HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/NQ-HĐND
|
Bình
Thuận, ngày 01 tháng 10 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM
2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số
99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở;
Căn cứ Nghị định số
30/2019/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở;
Căn cứ Nghị định số
30/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở;
Căn cứ Nghị định số
100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý
nhà ở xã hội;
Căn cứ Nghị định số
49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ
về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;
Căn cứ Quyết định số
2127/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến
lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Xét Tờ trình số
2981/TTr-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông
qua Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến
năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 96/BC-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ban Kinh
tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thông qua Chương trình phát triển
nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với một số nội dung sau:
1. Quan
điểm phát triển nhà ở
Phát triển nhà ở là một trong
những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đảm bảo tuân thủ quy định
pháp luật về nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chương trình phát triển nhà ở
góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, góp
phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy thị trường bất
động sản của tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh.
Phát triển nhà ở gắn với chương
trình xây dựng, phát triển đô thị văn minh, hiện đại, xây dựng nông thôn mới, đảm
bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; chú trọng giải quyết tốt các
chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu
quả.
2. Định hướng
phát triển nhà ở đến năm 2030
Đầu tư phát triển hệ thống kết
cấu hạ tầng đô thị, nông thôn đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông nhằm kết nối
các địa phương trong tỉnh, kết nối tỉnh Bình Thuận với các địa phương lân cận,
tạo cơ sở cho việc phát triển nhà ở.
Phát triển đa dạng các loại hình
nhà ở, đáp ứng các điều kiện về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, môi
trường, chú trọng phát triển nhà ở sinh thái với phong cách kiến trúc xanh,
thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng. Quan tâm bảo tồn các công
trình nhà ở có kiến trúc đặc thù, có giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi để các
thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, đặc biệt là đẩy
mạnh phát triển loại hình nhà ở chung cư theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư
trong tổng số nhà ở mới phát triển hàng năm, tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê; có
chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho
người có thu nhập thấp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và
người dân.
Chú trọng phát triển đồng thời
nhà ở khu vực nông thôn với nhà ở khu vực đô thị. Chuyển đổi dần mô hình nhà ở
thấp tầng sang nhà ở trung, cao tầng tại khu vực đô thị, với hạ tầng kỹ thuật
và hạ tầng xã hội đồng bộ để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; tạo quỹ đất phát
triển giao thông, công viên, không gian công cộng. Phấn đấu tăng diện tích cây
xanh, công viên trong khu dân cư mới.
3. Mục tiêu
phát triển nhà ở
a) Mục tiêu phát triển đến
năm 2025
Tổng diện tích sàn nhà ở tăng
thêm giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,7 triệu m² sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà
ở của tỉnh ước đạt 34,6 triệu m² vào năm 2025, trong đó diện tích sàn nhà ở xã
hội tăng thêm khoảng 595.000 m² sàn.
Nâng chỉ tiêu diện tích bình
quân đầu người đến năm 2025 của toàn tỉnh là 27 m²/người, trong đó diện tích sàn
nhà ở bình quân khu vực thành thị là 27,7 m²/ người, diện tích sàn nhà ở bình
quân khu vực nông thôn là 26,4 m²/ người.
b) Mục tiêu phát triển đến
năm 2030
Tổng diện tích sàn nhà ở tăng
thêm giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 5,2 triệu m² sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà
ở của tỉnh ước đạt 39,7 triệu m² sàn vào năm 2030, trong đó diện tích sàn nhà ở
xã hội tăng thêm khoảng 401.000 m² sàn.
Nâng chỉ tiêu diện tích bình
quân đầu người đến năm 2030 của toàn tỉnh là 30 m²/người, trong đó diện tích
sàn nhà ở bình quân khu vực thành thị là 31 m²/người, diện tích sàn nhà ở bình
quân khu vực nông thôn là 29 m²/người.
Trong giai đoạn từ nay đến
2030, diện tích sàn nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tỷ trọng nhà
chung cư ngày càng tăng. Sàn nhà ở thương mại tăng 2 triệu m² sàn (trong đó nhà
chung cư khoảng 700.000 m² sàn). Đồng thời, dự kiến xây dựng tăng thêm 996.000
m² sàn nhà ở xã hội, 810.000 m² sàn nhà ở tái định cư, 15.000 m² sàn nhà ở công
vụ, và khoảng 8 triệu m² sàn nhà ở do dân tự xây ngoài phạm vi dự án.
4. Nhu cầu
và nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở
a) Nhu cầu nguồn vốn cần
thiết để xây dựng nhà ở đến năm 2030
Giai đoạn đến năm 2025: Khoảng
37.468 tỷ đồng, trong đó:
Nhà ở xã hội: 4.493 tỷ đồng.
Nhà ở tái định cư: 2.327 tỷ đồng.
Nhà ở công vụ: 24 tỷ đồng.
Nhà ở thương mại và nhà ở do
dân tự xây dựng: 30.624 tỷ đồng.
Trong đó: Nguồn vốn đầu tư nhà ở
từ ngân sách nhà nước ước tính 1.370 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hoá.
Giai đoạn 2026 - 2030: Khoảng
28.993 tỷ đồng, trong đó:
Nhà ở xã hội: 3.089 tỷ đồng.
Nhà ở tái định cư: 1.481 tỷ đồng.
Nhà ở công vụ: 47 tỷ đồng.
Nhà ở thương mại và nhà ở do
dân tự xây dựng: 24.376 tỷ đồng.
Trong đó: Nguồn vốn đầu tư nhà ở
từ ngân sách nhà nước ước tính 834 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.
b) Dự kiến cơ cấu nguồn vốn
Vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
sẽ huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và vốn vay từ Ngân hàng chính
sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Vốn bồi thường giải phóng mặt bằng,
đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư để thực hiện (được
khấu trừ vào tiền sử dụng đất đã nộp) và nguồn vốn thu được từ 20% quỹ đất
nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị do chủ
đầu tư nộp.
Nhà ở của các đối tượng chính
sách sẽ sử dụng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ vì người nghèo các
cấp và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ.
Nhà ở tái định cư sẽ được xây dựng
chủ yếu với hình thức nhà nước giao đất, hộ gia đình tự đầu tư xây dựng nhà ở;
Nhà nước hoặc doanh nghiệp xây dựng nhà ở chung cư để phục vụ tái định cư.
Nhà ở công vụ sẽ được đầu tư bằng
nguồn vốn ngân sách của tỉnh.
Nhà ở thương mại do các doanh
nghiệp đầu tư.
Nhà ở hộ gia đình, cá nhân do hộ
gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.
5. Nhu cầu
đất dành cho phát triển nhà ở
Trong giai đoạn đến năm 2025:
Khoảng 900 ha (trung bình 180 ha/năm).
Trong giai đoạn 2026 - 2030:
Khoảng 700 ha (trung bình 140 ha/năm).
6. Giải
pháp phát triển nhà ở
a) Phát triển nhà ở đồng
bộ với phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng kỹ thuật giao thông và xã hội
Thực hiện các giải pháp huy động
vốn phát triển kết cấu hạ tầng theo quy định pháp luật; kết hợp đầu tư hạ tầng
giao thông với khai thác tiềm năng đất đai, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phải là yếu
tố có trước, đồng bộ, thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở; thực
hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư
đường giao thông để huy động vốn từ quỹ đất cho đầu tư kết cấu hạ tầng.
Thực hiện nguyên tắc chấp thuận
đầu tư phát triển dự án nhà ở phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng
xã hội, đảm bảo phát triển đồng bộ và thống nhất tại từng khu vực dự kiến phát
triển nhà ở.
Nghiên cứu và triển khai các cơ
chế, chính sách, tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội để thúc
đẩy phát triển nhà ở.
Tập trung xây dựng các khu dân
cư, nhà chung cư theo quy hoạch, kết hợp với bố trí các khu tái định cư ở vị
trí phù hợp, từ đó hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm
đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng
nông thôn mới.
b) Bước đầu chuyển đổi mô
hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở trung và cao tầng hiện đại
Trên cơ sở quy hoạch đô thị được
duyệt, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực tài chính để triển khai thực
hiện các dự án nhà ở trung và cao tầng hiện đại, đảm bảo dự án triển khai theo
tiến độ góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nhà ở trên địa bàn tỉnh.
c) Khuyến khích phát triển
phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê
Ưu tiên phát triển phân khúc
nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người
có thu nhập thấp, đặc biệt là nhóm người lao động nhập cư, góp phần hạn chế việc
xây dựng nhà không phép, sai phép.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ
cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải
tạo nhà trọ đạt chuẩn cho công nhân, người lao động, sinh viên thuê theo quy định
của pháp luật.
Tiếp tục khuyến khích đầu tư
xây dựng, phát triển loại hình ký túc xá tư nhân dành cho sinh viên gần các cơ
sở đào tạo đảm bảo theo quy định.
d) Cải cách thủ tục hành
chính
Tiếp tục cải cách thủ tục hành
chính trong việc đầu tư xây dựng nhà ở theo hướng đơn giản hóa thủ tục, dễ thực
hiện và rút ngắn thời gian. Đồng thời, phát huy tích cực vai trò của Bộ
phận một cửa, một cửa liên thông, kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng
mắc để người dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội,
nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính,
tạo điều kiện nhanh chóng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, tài sản gắn liền trên đất
và cấp giấy phép xây dựng.
Rà soát cải cách hành chính,
đơn giản hóa trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng,
giao đất, cho thuê đất, lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
đ) Phát triển lành mạnh
thị trường bất động sản nhà ở
Thực hiện tốt việc lập và quản
lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên toàn tỉnh, trong đó chú ý đến quỹ đất để
phát triển nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới.
Quản lý chặt chẽ việc sang nhượng
đất đai, nhà ở. Công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản;
minh bạch các dự án nhà ở trên phương tiện thông tin đại chúng để tất cả các đối
tượng có nhu cầu nắm bắt thông tin. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hình thành
các sàn giao dịch bất động sản nhà ở hợp pháp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra,
xử lý nghiêm các hoạt động giao dịch về nhà ở bất hợp pháp.
Xây dựng và công bố chỉ số giá
bất động sản và nhà ở; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về
kinh doanh bất động sản; áp dụng các chế tài phù hợp theo quy định hiện hành với
những đơn vị, cá nhân không chấp hành quy định của pháp luật.
e) Phát triển nhà ở gắn với
chỉnh trang, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới
Thực hiện quy hoạch tích hợp, kết
hợp giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch
sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, tích hợp giữa
các ngành và địa phương liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát
triển nhà ở.
Định kỳ hàng năm rà soát, điều
chỉnh quy hoạch để phát triển nhà ở phù hợp với tình hình phát triển kinh tế,
xã hội của tỉnh; lưu ý bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu
phát triển.
Tổ chức triển khai các dự án
phát triển nhà ở theo định hướng đề ra trong quy hoạch chung đô thị, quy hoạch
xây dựng các khu vực đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, gắn với quan điểm
liên kết vùng, hướng tới sự phát triển bền vững của tỉnh và các địa phương lân
cận.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố chủ động định hướng phát triển các khu dân cư, thực hiện các dự
án xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu tại những khu vực
cần thiết; xác định cụ thể các chỉ tiêu quy hoạch (dân số, đất đai, chỉ tiêu về
hạ tầng...) cho các dự án cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị và nông thôn
hiện hữu, đảm bảo hiệu quả và không làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng
xã hội, môi trường.
g) Phát triển nhà ở xã hội
Cụ thể hoá cơ chế ưu đãi về đất
đai, tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội phù hợp với các quy định
của Chính phủ, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã
hội.
Thực hiện đa dạng hóa các
phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng
vốn ngoài ngân sách.
Rà soát, bố trí quỹ đất để phát
triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô
thị theo đúng quy định pháp luật nhằm tạo lập quỹ nhà ở xã hội. Sử dụng hiệu quả,
đúng quy định nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội trên địa
bàn tỉnh; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho nhóm đối tượng
được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội và các đối tượng khác có khó khăn về nhà
ở nhưng không tiếp cận được nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư.
Quy hoạch rõ vị trí và ưu tiên
sử dụng quỹ đất sạch do tỉnh quản lý để thực hiện các dự án nhà ở xã hội bằng
nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình triển khai thực hiện, giao Ủy
ban nhân dân tỉnh định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá; trường hợp không còn phù
hợp hoặc Quy hoạch tỉnh, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia có thay đổi thì
phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 8 năm 2021 và có hiệu
lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Ban Công tác Đại biểu - UBTV Quốc hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- HĐND và UBND các huyện, thị xã,thành phố;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT. CTHĐ (09b) Tấn Duy
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoài Anh
|