ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 622/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi,
ngày 13 tháng 5 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐỊNH VỊ VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU
DU LỊCH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG
NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg
ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
du lịch Việt Nam đến năm 2030;
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng
bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động
số 01-CTr/TU ngày
27/11/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
lần thứ XX; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày
02/11/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 khóa XX về đẩy mạnh phát triển
du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Thông báo số 428-TB/TU ngày
27/4/2022 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về biểu trưng (logo) định
vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 14/KH-UBND
ngày 20/01/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số
01-CTr/TU ngày 27/11/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
lần thứ XX;
Căn cứ Quyết định số 762/QĐ-UBND
ngày 28/5/2021 của Chủ tịch
UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí Đề án “Xây dựng Chương
trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch tại Tờ trình số 704/TTr-SVHTTDL ngày 10/5/2022 về việc
phê duyệt Đề án “Xây dựng Chương trình định vị và phát triển thương hiệu
du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Xây dựng Chương
trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Ngoại
vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
-
Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
-
Thường trực HĐND tỉnh;
-
CT, PCT UBND tỉnh;
-
BTT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
-
Các sở, ban ngành tỉnh;
-
Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
-
VPUB: PCVP, các phòng N/cứu, CBTH;
-
Lưu: VT, KGVXvht205.
|
CHỦ TỊCH
Đặng
Văn Minh
|
ĐỀ ÁN
XÂY
DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐỊNH VỊ VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM
2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Phê
duyệt kèm theo Quyết định số 622/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của Chủ tịch
UBND tỉnh)
Phần
I
MỞ
ĐẦU
I. Sự cần thiết lập Đề
án
Quảng Ngãi sở hữu tương đối đa dạng cả về
cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, trong đó tài nguyên biển đảo là thế mạnh
của tỉnh, có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, đặc biệt có đảo
Lý Sơn đặc sắc về địa chất, cảnh quan và văn hóa cư dân miền biển. Tuy nhiên, du lịch
chưa phát triển đúng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân là do điều kiện hạ tầng
tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch, khai thác tài
nguyên phục vụ du lịch chưa hiệu quả, hệ thống sản phẩm du lịch còn đơn giản,
chất lượng sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, lý do chính yếu khác là Quảng Ngãi
chưa có chiến lược thương hiệu cụ thể để làm định hướng cho các hoạt động xúc tiến, quảng
bá du lịch đến du khách. Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Xây dựng Chương trình định vị và
phát triển thương hiệu Du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm
2030” là hết sức cần thiết.
II. Căn cứ lập Đề án
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và
Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
- Luật Du lịch ngày 19/6/2017;
- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017
của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
- Quyết định số 2714/QĐ-TTg ngày
03/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm
du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày
22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt
Nam đến năm 2030;
- Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày
13/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Chiến lược
phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh
Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày
27/11/2020 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ
tỉnh lần thứ XX;
- Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 20/01/2021
của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày
27/11/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần
thứ XX;
- Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 02/11/2021 của Hội
nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 khóa XX về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn;
- Thông báo số 428-TB/TU ngày 27/4/2022
kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về biểu trưng (logo) định vị và
phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm
2030;
- Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày
21/01/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
- Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của
UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí Đề án “Xây dựng Chương
trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”;
III. Mục tiêu và yêu cầu
lập Đề án
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch
Quảng Ngãi phù hợp với mục tiêu,
định hướng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam, gắn liền với định hướng
phát triển thương hiệu vùng duyên hải miền Trung, đồng thời cải thiện vị thế của Quảng Ngãi trong bức
tranh du lịch vùng và cả nước.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá tổng quát về tiềm năng và lợi
thế thương hiệu du lịch Quảng Ngãi.
- Phân tích và đánh giá thực trạng
thương hiệu du lịch Quảng Ngãi ở cả góc độ cung ứng và nhu cầu thị trường; từ
đó xác định các giá trị cốt lõi cấu thành thương hiệu du lịch Quảng Ngãi.
- Định hướng phát triển thương hiệu du lịch
Quảng Ngãi phù hợp với tình hình mới sau dịch Covid-19, cũng như đáp ứng các xu
hướng thay đổi của thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
- Đề ra các giải pháp nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi.
- Xây dựng hệ thống nhận diện và biểu đạt
thương hiệu.
- Tạo tiền đề trong việc định hướng xây
dựng và phát triển sản phẩm,
xây dựng kế hoạch xúc tiến, marketing và quảng bá du lịch.
2. Yêu cầu
- Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với định hướng, kế hoạch về phát
triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.
- Đảm bảo cơ sở pháp lý và thực tiễn,
phù hợp với nguồn lực và điều kiện của tỉnh Quảng Ngãi và thực tế thay đổi của
bối cảnh du lịch thế giới sau dịch bệnh Covid-19.
Phần
II
ĐÁNH
GIÁ HIỆN TRẠNG NHẬN DIỆN HÌNH ẢNH THƯƠNG HIỆU DU LỊCH QUẢNG NGÃI TỪ CÁC BÊN
LIÊN QUAN TẠI ĐIỂM ĐẾN
I. Xác định các bên
liên quan cốt lõi trong hệ thống cung du lịch Quảng Ngãi
Nghiên cứu đánh giá các bên liên quan
trong hệ thống cung du lịch của Quảng Ngãi dựa trên 5 thành phần chính của hệ
thống cung du lịch (Sơ đồ 1)
Sơ đồ 1 - Các
thành phần trong hệ thống cung du lịch
- Về tài nguyên du lịch: Quảng Ngãi nằm
ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, với đường bờ biển dài, đa dạng các nguồn tài
nguyên, bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Tuy nhiên,
tài nguyên chủ đạo nằm ở tài nguyên thiên nhiên mà cụ thể là biển đảo. Nổi bật
nhất phải kể đến là huyện đảo Lý Sơn, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể
và phi vật thể quý giá được hội tụ và kết tinh từ ba nền văn hóa cổ của Việt
Nam. Đây cũng là nơi lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý báu minh chứng về lịch
sử xác lập chủ
quyền
của Việt Nam trên biển Đông đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài
ra, dọc bờ biển có những bãi biển được du khách biết đến nhiều là Mỹ Khê và Sa
Huỳnh.
- Về cơ sở hạ tầng: Các cơ sở lưu
trú 3 - 4 sao ở Quảng Ngãi được xây dựng từ lâu và có dấu hiệu xuống cấp, chất
lượng chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu lưu trú ở mức trung bình và chưa đủ khả năng để thu hút
khách ở phân khúc cao cấp. Khách sạn phân bố nhiều nhất ở thành phố Quảng Ngãi
và huyện đảo Lý Sơn, đây là hai khu vực tập trung chủ yếu các hoạt động và các
địa điểm thu hút khách
du lịch.
Hệ thống hạ tầng giao thông ở Quảng Ngãi
tương đối phát triển, cơ bản đảm bảo cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt
du lịch, hiện tại có hai loại hình giao thông chính để du khách có thể tiếp cận
Quảng Ngãi là thông qua đường bộ hoặc đường sắt; ngoài ra còn có đường hàng
không (thông qua Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) cũng tạo điều kiện
cho du khách đến Quảng Ngãi.
Tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ ở Quảng Ngãi
còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi phải có sự đầu tư và cải
thiện để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Như vậy, có thể đánh giá hệ thống cung
du lịch ở Quảng Ngãi về cơ bản có đầy đủ các thành phần, đáp ứng được nhu cầu của
người dân địa phương. Tuy nhiên, mức độ phát triển chưa hoàn thiện, còn nhiều hạn
chế và cần có sự đầu tư, cải thiện
chất lượng để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Sơ đồ 2 - Khả
năng đáp ứng du lịch của Quảng Ngãi
II. Phân tích ý nghĩa
hình ảnh điểm đến từ phía cung du lịch
1. Về hình ảnh điểm đến Quảng
Ngãi trong nhận thức cũng như tầm nhìn của các bên liên quan
Hình ảnh điểm đến đề cập đến suy nghĩ, ấn
tượng của du khách về điểm đến đó và nó ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến của họ.
Do vậy, việc xác định hình ảnh điểm đến của Quảng Ngãi đóng vai trò quan trọng
trong quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến. Nghiên cứu tiến hành thu thập ý
kiến của các thành phần chính trong hệ thống cung du lịch bao gồm cơ quan quản
lý, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú và điểm tham quan du lịch để xác định nhận
thức của các bên liên quan về hình ảnh điểm đến Quảng Ngãi.
Sơ đồ 3 - Mô hình hình ảnh
điểm đến Quảng Ngãi trong nhận thức của các bên liên quan
Quảng Ngãi được đánh giá là một điểm đến
mới. Điểm khác biệt của Quảng Ngãi so với các địa phương khác nằm ở huyện đảo
Lý Sơn với địa chất đặc sắc (được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa
biển), cảnh quan đa dạng cùng hệ thống các di sản văn hóa. Các địa điểm tham
quan khác trong khu vực đất liền có tiềm năng nhưng chưa được khai thác và đầu
tư hiệu quả. Quảng Ngãi cũng còn hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật
chất khiến cho trải nghiệm du lịch của du khách bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các điểm du lịch và các hoạt động
du lịch còn đơn giản, thiếu đa dạng cũng là một điểm yếu mà Quảng Ngãi đang gặp
phải để thu hút được du khách.
2. Hiện trạng công
tác quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi; mức độ ứng dụng vào hoạt
động xúc tiến và truyền thông du lịch của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh
Hiện trạng hoạt động của thương hiệu du
lịch Quảng Ngãi được đánh giá thông qua thực trạng nhận diện thương hiệu du lịch
địa phương của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch
trên địa bàn. Mục tiêu của việc khai thác ý kiến là xác định nhận thức của các
bên liên quan về hình ảnh điểm đến
Quảng Ngãi, tìm hiểu nhận định của họ về thị trường khách đến Quảng Ngãi cũng
như đánh giá của các bên về hiện trạng công tác thương hiệu du lịch địa phương
trong các năm qua.
Trên cơ sở đó, mặc dù bước đầu đã có đầu
tư cho công tác xây dựng thương hiệu và truyền thông điểm đến tại Quảng Ngãi,
nhưng cả doanh nghiệp địa phương và cơ quan quản lý điểm đến đều cho rằng hiện
nay du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa được xây dựng thương hiệu để có những chiến lược
quảng bá đồng bộ đến du khách trong và ngoài nước. Hình ảnh điểm đến Quảng Ngãi
vẫn còn mơ hồ đối với các doanh nghiệp địa phương; vì vậy, doanh nghiệp chủ động
thực hiện quảng bá theo kế hoạch riêng của từng đơn vị. Hoạt động quảng bá
chung mặc dù được thực hiện nhưng vẫn chưa đồng đều ở các thị trường khách, đặc
biệt là thị trường khách quốc tế vẫn chưa có hoạt động quảng bá du lịch nào rõ
nét.
3. Mức độ nhận diện về thương hiệu điểm
đến của cơ quan quản lý và các yếu tố tác động đến việc xây dựng, phát triển và
quản lý thương hiệu du lịch Quảng Ngãi hiện tại
Huyện đảo Lý Sơn là nét đặc trưng riêng
có ở Quảng Ngãi, vì thế cơ quan quản lý có định hướng tiếp tục phát triển địa
điểm này để thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại Lý Sơn
không chỉ đơn giản ở bãi biển sạch đẹp, hoang sơ, hải sản phong phú; mà xa hơn
đó là địa hình độc đáo của Lý Sơn với những miệng núi lửa. Việc phát triển du lịch
cũng như xây dựng thương hiệu sao cho nét đặc sắc về mặt địa chất của Lý Sơn trở
thành một điểm nhấn, được quảng bá đến đông đảo du khách là một trong những vấn
đề mà cơ quan quản lý quan tâm.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi tự hào là nơi
phát lộ của nền Văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba nền văn hóa quan trọng của Việt Nam. Tuy
nhiên, thực tế cho thấy hình ảnh
của nền văn hóa này hầu như chưa được đông đảo người dân địa phương lẫn du
khách biết đến, điều này có thể được xem là một sự thiếu sót lớn. Vì thế, điều
cần thiết trong quá trình phát triển thương hiệu điểm đến là xem xét tính khả
thi của việc đưa nền Văn hóa Sa Huỳnh gắn với việc phát triển du lịch, kết hợp với đánh giá những
giá trị và tài sản hiện hữu của Quảng Ngãi để xác định mục tiêu phát triển du lịch nói chung
và thương hiệu nói riêng của Quảng Ngãi.
Phần
III
ĐÁNH
GIÁ HIỆN TRẠNG HÌNH ẢNH THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN QUẢNG NGÃI TRONG THỊ TRƯỜNG CẦU DU
LỊCH
I. Thực trạng cầu du lịch
của Quảng Ngãi
Trong giai đoạn 2015 - 2019, số lượt
khách đến Quảng Ngãi tăng dần từng năm, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chưa ổn định.
Từ 2016 - 2017, tốc độ tăng trưởng hầu như không đáng kể (0,19%). Năm 2018 đánh
dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất (đạt 23,%), tức cao hơn 11% so với 2017. Tuy
nhiên đến năm 2019 có dấu hiệu giảm xuống, chỉ đạt mức 14% (Biểu đồ 1). Tổng
thu từ du lịch của Quảng Ngãi cũng theo đó mà tăng lên hằng năm.
Tổng lượt khách và tốc độ tăng trưởng theo lượt
khách của Quảng Ngãi từ 2015 - 2019
Biểu đồ 1 - Tổng
lượt khách và tốc độ tăng trưởng theo lượt khách
Cơ cấu khách chủ đạo là khách nội địa
(chiếm hơn 91%), khách quốc tế chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhìn chung, tỉ lệ lưu trú của
cả khách nội địa và quốc tế còn chưa cao, du khách chủ yếu lưu trú ngắn ngày tại
Quảng Ngãi.
Xét riêng về thị trường quốc tế, các thị
trường chính có thể kể đến là Pháp, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đức.
Trong đó, khách ở khu vực Châu Âu (Pháp và Đức) có chiều hướng giảm dần. Ngược
lại, tỉ lệ khách Trung Quốc tăng dần, vượt qua Hàn Quốc và Indonesia để trở
thành thị trường khách chiếm tỉ lệ cao nhất năm 2019 ở mức 10%. Hai thị trường
lớn nhất ở Quảng Ngãi là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đồng thời là hai thị trường
lớn nhất của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường khách quốc tế của
Quảng Ngãi phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế của Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch quốc tế
bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tất cả các quốc gia sẽ tập trung phục
hồi du lịch nội địa, khách du lịch ưu tiên đi du lịch trong nước hoặc trong khu
vực, những quốc gia lân cận trước, ít nhất cho đến khi tình hình dịch bệnh được
kiểm soát tốt. Dự báo du lịch quốc tế có thể cần ít nhất 2-3 năm nữa để có thể
nhìn thấy kết quả phục hồi. Vì vậy, trước mắt tỉnh tập trung vào thị trường nội
địa, đầu tư nguồn lực để quảng bá hình ảnh điểm đến đến với đối tượng du khách
tại các thị trường lớn ở Việt Nam. Trong đó, các thị trường du lịch lớn nhất cả
nước cần chú trọng là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đây là ba thị trường chính của Quảng
Ngãi trong những năm qua. Ngoài ra, các tỉnh lân cận trong khu vực miền Trung,
Tây nguyên cũng là thị trường Quảng Ngãi quan tâm. Trong thời điểm mà cầu du lịch
của du khách không còn như trước do tác động của thời gian dài bị kìm hãm bởi đại
dịch Covid-19, Quảng Ngãi lưu ý đến những thay đổi về điều này để có thể xây dựng
những sản phẩm du lịch, những kế hoạch phát triển thương hiệu, quảng bá điểm đến
phù hợp với nhu cầu và tình hình mới.
II. Về ý nghĩa hình ảnh
thương hiệu điểm đến Quảng Ngãi từ phía cầu du lịch
1. Khám phá ý nghĩa và hình ảnh điểm đến
trong nhận thức của du khách đến Quảng Ngãi
Dựa trên 3 tiêu chí (i) vị trí địa lý,
(ii) khả năng tiếp cận điểm đến và (iii) lộ trình của du khách; có thể xác định
Quảng Ngãi cần xem xét lợi thế cạnh tranh của tỉnh với 5 điểm đến trong khu vực là
Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Phú
Yên.
Sau đó, nghiên cứu ứng
dụng mô hình vòng đời của điểm đến để xác định vị trí của Quảng Ngãi cũng như
các tỉnh trong vòng đời. Hai thước đo chính trong mô hình vòng đời phát triển của
điểm đến làm nền tảng xác định
giai đoạn phát triển của Quảng
Ngãi và năm tỉnh, thành trong khu vực là số lượng du khách và mức độ phát triển của cơ sở
hạ tầng. Bên cạnh đó, các yếu tố đầu tư và quảng bá xúc tiến điểm đến cũng được
đề cập nhăm minh họa rõ nét hơn tình hình phát triển du lịch tại mỗi địa
phương. Kết quả đánh giá cho thấy mức độ phát triển của Quảng Ngãi còn thấp so
với các tỉnh lân cận (Sơ đồ 4)
Sơ đồ 4 - Mức độ
phát triển du lịch Quảng Ngãi so với các tỉnh lân cận
Đồng thời, Quảng Ngãi chỉ mới bắt đầu
vào giai đoạn thứ hai - giai đoạn tham gia trong vòng đời của một điểm đến với
sự đầu tư và hỗ trợ
của cơ quan quản lý để phát triển các yếu tố cần thiết phục vụ cho hoạt động du
lịch (giao thông, lưu trú, cơ sở dịch vụ khác...). Mặc dù Phú Yên và Bình Định
cùng nằm ở giai đoạn này, cả hai tỉnh trên đều thể hiện những bước tiến tích cực
hơn trong phát triển du lịch so với Quảng Ngãi. Quảng Nam ở giai đoạn phát triển,
Đà Nẵng và Thừa
Thiên Huế ở giai đoạn bền vững, đồng nghĩa với việc ba tỉnh, thành này đã hoàn
thiện về mặt giao thông, hạ tầng và các sản phẩm du lịch.
Sơ đồ 5 - Vị
trí của Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố trong vòng đời của điểm đến
1. Về khám phá ý nghĩa và
hình ảnh điểm đến trong nhận thức của du khách tiềm năng theo xu hướng phát triển
du lịch trong tương lai
Đối với Quảng Ngãi, dựa trên những đặc
điểm tạo nên điểm thu hút của điểm đến, có thể phân chia thành 3 phân khúc thị
trường tiềm năng chính trên cơ sở động lực du lịch của du khách.
(1) Nghỉ dưỡng (biển, đảo): Du
khách ở phân khúc này thuộc chủ yếu ở tầm trung, không chú trọng những trải
nghiệm nghỉ dưỡng cao cấp mà đi du lịch với mục đích nghỉ ngơi và thư giãn là
chính. Họ thường có xu hướng tập trung vào những hoạt động giải trí, check-in,
ngắm cảnh và không có nhu cầu tìm hiểu sâu về những giá trị văn hóa lịch sử tại
điểm đến.
(2) Văn hóa và lịch sử: Tập trung
vào những đối tượng du khách mà động lực du lịch chính là để tìm hiểu những giá
trị văn hóa, cuộc sống con người cũng như lịch sử của điểm đến.
(3) Thiên nhiên và địa chất: Du
khách ở phân khúc này yêu thích những trải nghiệm độc đáo gắn liền với cảnh
quan thiên nhiên, khám phá những điều thú vị về địa chất địa mạo của điểm đến.
Những địa phương khác tại miền Trung như
Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam,
Bình Định, Phú Yên cũng sở hữu nguồn tài nguyên tương tự và có những hoạt động
du lịch có thể thu hút du khách ở những phân khúc thị trường trên. Do vậy, bước
quan trọng tiếp theo là cần phải đánh giá khả năng đáp ứng cho du khách trong từng
phân khúc thị trường của Quảng Ngãi so với các tỉnh, thành trong vùng. Kết quả cho thấy:
* Thứ nhất, đối với phân khúc thị trường
khách đi du lịch nhằm mục đích nghỉ dưỡng, có thể thấy cảnh quan biển đảo hoang
sơ, ít sự can thiệp của con người và cuộc sống bình dị, êm ả là hai yếu tố quan trọng mà
nhóm du khách này mong muốn trải nghiệm khi đến Quảng Ngãi.
* Thứ hai, với phân khúc thị trường
khách đi du lịch nhằm trải nghiệm, khám phá văn hóa và lịch sử, Quảng Ngãi có
khả năng thu hút du khách nhờ vào bề dày lịch sử cách mạng qua hai cuộc kháng
chiến chống Pháp - Mỹ cùng với điểm khác biệt của nền Văn hóa Sa Huỳnh.
Tuy nhiên, mặc dù Quảng Ngãi có bề dày về lịch sử cũng như văn hóa nhưng chưa
được khai thác đúng mức và sức cạnh tranh còn yếu so với các điểm lân cận.
* Thứ ba, đối với phân khúc thị trường
khách đi du lịch để khám phá về thiên nhiên và địa chất, hệ thống địa chất miệng
núi lửa đặc biệt, song song đó, hệ sinh thái biển phong phú là những yếu tố thu
hút đối với du khách. Trong đó, yếu tố địa chất tạo nên sự khác biệt cho Quảng
Ngãi. Trái lại, các hoạt động du lịch sinh thái ở Quảng Ngãi ít được đầu tư
phát triển.
Phần
IV
ĐỊNH
HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU DU LỊCH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. Định hướng phương án
tiếp cận xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ngãi
1. Xác định hệ thống giá trị cốt lõi cho
thương hiệu
Quảng Ngãi có đa dạng các nguồn tài
nguyên du lịch khác nhau, từ tài nguyên tự nhiên cho đến tài nguyên du lịch
nhân văn. Trong số tất cả các tài nguyên hiện có, rõ ràng giá trị cốt lõi của
du lịch Quảng Ngãi nằm ở tài nguyên du lịch biển đảo và văn hóa đặc sắc mà đảo
Lý Sơn và Văn hóa Sa Huỳnh là đại diện tiêu biểu. Đây là những tài nguyên có
giá trị quốc gia và quốc tế, làm nền tảng để phát triển du lịch Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có những tài nguyên du lịch bổ trợ và làm dồi dào thêm
hoạt động du lịch như hệ thống di tích lịch sử, cách mạng, làng nghề truyền thống,
ẩm thực và không gian du lịch cộng đồng.
2. Quan điểm, tầm nhìn trong phát triển
thương hiệu du lịch Quảng Ngãi
a) Quan điểm
Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch
Quảng Ngãi bao hàm đại diện cho tất cả điểm đến của tỉnh, nhưng làm nổi bật
tính đặc trưng, riêng có, giá trị cốt lõi nhất của tài nguyên du lịch Quảng
Ngãi là du lịch biển đảo và Văn hóa Sa Huỳnh; trong đó lấy Lý Sơn làm hạt nhân
với đặc trưng núi lửa biển. Thương hiệu du lịch Quảng Ngãi làm định hướng cho
phát triển hoạt động du lịch dựa trên giá trị tài nguyên, nhận thức hình ảnh điểm
đến của du khách.
b) Tầm nhìn
- Giới thiệu Quảng Ngãi đến với du khách
nội địa và quốc tế là một điểm đến mới mẻ với biển đảo hoang sơ và địa chất độc
đáo khác biệt, nền văn hoá đặc sắc, phù hợp cho những chuyến du lịch kéo dài trải
nghiệm cho du khách.
- Phấn đấu đến năm 2025, các kế hoạch và
nhiệm vụ nhằm tăng mức độ nhận diện điểm đến Quảng Ngãi được xây dựng, thực hiện
xong và đến năm 2030, thương hiệu du lịch Quảng Ngãi được nhận diện rõ nét ở
các thị trường
trọng
điểm.
- Phổ biến, nâng cao nhận thức của cơ
quan quản lý điểm đến và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh về hình ảnh
thương hiệu du lịch Quảng Ngãi. Tập trung quảng bá thương hiệu Quảng Ngãi trong
tất cả các sản phẩm du lịch và các hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại cũng
như trong các hoạt động của hệ thống chính trị và toàn xã hội.
II. Xây dựng định hướng
phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi
1. Định hướng phát triển thương hiệu du
lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Công tác xây dựng và phát triển thương
hiệu du lịch cần được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, phù hợp với các định
hướng phát triển sản phẩm, phát triển thị trường và quảng bá xúc tiến, hướng đến
các thị trường và phân khúc thị trường mục tiêu.
- Phát triển thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi trên cơ sở phát triển các thương hiệu điểm đến du lịch, thương hiệu sản phẩm
du lịch và thương hiệu doanh nghiệp du lịch. Tập trung phát triển các sản phẩm
du lịch chủ đạo, đặc thù của địa phương, phù hợp nhu cầu của các thị trường mục
tiêu, tạo vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
- Phát triển thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi cần được triển khai theo lộ trình phù hợp, xác định phân kỳ ưu tiên về mục
tiêu, nguồn lực thực hiện trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thị trường.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành,
các cấp, các địa phương và doanh nghiệp du lịch để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu ứng
lan tỏa cao trong xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy
động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển thương hiệu du lịch; tăng cường liên kết
phát triển thương hiệu du lịch vùng, trong nước và quốc tế.
2. Định hướng thiết kế nhận diện thương
hiệu du lịch
a) Khẩu hiệu thương hiệu (Tagline)
“KHÁM PHÁ QUẢNG NGÃI” - “EXPLORE QUANG
NGAI”.
b) Biểu trưng thương hiệu (Logo)
Thể hiện đầy đủ các giá trị biểu trưng
và định vị tên riêng của điểm đến, đáp ứng các yêu cầu về truyền thông, biểu
trưng được định hướng thiết kế mềm mại, thanh mảnh với phong cách đơn giản, trẻ
trung nhằm thể hiện tính cách bình yên và thư thái của điểm đến, sức sống của
du lịch Quảng Ngãi cũng như phù hợp với xu hướng thị trường. Màu sắc thiết kế
logo dựa trên cảm hứng từ tông màu xanh nước biển (biển đảo), tông màu nâu (địa
chất núi lửa), tông màu đỏ (lịch sử hào hùng) và tông màu xanh lá (nông nghiệp,
du lịch cộng đồng hướng tới phát triển du lịch bền vững).
Dựa trên 2 giá trị cốt lõi của thương hiệu
du lịch Quảng Ngãi là biển đảo và Văn hóa Sa Huỳnh. Hình ảnh đại diện của du lịch
biển đảo là Lý Sơn được thể hiện bằng hình khối núi lửa; đặc trưng Văn hóa Sa
Huỳnh được thể hiện bằng chữ Q (cách điệu từ hình ảnh mộ chum), chữ G (cách điệu
từ khuyên tai đầu thú), hoa văn, họa tiết sóng trên đồ gốm... Hình ảnh miệng
núi lửa Lý Sơn được làm nổi bật, trung tâm của logo trên nền du lịch biển, Văn
hóa Sa Huỳnh và cách điệu đôi chim hải âu bay trên biển đảo yên bình. Logo được
thể hiện theo dạng nét vẽ mềm mại, mộc mạc để thể hiện sự cảm giác thư thái nhẹ
nhàng, yên bình; đồng thời phù hợp với phong cách sáng tạo logo của các thương
hiệu du lịch lớn trên thế giới, dễ nhớ, dễ thiết kế trên các chất liệu khác
nhau mà không làm mất đi nét nguyên bản.
(theo phụ lục số
01)
3. Lộ trình xây dựng (các nhóm giải
pháp) và phát triển thương hiệu du lịch
a) Lộ trình và nguồn lực thực hiện
a1) Kế hoạch hành động triển khai thực hiện
Chương trình định vị và phát triển thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025
và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:
- Năm 2022: Xây dựng và triển khai Chương trình;
kích hoạt, tạo ra nhận biết về thương hiệu du lịch Quảng Ngãi.
- Giai đoạn 2022-2025: Tạo ra tương tác,
trải nghiệm của
du lịch Quảng Ngãi với các nhóm khách hàng mục tiêu trên nhiều nền tảng. Tổ chức
nhiều hoạt động, sự kiện thu hút truyền thông. Tăng cường liên kết, quảng bá
thương hiệu du lịch. Xây dựng nội dung truyền thông trên cơ sở dữ liệu số. Tổng
kết, đánh giá công tác triển khai Chương trình và đề xuất nội dung chiến lược
cho giai đoạn tiếp theo.
- Giai đoạn 2025-2030: Tiếp tục thực hiện
một số nội dung hoạt động để tái định vị thương hiệu. Lan tỏa hình ảnh du lịch
Quảng Ngãi và duy trì hiệu ứng truyền thông dài hạn. Nâng cao sự ủng hộ, lòng
trung thành đối với người đến, trải nghiệm, chia sẻ về thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi.
(theo phụ lục số 02)
a2) Nguồn lực thực hiện: Dự kiến bố trí
từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, huy động hợp pháp khác.
b) Các nhóm giải pháp
b1) Giải pháp về tuyên truyền và nâng cao nhận thức:
- Thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên
truyền về thương hiệu du lịch Quảng Ngãi; hướng dẫn kỹ năng và xây dựng ý thức
tham gia phát triển hình ảnh, thương hiệu du lịch trong cộng đồng dân cư, doanh
nghiệp và đặc biệt là trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Từng bước
nâng cao nhận thức về sử dụng hình ảnh điểm đến và thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi trong các hoạt động kinh doanh, tiếp thị và phục vụ du khách của cộng đồng
doanh nghiệp và người dân theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.
- Đặc biệt chú trọng công tác nâng cao
nhận thức của du khách về thương hiệu du lịch Quảng Ngãi thông qua các chiến dịch
truyền thông thương hiệu sáng tạo; từng bước nâng cao mức độ nhận diện thương
hiệu du lịch Quảng Ngãi theo định hướng mới đối với các thị trường mục tiêu.
b2) Giải pháp về cơ chế thu hút đầu tư
phát triển sản phẩm du lịch:
- Nghiên cứu đề xuất xây dựng các chính
sách, điều khoản hỗ trợ và ưu đãi phù hợp với điều kiện thực tế, chú trọng đến
việc đẩy mạnh phát triển du lịch nghỉ dưỡng, các loại hình du lịch mới, các sản
phẩm du lịch đặc
trưng, bền vững gắn liền
với giá trị cốt lõi của địa phương.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải
cách hành chính trong thu hút, hỗ trợ đầu tư, phát triển sản phẩm mới. Tranh thủ
thu hút sự hỗ trợ từ các nguồn lực của Trung ương, nguồn vốn từ các dự án của
các tổ chức quốc tế, ngân sách địa
phương và xã hội hóa để triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đặc
biệt là hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh.
b3) Giải pháp về nâng cao năng lực quản
lý và truyền thông thương hiệu điểm đến:
- Tăng cường hợp tác với đơn vị tư vấn
và các đối tác truyền thông lớn (Facebook, Google, TikTok...) để xây dựng các
chương trình, kế hoạch truyền thông quảng bá thương hiệu bài bản trên môi trường
số; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng và quản lý nội dung tiếp thị trực tuyến thông qua hợp tác với các đối tác
chuyên nghiệp; qua đó nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu du lịch địa phương
trên môi trường số một cách
chuyên nghiệp.
- Thường xuyên thực hiện chương trình
đào tạo và tái đào tạo lao động trong ngành du lịch ở các cấp, trình độ, chuyên
ngành khác nhau, cần chú trọng việc đào tạo kiến thức về thương hiệu du lịch,
năng lực quản lý thương hiệu, năng lực sử dụng các kênh truyền thông thương hiệu
cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân làm du lịch.
b4) Giải pháp tăng cường ứng dụng công
nghệ số:
- Tăng cường chuyển đổi phương thức cung
cấp thông tin du lịch, hình ảnh điểm đến trên môi trường số, xây dựng bộ nhận
diện thương hiệu du lịch Quảng Ngãi đáp ứng được các yêu cầu phát triển thương
hiệu cũng như khả năng ứng dụng trên môi trường trực tuyến.
- Nâng cao chất lượng công tác ứng dụng
công nghệ thông tin vào quản lý du lịch và tương tác trực tuyến với du khách.
Xây dựng nguồn dữ liệu thông tin, hình ảnh dưới các hình thức khác nhau để giới
thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch Quảng Ngãi bảo đảm yêu cầu
phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế cũng như trên các
phương tiện truyền thông trực tuyến khác. Biên tập, xuất bản các ấn phẩm du lịch
dưới nhiều hình thức để phục vụ công tác xúc tiến du lịch và cung cấp thông tin
cho du khách.
b5) Giải pháp về liên kết vùng, hợp tác xúc tiến, quảng
bá du lịch:
- Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác, liên kết vùng với
các địa phương lân cận nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hấp dẫn của điểm
đến trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực địa phương và giá trị hình ảnh điểm đến
Quảng Ngãi.
- Tập trung đánh giá, lựa chọn các đối
tác địa phương phù hợp trong khu vực để tiến hành đầu tư nghiên cứu xây dựng
các mô hình hợp tác quảng bá,
xúc tiến thương hiệu vùng phù hợp với bối cảnh mới, tạo động lực phát triển cho
toàn vùng cũng như phát huy năng lực của mỗi địa phương. Trước mắt, triển khai
có hiệu quả Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, Thành
phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Phần
V
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tổ chức công bố Đề án sau khi được phê duyệt; xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo từng năm, kiến nghị cấp có thẩm quyền những nội
dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện Đề án;
b) Căn cứ nội dung Đề án này và Đề án
phát triển du lịch chung của tỉnh, thực hiện các giải pháp đã xác định và các
chương trình, nhiệm vụ: Nghiên cứu thị trường; thực hiện công tác xúc tiến quảng
bá và kích cầu du lịch; phát triển sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực du lịch;
chuyển đổi số... để đảm bảo phát triển đúng tầm nhìn và định hướng thương hiệu
đã được xác định;
c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên
quan thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ và bản quyền cho Bộ nhận diện thương hiệu
du lịch Quảng Ngãi (logo). Tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến các cơ quan, ban
ngành, hội đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp du lịch về thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi, hướng dẫn sử dụng thương hiệu đúng mục đích, đạt hiệu ứng cao;
d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban
ngành, địa phương liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2022 -
2025, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi
a) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo
các cơ quan báo chí của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền
về du lịch Quảng Ngãi và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ngãi thông
qua kênh thông tin đối ngoại; đẩy mạnh thực hiện đề án chuyển đổi số, đặc biệt
là chuyển đổi số ngành du lịch Quảng Ngãi;
b) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Quảng Ngãi đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thương hiệu du lịch Quảng
Ngãi; tăng cường quảng bá về các khu, điểm, sản phẩm du lịch và các gói kích cầu
du lịch...
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Thu hút, khơi dậy đa
dạng các nguồn lực xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có tiềm lực
tài chính, có kinh nghiệm quản lý về du lịch, có thương hiệu mạnh đầu tư cơ sở
dịch vụ du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí có chất lượng cao, có sức cạnh
tranh khu vực và quốc tế tại tỉnh nhằm tạo sự đột phá về hạ tầng dịch vụ du lịch,
tạo sức hút nổi trội của du lịch tỉnh, tạo cú hích để du lịch tăng trưởng
nhanh, đột phá.
b) Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư trung
hạn để phát triển hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, khu vực động lực
phát triển du lịch và khu vực có tiềm năng du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh
thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và hấp dẫn du khách; nâng cao khả năng kết
nối giao thông đến các điểm du lịch cộng đồng cũng như ưu tiên bố trí nguồn
kinh phí cho các hoạt động du lịch, nhất là hệ thống hạ tầng công nghệ thông
tin phục vụ du lịch thông minh;
c) Tăng cường sử dụng thương hiệu du lịch
Quảng Ngãi cho chương trình xúc tiến đầu tư đối với các dự án du lịch.
4. Sở Ngoại vụ
Lồng ghép, quảng bá thương hiệu du lịch
Quảng Ngãi trong công tác thông tin đối ngoại của tỉnh bằng nhiều kênh thông
tin tuyên truyền, hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan
đại diện ngoại giao ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; lồng ghép
công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ngãi tại các thị trường quốc tế truyền
thống.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
Đẩy mạnh thực hiện chương trình, đề án, dự án bảo tồn,
phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP gắn với du lịch, các mô
hình du lịch sinh thái nông nghiệp; tuyên truyền, vận động chủ thể OCOP đưa
hình ảnh nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ngãi trên mẫu bao bì các mặt hàng,
sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản vật đặc sản của tỉnh phục vụ nhu cầu mua sắm,
quà lưu niệm của khách du lịch.
6. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất dự toán được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xây dựng, giao Sở Tài chính chủ trì, thẩm định dự toán chi thường xuyên để
trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí trong dự toán hàng năm theo khả năng cân đối ngân sách địa phương
để thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có
liên quan.
7. Các sở, ban ngành tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có
trách nhiệm thực hiện việc quản lý, hỗ trợ và tạo điều kiện để công tác đầu tư
vào các dự án du lịch, hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đạt
hiệu quả. Lồng ghép, quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ngãi vào các chương trình,
kế hoạch, sự kiện do cơ quan, đơn vị mình tổ chức.
8. UBND các huyện, thị xã, thành phố
a) Tuyên truyền nâng cao ý thức của cán
bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong ứng xử văn minh, thân thiện
với khách du lịch, bảo vệ hình ảnh, môi trường, uy tín, thương hiệu và sức hấp
dẫn của du lịch Quảng Ngãi;
b) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước tại
địa phương theo thẩm quyền đối với hoạt động du lịch trên địa bàn, chủ động kiểm
tra tình hình thực hiện của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch...;
c) Căn cứ nội dung của Đề án và tình
hình thực tế, điều kiện cụ thể ở địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch phát
triển du lịch hằng năm; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên phát triển sản
phẩm du lịch; tăng cường công tác xã hội hoá, thu hút đầu tư phát triển khu, điểm
du lịch trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cộng đồng tham
gia làm du lịch.
9. Hiệp hội Du lịch Quảng Ngãi và các
doanh nghiệp du lịch
a) Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng
sản phẩm dịch vụ hiện có và xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với thị
hiếu của khách du lịch; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp an toàn, thân thiện,
tăng cường quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch Quảng Ngãi; hưởng ứng, tham
gia các chương trình kích cầu du lịch, xây dựng các chính sách kích cầu tại
doanh nghiệp để thu hút du khách; đào tạo, bồi dưỡng lao động, nâng cao chất lượng
phục vụ;
b) Nghiên cứu đẩy mạnh phương thức kinh
doanh trên môi trường trực tuyến, chào bán các sản phẩm du lịch, các chính sách
ưu đãi, giảm giá; thường xuyên cập nhật thông tin và hình ảnh điểm đến nhằm đảm
bảo sự liên kết thông tin liên tục, tạo động lực để du khách đưa Quảng Ngãi vào
danh sách ưu tiên;
c) Tăng cường sử dụng biểu trưng du lịch
Quảng Ngãi kèm theo trong việc quảng bá sản phẩm du lịch của đơn vị mình. Tích
cực, chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ngãi, khảo
sát thị trường, kết nối các tour, tuyến du lịch với thị trường ngoài tỉnh... nhằm
đưa hình ảnh du lịch Quảng Ngãi đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế./.
PHỤ
LỤC SỐ 01
BIỂU TRƯNG THƯƠNG HIỆU (LOGO) DU LỊCH QUẢNG NGÃI
(Kèm
theo
Quyết
định số 622/QĐ-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh)
LOGO BẢN TIẾNG VIỆT
|
|
LOGO BẢN TIẾNG
ANH
|
|