ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 787/KH-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 22
tháng 11 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC, SAU ĐẠI HỌC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN
2021 - 2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM 2021 ĐẾN NĂM 2025
I. CĂN CỨ
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Quyết định số 1719/QĐ-TTg
ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai
đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
- Thông tư số 02/2022/TT-UBDT
ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm
2025;
- Thông tư số 02/2023/TT-UBDT
ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số
dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021
đến năm 2025;
- Thông tư số 55/2023/TT-BTC
ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh
phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu
quốc gia giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 760/KH-UBND ngày
28/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu
quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2025;
- Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày
10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm
2023;
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm triển khai, thực hiện có hiệu
quả nội dung 2, tiểu dự án 2 Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đào tạo đại học, sau đại học).
Tạo nguồn cán bộ cho địa
phương; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Yêu cầu
Xác định nhu cầu, thực hiện đào
tạo đại học, sau đại học bảo đảm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng của
các địa phương, đơn vị.
Công tác đào tạo đại học, sau đại
học phải được thực hiện đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước.
III. ĐỐI TƯỢNG
1. Đào tạo đại học
a. Sinh viên học tại các cơ sở
giáo dục đại học được tiếp nhận sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học
thuộc đối tượng ưu tiên tuyển sinh đối với học sinh thuộc nhóm dân tộc thiểu số
còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; học sinh dân tộc thiểu số cư trú ở
các xã khu vực III, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN; học sinh thuộc nhóm
các dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn nhân lực thấp theo Nghị quyết số
52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các
dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt
là Nghị quyết số 52/NQ-CP).
b. Sinh viên học tại các cơ sở
giáo dục đại học thuộc nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó
khăn đặc thù quy định tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có
khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Quyết định số
1227/QĐ-TTg); nhóm các dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn nhân lực thấp theo
Nghị quyết số 52/NQ-CP .
2. Đào tạo sau đại học
Cán bộ, công chức, viên chức
thuộc nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù quy định
tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ; nhóm các dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn
nhân lực thấp theo Nghị quyết số 52/NQ-CP , trong đó ưu tiên cán bộ, công chức,
viên chức làm công tác dân tộc, cán bộ nữ.
IV. NGUYÊN TẮC
THỰC HIỆN
1. Ưu tiên đào tạo đối với
nhóm dân tộc thiểu số có chất lượng nguồn nhân lực thấp; nhóm dân tộc thiểu số
còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù thuộc các xã khu vực III, thôn bản
ĐBKK; cán bộ nữ.
2. Nhu cầu, chỉ tiêu
theo từng chuyên ngành đại học, sau đại học do UBND cấp tỉnh quyết định theo
yêu cầu của địa phương đảm bảo đúng đối tượng chính sách được quy định tại khoản
2, khoản 3 Điều 47 của Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 của Ủy ban
dân tộc.
3. Công tác tuyển sinh,
đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
V. NỘI DUNG
CHI, MỨC CHI
Thực hiện theo quy định tại khoản
2, Điều 21 Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực
hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ học phí đại học
và sau đại học, chi phí học tập, chi phí sinh hoạt cho sinh viên là người dân tộc
thiểu số đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học: Thực hiện theo mức quy định
của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá
dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày
11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối
với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại cơ sở giáo dục đại học, Nghị định
số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ
đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
2. Hỗ trợ học bổng chính
sách và các chế độ khác cho sinh viên, học viên: Thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2020 của
Chính phủ quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số;
Nghị định số 57/2017/NĐ- CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu
tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân
tộc thiểu số rất ít người.
VI. PHƯƠNG
THỨC THỰC HIỆN
Thực hiện theo phương thức ký kết
hợp đồng đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học.
VII. THÀNH LẬP
HỘI ĐỒNG XÉT CHỌN
1. Hội đồng xét chọn đào
tạo đại học, sau đại học Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn
I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Hội đồng) do Ủy ban nhân
dân tỉnh thành lập, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện xét chọn đối tượng đào
tạo đại học, sau đại học.
2. Thành phần Hội đồng gồm:
- Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo
Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phó Chủ tịch thường trực Hội
đồng là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng là
lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính.
- Các thành viên khác gồm: Đại diện
phòng chuyên môn liên quan thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài
chính, Ban Dân tộc tỉnh.
3. Nhiệm vụ của Hội đồng
- Xem xét, lựa chọn nhu cầu, chỉ
tiêu theo từng chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học nhằm đảm bảo theo nhu
cầu của tỉnh; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thông báo nhu cầu, chỉ tiêu
đào tạo đại học, sau đại học.
- Thẩm định đơn đề nghị hưởng
chính sách của sinh viên; giấy báo trúng tuyển (nhập học) của cán bộ, công chức,
viên chức; xét chọn và đề xuất danh sách sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức
đúng đối tượng theo nhu cầu, chỉ tiêu do UBND tỉnh quyết định; trình UBND tỉnh
phê duyệt danh sách sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức được xét chọn đặt
hàng đào tạo theo Chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Nguyên tắc làm việc của Hội
đồng: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số.
Trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
5. Thông báo kết quả xét duyệt:
Chậm nhất 05 ngày làm việc sau ngày xét chọn, Hội đồng phải trình UBND tỉnh phê
duyệt danh sách sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức được xét chọn đặt hàng
đào tạo theo Chương trình mục tiêu quốc gia.
VIII. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến
năm 2025.
IX. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan thường trực, đầu mối
tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành
lập Hội đồng xét chọn đặt hàng đào tạo đại học, sau đại học theo Chương trình mục
tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
- Tổng hợp nhu cầu đào tạo đại
học, sau đại học của các địa phương, đơn vị; tham mưu cho Hội đồng tổ chức xét
chọn; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định đặt hàng với các cơ sở đào tạo
theo quy định.
- Trên cơ sở Quyết định đặt
hàng của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp với cơ sở
đào tạo thực hiện ký hợp đồng đặt hàng đào tạo đại học, sau đại học; thực hiện
chi trả và quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
- Phối hợp cơ sở đào tạo thông
báo cho sinh viên biết kết quả xét chọn của UBND tỉnh; phối hợp theo dõi tình
hình học tập, việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho sinh viên trong suốt quá trình
học tại cơ sở đào tạo.
- Phối hợp với các đơn vị có
liên quan thông báo cho cán bộ, công chức, viên chức biết kết quả xét chọn của
UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính thực hiện việc xây dựng dự toán, thanh quyết toán theo quy định.
- Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh
báo cáo tiến độ thực hiện đào tạo đại học, sau đại học theo Chương trình mục
tiêu quốc gia.
2. Sở Tài chính: Trên cơ
sở kinh phí được giao hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự toán, quản
lý, sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
3. Sở Nội vụ: Phối hợp với
Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị có liên quan thực hiện công tác quản lý nhà
nước về hoạt động đào tạo cán bộ, công chức, viên chức.
4. Ban Dân tộc tỉnh: Phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; tổng hợp,
đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn
2021-2025; tổng hợp kết quả thực hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
5. UBND các huyện, thành phố
- Thường xuyên triển khai nội
dung đào tạo đại học, sau đại học theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN cho các sinh viên, cán bộ, công chức,
viên chức thuộc đối tượng trên địa bàn được biết và đăng ký nhu cầu hưởng chính
sách.
- Chỉ đạo thực hiện tuyên truyền,
triển khai, thông báo các nội dung tại Kế hoạch này đến các cơ quan, đơn vị
trên địa bàn; đến các thôn, bản, tổ phố để cán bộ, công chức, viên chức, người
dân, sinh viên biết.
- Hàng năm, thực hiện xác định
nhu cầu, chỉ tiêu đào tạo đại học, sau đại học; thực hiện rà soát, đăng ký nhu
cầu hưởng chính sách đào tạo đại học, sau đại học đảm bảo phù hợp với nhu cầu của
địa phương, đơn vị và gửi báo cáo nhu cầu (nếu có) về Sở Giáo dục và Đào
tạo trước ngày 15/10 năm trước liền kề của năm tài chính để tổng hợp, tham mưu
cho Hội đồng; chịu trách nhiệm về số liệu, đối tượng đăng ký nhu cầu đào tạo đại
học, sau đại học.
- Thường xuyên chỉ đạo việc kiểm
tra, giám sát các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo đại học, sau đại học
theo Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo đại
học, sau đại học theo đúng khoá đào tạo và báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo
trước ngày 30/7 hàng năm về những trường hợp vi phạm (bỏ học, bị buộc thôi học
hoặc vì lý do bất khả kháng không tham gia đào tạo), những trường hợp đã
hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
6. Đề nghị các Ban xây dựng
đảng và Văn phòng Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh; các huyện ủy, thành
ủy, Đảng ủy CCQ tỉnh; các sở, ban, ngành và tương đương; UBND các huyện, thành
phố; các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh
- Thường xuyên triển khai nội
dung đào tạo sau đại học theo Chương trình mục tiêu quốc gia cho cán bộ, công
chức, viên chức thuộc đối tượng trong cơ quan, đơn vị được biết và đăng ký nhu
cầu hưởng chính sách.
- Thực hiện tuyên truyền, triển
khai, thông báo các nội dung tại Kế hoạch này đến cán bộ, công chức, viên chức
được biết.
- Hàng năm, thực hiện xác định nhu
cầu, chỉ tiêu đào tạo sau đại học; thực hiện đăng ký nhu cầu hưởng chính sách
đào tạo sau đại học đảm bảo phù hợp với nhu cầu của địa phương, đơn vị và gửi
nhu cầu (nếu có) về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10 năm trước liền
kề của năm tài chính để tổng hợp, tham mưu cho Hội đồng; chịu trách nhiệm về số
liệu, đối tượng đăng ký nhu cầu đào tạo sau đại học.
- Thường xuyên chỉ đạo việc kiểm
tra, giám sát các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo sau đại học theo
Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo hoàn thành chương trình đào tạo sau đại
học theo đúng khoá đào tạo và báo cáo về Sở GD&ĐT trước ngày 30/7 hàng năm
về những trường hợp vi phạm (bỏ học, bị buộc thôi học hoặc vì lý do bất khả
kháng không tham gia đào tạo), những trường hợp đã hoàn thành chương trình
đào tạo theo quy định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
7. Trách nhiệm của sinh
viên, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chính sách
- Chấp hành các quy định của
pháp luật và nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo; hoàn thành chương trình đào tạo
theo quy định.
- Tự chi trả kinh phí cho cơ sở
đào tạo nếu vượt thời gian đào tạo của khoá học theo quy định.
- Sau khi tốt nghiệp, người học
thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan thường trực của Hội đồng) về
kết quả học tập để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch đào tạo đại
học, sau đại học Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ
năm 2021 đến năm 2025. Trong quá trình triển khai Kế hoạch này, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan thường
trực của Hội đồng) để xem xét, phối hợp giải quyết hoặc tham mưu cho UBND tỉnh
theo thẩm quyền./.
Nơi nhận:
- CT, PCT UBND tỉnh (Ô. Hưng);
- Các Ban XD đảng và Văn phòng Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy CCQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và tương đương;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- CVP, PCVP (Ô. Minh);
- Lưu: VT, VXNV (V, Th).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Duy Hưng
|