ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2318/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 03 tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN BẢO TÀNG THIÊN NHIÊN DUYÊN HẢI
MIỀN TRUNG GIAI ĐOẠN 2023-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số
86/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
“Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư số
18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng;
Căn cứ Quyết định số
2824/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc
thành lập Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung và Quyết định số
256/QĐ-UBND ngày 04 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc sửa
đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2824/QĐ-UBND;
Căn cứ Quyết định số
2234/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về
việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Bảo tàng
Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại Huế;
Căn cứ Quyết định số
2263/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê
duyệt Dự án đầu tư xây dựng Khu rừng mưa nhiệt đới;
Căn cứ Quyết định số
2729/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2021 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải
miền Trung;
Căn cứ Kết luận số 1088-KL/TU
ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế về Đề án Phát
triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2023 - 2025, định hướng
đến năm 2030;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung, giai đoạn
2023-2025, định hướng đến năm 2030”, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên Đề án: Đề án “Phát triển
Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến
năm 2030”
2. Mục tiêu Đề án
a) Mục tiêu chung
Xây dựng và hoàn thiện Bảo tàng
Thiên nhiên duyên hải miền Trung xứng tầm là bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực,
một thiết chế khoa học công nghệ về lĩnh vực khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; điểm đến cho các hoạt
động giáo dục, nghiên cứu khoa học về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, bảo
tồn tài nguyên thiên nhiên của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học trong và
ngoài nước, góp phần tuyên truyền quảng bá về hình ảnh thiên nhiên, con người
khu vực duyên hải miền Trung và góp phần phát triển du lịch.
b) Mục tiêu cụ thể
- Đầu tư được Khu Trung tâm của
Bảo tàng theo Quyết định số 2234/QĐ- UBND ngày 29/10/2013 của UBND tỉnh về việc
Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền
Trung tại Huế và Thông báo số 19/TB-UBND ngày 17/01/2022 của UBND tỉnh Thừa
Thiên Huế về việc Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tại
cuộc họp nghe báo cáo Quy hoạch Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.
- Huy động được nguồn vốn trong
việc đầu tư xây mới cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung theo Quyết định
số 86/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành cơ bản việc xây dựng
khu Trung tâm của Bảo tàng và khu tìm hiểu thế giới côn trùng.
- Xây dựng và đưa vào hoạt động
có hiệu quả các công trình, dự án đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt và bổ sung các
danh mục dự án đầu tư phát triển Bảo tàng trong danh mục đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy vận
hành tốt theo chức năng, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao chất lượng và số lượng
viên chức, người lao động để Bảo tàng đủ nguồn lực thực hiện nghiên cứu trong
lĩnh vực khoa học tự nhiên, bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên
cho khu vực và tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Phát triển hệ thống mẫu vật
phong phú về tài nguyên thiên nhiên (thực vật, động vật, địa chất, cổ sinh),
thuộc phạm vi 14 tỉnh duyên hải miền Trung. Đầu tư công nghệ hiện đại trong
công tác bảo quản, xử lý chế tác mẫu vật bền vững, phục vụ nghiên cứu, tham
quan học tập của học sinh, sinh viên và các nhà khoa học trong và ngoài nước;
góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh
Thừa Thiên Huế và khu vực.
- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện và
phát triển Khu rừng mưa nhiệt đới với hệ thống cây trồng đa dạng, là nơi lưu giữ
và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loài thực vật rừng đặc
trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới các tỉnh duyên hải miền
Trung nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập, trải nghiệm với
thiên nhiên, kết hợp phòng hộ và tạo cảnh quan khu vực phía Tây thành phố Huế.
- Bảo tồn, định hướng phát triển
bảo tàng thiên nhiên vùng đầm phá, đất ngập nước; ứng dụng công nghệ sinh học
trong việc xây dựng, duy trì và phát triển ngân hàng dữ liệu DNA của sinh vật đặc
trưng, tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng duyên hải miền Trung.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế,
nghiên cứu khoa học vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ vừa áp dụng
các thành tựu về khoa học công nghệ hiện đại trong bảo tàng, bảo tồn và phát
triển hệ thống dịch vụ có chất lượng, xứng tầm là bảo tàng thiên nhiên cấp khu
vực, góp phần vào việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả
nước về khoa học - công nghệ.
3. Các nhiệm vụ trọng tâm
- Đầu tư xây dựng phát triển Bảo
tàng
- Triển khai Đề án “Thu thập mẫu
vật cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung đến năm 2030”
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu
khoa học
- Tăng cường hoạt động trưng
bày, đón khách tham quan, giáo dục cộng đồng.
- Xây dựng và phát triển bộ máy
quản lý Bảo tàng
4. Các giải pháp thực hiện
- Kiện toàn tổ chức bộ máy
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế
chính sách
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, nâng cao nhận thức
- Tăng cường phối hợp với bên
liên quan: cấp Trung ương, Bảo tàng thiên nhiên trong hệ thống; cấp địa phương
và các cơ sở nghiên cứu liên quan
- Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học
công nghệ trong hoạt động Bảo tàng
5. Kinh phí khái toán thực hiện:
100.000 triệu đồng
- Về đầu tư xây dựng:
+ Giai đoạn 2023-2025: 4.000
triệu đồng
+ Giai đoạn 2025-2030: 96.000
triệu đồng
Trong đó:
Nguồn ngân sách địa phương:
40.000 triệu đồng.
Nguồn ngân sách Trung ương:
5.000 triệu đồng. Nguồn xã hội hóa: 55.000 triệu đồng
- Về hoạt động chuyên môn:
Xây dựng và triển khai thực hiện
theo chức năng, nhiệm vụ được giao bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công
nghệ của địa phương, trung ương và các nguồn khác.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Khoa học và Công nghệ
- Là cơ quan đầu mối, phối hợp
với các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
đôn đốc, triển khai, giám sát việc thực hiện Đề án. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh về
tình hình, kết quả thực hiện.
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa
học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học công
nghệ Việt Nam và các bộ, ngành trung ương, địa phương khác liên quan thực hiện
các chương trình, dự án và các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý liên quan đến Bảo
tàng để lồng ghép có hiệu quả việc triển khai đề án.
- Lựa chọn đề xuất, cân đối
kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học để ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học
công nghệ liên quan đến hoạt động phát triển của Bảo tàng.
- Đôn đốc, kiểm tra, đánh giá,
tổng hợp kết quả thực hiện, những kiến nghị, đề xuất hằng năm trong quá trình tổ
chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ và các sở, ngành, địa phương, các vườn quốc gia, khu bảo tồn hỗ trợ
công tác thu thập mẫu vật, lồng ghép các chương trình, dự án bảo tồn đa dạng
sinh học cho Bảo tàng.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan
như Khu Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản… trong quá trình kiểm tra
ngăn chặn các hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép, thu giữ được các mẫu vật
đã chết hoặc không còn khả năng cứu hộ để thả về với môi trường sống tự nhiên của
chúng (kể cả các động vật biển bị chết dạt vào bờ) thông báo và chuyển giao cho
Bảo tàng để làm mẫu vật.
- Tuyên truyền, vận động các cá
nhân, tổ chức đang lưu giữ các mẫu vật về tài nguyên thiên nhiên chuyển giao
cho Bảo tàng quản lý.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa
học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn đầu tư công
trung hạng; phân bổ kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Khoa
học và Công nghệ xây dựng cơ chế tài chính cho việc đầu tư phát triển Bảo tàng;
cơ chế tài chính về thu thập mẫu vật.
- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng
kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính, Sở Khoa học và Công nghệ và các sở ngành liên quan huy động các nguồn
tài trợ trong và ngoài nước để phát triển Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền
Trung.
- Tham mưu phân bổ các nguồn
kinh phí trong và ngoài nước hỗ trợ đầu tư phát triển Bảo tàng.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ, các địa phương, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bảo tồn, bảo
vệ tài nguyên thiên nhiên trong việc hướng dẫn các thủ tục liên quan về đất
đai, môi trường và các lĩnh vực thuộc ngành phụ trách đảm bảo đúng quy định khi
thực hiện các công trình của Bảo tàng.
6. Công an tỉnh; Tòa án nhân
dân tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục Hải
quan tỉnh; Cục Quản lý thị trường; các Chi cục: Kiểm lâm, Thủy sản.
Theo chức năng, nhiệm vụ được
quy định, có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đúng chế độ
quản lý, kiểm tra, giám sát; tăng cường thực thi pháp luật để kiểm soát, xử lý
nghiêm các hành vi săn bắn, bẫy bắt, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển trái phép
các mẫu vật thiên nhiên và các bộ phận, dẫn xuất của chúng giao Bảo tàng quản
lý.
Phối hợp với Bảo tàng trong việc
lồng ghép các chương trình, đề tài, dự án có liên quan đến công tác truyền
thông, bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và lồng ghép các dự án
đầu tư nhằm góp phần phần triển Bảo tàng.
7. Vườn Quốc gia Bạch Mã
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ trong quá trình kiểm tra ngăn chặn các hoạt động săn bắt, buôn bán
trái phép, thu giữ được các mẫu vật đã chết hoặc không còn khả năng cứu hộ để
thả về với môi trường sống tự nhiên của chúng thông báo và chuyển giao cho Bảo
tàng để làm mẫu vật.
Tạo điều kiện cho Bảo tàng
trong công tác nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu vật, truyền thông giáo dục cộng
đồng về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
8. Đài Phát thanh và Truyền
hình, Báo Thừa Thiên Huế, Cổng thông tin điện tử tỉnh:
Phối hợp với Sở Khoa học và
Công nghệ và các sở, ngành, địa phương xây dựng các chuyên mục thông tin, tuyên
truyền theo nội dung của Đề án.
9. UBND các huyện, thị xã,
thành phố: Tuyên truyền phổ biến Đề án và các quy định pháp luật cơ chế chính
sách phát triển của Bảo tàng.
10. Bảo tàng Thiên nhiên duyên
hải miền Trung: tổ chức, phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài tỉnh
thực hiện triển khai thực hiện Đề án.
11. Các tổ chức, cá nhân liên
quan:
Có trách nhiệm thực hiện các
nhiệm vụ thuộc Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện
hành; sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định và định kỳ báo
cáo về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi Trường;
Giám đốc Công an tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; Viện trưởng Viện Kiểm sát
nhân dân tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Cục trưởng Cục
Quản lý thị trường; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã và thành phố Huế; Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ KHCN;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đại học Huế;
- Đài PTTH, Báo Thừa Thiên Huế;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, CN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phương
|