ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/KH-UBND
|
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 25 tháng 05 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2561/QĐ-TTG NGÀY 31/12/2016
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ UY
TÍN TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ”
Thực hiện Quyết định số 2561/QĐ-TTg
ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường vai trò
của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”; Công văn
số 257/UBDT-DTTS ngày 21/3/2017 của Ủy ban Dân tộc, về việc triển khai thực hiện
Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân
dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích:
a) Tổ chức quán triệt, triển khai thực
hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc
thiểu số” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
b) Nâng cao nhận thức cho cán bộ,
công chức làm công tác dân tộc ở các cấp các, ngành về vị trí, vai trò và tầm
quan trọng của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số.
c) Xác định việc lựa chọn và thực hiện
chính sách đối với người có uy tín là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan
trọng để thực hiện có hiệu quả phát huy vai trò của người
có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số
thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
d) Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ
thống chính trị trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín đối
với công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân tộc.
2. Yêu cầu
a) Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch; Kịp thời rà
soát, bổ sung cụ thể hóa các chính sách đối với người có uy tín.
b) Thực hiện chính sách đối với người
có uy tín phải được đầy đủ, kịp thời; người có uy tín phải được bầu chọn công
khai dân chủ, tín nhiệm trong quần chúng nhân dân và có sự thống nhất các tổ chức
đoàn thể chính quyền địa phương.
c) Tăng cường công tác kiểm tra việc
thực hiện Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu
số” tại cơ sở.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM
VI
1. Đối tượng áp dụng:
- Người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số (bao gồm cả người Kinh có uy tín sống ở vùng dân tộc thiểu số).
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá
nhân liên quan trong hệ thống chính trị các cấp của các địa phương có vùng dân
tộc thiểu số.
2. Phạm vi thực hiện:
Vùng dân tộc thiểu số trên phạm vi
toàn tỉnh.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ các cấp,
các ngành trong thực hiện chính sách dân tộc và công tác vận động, phát huy vai
trò của người có uy tín vùng dân tộc thiểu số:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên
truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trách nhiệm
của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách dân tộc;
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
pháp luật và kỹ năng vận động của cán bộ các cấp, các ngành đối với người có uy
tín sao cho phù hợp với khả năng tiếp cận và tình hình thực tế tại địa phương;
- Tổ chức các Hội nghị giao lưu, học
hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ của các địa phương trong công tác vận
động phát huy vai trò của người có uy tín trong và ngoài tỉnh.
2. Thống nhất
về tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn và trách nhiệm của người có uy tín trong đồng
bào dân tộc thiểu số
a) Tiêu chí xác định người có uy tín:
- Nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước,
các quy định của địa phương nơi cư trú và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ
công dân;
- Có sức khỏe, bản thân và gia đình
gương mẫu, có đóng góp tích cực đối với cộng đồng;
- Am hiểu về văn hóa, phong tục, tập
quán, tiếng nói của dân tộc ở nơi cư trú, có cách ứng xử, giải quyết tốt mối
quan hệ trong gia đình, cộng đồng.
- Là người tiêu biểu, có mối liên hệ
chặt chẽ, có ảnh hưởng lớn và khả năng tập hợp đồng bào dân tộc ở những phạm vi
nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng nghe và làm
theo.
- Riêng ngành công an và quân sự xây
dựng và thực hiện tiêu chí phù hợp với đặc thù, yêu cầu của ngành.
b) Nguyên tắc lựa
chọn người có uy tín: Bảo đảm đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng giữa các dân tộc.
c) Trách nhiệm của người có uy tín:
- Bản thân và gia đình người có uy
tín phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận
động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa
phương nơi cư trú;
- Chủ động nắm tình hình dư luận xã hội,
đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc phản ánh kịp
thời về các cơ quan chức năng có liên quan;
- Phối hợp với hòa giải viên ở cơ sở, tổ chức hòa giải các vụ việc mâu thuẫn,
tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trong dòng họ, dòng tộc; tham gia đấu tranh
ngăn chặn kịp thời các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp, kích động của kẻ xấu; vận
động đồng bào dân tộc tích cực lao động sản xuất và tham gia phong trào đấu
tranh phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn thôn, ấp góp phần giữ gìn an,
ninh trật tự; tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và
các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.
- Tham dự đầy đủ các buổi Hội nghị,
các lớp tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kiến thức do các cơ quan chức năng liên quan triệu tập;
- Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng
chương trình, kế hoạch phát triển KTXH, đảm bảo QPAN tại địa phương khi được
chính quyền tổ chức lấy ý kiến.
3. Công tác
lãnh đạo, phân cấp quản lý, phân công vận động người có uy tín.
a) Công tác lãnh đạo:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng, quản lý của chính quyền; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc
và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong công tác vận động và phát huy vai
trò của người có uy tín.
- Thực hiện thống nhất quy trình, thủ
tục xét chọn, lập danh sách, rà soát, đánh giá người có uy tín trong vùng dân tộc
thiểu số đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định trong Kế hoạch và
các văn bản hướng dẫn có liên quan. Hằng năm thực hiện việc rà soát, bổ sung hoặc
thay thế người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đúng trình tự, thủ tục theo các quy định hiện hành.
b) Phân cấp quản lý, phân công vận động
người có uy tín:
Người có uy tín chịu sự lãnh đạo, quản
lý trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền và giữ mối quan
hệ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cùng cấp. Trên cơ sở
phạm vi ảnh hưởng, mức độ uy tín của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu
số để thực hiện phân cấp quản lý, phân công vận động như
sau:
- Cấp Trung ương trực tiếp quản lý và
hỗ trợ địa phương vận động những người có phạm vi ảnh hưởng từ một tỉnh trở lên
hoặc phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, xung yếu;
- Cấp tỉnh trực tiếp quản lý, vận động
những người có phạm vi ảnh hưởng từ một huyện đến nhiều huyện, hoặc phạm vi ảnh
hưởng hẹp hơn nhưng là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự;
- Những người có uy tín còn lại do cấp
huyện trực tiếp quản lý, vận động hoặc giao cho cấp xã thực
hiện.
4. Chế độ,
chính sách đối với người có uy tín
Quan tâm thực hiện tốt các chế độ,
chính sách đối với người có uy tín theo quy định tại Quyết định 18/2011/QĐ-TTg ngày
18/3/2011 và Quyết định 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ
và các Quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế khác (nếu
có).
5. Tăng cường
công tác kiểm tra, đánh giá:
Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí
tổ chức kiểm tra công tác bình xét người có uy tín; sơ kết, tổng kết công tác vận động vai trò người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu
số của các cấp, các ngành; đồng thời đánh giá kết quả phát huy vai trò trách
nhiệm của người có uy tín để kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng những
người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
IV. NGUỒN KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Nguồn ngân sách nhà nước: Được bố
trí trong dự toán ngân sách hàng năm của UBND tỉnh và các địa phương theo quy định.
2. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc:
- Là cơ quan thường trực: Chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức khai thực
hiện các nội dung của Kế hoạch để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2006;
- Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí,
tổ chức triển khai thực hiện nội dung, nhiệm vụ của Đề án trình Ủy ban nhân dân
tỉnh cấp kinh phí thực hiện;
- Phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các
nội dung, nhiệm vụ Đề án trên địa bàn tỉnh; đồng thời báo cáo kết quả, kinh phí
thực hiện, thuận lợi, khó khăn, đề xuất kiến nghị về UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc
trước ngày 20 tháng 11 hằng năm.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc,
các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí triển khai nội dung kế hoạch
thực hiện nhiệm của vụ Đề án trong dự toán ngân sách hàng năm cho Ban Dân tộc
và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử
dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh:
Tổ chức vận động, phát huy vai trò và
thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo chức năng, nhiệm vụ được
giao và quy định của ngành.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp
với Ban Dân tộc và các ngành liên quan hướng dẫn các cơ quan báo
chí của tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Đài phát thanh các huyện đẩy
mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về triển
khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
5. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu:
Phối hợp với Ban Dân tộc phát hành
báo trực tiếp cho các đối tượng người có uy tín trên địa bàn theo quy định.
6. Các Sở, ngành liên quan:
Các sở, ban, ngành, địa phương liên
quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp Ban Dân tộc tổ chức thực hiện
kế hoạch có hiệu quả.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội đoàn thể:
Phối hợp với chính quyền các cấp tham
gia vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và giám sát việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
Căn cứ vào nội dung kế hoạch thực hiện
nhiệm vụ đề án và các văn bản hướng dẫn của Ban Dân tộc và các ngành liên quan
chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã có liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch thực
hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và theo quy định hiện hành;
- Hàng năm chỉ đạo việc rà soát, bổ
sung hoặc thay thế người có uy tín gửi về Ban Dân tộc trước ngày 25/2 hàng năm;
công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của
Ban Dân tộc tại Quyết định số 1703/QĐ-UBND ngày 28/6/2016 của UBND tỉnh;
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề
án về Ban Dân tộc trước ngày 15/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ủy
ban Dân tộc theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực
hiện Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn kịp thời phản ảnh, báo cáo
về UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc tỉnh) để xem xét và có ý kiến chỉ đạo bổ
sung, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (b/c);
- Vụ DTTS-UBDT;
- Văn phòng đại diện TPHCM-UBDT;
- TT. Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công an tinh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX5.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Minh Thông
|