BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
----------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4398/QĐ-TCHQ
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN THỦ TỤC
HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI
QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13
ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng số
55/2005/QH11;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016;
Căn cứ Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và
Luật Quản lý thuế ngày 06/4/2016;
Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày
21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan
về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày
22/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý
thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 91/2014/NĐ-CP
ngày 01/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định
quy định về thuế;
Căn cứ Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày
12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định
về thuế;
Căn cứ Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế
tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;
Căn cứ Nghị định số 134/2016/NĐ-CP
ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày
25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải
quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày
17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và
cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1919/QĐ-BTC ngày 06/09/2016
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh,
liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát
quản lý về Hải quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực
hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01
năm 2017.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng
cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục
Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
2. Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải
quan chịu trách nhiệm trang bị đầy đủ các hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo
triển khai được việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ trên Hệ thống; thiết lập và
công bố các địa chỉ thư điện tử của các đơn vị kiểm tra, kiểm soát nội bộ các cấp
đảm bảo tính bảo mật khi trao đổi thông tin.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc phát sinh thì kịp thời báo cáo đề xuất để Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám
sát quản lý về Hải quan) xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu các văn bản liên quan đề cập tại Quy
chế ban hành kèm theo Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực
hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lãnh đạo TCHQ (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, GSQL.GQ1 (30b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Ngọc Anh
|
QUY CHẾ
KIỂM
TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM
SÁT HẢI QUAN
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20 tháng 12 năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan)
Phần I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi, đối tượng kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ áp dụng
đối với tất cả công chức hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra,
giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện
vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và các hoạt động nghiệp vụ của cấp Chi cục
Hải quan, cấp Cục Hải quan và cấp Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Mục
đích kiểm tra, kiểm soát nội bộ
1. Giám sát việc thực hiện pháp luật của
công chức hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan
để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật thuế xuất
khẩu, nhập khẩu và các quy trình nghiệp vụ hướng dẫn thực hiện thủ tục hải
quan, kiểm tra, giám sát hải quan hiện hành.
2. Kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm và các
vi phạm liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát
hải quan của công chức hải quan để có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời.
3. Phát hiện xu hướng, dấu hiệu bất thường
trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; quá trình
thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan để có biện pháp ngăn chặn
kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính
sách pháp luật có liên quan.
Điều 3. Yêu cầu
kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ được thực
hiện đồng thời tại 3 cấp Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Chi cục Hải quan và
đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ phải
được thực hiện hàng ngày, đồng thời với quá trình thực hiện thủ tục hải quan
thông qua việc theo dõi, giám sát và
phân tích dữ liệu trên các Hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải
quan, Hệ thống camera giám sát, định vị GPS, hình ảnh máy soi container, máy soi hành lý và
thông tin từ đường dây nóng của cơ
quan hải quan:
a) Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm
soát nội bộ toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của đơn vị với toàn bộ việc thực hiện
thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan của các công chức thuộc Chi cục;
b) Cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm
tra, kiểm soát nội bộ toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của các Chi cục Hải quan;
c) Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm
tra, kiểm soát nội bộ toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố trên toàn quốc.
Ngoài các thông tin thu thập từ Hệ thống
công nghệ thông tin, Hệ thống camera giám sát và hình ảnh máy soi container,
máy soi hành lý thì các đơn vị chủ động thu thập thông tin từ các cơ quan có
liên quan để phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát nội bộ (ví dụ: hiện
tại chưa có Hệ thống trao đổi thông tin trực tiếp giữa cơ quan hải quan và các
cơ quan kinh doanh kho, bãi, cảng về thời điểm, số lượng hàng hóa hạ bãi, số lượng
hàng hóa lưu tại bãi, số lượng hàng hóa còn tồn tại cảng,…, các đơn vị thực hiện
việc thu thập thông tin thông qua việc truy cập dữ liệu quản lý hàng hóa của
các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng).
2. Thu thập, phân tích, tổng hợp, so
sánh, đánh giá thông tin, số liệu trên Hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan
hải quan và các nguồn thông tin khác (nếu có) theo thời kỳ để nhận biết được
ngay các thay đổi bất thường trong việc thực hiện thủ tục hải quan tại đơn vị,
qua đó xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp đảm bảo phòng ngừa và
ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, buôn lậu (ví dụ số lượng tờ khai được
đăng ký vào ngoài giờ hành chính tăng đột biến, ...); phát hiện các biểu hiện
hoặc hành vi tiêu cực hoặc việc thực hiện chưa đúng quy trình, quy chế của công
chức thừa hành để có biện pháp xử lý kịp thời (ví dụ: cùng một đơn vị nhưng có
sự không thống nhất trong việc phân loại mã số HS, xác định trị giá hải quan,
áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu đối với cùng một mặt hàng).
3. Thực hiện việc xử lý ngay hành vi vi
phạm của công chức hải quan khi phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, kiểm
soát nội bộ; có những biện pháp ngăn chặn kịp thời đối với các dấu hiệu, xu hướng
trở thành vi phạm theo thẩm quyền được giao đồng thời báo cáo, đề xuất các cấp
có thẩm quyền để có biện pháp chấn chỉnh hoặc hỗ trợ kịp thời (như ban hành văn
bản hướng dẫn, thanh
tra, kiểm tra, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, ...).
4. Các thông tin ghi nhận nội dung, quá
trình và kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ phải được cập nhật ngay vào Hệ thống
kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo đúng phân cấp. Mỗi cấp được phân quyền chịu
trách nhiệm cập nhật kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo đúng các chỉ tiêu
thông tin được giao và chịu trách nhiệm về việc cập nhật đầy đủ thông tin hướng
dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này. Trường hợp chưa có Hệ thống kiểm
tra, kiểm soát nội bộ thì thực hiện lập báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm soát nội
bộ theo các mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này dưới dạng văn bản giấy
(có xác nhận của
người
chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát nội bộ).
Tất cả các yêu cầu, chỉ đạo, trao đổi
liên quan đến kiểm tra, kiểm soát nội bộ đều được ghi nhận trên Hệ thống và các
thông tin trao đổi phải được ghi nhận, kiểm tra, phản hồi trực tuyến. Các yêu cầu,
chỉ đạo tùy thuộc vào mức độ quan trọng và ảnh hưởng có thể được thể hiện dưới
dạng: ghi nhận trực tiếp trên Hệ thống (có ghi rõ tên người yêu cầu, chỉ đạo;
ngày, giờ thực hiện...); thông qua email (thiết lập các địa chỉ email chuyên biệt)
hoặc dưới dạng văn bản (Lệnh, Quyết định...) nhưng đều phải được cập nhật vào Hệ
thống (nếu dưới dạng văn bản có thể scan đưa vào Hệ thống để thông tin trao đổi được
nhanh chóng). Trường hợp chưa có Hệ thống thì các nội dung yêu cầu, chỉ đạo được
thực hiện thông qua email (thiết lập các địa chỉ email chuyên biệt) hoặc dưới dạng
văn bản (Lệnh, Quyết định...).
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng đơn vị của từng cấp chịu
trách nhiệm tổ chức triển khai quy
trình tại đơn vị và chịu trách nhiệm về nội dung can thiệp, nội dung phân tích
và thời gian cập nhật kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo đúng quy định, đảm
bảo nguyên tắc sau:
a) Tại Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng
Chi cục Hải quan chịu trách nhiệm:
a.1) Kiểm tra, kiểm soát nội bộ với toàn bộ hoạt động
nghiệp vụ của Chi cục Hải quan theo hướng dẫn tại Mục 1 Phần II Quy chế này;
a.2) Thực hiện kiểm tra, dừng đưa hàng
qua khu vực giám sát theo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục
trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu,
Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Cục trưởng Cục Hải quan quản lý Chi cục Hải
quan;
a.3) Báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm soát
nội bộ hàng ngày tới đầu mối Cục Hải quan và Tổng cục Hải quan (theo từng lĩnh
vực kiểm tra, kiểm soát nội bộ) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
b) Tại Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải
quan chịu trách nhiệm:
b.1) Kiểm tra, kiểm soát nội bộ với toàn bộ hoạt động
nghiệp vụ của các Chi cục hải quan trực thuộc theo hướng dẫn tại Mục 2 Phần II Quy
chế này;
b.2) Chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực
thuộc Cục Hải quan trong việc kiểm tra, dừng đưa hàng qua khu vực giám sát và
chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình;
b.3) Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm
hoặc các vi phạm của cấp Chi cục Hải quan thì yêu cầu Chi cục Hải quan xác minh
và xử lý kịp thời; đồng thời báo cáo Tổng cục Hải quan. Trường hợp cấp Cục Hải
quan nơi phát hiện các dấu hiệu vi phạm hoặc các vi phạm thuộc Chi cục Hải quan
không thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình thì thông báo cho Cục Hải quan nơi
quản lý Chi cục Hải quan đó biết để kịp thời xử lý.
Trong trường hợp vụ việc nghiêm trọng hoặc
nhạy cảm, căn cứ tình hình thực tế, Cục trưởng Cục Hải quan hoặc người được Cục
trưởng Cục Hải quan phân công có thể can thiệp trực tiếp bằng biện pháp nghiệp
vụ vào việc xác minh và xử lý vi phạm tại cấp Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải
quan để đảm bảo vụ việc đúng quy định;
b.4) Báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm soát
nội bộ tới đầu mối Tổng cục Hải quan (theo từng lĩnh vực kiểm tra, kiểm soát nội
bộ) theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
c) Tại Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục
Giám sát quản lý về Hải quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng
Cục Quản lý rủi ro, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục trưởng Cục Kiểm định
Hải quan (sau đây gọi là Cục trưởng Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục Hải quan)
và Lãnh đạo đơn vị được phân công trực ban Tổng cục chịu trách nhiệm:
c.1) Kiểm tra, kiểm soát nội bộ với toàn bộ hoạt động
nghiệp vụ của Cục Hải quan
(bao gồm hoạt động của các Chi cục Hải quan trực thuộc và các đơn vị nghiệp vụ
thuộc Cục như Phòng Giám sát quản lý, Phòng Thuế xuất nhập khẩu, Phòng Quản lý
rủi ro, Đội Kiểm soát...) theo hướng dẫn tại Mục 3 Phần II Quy chế này;
c.2) Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải
quan, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro và
Lãnh đạo đơn vị được phân công trực ban Tổng cục chỉ đạo Chi cục Hải quan trong
việc kiểm tra, dừng đưa hàng qua khu vực giám sát; chịu trách nhiệm trước pháp luật
và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về các quyết định của mình. Khi chỉ đạo việc
dừng đưa hàng qua khu vực giám sát hải quan, đơn vị chỉ đạo phải thông báo ngay
cho các đơn vị còn lại, bộ phận trực ban Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan để biết,
phối hợp, đồng thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục;
c.3) Khi phát hiện vi phạm tại Chi cục Hải quan
(trừ những trường hợp quy định tại điểm c.2 khoản 1 Điều này) thì thông báo cho Chi cục
Hải quan để xử lý kịp thời, đồng thời thông báo cho cấp Cục Hải quan quản lý
Chi cục Hải quan để theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, kiểm soát nội bộ cấp Chi cục
Hải quan về vi phạm đã được phát hiện và thông báo cho bộ phận trực ban Tổng cục
Hải quan để phối hợp theo dõi, chỉ đạo.
Trong trường hợp vụ việc nghiêm trọng hoặc
nhạy cảm, căn cứ tình hình thực tế, Cục trưởng Cục nghiệp vụ trực thuộc Tổng cục
Hải quan hoặc Lãnh đạo đơn vị được phân công trực ban Tổng cục có thể can thiệp
trực tiếp vào việc xử lý vi phạm tại Cục Hải quan và Chi cục Hải quan bằng các
biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo vụ việc đúng quy định;
c.4) Tiếp nhận, phân tích báo cáo kết quả kiểm
tra, kiểm soát nội bộ của Cục Hải quan tỉnh, thành phố kết hợp với kết quả kiểm
tra, can thiệp của Tổng cục Hải quan để thực hiện báo cáo đột xuất (nếu phát
sinh sự việc hoặc hiện tượng nghiêm trọng) hoặc theo định kỳ với Tổng cục trưởng.
2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm:
a) Trường hợp xác định được công chức có
hành vi vi phạm thì người trực tiếp gây ra hành vi phải chịu trách nhiệm, đồng
thời người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm
theo quy định tại Quyết định số 1458/QĐ-TCHQ ngày 08/5/2013 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan ban hành Quy định chế độ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người
đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trong ngành Hải quan khi để vụ,
việc sai phạm xảy ra trong đơn
vị, lĩnh vực công tác do mình quản lý, phụ trách;
b) Trường hợp phát hiện vi phạm nhưng
không xác định được cụ thể người chịu trách nhiệm thì người đứng đầu đơn vị nơi
xảy ra vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ việc đã xảy ra. (Ví dụ:
sai phạm xảy ra trong Đội thủ tục nhưng không xác định được cụ thể công chức
sai phạm thì Đội trưởng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sai phạm; nếu xảy
ra ở Chi cục Hải quan nhưng không xác định được ở Đội nào, bộ phận nào hoặc
công chức thực hiện hành vi vi phạm thì Chi cục trưởng phải chịu trách nhiệm).
Phần II
QUY
ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. QUY CHẾ KIỂM
TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ CẤP CHI CỤC HẢI QUAN
Điều 5. Nhiệm vụ kiểm
tra, kiểm soát nội bộ cấp Chi cục Hải quan
Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ tại Chi
cục hải quan được thực hiện liên tục, song song với việc thực hiện thủ tục hải
quan, kiểm tra giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất
cảnh, nhập cảnh đang lưu giữ trong địa bàn hoạt động hải quan thuộc trách nhiệm
giám sát của Chi cục Hải quan; đảm bảo thông tin khai báo trên Hệ thống công
nghệ thông tin của ngành hải quan, các hành vi của công chức xử lý thông tin
hàng hóa, phương tiện vận tải phát sinh trong ngày phải được rà soát ngay khi
phát sinh, kiểm soát toàn bộ hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào, đưa ra, lưu
giữ tại địa bàn, cụ thể như sau:
1. Đối với Chi cục Hải quan quản lý sân
bay:
a) Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ
tục hải quan của công chức hải quan thuộc Chi cục trong việc thực hiện tiếp nhận,
kiểm tra và xử lý thông tin về hàng hóa, hành khách trên phương tiện vận tải dự
kiến nhập cảnh (thông tin trước về hành khách, hàng hóa chuyên chở trên phương
tiện vận tải); kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa, hành khách, hành lý,
phương tiện vận tải từ khi hàng hóa, hành khách, hành lý, phương tiện vận tải
vào địa bàn hoạt động hải quan của Chi cục Hải quan, trong quá trình lưu giữ cho đến khi đưa ra
khỏi địa bàn hoạt động hải quan đảm bảo kiểm soát được hàng hóa, hành khách,
hành lý, phương tiện vận tải và phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hải
quan,
kiểm
tra, giám sát hải quan, chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập
khẩu;
b) Kiểm tra, kiểm soát hoạt động giám
sát của công chức hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải từ nội địa vào
lưu giữ trong khu vực giám sát hải quan cho đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải
quan.
2. Đối với Chi cục Hải quan quản lý cảng
biển:
a) Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ
tục hải quan của công chức hải quan thuộc Chi cục trong việc thực hiện tiếp nhận,
kiểm tra và xử lý thông tin hàng hóa, phương tiện vận tải dự kiến nhập cảnh
(thông tin trước về hàng hóa, phương tiện vận tải); kiểm tra, kiểm soát hoạt động
giám sát của công chức đối với hàng hóa, phương tiện vận tải từ khi hàng hóa,
phương tiện vận tải vào khu vực đón trả hoa tiêu, trong quá trình vận chuyển về
đến cảng, đưa vào cảng, kho, bãi, trong quá trình lưu giữ cho đến khi đưa ra khỏi
địa bàn hoạt động hải quan; đảm bảo kiểm soát được hàng hóa, phương tiện vận tải
và phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải
quan, chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu;
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, phương tiện
vận tải xuất cảnh phải đảm bảo kiểm soát được hàng hóa, phương tiện vận tải được
thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát, giám
sát từ khi hàng hóa xuất khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh được đăng ký thông tin xuất khẩu,
xuất cảnh trên Hệ thống cho đến khi được đưa vào khu vực giám sát hải quan và ra
đến khu vực đón trả hoa tiêu.
3. Đối với Chi cục Hải quan quản lý cửa
khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa:
a) Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ
tục hải quan của công chức hải quan thuộc Chi cục trong việc thực hiện tiếp nhận,
kiểm tra và xử lý thông tin về hàng hóa, phương tiện vận tải nhập cảnh; từ khi
hàng hóa, phương tiện vận tải vào địa bàn hoạt động hải quan của Chi cục Hải
quan, trong quá trình lưu giữ cho đến khi đưa ra khỏi địa bàn hoạt động hải
quan đảm bảo kiểm soát được hàng hóa, phương tiện vận tải và phải tuân thủ đầy đủ các quy định
về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chính sách thuế, chính sách
quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu;
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, phương tiện
vận tải xuất cảnh phải đảm bảo kiểm soát được hàng hóa, phương tiện vận tải được thực hiện
đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát, giám sát từ khi
hàng hóa xuất khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh được đăng ký thông tin xuất
khẩu, xuất cảnh trên Hệ thống cho đến khi được đưa vào khu vực giám sát hải
quan, đến cửa khẩu xuất và ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan.
4. Đối với Chi cục Hải quan quản lý cảng
nội địa (ICD), kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, kho CFS, bưu điện quốc tế:
a) Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ
tục hải quan của công chức hải quan thuộc Chi cục trong việc thực hiện tiếp nhận,
kiểm tra và xử lý thông tin hàng hóa (thông tin trên Hệ thống đối với tờ khai vận
chuyển chịu sự giám sát hải quan); kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa từ
khi hàng hóa được vận chuyển từ địa bàn khu vực cửa khẩu đến địa bàn giám sát của
Chi cục Hải quan quản lý cảng nội địa (ICD), kho ngoại quan, kho hàng không kéo
dài, kho CFS, bưu điện quốc tế đồng thời đảm bảo kiểm soát được hàng hóa,
phương tiện vận tải từ khi hàng hóa, phương tiện vận tải đưa vào địa bàn giám
sát của ICD, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, kho CFS, bưu điện quốc tế trong quá
trình lưu giữ đến khi ra khỏi ICD, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, kho
CFS, bưu điện quốc tế phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm
tra, giám sát hải quan, chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu.
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo
kiểm soát được hàng hóa thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm
tra, kiểm soát, giám sát từ khi hàng hóa xuất khẩu được đăng ký thông tin xuất
khẩu trên Hệ thống cho đến khi được đưa vào địa bàn hoạt động hải quan tại ICD,
kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, kho CFS, bưu điện quốc tế và ra đến cửa
khẩu xuất.
5. Đối với Chi cục Hải quan khác:
a) Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thủ
tục hải quan của công chức hải quan thuộc Chi cục từ khi hàng hóa được đăng ký
tờ khai nhập khẩu trên Hệ thống cho đến khi tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu
được thông quan. Trường hợp hàng hóa được vận chuyển từ địa bàn khu vực cửa khẩu đến địa bàn giám sát
của Chi cục Hải quan để thực hiện việc kiểm tra hàng hóa thì Chi cục Hải quan phải thực
hiện việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa từ khi xuất phát từ cửa khẩu về đến địa bàn giám
sát của Chi cục Hải quan, trong quá trình lưu giữ đến khi ra khỏi địa bàn giám
sát của Chi cục Hải quan; đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục hải
quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa
xuất nhập khẩu.
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo
được thực hiện đầy đủ các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát, giám
sát từ khi hàng hóa xuất khẩu được đăng ký tờ khai xuất khẩu trên Hệ thống cho
đến khi được đưa vào khu vực giám sát hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
Điều 6. Kiểm tra, kiểm
soát trực tuyến (online)
1. Căn cứ các thông tin về hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
trong phạm vi, địa bàn quản lý của Chi cục Hải quan đã được khai báo trên các Hệ
thống thông tin của ngành hải quan, Hệ thống camera giám sát, định vị GPS, hình ảnh máy soi
container, máy soi hành lý, thông tin từ đường dây nóng của cơ quan hải quan và
tình hình thực tế (khối lượng công việc, nhân lực, đặc thù địa bàn, hàng hóa,
...), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan hoặc người được Chi cục trưởng Chi cục Hải
quan phân công thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngay tại thời điểm phát
sinh các thông tin nêu trên theo nguyên tắc xác định đối tượng trọng tâm, trọng
điểm hoặc kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các hoạt động thuộc phạm vi, địa bàn quản
lý của Chi cục.
Trường hợp không thể thực hiện ngay do phát
sinh ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ, ngày lễ thì phải thực hiện việc kiểm
tra, kiểm soát nội bộ chậm nhất trong ngày làm việc kế tiếp ngày phát sinh.
2. Nội dung kiểm tra, kiểm soát nội bộ
a) Đối với phương tiện vận tải xuất cảnh,
nhập cảnh, quá cảnh (bao gồm cả tiếp nhận và xử lý thông tin e-manifest trước
24 giờ):
a.1) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục đã theo đúng
các quy định, quy trình, bao gồm:
a.1.1) Thời hạn thực hiện thủ tục của
công chức hải quan;
a.1.2) Thời hạn cung cấp thông tin
e-manifest theo quy định của pháp luật (trước khi phương tiện vận tải cập cảng).
a.2) Kiểm tra việc phân tích, xử lý
thông tin manifest của cán bộ, công chức hải quan (đảm bảo thông tin do hãng vận
chuyển cung cấp đầy đủ, chi tiết và xác định được hàng hóa trọng điểm cần tập
trung kiểm tra, kiểm soát);
a.3) Kiểm tra việc xác định danh sách container để soi chiếu trong
quá
trình
xếp dỡ hàng hóa tại cửa khẩu phù hợp với các tiêu chí thiết lập;
a.4) Kiểm tra việc thực hiện soi chiếu
và ghi nhận kết quả kiểm tra, việc sử dụng kết quả cho các khâu nghiệp vụ tiếp
theo.
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,
quá cảnh
b.1) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan theo
các quy định, quy trình, bao gồm:
b.1.1) Thời hạn thực hiện thủ tục hải quan: kiểm tra
hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan;
b.1.2) Việc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung
chứng từ: các trường hợp yêu cầu doanh nghiệp bổ sung các chứng từ ngoài quy định, việc
yêu cầu doanh nghiệp xuất trình chứng từ giấy trong khi doanh nghiệp đã nộp hồ
sơ điện tử, ...
b.1.3) Việc chuyển luồng, dừng đưa hàng
qua KVGS: lí do, kết quả kiểm tra sau khi thực hiện việc chuyển luồng, dừng đưa hàng
qua KVGS được cập nhật trên Hệ thống;
b.1.4) Tỷ lệ phân luồng hàng hóa: thay đổi
bất thường, kết quả phát hiện vi phạm qua kiểm tra, đánh giá lại các tiêu chí
phân luồng cấp Chi cục, việc thiết lập tiêu chí quản lý rủi ro của công chức;
b.1.5) Kiểm tra việc thực hiện chính sách quản lý
hàng hóa: việc thực hiện thống nhất trong phạm vi Chi cục, đối với những mặt
hàng trọng điểm về chính sách cần kiểm tra việc khai báo giấy phép, kết quả kiểm
tra chuyên ngành của người khai hải quan và việc kiểm tra của công chức hải
quan, việc đưa hàng về bảo quản, kiểm tra việc bảo quản hàng hóa.
b.1.6) Kiểm tra thực tế hàng hóa thông
qua kiểm tra hình ảnh máy soi container, máy soi hành lý: kiểm tra lại kết quả
phân tích hình ảnh của công chức soi chiếu đã chính xác hay chưa,...
b.1.7) Kiểm tra trị giá hải quan: Kiểm
tra để phát hiện trường hợp mặt hàng có giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá
của Tổng cục Hải quan nhưng chưa thực hiện việc đánh dấu nghi vấn, tham vấn hoặc
kiểm tra sau thông quan, xác định trị giá hải quan theo quy định;
b.1.8) Kiểm tra, xác định tên hàng, mã số,
mức thuế hàng hóa: Kiểm tra để phát hiện một mặt hàng khai báo nhiều mã HS khác
nhau tại đơn vị hoặc giữa đơn vị với các Chi cục Hải quan khác; một mặt hàng có
kết quả phân tích phân loại khác nhau giữa các Chi cục Kiểm định hải quan;
b.1.9) Kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa: Việc
chấp nhận hoặc bác bỏ nội dung khai báo xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp có
phù hợp với các thông
tin trên tờ khai hải quan, quy định tại các Hiệp định, Thông tư hướng dẫn của Bộ Công
Thương, Bộ Tài chính.
b.1.10) Kiểm tra việc thực hiện chính
sách thuế và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
- Thực hiện miễn thuế, giảm thuế, hoàn
thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế (Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu
và các văn bản pháp luật có liên quan,...);
- Thực hiện nghĩa vụ thuế theo thứ tự
thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt;
- Thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế,
thu hồi nợ thuế, xóa nợ
tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, ...
b.1.11) Hàng hóa tạm nhập - tái xuất: kiểm soát được
lượng tờ khai phát sinh, việc thực hiện chính sách thuế, chính sách quản lý
hàng hóa, lượng hàng, tờ khai quá hạn nhưng chưa tái xuất, theo dõi hàng hóa đã
làm thủ tục hải quan đang vận chuyển đến cửa khẩu xuất, các biện pháp đã thực
hiện trong công tác phối hợp truy tìm hàng hóa, ...
b.2) Kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải
quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan
(vận chuyển độc lập):
b.2.1) Việc công chức hải quan thực hiện
theo trình tự, thủ tục quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy
chế nội bộ (đã thực hiện nghiệp vụ BOA/BIA trên Hệ thống; việc sửa, hủy tờ
khai, lí do sửa, hủy tờ khai; ...);
b.2.2) Giám sát hàng hóa vận chuyển độc
lập: việc theo dõi hàng hóa vận chuyển, rà soát các tờ khai, lô hàng quá hạn vận
chuyển nhưng chưa đến địa điểm đích,...
b.3) Giám sát hải quan:
b.3.1) Kiểm tra xác định hàng hóa đưa ra
khỏi khu vực giám sát hải quan (đã có xác nhận hàng qua khu vực giám sát trên hệ
thống) đã đáp ứng các điều kiện để hàng qua khu vực giám sát;
Trường hợp nối mạng trao đổi thông tin
hàng đưa ra, đưa vào, lưu giữ trong khu vực giám sát với các doanh nghiệp
kinh doanh cảng, kho, bãi thì kiểm tra, đối chiếu giữa lượng hàng đã đưa ra
trên hệ thống của cảng với danh sách hàng đủ điều kiện đưa qua khu vực giám sát
trên hệ thống của cơ quan hải quan (theo từng trạng thái tờ khai hải quan:
thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, đưa hàng về địa điểm kiểm
tra; phê duyệt tờ khai vận chuyển độc lập; hàng buộc tái xuất, tạm giữ phục vụ
công tác điều tra...).
b.3.2) Theo dõi lượng hàng hóa đưa ra,
đưa vào, lưu giữ theo thời gian thực, lượng hàng tồn quá thời hạn quy định chưa làm
thủ tục hải quan hoặc thuộc diện hàng hóa tồn đọng chưa xử lý;
b.3.3) Kiểm tra, đối chiếu thông tin
trên Hệ thống camera giám sát.
Việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với
các nội dung nêu tại khoản 2 Điều này phải đảm bảo từng nội dung được thực hiện
đúng quy trình và các quy định (ví dụ như thủ tục tàu, thủ tục đăng ký tờ khai,
phân luồng, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra xác định trị
giá hải quan, kiểm tra xác định tên hàng, mã số, mức thuế, quyết định thông
quan/giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, đưa hàng qua khu vực giám sát...)
nhưng cũng cần phải được kiểm tra gắn
kết giữa các quy trình để đảm bảo một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cần được kiểm soát
từ khi phát sinh thủ tục hải quan đến khi thực tế xuất khẩu, nhập khẩu (ví dụ đối
với hàng hóa nhập khẩu phải kết nối được thông tin phương tiện vận tải chuyển
chở hàng hóa với thông tin manifest, thông tin đăng ký tờ khai, thông tin qua khu vực giám
sát; đối với hàng hóa xuất khẩu phải kết nối được thông tin từ khi hàng hóa được
đăng ký tờ khai đến khi hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan và xếp lên
phương tiện vận tải xuất cảnh).
3. Xử lý kết quả kiểm tra
a) Trường hợp thủ tục hải quan, kiểm
tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải được công chức thực
hiện đúng quy trình, quy định thì tổng hợp để đưa vào báo cáo hàng ngày;
b) Trường hợp phát hiện công chức hải
quan thực hiện thủ tục hải quan,
kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải không đúng
quy trình thì yêu cầu dừng việc xử lý trên Hệ thống và chỉ đạo công chức thực
hiện đúng quy trình, đồng thời yêu cầu công chức giải trình, kiểm điểm, làm rõ
trách nhiệm;
c) Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm
(thông tin khai báo trên tờ khai hải quan không khớp với các thông tin có sẵn
trên Hệ thống của cơ quan hải quan - ví dụ tên hàng trên tờ khai không phù hợp với
thông tin khai báo trên e-manifest, mã HS không đúng với mô tả hàng hóa,...) hoặc
dấu hiệu bất thường khi công chức đang xử lý tờ khai thì yêu cầu dừng việc xử
lý tờ khai trên Hệ thống đồng thời yêu cầu báo cáo làm rõ. Trường hợp nội dung
báo cáo hoặc các thông tin trên Hệ thống chưa đủ chứng minh dấu hiệu vi phạm hoặc
dấu hiệu bất thường thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan hoặc người được Chi cục
trưởng Chi cục Hải quan phân công kiểm tra, kiểm soát nội bộ thực hiện cùng kiểm
tra trực tiếp hồ sơ hải quan hoặc cùng kiểm tra thực tế hàng hóa (trong trường
hợp chưa
thực
hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra hàng hóa) hoặc thực hiện kiểm tra lại hồ sơ hải
quan hoặc kiểm tra lại hàng hóa
(trong trường hợp đã thực hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa).
d) Trường hợp hàng hóa đang trong quá
trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan có dấu hiệu vi phạm (như vi phạm về
tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, ...) mà công chức hải quan không
phát hiện hoặc có biện pháp xử lý kịp thời thì Chi cục trưởng Chi cục hải quan
hoặc người được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phân công kiểm tra, kiểm soát nội
bộ phải thông báo ngay cho Đội kiểm soát hải quan để truy tìm, xử lý; đồng thời
chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hải quan của công chức.
Điều 7. Kiểm tra, kiểm
soát thông qua theo dõi, phân tích, so sánh, đánh giá thông tin theo thời kỳ
Chi cục Hải quan căn cứ tình hình thực tế
và các số liệu thống kê, báo cáo về các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan (ví dụ như
xác định trị giá hải quan, mã số hàng hóa, quản lý hàng hóa gia công, sản xuất xuất
khẩu, hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất; hàng quà biếu, quà tặng; phương tiện
vận tải đường bộ; hàng hóa kinh doanh TNTX, tình hình xử lý vi phạm, các
chuyên án do đội kiểm soát hải quan thực hiện, kết quả kiểm tra sau thông quan,
kết quả thanh tra, kiểm tra, ...) để nhận định được những phát sinh, thay đổi
bất thường tại Chi cục Hải quan, qua đó xác định nguyên nhân và có biện pháp
phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, buôn lậu; phát hiện các
biểu hiện hoặc hành vi tiêu cực hoặc việc thực hiện chưa đúng quy trình, quy chế
của công chức để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 8. Báo cáo kết quả
kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Căn cứ kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ
tại Điều 6, Điều 7 Quy chế này, trước 16 giờ hàng ngày, Chi cục trưởng Chi cục
Hải quan lập báo cáo kiểm tra, kiểm soát nội bộ với các tiêu chí thông tin tại mẫu
số 01
Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Trường hợp chưa có chức năng hỗ trợ việc
ghi nhận báo cáo vào Hệ thống, đơn vị được chỉ định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra,
kiểm soát nội bộ lập báo cáo hàng ngày dưới dạng văn bản theo các tiêu chí do cấp
Chi cục cập nhật tại mẫu số 01 Phụ lục ban
hành kèm theo Quyết định này, đồng thời gửi về đầu mối tại Cục Hải quan, Tổng cục
Hải quan (thông qua bộ phận trực ban Tổng cục Hải quan).
Mục 2. QUY CHẾ KIỂM
TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ CẤP CỤC HẢI QUAN
Điều 9. Kiểm tra, kiểm
soát thông qua theo dõi, phân tích, so sánh, đánh giá thông tin theo thời kỳ
Cục Hải quan căn cứ tình hình thực tế và
các số liệu thống kê báo cáo về các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan của các Chi cục
Hải quan để phân tích, so sánh, đánh giá, nhận định những phát sinh, thay đổi bất thường trong địa
bàn Cục Hải quan hoặc tại 01 Chi cục Hải quan cụ thể, qua đó xác định
nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận,
buôn lậu; phát hiện các biểu hiện hoặc hành vi tiêu cực hoặc việc thực hiện chưa đúng
quy trình, quy chế của công chức để có biện pháp xử lý kịp thời và tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các chính sách pháp luật có liên quan.
Điều 10. Kiểm tra, kiểm
soát trực tuyến (online)
1. Căn cứ trên cơ sở xác định trọng tâm,
trọng điểm, công chức hải quan được Cục trưởng Cục Hải quan phân công thực hiện
kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,
phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tờ khai hải quan có liên
quan.
2. Nội dung kiểm tra, kiểm soát nội bộ
thực hiện như hướng dẫn tại Điều 6 Quy chế này. Ngoài ra, cần kiểm tra, kiểm soát bổ
sung những nội dung sau:
a) Quản lý rủi ro
a.1) Kiểm soát việc cập nhật thông tin quản lý rủi
ro, thông tin hải quan, thông tin nghiệp vụ hải quan và thông tin vi phạm tại
các Hệ thống quản lý rủi ro, Hệ thống thông tin vi phạm, Cổng thông tin điện tử
theo đúng quy định và đúng chức năng, nhiệm vụ được giao;
a.2) Kiểm soát việc áp dụng, thiết lập
và cập nhật tiêu chí; tình hình phân luồng; chuyển luồng; dừng hàng qua khu vực giám sát
và tỷ lệ phát hiện vi phạm;
a.3) Kiểm soát việc cập nhật, xử lý
thông tin liên quan đến hàng hóa, hành khách, phương tiện vận tải XNC tại cấu
phần Quản lý rủi ro trên Hệ thống e-Manifest và trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện
tử hải quan để xác định đối tượng trọng điểm và hàng hóa nhập khẩu cần soi chiếu
trong quá trình xếp, dỡ, lưu giữ tại cửa khẩu;
a.4) Kiểm soát việc sửa đổi, bổ sung nội
dung của hồ sơ vi phạm trên Hệ thống thông tin vi phạm.
b) Công tác kiểm định hải quan
b.1) Kiểm tra, tổng hợp, cập nhật thông tin liên quan đến kiểm
định hải quan và phân tích để phục vụ các yêu cầu quản lý hải quan (từ lấy mẫu,
giao nhận mẫu đến ra thông báo kết quả phân tích và xử lý vướng mắc, kiểm tra
chuyên ngành...) theo dõi tiến độ và đôn đốc các đơn vị trong việc xử lý
và cập nhật thông tin lên Hệ thống;
b.2) Kiểm tra để phát hiện một mặt hàng
có kết quả phân tích phân loại khác nhau giữa các Chi cục Kiểm định hải quan.
c) Công tác điều tra chống buôn lậu
c.1) Kiểm tra, tổng hợp thông tin vụ việc,
báo cáo bắt giữ; theo dõi tiến độ xử lý vụ việc vi phạm và đôn đốc các đơn vị
trong việc xử lý, cập nhật thông tin vào hệ thống quản lý vi phạm;
c.2) Kiểm tra để phát hiện các vụ việc vi phạm
pháp luật có dấu hiệu hình sự nhưng không điều tra, khởi tố, không chuyển cơ quan điều tra mà
chỉ xử lý hành chính.
3. Xử lý kết quả kiểm tra
a) Trường hợp thủ tục hải quan, kiểm
tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và các quy định về
quản lý rủi ro được công chức tại Chi cục Hải quan thực hiện đúng quy trình,
quy định thì tổng hợp để đưa vào báo cáo
hàng ngày;
b) Trường hợp phát hiện công chức hải
quan thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa,
phương tiện vận tải không đúng quy định của pháp luật thì yêu cầu Chi cục Hải
quan dừng việc xử lý trên Hệ thống và chỉ đạo công chức thực hiện đúng quy định,
đồng thời yêu cầu công chức giải trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
c) Trường hợp phát hiện công chức hải
quan có dấu hiệu vi phạm thì yêu cầu Chi cục Hải quan dừng việc xử lý tờ khai
trên Hệ thống đồng thời yêu cầu công chức đang xử lý tờ khai, lô hàng báo cáo
làm rõ. Trên cơ sở nội dung vụ việc, Cục trưởng Cục Hải quan hoặc người được Cục
trưởng Cục Hải quan phân công kiểm tra, kiểm soát nội bộ chỉ đạo thực hiện tiếp
các thủ tục hải quan hoặc thực hiện cùng kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan hoặc
cùng kiểm tra thực tế hàng hóa (trong trường hợp chưa thực hiện kiểm tra hồ sơ
hoặc kiểm tra hàng
hóa) hoặc thực hiện kiểm tra lại hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra lại hàng hóa
(trong trường hợp đã thực hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa);
d) Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường
của công chức hoặc xu hướng thay đổi bất thường trong việc thực hiện thủ tục hải quan
đối với hàng hóa,
phương tiện vận tải (sự tăng giảm đột biến về lượng hàng hóa, số lượng tờ khai
hải quan, số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục tại đơn vị...) thì có văn bản
cảnh báo Chi cục Hải quan để tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm soát nội bộ
đồng thời báo cáo Tổng cục Hải
quan.
e) Trường hợp hàng hóa đang trong quá
trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan có dấu hiệu vi phạm (như vi phạm về
tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, ...) mà công chức hải quan không
phát hiện hoặc có biện pháp xử lý kịp thời thì chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục hải
quan phối hợp, thông báo ngay cho Đội kiểm soát hải quan để truy tìm, xử lý, đồng
thời chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hải quan của công chức.
Điều 11. Báo cáo kết quả
kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Căn cứ kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ,
trước 17 giờ hàng ngày, Cục trưởng Cục Hải quan lập báo cáo kiểm tra, kiểm soát
nội bộ với các tiêu chí thông tin tại mẫu số 02 Phụ lục ban hành
kèm theo Quyết định này.
Trường hợp chưa có chức năng hỗ trợ việc
ghi nhận báo cáo vào Hệ thống, đơn vị được chỉ định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra,
kiểm soát nội bộ lập báo cáo hàng ngày dưới dạng văn bản theo các tiêu chí do cấp
Cục Hải quan cập nhật tại mẫu số 02 Phụ lục ban
hành kèm theo Quyết định này, đồng thời gửi về đầu mối tại Tổng cục Hải quan
(thông qua bộ phận trực ban Tổng cục Hải quan).
Mục 3. QUY CHẾ KIỂM
TRA, KIỂM SOÁT NỘI BỘ CẤP TỔNG CỤC HẢI QUAN
Điều 12. Kiểm tra, kiểm
soát thông qua theo dõi, phân tích, so sánh, đánh giá thông tin theo thời kỳ
Các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải
quan căn cứ tình hình thực tế và các số liệu thống kê báo cáo về các lĩnh vực
nghiệp vụ hải quan của các Chi cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong
phạm vi toàn quốc để phân tích, so sánh, đánh giá, nhận định những phát sinh,
thay đổi bất thường
trong địa bàn Cục Hải quan hoặc tại 01 Chi cục Hải quan cụ thể, qua đó xác định
nguyên nhân và có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận,
buôn lậu; phát hiện các biểu hiện hoặc hành vi tiêu cực hoặc việc thực hiện chưa đúng
quy trình, quy chế của công chức để có biện pháp xử lý kịp thời và tham mưu, đề
xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật có liên quan.
Điều 13. Kiểm tra, kiểm
soát trực tuyến (online)
1. Thông qua việc theo dõi, giám sát và
phân tích dữ liệu trên các Hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải
quan, Hệ thống camera giám sát, định
vị GPS, hình ảnh máy soi container, máy soi hành lý và thông tin từ đường dây
nóng của cơ quan hải quan do Phòng Giám sát hải quan trực tuyến - Cục Điều tra
chống buôn lậu cung cấp và căn cứ trên cơ sở xác định trọng tâm, trọng điểm,
các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra, kiểm soát nội
bộ đối với các thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện
vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tờ khai hải quan có liên quan đến tiêu
chí xác định trọng tâm, trọng điểm.
2. Nội dung kiểm tra, kiểm soát nội bộ
được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm thực hiện như đối với việc thực hiện tại Điều
6 và Điều 10 Quy chế này.
3. Xử lý kết quả kiểm tra:
a) Trường hợp thông tin về hàng hóa,
phương tiện vận chuyển, tờ khai hải quan theo các tiêu chí trọng tâm, trọng điểm
được công chức tại Chi cục Hải quan thực hiện đúng quy trình, quy định thì tổng
hợp để đưa vào báo cáo hàng ngày;
b) Trường hợp phát hiện công chức hải
quan không thực hiện đúng quy trình thì yêu cầu Chi cục Hải quan dừng việc xử
lý tờ khai trên Hệ thống đồng thời yêu cầu giải trình. Căn cứ nội dung công chức
giải trình, đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan được phân công kiểm tra,
kiểm soát nội bộ chỉ đạo thực hiện tiếp các thủ tục hải quan hoặc cử cán bộ thực
hiện cùng kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan hoặc cùng kiểm tra thực tế hàng hóa
(trong trường hợp chưa thực hiện kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra hàng hóa) hoặc thực hiện kiểm
tra lại hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra lại hàng hóa (trong trường hợp đã thực hiện
kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa) đối với những vụ việc có tính chất
nghiêm trọng, nhạy cảm;
c) Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường của công
chức hoặc xu hướng thay đổi bất thường
trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải (sự
tăng giảm đột biến về lượng hàng hóa, số lượng tờ khai hải quan, số lượng doanh
nghiệp thực hiện thủ tục tại đơn vị...) thì có văn bản cảnh báo các Cục Hải
quan tỉnh, thành phố có liên quan để tăng cường các biện pháp kiểm tra kiểm
soát nội bộ đồng thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục. Trường hợp cần thiết thì báo
cáo LĐTC thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện kiểm tra, xác định các dấu hiệu
nêu trên làm căn cứ để có biện pháp xử lý cụ thể.
Điều 14. Báo cáo kết quả
kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Căn cứ kết quả kiểm tra, kiểm soát nội bộ,
trước 09 giờ sáng của ngày làm việc kế tiếp sau ngày cấp Cục Hải quan báo cáo,
đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan lập báo cáo kiểm tra, kiểm soát nội bộ
với các tiêu chí thông tin tại mẫu số 03 Phụ lục ban
hành kèm theo Quyết định này.
Trường hợp chưa có chức năng hỗ trợ việc
ghi nhận báo cáo vào Hệ thống, đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan được chỉ
định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nội bộ lập báo cáo hàng ngày dưới dạng
văn bản theo các tiêu chí do cấp Tổng cục Hải quan cập nhật tại mẫu
số 03
Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này gửi về Phòng Giám sát hải quan trực
tuyến, bộ phận trực ban để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục phục vụ công tác chỉ đạo,
điều hành.