THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2473/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM ĐẾN NĂM
2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 27
tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm
a) Phát triển du lịch trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP,
tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
b) Phát triển du lịch theo hướng
chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo
chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh
tranh.
c) Phát triển đồng thời cả du lịch
nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng du lịch quốc tế đến; tăng cường quản lý
du lịch ra nước ngoài.
d) Phát triển du lịch bền vững gắn
chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh
quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
đ) Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi
nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa
tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc
trưng các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất
kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng,
có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước
trong khu vực và thế giới.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở
thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch
bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 11,5 - 12%/năm.
- Năm 2015: Việt Nam đón 7 - 7,5
triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng
thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước; có
tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; tạo ra 2,2
triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch.
- Năm 2020: Việt Nam đón 10 - 10,5
triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng
thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước; có tổng
số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40% đạt chuẩn từ 3 đến 5; tạo ra 3 triệu việc
làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch.
- Năm 2030: Tổng thu từ khách du lịch
tăng gấp 2 lần năm 2020.
3. Giải pháp
a) Phát triển sản phẩm du lịch
- Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch
chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao, đảm bảo đáp ứng
nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch
“xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương.
- Quy hoạch, đầu tư phát triển sản
phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập
trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và du lịch
sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch quốc gia; khu
tuyến, điểm du lịch địa phương và đô thị du lịch.
- Phát huy thế mạnh và tăng cường
liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch
đặc trưng theo các vùng du lịch:
+ Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, gồm
các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai,
Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang. Sản
phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn
hóa các dân tộc thiểu số.
+ Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên
hải Đông Bắc, gồm: Thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh,
Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh. Sản phẩm
du lịch đặc trưng: Tham quan thắng cảnh biển, du lịch văn hóa với các giá trị của
nền văn minh lúa nước và các nét sinh hoạt truyền thống đồng bằng Bắc Bộ, du lịch
đô thị, du lịch MICE.
+ Vùng Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh
Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sản phẩm du lịch
đặc trưng: Tham quan tìm hiểu các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, du lịch
biển, du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa - lịch sử.
+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, gồm:
Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh
Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch nghỉ dưỡng biển,
đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển.
+ Vùng Tây nguyên, gồm: Kon Tum,
Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch sinh
thái, du lịch văn hóa khai thác các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây
Nguyên.
+ Vùng Đông Nam Bộ, gồm: Thành phố
Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước,
Tây Ninh. Sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch đô thị, du lịch MICE, tìm hiểu
văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo.
+ Vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm:
Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre,
Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Sản phẩm du lịch
đặc trưng: Du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và sinh
thái biển, đảo, du lịch MICE.
b) Phát triển hệ thống hạ tầng và
cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
- Quy hoạch, đầu tư phát triển hệ
thống hạ tầng giao thông, thông tin, truyền thông, năng lượng; cấp thoát nước,
môi trường và các lĩnh vực liên quan đảm bảo đồng bộ để phục vụ yêu cầu phát
triển du lịch; hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng; quy hoạch không
gian công cộng.
- Đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống
hạ tầng xã hội về văn hóa, y tế, giáo dục như hệ thống bảo tàng, nhà hát, cơ sở
khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và cơ sở giáo dục, đào tạo đủ điều kiện, tiện
nghi phục vụ khách du lịch.
- Phát triển hệ thống cơ sở vật chất
kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng
nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du
lịch, nhà hàng, cơ sở dịch vụ thông tin, tư vấn du lịch, cơ sở dịch vụ đặt giữ
chỗ, đại lý, lữ hành, hướng dẫn; phương tiện và cơ sở dịch vụ phục vụ vận chuyển
khách du lịch, cơ sở dịch vụ phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí,
thể thao, hội nghị và các mục đích khác.
c) Đào tạo và phát triển nguồn nhân
lực du lịch
- Phát triển nhân lực du lịch đảm bảo
chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng
yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế.
- Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo
về du lịch mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị giảng dạy đồng bộ, hiện đại;
chuẩn hóa chất lượng giảng viên; chuẩn hóa giáo trình khung đào tạo du lịch.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát
triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước; từng bước thực hiện
chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng
nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao.
- Đa dạng hóa phương thức đào tạo;
khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.
d) Phát triển thị trường, xúc tiến
quảng bá và thương hiệu du lịch
- Về phát triển thị trường khách du
lịch:
+ Tập trung thu hút có lựa chọn các
phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày.
+ Phát triển mạnh thị trường du lịch
nội địa, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần
và mua sắm.
+ Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc
tế đến từ Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á và Thái Bình
Dương (Sing-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Úc); Tây Âu (Pháp, Đức,
Anh, Hà Lan); Bắc Âu; Bắc Mỹ (Mỹ, Ca-na-đa) và Đông Âu (Nga, Ukraina); mở rộng
thu hút khách du lịch đến từ các thị trường mới: Trung Đông, Ấn Độ…
- Về xúc tiến quảng bá du lịch:
+ Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch
theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và
thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc
gia.
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện các
chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước với các
hình thức linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn
xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn
hóa.
- Về phát triển thương hiệu du lịch:
+ Tập trung phát triển thương hiệu
du lịch quốc gia trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch vùng, địa phương,
thương hiệu doanh nghiệp du lịch và thương hiệu sản phẩm du lịch; chú trọng
phát triển những thương hiệu du lịch có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và
quốc tế.
+ Tăng cường sự phối hợp giữa các
ngành, các cấp và địa phương trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch
để đảm bảo tính thống nhất.
đ) Đầu tư và chính sách phát triển
du lịch
- Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ
trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nhân lực và xúc tiến quảng bá, phát
triển thương hiệu du lịch; có chính sách liên kết, huy động nguồn lực để tập
trung đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình
thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế
- Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển
các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến,
điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng
sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch.
- Thực hiện chính sách phát triển bền
vững; có chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch
“xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm.
- Thực hiện chính sách khuyến khích
xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng,
cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển nhân lực và quảng bá, xúc tiến du lịch.
e) Hợp tác quốc tế về du lịch
- Tích cực triển khai thực hiện có
hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương đã ký kết.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch
với các nước, các tổ chức quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường
du lịch khu vực và thế giới.
- Mở rộng các quan hệ hợp tác song
phương và đa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp
phần đẩy nhanh sự phát triển và hội nhập của du lịch Việt Nam, nâng cao hình ảnh
và vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.
g) Quản lý nhà nước về du lịch
- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính
sách về du lịch và liên quan đến du lịch; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Du
lịch tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển du lịch.
- Tăng cường năng lực cơ quan quản
lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển;
tăng cường phối hợp, liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực, giữa các
vùng, miền, địa phương để phát triển du lịch.
- Thực hiện tốt công tác hoạch định
chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch đảm bảo chất lượng và tính khả thi
cao; Nhà nước tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển các vùng du lịch, các
khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch.
- Thực hiện việc thống kê, theo
dõi, quản lý luồng khách và chỉ tiêu đối với du lịch ra nước ngoài trong mối
tương quan với việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trong nước.
- Tăng cường áp dụng hệ thống các
tiêu chuẩn ngành; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm kiểm soát, duy trì
chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; hình thành hệ thống kiểm định, đánh giá
và quản lý chất lượng ngành du lịch, qua đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
trong ngành du lịch.
- Tăng cường phân cấp trong quản
lý, đảm bảo vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, đồng thời tạo sự chủ động, năng
động của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư. Nâng cao
vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường,
văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.
- Tiếp tục đổi mới doanh nghiệp nhà
nước trong lĩnh vực du lịch theo hướng cổ phần hóa toàn bộ phần vốn nhà nước;
khuyến khích phát triển các doanh nghiệp du lịch có tiềm lực và thương hiệu mạnh;
chú trọng phát triển doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, đặc biệt là hộ gia đình gắn
với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng
khoa học, công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch; đào tạo
nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Đẩy mạnh nâng cao nhận thức của
các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước; đề cao trách nhiệm xã hội và môi trường
trong mọi hoạt động du lịch.
4. Chương trình
hành động
a) Hoàn thiện thể chế, cơ chế,
chính sách và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn
chỉnh những nội dung quy định của Luật Du lịch và hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật liên quan.
- Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính
sách và các quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
- Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý
nhà nước về du lịch từ trung ương tới địa phương, trong đó hình thành tổ chức
liên kết phát triển du lịch cấp vùng.
- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật chuyên ngành du lịch.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch ở mọi cấp.
b) Hoạch định chiến lược phát triển
du lịch trên các lĩnh vực:
- Chất lượng phát triển thương hiệu
du lịch Việt Nam.
- Chiến lược marketing du lịch.
- Chiến lược phát triển nguồn nhân
lực du lịch.
c) Thực hiện quy hoạch và đầu tư
phát triển du lịch
- Quy hoạch tổng thể phát triển du
lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quy hoạch tổng thể phát triển các
vùng du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quy hoạch và đầu tư phát triển
các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch.
- Quy hoạch tổng thể phát triển du
lịch cấp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Chương trình liên kết phát triển
du lịch liên tỉnh, theo vùng và trong khu vực.
d) Triển khai thực hiện các chương
trình, đề án phát triển du lịch.
- Chương trình quản lý chất lượng
du lịch.
- Chương trình nâng cao nhận thức
du lịch và văn minh ứng xử du lịch.
- Chương trình hỗ trợ đầu tư phát
triển hạ tầng du lịch.
- Chương trình hành động quốc gia về
du lịch.
- Chương trình xúc tiến du lịch quốc
gia.
- Chương trình điều tra, đánh giá,
phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch.
- Chương trình áp dụng tài khoản vệ
tinh du lịch.
- Các đề án phát triển du lịch
chuyên đề: Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến
2020; Đề án phát triển du lịch các tỉnh biên giới; Đề án phát triển du lịch cộng
đồng gắn với xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
- Chương trình hành động thích ứng
với biến đổi khí hậu trong ngành du lịch.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện Chiến lược
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch
Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp
tình hình thực hiện Chiến lược định kỳ báo cáo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức
sơ kết vào cuối năm 2015 và tổng kết vào cuối năm 2020.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các mục tiêu của Chiến lược; đảm bảo
tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
của ngành, địa phương.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
ban hành.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|