Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1622/QĐ-UBND 2020 phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu: 1622/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 06/07/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1622/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 06 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ CÁC SẢN PHẨM DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;

Căn cứ Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 179/QĐ-BYT ngày 05/02/2015 của Bộ Y Tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện QĐ số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ Tướng chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 627/TTr-SKHCN ngày 10 năm 6 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Khai thác tài nguyên bản địa, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở sử dụng có hiệu quả những lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội. Phát triển dược liệu phải gắn với bảo tồn, du lịch và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên đặc hữu, quý hiếm của tỉnh; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái. Khuyến khích khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp với y dược hiện đại.

2. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển hợp tác gây trồng, bao tiêu sản phẩm, khuyến khích xã hội hóa đầu tư, kể cả việc thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Xác định cây dược liệu là sản phẩm tiềm năng nhằm bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu, giá trị dược liệu gắn với tri thức bản địa.

3. Phát triển dược liệu địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường, trước hết là đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu; tổ chức quản lý sản xuất theo chuỗi, chế biến sâu, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn hữu cơ, nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO) trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

4. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất các giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao thuộc nhóm cây dược liệu ưu tiên đầu tư phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn thông qua cơ chế chính sách để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu từ các khâu sản xuất, chế biến và sử dụng nguồn dược liệu; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gằn với mỗi địa phương mỗi sản phẩm. Đảm bảo ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng gây trồng cây dược liệu, nhóm quản lý bảo vệ rừng cộng đồng, hộ gia đình là những chủ rừng.

5. Tạo điều kiện cho việc phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, khai thác và phát triển nguồn tài nguyên bản địa, các đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức khoa học đóng vai trò chủ đạo và quyết định trong việc phát triển nguồn nguyên liệu và các sản phẩm từ dược liệu.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các sản phẩm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, từng bước đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chủng loại dược liệu cho công nghiệp sản xuất, bào chế thuốc, công nghiệp dược hóa và dùng trong y học cổ truyền; gắn với công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Thu hút các nhà đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc và thực phẩm chức năng. Xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

c) Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để đầu tư phát triển, bảo tồn và thương mại hóa sản phẩm dược liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và ngân hàng thương mại); chú trọng bảo hộ, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý, có giá trị; giữ gìn, phát huy và tăng cường bảo hộ vốn tri thức bản địa về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên

- Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu bản địa, đặc hữu, quý hiếm có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng. Tăng cường bảo tồn nguyên vị các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền và Khu Bảo tồn Sao La. Xây dựng các khu vực bảo tồn chuyển vị một số cây thuốc tự nhiên đặc hữu, quý hiếm tại vùng đệm của Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn và các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

- Bảo tồn ít nhất 27 loài dược liệu quý hiếm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Khu bảo tồn Sao La. Định hướng đến năm 2030 bảo tồn được 50% tổng số loài dược liệu của tỉnh với hai vườn bảo tồn và phát triển nguồn giống cây thuốc quý hiếm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại hai huyện trọng điểm Phong Điền và A Lưới. Phát triển bền vững các loài dược liệu có trữ lượng lớn từ tự nhiên trên địa bàn các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc.

b) Đầu tư phát triển diện tích trồng dược liệu

- Bố trí diện tích phù hợp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và trồng các loài dược liệu dưới tán rừng, nhất là các loài dược liệu thế mạnh của tỉnh đảm bảo phù hợp với từng vùng sinh thái, có quy mô đáp ứng nhu cầu thị trường và tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO, gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng dược liệu.

+ Giai đoạn 2020-2025: Tập trung đầu tư phát triển 200 ha đối với 12 loài dược liệu ưu tiên đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2-3 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phát triển nguồn giống dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn gốc cung cấp đủ giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu ở quy mô vừa và lớn; cung ứng được 100% nhu cầu giống thực hiện đề án, 80% nhu cầu giống trên địa bàn tỉnh.

+ Giai đoạn 2026-2030: Phát triển diện tích trồng 1.000 ha để phát triển vùng nguyên liệu, sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh đáp ứng được nhu cầu sử dụng dược liệu trong tỉnh, trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

- Phát triển vùng trồng cây dược liệu tại 6 tiểu vùng sinh thái gồm vùng núi, vùng gò đồi, vùng đồng bằng, đất phù sa ven sông, đô thị, vùng cát nội đồng, vùng đất ven biển và đất ngập nước nhằm khai thác bền vững và phát triển tiềm năng nguồn dược liệu.

- Tập trung đầu tư các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ để nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám chữa bệnh, có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

c) Huy động doanh nghiệp phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu theo tiêu chí của Chương trình OCOP

- Kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong, ngoài tỉnh và nhu cầu khác.

- Huy động doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị nghiên cứu sản xuất giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đến năm 2025 cung ứng được 80% và đến năm 2030 là 100% nguồn giống dược liệu sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm, chiết xuất dược liệu các cây dược liệu được đưa vào trồng. Ngoài ra cần tạo lập thị trường thuận lợi cho việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu đạt theo tiêu chí của Chương trình OCOP.

- Các doanh nghiệp và các bệnh viện có trách nhiệm mua các sản phẩm của nông dân nuôi trồng cây thuốc có chất lượng tốt, đúng theo tiêu chuẩn qui định, không mua các dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng. Đồng thời, có hướng dẫn, theo dõi đánh giá quá trình thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai khác và bảo quản cho các chủ rừng, nhằm hạn chế rủi ro.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ CÁC SẢN PHẨM DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH OCOP

1. Quy hoạch phát triển vùng dược liệu và lựa chọn loài dược liệu ưu tiên

a) Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu

- Bảo tồn và phát triển tài nguyên dược liệu là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung. Nguồn tài nguyên cây thuốc đã và đang ngày càng khan hiếm do quá trình khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt (Sói rừng, Ba kích, Bảy lá một hoa…). Mặt khác, nhu cầu thị trường về nguồn dược liệu ngày càng cao, thể hiện qua các chương trình và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), kinh tế xanh và quan tâm nhiều đến tài nguyên thiên nhiên. Nhiều hoạt động trồng và kinh doanh cây thuốc đang được tổ chức trên địa bàn tỉnh do các doanh nghiệp đầu tư, hoặc do các sáng kiến cộng đồng được hỗ trợ bởi các tổ chức dân sự (Thiên niên kiện, Ba kích, Cà gai leo, Đẳng sâm). Tuy nhiên, hầu hết các chương trình phục hồi tài nguyên cây thuốc tự nhiên hoặc trồng mới kinh doanh đều dựa trên kinh nghiệm nhỏ lẻ ở vài địa phương và do vậy chưa tạo được các vùng nguyên liệu đủ lớn, hỗ trợ đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu. Việc lựa chọn các loài dược liệu gây trồng dựa trên các nghiên cứu và cơ sở thực tiễn đầu tư phát triển các loài dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

- Nhằm góp phần giải quyết ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến,… và vấn đề quy hoạch và phát triển tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải được nghiên cứu một cách khoa học, cần có phương án quy hoạch vùng phân bố thích nghi các nhóm loài cây thuốc; phương án quy hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển các nhóm cây thuốc có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (bao gồm bản đồ sử dụng đất trồng cây dược liệu đến năm 2030).

b) Lựa chọn các loài dược liệu tiềm năng cho Thừa Thiên Huế

Việc lựa chọn các loài dược liệu gây trồng dựa trên các nghiên cứu và cơ sở thực tiễn đầu tư phát triển các loài dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh dựa vào 4 tiêu chí sau:

- Phù hợp với chủ trương của Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 30/10/2013) và Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030 của Bộ Y tế (Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019).

- Các loài dược liệu phải phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Các loài dược liệu phát triển được theo chuỗi giá trị và xây dựng các mô hình liên kết bền vững.

- Phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn về việc khai thác, gây trồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và trong cả nước.

Trên cơ sở phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và các huyện của Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và kết quả khảo sát, nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu và đa dạng hệ thực vật, có thể chọn làm vùng phát triển nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với khai thác tài nguyên bản địa, mỗi xã một sản phẩm ở một số địa phương tại địa bàn huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, huyện A Lưới và huyện Phong Điền, 12 loài cây dược liệu phù hợp được lựa chọn:

(1) Ba kích (Morinda officinalis), có tên gọi khác là Dây ruột gà, ba kích thiên, liên châu ba kích.

(2) Thiên niên kiện (Homalomena amoraticae), có tên gọi khác là củ ráy rừng, Sơn Thục, củ quành.

(3) Sa nhân tím (Amomum longiligulare) có tên gọi khác Súc sa mật

(4). Đinh lăng (Polyscias fruticosa) có tên gọi khác Cây Gỏi cá, Nam dương lâm.

(5) Sâm cau (Curculigo orchioides), có tên gọi khác: Ngải cau, Cồ nốc lan, Tiên mao.

(6) Thổ phục linh (Smilax glabra), có tên gọi khác là Dây chắt, Dây khum, Cậm cù, Rau tập tàng, Khúc khắc nhẵn

(7) Hoàng đằng (Fibraurea tinctoria)

(8) Cà gai leo (Solanum Procumbens) có tên gọi khác Cà gai dây, Cà vạnh, Quánh, Cà quạnh, Cà quýnh, Cà bò, Cà vạnh, Cà gai dây, Cà hải nam, Cà cưỡng.

(9) Diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria) có tên gọi khác Chó đẻ răng cưa, Cam kiềm, Rút đất.

(10) Đảng sâm (Codonopsis Javanica) có tên gọi khác Sâm leo, dùi gà.

(11) Tràm gió (Melaleuca leucadendra L.) có tên gọi khác Chè cay, Chè đồng.

(12) Bạc hà (Mentha arvensis L.) có tên gọi khác Bạc hà nam.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh

a) Xác định ngành dược liệu là một ngành ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nền y học, một trung tâm y tế của tỉnh.

b) Xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù cho từng địa phương nhằm khuyến khích phát triển dược liệu; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh.

c) Khuyến khích sử dụng dược liệu trong nước, dược liệu có chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường và cả nước. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành nhằm quản lý việc khai thác, sử dụng và chất lượng dược liệu.

d) Hoàn thành kế hoạch tổng thể về bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học.

đ) Thúc đẩy tiến trình xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm dược liệu đặc trưng của địa phương.

e) Lồng ghép các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp (tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nôn nghiệp...), hỗ trợ đỗi mới công nghệ và các chính sách liên quan về ngành dược liệu để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển dược liệu và các sản phẩm dược liệu.

g) Xây dựng một số cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu phù hợp tại địa phương. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025; Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm đến một số chính sách cụ thể cho ngành dược liệu như sau:

- Xây dựng quy hoạch vùng phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, phê duyệt đề án phát triển công nghiệp hóa dược với các định hướng đột phá để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến dược liệu nhằm thúc đẩy phát triển các vùng nguyên liệu.

- Có chính sách ưu tiên đặc cách trong công nhận các loài dược liệu theo quy định, có chính sách hỗ trợ các dự án sản xuất giống dược liệu thông qua các chính sách hỗ trợ đỗi mới công nghệ, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trong nghiên cứu sản xuất thử nghiệm các loại giống dược liệu.

- Hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong phát triển vùng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm dược liệu,…

Cụ thể một số chính sách như:

- Hỗ trợ 01 lần 50% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cải tạo đồng ruộng, thủy lợi, giao thông nội đồng, nhà lưới, nhà kính, chuồng trại, kho bảo quản, xử lý môi trường) cho các cơ sở nhân giống tập trung có quy mô từ 02 ha trở lên đối với cây dược liệu, tối đa không quá 02 tỷ đồng/01 cơ sở. Đối với cơ sở sản xuất giống dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, mức hỗ trợ tối đa không quá 03 tỷ đồng/01 cơ sở.

- Hỗ trợ 01 lần 60% chi phí sản xuất giống gốc, 30% chi phí sản xuất giống thương phẩm theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Trường hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, mức hỗ trợ tương ứng là 80% và 50%.

- Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp sản xuất giống theo nội dung và định mức chi quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông và các văn bản hướng dẫn.

+ Hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt.

+ Xây dựng mô hình áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt: Hỗ trợ 100% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đối với mô hình trồng trọt theo định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

+ Hỗ trợ 01 lần 100% chi phí cấp chứng nhận nuôi trồng và khai thác dược liệu tuân thủ thực hành nuôi trồng, khai thác dược liệu tốt.

+ Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người trực tiếp nuôi trồng và khai thác theo nội dung và định mức chi quy định tại Nghị định số 02/2010/NĐ- CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông và các văn bản hướng dẫn.

- Hỗ trợ nuôi trồng dược liệu tập trung.

Hỗ trợ 01 lần 15 triệu đồng/01 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua giống dược liệu cho dự án trồng cây dược liệu tập trung có quy mô từ 05 ha trở lên.

- Chính sách ưu đãi về đất đai

Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư nghiên cứu, nhân giống, nuôi trồng dược liệu được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai như:

Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước để nuôi trồng, xây dựng nhà xưởng, kho chứa dược liệu thì được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật đất đai.

- Hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai:

+ Trường hợp thuê lại đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 40% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu kể từ khi dự án đi vào hoạt động; mức hỗ trợ được tính theo đơn giá thuê đất quy định tại khoản 1 Điều 8 của Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu

+ Trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được miễn, giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Xây dựng "Trục văn hóa - Thảo dược" phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại Thừa Thiên Huế.

- Phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu ở Thừa Thiên Huế dựa trên các lợi thế so sánh cơ bản là: (1) Điều kiện tự nhiên phong phú, Thừa Thiên Huế là tỉnh đa dạng sinh học cây thuốc cao. (2) Thừa Thiên Huế là tỉnh đa dạng sắc tộc. Ngoài người Kinh, còn có các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều, Pa Hy, Hoa, Mường, Thái và Thổ,... Mỗi dân tộc có tri thức sử dụng dược liệu, nền văn hóa riêng. Đây cũng là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe, chữa trị bệnh tật và các dịch vụ du lịch văn hóa. (3) Thừa Thiên Huế có cảnh quan đẹp, có tài nguyên du lịch đa dạng, trong đó di sản cố đô Huế, Đầm phá Tam Giang, Núi Bạch Mã,... (4) Đặc biệt Cố đô Huế chứa đựng kho tàng di sản khổng lồ, cả vật thể và phi vật thể, như các cây thuốc, bài thuốc cung đình, các món ăn tiến Vua,... Từ đó có thể tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ OCOP.

- Với các lợi thế như vậy, cần gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế "lai" dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược, có dung lượng lớn, có thể xuất khẩu tại chỗ và đặc biệt là phù hợp với các tiêu chí của Chương trình OCOP. Xây dựng trục “Văn hóa - Thảo dược" phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP theo quan điểm phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học, tri thức và văn hóa bản địa trong dược liệu cùng cảnh quan và gắn với du lịch. Khung chiến lược phát triển dược liệu trên nền tảng văn hóa - thảo dược như sau:

Một số nhiệm vụ chính trong xây dựng trục “Văn hóa - Thảo dược" phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với Chương trình OCOP tại Thừa Thiên Huế như sau:

- Phạm vi không gian: Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản và thảo dược gắn với phát triển du lịch tại các địa phương: Thành phố Huế và các huyện Phong Điền, Hương Trà, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, theo trục không gian: Cố đô Huế - Phong Điền- Hương Trà - A Lưới - Nam Đông - Phú Lộc - Hương Thủy-Cố đô Huế.

- Các sản phẩm và dịch vụ OCOP có thể phát triển:

+ Cố đô Huế, thảo dược và ẩm thực Cung đình: Các loại đồ ăn (các loại bánh), đồ uống (các loại trà), sản phẩm từ thảo dược (thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc Y học cổ truyền), dịch vụ (vườn thảo dược Thái y viện, chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền),...

+ A Lưới, Nam Đông: Các sản phẩm từ thảo dược (gội đầu, xông răng, tắm lá thuốc,...) và ẩm thực (nếp A coát, rượu đoác, rượu cần, cá suối,…) dân tộc thiểu số, các làng du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, các điểm dừng chân - đường Hồ Chí Minh

+ Phú Lộc (Lộc Thủy, Lộc Tiến,...): Tinh dầu Tràm, Chổi Xuể và các sản phẩm từ tinh dầu Tràm, dịch vụ trải nghiệm cất tinh dầu Tràm.

+ Hương Thủy: Dịch vụ tham quan,trải nghiệm Làng thuốc Nam Dạ Lê và các dược liệu đóng gói từ thuốc Nam.

+ Phong Điền: Dược liệu và tinh dầu Hương nhu trắng, Hương nhu tía, Hoắc hương, Ba kích...

- Các hoạt động chủ yếu để biến các tiềm năng thành sản phẩm và dịch vụ OCOP một cách có hệ thống, cần thực hiện các hoạt động sau:

+ Cần tiến hành khảo sát tổng thể tài nguyên dược liệu - văn hóa - cảnh quan của tỉnh, từ đó xác định các tiềm năng, hiện trạng phát triển, các vấn đề tồn tại và nguyên nhân, xác định các giải pháp triển khai phù hợp.

+ Vận động các cộng đồng, doanh nghiệp, Hợp tác xã tại các địa phương này tham gia Chương trình OCOP theo đúng các bước trong Chương trình OCOP.

+ Thúc đẩy khởi nghiệp gắn với OCOP, như Thanh niên khởi nghiệp OCOP, Phụ nữ khởi nghiệp OCOP, từ đó tăng tính chủ động, sáng tạo của cộng đồng.

- Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu trong trục văn hóa dược liệu tại Thừa Thiên Huế.

+ Xác định nhu cầu thị trường, gồm yêu cầu phần cốt lõi của sản phẩm/dịch vụ, các phân khúc thị trường, độ lớn thị trường, giá cả.

+ Sáng tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, chú ý kinh doanh dựa trên nền tảng văn hóa, tạo không gian văn hóa, dưỡng bệnh phù hợp với các quy định pháp luật.

+ Xây dựng hệ thống chuẩn hóa, như tiêu chuẩn nguyên liệu (như trồng Tràm, Hoắc hương theo tiêu chuẩn hữu cơ để làm mỹ phẩm), tiêu chuẩn sản phẩm, điều kiện nhà sản xuất (như sấy dược liệu ở làng thuốc Nam Dạ Lê, cất tinh dầu Tràm),... để sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, dịch vụ du lịch.

+ Phát triển nguồn nhân lực, là các giám đốc Hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực tâm huyết, có thể tiếp cận các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ 4.0, tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, có kỹ năng quản trị, nghiên cứu phát triển.

+ Kết nối thị trường: Gắn kết các chủ thể sản xuất - kinh doanh tại cộng đồng với các chủ thể khác trong chuỗi giá trị (như các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các nhà hàng,...) nhằm kéo dài chuỗi giá trị, phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm,...

+ Xây dựng các mô hình điểm tại mỗi địa phương, như phát triển vùng dược liệu an toàn, sạch, vùng đất orgianic, làng văn hóa - du lịch thảo dược, điểm dừng chân,... từ đó tạo mô hình để cộng đồng học tập.

4. Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển vùng nguyên dược liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn

Việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào phát triển sản xuất nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu cần tập trung vào các ưu tiên sau đây:

a) Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sản xuất, chế biến dược liệu nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng, hạ giá thành, có sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và các nhu cầu khác trong và ngoài tỉnh.

b) Cần có nghiên cứu, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh ở các vùng sinh thái khác nhau; sưu tầm, kế thừa các nguồn tri thức bản địa trong việc sử dụng cây thuốc của các dân tộc để điều trị bệnh.

c) Tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu để bảo tồn khai thác nguồn gen, phát triển giống, kỹ thuật nuôi trồng dược liệu.

d) Tập trung nghiên cứu sản xuất giống sạch bệnh, cho năng suất, chất lượng cao trên quy mô lớn. Tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học công nghệ mới của thế giới. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến để chiết xuất, tinh dầu, cao dược liệu, tinh chế các sản phẩm từ dược liệu thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp dược và trong các ngành khác.

đ) Tuyển chọn và đưa các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong nông nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu;

g) Ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản chế biến, ứng dụng các quy trình cải tiến trong quản lý sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dược liệu…

5. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu

Có thể thấy rằng, thực tế nhiều loại dược liệu đang nhập khẩu nhưng ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu. Thực tế, số dược liệu nhập khẩu không chỉ được dùng cho mục đích sản xuất thuốc của chính doanh nghiệp nhập khẩu mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp khác để sản xuất thuốc, ngoài ra còn cung cấp cho các bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, các cơ sở kinh doanh dược liệu và hệ thống các phòng khám chẩn trị y học cổ truyền trong cả nước, sản xuất thực phẩm chức năng và các nhu cầu khác.

Việc khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu: các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp... liên doanh, liên kết đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn. Khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những cây trồng sản xuất không hiệu quả sang mô hình trồng dược liệu hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lựa chọn các sản phẩm dầu tràm và các loại dược liệu là 1/16 loại sản phẩm chủ lực của tỉnh, đồng thời trên cơ sở đó tỉnh đã ban hành khung giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng chuỗi giá trị. Việc phát triển các sản phẩm dược liệu theo chuỗi giá trị, cần có chính sách hỗ trợ phát triển từ vùng nguyên liệu đến bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm và đến tiếp cận thị trường.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Trên cơ sở những yêu cầu của Đề án, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới:

1. Tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của tỉnh về đầu tư phát triển cây dược liệu

a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững, ưu tiên sử dụng dược liệu trong nước, dùng các cây thuốc nam để chăm sóc sức khoẻ.

b) Tuyên truyền về giá trị kinh tế của việc trồng dược liệu, giá trị sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh để tất cả cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ và quyết tâm tổ chức thực hiện có kết quả.

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nguồn tài nguyên dược liệu, kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc dược liệu.

d) Đẩy mạnh và biên soạn các tài liệu hướng dẫn về qui trình kỹ thuật nhân giống, trồng trọt và sơ chế các loài cây dược liệu có triển vọng phát triển.

đ) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động người dân, cộng đồng khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu nhằm hướng đến sử dụng nguồn dược liệu bền vững và bảo vệ môi trường.

e) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu về dược liệu, có chính sách thu hút và phát huy nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tri thức trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và sử dụng dược liệu.

2. Giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Đề án

2.1. Kinh phí thực hiện đề án (khái toán cho một số nhiệm vụ trọng tâm)

TT

Hạng mục

ĐVT

Quy mô

Nhu cầu vốn (triệu đồng)

Trong đó

Ngân sách

Nguồn khác

1

Quy hoạch phát triển nguồn dược liệu

CT

 

2.000

2.000

0

2

Cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

 

 

76.000

18.000

58.000

 

Nguồn giống

 

 

4.000

2.000

2.000

 

Xây dựng vườn bảo tồn cây dược liệu

Vườn

01

2.000

1.000

1.000

 

Các dự án đầu tư phát triển cây dược liệu

Ha

1.000

500.000

10.000

40.000

 

Xây dựng cơ sở chế biến, sản xuất dược liệu

CT

2

20.000

5.000

15.000

3

Ứng dụng KHCN trong phát triển, bảo tồn dược liệu

CT

 

8.000

4.000

4.000

4

Xây dựng thương hiệu và phát triển chuỗi giá trị

 

 

2.000

1.000

1.000

5

Tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực

 

 

6.000

4.000

2.000

 

Tuyên truyền

 

 

2.000

2.000

0

 

Hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực

 

 

4.000

2.000

2.000

7

Chi phí chung (10%)

 

 

9.400

2.900

7.150

 

Tổng cộng

 

 

103.400

31.900

71.500

2.2. Nguồn kinh phí: Huy động các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến địa phương, nguồn vốn vay ưu đãi, các nguồn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa khác, bao gồm:

- Nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương theo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu đối với dự án thực hiện ở địa bàn kinh tế, xã hội khó khăn; hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

- Nguồn vốn tín dụng: Hỗ trợ thực hiện chính sách đảm bảo tiền vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hỗ trợ lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CPcủa Chính phủ.

- Nguồn vốn xã hội hóa từ nguồn tự có, nguồn đối ứng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nguồn hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật.

3. Giải pháp tổ chức thực hiện

3.1. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, gồm: Trưởng Ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 02 Phó Trưởng ban gồm: Phó Trưởng ban thường trực là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và 1 Phó trưởng Ban là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các thành viên là đại diện Ban lãnh đạo của các sở, ngành và các địa phương, hiệp hội.

- Thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo, gồm trưởng hoặc phó đơn vị chuyên môn của các sở, ngành và địa phương liên quan. Tổ trưởng Tổ chuyên viên là Trưởng phòng hoặc Trưởng đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ, các Tổ phó Tổ chuyên viên là Trưởng phòng hoặc Trưởng đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.2. Phân công thực hiện Đề án

a) Sở Khoa học và Công nghệ

- Là cơ quan thường trực theo dõi tổng hợp quá trình thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Đề án.

- Hàng năm, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh phí của Đề án theo các quy định về quản lý tài chính hiện hành của nhà nước.

- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện, những kiến nghị, đề xuất hằng năm trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, báo cáo UBND tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động thực hiện đề án theo chức năng nhiệm vụ được phân công; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản dược liệu sau thu hoạch.

Tham mưu việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về chế biến dược liệu, công tác bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, nhân rộng các mô hình phát triển nguồn dược liệu.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện việc sơ kết, tổng kết và đề xuất Chương trình giai đoạn tiếp theo.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức điều tra, quy hoạch phân vùng, địa bàn khai thác dược liệu tự nhiên, bảo tồn và phát triển dược liệu, chọn, tạo giống, nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là vùng nuôi trồng dược liệu quý hiếm thực hiện công tác bảo tồn nguyên vị và bảo tồn chuyển vị.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật các loài dược liệu và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát triển vùng, vườn cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể và chủ trì thực hiện các nội dung chính sách ưu đãi của Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm.

c) Sở Y tế

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển y dược cổ truyền kết hợp với hiện đại theo Chương trình phát triển y dược cổ truyền kết hợp với hiện đại của Thủ tướng Chính phủ.

- Rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành bổ sung danh mục loài dược liệu có giá trị y tế và kinh tế để bổ sung vào danh mục các loài dược liệu có thể phát triển và tập trung đầu tư.

- Quản lý chất lượng dược liệu theo quy chuẩn kỹ thuật.

d) Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm của Đề án.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề án.

đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu, các sản phẩm từ dược liệu gắn với khai thác tài nguyên bản địa và chương trình phát triển mỗi xã mỗi sản phẩm

- Tích cực vận động thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư phát triển dược liệu, chế biến, bảo quản các sản phẩm dược liệu tại địa phương.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, giao, cho thuê đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu từ các vùng phát triển dược liệu.

g) Sở Công Thương: Chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thương hiệu các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.

h) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên truyền theo nội dung của Chương trình.

i) UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế:

- Tuyên truyền phổ biến Chương trình và các quy định pháp luật về phát triển nguồn dược liệu đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; chủ động đề xuất, xây dựng các nhiệm vụ thuộc Chương trình; bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện Chương trình trên địa bàn.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc quy hoạch rừng dược liệu tự nhiên, vùng trồng phát triển nguồn nguyên liệu; ưu tiên quỹ đất cho xây dựng nhà máy ch ế biến dược liệu; ưu tiên bố trí giao đất, giao rừng cho các dự án, đề án phát triển dược liệu thế mạnh của địa phương, đặc biệt vùng nuôi trồng bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý hiếm.

k) Các tổ chức, cá nhân liên quan:

Có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành; sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, định kỳ báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đại học Huế;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, DL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1622/QĐ-UBND ngày 06/07/2020 phê duyệt Đề án Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.740

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.134.65
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!