/quý nhận xét, đánh
giá về kết quả tuyên truyền về nhân quyền trên báo chí; định kỳ 6 tháng (trước
ngày 30 tháng 6) và hằng năm (trước 30 tháng 11) báo cáo kết quả triển
khai thực hiện về UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh để theo dõi.
- Phối hợp các đơn vị, địa phương
có liên quan xử lý triệt để đối với các trường hợp cơ quan báo chí, các loại
hình truyền thông đưa tin sai sự thật, xuyên tạc sự việc, vi phạm quy định pháp
luật về báo chí hoặc có những hành vi bôi nhọ tổ chức, cá nhân liên quan về
nhân quyền và thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
2. Trách nhiệm các cơ quan
chức năng cung cấp thông tin
- Thực hiện cung cấp thông tin
chính thức bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ, đấu tranh
nhân quyền và thông tin đối ngoại do đơn vị mình quản lý về Ban Tổ chức Hội nghị
khi có yêu cầu (các nội dung kèm theo: báo cáo, lập luận, tư liệu, tài liệu,
hồ sơ, video, clip, hình ảnh, ...) nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đấu
tranh, phản bác với các thông tin xuyên tạc, sai trái.
- Cử Người phát ngôn hoặc Người
được ủy quyền phát ngôn của đơn vị tham dự Hội nghị để cung cấp thông tin cho
báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại do đơn vị mình quản lý, đảm
nhiệm; trao đổi, giải đáp cho các cơ quan báo chí khi có yêu cầu; chấp hành các
quy định về bí mật nhà nước.
- Chủ động đề xuất với Ban Tổ
chức Hội nghị về nội dung cung cấp thông tin cho báo chí khi có vụ việc xảy ra;
tổ chức tuyên truyền kịp thời về nhân quyền và thông tin đối ngoại do đơn vị
mình quản lý, không để khủng hoảng thông tin.
- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ
được giao và căn cứ hướng dẫn, định hướng của Ban Tổ chức Hội nghị, các cơ quan
đơn vị liên quan tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí về nhân quyền và thông
tin đối ngoại. Trong đó:
+ Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh phát ngôn và cung cấp thông tin trong trường
hợp xảy ra sự cố liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Sở Y tế phát ngôn và cung cấp
thông tin liên quan đến sức khỏe của cộng đồng;
+ Ban Dân tộc tỉnh phát ngôn và
cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc;
+ Sở Nội vụ phát ngôn và cung cấp
thông tin liên quan đến vấn đề tôn giáo;
+ Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội phát ngôn và cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề lao động, người cao
tuổi, trẻ em, người khuyết tật và vấn đề bình đẳng giới;
+ Sở Giáo dục và Đào tạo phát
ngôn và cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề giáo dục, đào tạo và giáo viên;
+ Đối với các vấn đề khác: tùy
theo nội dung công việc, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa
phương phát ngôn và cung cấp thông tin trong Hội nghị.
III. MỐI
QUAN HỆ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO CHO HỘI NGHỊ
1. Sở Thông tin và Truyền
thông, Công an tỉnh theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy,
định hướng thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và công tác thông tin
đối ngoại quan trọng của đất nước, của tỉnh; kiểm duyệt thông tin trước khi
cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại
trên địa bàn tỉnh trong Hội nghị.
2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
phối hợp hỗ trợ trong trường hợp kết hợp tổ chức cung cấp thông tin về nhân quyền,
thông tin đối ngoại tại Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hằng quý của tỉnh.
IV. TỔ CHỨC
HỘI NGHỊ
1. Hội nghị tổ chức định kỳ hằng
quý hoặc đột xuất (tùy theo yêu cầu về thông tin, Hội nghị có thể kết hợp với
Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hằng quý của tỉnh).
2. Hội nghị tổ chức trong trường
hợp đột xuất phải đảm bảo thời điểm tổ chức Hội nghị không quá 24 giờ kể từ khi
vụ việc xảy ra.
V. KINH PHÍ
HOẠT ĐỘNG
1. Nội dung chi, mức chi tổ chức
hội nghị được thực hiện theo quy định hiện hành và các nội dung chi khác có
liên quan theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền (nếu có).
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp
với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh bố trí dự toán chi thường
xuyên ngân sách tỉnh để thực hiện Hội nghị trong khả năng cân đối ngân sách
theo phân cấp ngân sách hiện hành, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các
văn bản pháp luật quy định chế độ, chính sách có liên quan.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các Sở, Ban, ngành, đơn vị;
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Nội quy
này tới cán bộ, công chức, viên chức thuộc đơn vị, địa phương quản lý.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và Nội quy này. Trường hợp vi phạm,
tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Giao Sở Thông tin và Truyền
thông theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nội quy; kịp thời báo cáo,
tham mưu UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có)./.