Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 02/ĐA-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng Người ký: Trần Văn Lâu
Ngày ban hành: 05/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/ĐA-UBND

Sóc Trăng, ngày 05 tháng 6 năm 2023

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ ĐẤT VÀ CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT CÔNG, ĐẤT NÔNG, LÂM TRƯỜNG, ĐẤT BÃI BỒI VEN SÔNG, VEN BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng của môi trường sông, là địa bàn xây dựng và phát triển dân cư, kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”. Tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Vì vậy, đất đai cần được quản lý, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để góp phần phát triển - kinh tế xã hội của địa phương.

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

- Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được thực hiện khá tốt, quỹ đất cho thuê, giao cho các đối tượng quản lý, sử dụng đạt trên 99,8% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đạt trên 99% so với diện tích cần cấp giấy. Người sử dụng đất đã khai thác, sử dụng đất được giao, cho thuê để sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội; nguồn thu từ đất những năm qua đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.

- Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhất là đất nuôi trồng thủy sản của các tổ chức kinh tế chưa hiệu quả; việc lấn, chiếm đất công còn xảy ra tại một số nơi; công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển chưa thật sự chặt chẽ; một số cơ sở nhà, đất công chưa đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức chưa quan tâm đúng mức và thực hiện hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý đất đai.

- Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, việc xây dựng và ban hành Đề án “Quản lý, sử dụng hiệu quả đất và cơ sở nhà, đất công, đất nông, lâm trường, đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng” là rất cần thiết, góp phần phát huy những mặt tích cực, khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Căn cứ pháp lý lập Đề án

- Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25/6/2015;

- Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21/6/2017;

- Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

- Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

- Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP , ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

- Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công;

- Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;

- Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công;

- Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đo;

- Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai;

- Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Thông tư số 24/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, liên tịch ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Phần II

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT, CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT CÔNG, ĐẤT NÔNG, LÂM TRƯỜNG, ĐẤT BÃI BỒI VEN SÔNG, VEN BIỂN

1. Công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất

1.1. Kết quả giao đất, cho thuê đất

- Đối với đất ngoài khu công nghiệp: Tính đến cuối năm 2022, tổng số tổ chức kinh tế được giao, cho thuê đất là 517 tổ chức (với tổng diện tích đất là 7.033,19 ha). Trong đó, cho thuê đất trả tiền hàng năm là 398 tổ chức (với diện tích đất là 6.717,34 ha); cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê là 30 tổ chức (với diện tích đất là 70,41 ha); giao đất có thu tiền sử dụng đất là 89 tổ chức (với diện tích đất là 245,45 ha).

- Đối với đất trong khu công nghiệp (Khu công nghiệp An Nghiệp): Tính đến cuối năm 2022, tổng số tổ chức được cho thuê đất là 50 tổ chức (với tổng diện tích đất là 183 ha) để thực hiện 66 dự án đầu tư, đạt tỷ lệ 97% diện tích đất cần cho thuê.

1.2. Mặt tích cực

- Tất cả các tổ chức kinh tế được giao đất, cho thuê đất đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đa số các tổ chức sử dụng đất hiệu quả, thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ.

- Công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu, kịp thời ngăn chặn và xử lý các vi phạm; đa số các tổ chức kinh tế sử dụng đất thực hiện dự án đúng theo tiến độ, đúng mục đích và hiệu quả.

- Trong 50 tổ chức kinh tế thuê đất trong Khu công nghiệp An Nghiệp, có 37 tổ chức đã hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động ổn định, quản lý, sử dụng đất đúng mục đích; 13 tổ chức đang triển khai thực hiện dự án.

1.3. Hạn chế

- Cơ sở dữ liệu đất đai của tổ chức vẫn chưa hoàn thiện nên gặp khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo và quản lý đất đai.

- Qua thực hiện công tác thanh tra đối với các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp cho thấy còn xảy ra tình trạng vi phạm, sử dụng đất không hiệu quả hoặc không triển khai thực hiện dự án (đã thu hồi đất). Riêng trong Khu công nghiệp An Nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 tổ chức sử dụng chưa hết diện tích đất thuê, thu hồi đất đối với 06 tổ chức vi phạm pháp luật về đất đai; ngoài ra, còn thu hồi đất của các tổ chức do khó khăn về nguồn vốn, không thể triển khai thực hiện dự án và có văn bản trả lại đất (diện tích đất thu hồi đã bố trí cho các doanh nghiệp khác thuê lại, hiện đang triển khai thực hiện dự án).

2. Công tác quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công

2.1. Thực trạng các cơ sở nhà, đất công

- Theo các Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cấp tỉnh, cấp huyện được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 4.193 cơ sở nhà, đất công, với tổng diện tích đất là 19.419,36 ha và diện tích nhà khoảng 3.304.755 m2 (khoảng 3,3 triệu m2). Trong đó:

+ Giữ lại tiếp tục sử dụng: 2.786 cơ sở, với diện tích đất là 15.843,85 ha và diện tích nhà là 3.078.211 m2 (khoảng 3,07 triệu m2).

+ Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng: 35 cơ sở, với diện tích đất là 4,42 ha và diện tích nhà là 15.888 m2.

+ Bán đấu giá: 294 cơ sở, với diện tích đất là 136,62 ha và diện tích nhà là 57.154 m2.

+ Điều chuyển: 346 cơ sở, với diện tích đất là 97,25 ha và diện tích nhà là 63.722 m2.

+ Kêu gọi đầu tư: 144 cơ sở, với diện tích đất là 2.901,51 ha và diện tích nhà là 43.097 m2.

+ Thu hồi 29 cơ sở, với diện tích đất là 8,22 ha đất và diện tích nhà là 1.763 m2.

+ Hình thức khác (cho thuê tài sản, giao đất để ổn định, trả lại cho dân, xử lý tình trạng lấn, chiếm,...): 559 cơ sở, với diện tích đất là 427,51 ha đất và diện tích nhà là 44.871 m2.

+ Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang quản lý 27 thửa đất, với tổng diện tích đất là 1.122,97 ha.

- Đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo Điều 132 của Luật Đất đai (sau đây gọi tắt là đất công ích): Toàn tỉnh có 18 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, các huyện Trần Đề, Long Phú, Kế Sách và Mỹ Xuyên đang quản lý 110 thửa đất công ích, với tổng diện tích đất là 45,44 ha. Trong đó, đất cho thuê là 03 thửa (với diện tích đất là 6,69 ha, chiếm tỷ lệ 14,72%); đất trống là 05 thửa (với diện tích đất là 1,99 ha, chiếm tỷ lệ 4,38%); đất cho mượn là 95 thửa (với diện tích đất là 26,54 ha, chiếm tỷ lệ 58,4%); đất bị lấn, chiếm là 07 thửa (với diện tích đất là 10,22 ha, chiếm tỷ lệ 22,49%).

2.2. Mặt tích cực

- Phần lớn các thửa đất công đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đăng ký quản lý theo quy định và được sử dụng ổn định, hiệu quả. Các cơ sở nhà, đất công trên địa bàn tỉnh đều được quản lý, sử dụng theo quy định và được đưa vào Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (đã được phê duyệt); các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát để cập nhật, trình điều chỉnh, bổ sung.

- Các thửa đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý được kiểm tra định kỳ, đảm bảo không phát sinh thêm các trường hợp bị lấn, chiếm mới.

- Đối với đất công ích, phần lớn được đưa vào sử dụng, được kê khai, đăng ký quản lý.

2.3. Hạn chế

- Một số cơ sở nhà, đất công đang cho mượn, bị lấn, chiếm, nhưng chưa giải quyết dứt điểm; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động đăng ký biến động đất đai và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Ủy ban nhân dân cấp xã chưa nắm rõ quy định quản lý đất công ích và cho thuê chưa phù hợp quy định (chưa thông qua đấu giá, thời hạn cho thuê vượt thời gian quy định,...) hoặc quản lý chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng bị lấn, chiếm, nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

- Công tác đấu giá các khu đất công để giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án theo Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện còn chậm.

3. Công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển

3.1. Thực trạng đất bãi bồi ven sông, ven biển

- Đất bãi bồi ven sông: Theo số liệu Thống kê đất đai năm 2022, tỉnh Sóc Trăng có 21.485 ha đất sông, kênh, rạch (gồm cả phần đất bãi bồi ven sông), chiếm 43% diện tích đất phi nông nghiệp và chiếm 6,5% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có diện tích sông, kênh, rạch (cao nhất là huyện Cù Lao Dung, với 7.298 ha; thấp nhất là thành phố Sóc Trăng, với 131 ha).

- Đất bãi bồi ven biển: Theo số liệu báo cáo Quy hoạch đất bãi bồi ven biển tỉnh Sóc Trăng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 09/7/2012), đất bãi bồi ven biển của tỉnh là phần diện tích được tính từ ranh giới đê biển đến đường ranh mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm (-2,2m), với tổng diện tích là 52.238 ha; trong đó:

+ Bãi trước đê là 2.978,0 ha, gồm: Huyện Cù Lao Dung là 985 ha, huyện Trần Đề là 533 ha và thị xã Vĩnh Châu là 1.460 ha.

+ Đất rừng ngập mặn ven biển là 5.543 ha, gồm: Huyện Cù Lao Dung là 865,7 ha, huyện Trần Đề là 863,1 ha và thị xã Vĩnh Châu là 3.814,2 ha. Theo Quy hoạch, đến năm 2020, đất rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên 13.944,2 ha.

+ Diện tích đất bãi bồi tính từ ranh rừng ngập mặn đến đường ranh mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm (-2,2m) là 43.717 ha; trong đó: Huyện Cù Lao Dung là 14.494 ha, huyện Trần Đề là 6.997 ha và thị xã Vĩnh Châu là 22.226 ha. Tính đến nay, đã giao hoặc cho các tổ chức thuê để triển khai thực hiện các dự án đầu tư, với tổng diện tích 450,24 ha, gồm: Triển khai các dự án điện gió là 361,94 ha, giao đất cho Chùa Đay Ta Pay là 1,43 ha, bố trí sử dụng vào mục đích đất quốc phòng là 86,87 ha.

3.2. Mặt tích cực

Phần lớn diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển đều được quản lý, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn, chiếm. Trong công tác cấp Giấy phép xây dựng, không phát sinh trường hợp cấp phép trong hành lang bảo vệ sông, kênh. Đất bãi bồi ven biển được sử dụng chủ yếu vào mục đích trồng rừng phòng hộ ven biển, xây dựng công trình quốc phòng hoặc triển khai các dự án điện gió, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

3.3. Hạn chế

- Đối với đất bãi bồi ven biển: Có một phần nhỏ diện tích đất đã được các hộ dân tự khai thác, sử dụng để trồng hoa màu, nuôi thủy sản và xây dựng nhà ở không đúng quy định.

- Đối với đất bãi bồi ven sông, kênh: Các địa phương chưa xác định được cụ thể diện tích đất bãi bồi ven sông do Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn thực hiện. Một phần diện tích đất bãi bồi ven sông đã được các tổ chức, cá nhân sử dụng, lấn, chiếm sử dụng hoặc xây dựng công trình kiên cố.

4. Công tác quản lý, sử dụng đất trong các nông, lâm, trường, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

4.1. Thực trạng các khu đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

Tỉnh Sóc Trăng có 8.466,25 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường, tại thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành. Các khu đất có nguồn gốc nông, lâm trường trước đây phần lớn bị người dân lấn, chiếm (thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra hoặc chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích bị lấn, chiếm), cụ thể:

- Trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu: Bao gồm 04 nông trường, với tổng diện tích đất là 1.369,26 ha, gồm:

+ Nông trường Dừa: Diện tích đất là 601,42 ha, có nguồn gốc là đất rừng và đất bãi bồi. Đến ngày 10/4/1986, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang thành lập Nông trường Dừa thuộc Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Châu quản lý; hiện nay, do Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu quản lý, nhưng người dân đã bao chiếm 438,61 ha đất và sử dụng trong thời gian dài.

+ Nông trường Huyện ủy: Diện tích đất là 379,6 ha, có nguồn gốc là đất bãi bồi, đất rừng. Năm 1986, Nông trường Huyện ủy được thành lập, sau đó giao khoán cho một số hộ dân sản xuất, nuôi tôm. Đến năm 1990, Nông trường Huyện ủy giải thể, những hộ nhận khoán tiếp tục sử dụng đất. Hiện nay, đất do Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu quản lý, nhưng người dân đã bao chiếm, sử dụng khoảng 335,33 ha đất.

+ Nông trường Quân khu 9: Được thành lập năm 1986, với diện tích đất là 68,2 ha, sử dụng vào mục đích khai thác tôm tự nhiên; tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên đã giao khoán đất cho người dân canh tác vào năm 1992. Quân khu 9 không quản lý đất từ năm 1999; hiện người dân đã bao chiếm, sử dụng 66,08 ha đất.

+ Nông trường Công an tỉnh: Diện tích đất là 320,04 ha, có nguồn gốc do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang giao năm 1985 và nhận chuyển nhượng. Hiện người dân bao chiếm, sử dụng khoảng 47,85ha.

- Trên địa bàn huyện Cù Lao Dung: Bao gồm 02 nông trường, với tổng diện tích đất là 2.851,58 ha, gồm:

+ Nông trường 30/4: Diện tích đất là 2.499,336 ha. Trong quá trình quản lý và xem xét, giải quyết khiếu nại, thực hiện chính sách giao đất sản xuất cho người dân thiếu đất sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thu hồi, giao đất cho Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung quản lý để cấp đất sản xuất cho người dân trong nhiều giai đoạn và bố trí một phần đất làm quỹ đất công; hiện người dân bao chiếm khoảng 76,78 ha đất (54 hộ lấn chiếm).

+ Nông trường 416: Diện tích đất là 397,09 ha, Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi một phần đất và giao Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung quản lý năm 2006 để bố trí đất sản xuất cho người dân; hiện người dân sử dụng đất nhiều hơn diện tích đất trong Quyết định giao đất là 16,56 ha.

- Huyện Mỹ Tú: Phân trường Mỹ Phước, diện tích đất là 2.502,5 ha (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý, sử dụng), hiện người dân bao chiếm khoảng 67,95 ha và Phân trường Phước Thọ cũ, diện tích đất là 123,90 ha (Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú quản lý).

- Trên địa bàn huyện Châu Thành: Phân trường Phú Lợi, diện tích đất là 912,46 ha; Ủy ban nhân dân tỉnh đã thu hồi, đấu giá và đồng ý chủ trương giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án từ năm 2020. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp chưa lập thủ tục thuê đất để thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở, ngành chuyên môn tham mưu thực hiện các thủ tục tiếp theo để chấm dứt chủ trương cho thuê đất.

- Trên địa bàn thị xã Ngã Năm: Phân trường Thạnh Trị, diện tích đất là 661,7 ha, hiện do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý, sử dụng.

4.2. Mặt tích cực

- Diện tích đất tại các phân trường do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Sóc Trăng quản lý được sử dụng cơ bản hiệu quả, được cắm cọc và ranh giới rõ ràng, được rà soát và đưa vào Phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định.

- Tại các nông trường khác, một phần diện tích đất bị lấn, chiếm đã được xử lý, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, góp phần giải quyết chính sách giao đất sản xuất, ổn định cuộc sống cho một bộ phận nhân dân.

4.3. Hạn chế

Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo hoặc thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để rà soát, xử lý đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường; tuy nhiên, vẫn chưa xử lý dứt điểm và tình trạng lấn, chiếm đất xảy ra ngày càng phức tạp và có xu hướng tăng.

5. Nguyên nhân hạn chế

5.1. Nguyên nhân chủ quan

- Năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai. Cán bộ, công chức địa phương, nhất là cấp xã hiểu chưa đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất công ích, dẫn đến những tồn tại như: Tự ý cho tổ chức, cá nhân thuê đất không thông qua đấu giá; không quản lý chặt chẽ dẫn đến việc để người dân lấn, chiếm; cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng tạm (mượn), không ký hợp đồng thuê đất, cho thuê vượt thời hạn quy định.

- Các Sở, ngành tỉnh chưa chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp quản lý, sử dụng đất công hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai chưa thực hiện kịp thời.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến trách nhiệm quản lý đất đai tại địa phương, chưa theo dõi, phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả, lấn, chiếm đất để ngăn chặn, xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Chưa xử lý nghiêm đối với một số trường hợp cơ quan, cán bộ, công chức buông lỏng quản lý đất công. Đồng thời, chưa xử lý dứt điểm các trường hợp đất công bị lấn, chiếm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm kéo dài.

- Người đứng đầu một số cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, sử dụng phần đất được giao, cụ thể: Chưa kê khai đăng ký, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang quản lý, sử dụng; để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất công; tự ý cho mượn, thuê hoặc cho tạm sử dụng dẫn đến cá nhân xây dựng nhà ở kiên cố, gây khó khăn trong công tác di dời.

- Công chức địa chính cấp xã khi luân chuyển chưa chủ động tìm các tài liệu có liên quan đến đất công tại địa phương, chưa kiểm tra thực địa đất công. Ngoài ra, do luân chuyển công chức từ địa bàn khác, nên Công chức địa chính mới chưa hiểu rõ địa bàn quản lý, nguồn gốc đất, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra.

5.2. Nguyên nhân khách quan

- Công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất:

+ Cơ sở dữ liệu đất đai của tổ chức chưa hoàn thiện và chưa được cập nhật thông tin đầy đủ, liên tục, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý.

+ Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003 không quy định việc thẩm định điều kiện, năng lực tài chính của tổ chức kinh tế, không quy định việc ký quỹ khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, dẫn đến một số tổ chức đã được cho thuê đất, giao đất nhưng không có năng lực tài chính để thực hiện dự án, sử dụng đất không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng không hết diện tích đất được giao, cho thuê, thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất, dẫn đến đất bị lấn, chiếm.

+ Do khó khăn chung của nền kinh tế hoặc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, nên một số tổ chức thuê đất trong Khu công nghiệp, thuê đất nuôi trồng thủy sản để thực hiện dự án đầu tư, nhưng triển khai chậm tiến độ hoặc khai thác, sử dụng đất được một thời gian rồi bỏ trống, khai thác, sử dụng không hết diện tích đất.

- Công tác quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất công: Một số thửa đất giao quản lý đã bị lấn, chiếm trước khi bàn giao; việc giải quyết lấn, chiếm còn gặp nhiều khó khăn, do lịch sử để lại qua các thời kỳ; nguồn tài liệu, hồ sơ pháp lý các thửa đất công không đầy đủ hoặc đã thất lạc.

- Công tác quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển:

+ Trung ương chưa quy định, hướng dẫn việc xác định diện tích bãi bồi ven sông, nên các địa phương chưa có cơ sở để xác định diện tích đất này đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

+ Tình trạng lấn, chiếm đất bãi bồi ven sông, ven biển xảy ra từ rất lâu, qua nhiều giai đoạn, đa số người dân lấn, chiếm thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, nên công tác xử lý gặp khó khăn.

+ Công tác kêu gọi đầu tư dự án trên đất bãi bồi ven biển chưa thật sự hiệu quả, đặc biệt là các dự án nuôi trồng thủy sản, do khó khăn trong công tác quản lý, khai thác.

- Công tác quản lý, sử dụng đất trong các nông, lâm trường, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường:

+ Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất tại các nông trường, lâm trường do diện tích đất quá lớn và có nguồn gốc phức tạp; sau khi giải thể, việc bàn giao đất quản lý, bố trí sử dụng đất chưa kịp thời, chưa chặt chẽ; các hộ nhận khoán đất cũ vẫn tiếp tục giữ đất để sản xuất; nhiều hộ ở nơi khác đến bao chiếm để canh tác; việc lấn, chiếm xảy ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

+ Việc xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất tại các nông trường, lâm trường, đất có nguồn gốc nông, lâm trường đòi hỏi phải thận trọng, giải quyết từng bước và cần nhiều thời gian để giải quyết.

Phần III

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT, CƠ SỞ NHÀ, ĐẤT CÔNG, ĐẤT BÃI BỒI VEN SÔNG, VEN BIỂN

1. Mục tiêu

Đề án đề ra các mục tiêu để triển khai thực hiện đến hết năm 2025, cụ thể như sau:

1.1. Hàng năm, hoàn thành công tác đấu giá quỹ đất công, cơ sở nhà, đất công theo các Phương án và Kế hoạch thực hiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt, chấp thuận.

1.2. Đến hết năm 2023, xử lý dứt điểm các trường hợp tổ chức sử dụng đất không hết diện tích, không đưa đất vào sử dụng; các trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi đất sẽ thu hồi đất theo quy định.

1.3. Đến hết năm 2023, xử lý dứt điểm các trường hợp đất công ích được sử dụng không đúng quy định; có kế hoạch đưa đất công ích vào sử dụng đúng quy định.

1.4. Đến hết năm 2023, hoàn thành 100% việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức đang sử dụng đất đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

1.5. Đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sóc Trăng (theo hướng chính quy). Đảm bảo dữ liệu địa chính được chỉnh lý, cập nhật đầy đủ, kịp thời nhằm tránh trường hợp dữ liệu lạc hậu so với hiện trạng.

1.6. Đến hết năm 2025, hoàn thành việc đo đạc, xác lập hồ sơ địa chính để quản lý đất bãi bồi ven sông, đất bãi bồi ven biển và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

1.7. Đến hết năm 2025, cơ bản xử lý dứt điểm tình trạng lấn, chiếm đất công, đất nông, lâm trường, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân (nếu đủ điều kiện).

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất, cho thuê đất

- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện dự án, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế; kịp thời phát hiện các trường hợp thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai để lập thủ tục thu hồi dự án, thu hồi đất (nếu có) theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai cho các tổ chức kinh tế nhằm hạn chế xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, nhất là trường hợp vi phạm phải thu hồi đất. Tập trung đẩy nhanh thực hiện Dự án Xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo kế hoạch của Dự án, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh, góp phần hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai.

- Ban Quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức thuê đất trong khu công nghiệp; kịp thời phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực đất đai để xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, phát hiện trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm đất đai, báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý.

2.2. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất công, cơ sở nhà, đất công

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hàng năm, xây dựng Phương án đấu giá các khu đất công có tài sản gắn liền với đất theo Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được duyệt, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.

- Sở Tài nguyên và Môi trường

+ Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật các thửa đất được giao quản lý; chịu trách nhiệm đối với trường hợp các thửa đất đang quản lý phát sinh lấn, chiếm, mất cọc ranh,...

+ Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp; xử lý hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

+ Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu, lập danh mục thửa đất, khu đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất) không thuộc trường hợp phải lập Phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) cần bán đấu giá, cho thuê phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư,...; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Thanh tra tỉnh: Thường xuyên nắm tình hình, thanh tra trách nhiệm việc quản lý, sử dụng đất đối với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

+ Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã định kỳ hàng năm rà soát, thống kê quỹ đất công đang quản lý, sử dụng; cập nhật thông tin biến động về diện tích, loại đất, tình trạng sử dụng để khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; không để phát sinh trường hợp bị lấn, chiếm.

+ Tập trung thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

+ Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để Ủy ban nhân dân cấp xã vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý nghiêm người đứng đâu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền.

+ Xây dựng kế hoạch cụ thể để thanh tra tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công ích sai mục đích; chấm dứt hợp đồng ký không đúng quy định; xử lý việc thu chi tài chính từ nguồn cho thuê đất công ích tại các xã, phường, thị trấn.

2.3. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển

- Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định pháp luật để hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định diện tích đất bãi bồi ven sông; trường hợp cần thiết thì kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn để triển khai đến các địa phương thực hiện. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tích hợp Quy hoạch đất bãi bồi ven biển vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở đó, có kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc hướng dẫn của Trung ương để tổ chức rà soát, đo đạc, xác định toàn bộ diện tích đất bãi bồi ven sông của địa phương; tổng hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện và phối hợp với Sở, ngành có liên quan xử lý diện tích đất bị lấn, chiếm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương ven biển tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng việc cường thực hiện cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư để mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án đầu tư, khai thác đất bãi bồi ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; trong quá trình thẩm định trình Ủy ban nhân dân chấp thuận chủ trương đầu tư cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc xác định cụ thể tọa độ, vị trí, ranh giới, diện tích các dự án đầu tư, tránh trùng lắp với các công trình, dự án khác và hành lang bảo vệ bờ biển.

- Ủy ban nhân dân các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với trường hợp lấn, chiếm đất bãi bồi ven biển theo đúng quy định pháp luật.

2.4. Nhiệm vụ, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng lấn, chiếm đất nông, lâm trường, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường

- Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế và rà soát, lập phương án xử lý đối với các hộ dân đang quản lý, sử dụng đất tại các nông trường đã giải thể, cụ thể: Khẩn trương xây dựng phương án xử lý các hộ dân đang sử dụng 47,85 ha đất thuộc khu vực đất Nông trường Công an tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 914/UBND-KT ngày 23/5/2018 và Công văn số 598/UBND-KT ngày 14/4/2021, lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận để triển khai thực hiện. Triển khai, rà soát và lập Phương án xử lý việc các hộ dân đang quản lý, sử dụng đất tại các nông trường còn lại (Nông trường Dừa; Nông trường Huyện ủy; Nông trường Quân khu 9), lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận để triển khai thực hiện.

- Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung xử lý việc bao chiếm đất Nông trường 30/4 của các hộ dân để tạo quỹ đất giao cho các đối tượng theo Phương án số 02/PA-UBND ngày 24/01/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận tại Công văn số 265/CTUBND- HC ngày 04/3/2008; đồng thời, tiếp tục xem xét, xử lý theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 17/TTCP-CIII ngày 04/01/2023 về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân Nông trường 30/4, tỉnh Sóc Trăng và Thông báo 24/TB- VPUBND ngày 14/3/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ý kiến kết luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi tiếp xúc, gặp gỡ một số hộ dân Nông trường 30/4 (cũ). Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì báo cáo Tổ công tác (được thành lập theo Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 04/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh) để phối hợp, hỗ trợ.

- Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú khẩn trương hoàn thiện Phương án sắp xếp, xử lý, giao đất cho các hộ dân sử dụng đất trong Phân trường Mỹ Phước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 2289/UBND-KT ngày 30/12/2020 và Phương án xử lý tình trạng lấn, chiếm đất trong khu đất Phân trường Phước Thọ cũ; lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận để triển khai thực hiện phương án.

- Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng, đóng góp ý kiến và triển khai thực hiện các Phương án xử lý đất nông, lâm trường, đất có nguồn gốc nông, lâm trường theo quy định.

(Đính kèm Danh mục các nhiệm vụ chính cần thực hiện).

3. Kinh phí thực hiện

3.1. Nguồn kinh phí: Được đảm bảo từ ngân sách nhà nước theo phân cấp.

3.2. Dự toán kinh phí

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các đơn vị chủ động xây dựng dự toán, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

1.1. Tổ chức triển khai Đề án đến các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện.

1.2.Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết hàng năm và tổng kết thực hiện Đề án vào năm 2025.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tại các địa phương phối hợp các Sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án, nhất là trong công tác giải quyết tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.

3. Các Sở, ngành có liên quan, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

3.1. Theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Đề án.

3.2. Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc bố trí kinh phí thực hiện các nội dung của Đề án theo đề nghị của các Sở, ngành và địa phương.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện từng nội dung trong Đồ án thuộc trách nhiệm cấp huyện. Phối hợp với các Sở, ngành trong quá trình thực hiện các nội dung của Đề án tại địa phương.

5. Từng Sở, ngành, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hoặc phương án chi tiết để phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Đối với nội dung cần kinh phí thực hiện thì xây dựng dự toán kinh phí theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện./.


Nơi nhận:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- MTTQ VN và các đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các Sở, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Ban Quản lý các Khu công nghiệp;
- Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh;
- Lưu: VT, KT, NC, TCD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Lâu

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH CẦN THỰC HIỆN
(Kèm theo Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Stt

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Nhiệm vụ chính

Thời gian thực hiện - hoàn thành

1

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Rà soát, cập nhật các thửa đất được giao quản lý; chịu trách nhiệm đối với trường hợp các thửa đất đang quản lý phát sinh trường hợp lấn chiếm, mất cọc ranh,...

Hàng năm

Các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất của các tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư

Hàng năm

Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ

Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công tác quản lý, sử dụng đất đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp, việc chấp hành pháp luật về đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã

Hàng năm

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Tích hợp Quy hoạch đất bãi bồi ven biển vào Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

2022 - 2023

Các Sở, ngành có liên quan

Hoàn thành 100% việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức đang sử dụng đất đủ điều kiện

2023

Các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Hướng dẫn phương pháp đo đạc xác định diện tích đất bãi bồi ven sông hoặc xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn

2023

Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Rà soát nhu cầu, lập danh mục thửa đất, khu đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, không thuộc trường hợp lập Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ) cần bán đấu giá, cho thuê phục vụ công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư,... tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Hàng năm

Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thực hiện và hoàn thành Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Sóc Trăng

2022 - 2025

2

Thanh tra tỉnh

Các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện

Thanh tra trách nhiệm việc quản lý, sử dụng đất đối với các thủ trưởng Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất

Hàng năm

3

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện

Tăng cường thực hiện cơ chế, chính sách, khuyến khích đầu tư để kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các dự án đầu tư khai thác đất bãi bồi ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Hàng năm

4

Sở Tài chính

Sở kế hoạch và Đầu tư

Xem xét cân đối, bố trí đủ kinh phí cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án có liên quan lĩnh vực đất đai; trích lập Quỹ phát triển đất để tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi phê duyệt điều chỉnh các Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ

2022 - 2023

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện

Xây dựng phương án đấu giá đối với các khu đất có tài sản gắn liền với đất theo Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt để tổ chức bán đấu giá theo quy định

Hàng năm

5

Ủy ban nhân dân cấp huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường

Rà soát, thống kê quỹ đất công đang quản lý, sử dụng; cập nhật thông tin biến động về diện tích, loại đất, tình trạng sử dụng để khai thác sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm; không để tình trạng lấn, chiếm xảy ra

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã

Theo dõi, giám sát tình hình sử dụng đất của các tổ chức trên địa bàn để kịp thời giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn, chiếm xảy ra; đồng thời, phát hiện tình trạng sử dụng đất không đúng quy định để xử lý hoặc báo cáo về cấp tỉnh xử lý

Hàng năm

Sở Nội vụ

Đề xuất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, giao đất không đúng thẩm quyền trên địa bàn

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường

Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với trường hợp lấn, chiếm đất bãi bồi ven biển, kiên quyết thu hồi và xử lý đúng quy định pháp luật

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, đo đạc, xác định toàn bộ diện tích đất bãi bồi ven sông của địa phương; tổng hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện và phối hợp với Sở, ngành có liên quan xử lý diện tích đất bị lấn, chiếm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định hiện hành

2022 - 2025

Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành có liên quan

Tổ chức đấu giá để giao đất, cho thuê đất đối với các khu đất không có tài sản đang quản lý theo Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt hoặc nhũng khu đất không thuộc Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc quyền quản lý của địa phương theo quy định

Hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường

Thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích, xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất công ích không đúng quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch đưa đất công ích vào sử dụng đúng quy định

2022 - 2023

6

Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh

Xây dựng Phương án xử lý các hộ dân đang sử dụng 47,85 ha đất thuộc khu vực đất Nông trường Công an tỉnh đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 914/UBND-KT ngày 23/5/2018 và Công văn số 598/UBND-KT ngày 14/4/2021, lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận để triển khai thực hiện

2022 - 2023

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh

Rà soát, xây dựng Phương án xử lý đối với các hộ dân đang quản lý, sử dụng tại các nông trường còn lại (Nông trường Dừa; Nông trường Huyện ủy; Nông trường Quân khu 9), lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận để triển khai thực hiện

2023 - 2025

Văn phòng Đăng ký đất đai

Lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông trường (nếu đủ điều kiện)

2022 - 2025

7

Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh

Xử lý việc bao chiếm đất Nông trường 30/4 của các hộ dân để tạo quỹ đất giao cho các đối tượng theo Phương án số 02/PA-UBND ngày 24/01/2008 của Ủy ban nhân dân huyện Cù Lao Dung đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Công văn số 265/CTUBND- HC ngày 04/3/2008; đồng thời, tiếp tục xem xét, xử lý theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 17/TTCP-CIII ngày 04/01/2023 về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân Nông trường 30/4, tỉnh Sóc Trăng và Thông báo 24/TB-VPUBND ngày 14/3/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ý kiến kết luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi tiếp xúc, gặp gỡ một số hộ dân Nông trường 30/4 (cũ).

2022 - 2023

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh

Xây dựng Phương án xử lý dứt điểm việc người dân sử dụng đất dư so với quyết định giao đất tại Nông trường 416

2022 - 2023

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh

Lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông trường (nếu đủ điều kiện)

2022 - 2023

8

Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Tú

Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh

Hoàn thiện Phương án sắp xếp, xử lý, giao đất cho các hộ dân sử dụng đất trong Phân trường Mỹ Phước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 2289/UBND-KT ngày 30/12/2020 và Phương án xử lý tình trạng lấn chiếm đất trong khu đất Phân trường Phước Thọ (cũ); lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ngành chức năng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận để triển khai thực hiện

2022 - 2024

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh

Lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sử dụng đất có nguồn gốc từ các lâm trường (nếu đủ điều kiện)

2022 - 2024

9

Ban Quản lý các Khu công nghiệp

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức thuê đất trong khu công nghiệp, kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường để phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý theo quy định

Hàng năm

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Đề án 02/ĐA-UBND ngày 05/06/2023 về quản lý, sử dụng hiệu quả đất và cơ sở nhà, đất công, đất nông, lâm trường, đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.054

DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.200.165
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!