UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
31/2017/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày
17 tháng 8 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG TÁC QUẢN
LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày
13/11/2008;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày
20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
23/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông (viết tắt KCHTGT) đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày
15/5/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
Căn cứ Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày
21/3/2011 của Bộ Công an Quy định lực lượng Công an kiểm tra, xử lý vi phạm về
bảo vệ KCHTGT đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT ngày
12/11/2012 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về tuần tra, kiểm tra bảo vệ
KCHTGT đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày
23/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị
định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản
lý và bảo vệ KCHTGT đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 31/2012/TT-BGTVT ngày
01/8/2012 của Bộ Giao thông Vận tải quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong
công tác quản lý, bảo trì KCHTGT đường bộ.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải
Lai Châu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế phối hợp xử
lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông (viết tắt
KCHTGT) đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 29 tháng 8 năm
2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông Vận tải,
Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương,
Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc
Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường,
thị trấn; các nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường
bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Ngọc An
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM TRONG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KCHTGT ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31
/2017/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung,
trách nhiệm và cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ
chức có liên quan trong phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ
KCHTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
2. Đối
tượng áp dụng
Quy
chế này áp dụng đối với cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông Vận tải), nhà
thầu thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (sau đây gọi tắt là Nhà
thầu), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện),
Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã), lực
lượng công an và các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc chung trong hoạt động phối hợp
1. Hoạt động phối hợp giữa các bên phải tuân thủ
các quy định của pháp luật, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và phạm vi trách nhiệm của mỗi bên theo quy định của pháp luật.
2. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo đúng nguyên tắc
và yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn của mỗi bên. Trong phối hợp, các bên phụ trách
phải có nội dung kế hoạch cụ thể được cấp có thẩm quyền của các bên phê duyệt.
3. Việc phối hợp phải đồng bộ, kịp thời, kết nối
giữa các cơ quan, đơn vị phối hợp để thực hiện đúng các quy định hiện hành, đảm
bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác quản
lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ trên địa bàn.
4. Các vướng mắc, phát sinh trong quá trình phối
hợp sẽ được bàn bạc thống nhất giải quyết theo yêu cầu nghiệp vụ của mỗi bên.
5. Các thông tin báo chí, phản ánh của người dân
cần phối hợp xem xét, xác minh để xử lý kịp thời, đúng quy định.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. KCHTGT đường bộ: Gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng
nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục
vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
2. Đất của đường bộ:
Bao gồm phần đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và
phần đất dọc hai bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ.
3. Hành lang an
toàn đường bộ: Là dải đất dọc hai bên
đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an
toàn giao thông đường bộ.
4. Nhà thầu thực hiện công tác quản lý, bảo
dưỡng thường xuyên (BDTX) đường bộ: Là các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm
vụ, trúng thầu hoặc ký hợp đồng thực hiện một hoặc một số công việc quản lý, bảo
dưỡng và khai thác công trình đường
bộ.
Điều 4. Mục đích của hoạt động phối hợp
1. Phối hợp hoạt động giữa các bên nhằm nâng cao
hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ, nâng cao trách nhiệm quản lý
của các cơ quan nhà nước và ý thức chấp hành quy định pháp luật của Nhân dân.
Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý và bảo vệ KCHTGT đường
bộ nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thuận lợi theo quy định của pháp luật.
2. Là cơ sở để thực hiện hiệu quả Kế hoạch lập lại
trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020 ban hành kèm
theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5. Hình thức phối hợp
1. Xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, tổ
kiểm tra, thanh tra liên ngành xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ
KCHTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công
tác xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành
chính trong quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ.
3. Thống kê, báo cáo kết quả công tác xử lý vi
phạm hành chính về bảo vệ KCHTGT đường bộ.
4. Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI
HỢP
Điều 6. Phối hợp trong công
tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ
KCHTGT đường bộ
1. Tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể Nhân dân
các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ KCHTGT đường bộ, gồm các nội
dung sau:
a) Các hành vi bị cấm quy định tại các Khoản 1,
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ.
b) Các quy định về giới hạn hành lang an toàn đường
bộ (viết tắt HLATĐB) theo Điều 15, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.
c) Các mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại
các Điều 12, Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 46/2016/CP-NĐ ngày 26/5/2016 của
Chính phủ.
2. Vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm về bảo
vệ KCHTGT đường bộ tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng
để đảm bảo an toàn giao thông.
Điều 7. Phối hợp trong công
tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ KCHTGT đường bộ
Các hành vi vi phạm về bảo vệ KCHTGT đường bộ cần
phối hợp xử lý:
1. Nhóm hành vi vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ:
a) Sử
dụng trái phép đất của đường bộ để: Họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày,
bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển
hiệu, biển quảng cáo, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động
khác gây cản trở giao thông;
b)
Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa
trên đường bộ;
c) Trồng
cây làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;
d) Đổ
rác thải, phế liệu, vật liệu xây dựng, xả nước ra đường;
đ) Sử
dụng đường bộ trái phép để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành,
lễ hội;
e)
Các hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: dựng cổng
chào, tường rào các loại hoặc các vật che chắn khác trái quy định; treo băng
rôn, biểu ngữ trái phép, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo;
f) Tự
ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý
nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;
g) Dựng
rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trên phần đất của đường bộ;
h) Tự
ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ;
i)
Xây dựng nhà ở, tường rào, công trình kiên cố khác trái phép trên đất của đường
bộ;
j) Mở
đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính;
k)
Các hành vi gây hư hỏng, mất tác dụng của công trình đường bộ, ảnh hưởng đến trật
tự, an toàn toàn giao thông như: cầu, cống, rãnh thoát nước, nền mặt đường, hệ
thống báo hiệu đường bộ;
l)
Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
2. Nhóm các hành vi vi phạm trong phạm vi đất HLATĐB:
a) Trồng cây làm che khuất tầm nhìn của
người điều khiển phương tiện giao thông;
b)
Xây dựng công trình kiên cố và công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi
đất HLATĐB;
c) Tự
ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong HLATĐB;
d) Sử
dụng trái phép HLATĐB làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật
liệu xây dựng, rác thải, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác;
đ) Dựng
biển quảng cáo trên đất HLATĐB khi chưa được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm
quyền đồng ý bằng văn bản;
e)
Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Phối hợp thành lập tổ cưỡng chế và tổ chức thực hiện
các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1.
Quyết định cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực
hiện khi đối tượng không tự nguyện chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành
chính.
2. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành Quyết định
xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị
định 166/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về cưỡng
chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Thành lập Tổ cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính cấp huyện gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm tổ trưởng, Trưởng Công an
cấp huyện và Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải làm tổ phó, các ủy viên là
trưởng các phòng, ban, bộ phận tham mưu, giúp việc của UBND cấp huyện, Chủ tịch
UBND cấp xã và đại diện Nhà thầu.
4.
Sau khi áp dụng hình thức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả,
cơ quan quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có
trách nhiệm bàn giao trực tiếp hiện trạng mặt bằng đã giải tỏa cho UBND cấp xã
quản lý theo địa giới hành chính và Nhà thầu quản lý theo phạm vi được giao; việc
bàn giao được thực hiện tại hiện trường và được lập thành biên bản.
Chương III
TRÁCH NHIỆM TRONG PHỐI HỢP
XỬ LÝ VI PHẠM VỀ QUẢN LÝ, VÀ BẢO VỆ KCHTGT ĐƯỜNG BỘ
Điều 9. Trách
nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị
liên quan tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân theo các nội
dung quy định tại Điều 6 Quy chế này.
2. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện ban hành
kế hoạch giải tỏa các hành vi vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ và HLATĐB
đã đền bù, thu hồi.
3. Phối hợp với UBND cấp huyện trong việc tổ chức
thực hiện kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các hành vi vi phạm trong phạm vi đất của
đường bộ và HLATĐB chưa được đền bù, thu hồi.
4. Chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cụ thể quy định tại Điều 14 quy
chế này. Hướng dẫn Nhà thầu trong phối hợp ngăn chặn và xử lý khi phát hiện
hành vi vi phạm thông qua công tác tuần đường. Xử lý đối với Nhà thầu khi không
thực hiện, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm về quản lý và bảo vệ KCHTGT đường
bộ theo quy định hoặc theo hợp đồng đã ký kết.
5. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông:
a) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Nhà thầu tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành
các quy định của pháp luật về bảo vệ KCHTGT đường bộ, tự
giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục nguyên trạng để đảm bảo an toàn giao
thông.
b) Trường hợp đối tượng cố tình vi phạm, không tự
giác tháo dỡ, chủ trì lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền quy định, phối hợp
với chính quyền địa phương và Nhà thầu tiến hành các bước cưỡng chế, giải tỏa đối
với các vi phạm trong phạm vi đất dành cho đường bộ như sau:
- Các hành vi vi phạm nằm trong phần đất của đường bộ đã được đền bù, thu
hồi: phối hợp với Nhà thầu và chính quyền địa phương cấp xã tổ chức giải tỏa
theo kế hoạch do Sở GTVT ban hành;
- Các hành vi vi phạm nằm trong HLATĐB và phần đất của đường bộ chưa được
đền bù, thu hồi: Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và Nhà thầu lập
biên bản VPHC, ra quyết định xử phạt VPHC theo thẩm quyền, yêu cầu khắc phục hậu
quả. Trường hợp đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt VPHC, hoàn thiện hồ
sơ đề nghị chính quyền địa phương ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử
phạt VPHC, áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả theo quy định; phối hợp
với các lực lượng liên quan trong quá trình cưỡng chế, giải tỏa.
6. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực
hiện Kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được phê duyệt theo Quyết định
số 1024/QĐ-UBND ngày 03/9/2014 của UBND tỉnh.
7. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo, tiếp tục triển
khai hiệu quả Kế hoạch số 3021/KH-BCĐQCPH ngày 12/11/2015 của Ban Chỉ đạo quy
chế phối hợp tỉnh về triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an
toàn giao thông và bảo vệ KCHTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp huyện
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công
an tỉnh và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, vận
động Nhân dân theo các nội dung quy định tại Điều 6 Quy chế này trên địa bàn quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Nhà
thầu tiếp nhận thông tin, xử lý theo thẩm quyền các vi phạm đối với phần đất của
đường bộ và HLATĐB chưa được đền bù, thu hồi. Trường hợp đối tượng cố tình vi
phạm, không tự giác tháo dỡ, chỉ đạo các phòng chuyên môn, công an cấp huyện phối
hợp với lực lượng Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết
định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, ban hành quyết định cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt VPHC và thành lập tổ cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế
để tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
3. Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương hoặc theo chỉ đạo của
UBND tỉnh, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng
và ban hành Kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa, lập lại trật tự HLATĐB trên địa bàn đối với phần đất của đường bộ và HLATĐB chưa được
đền bù, thu hồi.
4. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Nhà thầu trong việc thực hiện các
biện pháp cưỡng chế, giải tỏa các hành vi vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ
và HLATĐB đã đền bù, thu hồi.
5. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài HLATĐB theo quy định của pháp luật. Giải quyết tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ KCHTGT đường bộ
trên địa bàn cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp xã
1. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận
tải, các Nhà thầu và lực lượng liên quan tuyên truyền, phổ biến và
giáo dục Nhân dân các nội dung quy định
tại Điều 6 Quy chế này trên địa bàn quản lý.
2. Phối hợp với Nhà thầu, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thường xuyên kiểm
tra, kịp thời phát hiện và lập biên bản, ra quyết định xử
phạt các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất của
đường bộ và HLATĐB theo thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc thẩm quyền của
lực lượng Thanh tra giao thông được quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP
ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Báo cáo UBND cấp huyện các vụ việc vi phạm có tính
chất phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã.
3. Huy động, bố trí lực lượng tham gia cưỡng chế, giải tỏa vi phạm về bảo
vệ KCHTGT đường bộ trên địa bàn quản lý theo quyết định, kế hoạch của cấp có thẩm
quyền.
4. Phối hợp với Nhà thầu và các lực lượng
liên quan trong việc bảo vệ, giữ gìn
các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của công trình đường bộ.
5. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài HLATĐB theo quy định của pháp luật trên địa bàn quản lý; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ KCHTGT
đường bộ trên địa bàn cấp xã quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND cấp huyện
và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Nhân dân các nội dung quy định tại Điều 6 Quy chế này.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng trong ngành thực hiện nghiêm
quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ KCHTGT đường
bộ theo Thông tư số 39/2011/TT-BCA ngày 21/6/ 2011 của Bộ Công an.
3. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tăng cường chỉ đạo, tiếp tục triển
khai hiệu quả Kế hoạch số 3021/KH-BCĐQCPH ngày 12/11/2015 của Ban Chỉ đạo quy
chế phối hợp tỉnh về triển khai thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo trật tự an
toàn giao thông và bảo vệ KCHTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
4. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp tham gia phối hợp cưỡng chế, giải tỏa và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống
người thi hành công vụ trong việc tổ chức thực hiện quyết định, kế hoạch
cưỡng chế, giải tỏa của cấp có thẩm quyền.
5. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông trong
quá trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông có hư hỏng KCHTGT đường bộ phối
hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Nhà thầu có biện pháp yêu cầu tổ chức,
cá nhân khôi phục, bồi thường thiệt hại công trình đường bộ do tai nạn gây ra.
Điều 13. Trách nhiệm của các Sở, ban,
ngành và các đơn vị có liên quan
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thẩm định các quy hoạch,
các chủ trương đầu tư xây dựng công trình và cấp Giấy chứng nhận đầu tư phải
tuân thủ đúng các quy định về quản lý, bảo trì và bảo vệ KCHTGT đường bộ. Chịu trách nhiệm giám sát thực hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo
quy định.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch
và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi có liên quan đến công trình đường bộ;
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn việc sử dụng đất HLATĐB để
canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp bảo đảm an toàn công trình đường bộ; hướng dẫn
việc khảo sát, đo đạc, sử dụng đất hành lang giao thông theo quy định của pháp
luật.
3. Sở Xây dựng:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn lập và quản lý quy hoạch
xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn quản lý xây dựng ngoài HLATĐB. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh trong công tác lập và thực hiện quy hoạch kết cấu hạ tầng giao
thông đô thị.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan
xây dựng quy định về phân công, phân cấp quản lý, bảo trì, bảo vệ KCHTGT đối với
đường đô thị trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành theo quy định tại Thông tư số
04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường
đô thị; Thông tư số 16/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 30/6/2009 sửa đổi, bổ
sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD.
4. Sở Tài nguyên
và Môi trường: Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện
trong việc thẩm định, cấp quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác đúng mục
đích sử dụng đồng thời đảm bảo giới hạn quy định về phạm vi đất dành cho đường
bộ theo Điều 15, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.
5. Sở Công Thương:
Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây dựng hệ thống cửa hàng xăng
dầu, công trình điện, thủy điện và các cơ sở dịch vụ khác dọc
theo các tuyến đường bộ phải tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ
KCHTGT đường bộ; chủ trì, phối hợp với Sở
Giao thông Vận tải xác định vị trí điểm đấu nối từ cửa
hàng xăng dầu vào đường bộ bảo đảm khoảng cách theo quy định
về đấu nối đường nhánh vào đường bộ.
6. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí,
truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định
của pháp luật về quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ, Quyết
định số 1024/QĐ-UBND ngày 03/9/2014 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; phê phán các
hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử
dụng trái phép HLATĐB gây mất an toàn giao thông và hư hỏng
công trình đường bộ.
b) Chỉ đạo thực hiện việc quy hoạch và xây dựng
cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phải bảo đảm kỹ thuật và an toàn công
trình đường bộ.
7. Sở Tài chính:
a) Hàng năm căn cứ định mức phân bổ chi sự nghiệp
giao thông do cấp tỉnh quản lý theo Quyết định số 49/2016/QĐ-UBND ngày 12/12/2016
của UBND tỉnh và hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thu, chi
từ quỹ bảo trì đường bộ tỉnh và khả năng cân đối ngân sách địa phương, phối hợp
với Sở Giao thông Vận tải và các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu trình
UBND tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên từ ngân sách tỉnh để thực hiện công tác
quản lý, bảo trì, bảo vệ KCHTGT đường bộ, giải tỏa HLATĐB theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn
vốn thực hiện công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ KCHTGT đường bộ và giải tỏa
HLATĐB của địa phương đảm bảo sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.
8. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức bảo vệ
công trình quốc phòng kết hợp với công trình đường bộ, các tuyến đường bộ nằm
trong khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý.
9. Các cơ quan, đơn vị có liên
quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tuyên truyền, phổ biến, vận động
các tổ chức, cá nhân theo nội dung tại Điều 6 Quy chế này và tổ
chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ KCHTGT đường bộ theo quy định của pháp luật.
Điều 14.
Trách nhiệm của Nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ
1. Phối hợp với UBND các cấp và các lực lượng
liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân theo các nội dung quy định tại Điều 6 Quy chế
này.
2. Thực hiện nghiêm túc
công tác tuần đường theo đúng quy định tại Thông tư số 47/2012/TT-BGTVT của Bộ
Giao thông Vận tải đảm bảo các hành vi vi phạm về bảo vệ KCHTGT đường bộ phải
được phát hiện ngay từ ban đầu. Khi phát hiện hành vi vi phạm về bảo vệ KCHTGT
đường bộ của nhân viên tuần đường phải chỉ đạo tiến hành ngay các biện pháp
ngăn chặn hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã và lực lượng
Thanh tra giao thông thực hiện các bước xử lý theo quy định của pháp luật và
theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải.
3. Chủ trì, phối hợp với
UBND cấp xã, Thanh tra giao thông trong việc xử lý vi phạm trong phạm vi đất của
đường bộ đã được đền bù, thu hồi trên tuyến đường quản lý.
4. Chấp hành chỉ đạo và thường
xuyên báo cáo kịp thời về Sở Giao thông Vận tải đối với các
vi phạm KCHTGT đường bộ thông qua công tác tuần đường (báo cáo hàng ngày
về Ban Quản lý bảo trì công trình đường bộ, tổng hợp báo cáo tháng trước ngày
20 hàng tháng về Sở Giao thông Vận tải và UBND cấp huyện).
5. Phối hợp với chính quyền địa
phương các cấp và lực lượng chức năng trong việc thực hiện
nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản, xử phạt hành chính, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm; bố trí phương tiện, lực lượng tham gia quá trình cưỡng
chế khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
6. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp
xã và các lực lượng liên quan trong việc bảo
vệ, giữ gìn các cột mốc lộ giới, mốc giải phóng mặt bằng của công
trình đường bộ.
7. Thực hiện đầy đủ, đúng các quy định trong hợp
đồng đã ký kết và các quy định khác có liên quan về quản lý, bảo vệ KCHTGT đường
bộ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15.
Phương tiện và kinh phí thực hiện
1. Cơ quan, đơn vị nào sử dụng phương tiện được
trang bị của cơ quan, đơn vị đó trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
2. Phương tiện, nhân lực và kinh phí phục vụ
công tác cưỡng chế giải tỏa vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ các tuyến đường
do Sở Giao thông Vận tải quản lý được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương và
ngân sách địa phương; UBND cấp huyện, cấp xã bố trí nhân lực để phối hợp thực
hiện trên cơ sở Kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa.
3. Phương tiện, nhân lực và kinh phí phục vụ công
tác cưỡng chế giải tỏa vi phạm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ và đất
của đường bộ chưa đền bù, thu hồi chủ yếu do UBND cấp huyện, cấp xã bố trí từ
nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện; Sở Giao thông Vận tải bố trí nhân lực
để phối hợp thực hiện trên cơ sở Kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa.
4. Trong quá trình thực hiện phối hợp, cơ quan,
đơn vị nào cử người tham gia thì cơ quan, đơn vị đó chịu trách nhiệm thanh toán
chế độ công tác phí hoặc phụ cấp cho cán bộ, công chức, người lao động thuộc
đơn vị mình quản lý theo quy định.
Điều 16. Công tác sơ kết, tổng
kết và kiểm tra
1. Công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế
Thực hiện Sơ kết 01 năm/lần; kết thúc thực hiện
Quy chế này, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các bên liên quan tổ chức
tổng kết và báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan kết quả thực
hiện.
2. Công tác kiểm tra
Trong quá trình triển khai, UBND cấp huyện, Sở
Giao thông Vận tải, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế và các
Kế hoạch phối hợp giải tỏa của các lực lượng tham gia phối hợp.
Điều 17. Khen thưởng và xử
lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả Quy chế này và quy định khác của pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác,
bảo trì và bảo vệ KCHTGT đường bộ được khen thưởng theo quy định của pháp luật
về thi đua, khen thưởng hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế này bị xử lý
theo quy định tại Thông tư 31/2012/TT-BGTVT ngày 01/8/2012 của Bộ Giao thông Vận
tải Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo trì
KCHTGT đường bộ và quy định khác của pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác,
bảo trì và bảo vệ KCHTGT đường bộ.
Điều 18. Điều khoản thi
hành
1. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành,
kiên quyết phối hợp xử lý dứt điểm các vi phạm về bảo vệ KCHTGT đường bộ mới được
phát hiện, các công trình đã được bồi
thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và công trình xây dựng
trái phép trong HLATĐB đã bị cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu tháo dỡ.
2. Trường
hợp công trình nhà ở hoặc công trình xây dựng khác vi phạm cả phần đất của đường
bộ và đất HLATĐB thì UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì, Sở Giao thông Vận tải,
Công an tỉnh và Nhà thầu là đơn vị phối hợp thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm
theo trách nhiệm của các bên đã quy định tại Quy chế này.
3. Đối với các công trình nhà ở đã tồn tại có sử dụng đất HLATĐB
mà Sở Giao thông Vận tải xét thấy chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công
trình đường bộ được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên hiện trạng không được
cơi nới, mở rộng; người sử dụng đất phải ký cam kết với UBND cấp xã và Nhà thầu về việc
không cơi nới, mở rộng, xây dựng mới.
4. Trường hợp sử dụng đất HLATĐB (thời gian sử dụng trước khi HLATĐB được công bố
theo quy định tại Khoản 6 Điều 29 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT) có ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công
trình đường bộ, Sở GTVT xác định mức độ ảnh hưởng, đề nghị UBND tỉnh thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với
đất và tài sản gắn liền với đất.
5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có
trách nhiệm triển khai trong cơ quan, đơn vị mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc
thực hiện cũng như giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan trong quá trình thực hiện Quy chế này.
6. Quá trình thực hiện nếu có những quy định
chưa phù hợp với quy định mới của pháp luật về quản lý, bảo vệ KCHTGT đường bộ
thì các cơ quan, đơn vị phối hợp có ý kiến bằng văn bản về Sở Giao thông Vận tải
để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho
phù hợp./.