Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi
Bộ Y tế nhận được Công văn số 18/BDN ngày
14/01/2025 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có một
số kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Đề nghị tiếp tục đào tạo Bác
sĩ liên thông từ Y sĩ, ưu tiên đào tạo Bác sĩ cho các cơ sở y tế tuyến huyện
khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, tuyến xã và một số
chuyên ngành khó tuyển dụng như: Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh;
tiếp tục đào tạo trình độ y sĩ, mở rộng đối tượng được đào tạo cử tuyển (Nghị định
141/2020/NĐ-CP chỉ quy định đối tượng đào tạo cử tuyển là người dân tộc thiểu số...).
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng
Nghị định quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học,
dự kiến trình Chính phủ trong năm 2025, trong đó có quy định đặc thù về đào tạo
liên thông trong lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo
và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định này; trên cơ sở tiếp thu ý kiến của cử
tri, Bộ Y tế sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể các quy định trong quá trình tham gia
soạn thảo, ưu tiên đào tạo bác sĩ liên thông từ y sĩ cho tuyến xã, các cơ sở y
tế tuyến huyện tại khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó
khăn và các chuyên ngành khó tuyển dụng như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải
phẫu bệnh.
Về đề xuất mở rộng đối tượng đào tạo cử tuyển, hiện
Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ chỉ quy định đối tượng
cử tuyển là người dân tộc thiểu số. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế tại các
huyện nghèo, ngày 20/02/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số
585/QĐ-BYT phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác
tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng có điều kiện kinh tế
- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (Dự án 585); được sửa
đổi, bổ sung bởi Quyết định số 4919/QĐ-BYT ngày 14/9/2016. Dự án nhằm đào tạo
bác sĩ chuyên khoa cấp I, cung cấp nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cho vùng
khó khăn. Đến nay, Dự án đã tiếp nhận và đào tạo 803 bác sĩ thuộc 11 chuyên
ngành, công tác tại 155 huyện khó khăn thuộc 39 tỉnh, trong đó: 504 bác sĩ
(62,8%) đã tốt nghiệp và bàn giao cho 117 huyện khó khăn thuộc 34 tỉnh; 299 bác
sĩ (37,2%) đang học tại 5 trường đại học y; tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa cấp I tốt
nghiệp và công tác tại các vùng thực hiện dự án đạt 460/504 (91,3%).
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề
án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về tăng cường đào tạo nhân lực là người
dân tộc thiểu số. Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập
xây dựng dự thảo Đề án này; trên cơ sở ý kiến của cử tri, Bộ Y tế sẽ đề xuất cụ
thể trong quá trình tham gia soạn thảo, nhằm tăng cường đào tạo nhân lực y tế
là người dân tộc thiểu số và mở rộng đối tượng đào tạo cử tuyển cho người Kinh
tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Đề nghị trình Chính phủ sửa
đổi, bổ sung Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số
điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh vì theo Nghị định này, loại hình dịch vụ như
cơ sở spa, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không sử dụng thuốc
gây tê dạng tiêm (phun, xăm...) thuộc cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại
hình phải có giấy phép hoạt động, dẫn đến rất khó khăn trong việc quản lý,
thanh tra, kiểm tra các cơ sở này.
Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số
15/2023/QH15, các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm
mỹ bao gồm: Bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ hoặc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật
thuộc chuyên khoa thẩm mỹ; Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; Phòng khám chuyên
khoa thẩm mỹ. Hiện nay, ngoài các cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép
hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ, vẫn tồn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không
phép, hoạt động không đúng quy định pháp luật, núp bóng dưới các hình thức như
cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, tóc, thẩm mỹ viện, spa. Đáng chú ý, nhân lực tại
các cơ sở này thường chưa được đào tạo bài bản, đúng phạm vi hành nghề. Một số
trường hợp chỉ tham gia các khóa đào tạo nghề cơ bản về chăm sóc, làm đẹp, phun
xăm theo hình thức hướng dẫn thực hành, nhưng vẫn thực hiện các kỹ thuật như
tiêm filler, botox,...có thể gây hậu quả và biến chứng nghiêm trọng.
Bộ Y tế đang rà soát các nội dung cần điều chỉnh
trong Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của
Luật khám bệnh, chữa bệnh để phù hợp với thực tế và bảo đảm việc quản lý đối với
các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của cử tri và sẽ xem xét,
báo cáo Chính phủ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm tăng cường quản
lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
3. Theo Nghị định 07/2023/NĐ-CP
ngày 03/3/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số
98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, một
số thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm có giấy phép nhập khẩu hoặc đăng ký lưu
hành sản phẩm có thời hạn hiệu lực đến 31/12/2024. Như vậy sau 31/12/2024 sẽ có
nhiều thiết bị y tế, hóa chất xét nghiệm hết thời hạn hiệu lực lưu hành. Nếu
không có biện pháp cấp đăng ký lưu hành mới từ 01/01/2025 sẽ dẫn đến thiếu hàng
hóa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh từ 01/01/2025. Đề nghị Bộ Y tế có giải pháp
gia hạn giấy phép lưu hành cho nhóm hàng hóa này.
Ngày 01/01/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số
04/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý thiết bị y tế đã được sửa
đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 của
Chính phủ; theo đó đã gia hạn giấy phép nhập khẩu và số đăng ký lưu hành tới
30/6/2025.
4. Đề nghị Bộ Y tế có quy định
cụ thể đối với tên cơ sở khám chữa bệnh, vì nhiều cơ sở lợi dụng điều này để phục
vụ mục đích quảng cáo quá phạm vi chuyên môn. Ví dụ như Trung tâm Y khoa quốc tế,
Trung tâm Y khoa công nghệ cao nhưng thực chất loại hình chỉ là phòng khám bác
sĩ y khoa hoặc phòng khám nội; hay Viện ứng dụng Y học cổ truyền, nhưng thực tế
là loại hình phòng chẩn trị Y học cổ truyền.
Theo quy định tại Điều 70 Nghị định
số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật
khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở
khám, chữa bệnh:
“Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cấp giấy
phép hoạt động phải có biển hiệu theo quy định của pháp luật về biển hiệu,
không sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ trên biển hiệu và có đủ các thông tin cơ bản
sau đây: (1) Tên đầy đủ của cơ sở; (2) Hình thức tổ chức; (3) Số giấy phép hoạt
động khám bệnh, chữa bệnh; (4) Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động
khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại; (5) Thời gian hoạt động”.
Do vậy, trên biển hiệu của cơ sở khám, chữa bệnh đã
thể hiện được hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp biển
hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không ghi đủ nội dung nêu trên, cơ sở sẽ bị
xử phạt theo khoản 1, Điều 39 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP
ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
y tế. Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan
và các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám
sát.
5. Đề nghị nghiên cứu xây dựng
Bảng lương đặc thù cho ngành y tế, trong đó cần phải lượng hóa được các yếu tố
đặc thù ngành (thời gian đào tạo, bồi dưỡng để hành nghề nhiều hơn so với các
ngành khác, áp lực công việc cao, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm,...),
cần bổ sung phụ cấp thâm niên nghề cho cán bộ, viên chức ngành y tế, nâng mức
lương khởi điểm cho Bác sĩ, Thạc sĩ mới ra trường; nâng mức tiền trực cho y,
bác sĩ, cán bộ y tế.
5.1. Về việc xây dựng bảng lương và nâng mức lương
khởi điểm cho Bác sĩ, Thạc sĩ mới ra trường
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách
tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người
lao động trong doanh nghiệp, Bộ Y tế đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về cải
cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Bộ Nội vụ
đề xuất các chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ khi tuyển dụng được
xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh[1].
Khi xây dựng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ, Bộ Y
tế đã có Công văn số 1731/BYT-TCCB ngày 05/4/2024 gửi Bộ Nội vụ đề xuất: (1) Bổ
sung thêm đối tượng bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng
II), dược sĩ chính (hạng II) vào Nhóm 3; (2) Bổ sung thêm đối tượng bác sĩ (hạng
III), bác sĩ y học dự phòng (hạng III), dược sĩ (hạng III) vào Nhóm 5[2]. Do các đối tượng này có
thời gian đào tạo dài, điểm đầu vào thường cao hơn so với các trường khác và thực
tập chuyên môn nghiệp vụ trong thời gian học với cường độ cao, tiếp xúc nhiều với
nguồn lây bệnh, môi trường độc hại, nguy hiểm. Yêu cầu khối lượng học tập bằng
tín chỉ của bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ đáp ứng chuẩn đầu ra tương
đương bậc 7; yêu cầu khối lượng học tập bằng tín chỉ của bác sĩ chính, bác sĩ y
học dự phòng chính, dược sĩ chính đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 8 theo
quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ
ban hành phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, nội dung này
chưa được xem xét.
Thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ
Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội,
trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, Bộ Y tế sẽ tiếp
tục đề xuất nội dung này sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước và Bộ Nội vụ.
5.2. Về chế độ trực và phụ cấp cho cán bộ y tế
Về chế độ trực, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị
định quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù trong đó có chế độ trực đối với
viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập; chế độ phụ cấp chống dịch
và chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản, tổ dân phố; dự kiến trình Chính phủ
vào tháng 6/2025.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Quảng Ngãi liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: TCCB, KCB, HTTB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[1]
- Báo cáo số 1076/BC-BYT ngày 20/9/2019 về đề xuất bảng lương theo vị trí việc
làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức
viên chức ngành y tế;
- Báo cáo số 350/BC-BYT ngày 13/3/2023 về kết quả
và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết
số 27-NQ/TW
[2]
Nhóm 3 là nhóm mới bổ sung ở giữa A2 và A3, Nhóm 5 là nhóm mới bổ sung ở giữa A1
và A2 áp dụng đối với một số chức danh mới thuộc ngành giáo dục và đào tạo có sự
thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Luật giáo dục năm 2019