BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------
|
Số:
22/2009/TT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2009
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY
DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch
xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất
lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính
phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004
của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự
án đầu tư xây dựng công trình,
Bộ Xây dựng quy định chi tiết về
điều kiện năng lực hoạt động xây dựng như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Thông tư này quy định chi tiết về
điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân quy định tại Nghị định
12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng
công trình (sau đây viết tắt là Nghị định 12/CP); Nghị định số 08/2005/NĐ-CP
ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định
08/CP); Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất
lượng công trình xây dựng; (sau đây viết tắt là Nghị định 209/CP); Nghị định số
49/2008/NĐ-CP ngày 18/4/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công
trình xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định 49/CP) .
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các
tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng tại Việt
Nam.
Điều 2. Điều
kiện năng lực của tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng
1. Các tổ chức khi tham gia hoạt
động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại dự án; loại, cấp
công trình và công việc do tổ chức đảm nhận thực hiện.
2. Năng lực của tổ chức khi trực
tiếp tham gia hoạt động xây dựng được phân thành hạng 1 và hạng 2 dựa trên cơ sở
các tiêu chí sau:
a) Năng lực hành nghề của các cá
nhân trong tổ chức;
b) Kinh nghiệm hoạt động xây dựng
thể hiện qua năng lực quản lý và kết quả các công việc đã thực hiện của tổ chức;
c) Khả năng tài chính, lực lượng
lao động, thiết bị thi công thực có của tổ chức hoặc do tổ chức thuê để thực hiện
theo yêu cầu của công việc hoặc gói thầu.
Việc phân hạng tổ chức khi tham
gia hoạt động xây dựng là để tổ chức đó tự xác định hạng năng lực phù hợp với
yêu cầu của gói thầu hoặc loại công việc khi tham gia thực hiện; là căn cứ để
các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra sự tuân thủ các quy định về điều kiện năng lực
hoạt động xây dựng của các chủ thể có liên quan mà không phải là căn cứ để xếp
hạng doanh nghiệp hoạt động xây dựng.
3. Chủ đầu tư căn cứ vào quy mô,
tính chất gói thầu hoặc loại công việc cụ thể để lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ
điều kiện năng lực phù hợp với gói thầu hoặc công việc đó.
Điều 3. Điều
kiện năng lực của cá nhân khi hành nghề hoạt động xây dựng
1. Cá nhân tham gia hoạt động
xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do
các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
2. Cá nhân khi đảm nhận các chức
danh quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định 12/CP phải đáp ứng
các điều kiện theo quy định tại Chương IV của Nghị định 12/CP. Riêng cá nhân đảm
nhận các chức danh chủ nhiệm thiết kế đồ án quy hoạch, chủ trì thiết kế chuyên
ngành đồ án quy hoạch xây dựng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 48, 49 của Nghị định 08/CP.
Các chức danh chủ nhiệm, chủ trì
thiết kế đồ án quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng; chủ
nhiệm khảo sát xây dựng do người đứng đầu tổ chức tư vấn bổ nhiệm căn cứ vào
các điều kiện và tiêu chuẩn được quy định tại Nghị định 12/CP, Nghị định 08/CP,
năng lực quản lý của cá nhân đó và quy mô, tính chất của công việc.
3. Những cá nhân tham gia quản
lý dự án phải có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình theo quy định, trừ những người làm công tác hành chính và công tác phục vụ.
Chương II
ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC CỦA TỔ
CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Điều 4. Các
lĩnh vực yêu cầu về điều kiện năng lực
1. Các lĩnh vực yêu cầu về điều
kiện năng lực hoạt động xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều
36 Nghị định 12/CP.
2. Các tổ chức, cá nhân khi tham
gia thực hiện các lĩnh vực: kiểm định chất lượng công trình xây dựng; chứng nhận
đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực công trình xây dựng và chứng nhận sự phù
hợp về chất lượng công trình xây dựng; thi công các công việc, hạng mục công
trình hoặc công trình có yêu cầu đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện năng lực
theo quy định tại Nghị định 12/CP và quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9 của
Thông tư này.
3. Các tổ chức, cá nhân khi tham
gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực dưới đây phải đáp ứng điều kiện năng lực
theo các quy định sau:
a) Thiết kế đồ án quy hoạch xây
dựng theo quy định tại Nghị định 08/CP.
b) Lập dự án đầu tư xây dựng
công trình; quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; thiết kế xây dựng công
trình; khảo sát xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng công trình; thi
công xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định 12/CP.
c) Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
theo quy định tại Quy chế công nhận và quản lý hoạt động phòng thí nghiệm
chuyên ngành xây dựng ban hành theo Quyết định số 11/2008/QĐ-BXD ngày 01/7/2008
của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
d) Chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm
an toàn chịu lực công trình xây dựng theo quy định tại Thông tư số
16/2008/TT-BXD ngày 11/9/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn kiểm tra, chứng nhận đủ
điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực và chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công
trình xây dựng.
Điều 5. Điều
kiện năng lực của tổ chức khi thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng
1. Năng lực của tổ chức khi thực
hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng được phân thành 2 hạng như sau:
a) Hạng 1:
- Có ít nhất 10 người là kỹ sư
có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công việc được kiểm định chất lượng
xây dựng, trong đó những người chủ trì các bộ môn phải có đủ điều kiện năng lực
như chủ trì thiết kế hạng 1 phù hợp với công việc đảm nhận;
- Có phòng thí nghiệm xây dựng
chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có đủ thiết bị
phù hợp với từng loại công tác kiểm định chất lượng xây dựng;
- Đã thực hiện kiểm định chất lượng
công trình xây dựng ít nhất 1 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp I, hoặc 2 công
trình cấp II cùng loại.
b) Hạng 2:
- Có ít nhất 5 người là kỹ sư có
trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công việc được kiểm định chất lượng
xây dựng, trong đó những người chủ trì các bộ môn phải có đủ điều kiện năng lực
như chủ trì thiết kế hạng 2 phù hợp với công việc đảm nhận;
- Có phòng thí nghiệm xây dựng
chuyên ngành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và có đủ thiết bị
phù hợp với từng loại công tác kiểm định chất lượng công trình xây dựng;
- Đã thực hiện kiểm định chất lượng
công trình xây dựng ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công trình cấp III hoặc
5 công trình cấp IV cùng loại.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng 1: Được thực hiện kiểm định
chất lượng công trình xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II,
cấp III và cấp IV cùng loại;
b) Hạng 2: Được thực hiện kiểm định
chất lượng công trình xây dựng đối với công trình cấp II, cấp III và cấp IV
cùng loại;
c) Đối với tổ chức kiểm định chất
lượng công trình xây dựng chưa đủ điều kiện để xếp hạng thì được kiểm định chất
lượng công trình xây dựng đối với công trình cấp IV.
Điều 6. Điều
kiện năng lực của tổ chức khi thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng
công trình xây dựng
1. Năng lực của tổ chức thực hiện
chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng được phân thành 2 hạng
như sau:
a) Hạng 1:
- Có hệ thống quản lý và năng lực
hoạt động đáp ứng các quy định hiện hành đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp
chất lượng.
- Có ít nhất 10 người là kỹ sư
có chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận, có kinh nghiệm ít nhất 5 năm thiết
kế, thi công hoặc giám sát công việc phù hợp với nội dung chứng nhận.
- Đã thực hiện chứng nhận sự phù
hợp về chất lượng công trình xây dựng ít nhất 1 công trình cấp đặc biệt hoặc cấp
I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại.
b) Hạng 2:
- Có hệ thống quản lý và năng lực
hoạt động đáp ứng các quy định hiện hành đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp
chất lượng.
- Có ít nhất 5 người là kỹ sư có
chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận, có kinh nghiệm ít nhất 3 năm thiết kế,
thi công hoặc giám sát công việc phù hợp với nội dung chứng nhận.
- Đã thực hiện chứng nhận sự phù
hợp về chất lượng công trình xây dựng ít nhất 1 công trình cấp II hoặc 2 công
trình cấp III hoặc 5 công trình cấp IV cùng loại.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Hạng 1: Được thực hiện chứng
nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt,
cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV cùng loại;
b) Hạng 2: Được thực hiện chứng
nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng đối với công trình cấp II, cấp
III và cấp IV cùng loại;
c) Đối với tổ chức chưa đủ điều
kiện để xếp hạng thì được thực hiện chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công
trình xây dựng đối với công trình cấp IV cùng loại.
Điều 7. Công
việc, hạng mục công trình hoặc công trình có yêu cầu đặc biệt
Công việc, hạng mục công trình
hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt quy định trong Thông tư này là:
công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có kỹ thuật phức tạp dễ
gây sự cố mất an toàn trong thi công, đòi hỏi việc thi công phải do tổ chức có
đủ điều kiện năng lực thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng; an toàn cho người, cho
công trình và các công trình lân cận.
Những công việc, hạng mục công
trình, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt bao gồm:
1. Các công việc:
a) Xử lý nền móng bằng cọc
barret và cọc khoan nhồi cho các loại công trình xây dựng;
b) Phá dỡ công trình có chiều
cao từ 10 mét trở lên;
c) Lắp đặt thiết bị siêu trường,
siêu trọng.
2. Các hạng mục công trình:
a) Tầng hầm của các công trình:
nhà cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, các loại công trình khác;
b) Đập có chiều cao trên 25 mét:
bao gồm đập bê tông, đập đất, đá của công trình thuỷ lợi, thuỷ điện;
c) Bồn chứa, bể chứa, đường ống
dẫn xăng, dầu, khí.
3. Các công trình:
a) Công trình nhà cao từ 20 tầng
trở lên hoặc công trình có khẩu độ từ 36 mét trở lên;
b) Công trình dạng tháp có chiều
cao từ 50 mét trở lên;
c) Công trình cầu có chiều dài
nhịp chính từ 100 mét trở lên, cầu vòm có chiều cao từ 50 mét trở lên, cầu có
trụ cao từ 30 mét trở lên;
d) Công trình ngầm: như hầm của
các loại công trình khai thác mỏ, thuỷ điện, giao thông và các loại công trình
khác;
đ) Công trình trên biển: như các
công trình đê chắn sóng biển, công trình giàn khoan trên biển, đường ống dẫn dầu,
khí ngoài biển và các loại công trình khác ngoài biển.
Điều 8. Điều
kiện năng lực của tổ chức khi thực hiện các công việc, thi công hạng mục công
trình, công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt
Tổ chức, cá nhân khi thi công
công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt nêu
tại Điều 7 của Thông tư này phải đáp ứng các điều kiện năng lực theo quy định tại
Nghị định 12/CP và các điều kiện năng lực sau đây:
1. Chỉ huy trưởng công trường hoặc
người phụ trách kỹ thuật của tổ chức nhận thầu phải có trình độ đại học thuộc
chuyên ngành phù hợp, có thời gian liên tục tham gia thi công xây dựng tối thiểu
7 năm và đã tham gia thi công ít nhất một công việc, hạng mục công trình hoặc
công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt cùng loại có quy mô tương tự hoặc quy
mô ở cấp thấp hơn liền kề.
2. Những cán bộ kỹ thuật của tổ
chức nhận thầu làm việc tại công trình phải có trình độ đại học hoặc cao đẳng
thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian liên tục tham gia thi công xây dựng tối
thiểu 2 năm đối với người có trình độ đại học, 4 năm đối với người có trình độ
cao đẳng.
3. Các công nhân kỹ thuật trực
tiếp thi công công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu
đặc biệt phải có chứng chỉ đào tạo nghề phù hợp. Riêng đối với công nhân vận
hành, điều khiển máy móc, thiết bị thi công chính có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn thì phải có thời gian kinh nghiệm ít nhất 1 năm.
4. Máy móc, thiết bị chủ yếu để
thi công công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc
biệt phải được kiểm định theo quy định, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của công việc
và an toàn vận hành.
5. Nhà thầu đã tham gia thi công
ít nhất một công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu
đặc biệt cùng loại có cấp thấp hơn liền kề.
6. Tuỳ theo khối lượng công việc,
quy mô công trình, tổ chức nhận thầu thực hiện công việc, hạng mục công trình,
công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt phải có đủ lực lượng cán bộ kỹ thuật,
công nhân kỹ thuật và máy móc, thiết bị đảm bảo điều kiện năng lực phù hợp với
từng công việc, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định của
Thông tư này. Nhà thầu có thể thuê thầu phụ để đảm bảo đủ các điều kiện năng lực
theo yêu cầu tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều này.
Điều 9. Các
loại công trình đặc biệt yêu cầu khi thi công phải có chuyên ngành phù hợp
Chuyên ngành phù hợp quy định tại
Điều 8 của Thông tư này được hiểu là ngành chuyên môn mà người có chức danh chỉ
huy trưởng công trường, người phụ trách kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật được đào tạo
phù hợp với công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu
đặc biệt theo quy định tại Thông tư này, cụ thể đối với:
1. Công việc xử lý nền móng bằng
cọc barret hoặc cọc khoan nhồi: yêu cầu chuyên ngành xây dựng hoặc địa chất
công trình.
2. Công việc phá dỡ công trình:
yêu cầu chuyên ngành xây dựng.
3. Công việc lắp đặt thiết bị
siêu trường, siêu trọng: yêu cầu chuyên ngành cơ khí, lắp máy.
4. Thi công tầng hầm các công
trình: yêu cầu chuyên ngành xây dựng.
5. Thi công đập: yêu cầu chuyên
ngành xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện.
6. Thi công bồn chứa, bể chứa,
đường ống dẫn xăng, dầu, khí: yêu cầu chuyên ngành xây dựng hoặc chuyên ngành
cơ khí.
7. Công trình dân dụng, công
nghiệp: yêu cầu chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp.
8. Công trình dạng tháp: yêu cầu
chuyên ngành xây dựng, cơ khí hoặc lắp máy.
9. Công trình cầu: yêu cầu
chuyên ngành xây dựng cầu đường.
10. Công trình ngầm: yêu cầu
chuyên ngành xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm và mỏ hoặc
chuyên ngành xây dựng cầu hầm.
11. Công trình trên biển: yêu cầu
chuyên ngành xây dựng công trình biển.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Trách nhiệm của chủ đầu tư
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch
xây dựng và chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm:
1. Lựa chọn tổ chức, cá nhân có
đủ điều kiện năng lực để thực hiện lập đồ án quy hoạch xây dựng hoặc thực hiện
công việc, hạng mục công trình, công trình xây dựng theo quy định của Nghị định
08/CP, Nghị định 12/CP và quy định của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước
pháp luật về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực để thực
hiện các công việc không đảm bảo chất lượng hoặc xảy ra sự cố gây thiệt hại về
người và tài sản.
2. Phải thường xuyên giám sát, tạm
dừng hoặc đình chỉ thực hiện công việc đến khi tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện
năng lực theo hợp đồng đã ký kết, theo quy định của Nghị định 08/CP, Nghị định
12/CP và quy định của Thông tư này.
3. Các trách nhiệm khác theo quy
định của pháp luật.
Điều 11.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng
Tổ chức, cá nhân khi hoạt động
xây dựng có trách nhiệm:
1. Chỉ được nhận thực hiện lập
các đồ án quy hoạch xây dựng hoặc các công việc, hạng mục công trình hoặc công
trình xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định.
2. Tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật, thiết kế được duyệt; tổ chức tự giám sát đảm bảo chất lượng sản phẩm,
nghiệm thu theo quy định hiện hành.
3. Chịu trách nhiệm trước chủ đầu
tư và pháp luật về việc khi thực hiện thiết kế quy hoạch xây dựng hoặc khi thực
hiện công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng không có đủ điều
kiện năng lực theo quy định.
4. Trước khi triển khai thực hiện
công việc, hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng có yêu cầu đặc biệt phải
có biện pháp thi công được duyệt theo quy định và có các phương án quản lý, hạn
chế rủi ro, đề phòng sự cố.
5. Cung cấp các thông tin về hoạt
động xây dựng của doanh nghiệp trên Trang thông tin về doanh nghiệp của Bộ Xây
dựng theo địa chỉ: http://doanhnghiep.xaydung.gov.vn
6. Các trách nhiệm khác theo quy
định của pháp luật.
Điều 12.
Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan
1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:
a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện Thông tư này.
b) Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền
hoặc yêu cầu xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng vi phạm
các quy định về điều kiện năng lực trên phạm vi cả nước.
2. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra
việc thực hiện Thông tư này đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý.
b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ
đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá
nhân khi hoạt động xây dựng vi phạm các quy định về điều kiện năng lực trên địa
bàn.
3. Các Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Tổ chức kiểm tra điều kiện
năng lực của tổ chức, cá nhân khi hoạt động xây dựng trên địa bàn theo quy định
của Nghị định 08/CP, Nghị định 12/CP và quy định của Thông tư này.
b) Tạm dừng hoặc đình chỉ thi
công, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi tổ chức hoạt
động xây dựng vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng và của Thông tư
này.
c) Cung cấp các thông tin về
doanh nghiệp hoạt động xây dựng và những tổ chức, cá nhân có các vi phạm trong
hoạt động xây dựng trên Trang thông tin http://doanhnghiep.xaydung.gov.vn của Bộ
Xây dựng.
Điều 13. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 20/8/2009.
2. Những cá nhân tham gia quản
lý dự án quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này kể từ ngày 01/01/2010 phải
có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định.
3. Bãi bỏ Quyết định
10/2008/QĐ-BXD ngày 25/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định điều kiện năng
lực của nhà thầu khi thi công công việc, hạng mục công trình hoặc công trình
xây dựng có yêu cầu đặc biệt.
4. Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ
quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và tổ chức, cá nhân liên quan
có trách nhiệm thực hiện các quy định của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện
nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo
cáo);
- ủy ban Dân tộc và các ban của Quốc hội;
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Tổng công ty nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Xây dựng, BQLKCN, BQLKKT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng, Thanh tra XD;
- Công báo; website Chính phủ; website Bộ Xây dựng;
- Lưu: VP, HĐXD.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|