ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 180/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
29 tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NHỮNG THÁNG CUỐI
NĂM 2021 VÀ NĂM 2022
Thực hiện Nghị quyết số
128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; căn cứ Kế hoạch số
3228/KH-BVHTTDL ngày 07/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển
khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành, đảm bảo mục
tiêu tăng trưởng năm 2021 và Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày
11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh
hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao
và du lịch.
Trên cơ sở đánh giá tình hình
diễn biến dịch bệnh, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới, trong nước
và trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển hoạt
động du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, với các nội dung chính như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kịp thời các biện
pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước
phục hồi và phát triển trong tình hình mới trong những tháng cuối năm 2021 và
năm 2022; tập trung thu hút khách du lịch nội địa làm chủ đạo.
- Quý IV năm 2021, toàn tỉnh phấn
đấu đón 10.000 lượt khách du lịch trong tỉnh Ninh Bình, đồng thời tổ chức thí
điểm đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh ngoài.
- Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu
đón 3,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó từ tháng 7 năm 2022 sẽ đón một số
đối tượng khách quốc tế), doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
2. Yêu cầu
- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích
ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuân thủ nghiêm
các yêu cầu, biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh; thực hiện hiệu quả mục
tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Đề ra các giải pháp, lộ trình
cụ thể để triển khai thực hiện ngay; các nhiệm vụ giải pháp phải có trọng tâm,
trọng điểm, sát với thực tế và khả thi.
- Theo dõi sát sao diễn biến
tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của tỉnh
về phòng, chống dịch Covid-19 để chủ động thực hiện hoặc điều chỉnh Kế hoạch
cho phù hợp.
II. CÁC
PHƯƠNG ÁN ĐÓN KHÁCH DU LỊCH
1. Phương
án đón khách du lịch giai đoạn cuối năm 2021
- Dự kiến các khu, điểm du lịch
trên địa bàn tỉnh mở cửa, đón tiếp khách du lịch từ ngày 15/11/2021. Cụ thể:
+ Từ ngày 15/11/2021 đến hết
ngày 30/11/2021: Đón khách du lịch trong tỉnh (những người đang sinh sống và
làm việc, học tập tại tỉnh Ninh Bình).
+ Từ ngày 01/12/2021 đến hết
ngày 31/12/2021: Bên cạnh tiếp tục đón khách du lịch trong tỉnh, sẽ tổ chức thí
điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an
toàn do các doanh nghiệp du lịch tổ chức (lựa chọn, cho phép một số công ty
lữ hành tổ chức chương trình du lịch an toàn, khép kín từ Hà Nội đến Ninh Bình
để đánh giá mức độ an toàn du lịch trước khi mở cửa đón khách du lịch ngoài tỉnh).
- Phương thức thực hiện:
+ Tập trung đón tiếp, phục vụ
khách du lịch đảm bảo chu đáo, an toàn.
+ Tập trung quảng bá, thu hút
khách du lịch trong tỉnh với chủ đề “Người Ninh Bình đi du lịch Ninh Bình”.
2. Phương
án đón khách du lịch giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022
- Thời gian thực hiện: Từ ngày
01/01/2022 đến hết ngày 30/6/2022.
- Đối tượng khách du lịch:
+ Khách du lịch trong tỉnh.
+ Khách du lịch đã được tiêm 02
mũi vắc xin phòng Covid-19, đến từ các tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp (xếp
loại cấp độ dịch cấp 1 và cấp 2).
- Phương thức thực hiện:
+ Tập trung đón tiếp, phục vụ
khách du lịch đảm bảo chu đáo, an toàn.
+ Đẩy mạnh các hoạt động truyền
thông về du lịch an toàn; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội
địa với chủ đề “Ninh Bình - Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn”. Ưu
tiên kết nối tour du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh;
tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp
lữ hành liên kết với các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ để tổ chức các chương
trình tour du lịch an toàn, khép kín. Gắn hoạt động du lịch với các lễ hội truyền
thống, sự kiện chính trị văn hóa, thể thao tiêu biểu (Lễ hội Hoa Lư; các hoạt
động trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Tuần Du lịch
Ninh Bình...). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các gian
hàng ảo trên mạng để quảng bá, thu hút khách du lịch.
3. Phương
án đón khách du lịch 6 tháng cuối năm 2022
- Thời gian thực hiện: Từ ngày
01/7/2022 đến hết năm 2022 (khi người dân Việt Nam cơ bản đã được tiêm vắc
xin, đạt tỷ lệ trên 90%; tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt
và Chính phủ cho phép mở của đón khách du lịch quốc tế).
- Đối tượng khách du lịch:
+ Khách du lịch trong nước.
+ Khách du lịch quốc tế, đã được
tiêm 02 mũi vắc xin phòng Covid-19, có chứng nhận tiêm vắc xin hoặc có hộ chiếu
vắc xin được các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ công nhận.
- Phương thức thực hiện:
+ Tập trung đón tiếp, phục vụ
khách du lịch đảm bảo chu đáo, an toàn.
+ Chú trọng thu hút khách du lịch
nội địa. Đối với khách du lịch quốc tế cần có phương án lộ trình cụ thể, có trọng
tâm, trọng điểm, ưu tiên khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm
soát tốt dịch bệnh; giám sát, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy định về
thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở
dịch vụ du lịch và khách du lịch. Triển khai đồng bộ các biện pháp xúc tiến quảng
bá kết hợp với chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch an toàn. Xây dựng và quảng
bá hình ảnh Ninh Bình - Điểm đến du lịch an toàn, chất lượng, thân thiện và hấp
dẫn.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Đảm bảo
an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch
- Ưu tiên thực hiện nhanh chiến
dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các khu du lịch,
điểm du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá
an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn
tỉnh.
- Hướng dẫn và triển khai các
biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch
Covid-19 trong hoạt động du lịch phù hợp với các quy định phòng chống dịch của
Trung ương; Ứng dụng CNTT và các ứng dụng phòng, chống covid-19 của quốc gia, hệ
thống đánh giá an toàn Covid-19 để theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền nhằm nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về thực hiện nghiêm
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là quy định 5K.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi
đối với khách du lịch có chứng nhận tiêm chủng vắc xin, phù hợp với hệ thống
công nhận quốc gia, quốc tế.
2. Tăng
cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch
- Đổi mới, ứng dụng CNTT trong
xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch
với thông điệp “Du lịch Ninh Bình an toàn, hấp dẫn”. Tập trung truyền
thông nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về du lịch an toàn trong
bối cảnh bình thường mới.
- Đa dạng hóa các kênh truyền
thông: Qua các trang website, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến, các
phương tiện truyền thông của tỉnh, trung ương, xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền
du lịch.
- Phối hợp với Tổng cục Du lịch,
Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức các chương trình
kích cầu, xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình và tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo
tại các thị trường du lịch trọng điểm theo định hướng; tổ chức đón các đoàn
famtrip, presstrip từ các thị trường trọng điểm đến khảo sát điểm đến mới, tạo
cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp du lịch. Tổ chức các lễ hội, sự kiện văn
hóa, du lịch để thu hút khách du lịch.
- Khuyến khích các đơn vị,
doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi, cam kết
về chất lượng và đảm bảo an toàn trong quá trình du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kết
nối lại thị trường, tiếp cận thị trường, xúc tiến, bán sản phẩm, dịch vụ.
3. Đẩy mạnh
quá trình chuyển đổi số ngành Du lịch
- Phát triển hệ thống cơ sở dữ
liệu chung của tỉnh về du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về khu, điểm du
lịch, cơ sở dịch vụ du lịch.
- Xây dựng hệ thống thuyết minh
tự động đa ngôn ngữ tại các điểm thăm quan du lịch để chuẩn hóa thông tin các
khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Lắp đặt hệ thống wifi du lịch
thông minh tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Tam Cốc - Bích
Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư;
lắp đặt các kios thông tin du lịch tại các trạm hỗ trợ khách du lịch; lắp đặt hệ
thống camera giám sát hoạt động du lịch, công tác phòng, chống covid tại các
khu, điểm du lịch.
- Xây dựng các chiến dịch quảng
bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội Facebook,
Youtube, Twitter, Instagram, Zalo; quảng bá trên các trang marketing online,
triển khai bản tin du lịch điện tử (E-Newsletter); nâng cấp tính năng của các ứng
dụng di động, website du lịch của tỉnh phù hợp với xu hướng và nhu cầu của
khách du lịch.
4. Phát triển
đa dạng sản phẩm du lịch
- Triển khai xây dựng và thực
hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến
2045.
- Khuyến khích, tạo điều kiện
cho các doanh nghiệp lữ hành hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ,
các khu, điểm du lịch của tỉnh xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch, sản
phẩm dịch vụ du lịch an toàn, khép kín.
- Hỗ trợ phát triển sản phẩm du
lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường: sản phẩm, dịch vụ về du lịch văn
hóa, du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch
nghỉ dưỡng, du lịch trực tuyến…
5. Hỗ trợ
các doanh nghiệp triển khai các hoạt động phục hồi du lịch
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị phương án/kịch bản ứng phó với
các ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… cho người lao động và đội ngũ quản lý của
các đơn vị, doanh nghiệp du lịch.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch theo Nghị quyết số 68/NQ-CP
ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của
Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khác của Trung ương, của tỉnh.
- Huy động các đơn vị, doanh
nghiệp tham gia phối hợp đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực du lịch. Phối hợp với
các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn
nghề, kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực du lịch (quản lý cơ sở lưu
trú, lễ tân, buồng, bàn, bar, hướng dẫn viên…).
- Thực hiện các chương trình ưu
đãi, gói tín dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp để khôi phục hoạt động kinh
doanh, trả lương người lao động, nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, dịch
vụ mới của doanh nghiệp…
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Nhiệm vụ của các cơ quan,
đơn vị, địa phương
(Có biểu chi tiết kèm theo).
2. Các cơ quan, đơn vị, địa phương
căn cứ các nhiệm vụ được giao chủ trì tại Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch chi tiết
để thực hiện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Du lịch trước ngày 10/11/2021).
3. Giao Sở Du lịch chủ trì, phối
hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương
tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả,
kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phù hợp cho với điều kiện, tình
hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Tổng cục Du lịch;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch;
- Lưu: VT, VP5, các VP.
NN_VP5_KHUB
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|