BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
165/2010/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2010
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, TẠM
NHẬP TÁI XUẤT, CHUYỂN KHẨU XĂNG DẦU; NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU ĐỂ SẢN XUẤT VÀ PHA
CHẾ XĂNG DẦU; NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU ĐỂ GIA CÔNG XUẤT KHẨU XĂNG DẦU
Căn cứ Luật Hải quan số
29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải
quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải
quan;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động
đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh
xăng dầu;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập
tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế
xăng dầu; nhập khẩu nguyên liệu để gia công xuất khẩu xăng dầu như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối
tượng, phạm vi áp dụng
1. Thương nhân có Giấy phép kinh
doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản
xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm
nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liêu (trừ dầu thô).
2. Thương nhân được thành lập
theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng
ký kinh doanh xăng dầu, đủ điều kiện sản xuất xăng dầu được quyền:
2.1. Trực tiếp nhập khẩu nguyên
liệu hoặc ủy thác cho thương nhân quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện nhập
khẩu nguyên liệu để sản xuất và pha chế xăng dầu theo kế hoạch đã đăng ký sau
khi được Bộ Công Thương xác nhận băng văn bản; được quyền xuất khẩu sản phẩm
xăng dầu được sản xuất và pha chế từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
2.2. Trực tiếp nhập khẩu nguyên
liệu hoặc ủy thác cho thương nhân quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện nhập
khẩu nguyên liệu để xuất khẩu và gia công xuất khẩu xăng dầu.
3. Thương
nhân có Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có ngành nghề kinh
doanh cung ứng xăng dầu hàng không, dịch vụ cung ứng tàu biển hoặc thông qua
công ty cung ứng tàu biển là đại lý của mình được cung ứng xăng dầu (bán) cho
các đối tượng sau đây:
3.1. Tàu bay của các hãng hàng không
nước ngoài đỗ dừng tại cảng hàng không Việt Nam, tàu bay của các hãng hàng
không Việt Nam bay trên các tuyến bay quốc tế.
3.2. Tàu biển quốc tịch nước
ngoài neo đậu tại cảng biển, cảng sông quốc tế và tàu biển quốc tịch Việt Nam
chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.
Điều 2. Một
số quy định đặc thù
1. Trường hợp phải kiểm tra thực
tế xăng, dầu, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xăng dầu hoặc gia công xuất khẩu
xăng dầu thì công chức hải quan căn cứ vào kết quả giám định của thương nhân
kinh doanh dịch vụ giám định (dưới đây gọi tắt là thương nhân giám định) về chủng
loại mặt hàng, khối lượng (nếu là m3, thùng thì khi khai báo hải quan phải quy
đổi đơn vị tính là tấn), trọng lượng, chất lượng để xác nhận kết quả kiểm tra
thực tế xăng dầu, nguyên liệu nhập khẩu vào tờ khai hải quan.
2. Xăng dầu
chỉ được phép bơm lên kho hoặc sang phương tiện khác sau khi tờ khai hải quan
đã được Chi cục Hải quan (nơi thương nhân làm thủ tục) hoàn thành thủ tục đăng
ký tờ khai theo quy định của Luật Hải quan.
3. Xăng dầu kinh doanh tạm nhập
tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 120 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ
tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản
gửi Chi Cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập đề nghị gia hạn, việc gia hạn
không quá 02 lần, mỗi lần không quá 30 ngày đối với mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất.
4. Trường hợp xăng dầu nhập khẩu,
tạm nhập tái xuất, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu, để
gia công xuất khẩu xăng dầu thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng nhưng
chưa có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu
chất lượng nhập khẩu thực hiện như sau:
4.1. Đối với xăng dầu nhập khẩu:
a. Nếu kho của thương nhân có bồn,
bể rỗng thì bơm vào bồn, bể rỗng đó. Sau khi bơm xong xăng dầu, công chức hải
quan niêm phong bồn, bể. Khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng
lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì Hải quan mới quyết định thông
quan và thương nhân mới được phép mở niêm phong hải quan, đưa xăng dầu vào sử dụng.
b. Nếu kho của thương nhân không
có bồn, bể rỗng thì bơm vào bồn, bể đang chứa xăng dầu cùng loại. Sau khi bơm
xong xăng dầu, công chức hải quan niêm phong bồn, bể và chờ kết quả kiểm tra chất
lượng. Nếu cơ quan kiểm tra Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng
lô hàng không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì toàn bộ xăng dầu (cả cũ
và mới) bị xử lý theo quy định của pháp luật. Thương nhân chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc này.
c. Trường hợp bồn, bể của các
kho chứa xăng dầu được thiết kế nhiều đường ống dẫn xăng dầu liên hoàn giữa các
bồn, bể với nhau thì sau khi bơm xong xăng dầu từ phương tiện vận chuyển vào bồn,
bể công chức hải quan không phải niêm phong bồn, bể và giao chủ hàng chịu trách
nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng xăng dầu cho đến khi có kết luận
của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu. Nếu cơ quan kiểm tra
thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng không đáp ứng yêu cầu
chất lượng nhập khẩu thì công chức hải quan căn cứ thực tế xăng dầu để xử lý
theo quy định tại tiết b, điểm 4.1, khoản 4, Điều 2 Thông tư này.
4.2. Đối với xăng dầu tạm nhập
tái xuất:
a. Nếu xăng dầu được bơm vào bồn,
bể rỗng, giữ nguyên trạng và niêm phong hải quan cho đến khi tái xuất thì không
phải kiểm tra về chất lượng.
b. Nếu
xăng dầu được bơm vào bồn, bể đang chứa xăng dầu kinh doanh thì phải đảm bảo
các điều kiện sau:
b1. Xăng dầu tạm nhập phải cùng
chủng loại với xăng dầu đã có sẵn trong bồn, bể chứa.
b2. Phải kiểm tra nhà nước về chất
lượng như đối với xăng dầu nhập khẩu.
Trường hợp cơ quan kiểm tra về
chất lượng Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng không đáp ứng
yêu cầu chất lượng nhập khẩu thì xử lý theo quy định tại tiết b, điểm 4.1, khoản
4, Điều 2 Thông tư này.
4.3. Đối với xăng dầu chuyển tải,
sang mạn:
Thực hiện khai báo hải quan với
Chi cục Hải quan trước khi thực hiện việc chuyển tải, sang mạn. Xăng dầu được
hoàn thành thủ tục hải quan và thông quan khi thương nhân đã nộp Thông báo kết
quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu
của cơ quan kiểm tra về chất lượng. Xăng dầu chuyển tải, sang mạn phải được lưu
trữ riêng tại các kho, bồn, bể chứa riêng.
4.4. Đối với nguyên liệu nhập khẩu
để sản xuất và pha chế xăng dầu, gia công xuất khẩu xăng dầu:
Hải quan chỉ làm thủ tục nhập khẩu
nguyên liệu khi thương nhân nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng
lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu.
5. Xác định khối lượng:
5.1. Đối với xăng dầu xuất khẩu,
nhập khẩu, tạm nhập tái xuất bằng tàu biển, tàu sông (đường sông sang
Campuchia):
Căn cứ nội dung chứng thư giám định
của thương nhân giám định có chức năng giám định về khối lượng xăng dầu để thực
hiện thủ tục.
5.2. Đối với xăng dầu xuất khẩu,
tái xuất bằng xe téc, xe bồn qua cửa khẩu đường bộ:
Lượng xăng dầu được xác định căn
cứ vào đồng hồ đo tại kho khi bơm xăng dầu vào téc, bồn xe vận chuyển hoặc chứng
thư giám định của thương nhân giám định có chức năng giám định về khối lượng hoặc
phiếu thử nghiệm của thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Những nơi không có thương nhân
giám định thì khối lượng xăng dầu được xác định bằng Barem phương tiện vận chuyển
đã được cơ quan kiểm định cấp giấy chứng nhận.
5.3. Đối với dầu bán cho tàu biển
(bao gồm dầu đã nhập khẩu hoặc dầu đã tạm nhập) được xác định như sau:
a. Dầu bơm trực tiếp từ kho xuống
tàu biển được xác định bằng đồng hồ đo của kho.
b. Dầu bơm từ kho xuống phương
tiện vận chuyển được xác định bằng đồng hồ đo của kho chứa trên đất liền. Dầu bơm
từ phương tiện vận chuyển sang tàu biển được xác định bằng một trong các phương
pháp: giám định, Barem, đồng hồ đo tùy theo điều kiện cụ thể của từng tàu biển
và phù hợp với thông lệ được áp dụng đối với mặt hàng này.
5.4. Đối với nhiên liệu bay bán
cho tàu bay (bao gồm nhiên liệu đã nhập khẩu hoặc nhiên liệu đã tạm nhập) được
xác định như sau:
Căn cứ vào đồng hồ đo lưu lượng
của phương tiện tra nạp chuyên dụng cho tàu bay.
5.5. Đồng hồ đo xác định khối lượng:
đồng hồ đo phải được cơ quan tiêu chuẩn đo lường Nhà nước kiểm tra, xác nhận,
niêm phong và được kiểm tra định kỳ theo quy định của pháp luật (trừ đồng hồ đo
của tàu bay, tàu biển).
5.6. Nếu
khối lượng xăng dầu thực nhập, thực xuất có chênh lệch so với khối lượng xăng dầu
ghi trên hóa đơn nhưng phù hợp với khối lượng xăng dầu ghi trên hợp đồng do
tính chất hàng hóa thì khối lượng xăng dầu để tính thuế là khối lượng xăng dầu
giám định ngay tại phương tiện vận chuyển xăng dầu hoặc tại địa điểm dỡ hàng, xếp
hàng.
6. Xác định chủng loại xăng dầu
xuất khẩu, tái xuất:
6.1. Các trường hợp không phải
giám định:
a. Xuất khẩu, tái xuất xăng dầu
từ bồn, bể chứa riêng vẫn còn niêm phong hải quan khi nhập khẩu, tạm nhập.
b. Xuất khẩu, tái xuất nhiên liệu
bay cho tàu bay với điều kiện thương nhân có văn bản xác nhận và chịu trách nhiệm
trước pháp luật.
c. Xuất khẩu, tái xuất dầu
diesel, dầu mazut: công chức hải quan kiểm tra thực tế hoặc kiểm tra bằng
phương tiện kỹ thuật (tỷ trọng kế, thuốc thử hoặc dụng cụ kiểm tra khác theo
quy định của pháp luật để xác định được mặt hàng) hoặc phiếu thử nghiệm của
thương nhân để xác định mặt hàng.
6.2. Các trường hợp phải giám định:
a. Các trường hợp xuất khẩu, tái
xuất khác ngoài các quy định tại điểm 6.1, khoản 6 Điều này.
b. Trường hợp xuất khẩu, tái xuất
qua đường bộ, nếu tại địa phương không có thương nhân giám định độc lập thì chấp
nhận phiếu thử nghiệm của thương nhân; thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp
luật về nội dung Phiếu thử nghiệm.
Xăng dầu được lấy ra từ cùng 01
bồn, bể dưới sự giám sát của công chức hải quan thì việc giám định xác định chủng
loại này là xác định cho cả lô hàng xuất khẩu, tái xuất, không yêu cầu phải xác
định riêng lẻ cho từng phương tiện vận chuyển.
7. Đối với lô xăng dầu xuất khẩu,
nhập khẩu, tạm nhập tái xuất miễn kiểm tra thực tế nhưng có chứng thư giám định
của thương nhân giám định (có chức năng giám định) về khối lượng và chủng loại
xăng dầu quy định tại các khoản 5, khoản 6 Điều này, nếu phát hiện có dấu hiệu
vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế xăng dầu.
8. Đối với trường hợp phải kiểm
tra thực tế xăng dầu:
8.1. Về lấy mẫu xăng dầu nhập khẩu
đối với các loại xăng dầu thuộc danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng để phục
vụ theo yêu cầu của Chi cục Hải quan thì công chức hải quan và thương nhân thực
hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 15 Thông tư số
79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải
quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý
thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
8.2. Về lấy mẫu xăng dầu nhập khẩu
để phục vụ yêu cầu kiểm tra chất lượng thì công chức hải quan và thương nhân thực
hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Thông tư số
17/2009/TT-BKHCN ngày 18/06/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó,
công chức hải quan căn cứ Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa
nhập khẩu để thông quan có điều kiện; việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng do các tổ
chức đánh gía sự phù hợp được chỉ định hoặc cơ quan kiểm tra nhà nước về chất
lượng thực hiện; công chức hải quan không phải giám sát việc lấy mẫu xăng dầu.
9. Xác định xăng dầu thực xuất đối
với xăng dầu xuất khẩu, tái xuất:
Thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục
hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản
lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
10. Chi cục Hải quan làm thủ tục
xuất khẩu, tái xuất: ngay sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan cho phương tiện
vận chuyển xăng dầu xuất khẩu, tái xuất, phải thông báo bằng văn bản / bằng hệ
thống máy tính theo quy định của ngành Hải quan cho Chi cục Hải quan cửa khẩu
xuất biết các nội dung: ngày, giờ phương tiện xuất phát; tên, đặc điểm của
phương tiện; tuyến đường phương tiện hoạt động; tên, lượng, chủng loại xăng, dầu
để cùng phối hợp quản lý theo dõi.
11. Trường hợp thủ tục hải quan
đối với việc nhập khẩu, tạm nhập xăng dầu thực hiện tại Chi cục Hải quan ngoài
cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa xăng dầu nhập khẩu, xăng
dầu tái xuất thì việc giám sát xăng dầu trong quá trình bơm xăng dầu từ phương
tiện vận chuyển từ nước ngoài đến cửa khẩu lên kho của thương nhân hoặc bơm
sang phương tiện vận chuyển khác để vận chuyển xăng dầu đến hệ thống kho nội địa
của thương nhân được áp dụng như đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
12. Các chứng từ là bản sao thuộc
hồ sơ hải quan phải nộp do Giám đốc hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký xác nhận,
chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của chứng từ.
Chương II
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
NHẬP KHẨU, TẠM NHẬP XĂNG DẦU
Điều 3. Địa
điểm làm thủ tục hải quan
Thủ tục hải quan được thực hiện
tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi phương tiện vận chuyển xăng dầu đến; hoặc tại
Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa
xăng dầu nhập khẩu, xăng dầu tái xuất.
Điều 4. Hồ
sơ hải quan
1. Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan: 02 bản
chính;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc
các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng mua bán hàng hóa: 01 bản
sao;
- Vận tải đơn: 01 bản sao;
- Hóa đơn thương mại: 01 bản
chính;
- Nộp lần đầu khi làm thủ tục
các giấy tờ sau:
+ Giấy phép kinh doanh xuất khẩu,
nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp: 01 bản sao;
+ Bản hạn mức nhập khẩu xăng dầu
tối thiểu hàng năm do Bộ Công Thương cấp: 01 bản sao (áp dụng đối với xăng dầu
nhập khẩu);
- Chứng thư giám định khối lượng:
01 bản chính.
- Thông báo kết quả kiểm tra nhà
nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu hoặc đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng
hàng hóa nhập khẩu: 01 bản chính.
2. Chứng từ (bản chính) xuất
trình khi Chi cục Hải quan yêu cầu:
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu,
nhập khẩu xăng dầu do Bộ Công Thương cấp;
- Bản hạn mức nhập khẩu xăng dầu
tối thiểu hàng năm do Bộ Công Thương cấp;
- Hợp đồng mua bán;
- Vận tải đơn.
3. Thời hạn thương nhân nộp các
chứng từ cho Chi cục Hải quan:
Các chứng từ nêu trên phải nộp
khi đến làm thủ tục đăng ký tờ khai hải quan, trừ các chứng từ sau:
3.1. Chứng thư giám định khối lượng:
phải nộp trong thời gian 8 giờ làm việc kể từ khi bơm xong xăng, dầu từ phương
tiện vận tải lên kho, bồn, bể hoặc lên phương tiện vận tải khác trong nội địa.
3.2. Thông báo kết quả kiểm tra
nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu: phải nộp trong thời hạn không quá 07
ngày làm việc kể từ khi bơm xong xăng dầu từ phương tiện vận tải lên kho, bồn,
bể hoặc lên phương tiện vận tải khác trong nội địa.
3.3. Hóa đơn thương mại: Trường
hợp chưa có bản chính, thương nhân phải nộp bản fax (của bản chính) hoặc bản
Telex trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai hải
quan; giám đốc (hoặc người được giám đốc ủy quyền) doanh nghiệp ký xác nhận và
chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của bản fax hoặc
bản Telex này. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn nộp chậm không quá
30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan theo quy định tại khoản
2, Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát
hải quan.
3.4. Khi đăng ký tờ khai hải
quan vì lý do chưa có hóa đơn thương mại (bản chính), Hải quan thu thuế theo tự
khai báo của thương nhân. Khi thương nhân nộp hóa đơn thương mại (bản chính) nếu
có sự thay đổi so với khai báo hải quan thì thương nhân khai bổ sung số tiền
thuế phải nộp theo đúng quy định, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu với
khai báo trên tờ khai, nếu có sự thay đổi thì công chức hải quan điều chỉnh số
thuế phải nộp theo đúng quy định của pháp luật, không xử phạt vi phạm.
3.5. Trường hợp xăng dầu nhập khẩu
và tạm nhập khẩu có chung một (01) hoá đơn thương mại (bản chính) thì Chi cục Hải
quan chấp thuận cho thương nhân nộp hoá đơn thương mại bản chính để lưu vào hồ
sơ nhập khẩu kinh doanh; hoá đơn thương mại bản copy hoặc sao y bản chính của
thương nhân lưu vào hồ sơ tạm nhập, trên tờ khai tạm nhập ghi rõ: hóa đơn
thương mại bản chính đã lưu vào hồ sơ nhập khẩu xăng, dầu theo tờ khai hải quan
số ...... ngày…. tháng …. năm…..
3.6. Trường hợp thực hiện thủ tục
hải quan điện tử thì nộp hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 222/2009/TT-BTC
ngày 25/11/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thí điểm thủ tục hải quan điện tử.
Điều 5.
Trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập
1. Trên cơ sở bản hạn mức nhập
khẩu xăng, dầu tối thiểu hàng năm tiến hành lập phiếu theo dõi và trừ lùi.
2. Thực hiện các bước làm thủ tục
hải quan theo quy định hiện hành.
3. Niêm phong bồn, bể chứa sau
khi hoàn thành việc bơm xăng, dầu vào bồn, bể theo quy định tại điểm 4.1, khoản
4, Điều 2 Thông tư này.
4. Làm thủ tục tái xuất đối với
xăng dầu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập khẩu theo Quyết định của
cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng.
Điều 6.
Trách nhiệm của thương nhân
1. Đề nghị thương nhân giám định
thực hiện giám định khối lượng, chủng loại xăng dầu và tổ chức đánh gía sự phù hợp
được chỉ định thực hiện chứng nhận chất lượng xăng dầu.
2. Đảm bảo nguyên trạng niêm
phong hải quan đối với bồn, bể chứa xăng, dầu hoặc nguyên trạng xăng dầu theo
quy định tại điểm 4.1, khoản 4, Điều 2 Thông tư này.
3. Đối với xăng dầu nhập khẩu
nhưng chưa có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập
khẩu quy định tại khoản 4, Điều 2 Thông tư này, khi có thông báo của cơ quan kiểm
tra thì xử lý như sau:
3.1. Trường hợp cơ quan kiểm tra
nhà nước về chất lượng thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô
hàng đáp ứng yêu cầu nhập khẩu, Chi cục Hải quan đã quyết định thông quan thì
thương nhân được mở niêm phong hải quan (nếu có) để đưa xăng dầu vào sử dụng.
3.2. Trường hợp cơ quan kiểm tra
nhà nước về chất lượng thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô
hàng không đáp ứng yêu cầu nhập khẩu thì thương nhân phải tiếp tục chịu trách
nhiệm giữ nguyên trạng niêm phong hải quan (nếu có), nguyên trạng xăng dầu (bao
gồm cũ và mới - nếu có) và thực hiện thủ tục tái xuất (bao gồm cũ và mới - nếu
có) trong thời hạn quy định của pháp luật.
4. Xăng dầu đã
tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển vào tiêu thụ
nội địa:
4.1. Thời hạn nộp thuế đối với
xăng dầu đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển
vào tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại điểm d, khoản 3
và khoản 4, Điều 42 Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 và nội dung hướng dẫn
của Bộ Tài chính về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
4.2. Sau khi hoàn thành đầy đủ
các nghĩa vụ thuế, tài chính, chịu phạt chậm nộp thuế (nếu có) theo luật định
thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về kiểm tra chất lượng xăng dầu nhập
khẩu.
Điều 7.
Thanh khoản tờ khai hải quan tạm nhập
1. Đơn vị thực hiện thanh khoản:
Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục
tạm nhập xăng dầu chịu trách nhiệm thực hiện thanh khoản tờ khai tạm nhập.
2. Thời hạn thanh khoản tờ khai:
Ngay sau khi xăng dầu hết thời hạn
lưu lại tại Việt Nam theo quy định tại khoản 3, Điều 2 Thông tư này.
Chương III
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
XUẤT KHẨU, TÁI XUẤT XĂNG DẦU
Điều 8. Địa
điểm làm thủ tục hải quan
Thủ tục hải quan đối với xuất khẩu,
tái xuất xăng dầu được thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu đã làm thủ tục
nhập khẩu chính lô xăng dầu đó; hoặc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hoặc tại
Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi thương nhân có hệ thống kho nội địa chứa
xăng dầu xuất khẩu, tái xuất.
Điều 9. Hồ
sơ hải quan
1. Hồ sơ hải quan đối với xuất
khẩu xăng dầu:
1.1. Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan: 02 bản
chính;
- Hợp đồng bán hàng và phụ lục hợp
đồng (nếu có): 01 bản sao;
- Hóa đơn thương mại: 01 bản
chính;
- Văn bản nêu rõ nguồn hàng xuất
khẩu (nguồn do thương nhân nhập khẩu hoặc mua của thương nhân đầu mối nhập khẩu
hoặc lấy từ nguồn sản xuất, pha chế xăng dầu): 01 bản chính;
- Hợp đồng mua xăng dầu nếu mua
xăng dầu của thương nhân được phép nhập khẩu xăng dầu: 01 bản sao;
- Văn bản xác nhận của Bộ Công
Thương về đăng ký kế hoạch sản xuất và pha chế, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất
xăng dầu xuất khẩu: 01 bản sao;
- Tờ khai hải quan của lô hàng
nhập khẩu: 01 bản sao;
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu,
nhập khẩu xăng dầu: 01 bản sao;
- Chứng thư giám định về khối lượng,
chủng loại (đối với trường hợp quy định tại điểm 6.2, khoản 6, Điều 2 Thông tư
này): mỗi loại 01 bản chính.
1.2. Chứng từ (bản chính) xuất
trình khi Hải quan yêu cầu:
- Tờ khai hải quan của lô hàng
nhập khẩu;
- Hợp đồng mua xăng dầu nếu mua
xăng dầu của thương nhân được phép nhập khẩu xăng dầu;
- Văn bản xác nhận của Bộ Công
Thương về đăng ký kế hoạch sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm
xăng dầu.
2. Hồ sơ hải quan đối với tái xuất
xăng dầu:
2.1. Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan: 02 bản
chính;
- Tờ khai hải quan của lô hàng tạm
nhập: 01 bản sao;
- Hợp đồng bán hàng: 01 bản sao;
- Giấy phép kinh doanh xuất khẩu,
nhập khẩu xăng dầu: 01 bản sao;
- Đối với trường hợp bán xăng dầu
cho tàu biển quốc tịch nước ngoài neo đậu tại cảng biển, cảng sông quốc tế và
tàu biển quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh, người khai hải quan
phải nộp thêm:
+ Giấy đăng ký kinh doanh của
thương nhân kinh doanh dịch vụ cung ứng tàu biển / hợp đồng đại lý với thương
nhân cung ứng tàu biển: 01 bản sao (nộp lần đầu);
+ Đơn đặt hàng (order) của thuyền
trưởng / chủ tàu / đại lý chủ tàu (trường hợp không có hợp đồng bán hàng thì
thương nhân không phải nộp hợp đồng bán hàng theo quy định tại điểm 2.1, khoản
này): 01 bản chính hoặc bản fax có xác nhận của Giám đốc hoặc người được uỷ quyền
ký xác nhận, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của chứng từ;
- Chứng thư giám định về chủng
loại (đối với trường hợp quy định tại điểm 6.2, khoản 6, Điều 2 Thông tư này):
01 bản chính.
2.2. Chứng từ (bản chính) xuất
trình khi Hải quan yêu cầu:
- Tờ khai hải quan của lô hàng tạm
nhập.
2.3. Đối với
tàu biển quốc tịch Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh: mỗi lần thương nhân
bán xăng dầu chỉ được bán đúng lượng xăng dầu theo đơn đặt hàng của thuyền trưởng
/ chủ tàu / đại lý chủ tàu; lượng xăng dầu đề nghị mua trong đơn đặt hàng phải
phù hợp với định mức cho một chuyến hành trình nước ngoài; thuyền trưởng / chủ
tàu / đại lý chủ tàu có văn bản cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp
luật về định mức xăng dầu đề nghị mua gửi Chi cục Hải quan.
Điều 10.
Trách nhiệm của Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất xăng dầu
1. Trên cơ sở tờ khai hải quan của
lô hàng tạm nhập tiến hành lập phiếu theo dõi và trừ lùi để thực hiện thanh khoản
tờ khai hải quan tạm nhập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
2. Thực hiện các bước làm thủ tục
hải quan cho lô hàng xuất khẩu, tái xuất theo đúng quy định hiện hành.
3. Kiểm tra tình trạng bên ngoài
của bồn, bể, khoang chứa xăng dầu của phương tiện vận tải, nếu không có nghi vấn
và đáp ứng điều kiện niêm phong hải quan thì cho bơm xăng, dầu vào phương tiện
vận tải. Sau khi xăng dầu được bơm xong, niêm phong các bồn, bể, khoang chứa của
phương tiện vận tải. Trường hợp thương nhân xuất khẩu, tái xuất xăng dầu tại
chính cửa khẩu thương nhân đã nhập khẩu, tạm nhập và đang lưu giữ xăng dầu
trong khu vực cửa khẩu này (nơi thương nhân có hệ thống kho chứa xăng dầu nhập
khẩu, tạm nhập), nếu lô hàng xăng dầu miễn kiểm tra thực tế thì công chức hải
quan không thực hiện niêm phong hải quan.
3.1. Đối với trường hợp xác định
khối lượng bằng Barem thì phải kiểm tra tình trạng bên trong bồn trước khi bơm.
3.2. Trường hợp xăng dầu xuất khẩu,
tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu đường sông, Chi cục Hải quan nơi làm
thủ tục xuất khẩu, tái xuất phải thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan đối
với hàng hóa chuyển cửa khẩu và nội dung quy định tại khoản 10, Điều 2 Thông tư
này.
4. Thực hiện thủ tục hoàn thuế đối
với xăng dầu xuất khẩu (có nguồn gốc nhập khẩu) theo quy định tại mục
6, phần V Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng
dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 11.
Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất
1. Xăng dầu xuất khẩu, tái xuất
qua cửa khẩu đường bộ, đường sông:
1.1. Tiếp nhận hồ sơ hải quan do
Chi cục Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất chuyển đến.
1.2. Kiểm tra niêm phong hải
quan khoang chứa, bồn, bể. Trường hợp còn nguyên niêm phong thì thực hiện giám
sát việc xuất hàng, đảm bảo toàn bộ lô hàng phải thực xuất qua biên giới.
1.3. Nếu phát hiện niêm phong
không còn nguyên vẹn, niêm phong giả, hoặc có dấu hiệu vi phạm về sự thay đổi khối
lượng, chủng loại xăng dầu thì Chi cục Hải quan yêu cầu chủ hàng trưng cầu giám
định khối lượng và chủng loại. Nếu kết quả giám định đúng với bộ hồ sơ thì lập
biên bản xác nhận, làm thủ tục xuất qua cửa khẩu. Nếu kết quả giám định xác định
có thay đổi về khối lượng, chủng loại thì lập biên bản vi phạm và xử lý theo
quy định của pháp luật.
1.4. Thực hiện việc luân chuyển
hồ sơ lô hàng cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu, tái xuất theo
đúng quy định về hàng chuyển cửa khẩu.
1.5. Khi phương tiện chuyên chở
xăng dầu xuất khẩu, tái xuất quay về, Hải quan cửa khẩu phải kiểm tra phương tiện
vận tải nhập cảnh theo quy định nhằm phát hiện hàng nhập lậu hoặc xăng dầu
không xuất khẩu, tái xuất hết quay lại tiêu thụ trong nội địa.
2. Xăng, dầu bán cho tàu biển
theo hình thức cung ứng tàu biển:
Hải quan nơi có tàu biển neo đậu
tiếp nhận hồ sơ hải quan đã hoàn thành thủ tục và giám sát cho đến khi xăng dầu
được giao toàn bộ cho tàu biển.
3. Lượng xăng dầu của 01 tờ khai
xuất khẩu, tái xuất phải xuất hết trong 01 lần qua một cửa khẩu (trừ xăng dầu
tái xuất cho tàu bay hướng dẫn tại chương IV dưới đây).
Trường hợp xăng dầu tái xuất cho
tàu biển nhưng vì lý do tàu biển không đủ chỗ chứa lượng xăng dầu theo hợp đồng
mua bán (trường hợp không có hợp đồng mua bán thì theo đơn đặt hàng - order) và
ít hơn so với lượng xăng dầu đã khai báo trên tờ khai tái xuất thì công chức hải
quan thực hiện nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm xác nhận trên tờ khai tái xuất
về lượng xăng dầu thực tế đã tái xuất và yêu cầu thương nhân nộp bản chính biên
bản giao nhận xăng dầu giữa thương nhân với thuyền trưởng / chủ tàu / đại lý chủ
tàu.
Điều 12.
Trách nhiệm của thương nhân
1. Đề nghị thương nhân giám định
thực hiện giám định khối lượng, chủng loại và cơ quan kiểm tra nhà nước về
chất lượng xăng dầu xuất khẩu, tái xuất đối với những trường hợp phải giám định,
kiểm tra.
2. Đảm bảo giữ nguyên trạng hàng
hóa, niêm phong hải quan và hồ sơ hải quan trong quá trình vận chuyển đến cửa
khẩu xuất.
Chương IV
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
TÁI XUẤT XĂNG DẦU CHO TÀU BAY
Điều 13. Thủ
tục hải quan
Thương nhân được áp dụng hình thức
đăng ký tờ khai một lần để xuất khẩu nhiều lần: thương nhân khai 01 tờ khai cho
tất cả các hãng Hàng không quốc tế, 01 tờ khai cho các tàu bay Việt Nam thực hiện
các chuyến bay quốc tế xuất cảnh. Thời hạn hiệu lực của tờ khai theo quy định của
pháp luật.
Điều 14. Hồ
sơ hải quan
Khi giao hàng cho tàu bay,
thương nhân phải nộp hoặc xuất trình cho Hải quan các giấy tờ sau:
- Xuất trình tờ khai hải quan đã
đăng ký.
- Nộp hóa đơn bán hàng hoặc phiếu
xuất kho: 01 bản chính;
- Bản định mức khối lượng xăng dầu
bay chặng nội địa: 01 bản chính (đối với trường hợp tàu bay xuất cảnh có bay chặng
nội địa);
Điều 15.
Trách nhiệm của Chi cục Hải quan
1. Sau khi giao hàng từng chuyến,
Chi cục Hải quan xác nhận vào hóa đơn / phiếu xuất kho, thực hiện các nhiệm vụ
khác theo quy định đối với đăng ký tờ khai một lần.
2. Trường hợp bán cho tàu bay Việt
Nam xuất cảnh nhưng có dừng tại một sân bay nội địa: Hãng hàng không phải xây dựng
định mức xăng dầu sử dụng bay chặng nội địa và tự chịu trách nhiệm trước pháp
luật về định mức này. Căn cứ định mức, Hải quan xác nhận lượng xăng dầu thực
tái xuất tính từ sân bay mà tàu bay xuất cảnh.
3. Thanh khoản tờ khai:
3.1. Chi cục Hải quan và thương
nhân tiến hành thanh khoản tờ khai bằng cách cộng dồn lượng xăng dầu thực xuất
trong các hóa đơn và Phiếu theo dõi, ghi kết quả thực xuất vào tờ khai xuất khẩu
(ô xác nhận thực xuất).
3.2. Thời hạn xem xét thời hạn nộp
bộ hồ sơ xét hoàn thuế (không thu thuế) là 45 ngày kể từ ngày làm thủ tục tái
xuất khẩu lô hàng xăng dầu cuối cùng đối với hình thức đăng ký tờ khai xuất khẩu
một lần.
CHƯƠNG V
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
XĂNG DẦU KINH DOANH CHUYỂN KHẨU
Điều
16: Thủ tục hải quan
Thủ tục hải quan đối với xăng dầu
kinh doanh chuyển khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông
tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục
hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản
lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Chương VI
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU ĐỂ SẢN XUẤT VÀ PHA CHẾ XĂNG DẦU
Điều 17. Thủ
tục hải quan
1. Đối với nhập khẩu nguyên liệu
để sản xuất, pha chế xăng dầu để xuất khẩu thực hiện theo quy định quản lý đối
với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
Hồ sơ hải quan: ngoài các giấy tờ
phải nộp và xuất trình theo quy định đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản
xuất hàng xuất khẩu thì thương nhân phải nộp, xuất trình các giấy tờ liên quan
theo quy định tại Điều 4 Thông tư này (trừ giấy thông báo kết quả hoặc giấy
đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng nguyên liệu nhập khẩu không phải nộp),
nộp thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu
chất lượng nhập khẩu (theo quy định tại điểm 4.3, khoản 4, Điều 2 Thông tư này)
và bản đăng ký kế hoạch sản xuất, pha chế, nhập khẩu nguyên liệu và tiêu thụ sản
phẩm xăng, dầu của thương nhân có xác nhận của Bộ Công Thương (01 bản sao).
2. Đối với nhập khẩu nguyên liệu
để sản xuất, chế biến xăng dầu để tiêu thụ trong nội địa thực hiện theo quy định
tại chương II Thông tư này.
Chương VII
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI
NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU ĐỂ GIA CÔNG XUẤT KHẨU XĂNG DẦU
Điều 18: Thủ
tục hải quan
Đối với nhập khẩu nguyên liệu để
gia công xuất khẩu xăng dầu thực hiện theo quy định tại Thông tư số
116/2008/TT-BTC ngày 04/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối
với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài và Thông tư số 74/2010/TT-BTC
ngày 14/05/2010 của Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung Thông tư số
116/2008/TT-BTC .
Hồ sơ hải quan: ngoài các giấy tờ
phải nộp và xuất trình theo quy định đối với hàng hóa gia công với thương nhân
nước ngoài thì thương nhân phải nộp, xuất trình các giấy tờ liên quan theo quy
định tại Điều 4 Thông tư này (trừ giấy thông báo kết quả hoặc giấy đăng ký kiểm
tra nhà nước về chất lượng nguyên liệu nhập khẩu không phải nộp), nộp thông báo
kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng nhập
khẩu (theo quy định tại điểm 4.4, khoản 4, Điều 2 Thông tư này).
Chương
VIII
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19: Xử
lý vi phạm
Mọi hành vi vi phạm các quy định
tại Thông tư này sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Bãi bỏ Thông tư số
70/2009/TT-BTC ngày 07/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan đối
với xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất xăng dầu và nhập khẩu nguyên liệu
để sản xuất, chế biến xăng dầu.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực
hiện các nội dung tại Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc
phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính (qua Tổng cục Hải quan) để nghiên cứu,
giải quyết./.
Nơi nhận:
-Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng
CP;
-Văn phòng Quốc hội; VP Chủ tịch nước;
-Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
-Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
-Toà án nhân dân tối cao;
-UBND các tỉnh, TP. trực thuộc TW;
-Sở TC, Cục thuế, Hải quan, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
-Kiểm toán Nhà nước;
-Công báo; Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
-Văn phòng BCĐ TW về phòng chống tham nhũng; Phòng Thương mại và Công nghiệp
VN;
-Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;
-Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính;
-Lưu: VT, TCHQ.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|