Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 45/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Lê Hồng Sơn
Ngày ban hành: 02/02/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2024

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2024

Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” và Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch phòng, chống ma túy năm 2024 trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ Thành phố đến địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và Nhân dân về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong phòng, chống ma túy, phát huy vai trò của người đứng đầu... nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống ma túy.

2. Triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể, giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Tổ chức tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn liền với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng các mô hình, điển hình trong chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy, thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế thấp nhất tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô.

3. Thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch theo đúng tiến độ, thời gian quy định với hiệu quả cao nhất; đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất từ khâu tổ chức triển khai đến thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về phòng, chống ma túy trên toàn Thành phố.

4. Quá trình thực hiện phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách quyết liệt, thiết thực, lồng ghép với việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống tội phạm năm 2024 và công tác chuyên môn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương. Kịp thời phát hiện, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống ma túy.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU CƠ BẢN

1. Chỉ tiêu thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy

a) 100% các trường học (THCS, THPT, trường dạy nghề...) trên địa bàn Thành phố được tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy.

b) 100% Tổ dân phố/Thôn được tiếp cận thông tin truyền thông phòng, chống ma túy ít nhất 01 lần/quý.

2. Chỉ tiêu quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cai nghiện ma túy

a) 100% người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện, ra Thông báo được lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định.

b) 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở địa phương (trong năm 2024, lập hồ sơ quản lý tối thiểu 1.000 người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú).

c) Trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

d) Lập 1.700 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc.

e) Tích cực vận động đưa người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các Cơ sở cai nghiện ma túy của Thành phố.

f) Tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, phát triển các mô hình cai nghiện hiệu quả tại cộng đồng.

3. Chỉ tiêu mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn

a) Lựa chọn 01 mô hình hiệu quả đăng ký với Ban Chỉ đạo 89 Thành phố thực hiện trong năm 2024; đánh giá kết quả thực hiện cuối năm, đề xuất nhân rộng mô hình lựa chọn phù hợp.

b) Xây dựng mô hình quản lý, hỗ trợ người sử dụng trái phép chất ma túy và người có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy (người có nguy cơ cao) ở cộng đồng.

4. Xây dựng 10% “Tổ dân phố, khu dân cư không ma túy” trên địa bàn phường và 20% “Thôn không ma túy” trên địa bàn xã/thị trấn; phấn đấu trên địa bàn có ít nhất 01 “Xã, phường, thị trấn không ma túy”.

5. Chỉ tiêu đấu tranh tội phạm về ma túy

a) Điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.500 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó có 45% số vụ mua bán trái phép chất ma túy.

b) Triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy và điểm nguy cơ phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 20231; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết điểm; rà soát, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm, điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa; không để hình thành các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến dịch vụ kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy công khai ở các địa bàn công cộng, khu dân cư, trường học... gây bức xúc dư luận. Hạn chế mức thấp nhất, kịp thời phát hiện chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đấu tranh triệt xóa các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp trên địa bàn Thành phố.

4. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện điều trị bằng thuốc thay thế (Methadone/Buprenophine) tại các Cơ sở điều trị Methadone, trong đó: Duy trì điều trị ổn định cho bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone/Buprenophine; triển khai, mở rộng các Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã, phường, thị trấn theo nhu cầu thực tế của các quận, huyện, thị xã; phấn đấu giảm tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị ra khỏi chương trình so với năm 20232.

5. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy; không để xảy ra vụ việc sản xuất trái phép ma túy hoặc trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn Thành phố.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện

a) Tiếp tục tham mưu cho Thành ủy tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”; Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 21/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 22/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 175-KH/TU ngày 22/01/2020 của Thành ủy Hà Nội về tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW theo chỉ đạo của Trung ương. Triển khai xây dựng mô hình “Tổ dân phố, khu dân cư không ma túy” trên địa bàn phường và “Thôn không ma túy” trên địa bàn xã/thị trấn; “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn quận, huyện, thị xã

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: xong trong Quý III/2024).

b) Tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31/8/2021 gắn với việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về công tác phòng, chống ma túy và quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là “không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế”, nhất quán quan điểm “không hợp pháp hóa các chất ma túy”; triển khai có hiệu quả 02 dự án Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 - 20253. Triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy” và Đề án “Phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên” theo chỉ đạo của Trung ương.

(Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

c) Thực hiện tốt, phát huy vai trò Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp (Ban Chỉ đạo 89):

- Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống ma túy năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo 89 các cấp; Ban Chỉ đạo 89 Thành phố tổ chức thăm, tặng quà các đơn vị tích cực trong công tác phòng, chống ma túy nhân dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024 (thời gian thực hiện: Quý I và Tháng 6/2024).

- Kiện toàn Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo 89 Thành phố và cán bộ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 89, cán bộ chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội; gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cá nhân tham gia công tác phòng, chống ma túy; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn trong thực hiện công tác phòng, chống ma túy tại các đơn vị, địa phương nhất là đơn vị ở xã, phường, thị trấn.

- Chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc chế độ sơ, tổng kết định kỳ của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Ban Chỉ đạo 89 các cấp theo quy chế nhằm kịp thời kiểm điểm, đánh giá vai trò, trách nhiệm, kết quả thực hiện công tác phòng, chống ma túy, mại dâm của các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ban Chỉ đạo 89 các địa phương.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống ma túy, mại dâm tại các đơn vị, địa phương để đánh giá kết quả, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu nếu để tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm phức tạp kéo dài mà không có giải pháp khắc phục. Đẩy mạnh chuyển đổi trạng thái các mặt công tác phòng, chống ma túy từ “truyền thống” sang “hiện đại”, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

- Tổ chức các hoạt động phối hợp, giao ban, trao đổi, chia sẻ nhân rộng những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữa Ban Chỉ đạo 89 các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nhất là tại các địa bàn giáp ranh có nguy cơ phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy.

(Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

d) Triển khai đồng bộ các giải pháp thi hành hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động của Tổ liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội; tổ chức sơ kết 02 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy; tham gia góp ý sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của Trung ương.

(Đơn vị thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: tháng 01/2024).

e) Tổ chức các Đoàn Kiểm tra, khảo sát công tác phòng, chống ma túy tại các đơn vị (trọng tâm là các phường, xã, thị trấn) gắn với kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 22/01/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 175-KH/TU ngày 22/01/2020 của Thành ủy Hà Nội và Chương trình phòng chống ma túy giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 03/11/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

(Đơn vị thực hiện: Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 89 Thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: Quý III/2024).

f) Triển khai, thi hành hiệu quả các chính sách của Thành phố trong công tác phòng, chống ma túy, cụ thể: (1) Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Phục lục số 01, Phục lục số 02 và Phụ lục số 03) quy định nội dung, mức chi đặc thù trong công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội; nội dung mức chi đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và người được phân công người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội. (2) Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố (Phục lục số 09) quy định nội dung, mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

g) Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố.

(Đơn vị thực hiện: Sở Y tế chủ trì phối hợp Công an Thành phố, Sở Lao động Thương binh và các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: hoàn thành trong Quý I/2024).

2. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy gắn liền với vận động toàn dân thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức Hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy của Tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện (Chung khảo cấp Thành phố); ứng dụng mạng xã hội, công nghệ 4.0 trong tuyên truyền phòng, chống ma túy, thiết lập trang Facebook hoặc các nhóm Zalo tuyên truyền phòng, chống ma túy, phổ cập thông tin phòng ngừa tội phạm về ma túy; công tác cai nghiện ma túy, các biện pháp và thủ tục đăng ký cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

b) Lựa chọn các loại hình thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đặc biệt cần quan tâm đến những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự...; thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho người dân về tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma túy thâm nhập vào đời sống, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của các loại ma túy tổng hợp, nhận diện được thủ đoạn phạm tội ma túy và các chính sách của Thành phố về công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy thông qua bản tin tuyên truyền tại các khu đô thị, chung cư cao tầng; ký cam kết, phát tờ rơi tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống ma túy tại Bộ phận một cửa trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã...

(Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

c) Mở chuyên mục riêng về phòng, chống ma túy, tăng cường tuyên truyền về các loại ma túy và tác hại, cảnh báo phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy, đồng thời nêu gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng, chống ma túy, gương cai nghiện thành công và phổ biến các chính sách của Thành phố về công tác phòng, chống ma túy trên sóng truyền hình; duy trì thực hiện Quy chế phối hợp với Công an Thành phố định kỳ phát sóng Bản tin 141. Tổ chức biên soạn tuyên truyền (bản tin, video/phim tuyên truyền) cảnh báo chất ma túy mới và phương thức thủ đoạn hoạt động tội phạm ma túy theo định kỳ hoặc đột xuất làm tư liệu tuyên truyền cho các đơn vị, địa phương thực hiện tuyên truyền.

(Đơn vị thực hiện: Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

d) Chú trọng xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố; tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy tại 100% các trường học (THCS, THPT) trên địa bàn Thành phố; thực hiện hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy tại các cơ sở giáo dục (lựa chọn thí điểm) theo hình thức: Vẽ tranh theo chủ đề đối với học sinh THCS; Thi văn nghệ, tiểu phẩm (sân khấu hóa) tuyên truyền đối với học sinh THPT; Giao lưu tuyên truyền đối với sinh viên Đại học trên địa bàn Thành phố (phối hợp Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo); xây dựng mô hình phòng, chống ma túy triển khai trong hệ thống cơ sở đoàn thanh niên....

(Đơn vị thực hiện: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an Thành phố, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

e) Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng; chống ma túy” “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy - 26/6”: Mít tinh, ra quân và tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng tuyên truyền phòng, chống ma túy và tuyên dương gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: tháng 6/2024).

f) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh, bảng tin về an ninh trật tự của các xã, phường, thị trấn; hoạt động tiếp cận tư vấn, giúp đỡ của hội viên các đoàn thể, Câu lạc bộ, lực lượng Tình nguyện viên, Thanh niên tình nguyện... tiếp tục tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy; thực hiện vận động Nhân dân tham gia phong trào phòng, chống ma túy ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư; nêu cao tinh thần cảnh giác của mọi người dân, phát hiện, tố giác với chính quyền, lực lượng Công an về đối tượng hoạt động phạm tội, các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy tại gia đình, vườn nhà.... Duy trì, phổ biến, nhân rộng các mô hình có hiệu quả như: Phong trào quần chúng tố giác tội phạm; quản lý giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư; phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ...; rà soát thanh loại các mô hình hoạt động không hiệu quả. Tổ chức các hoạt động tuần tra nhân dân trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy.

(Đơn vị thực hiện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Cựu chiến binh Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an Thành phố, và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

g) Tăng cường tổ chức lồng ghép tuyên truyền phòng, chống ma túy vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; phát huy hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phòng, chống ma túy gắn với phong trào xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

(Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

h) Thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên kịp thời những gương điển hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống ma túy, quần chúng tích cực hỗ trợ lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

(Đơn vị thực hiện: Cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo 89 Thành phố, phối hợp Sở Nội vụ (Ban Thi đua khen thưởng) và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: đột xuất hoặc định kỳ trong năm 2024).

3. Công tác đấu tranh tội phạm ma túy

a) Triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, tuyệt đối “không để bị động, bất ngờ”, “không đi sau tội phạm”:

- Chủ động phân tích, nhận diện, dự báo chính xác tình hình tội phạm ma túy nổi lên, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao... để chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với phương châm “không bắt khúc giữa”, khám phá cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, triệt phá tận gốc các đường dây, tổ chức, băng nhóm, ổ nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, không để hình thành tụ điểm, điểm phức tạp, gây bức xúc dư luận; phát động, triển khai các đợt cao điểm tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm về ma túy phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2024.

- Triển khai các phương án, kế hoạch chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy nổi lên tại các địa phương như: phòng, chống ma túy liên quan đến không gian mạng; trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phòng, chống ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, sử dụng bóng cười (khí N2O)...

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

b) Phát huy công tác chủ động, quản lý, bám sát địa bàn trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân, khai thác tối đa hiệu quả của các hệ thống dữ liệu phục vụ công tác nghiệp vụ Công an và các yêu cầu quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phát huy vai trò, nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong công tác phòng, chống ma túy ngay từ cơ sở.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

c) Kết hợp chặt chẽ giữa biện pháp quản lý hành chính, tuần tra kiểm soát công khai với các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh, bắt giữ và xử lý tội phạm về ma túy, trong đó coi trọng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, gắn với thường xuyên kiểm tra, quản lý các loại hình kinh doanh lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện về an ninh trật tự, khu vui chơi, nơi tổ chức sự kiện đông người tham gia có sử dụng nhạc mạnh, địa điểm công cộng, các địa bàn giáp ranh, khu công nghiệp, chế xuất, dự án đô thị, đường vành đai đang trong quá trình xây dựng, các khu chung cư, resort... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm và ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc trồng cây chứa chất ma túy tại vườn, nhà riêng...

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Văn hóa và thể thao và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

d) Rà soát, phát hiện, đưa vào quản lý đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” để chủ động phòng ngừa, quản lý chặt chẽ không để các đối tượng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật, ngăn chặn nguồn phát sinh các loại tội phạm; thống kê, lên danh sách đối tượng trọng điểm, đối tượng truy nã liên quan tuyến trọng điểm ma túy về hoặc qua Hà Nội...; trên cơ sở đó xây dựng, hệ thống hóa thành bản đồ số và cơ sở dữ liệu về tình hình, công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn Thành phố, kịp thời nhận diện những thay đổi, diễn biến mới trong phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh cho phù hợp với từng tuyến, địa bàn trong từng giai đoạn, tình hình cụ thể, tuyệt đối “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

e) Chủ động phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán, tàng trữ trái phép mặt hàng cấm kinh doanh; hàng hóa, ngành nghề hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện; thuốc lá điếu nhập lậu (bao gồm cả thuốc lá điện tử), bóng cười”, shisha, cỏ Mỹ, lá Khát, tem giấy và các sản phẩm hàng hóa có chứa các chất, hoạt chất tương tự gây nghiện, thực phẩm không đảm bảo cho người sử dụng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí; quán bar, nhà hàng, vũ trường, karaoke, homestay, tuyến phố kinh doanh phục vụ khách du lịch nước ngoài... trên địa bàn Thành phố. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sử dụng khí N2O và các hóa chất tương tự để hạn chế tình trạng nghiện sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

f) Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, quản lý người nước ngoài, thuê, mua địa điểm lưu trú, ủy thác đầu tư... liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu tại Việt Nam; các doanh nghiệp, công ty hoạt động quốc tế, các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, công ty vận tải có hoạt động vận chuyển hàng... không để tội phạm lợi dụng thực hiện mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

g) Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành Thành phố trong rà soát, thống kê, quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra công ty, cơ sở kinh doanh trên địa bàn Thành phố có hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, các loại thuốc chữa bệnh có chứa hoạt chất gây nghiện, ma túy... không để xảy ra vụ việc chiết xuất, sản xuất trái phép chất ma túy; chủ động tổ chức các biện pháp ngăn chặn việc trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, đồng thời thông qua việc xử lý, kiến nghị đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

(Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

h) Nâng cao hiệu quả phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an các tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy trong trao đổi thông tin, hỗ trợ đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy; phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy xâm nhập, vận chuyển vào, qua địa bàn thành phố Hà Nội theo phương châm “không đánh khúc giữa, bắt giữ cả đường dây, nhất là đối tượng cầm đầu”.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

i) Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; lựa chọn các vụ án ma túy lớn, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đưa ra xét xử án điểm để phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật, răn đe phòng ngừa tội phạm.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

4. Công tác quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

a) Thường xuyên tổ chức rà soát, thống kê, phân loại, kiểm tra, đánh giá chính xác người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, làm tốt công tác lập hồ sơ đưa vào quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Đẩy mạnh khai thác ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

b) Tích cực lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện, phát hiện người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tòa án trong công tác lập, xét duyệt hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

c) Vận động, khuyến khích người nghiện, gia đình người nghiện tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy, tự nguyện tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp... tập trung triển khai các giải pháp, biện pháp nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người sử dụng trái phép chất ma túy (giảm nguồn cầu ma túy) trên địa bàn. Coi trọng xã hội hóa công tác điều trị và quản lý sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác cai nghiện, giúp đỡ người sau cai nghiện; khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện với các chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề tạo việc làm...; quản lý chặt chẽ người nghiện tại gia đình, cộng đồng, số người sau cai về cộng đồng, phấn đấu giảm tỷ lệ tái nghiện.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

d) Tổ chức ký kết các quy chế, kế hoạch phối hợp giữa các ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tòa án và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác xác định tình trạng nghiện, áp dụng các biện pháp cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai tại các địa phương.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: trong năm 2024).

e) Tổ chức rà soát, đánh giá, nghiên cứu bố trí nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn, đảm bảo đủ nhân lực và cơ sở y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy ở các địa phương, tiến tới đảm bảo 01 xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy. Tổ chức rà soát, đánh giá năng lực, công suất của các cơ sở cai nghiện công lập để xây dựng phương án bảo đảm tiếp nhận người vào cai nghiện ma túy, quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện phù hợp với thực tiễn...

(Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

f) Tiếp tục duy trì, triển khai và phát triển mới các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn đảm bảo chỉ tiêu tiến độ theo lộ trình tại Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 01/12/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị nghiện ma túy trong cơ sở công lập và ngoài công lập. Mở rộng các hoạt động kết nối, triển khai các điểm vệ tinh của cơ sở cai nghiện tại cộng đồng.

(Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

g) Tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone/Buprenophine; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cai nghiện bằng thuốc thay thế, lồng ghép tối đa dịch vụ điều trị thay thế Methadone với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV cũng như các dịch vụ y tế khác trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả, bền vững nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các nguồn tài trợ. Tăng cường công tác tư vấn cho bệnh nhân để giảm tình trạng phối hợp sử dụng ma túy tổng hợp trên bệnh nhân điều trị Methadone; giảm tỷ lệ số người ngừng điều trị Methadone. Mở rộng triển khai Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo bệnh nhân điều trị được cấp phát, uống thuốc đúng quy định. Các đơn vị, lực lượng liên quan theo dõi, quản lý chặt chẽ tại nơi cư trú số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone tại các Cơ sở, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong quá trình điều trị Methadone để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các Cơ sở cai nghiện của Thành phố.

(Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

- Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc của các Cơ sở cai nghiện, Cơ sở điều trị Methadone; nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý, chữa trị cho học viên cai nghiện, bệnh nhân điều trị Methadone.... Thực hiện nghiêm túc kế hoạch liên ngành trong giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, phòng, chống bạo loạn, trốn tập thể tại các Cơ sở cai nghiện, Cơ sở điều trị Methadone.

(Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

- Duy trì hoạt động và xây dựng mới các Câu lạc bộ quản lý sau cai, đảm bảo ít nhất 80% Câu lạc bộ có số thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội, đoàn thể, lực lượng Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong quản lý, giúp đỡ người sau cai, phòng, chống tái nghiện. Quan tâm, đầu tư nguồn lực của địa phương thực hiện hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú..

(Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

h) Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hỗ trợ xã hội trong điều trị và cai nghiện ma túy cho Đội Công tác xã hội tình nguyện, Ban Chủ nhiệm triển khai các mô hình hỗ trợ sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú; viên chức làm việc tại các Cơ sở cai nghiện ma túy tham gia hỗ trợ các Mô hình quản lý chăm sóc hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú. Tập huấn về quy trình cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cho công chức, viên chức và người lao động làm việc trong lĩnh vực cai nghiện ma túy.

(Đơn vị thực hiện: Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Sở Nội vụ; Thời gian thực hiện: năm 2024).

5. Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, công tác quản lý và kiểm soát tiền chất

a) Thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; chủ động phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin, cấp phép, theo dõi, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, sản xuất, bảo quản, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, phân phối, sử dụng ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp, y tế và đấu tranh tội phạm, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân, điều kiện phát sinh việc thất thoát tiền chất vào các mục đích bất hợp pháp.

b) Phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu trái phép các loại ma túy, tiền chất, hóa chất liên quan đến tiền chất ma túy theo quy định pháp luật. Thực hiện nghiêm túc các quy định về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Quyết định số 4812/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và hoạt động của Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn Thành phố. Chấp hành các quy định trong hoạt động buôn bán thuốc thú y, khám chữa bệnh động vật theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt thực hiện theo dõi, kê đơn, sử dụng, bảo quản, lưu trữ đơn thuốc, hồ sơ mua bán đối với thuốc thú ý có chứa chất ma túy, tiền chất..

c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình chuyên môn, quản lý, cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine theo quy định hiện hành, đảm bảo bệnh nhân uống đủ thuốc Methadone tại Cơ sở, không để tình trạng “thẩm lậu” thuốc Methadone hoặc Buprenorphine ra ngoài Cơ sở; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật tại Cơ sở điều trị/Cơ sở cấp phát thuốc Methadone

(Đơn vị thực hiện: Tổ công tác liên ngành phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy Thành phố được thành lập theo Quyết định số 4811/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố (Công an Thành phố, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường) và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

6. Xây dựng xã, phường, thị trấn không ma túy

Thực hiện đánh giá phân loại tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn; thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, triển khai các nội dung xây dựng xã, phường không tệ nạn ma túy; giữ vững số xã, phường, thị trấn không có tội phạm và tệ nạn ma túy; phấn đấu giảm dần tính chất phức tạp số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy; xây dựng, duy trì mô hình “Tổ dân phố, khu dân cư không ma túy trên địa bàn phường và “Thôn không ma túy trên địa bàn xã/thị trấn; “Xã, phường, thị trấn không ma túy” trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

(Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

7. Công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế

a) Tiếp tục triển khai hiệu quả các Quy chế phối hợp, Kế hoạch liên ngành đã ký kết giữa các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đấu tranh chống tội phạm nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn Thủ đô.

(Đơn vị thực hiện: các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

b) Tăng cường phối hợp, mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy, tiếp tục thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các Công ước quốc tế, Hiệp định và Thỏa thuận song phương, đa phương về phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia trên cơ sở giữ vững quan điểm “Việt Nam không hợp pháp hóa các chất ma túy”; tổ chức đoàn trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác phòng, chống ma túy tại một số nước Đông Nam Á.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Ngoại vụ và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố; Thời gian thực hiện: Quý III/2024).

8. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác phòng, chống ma túy; sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông tin liên lạc cần thiết, hiện đại để phục vụ công tác, chiến đấu... đảm bảo an toàn, hiệu quả cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Thành phố.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố: Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

9. Quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị, phương tiện; tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

(Đơn vị thực hiện: Công an Thành phố, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Y tế, Cục Hải quan Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố và các sở, ban, ngành Thành phố; Thời gian thực hiện: cả năm 2024).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban tuyên giáo Thành ủy, các đoàn thể chính trị Thành phố, yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung được phân công, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương.

2. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo: định kỳ 06 tháng (trước ngày 17/6), 01 năm (trước ngày 17/12) báo cáo kết quả thực hiện gửi Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 89 Thành phố (Công an Thành phố) tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.

3. Giao Công an Thành phố - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 89 Thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này. Chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành Thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo theo quy định./.


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Lê Hồng Sơn;
- Vụ KGVX - Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Bộ Công an;
- Cục CS điều tra tội phạm về ma túy - BCA;
- Các đơn vị có tên trong KH;
- Các cơ quan báo, đài của Hà Nội;
- VPUB: CVP, PCVP C.N.Trang, phòng KGVX, TH, NC;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Sơn



1 Tính đến ngày 14/12/2023, toàn Thành phố còn 22 điểm phức tạp về ma túy, 29 điểm có nguy cơ phức tạp về ma túy.

2 Năm 2023, có 997 bệnh nhân ngừng điều trị Methadone.

3 Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 28/11/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”; Kế hoạch số 305/KH-UBND ngày 28/11/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Dự án “Giải quyết điểm, tụ điểm và chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn”.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 45/KH-UBND ngày 02/02/2024 phòng, chống ma tuý trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


687

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.117.237
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!