ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2023/QĐ-UBND
|
Hưng Yên, ngày 20
tháng 02 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
VÀ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thi hành án hình
sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 04 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng;
Căn cứ Nghị định số
133/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự;
Theo đề nghị của Giám đốc
Công an tỉnh Hưng Yên tại Tờ trình số 437/TTr-CAT-PC10 ngày 17 tháng 02
năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Hưng Yên.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể thi hành từ ngày 01
tháng 03 năm 2023.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công
an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ VÀ TÁI HÒA NHẬP
CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Kèm theo Quyết định số 03/2023/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên
tắc, nội dung, hình thức và phân công trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc;
quan hệ công tác; chế độ báo cáo, thống kê; tổ chức giao ban, cuộc họp về công
tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh với
các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
2. Quy chế này áp dụng đối với
các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị
- xã hội tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị,
cá nhân có liên hệ trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
1. Mọi hoạt động của các sở,
ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực công tác
thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng phải tuân thủ chủ trương, đường lối
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Giải quyết công việc theo
đúng phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục, thời
hạn quy định pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác và Quy chế này.
3. Đề cao trách nhiệm của Thủ
trưởng các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong
công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.
Điều 3. Nội
dung phối hợp
1. Phối hợp trong xây dựng, ban
hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thi hành án hình sự và
tái hòa nhập cộng đồng.
2. Xây dựng chương trình, kế hoạch
và tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân về những
quy định pháp luật liên quan đến công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng
đồng.
3. Cung cấp, trao đổi thông tin
giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập
cộng đồng hoạt động trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo
dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý theo thẩm quyền của từng cơ quan
tham gia phối hợp.
4. Kiểm tra, thanh tra việc thực
hiện các quy định pháp luật về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng
đồng.
Điều 4.
Phương thức phối hợp
1. Trao đổi ý kiến, cung cấp
thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Thông qua các cuộc họp liên
ngành định kỳ, đột xuất.
3. Thông qua hội nghị sơ kết, tổng
kết.
4. Thông qua việc thanh tra, kiểm
tra của các đoàn liên ngành.
5. Các hình thức khác theo quy
định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, ĐƠN VỊ
Điều 5. Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
Phối hợp với Công an tỉnh, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc
các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện có hiệu
quả các quy định của pháp luật về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập
cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Điều 6.
Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh tổ chức, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án hình sự và
tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định
pháp luật và Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập
cộng đồng.
2. Chỉ đạo Thanh tra Công an tỉnh
phối hợp với thanh tra các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật
về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo
quy định của pháp luật và chỉ đạo của Bộ Công an.
3. Trao đổi, thông báo cho các
sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố về chủ trương, biện
pháp và tình hình thực hiện công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng
trên địa bàn tỉnh.
4. Chỉ đạo Cơ quan Thi hành án
hình sự Công an tỉnh
a) Tổ chức quản lý, chỉ đạo
toàn diện công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng thuộc Công an
nhân dân trong phạm vi địa bàn tỉnh. Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi
hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng đối với Trại tạm giam Công an tỉnh và
Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo tiếp nhận,
giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng
theo quy định của pháp luật.
b) Phối hợp với Viện kiểm sát
nhân dân tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công
tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tại Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo định kỳ hoặc đột xuất.
c) Chủ trì tổng hợp tình hình,
xây dựng báo cáo về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng theo
chỉ đạo của Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hoặc đột xuất.
Điều 7. Tòa
án nhân dân tỉnh
1. Thực hiện theo chức năng,
nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa
nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.
2. Kịp thời ra quyết định thi
hành án hình sự, quyết định hủy quyết định thi hành án hình sự, gửi đến các cơ
quan, cá nhân liên quan theo đúng thời gian quy định để tổ chức thực hiện.
3. Khi có nhu cầu cần trích xuất
phạm nhân phục vụ công tác xét xử, gửi văn bản yêu cầu cho Cơ quan quản lý thi
hành án hình sự Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh ra lệnh
trích xuất phạm nhân theo quy định tại Điều 40 Luật Thi hành án hình sự ngày 14
tháng 6 năm 2019 và Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC
ngày 17 tháng 6 năm 2020 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối
cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trích xuất
phạm nhân, học sinh đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo
dưỡng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử.
4. Chỉ đạo Tòa án nhân dân huyện,
thị xã, thành phố kịp thời ra quyết định thi hành án hình sự, quyết định hủy
quyết định thi hành án hình sự, gửi đến các cơ quan, cá nhân liên quan theo
đúng thời gian quy định để tổ chức thực hiện.
5. Tổng hợp báo cáo Tòa án nhân
dân tối cao và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thi hành án hình sự và tái hòa
nhập cộng đồng theo quy định.
Điều 8. Viện
kiểm sát nhân dân tỉnh
1. Thực hiện kiểm sát toàn diện
theo chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác thi
hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.
2. Tổ chức kiểm sát việc chấp
hành pháp luật về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tại Cơ
quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, Trại tạm giam Công an tỉnh và Cơ quan
thi hành án hình sự Công an huyện, thị xã, thành phố theo quy định pháp luật.
3. Chỉ đạo Viện kiểm sát nhân
dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm sát việc chấp hành pháp luật về
công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng theo quy định pháp luật.
4. Phối hợp với Cơ quan thi
hành án hình sự Công an tỉnh tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong
công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng tại Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo định kỳ hoặc đột
xuất.
5. Khi có nhu cầu cần trích xuất
phạm nhân phục vụ công tác điều tra truy tố, gửi văn bản yêu cầu cho Cơ quan quản
lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh ra
lệnh trích xuất phạm nhân theo quy định tại Điều 40 Luật thi hành án hình sự và
Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC .
6. Hàng năm phối hợp với Tòa án
nhân dân tỉnh và Công an tỉnh tổ chức sơ, tổng kết công tác liên ngành nhằm
đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa
nhập cộng đồng nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác
liên ngành trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa
bàn tỉnh.
7. Tổng hợp báo cáo Viện kiểm
sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác thi hành án hình sự và
tái hòa nhập cộng đồng theo quy định.
Điều 9. Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
1. Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp với các cấp chính quyền,
ngành chức năng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên
và các tầng lớp nhân dân không xa lánh, kỳ thị; quan tâm, giúp đỡ, tạo việc làm
cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; người chấp hành xong hình phạt tù
tái hòa nhập cộng đồng, góp phần từng bước ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm
và vi phạm pháp luật.
2. Tổ chức tốt công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng
lớp nhân dân.
Điều 10.
Các sở, ban, ngành
1. Sở Nội vụ
Phối hợp với Công an tỉnh, Sở
Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết
định thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện để hỗ trợ giúp đỡ người chấp hành xong
án phạt tù vay vốn, tạo việc làm theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP
ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ
từ thiện.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thông tin, truyền
thông địa phương tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông,
giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng theo Điều 9 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày
17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án
hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
b) Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa và
Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác thi hành án hình sự và
tái hòa nhập cộng đồng trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Chính sách đối với người
chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành xong án phạt tù, người được đặc
xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, các mô hình, điển hình tiên
tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với Công
an tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức hướng dẫn vay vốn, hướng
nghiệp, dạy nghề cho người đang chấp hành án tại cộng đồng vay vốn hoặc người
không có nghề, không có việc làm để giúp họ ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái
phạm tội.
b) Chủ trì, phối hợp với Công
an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành
phố triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu
việc làm, cho vay vốn học nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt
tù; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc
làm phối hợp thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc
làm cho phạm nhân trong Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và người chấp hành xong hình
phạt tù đang cư trú tại địa phương.
c) Phối hợp với các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trao đổi thông tin, tổ chức
tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên
chức và doanh nghiệp, người dân thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, giúp đỡ
người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong hình phạt tù
tái hòa nhập cộng đồng.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn tiếp nhận
vào cơ sở trợ giúp xã hội địa phương đối với người chấp hành xong hình phạt tù
thuộc đối tượng theo quy định của pháp luật.
4. Sở Tư pháp
a) Phối hợp với Công an tỉnh và
các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn
triển khai Luật Thi hành án hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan đến công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.
Kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các ngành chức năng thực
hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành án hình sự tại
cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
b) Thực hiện việc cấp Phiếu lý
lịch tư pháp theo quy định; tổ chức trợ giúp, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho
người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, chấp hành xong hình phạt tù, người được
đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
5. Sở Tài chính
Hằng năm căn cứ nhiệm vụ được Ủy
ban nhân dân tỉnh giao, Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
kinh phí chi thường xuyên để thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng
và tái hòa nhập cộng đồng tại cấp tỉnh theo phân cấp quản lý và khả năng cân đối
ngân sách địa phương.
6. Cục Thi hành án dân sự tỉnh
a) Phối hợp với Công an tỉnh
trong công tác trao đổi thông tin về người đang thi hành án dân sự để chỉ đạo cơ
sở giam giữ thu nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người đang thi hành án dân sự và
trả tiền, giấy tờ cho người thi hành án đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ
thuộc Công an tỉnh.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan thi hành án dân sự cấp huyện thực hiện đúng các quy định của pháp luật
trong công tác lập hồ sơ đề nghị Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân
sự theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân
sự theo quy định của pháp luật.
7. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Thực hiện công tác tiếp nhận, bố
trí sử dụng và giải quyết chính sách đối với người bị phạt tù là quân nhân,
công nhân viên chức quốc phòng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chỉ huy quân sự
tỉnh, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Điều 11. Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị,
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức xã hội
thực hiện công tác tiếp nhận, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án
hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong hình phạt tù, người được đặc xá,
người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú ở địa phương theo quy định
tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Bộ Thông tin và
Truyền thông, các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, hướng dẫn của Công an tỉnh,
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan về công tác thi
hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Triển khai tốt các chính
sách khuyến khích sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong
việc tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người
được tha tù trước thời hạn có điều kiện tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, học
nghề, hòa nhập cộng đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 205 Luật thi hành án
hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Chỉ đạo cơ quan đơn vị truyền
thông, báo chí của địa phương và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp
tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thi hành án hình sự; xây
dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến về thi hành án hình sự
và tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức hội nghị gặp mặt, tọa đàm với người lầm lỗi
trên địa bàn và tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm
cho người lầm lỗi.
4. Chỉ đạo Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề,
vay vốn, tạo việc làm đối với người chấp hành xong hình phạt tù.
5. Bố trí kinh phí triển khai
công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn theo phân cấp
ngân sách hiện hành.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
Chế độ thông tin, báo cáo
Định kỳ hàng năm, các sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng báo cáo kết quả thực
hiện Quy chế về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự
và hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh) trước ngày 20/12, để tổng hợp báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Báo cáo nêu rõ tình hình, kết quả thực hiện Quy chế;
những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy chế về công tác thi hành án hình
sự và tái hòa nhập cộng đồng; những kiến nghị, đề xuất liên quan.
Điều 13.
Điều khoản thi hành
1. Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan tổ chức liên
quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quán triệt triển khai thực hiện Quy chế và xây
dựng chương trình phối hợp giữa các phòng ban, cơ quan, đơn vị để triển khai thực
hiện công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
2. Đề nghị Viện kiểm sát nhân
dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ
chức thành viên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp thực hiện hiệu
quả công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
3. Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra việc triển khai thực hiện Quy chế này; tổng hợp tình hình, số liệu,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu
cầu; đề xuất sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân
có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác này./.