ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 384/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
13 tháng 11 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
GIAI ĐOẠN 2019-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12
ngày 29/11/2009;
Căn cứ Luật Du lịch số
44/2005/QH11 ngày 14/06/2015;
Căn cứ Luật Tín ngưỡng, Tôn
giáo số 02/2016/QH14 ngày 08/12/2016;
Căn cứ Nghị quyết số
24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị (khóa VI) về “Tăng cường công tác tôn
giáo trong tình hình mới;
Căn cứ Nghị quyết số
25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy
(khóa IX) về công tác tôn giáo;
Căn cứ Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT/TW
ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định số
2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát
triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể
phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược
phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030;
Căn cứ Chương trình hành động
số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn;
Căn cứ Quyết định số
1091/QĐ-UBND ngày 27/09/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt
chủ trương đầu tư lập Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên
Quang;
Căn cứ Kế hoạch số
122/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị
quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ, Chương trình hành động số
15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 23/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh
về phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Kế hoạch số
66/KH-UBND ngày 05/8/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát
triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa
bàn tỉnh Tuyên Quang;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 140/TTr-SVHTTDL ngày 18/10/2019;
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1456/SKH-KGVX ngày 09/10/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, với những nội dung chính như sau:
1. Tên Đề
án: Phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.
2. Đơn vị
thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Phạm
vi đề án: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
4. Quan điểm
Đề án
Phát triển du lịch tâm linh
trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về phát triển du
lịch, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan; gắn với bảo vệ di sản
văn hóa, môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên địa
bàn tỉnh.
5. Mục tiêu
5.1. Mục tiêu chung
Phát triển du lịch tâm linh tỉnh
Tuyên Quang từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh vùng Trung du và
miền núi phía Bắc; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch
đặc trưng, là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch lịch sử, văn hóa, lễ hội, sinh
thái, cộng đồng; nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế
quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển du lịch tâm linh gắn
liền với việc quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang; giải
quyết việc làm, xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ văn hóa của tỉnh có uy
tín và tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh; đóng góp
tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
5.2. Mục tiêu cụ thể đến
năm 2025
- Phấn đấu doanh thu từ khách
du lịch tâm linh tăng bình quân hằng năm khoảng 15-20%; tăng tổng doanh thu xã
hội từ du lịch tâm linh hằng năm.
- Tạo thêm nhiều việc làm cho
xã hội, mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 100-500 lao động làm dịch vụ.
- Phát triển các sản phẩm du lịch
từ du lịch tâm linh, nhất là các sản phẩm từ các ngành sẵn có lợi thế, tiềm
năng, các sản phẩm của tỉnh.
- Tập trung phát triển du lịch
tâm linh vùng trung tâm là thành phố Tuyên Quang. Từng bước tạo cơ sở kết nối
du lịch tới di tích tâm linh tại các huyện trong tỉnh và liên kết tuyến du lịch
tâm linh tới các tỉnh khác trong khu vực trong những năm tiếp theo.
6. Nội dung
chính của Đề án
6.1. Định hướng phát triển
thị trường khách du lịch
Tập trung phát triển đối tượng
khách du lịch tín ngưỡng, khách du lịch chiêm bái, du lịch lữ hành và phát triển
thị trường khách ngoại tỉnh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn trong khu vực nhằm
tăng số lượng khách ngoại tỉnh là đối tượng khách du lịch có tác động trực tiếp
làm tăng doanh thu xã hội từ du lịch tâm linh; đồng thời, tạo điều kiện cho khách
du lịch tâm linh gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch
sử về nguồn, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tác động
cho các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được thường xuyên, liên tục không
còn mang tính chất mùa vụ.
6.2. Phát triển sản phẩm
du lịch tâm linh
- Nghiên cứu xây dựng chuỗi sản
phẩm du lịch đặc thù: sản phẩm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu; sản phẩm du lịch thực
hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
- Xây dựng sản phẩm du lịch bổ
trợ như: Xây dựng, gắn kết du lịch tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng; du lịch
sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng...
- Xây dựng các sản phẩm du lịch
gắn kết với du lịch lễ hội, tiến tới các lễ hội Festival và Carnaval (du lịch sự
kiện): Du lịch lễ hội tháng 02 Âm lịch – Lễ hội rước Mẫu gắn với Festival và
Carnaval tín ngưỡng thờ Mẫu; du lịch lễ hội tháng 8 - Lễ hội Trăng Rằm; du lịch
lễ hội “Mùa trả ơn” vào tháng 12 gắn với các lễ hội đặc sản khác của địa
phương.
- Xây dựng sản phẩm du lịch quà
tặng, đồ lưu niệm: Nghiên cứu xây dựng loại hình sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm
du lịch tâm linh; nghiên cứu quy hoạch, xây dựng khu bán hàng đặc sản Tuyên
Quang, chợ đêm ở một số điểm du lịch tâm linh và khu vực trung tâm.
6.3. Định hướng xây dựng
các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch tâm linh
a) Định hướng phát triển không
gian du lịch tâm linh
Phát triển không gian du lịch
tâm linh tại khu vực thành phố Tuyên Quang, huyện: Yên Sơn, Hàm Yên; trong đó,
tập trung phát triển tại thành phố Tuyên Quang, khu vực có nhiều di tích nổi tiếng
và là trung tâm phát triển, có khả năng kết nối với các khu, điểm, tuyến du lịch
trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực.
Tiếp tục rà soát quy hoạch, đảm
bảo diện tích đất cho các di tích tâm linh, tín ngưỡng; xây dựng, trùng tu, tôn
tạo các di tích.
b) Từng bước xây dựng thành phố
Tuyên Quang trở thành trung tâm du lịch (hoặc khu du lịch tâm linh) cấp tỉnh
theo quy định của Luật Du lịch
Nghiên cứu xây dựng các tiêu
chí của khu du lịch (hoặc khu du lịch tâm linh) cấp tỉnh; phấn đấu đến năm
2025, xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền công nhận thành phố
Tuyên Quang thành khu du lịch (hoặc khu du lịch tâm linh) cấp tỉnh.
c) Xây dựng các tuyến du lịch
tâm linh; kết nối các tuyến du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch
- Tập trung xây dựng và nâng
cao chất lượng dịch vụ du lịch các tuyến du lịch tâm linh kết nối các di tích
tâm linh trong thành phố Tuyên Quang.
- Xây dựng các tua, tuyến du lịch
từ thành phố Tuyên Quang tới các di tích tâm linh trên địa bàn các huyện, tiến
tới liên kết tuyến du lịch tâm linh với các tỉnh trong khu vực.
- Xây dựng các tuyến du lịch kết
nối du lịch tâm linh với sản phẩm du lịch đặc trưng của Tuyên Quang như du lịch
lịch sử, văn hóa tại các huyện: Sơn Dương, Chiêm Hóa; du lịch sinh thái, du lịch
cộng đồng tại huyện: Na Hang, Lâm Bình.
7. Kinh phí
thực hiện Đề án: Từ nguồn huy động xã hội hóa của các tổ chức,
cá nhân và huy động hợp pháp khác.
8. Thời
gian thực hiện Đề án: Giai đoạn 2019-2025.
9. Hiệu quả
của Đề án
Việc triển khai thực hiện Đề án
phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh nhằm cụ thể hóa và thực hiện có
hiệu quả Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát
triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, quảng bá hình ảnh miền
đất, văn hóa, con người Tuyên Quang, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa
dân tộc và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh; đóng góp
tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Văn hóa Thể thao và Du
lịch
- Là cơ quan thường trực, chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng
kế hoạch hằng năm, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành thực hiện việc xây dựng, điều chỉnh các dự án thành phần.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố thực hiện đề án với nội dung cụ thể đã được phê duyệt.
- Tham mưu, đề xuất xây dựng
các đề án trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; phát triển nguồn
nhân lực du lịch; thành lập các khu, điểm du lịch tâm linh.
- Tham mưu, đề xuất xây dựng cơ
chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển du lịch tâm linh; sản phẩm
du lịch tâm linh; liên kết phát triển du lịch tâm linh với các tỉnh, thành phố
trong cả nước.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng
hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật các khu du lịch, đảm bảo hợp lý, đúng
mục đích; nghiên cứu xây dựng một số chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp và
hộ kinh doanh đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí ngân
sách cho công tác triển khai thực hiện đề án phát triển sản phẩm du lịch tâm
linh, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch...,
đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Các sở: Xây dựng, Giao
thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Xúc tiến đầu tư
tỉnh và các sở, ngành có liên quan
Chủ động, phối hợp với Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ nội dung Đề án để xây dựng chương trình, kế hoạch,
các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp
thời tham mưu, đề xuất việc thực hiện Đề án thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy
ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân huyện,
thành phố
- Chỉ đạo xây dựng và thực
hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, hằng năm xây dựng kế
hoạch/chương trình cụ thể triển khai thực hiện trên địa bàn; định kỳ báo cáo kết
quả thực hiện, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Có các giải pháp huy động nguồn
lực đầu tư (xã hội hóa) để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Điều 3:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc sở, Thủ trưởng ban,
ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ
quan, đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy; (Báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh (Báo cáo)
- Các Phó CT UBND tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- UBMTTQ tỉnh;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Chuyên viên: TH, THCB;
- Lưu: VT, VX (Tùng).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Giang
|