BỘ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
12/2007/TT-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 51/2006/NĐ-CP NGÀY 19/5/2006
CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC AN TOÀN VÀ KIỂM
SOÁT BỨC XẠ
Căn cứ Nghị định số
54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP
ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
54/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định 87/2006/NĐ-CP ngày 28/8/2006 của Chính phủ quy định về tổ chức
và hoạt động của Thanh tra Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ;
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an
toàn và kiểm soát bức xạ như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1.1. Thông tư này hướng
dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ đối với
tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Chương II
Nghị định số 51/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ quy định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ (sau đây gọi tắt là
Nghị định 51).
1.2. Thông tư này
không áp dụng đối với: nguồn phóng xạ và chất thải phóng xạ không xác định được
chủ sở hữu; các hoạt động liên quan đến bức xạ được miễn trừ khai báo, đăng ký,
cấp phép theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6870:2001 “An toàn bức xạ -
miễn trừ khai báo, đăng ký và cấp phép” và các quy định khác của pháp luật.
2. Nguyên tắc xử phạt
Việc xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ thực hiện theo nguyên tắc quy định tại
Điều 3 của Nghị định 51. Khi áp dụng các nguyên tắc đó cần
lưu ý những vấn đề sau:
2.1. Nguyên tắc đúng
thẩm quyền
Chỉ những người có thẩm quyền
quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Chương III của Nghị định
51 mới được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn
và kiểm soát bức xạ với hình thức và mức phạt trong thẩm quyền quy định. Không
được phép tách một hành vi thành nhiều hành vi nhỏ hoặc gộp nhiều hành vi nhỏ
thành một hành vi lớn hơn nhằm mục đích thay đổi thẩm quyền xử phạt.
2.2. Nguyên tắc đúng đối
tượng
Các tổ chức, cá nhân thực hiện
hành vi quy định tại Điểm 1.1 của Thông tư này đều bị xử phạt vi phạm hành
chính theo quy định của Nghị định 51.
Một hành vi vi phạm hành chính
chỉ bị xử phạt một lần. Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành
chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm hành chính. Nhiều đối tượng cùng
thực hiện một hành vi vi phạm thì mỗi đối tượng đều bị xử phạt.
2.3. Nguyên tắc đúng mức
độ
Nguyên tắc đúng mức độ khi xử phạt
vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ phải căn cứ vào khoản
5 Điều 3 Nghị định 51.
2.4. Nguyên tắc kịp thời,
triệt để
Khi phát hiện tổ chức, cá nhân
có hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, người có thẩm quyền
xử phạt được quy định tại Điều 23, Điều 24 và Điều 25 của Nghị định
51 phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm và xử phạt theo quy định.
Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện
bằng lời nói hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp người phát hiện không
có thẩm quyền xử phạt thì không được tự ý xử lý vi phạm mà phải báo cáo ngay
cho người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 23, Điều
24 và Điều 25 của Nghị định 51 để xử phạt theo quy định của pháp luật.
2.5. Nguyên tắc đúng
thủ tục
Việc xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ được tiến hành theo đúng thủ tục quy
định tại các điều từ 28 đến 32 của Nghị định 51. Khi
áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định 51, cần
lưu ý quy định sau:
Trường hợp hành vi vi phạm phải
áp dụng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt lớn hơn 100.000 đồng thì người có
thẩm quyền xử phạt phải lập và ký biên bản vi phạm hành chính. Đây là căn cứ bắt
buộc phải có để người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về
an toàn và kiểm soát bức xạ.
Trường hợp người lập biên bản vi
phạm hành chính không có thẩm quyền xử phạt thì thủ trưởng của người đó là người
có thẩm quyền xử phạt phải ký tên vào biên bản vi phạm hành chính.
II. HƯỚNG DẪN
XÁC ĐỊNH MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ AN TOÀN VÀ KIỂM SOÁT BỨC XẠ
3. Hành vi vi phạm quy định về
khai báo (Điều 6 Nghị định 51)
Hành vi gian lận trong khai báo
được hiểu là: tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở bức xạ, có quản lý nguồn phóng xạ
hoặc thiết bị bức xạ hoặc chất thải phóng xạ hoặc có tiến hành công việc bức xạ
nhưng khai báo không trung thực đối với những nội dung phải khai báo theo quy định.
Cơ sở bức xạ đủ điều kiện được
miễn trừ khai báo là: cơ sở bức xạ có các thông số liên quan đến an toàn bức xạ
đáp ứng hoặc phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam
quy định về an toàn bức xạ, miễn trừ khai báo, đăng ký và cấp phép.
4. Hành vi vi phạm quy định về
đăng ký (Điều 7 Nghị định 51)
Hành vi gian lận trong đăng ký
được hiểu là: tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, địa điểm cất
giữ chất thải phóng xạ khi tiến hành các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý có
thẩm quyền đã kê khai không trung thực các thông tin có trong hồ sơ đề nghị cấp
Giấy đăng ký theo quy định của pháp luật.
5. Hành vi vi phạm quy định về
giấy phép (Điều 8 Nghị định 51)
Khi áp dụng Điều
8 cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
5.1. Hành vi gian lận
trong quá trình xin cấp giấy phép được hiểu là: tổ chức, cá nhân khi tiến hành
các thủ tục đề nghị cấp giấy phép đã kê khai không trung thực các thông tin có
trong hồ sơ xin cấp phép hoặc cung cấp các giấy tờ, tài liệu không đúng giấy tờ,
tài liệu gốc kèm theo hồ sơ xin cấp phép.
5.2. Công việc bức xạ
đặc biệt là những loại công việc được quy định tại khoản 2 Điều
26 Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết
việc thi hành Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (sau đây gọi tắt là Nghị định
50), cụ thể là những công việc sau:
a) Lắp đặt, vận hành, sửa chữa,
khắc phục sự cố bức xạ, hỏng hóc lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc, máy xạ trị,
thiết bị chiếu xạ bán công nghiệp và công nghiệp, máy chụp ảnh bức xạ công nghiệp;
b) Sản xuất đồng vị phóng xạ;
c) “Tẩy xạ và khắc phục sự cố bức
xạ từ mức 2 trở lên”, quy định tại Điều 18 Nghị định số 50.
5.3. “Sản phẩm, hàng
hóa tiêu dùng chứa chất phóng xạ” quy định tại điểm c khoản 4
Điều 8 được hiểu là sản phẩm, hàng hoá (như đầu dò báo cháy, các sản phẩm,
hàng hóa có dạ quang hoặc ống phát ion…) có chứa một lượng nhỏ các chất phóng xạ.
5.4. Khi áp dụng quy định
tại khoản 6 Điều 8, cần lưu ý:
a) Thực hiện các biện pháp đảm bảo
về an toàn bức xạ là việc thực hiện các biện pháp hành chính và kỹ thuật nhằm
giảm thiểu các nguy cơ bức xạ do công việc bức xạ, các nguồn bức xạ gây ra làm ảnh
hưởng đến môi trường, sức khoẻ con người.
b) Việc tiêu huỷ, chôn cất các sản
phẩm, hàng hoá tiêu dùng chứa chất phóng xạ vượt quá mức cho phép theo quy định
của pháp luật là việc chôn cất sản phẩm, hàng hoá nêu trên theo quy trình thu
gom, phân loại, vận chuyển và chôn cất của chất thải phóng xạ.
Việc tiêu huỷ, chôn cất các sản
phẩm, hàng hóa nêu trên phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm
soát bức xạ.
c) Đối với cá nhân, tổ chức có
hành vi vi phạm tại khoản 3; điểm a, điểm b khoản 4; điểm a, điểm
b khoản 5 Điều 8 thì người có thẩm quyền phải thực hiện biện pháp tạm giữ
nguồn phóng xạ hoặc niêm phong thiết bị bức xạ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.
Việc niêm phong hoặc tạm giữ phải đảm bảo các điều kiện an toàn bức xạ và an
ninh các nguồn phóng xạ.
Việc niêm phong thiết bị bức xạ
phải lập thành biên bản. Việc mở niêm phong thiết bị bức xạ thực hiện khi tổ chức,
cá nhân vi phạm xuất trình giấy phép với người đã thực hiện niêm phong.
Việc tạm giữ nguồn phóng xạ phải
thực hiện theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm
hành chính năm 2002.
6. Hành vi vi phạm về xuất nhập
khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ và chất thải phóng xạ (Điều
12 Nghị định 51) được hiểu như sau:
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm về nhập khẩu thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ thuộc
Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu được ban hành kèm theo Nghị định số
12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt
động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và
quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 51.
7. Hành vi vi phạm về cất giữ,
lưu giữ, chuyển nhượng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và chất thải phóng xạ (Điều 13 Nghị định 51).
Khi áp dụng Điều này cần lưu ý
những vấn đề sau:
7.1. Tổ chức, cá nhân
làm mất, thất lạc, rơi vãi nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ do thiếu trách nhiệm
trong khi quản lý, sử dụng được hiểu là: cá nhân hoặc người đứng đầu tổ chức có
sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị có chứa nguồn phóng xạ đã ban hành đầy đủ các
quy định về trách nhiệm, quản lý, bảo quản và an ninh nguồn phóng xạ nhưng do
không có biện pháp quản lý chặt chẽ dẫn đến xảy ra mất, thất lạc, rơi vãi thì
áp dụng khoản 2 Điều 13 để xử phạt.
7.2. Tổ chức, cá nhân
vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13 nhưng cố tình không
thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ được hiểu
là: kể từ ngày phát hiện ra mất, thất lạc, rơi vãi nguồn phóng xạ, thiết bị có
chứa nguồn phóng xạ mà cá nhân, tổ chức đó không báo cáo kịp thời sự việc với Sở
Khoa học và Công nghệ hoặc Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân thuộc Bộ
Khoa học và Công nghệ thì áp dụng khoản 3 Điều 13 để xử phạt.
8. Hành vi vi phạm quy định về vận
chuyển nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ (Điều 14 Nghị định 51)
được hiểu như sau:
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm quy định về an toàn bức xạ khi vận chuyển nguồn phóng xạ và chất thải
phóng xạ là những vi phạm về nội dung an toàn bức xạ được quy định tại Thông tư
số 14/2006/TT-BKHCN ngày 11 tháng 7 năm 2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng
dẫn vận chuyển an toàn chất phóng xạ, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4985-89 “Quy phạm
vận chuyển an toàn chất phóng xạ” và TCVN 6867-2001 “An toàn bức xạ - vận chuyển
an toàn chất phóng xạ - phần 1: Quy định chung”.
9. Hành vi vi phạm quy định làm
các công việc dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ (Điều 15 Nghị
định 51)
9.1. Hành vi vi phạm
quy định tại khoản 1 Điều 15 được hiểu như sau:
Tổ chức, cá nhân làm các công việc
dịch vụ liên quan đến an toàn bức xạ nhưng vi phạm về nội dung an toàn bức xạ
hoặc vi phạm một trong các nội dung quy định trong giấy phép hoặc tổ chức, cá
nhân định kỳ không báo cáo kết quả đo liều xạ cá nhân thì áp dụng khoản 1 Điều 15 để xử phạt.
9.2. Hành vi vi phạm
quy định tại khoản 2 Điều 15 được hiểu như sau:
Tổ chức, cá nhân hành nghề y dược
có quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để chuẩn đoán và điều trị bệnh
cho nhân dân nhưng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ không đạt tiêu chuẩn chất lượng
được hiểu là khi sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để chuẩn đoán và điều
trị bệnh mà vi phạm về an toàn bức xạ, gây vượt liều đối với nhân viên bức xạ
và dân chúng hoặc không gây mất an toàn nhưng không có giấy kiểm định, hiệu chuẩn
hoặc không có chứng chỉ chất lượng của cơ quan có thẩm quyền thì áp dụng khoản 2 Điều 15 để xử phạt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân vi
phạm quy định tại khoản 2 điều 15 nếu gây ảnh hưởng đến sức
khoẻ con người thì áp dụng mức phạt tiền có tình tiết tăng nặng. Trường hợp gây
hậu quả nghiêm trọng thì chuyển cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền.
10. Hành vi vi phạm quy định về
che chắn, quy định về kích thước phòng để tiến hành công việc bức xạ (Điều 18 Nghị định 51).
Khi áp dụng Điều này cần
lưu ý: Để lọt tia bức xạ quá mức liều xạ giới hạn cho phép là vượt quá giới hạn
liều xạ được quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866-2001 “An toàn bức xạ -
giới hạn liều đối với nhân viên bức xạ và dân chúng”.
11. Hành vi vi phạm liên quan đến
quản lý chất thải và bảo vệ môi trường thì áp dụng quy định tại Điều
16 và Điều 19 Nghị định số 51 hoặc áp dụng các quy định của pháp luật về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử phạt.
III. HƯỚNG DẪN
VỀ THẨM QUYỀN XỬ PHẠT
12. Thẩm quyền xử phạt của cơ
quan thanh tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ (Điều
24 Nghị định 51).
Khi áp dụng Điều này cần
lưu ý những vấn đề sau:
12.1. Thanh tra viên
chuyên ngành an toàn và kiểm soát bức xạ (khoản 1 Điều 24)
bao gồm: Thanh tra viên đang công tác tại Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ,
Thanh tra Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân và Thanh tra Sở Khoa học và
Công nghệ.
12.2. Thẩm quyền xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ gồm: Thanh tra
viên chuyên ngành an toàn và kiểm soát bức xạ, Chánh thanh tra Sở Khoa học và
Công nghệ và Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ.
Chánh Thanh tra Cục Kiểm soát và
An toàn bức xạ, hạt nhân không có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm thuộc
lĩnh vực này.
13. Thủ tục xử phạt vi phạm hành
chính (Điều 28 Nghị định 51)
Khi áp dụng Điều này cần lưu ý về
thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Điều
50 Luật Thanh tra và Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành
chính 2002 thì những người sau đây có thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành
chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ: Thanh tra viên chuyên ngành về
an toàn và kiểm soát bức xạ, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh
Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn
và kiểm soát bức xạ.
Theo quy định tại khoản
2 Điều 20 của Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002,
trong trường hợp người lập biên bản không có thẩm quyền xử phạt thì cần áp dụng
nguyên tắc đúng thủ tục được quy định tại điểm 2.5 của Thông tư này.
14. Thủ tục tạm giữ tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính (Điều 30 Nghị định 51)
Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện
pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tuân theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002. Việc quản
lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện theo
quy định tại Nghị định số 70/2006/NĐ-CP ngày 24/7/2006 quy định việc quản lý
tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
15. Thủ tục xử lý tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu (Điều 32 Nghị định
51)
Thủ tục xử lý tang vật, phương
tiện vi phạm hành chính bị tịch thu trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ
tuân theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành
chính 2002 và Thông tư số 72/2004/TT-BTC ngày 15/7/2004 hướng dẫn việc quản
lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu xung công quỹ Nhà nước do vi phạm
hành chính và Thông tư số 04/2006/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2006 sửa đổi, bổ
sung Thông tư số 72/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực sau 15
ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để phối hợp,
giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao;
- Toà án nhân dân Tối cao;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN;
- Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Lưu : VT, TTra.
|
KT.BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Tiến
|