VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 18/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 01 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM
VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NGÃI
Ngày 01 tháng 01 năm 2023, tại
tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu lưu
niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công
trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và phát động
tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công; thăm hỏi, động viên một số hộ
dân phải di dời để xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông;
thăm và làm việc tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi và Công ty Lọc hóa dầu
Bình Sơn và chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về kết
quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; tình hình
thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực năm 2022; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và
giải pháp chủ yếu năm 2023. Cùng tham dự các hoạt động và buổi làm việc của Thủ
tướng Chính phủ có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải,
Văn phòng Chính phủ và Quân khu 5.
Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy
Quảng Ngãi, phát biểu của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và ý
kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
Quảng Ngãi là vùng đất có bề
dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, giàu truyền thống cách mạng,
anh hùng, bất khuất; là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra nhiều danh
tướng, chí sĩ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng
điểm Trung Bộ, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,
biển, đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống giao thông
thuận lợi (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, Cảng Dung Quất), là cửa
ngõ ra biển của hành lang Đông - Tây nối với tuyến hàng hải quốc tế qua biển
Đông. Con người Quảng Ngãi có nghị lực, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, có sức sáng
tạo và truyền thống hiếu học, lao động cần cù. Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển
du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng,
trong đó nổi bật là các di tích khảo cổ (thời đồ đá, kim khí, văn hóa Sa Huỳnh,
Chăm Pa…); di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng; danh thắng (Thiên Ấn, Niêm Hà, Thiên Bút, Phê Vân, Thạch Bích, Tà
Dương, Cổ Luỹ…); có các lễ hội đặc sắc (Lễ hội nghinh cá Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ hội
cầu ngư…). Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có nguồn
nhân lực khá dồi dào, với dân số gần 1,3 triệu người; có một số tài nguyên quan
trọng cho phát triển các ngành kinh tế như: diện tích núi rừng lớn; hệ thực vật
đa dạng, một số lâm sản, cây thuốc quý; hệ thống sông hồ đa dạng (các sông Trà
Bồng, Trà Khúc, Trà Câu, Vệ); nước khoáng nóng…
Năm
2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng nặng
nề của dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu nhưng Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân Quảng Ngãi đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết
liệt, linh hoạt các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được
những kết quả tích cực. Tỉnh đã thực hiện đạt
và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch. GRDP tăng 8,08%, trong đó công nghiệp tăng 6,8%, nông
nghiệp tăng 2%; quy mô kinh tế 121.668 tỷ đồng (xếp thứ 4/14 vùng Bắc Trung Bộ
và Duyên hải miền Trung), GRDP bình quân đạt 97,67 triệu đồng/người. Tổng mức
bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,8%; xuất khẩu đạt 2,158 tỷ USD;
khách du lịch đạt 900 nghìn lượt. Tổng vốn đầu
tư toàn xã hội tăng 50%. Thu ngân sách nhà
nước đạt 34.167 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay), tăng 44,7% so dự toán; đặc
biệt, đã bố trí nguồn để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản các năm trước.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh
doanh (năm 2021, chỉ số PAR Index tăng 24 bậc; chỉ số PAPI tăng 17 bậc). Lĩnh vực
văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực: số trường đạt chuẩn quốc gia được tăng
lên; 89,02% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tham gia bảo
hiểm y tế đạt 95,12%. Tỉnh đã chủ động trong phòng, chống thiên tai và triển
khai có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 03 Chương
trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; công tác lao động, an sinh xã hội được
quan tâm. Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc
Bắc - Nam được thực hiện quyết liệt, dự kiến bàn giao 100% mặt bằng trước ngày
30 tháng 6 năm 2023; tập trung triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế
Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chú trọng công tác xây dựng Đảng,
xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; quan tâm công
tác chính trị tư tưởng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng
viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật. Bảo đảm quốc phòng, an
ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.
Bên
cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ngãi còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ cấu
kinh tế chuyển dịch chậm; tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ
thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Công
nghiệp phụ thuộc nhiều vào lọc hóa dầu và sản xuất thép; công nghiệp ngoài dầu
tăng chậm. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp;
đầu ra cho nông sản còn khó khăn... Hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng
giao thông, đô thị chưa đồng bộ; chưa có các dự án lớn có tính kết nối tạo động
lực. Thứ hạng về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh ở nhóm dưới (năm
2021: Par Index thứ 39/63, PAPI thứ 43/63, PCI thứ 45/63). Đời sống của một bộ
phận người còn khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi; tỷ lệ hộ nghèo
theo chuẩn mới còn cao (7,96%).
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU
HÀNH VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Về quan điểm chỉ đạo điều hành:
a)
Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 của
Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Bám sát đường lối của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
b)
Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất,
khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể
thành cái có thể, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, tự lực tự cường
không trông chờ, ỷ lại, không hoang mang dao động. Giữ vững bản lĩnh, kiên định,
kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo,
hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, nhất là các vấn
đề phát sinh.
c)
Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn
làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý,
cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời
khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.
d)
Năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển. Suy nghĩ phải chín,
tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt,
hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không cầu
toàn, không nóng vội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch
phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.
đ)
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra,
giám sát, kiểm soát quyền lực, phân bổ nguồn lực và nâng cao trình độ, năng lực
của đội ngũ cán bộ thực thi; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển
khai của từng cấp.
e)
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,
đoàn kết, thống nhất; tiếp tục nâng cao năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Quán triệt, thực hiện nghiêm 05 nguyên tắc tổ chức và hoạt
động của Đảng, 05 phương thức lãnh đạo của Đảng. Vấn đề càng khó, càng phức tạp
thì càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ và huy động trí tuệ tập thể.
g)
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ,
hành động, hiệu quả, đổi mới tư duy, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, liêm chính, tận tụy, vì Nhân
dân phục vụ; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
2. Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:
a) Tiếp
tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các loại dịch
bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng
với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong dịp Tết.
b) Đẩy
mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên
khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng,
hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tham gia nhanh vào các chuỗi cung ứng,
chuỗi giá trị toàn cầu.
c) Đẩy mạnh phát triển công
nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần
hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu
công nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển
Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến
năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2
(chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới.
d)
Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đầu tư
theo phương thức đối tác công tư, xây dựng cơ chế chính sách để tăng cường huy
động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát lại kế hoạch
đầu tư công, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng
điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.
đ)
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn
nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất
hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu và
gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản
phẩm”.
e) Cơ
cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng
thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng,
độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự
nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn. Chú trọng liên kết tạo
chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch
vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông
tin.
g)
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm,
trọng điểm; quy hoạch phải đi trước một bước,
có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục
hạn chế; tạo không gian và động lực phát triển
mới. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
h)
Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu
khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực
chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi
nhọn, có thế mạnh của Tỉnh.
i)
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ
hành chính công trực tuyến, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh.
k)
Bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các
dân tộc và con người Quảng Ngãi. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an
sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.
l)
Đẩy mạnh truyền thông chính sách, triển khai
có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến
xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 -
2027”; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công
tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều
kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất
chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm
trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong
tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
m)
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số
19-CT/TW ngày 18 tháng 11 năm 2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão
năm 2023; Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ
về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vui tươi,
lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nắm chắc tình hình lao động, việc làm, quan tâm
chăm lo người nghèo, các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI
1. Về
đề nghị được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương như
các tỉnh nhận bổ sung ngân sách trung ương:
Giao
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên
quan nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi và xem xét, xử lý trong quá trình
trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính
sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương trong thời gian tới.
2. Về
kiến nghị nâng mức chi hỗ trợ theo tiêu chí dân số đối với chi thường xuyên
theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội; xem xét lại hạn mức chi đầu tư cho các tỉnh có điều tiết về ngân
sách trung ương phải cao hơn các địa phương khác để khuyến khích các địa phương
phấn đấu tự lập về ngân sách:
a) Thời
kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2023 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực
hiện theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức
phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và các Nghị quyết
của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; đồng thời, báo cáo Bộ
Tài chính về các vướng mắc, khó khăn phát sinh.
Bộ
Tài chính tổng hợp các đề xuất, kiến nghị về vướng mắc trong quá trình thực hiện
Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc
hội để đề xuất, báo cáo Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội
xem xét, sửa đổi trong trường hợp cần thiết.
b) Bộ
Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu,
xử lý kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi, trường hợp cần thiết trình cấp có thẩm quyền
xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm
2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định
mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách giai đoạn 2021 - 2025.
3. Về
kiến nghị được sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án:
Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số
23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc
gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số
69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
4. Về
kiến nghị được hưởng phần tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán
trung ương giao hằng năm để tái đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung
Quất; hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương từ nguồn thu Nhà máy lọc dầu
Dung Quất để đầu tư cơ sở hạ tầng và giải quyết an sinh xã hội giai đoạn 2022 -
2025:
a) Việc
cân đối, phân chia, sử dụng nguồn thu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất và khoản thu
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hằng năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện
theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Để
hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy
hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động
lực mới cho phát triển Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi, giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền
xem xét, quyết định việc bổ sung vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương cho tỉnh
Quảng Ngãi để tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất trong quá
trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
5. Về
kiến nghị giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung
tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất:
Giao
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan, các địa phương (Quảng
Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu,
xây dựng Đề án hình thành Trung tâm lọc hóa dầu với các cơ chế, chính sách phù
hợp tại ba miền Bắc - Trung - Nam; trong đó có Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và
năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
03 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị.
6. Về
phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn
đến năm 2050:
Trên
cơ sở hồ sơ trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế
Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi và báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng, giao Văn
phòng Chính phủ khẩn trương thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết
định theo quy định pháp luật trong tháng 02 năm 2023.
7. Về
kiến nghị hỗ trợ từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Dự án đường
Hoàng Sa - Dốc Sỏi:
Việc
sớm triển khai đầu tư tuyến đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi nhằm thúc đẩy phát triển các
vùng kinh tế động lực, đáp ứng nhu cầu vận tải trong Khu kinh tế, đặc biệt là
khu vực cảng Dung Quất, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1 và tạo quỹ đất, hình thành
không gian phát triển mới cho tỉnh Quảng Ngãi là cần thiết. Giao Bộ Kế hoạch và
Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí, quán triệt triển
khai, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư từ
nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho tỉnh Quảng Ngãi để thực hiện dự
án khi có chủ trương sử dụng nguồn này theo quy định.
8. Về
đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24B, đoạn Km23+300 - KM29+200:
Việc
nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B, đoạn Km23+300 - KM29+200 nhằm giảm ách tắc, hạn
chế tai nạn giao thông và tạo điều kiện thuận lợi để kết nối, phát huy hiệu quả
đầu tư của tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là cần thiết. Giao Bộ Giao
thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cân đối
trong tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
đã giao cho Bộ quản lý và các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm thực hiện dự án,
báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Văn
phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và các bộ, cơ quan
liên quan biết, thực hiện; đồng thời theo dõi, đôn đốc và tham mưu cho Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng,
các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, CT, GTVT, TNMT, Quân khu 5;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTgCP, Thư ký các Phó TTgCP, Cổng
TTĐTCP, các Vụ: KTTH, CN, NN, PL, TKBT, TH;
- Lưu: VT, QHĐP (3) Đ.Minh
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|