Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 458/QĐ-UBND 2020 Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Ninh Thuận 2021 2025

Số hiệu: 458/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Quốc Nam
Ngày ban hành: 30/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 458/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 30 tháng 12 năm 2020

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NINH THUẬN 5 NĂM 2021 -2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 4262/SKHĐT-TH ngày 21 tháng 12 năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021 - 2025.

Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021 - 2025, Giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng đề án, chương trình cụ thể thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NINH THUẬN 5 NĂM 2021 – 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2016 - 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021 - 2025;

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 29 tháng 10 năm 2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV; tình hình và kết quả thực hiện kinh tế - xã hội 4 năm 2016 - 2019 và ước thực hiện năm 2020, dự báo những thuận lợi, khó khăn thách thức và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển trong giai đoạn 5 năm tới; Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với các nội dung chủ yếu như sau:

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, chậm phục hồi, nhất là bảo hộ thương mại, cạnh tranh kinh tế khốc liệt giữa các nước lớn và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; một số chủ trương, chính sách lớn về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế có bước phát triển từng bước phát huy hiệu quả, nhưng nổi lên thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, nhiễm mặn, lũ lụt, sạt lở đất đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của một bộ phận Nhân dân.

Trong tỉnh, nền kinh tế có bước phát triển mới, vị thế của tỉnh được nâng lên, chủ trương phát triển nhanh các nhóm ngành đột phá, trụ cột và các dự án động lực thay thế là đúng đắn, đã góp phần biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển; nhiều tiềm năng lợi thế đã được nhận diện và xác định, được đánh giá sâu kỹ hơn, bước đầu phát huy hiệu quả tạo ra bước phát triển mới, thu hút được nhiều sự quan tâm, cùng với cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh bước đầu phát huy đã thu hút, huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư các thành phần kinh tế và đầu tư công, tạo động lực, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nổi lên một số vấn đề khó khăn hơn so với dự báo: Quốc hội và Chính phủ thay đổi mục tiêu chiến lược dừng triển khai xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đã tác động lớn đến định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh; cùng với những khó khăn vốn có như: nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hạn hán gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng sâu, vùng bị hạn hán đã tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy; sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, nắm bắt thời cơ, tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhóm ngành đột phá, trụ cột về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế, đã góp phần biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển và đã đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực:

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh đã bám sát và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cụ thể hóa hàng năm. Kết quả thực hiện 4 năm (2016 - 2019) và ước thực hiện năm 2020, đối chiếu với các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), trong tổng số 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, có 19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, 02 chỉ tiêu còn nhiều khó khăn, cụ thể như sau:

1. Về kinh tế (07 chỉ tiêu)

- Tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 10,9%/năm (mục tiêu là 10 - 11%/năm), quy mô nền kinh tế; tăng 2,18 lần so với năm 2015 (mục tiêu là 1,7 lần).

- GRDP bình quân đầu người đạt 60,7 triệu đồng/người; tăng 2,19 lần so với năm 2015 (mục tiêu 58 - 60 triệu đồng/người).

- Giá trị gia tăng các ngành tăng bình quân: nông, lâm, thủy sản 8,3%/năm (mục tiêu 5 - 6%/năm); công nghiệp - xây dựng 19,8%/năm (mục tiêu 14 - 15%/năm); dịch vụ 6,7%/năm (mục tiêu 11 - 12%/năm).

- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 28,4% (giảm 10,3%); công nghiệp - xây dựng chiếm 34,9% (tăng 12,5%); dịch vụ 36,7% (giảm 2,2%) (mục tiêu 28 - 29%; 30 - 31%; 39 - 40%).

- Thu ngân sách đạt 3.900 tỷ đồng (mục tiêu 2.800 - 3.000 tỷ đồng).

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD, đạt 60% (mục tiêu 150 triệu USD).

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 79.275 tỷ đồng (mục tiêu 51.000-55.000 tỷ đồng), tăng 2,39 lần so với giai đoạn trước.

2. Về văn hóa - xã hội (11 chỉ tiêu)

- Giải quyết việc làm mới đạt 83,79 ngàn người (mục tiêu 77,5 ngàn người).

- Lao động qua đào tạo đạt 60,17%, trong đó đào tạo nghề đạt 45,09% (mục tiêu là 60%, trong đó đào tạo nghề 45%).

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,33%, giảm bình quân hằng năm 1,92% (mục tiêu giảm 1,5-2%/năm).

- Tốc độ tăng dân số tự nhiên đạt 1,12% (mục tiêu là 1,12%), quy mô dân số đạt 593,6 ngàn người (mục tiêu 640 ngàn người).

- Có 10 bác sĩ/vạn dân (mục tiêu 10 bác sĩ/vạn dân) và 89,8% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc (mục tiêu 70%).

- Có 90,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (mục tiêu 90%).

- Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12,8% (mục tiêu dưới 13%).

- Có 52,1% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia (mục tiêu 50%); 80,5% học sinh tiểu học học 02 buổi/ngày (mục tiêu 80%); 23% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (mục tiêu 20%).

- Có 90% số thôn, khu phố và 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa (mục tiêu 90% số thôn, khu phố và 100% cơ quan, đơn vị).

- Diện tích sàn nhà ở đạt 20,5 m2 sàn/người (mục tiêu 20 m2 sàn/người).

- Có 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,4% số xã; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (mục tiêu 50% số xã, từ 1 - 2 huyện).

3. Về môi trường (03 chỉ tiêu)

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,8% (mục tiêu 50%).

- Dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95% (mục tiêu 95%); 85% hộ gia đình nông thôn có công trình hợp vệ sinh (mục tiêu 85%).

- Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 97,4% (mục tiêu 95%).

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Về kinh tế

Nền kinh tế 5 năm qua (2016 - 2020) có chuyển biến tích cực, các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao được tập trung triển khai và từng bước được phát huy, tiếp tục khẳng định các nhóm ngành trụ cột, đột phá sát với tiềm năng lợi thế và phù hợp xu thế.

1.1. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn:

Sản xuất nông nghiệp 5 năm qua (2016 - 2020) triển khai trong bối cảnh bị ảnh hưởng của hạn hán gay gắt kéo dài, nhưng nhờ kịp thời triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp bảo đảm thích ứng biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản để phát triển bền vững, đã góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành đến năm 2020 khoảng 11.686 tỷ đồng, tăng bình quân 6,5%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 6 - 7%/năm).

1.1.1. Trồng trọt: Phát huy được hiệu quả các công trình thủy lợi đã và đang đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại gắn với điều tiết nước hợp lý, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hạn hán gay gắt kéo dài; các mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được quan tâm triển khai, nhân rộng[1]. Một số cây trồng chính được chú trọng nâng cao chất lượng và năng suất, sản lượng tăng qua các năm[2]; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, góp phần nâng giá trị sản xuất/1 ha đất trồng trọt đạt 125,5 triệu đồng/ha, tăng 30,8 triệu đồng/ha so năm 2015, vượt 0,4% mục tiêu Kế hoạch.

1.1.2. Chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc, đã chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi trang trại tập trung, gắn với phòng chống, kiểm soát an toàn dịch bệnh đạt kết quả khá tích cực, đến nay toàn tỉnh có 39 trang trại chăn nuôi heo tập trung; quy mô đàn gia súc, gia cầm tiếp tục ổn định và có tăng trưởng, tăng bình quân 5,6%/năm[3]; chất lượng đàn gia súc được cải thiện, tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 49,9%, tăng 11,2% so năm 2015; tỷ lệ đàn dê, cừu được lai tạo giống mới đạt 85%.

1.1.3. Lâm nghiệp: Thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng; chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý rừng và đất rừng, đi đôi với tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia của người dân, trong giai đoạn 2016 - 2020 diện tích rừng trồng tập trung và khoán bảo vệ rừng tăng cao[4]; nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 ước đạt 46,8%; một số mô hình nông, lâm kết hợp tiếp tục phát huy hiệu quả[5].

1.1.4. Diêm nghiệp: Đến nay diện tích sản xuất muối toàn tỉnh có 3.266 ha, tăng 238 ha so năm 2015, sản lượng muối bình quân hàng năm đạt 420 ngàn tấn/năm, trong đó muối công nghiệp 226,8 ngàn tấn, chiếm 54%, diêm dân 193,2 ngàn tấn, chiếm 46%.

1.1.5. Sản xuất thủy sản: Chủ trương phát triển ngành thủy sản đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến được tập trung chỉ đạo và đạt kết quả; giá trị sản xuất tăng bình quân 10,6%/năm[6]. Công tác tổ chức lại nghề khai thác hải sản đạt kết quả tích cực, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại[7]; số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngư trường đánh bắt được mở rộng[8]; mô hình hợp tác sản xuất trên biển được phát huy và tiếp tục nhân rộng[9], sản lượng khai thác đạt trên 118,6 ngàn tấn, vượt 69,4% so kế hoạch đề ra (kế hoạch đến năm 2020 đạt 70-75 ngàn tấn). Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ tiếp tục triển khai đạt kết quả tích cực[10]. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá, chất lượng dịch vụ được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân[11].

Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước đạt mục tiêu đề ra và phát huy được lợi thế; năng lực sản xuất tăng nhanh, quy mô sản xuất được mở rộng[12], hàng năm cung ứng khoảng 30% nhu cầu tôm giống của cả nước, năm 2020 đạt 42,6 tỷ con, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (36 tỷ con giống), tăng bình quân 17%/năm và gấp 2,2 lần so năm 2015.

1.1.6. Xây dựng nông thôn mới và kinh tế tập thể:

Kinh tế nông thôn được tập trung chỉ đạo, bước đầu hình thành nhiều mô hình có hiệu quả, xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp [13] gắn với xây dựng nông thôn mới, đời sống nhân dân vùng nông thôn được cải thiện[14]. Kịp thời ban hành, cụ thể hóa các văn bản, quy định triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới[15]; huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả trên 2.944 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ dân sinh và phát triển sản xuất[16]; chương trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu, về đích trước một năm[17]; 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Hoạt động kinh tế tập thể được duy trì ổn định và có phát triển, đã hình thành các hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản đặc thù của tỉnh[18]; một số mô hình liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm được hình thành và đạt kết quả tích cực[19], từng bước khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn làm cầu nối liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đóng góp vào tăng trưởng chung và xây dựng nông thôn mới.

1.1.7. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, thủy sản: Hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và các khu nuôi trồng thủy hải sản tiếp tục được quan tâm đầu tư, đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ[20], trọng tâm là đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Cà Ná, Bến cá Mỹ Tân, các khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Cái, Ninh Chữ [21] và đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm tập trung Sơn Hải - Hồ Núi Một và dự án Trại thực nghiệm giống thủy sản[22], góp phần thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển theo hướng bền vững.

1.2. Công nghiệp - Xây dựng:

1.2.1. Công nghiệp: Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, từng bước được hình thành và có nhiều khởi sắc, đúng hướng, góp phần biến các khó khăn thách thức thành lợi thế cạnh tranh, đóng góp lớn cho tăng trưởng và phát triển của toàn ngành[23]. Tiềm năng, lợi thế mới về điện khí LNG, khu kinh tế trọng điểm phía Nam của Tỉnh gắn với khu công nghiệp Cà Ná, khu công nghiệp Phước Nam và cảng biển nước sâu Cà Ná được đánh giá sâu kỹ hơn, bước đầu phát huy hiệu quả, tạo ra bước phát triển mới, thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước. Các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng được tập trung thu hút và đạt kết quả bước đầu. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với nguồn nguyên liệu của địa phương được quan tâm[24]. Một số ngành hàng chính có lợi thế tiếp tục được đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô sản xuất[25]. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì ổn định, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ phát triển công nghiệp nông thôn. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 13,3%/năm.

1.2.2. Xây dựng: Công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm. Nhiều đề án quy hoạch lớn, hiện đại khu vực tiềm năng phát triển đô thị, du lịch đã hoàn thành, tạo sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược; bước đầu hình thành thị trường bất động sản[26]. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, nhất là đầu tư các khu đô thị mới[27], các tuyến đường giao thông nội thị theo hình thức BT; hạ tầng đô thị về cấp thoát nước, công viên cây xanh, vệ sinh môi trường đô thị được cải thiện rõ rệt[28]; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; chương trình phát triển nhà ở xã hội được quan tâm và đạt kết quả tích cực bước đầu[29], giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2020 đạt 7.438 tỷ đồng, tăng bình quân 17,3%/năm.

1.3. Du lịch - Thương mại - Dịch vụ:

1.3.1. Phát triển du lịch: Các khu vực tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch được khảo sát, đánh giá sâu kỹ hơn và được bổ sung vào danh mục dự án gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được tập trung triển khai[30], đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, một số dự án quy mô lớn, đẳng cấp cao được đẩy nhanh tiến độ[31]; nhiều tour, tuyến, điểm du lịch mới được hình thành, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên; lượng du khách đến tỉnh tăng nhanh, giai đoạn 2016-2020 thu hút 9.317 ngàn lượt khách, gấp 1,62 lần so giai đoạn trước[32], doanh thu du lịch năm 2020 đạt 875 tỷ đồng, tăng bình quân 7,5%/năm.

1.3.2. Phát triển thương mại: Chủ trương xã hội hóa trong đầu tư chợ và các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại đạt kết quả bước đầu[33]. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn và phát triển thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt; chương trình đưa hàng về nông thôn, miền núi và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được quan tâm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khá, đến cuối năm 2020 đạt 23.877 tỷ đồng, tăng bình quân 11,4%/năm, gấp 1,72 lần so giai đoạn trước.

1.3.3. Phát triển các ngành dịch vụ:

Dịch vụ vận tải phát triển khá, chất lượng dịch vụ được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân[34]. Dịch vụ thông tin truyền thông được duy trì, chất lượng được nâng lên, bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt[35]. Thị trường bất động sản tại tỉnh những năm gần đây được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhất là lĩnh vực về du lịch, khu đô thị, khu dân cư. Các hoạt động kinh doanh môi giới cung cấp các dịch vụ mua bán bất động sản bước đầu hình thành và có phát triển[36].

1.4. Quản lý, sử dụng tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường được tăng cường. Nhận thức về nguồn lực đất đai là động lực lớn cho phát triển từng bước được nâng lên, gắn với việc hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất[37]; hoàn thành 100% việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện[38], tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất - kinh doanh. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được tập trung chỉ đạo và cơ bản hoàn thành theo tiến độ. Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp” được triển khai và đạt kết quả bước đầu; vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, khu vực du lịch, làng nghề có chuyển biến tiến bộ; các cơ sở chế biến có lưu lượng nước thải lớn từ 200 m3/ngày đêm trở lên đều có hệ thống xử lý tập trung đạt quy chuẩn môi trường[39]. Các công trình ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường đạt một số kết quả đáng khích lệ.

1.5. Tài chính - ngân hàng:

1.5.1. Tài chính: Hoạt động thu ngân sách Nhà nước có chuyển biến cả về thu nội địa và thu hải quan, đến năm 2020 thu ngân sách ước đạt trên 3.900 tỷ đồng, về đích trước 3 năm so mục tiêu kế hoạch, tăng bình quân trên 15,3%/năm. Tổng thu 5 năm 2016 - 2020 đạt 15.531 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 12.430 tỷ đồng, chiếm 80%, tăng bình quân 9,1%/năm, thu thuế xuất nhập khẩu 3.101 tỷ đồng, chiếm 20%. Chủ trương tiết kiệm chi ngân sách, đấu thầu mua sắm tập trung triển khai thực hiện kịp thời, đẩy mạnh phân cấp ngân sách cho các huyện, thành phố; chất lượng hoạt động của các Quỹ tài chính được nâng lên. Dự kiến tổng chi ngân sách 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 25.987 tỷ đồng, tăng bình quân 9,9%/năm.

1.5.2. Ngân hàng: Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, có tăng trưởng[40]; tổng vốn huy động và dư nợ cho vay tăng khá, dự kiến đến năm 2020 tổng vốn huy động khoảng 16.900 tỷ đồng, tăng 8.671 tỷ đồng so năm 2015, tăng bình quân 15,5%/năm, dư nợ cho vay ước đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 16.520 tỷ đồng so cuối năm 2015, tăng bình quân 18,4%/năm; tình hình nợ xấu được kiểm soát; chương trình kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp được duy trì và đạt kết quả khá tích cực[41].

1.6. Kinh tế đối ngoại, phát triển các thành phần kinh tế:

- Hội nhập quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực, thông qua hoạt động các kênh ngoại giao và các hội nghị, hội thảo quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của Tỉnh, hình ảnh thương hiệu của tỉnh được biết đến nhiều hơn, đã thu hút được sự quan tâm các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ lớn trong vận động, thu hút được nhiều dự án ODA quy mô lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh[42]. Chương trình hợp tác phát triển với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Duyên hải miền Trung, triển khai ký kết hợp tác quốc tế với các tỉnh Kursk (Liên bang Nga) và tỉnh Fukui (Nhật Bản) được tập trung thực hiện, đạt kết quả bước đầu.

- Phát triển các thành phần kinh tế: Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo các tinh thần Nghị quyết của Chính phủ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, rút ngắn nhanh hơn số doanh nghiệp trên ngàn dân so bình quân cả nước[43]; quy mô và chất lượng doanh nghiệp được cải thiện đáng kể[44], đã hình thành một số doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch đẳng cấp cao và kinh doanh bất động sản[45]. Cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế tư nhân ngày càng cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm 2020 đạt trên 22.300 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần năm 2015 và chiếm 86,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách từ kinh tế tư nhân chiếm 77% tổng thu nội địa của tỉnh, giải quyết việc làm trên 28.300 lao động, chiếm 35,8% lực lượng lao động trong các cơ sở kinh tế; đóng góp trên 63,7% GRDP của tỉnh.

1.7. Về đầu tư phát triển:

Trong bối cảnh dừng chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nguồn lực đầu tư công giảm, tỉnh đã tích cực xây dựng và kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu theo tinh thần Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy; đồng thời ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch triển khai thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tập trung vào các khâu trọng điểm, đột phá của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 79.275 tỷ đồng, tăng bình quân 24%/năm; cơ cấu nguồn vốn đầu tư được chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn các thành phần kinh tế, dân cư[46]. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Một số công trình hồ chứa nước được đầu tư hoàn thành, giải quyết cơ bản nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt và sản xuất cho một số khu vực trong tỉnh; các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản, thiết yếu về giao thông, cấp thoát nước, trường học, bệnh viện được tập trung đầu tư xây mới hoặc nâng cấp mở rộng, nhất là tuyến đường ven biển và một số tuyến đường giao thông nông thôn, miền núi đầu tư hoàn thành, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa và đi lại thông suốt, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế của tỉnh, góp phần tạo đột phá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể một số lĩnh vực như sau:

- Hạ tầng giao thông: Tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối để khai thác lợi thế về hạ tầng sân bay, cảng biển của các tỉnh trong vùng; nhiều công trình quy mô lớn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới với hơn 316,6 km đường giao thông tuyến tỉnh, liên huyện; các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã miền núi được cứng hóa với hơn 206 km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải thực hiện hoàn thành đúng tiến độ dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh, đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng với 04 làn xe, với chiều dài trên 54,5km và hoàn thành trên 66 km đường giao thông thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 đoạn qua tỉnh, góp phần nâng mật độ giao thông đến cuối năm 2019 đạt 0,42 km/km2 [47] tạo thành mạng lưới đường bộ khá rộng khắp trên địa bàn tỉnh; trọng tâm là tuyến đường ven biển dài 105,8 km từ Bình Tiên đến Cà Ná, với tổng mức đầu tư trên 4.654 tỷ đồng, dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Tỉnh, phá thế chia cắt giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

- Hạ tầng thủy lợi và các công trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm theo hướng đa mục tiêu; đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 08 hồ chứa với tổng dung tích 55,88 triệu m3, nâng tổng dung tích 21 hồ chứa, đến nay đạt 194,49 triệu m3; đầu tư đồng bộ 402,61 km kênh mương cấp II, III góp phần phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập sau đầu tư; tăng thêm diện tích tưới 10.209 ha, nâng tổng diện tích được chủ động tưới toàn tỉnh đến cuối năm 2020 trên 50.260 ha, đạt tỷ lệ 60%; đầu tư 19 công trình giảm nhẹ thiên tai; hoàn thành trên 24,3 km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông[48]; xây dựng, nâng cấp 03 Khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa trên 1.000 tàu, công suất từ 220CV trở lên. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Đập hạ lưu Sông Dinh, hồ chứa nước Sông Than, hồ chứa nước Kiền Kiền... phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, với dung tích 219 triệu m3 [49].

- Hạ tầng đô thị: Đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và nâng cấp thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt tiêu chí đô thị loại II vào năm 2015; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội thị trọng điểm, hệ thống thoát nước thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và 02 thị trấn Phước Dân, Khánh Hải, đến nay cơ bản giải quyết được tình trạng ngập úng cục bộ trong đô thị; tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cấp nước đến các khu dân cư tập trung, đến cuối năm 2020 có 98% dân số đô thị được cấp nước sạch.

- Hạ tầng thương mại: Thời gian qua, hạ tầng chợ được chú trọng đầu tư phát triển, mạng lưới kinh doanh ngày càng mở rộng với nhiều phương thức kinh doanh văn minh, hiện đại; công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển chợ được thực hiện có hiệu quả; đã đầu tư hoàn thành 29 dự án chợ, siêu thị, 01 trung tâm thương mại và 21 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 35 cửa hàng tiện lợi, 02 siêu thị mini, 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh, 01 điểm bán hàng Việt; nâng tổng số đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 101 chợ[50], 06 siêu thị (02 siêu thị mini), 01 trung tâm thương mại, 122 cửa hàng xăng dầu, 35 cửa hàng tiện lợi; hầu hết các xã thuộc vùng sâu miền núi đã có chợ.

- Hạ tầng giáo dục và đào tạo: Cơ sở vật chất trường lớp học được tập trung đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia. Đến nay các xã, phường, thị trấn đều đã có trường mầm non và có từ 1 đến 2 trường tiểu học; hệ thống trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Mạng lưới dạy nghề được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội[51].

- Hạ tầng y tế: Đã đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường, các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân[52].

2. Về xã hội

2.1. Giáo dục - đào tạo:

- Giáo dục: Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học gắn với sắp xếp hệ thống trường lớp học đạt kết quả tích cực[53]; quy mô học sinh các cấp học được duy trì, chất lượng giáo dục được nâng lên[54]; giáo dục miền núi được chú trọng, tình trạng bỏ học ở các cấp giảm[55]; cơ sở vật chất trường lớp học, bao gồm hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư nâng cấp[56], đến năm 2020 có 52,1% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia[57]. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi[58]. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đạt kết quả bước đầu[59]; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến, tỷ lệ đạt chuẩn trên 99%. Xã hội hóa giáo dục được nhiều nhà đầu tư quan tâm và triển khai đạt kết quả[60].

- Đào tạo: Công tác đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo gắn với giải quyết việc làm được chú trọng triển khai. Cơ sở vật chất cho đào tạo tiếp tục được đầu tư, đã thực hiện đầu tư mở rộng trường Cao đẳng nghề, hoàn thành Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh và Đề án xây dựng và phát triển phân hiệu Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận[61]; sắp xếp, kiện toàn các Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn[62]. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề[63], đã đào tạo trên 45.705 lao động[64], tăng 9,1% so giai đoạn 2011-2015, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,17%, trong đó đào tạo nghề đạt 45,09%; hàng năm có trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo.

2.2. Phát triển khoa học và công nghệ: Công tác chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng mô hình sản xuất theo công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển sản phẩm gắn với chế biến, xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu được quan tâm thực hiện. Trong 5 năm đã triển khai thực hiện 50 đề tài, trong đó có 10 đề tài cấp Nhà nước chủ yếu tập trung các lĩnh vực chuyển giao, nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp sử dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác hợp lý trong điều kiện khô hạn, phát triển sản phẩm đặc thù gắn với chế biến, chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; hỗ trợ 180 doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho 22 sản phẩm và ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh[65].

2.3. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình:

Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ đạt kết quả tích cực. Mạng lưới y tế cơ sở và y tế dự phòng được củng cố kiện toàn[66], tình hình dịch bệnh được chủ động kiểm soát chặt chẽ; y tế cơ sở được tăng cường[67]. Các chương trình hợp tác chuyên môn kỹ thuật với các Bệnh viện thành phố Hồ Chí Minh và một số bệnh viện Trung ương thông qua Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816 triển khai đạt hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị tại chỗ cho nhân dân[68]. Các chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi và công tác vận động khám chữa bệnh từ thiện cho bệnh nhân nghèo được triển khai đạt kết quả[69]. Cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư theo hướng phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh lên hạng I[70], đạt quy mô 1.000 giường; công tác xã hội hóa y tế có bước phát triển[71]. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế được quan tâm[72]; ước đến cuối năm 2020 đạt 10 bác sĩ/vạn dân, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được triển khai thực hiện kịp thời theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và đạt kết quả. Mạng lưới cán bộ làm công tác dân số được củng cố, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản được nâng lên, hàng năm có trên 45.000 người áp dụng các biện pháp tránh thai, mức giảm sinh đến năm 2020 ước đạt 0,4%o; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm[73], tăng dân số tự nhiên đạt 1,12%.

2.4. Văn hóa, thông tin, truyền thông, thể dục - thể thao:

- Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa có chuyển biến tích cực. Hoạt động văn hóa nghệ thuật có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện; chất lượng tuyên truyền được nâng lên, kịp thời thông tin định hướng trong dư luận xã hội về những vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội nổi bật của cả nước và địa phương; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Ninh Thuận. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đạt kết quả tích cực, nhiều di sản văn hóa, nhiều di tích, thắng cảnh cấp tỉnh được công nhận và xếp hạng[74]. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tập trung triển khai và đạt mục tiêu đề ra[75].

- Thông tin, báo chí được đổi mới về nội dung và cải tiến về hình thức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao của Nhân dân. Hoạt động thông tin, truyền thông và địa bàn phủ sóng được mở rộng, thời lượng phát sóng được nâng lên. Đến năm 2020 tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, phủ sóng truyền hình đạt 100%. Hợp tác liên kết hiệu quả với các Đài trong khu vực và Trung ương, mở nhiều chuyên mục mới, đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hoạt động thể dục thể thao có bước phát triển về quy mô và chất lượng, phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, đến năm 2020 có 30,6% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, tăng 4,8% so năm 2015. Thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, tham gia thi đấu khu vực và toàn quốc đạt 233 huy chương các loại. Thể dục thể thao truyền thống được khôi phục và phát triển.

2.5. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và công tác bảo đảm an sinh xã hội:

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được tập trung chỉ đạo, đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ giúp hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo[76]. Thực hiện các chính sách người có công và an sinh xã hội đảm bảo đầy đủ, kịp thời và đúng quy định. Các hoạt động chăm sóc người có công được duy trì[77], các phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" được triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả[78].

Công tác giải quyết việc làm có chuyển biến tích cực, trong 5 năm giải quyết việc làm mới cho 83.796 lao động, bình quân mỗi năm trên 16,7 ngàn lao động, vượt mục tiêu kế hoạch và tăng 5,3% so giai đoạn 2011 - 2015, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt khá[79], tăng hơn 4,29 lần so giai đoạn 2011 - 2015.

2.6. Bình đẳng về giới và bảo đảm quyền cho trẻ em:

Việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra trong các lĩnh vực lao động việc làm, xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực y tế và giáo dục[80]; vai trò hoạt động của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ngày một gia tăng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; Công tác quy hoạch, đào tạo, giới thiệu và đề bạt cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hơn; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai, quán triệt đến các cấp, các ngành và được phổ biến đến các tầng lớp nhân dân.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến, đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em từng bước được nâng cao. Hầu hết trẻ em đều được hưởng thụ các quyền cơ bản của mình trong các dịch vụ như: khai sinh, y tế, giáo dục, các chính sách trợ cấp xã hội[81]. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi được triển khai đến các xã phường trong tỉnh[82]; công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho trẻ em được quan tâm[83]. Các hoạt động hỗ trợ về y tế, giáo dục, văn hóa cho trẻ em mồ côi, tàn tật, hoàn cảnh khó khăn tiếp tục quan tâm triển khai[84]; đến nay toàn tỉnh có 11 điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em và 72,3% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

3. Phát triển kinh tế - xã hội miền núi

Qua 5 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, của Hội đồng nhân dân tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh[85], tình hình kinh tế - xã hội khu vực miền núi có chuyển biến khá toàn diện, một số chỉ tiêu đạt khá và có khả năng hoàn thành kế hoạch. Các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ, kịp thời. Một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có hiệu quả từng bước được nhân rộng. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân được quan tâm đầu tư thông qua lồng ghép nhiều nguồn lực; đến nay các xã miền núi được đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng cấp điện, đường giao thông liên thôn liên xã, trạm y tế, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các xã đều có trường Tiểu học và Trung học cơ sở, các thôn xa trung tâm xã đều có điểm trường. Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được chỉ đạo triển khai kịp thời, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp đến người dân[86]. Công tác y tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được triển khai đạt kết quả[87], tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, dự kiến đến năm 2020 còn 14,5%, bình quân giảm 4,41%/năm; trình độ dân trí, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi được cải thiện rõ nét hơn[88]; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; dần xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu.

4. Công tác nội chính và xây dựng chính quyền

- Tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan hành chính các cấp từng bước được sắp xếp, kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung chỉ đạo chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ đột phá, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền địa phương; chất lượng tham mưu và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được nâng lên; kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ được tăng cường.

- Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo và triển khai toàn diện các lĩnh vực, ngành, địa phương; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt, tăng cường; thủ tục hành chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản và công khai cho người dân theo dõi và giám sát; nét mới là đã tập trung chỉ đạo hoàn thành quy trình thủ tục và tổ chức bộ máy đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công Tỉnh; các chỉ số về cải cách thủ tục hành chính (PAR INDEX), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số công nghệ thông tin (ICT) được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều chỉ số được cải thiện thứ hạng[89]. Công tác xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước được chú trọng và phát triển, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành, nhất là các hội nghị trực tuyến được triển khai thông suốt, hiệu quả.

- Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chất lượng được nâng lên, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp[90]. Công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra[91]. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật[92].

5. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội

Công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhất là các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổ chức các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện đạt yêu cầu đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối; công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh được quan tâm thực hiện đạt kết quả tốt, hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân hàng năm bảo đảm chất lượng, đạt 100% chỉ tiêu; thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng trong việc triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn; tổ chức tuần tra bảo vệ vùng biển và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển có kết quả; triển khai tổ chức tốt phương án huy động nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các ngày lễ, tết diễn ra tại địa phương; triển khai thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, đã góp phần bảo đảm vững chắc về an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

IV. ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT, NHỮNG HẠN CHẾ, YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN

1. Đánh giá tổng quát

Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn thuận lợi nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ của các Bộ ngành trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của người đứng đầu, đã khơi dậy lòng tin của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó nền kinh tế của tỉnh đã vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng, có 19/21 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Tình hình kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực, nền kinh tế có bước khởi sắc, vị thế của tỉnh được nâng lên, tạo được diện mạo mới, sức bật mới; chủ trương phát triển nhanh gắn với bảo vệ môi trường và tập trung phát triển mạnh các nhóm ngành đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là đúng đắn, nhiều tiềm năng lợi thế đã xác định được đánh giá sâu kỹ hơn, bước đầu phát huy hiệu quả và có bước phát triển mới, góp phần biến các khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển. Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năng lực sản xuất một số lĩnh vực tăng nhanh, nhiều nhân tố mới có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh được nhân rộng, các nhóm ngành đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, điện khí, cảng biển nước sâu, du lịch chất lượng cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, kinh doanh bất động sản đang được nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng lên. Công tác thu hút đầu tư được đổi mới và đạt kết quả tích cực, thu ngân sách tăng cao, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh, cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch đúng hướng[93], nhiều dự án quy mô lớn mang tính động lực đang xúc tiến triển khai hoặc đẩy nhanh tiến độ.

Chủ trương phát triển kinh tế biển là động lực đạt được những kết quả tích cực bước đầu, các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển được đánh giá sâu kỹ hơn và bước đầu phát huy hiệu quả, cơ cấu nội bộ ngành thủy sản chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế về sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản; du lịch biển đang được phát huy, thu hút quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược; kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước từng bước được hình thành và có nhiều khởi sắc, đúng hướng, biến các khó khăn thách thức thành lợi thế cạnh tranh.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên; chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân có chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng; công tác chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo được thực hiện tốt hơn; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt kết quả. Diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện. Công tác phòng chống hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh được thực hiện kịp thời có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt, chủ động nắm bắt thời cơ, có trọng tâm, trọng điểm; công tác cải cách hành chính có chuyển biến, tổ chức bộ máy được quan tâm sắp xếp, kiện toàn; trách nhiệm của người đứng đầu và tính chủ động của các cấp, các ngành có được nâng lên; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được triển khai toàn diện, đạt hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng tỉnh, thành khu vực phòng thủ vững chắc được quan tâm. Cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện, đạt kết quả. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và an sinh.

2. Những hạn chế, yếu kém

- Lĩnh vực kinh tế: Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nền kinh tế của Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá, nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Trong 5 năm qua có 381 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, gấp 1,9 lần so giai đoạn 5 năm 2011 - 2015. Xuất khẩu và tỷ lệ che phủ rừng không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra; thu ngân sách Nhà nước tuy có tăng cao, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên; đầu tư phát triển còn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ ngân sách trung ương, bị động trong cân đối nguồn lực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng không bền vững, chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, hiệu quả chưa cao, quy mô sản phẩm nhỏ, sức cạnh tranh thấp, diện tích một số loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả đạt thấp so mục tiêu kế hoạch đề ra, cây nho được xác định là cây chủ lực nhưng có xu hướng giảm về diện tích; đàn gia súc tuy có phục hồi nhưng còn chậm, quy mô đàn không đạt kế hoạch đề ra (93% KH); tỷ trọng chăn nuôi còn thấp, chất lượng đàn gia súc tuy có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cho công nghiệp chế biến. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp không đạt kế hoạch (11,7%/năm, KH 19 - 20%/năm); công nghiệp chế biến, chế tạo năng lực sản xuất mới tăng thêm chậm, quy mô còn nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, sản phẩm có giá trị gia tăng cao không nhiều; nhiều dự án đầu tư trọng điểm ngành công nghiệp chậm triển khai, nhất là việc triển đầu tư 3 khu công nghiệp Du Long, Phước Nam, Cà Ná chưa hoàn thành. Tỷ trọng ngành du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp trong GRDP của tỉnh, chất lượng dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm các ngành dịch vụ còn đơn điệu, hạ tầng dịch vụ chất lượng cao còn thiếu. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tuy được cải thiện nhưng còn chậm; hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn. Thu hút dự án đầu tư tuy có tăng nhanh nhưng tỷ lệ hoàn thành đưa vào hoạt động chưa nhiều. Phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm và năng lực tham mưu của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương hành chính một số nơi chưa nghiêm.

- Lĩnh vực văn hóa, xã hội: Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm. Chất lượng giáo dục còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng trong tỉnh; chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề nông thôn còn thấp, hiệu quả không cao. Khoa học và công nghệ vẫn chưa thể hiện đầy đủ vai trò nền tảng, động lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống, sản xuất còn hạn chế. Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa một số lĩnh vực chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân. Giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn xã hội, các tập tục lạc hậu… có lúc chưa thật sự hiệu quả.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân kết quả đạt được:

- Tỉnh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương, nhất là Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh tại Nghị quyết 115 đã tạo điều kiện giúp tỉnh thu hút mạnh mẽ đầu tư các thành phần kinh tế vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế như năng lượng tái tạo, điện khí, du lịch, đồng thời bổ sung nhiều nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

- Có chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tốt, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, sát tiềm năng, phù hợp xu thế; quá trình thực hiện thường xuyên bổ sung, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp tình hình mới, khác biệt, mang tính cạnh tranh cao.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; công tác dự báo, đánh giá tình hình cơ bản sát, đúng. Tư duy lãnh đạo có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo; chủ động chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội kịp thời, đúng đắn, biến các khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển. Sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tinh thần trách nhiệm người đứng đầu và tính chủ động của các cấp, các ngành được nâng lên.

3.2. Nguyên nhân những hạn chế, tồn tại:

- Khách quan: Triển khai thực hiện Kế hoạch trong bối cảnh không thuận lợi, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục khó khăn, Chính phủ thay đổi mục tiêu chiến lược, dừng triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân; cách xa các trung tâm kinh tế lớn nhưng hạ tầng quốc gia qua tỉnh còn hạn chế; biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lũ lụt, hạn hán kéo dài, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Chủ quan: Năng lực chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Trung ương vào thực tiễn ở một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế; tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ mới phát sinh còn lúng túng. Công tác phối hợp trong thực thi nhiệm vụ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, công chức viên chức trong thực thi công vụ có trường hợp chưa cao.

V. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một là, Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát thực tế để kịp thời phát hiện và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở.

Hai là, Trong chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp phải thật sự chủ động, linh hoạt, bám sát và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, cụ thể hóa kịp thời bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương; chương trình, kế hoạch toàn diện nhưng phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, chọn khâu đột phá và phải quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Ba là, Vai trò kinh nghiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị luôn được đề cao, khơi dậy tư duy đổi mới, biết khai thác cái bất lợi, khó khăn thành cơ hội, lợi thế; biết lựa chọn những vấn đề lớn, cấp bách, mang tính đột phá, tính khác biệt để tập trung tổ chức thực hiện. Phát triển kinh tế luôn gắn liền với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội.

Bốn là, Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố; sử dụng, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của địa phương, kết hợp với nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho yêu cầu phát triển.

Phần II

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025

Trong 5 năm tới 2021 - 2025, theo nhiều dự báo tình hình kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn; các vấn đề toàn cầu, đại dịch Covid- 19, tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, kinh tế tiếp tục chuyển biến, tốc độ tăng trưởng cao hơn, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; các diễn biến ở biển Đông, dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, nhiễm mặn, sạt lở đất sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó nước ta cũng có những thuận lợi khi thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều. Quy mô và tiềm năng kinh tế của đất nước được nâng cao hơn trước, những kết quả đạt được của cơ cấu lại nền kinh tế tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển đất nước. Sự ổn định chính trị, xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

Trong tỉnh, những chủ trương, quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội đã và đang triển khai sẽ tạo chuyển biến mới, động lực mới cho phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh đã tạo động lực tinh thần phấn khởi cống hiến vươn lên, cùng với việc phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh của Chính phủ tại Nghị quyết 115 và phát huy hiệu quả các công trình, dự án lớn mang tính động lực đã và đang đầu tư, khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp; nguồn lực đầu tư công hạn chế, hoạt động doanh nghiệp còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu… sẽ là những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển của tỉnh.

Trong bối cảnh tình hình có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn, đòi hỏi các cấp, các ngành trong tỉnh phải quyết tâm chính trị, nỗ lực cao hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn mới 2021 - 2025.

I. PHƯƠNG HƯỚNG CHUNG, MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

1. Phương hướng chung

Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững, kinh tế biển là động lực, đưa quy mô nền kinh tế đến cuối nhiệm kỳ tăng 1,9 lần so với năm 2020. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu xây dựng Ninh Thuận đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2025

1. Về kinh tế (05 chỉ tiêu)

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 10 - 11%/năm. Đến năm 2025, kinh tế biển chiếm khoảng 41 - 42% GRDP của tỉnh.

- GRDP bình quân đầu người đạt 113 - 115 triệu đồng/người.

- Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18 - 19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42 - 43%; dịch vụ 39 - 40%.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 100 - 105 nghìn tỷ đồng.

- Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 6.400 - 6.500 tỷ đồng.

2. Về văn hóa - xã hội (05 chỉ tiêu)

- Tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm 1,5 - 2% hằng năm.

- Có 75% số xã và 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

- Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 65%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 33%.

- 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

3. Về môi trường (03 chỉ tiêu)

- Tỷ lệ che phủ rừng là 49%.

- Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch ở đô thị và nước hợp vệ sinh ở nông thôn đạt từ 98% trở lên.

- Tỷ lệ khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn 100%.

4. Về quốc phòng - an ninh (02 chỉ tiêu)

- Tỷ lệ, xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện hằng năm đạt 70% trở lên.

- Tỷ lệ Đảng viên trong dân quân, tự vệ đạt 25% trở lên.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Về kinh tế

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế biển thật sự trở thành động lực; ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng điểm, gồm: Năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị.

1.1. Phát triển kinh tế theo nhóm ngành, lĩnh vực

1.1.1. Sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh tế nông thôn:

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi để từng bước trở thành ngành sản xuất chính. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân hàng năm 3 - 4%/năm, trong đó nông lâm nghiệp tăng 5 - 6%, thủy sản tăng 2 - 3% năm; giá trị sản xuất đạt trên 150 triệu đồng/ha đất canh tác, tỷ lệ chủ động tưới đạt 62%.

Tập trung thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 09/NQ-TU ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Tỉnh ủy; xây dựng, mở rộng liên kết sản xuất, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp bảo đảm chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra; chú trọng phát triển nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các sản phẩm có giá trị, có lợi thế cạnh tranh như: nho, táo, măng tây,... Lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng để tập trung nguồn lực nghiên cứu chuyên sâu và hỗ trợ xây dựng các vùng ứng dụng khoa học công nghệ gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch vườn,... nhằm phát huy giá trị, thương hiệu của sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng cây trồng có giá trị cao, tiết kiệm nước; cải thiện chất lượng, năng suất các loại giống cây trồng; tiếp tục đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, chuyển đổi 2.000 ha đất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả đặc thù, trong đó cây nho 2.000 ha, cây táo 1.200 ha, ổn định diện tích cây mía, mỳ gắn với nâng cao năng suất, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư các xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã và 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gắn với nâng chất lượng các tiêu chí; tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục đa dạng các mô hình chăn nuôi phù hợp tình hình thực tế gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế như: Dê, cừu,... Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao. Tập trung nâng cao chất lượng và an toàn dịch bệnh đàn gia súc; chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi trang trại tập trung, liên kết với doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh cải tiến, nâng cao chất lượng giống vật nuôi gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Từng bước sử dụng thức ăn tổng hợp kết hợp thức ăn xanh để nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia của người dân. Đẩy mạnh phát triển, nhân rộng mô hình nông - lâm kết hợp gắn phát triển chăn nuôi; tiếp tục thực hiện tốt chính sách khoanh nuôi, tái sinh rừng, trồng rừng kinh tế; khai thác, chế biến các sản phẩm từ rừng trồng; nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 49% vào năm 2025. Hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Vườn quốc gia Núi Chúa là khu dự trữ sinh quyển thế giới, gắn với bảo tồn môi trường sinh thái và phát triển du lịch.

Phát triển thủy sản theo hướng phát triển bền vững, khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, phát triển đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần. Tiếp tục phát huy hiệu quả lợi thế đặc thù, áp dụng công nghệ cao, phát huy thương hiệu (nhãn hiệu chứng nhận) để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước; ưu tiên phát triển nuôi tôm công nghiệp và các đối tượng nuôi biển có lợi thế ứng dụng công nghệ cao; cấu trúc lại vùng nuôi Đầm Nại thành khu nuôi sinh thái bền vững gắn với phát triển du lịch. Cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, chấm dứt khai thác bất hợp pháp; khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi gắn với phát triển dịch vụ trên biển, mở rộng ngư trường và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; tiếp tục tổ chức lại khai thác vùng lộng và vùng bờ gắn với phát triển mô hình đồng quản lý. Đến năm 2025, sản lượng khai thác đạt 110 - 150 nghìn tấn, sản xuất tôm giống đạt 41 tỷ con.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến muối và sản xuất các sản phẩm sau muối theo hướng sản xuất công nghiệp, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng muối, tăng giá trị gia tăng; bảo đảm đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến muối, sản xuất muối tinh, muối y tế và hóa chất sau muối. Đến năm 2025, ổn định diện tích sản xuất muối 3.100 ha, sản lượng trên 500 ngàn tấn, trong đó muối công nghiệp chiếm trên 70%.

Tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo; xây dựng Ninh Thuận là một trong những địa phương mạnh về biển. Phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trọng tâm phát triển các đột phá về: Năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; đô thị, du lịch và dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác tài nguyên khoáng sản biển khác. Từng bước nghiên cứu, quy hoạch nuôi hải sản tầng biển sâu và phát triển điện gió ngoài khơi. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế biển chiếm khoảng 41 - 42% GRDP của tỉnh.

1.1.2. Công nghiệp - xây dựng:

a) Tập trung phát triển ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Xác định năng lượng là một trong hai lĩnh vực tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp năng lượng (điện gió, điện mặt trời, điện khí, thủy điện tích năng), cảng biển, đóng tàu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và một số ngành công nghiệp khác. Mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng theo quy hoạch được duyệt, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; đồng thời đẩy nhanh xúc tiến triển khai các dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná, tổ hợp điện khí Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái. Tập trung thu hút đầu tư hiệu quả, phát triển các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam, Cà Ná, phấn đấu đến năm 2025 thu hút lấp đầy khu công nghiệp Thành Hải, đẩy nhanh tiến độ và xúc tiến kêu gọi đầu tư các Cụm công nghiệp Quảng Sơn, Phước Tiến, Hiếu Thiện; tiếp tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp khác theo quy hoạch được duyệt, phát triển các khu đô thị mới, tạo đột phá trong tăng trưởng ngành công nghiệp. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân từ 17 - 18%/năm.

Triển khai đề án phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn huyện để mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp quy mô lớn theo hướng tập trung như chế biến thủy sản, chế biến nước mắm, chế biến nông sản...; khai thác có hiệu quả làng nghề truyền thống gốm Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc gắn với du lịch văn hóa Chăm

b) Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh; chú trọng phát triển kinh tế đô thị gắn với quy hoạch đô thị; từng bước xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hài hòa, có tính kết nối cao, phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 43%. Chú trọng phát triển kinh tế đô thị, đến năm 2025 giá trị gia tăng kinh tế đô thị đóng góp 75% vào GRDP của tỉnh. Tập trung xây dựng đô thị Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại II. Xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực nâng cấp hạ tầng đô thị Tân Sơn đạt đô thị loại IV; nâng cao chất lượng các đô thị, Phước Dân, Khánh Hải; phát triển các đô thị mới Cà Ná, Vĩnh Hy, Thanh Hải và các thị trấn Lợi Hải, Phước Nam, Phước Đại. Từng bước hình thành thị trường bất động sản, phát triển đồng bộ và đa dạng nhiều loại hình nhà ở; thực hiện tốt chính sách nhà ở, quan tâm giải quyết nhà ở xã hội cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; thiết lập trật tự xây dựng đi vào nền nếp; quản lý hiệu quả thị trường bất động sản. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ diện tích sàn nhà ở bằng bình quân cả nước, đạt 25 m2 sàn /người; giá trị sản xuất tăng bình quân 16 - 17%/năm.

1.1.3. Các ngành dịch vụ:

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như du lịch, thương mại, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Phấn đấu đạt giá trị sản xuất toàn ngành dịch vụ tăng bình quân 10 - 11%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15 - 16%/năm.

- Triển khai kịp thời, tận dụng có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA; phát triển thương mại phù hợp với thị trường cả nước, tạo kết nối giữa các ngành trong thực hiện các chuỗi giá trị; đầu tư và phát huy hiệu quả các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống chợ; chú trọng phát triển hệ thống thương mại nông thôn, miền núi; phát triển thương mại điện tử, thanh toán điện tử; hình thành hệ thống phân phối theo hướng hiện đại của các tổng công ty, các nhà phân phối đa quốc gia trực tiếp tại Tỉnh; cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, các hình thức thương mại hiện đại, mua bán phục vụ tận nơi; tiếp tục thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

- Phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để khai thác tiềm năng và lợi thế của Tỉnh về du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch. Phát triển văn hóa du lịch Ninh Thuận mang tính đặc thù, văn minh, thân thiện, an toàn gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống và đa dạng sinh học. Hình thành các khu du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực ưu tiên phát triển các dự án du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo có chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực, nhất là các tuyến du lịch khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Lào và Đông bắc Campuchia. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch Duyên hải Miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 25 - 26%/năm.

- Nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển giao thông công cộng trong đô thị kết nối với các điểm du lịch. Tiếp tục đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng, mở rộng thêm các tuyến đến các khu công nghiệp, khu du lịch và vùng dân cư tập trung đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân; phát triển dịch vụ vận tải biển gắn với cảng hàng hóa Ninh Chữ, Cà Ná và bến du lịch, tiến tới hình thành và phát triển dịch vụ logistic để phát huy tốt nhất lợi thế kinh tế biển. Tổng khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 13 - 14%/năm, luân chuyển hành khách tăng bình quân 15 - 16%/năm.

- Phát triển mạnh dịch vụ kinh doanh bất động sản, từng bước hình thành thị trường bất động sản đưa vào thị trường chung của cả nước, phát triển thị trường bất động sản bao gồm dịch vụ môi giới, cho thuê bất động sản, phát triển thị trường trung gian cung cấp các dịch vụ mua bán bất động sản đã qua sử dụng và phát triển dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng các công xây dựng, chống xuống cấp.

1.1.4. Tài chính, ngân hàng:

- Tài chính: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật về thuế, khai thác có hiệu quả nguồn thu từ đất đai. Phấn đấu đến năm 2025 tổng thu ngân sách khoảng 6.400 - 6.500 tỷ đồng[94], đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn cân đối được chi thường xuyên của ngân sách tỉnh. Điều hành chính sách tài chính bảo đảm đúng Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm chi tiêu công; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng đầu tư phát triển và phúc lợi xã hội.

- Ngân hàng: Triển khai thực hiện tốt các chính sách tiền tệ quốc gia; tăng cường quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng bảo đảm hệ thống Ngân hàng hoạt động an toàn - hiệu quả và phát triển bền vững; thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp theo chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực Tỉnh có lợi thế; tiếp tục phát triển mạng lưới ngân hàng theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu vay vốn phát triển kinh tế - xã hội.

1.1.5. Kinh tế đối ngoại, phát triển các thành phần kinh tế:

- Tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức xúc tiến đầu tư, đồng thời thu hút có chọn lọc, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, tăng cường công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, hướng mạnh vào vận động, thu hút, kêu gọi đầu tư, trong đó nguồn vốn FDI được xác định là nguồn vốn hết sức quan trọng để triển khai các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, quản trị hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao tập trung vào các ngành tỉnh có lợi thế về năng lượng sạch, kinh tế biển, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới, điện tử,... Tích cực, chủ động trong tiếp cận với các nhà tài trợ, vận động các nguồn vốn ODA ưu tiên đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Đẩy mạnh hợp tác toàn diện, liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, miền Trung, nhất là với các địa phương đã ký kết chương trình hợp tác với Tỉnh trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, ưu tiên hợp tác, liên kết phát triển ngành du lịch, thương mại, đào tạo nguồn nhân lực.

- Doanh nghiệp Nhà nước: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động theo cơ chế thị trường; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước.

- Doanh nghiệp tư nhân: Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân; Khuyến khích, hỗ trợ, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, nhất là tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên bảo đảm minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 7.500 doanh nghiệp hoạt động.

- Kinh tế hợp tác: Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo đột phá phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã; tiếp tục củng cố, mở rộng kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức hợp tác xã là nòng cốt; xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

1.2. Phát triển kinh tế vùng:

1.2.1. Phát triển kinh tế - xã hội miền núi:

Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội miền núi, phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao thu nhập, thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân của cả tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu, đồng thời tăng cường quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng các công trình hiện có; làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững; tiếp tục hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt,... Tăng cường quản lý, bảo vệ tốt các loại rừng hiện có gắn với giao rừng khoán quản đến hộ gia đình, xây dựng mô hình sản xuất nông lâm kết hợp với chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào, giữ gìn môi trường sinh thái. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm bình quân trên 3%/năm, giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người vùng miền núi tăng gấp 2 lần so năm 2020.

Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, xóa đói giảm nghèo, cải thiện nâng cao mức sống, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế; bảo tồn và phát triển văn hóa; chính sách giao khoán và bảo vệ rừng, dạy nghề gắn với tạo việc làm và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

1.2.2. Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp năng lượng, trọng tâm phát triển năng lượng tái tạo, điện khí, Khu công nghiệp Phước Nam và Khu công nghiệp Cà Ná, gắn với cảng biển nước sâu Cà Ná quy mô 300.000T; ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời trên diện tích đất không chủ động nước tưới hoặc đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, xây dựng khu vực Cà Ná thành Trung tâm điện khí quốc gia, phấn đấu đạt quy mô 6000 MW; từng bước hình thành các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng điện gió, mặt trời, điện khí, sản xuất các sản phẩm phụ trợ phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo, dịch vụ Logictics cảng biển.

1.3. Đầu tư phát triển: Hoàn thành trình phê duyệt quy hoạch Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch sử dụng đất, đô thị, nông thôn phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Tập trung huy động tốt nhất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng phát triển nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng thu hút và huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, bảo đảm yêu cầu cho tăng trưởng, nâng cao tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn các thành phần kinh tế. Ưu tiên tập trung vốn cho triển khai các chương trình đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng điểm, đột phá của tỉnh, các chương trình, dự án động lực lan tỏa, tạo bức phá phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phấn đấu đạt tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 100 - 105 ngàn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so giai đoạn trước, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm 17 - 18%, vốn các thành phần kinh tế và dân cư chiếm 82 - 83% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

1.3.1. Đối với đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

Tập trung thực hiện Luật đầu tư công năm 2019, nâng cao chất lượng, hiệu quả phân bổ và quản lý vốn đầu tư công; tranh thủ, tận dụng tốt các cơ hội, nguồn lực của Cơ chế đặc thù hỗ trợ Tỉnh theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, tập trung đầu tư phát triển các tuyến giao thông kết nối các tuyến đường Quốc lộ IA, Quốc lộ 27 và tuyến đường ven biển để khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế Biển và khai thác các ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch và nông nghiệp đặc thù công nghệ cao; đầu tư hoàn thành tuyến đường giao thông liên vùng từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, phát triển các tuyến tuyến đường vành đai gắn kết với quốc lộ 27, các tuyến đường liên huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước để liên kết khai thác các vùng đất tiềm năng chưa được khai thác; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi. Đầu tư hạ tầng thủy lợi theo hướng liên thông và đa mục tiêu vừa bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất/ha đất, cung cấp nước sinh hoạt cho người và gia súc, vừa có nhiệm vụ điều tiết nước và cắt lũ cho vùng đồng bằng. Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giáo dục, y tế theo hướng hiện đại và đạt chuẩn quốc gia để nâng cao cơ sở vật chất trường lớp học, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân.

1.3.2. Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế: Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh, tập trung kêu gọi, thu hút có chọn lọc các nguồn lực từ bên ngoài, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm (năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao, nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, kinh tế đô thị), động lực phát triển (kinh tế biển); tập trung đầu tư hoàn thành dự án điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW; ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là quy hoạch điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII; các dự án du lịch tiềm năng, khu nghỉ dưỡng sang trọng đẳng cấp quốc tế; thu hút các dự án sản xuất công nghiệp để nâng cao lắp đầy các khu công nghiệp Thành Hải, Du Long, Phước Nam, Cà Ná và các cụm công nghiệp Quảng Sơn, Phước Tiến, Hiếu Thiện.

1.4. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu:

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, có chế tài đủ mạnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước; xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp. Tăng cường quản lý đất rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; tăng cường kiểm soát các hoạt động khai thác tài nguyên, các nguồn gây ô nhiễm; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết loại trừ việc đầu tư xây dựng với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

2. Về xã hội

2.1. Giáo dục - đào tạo:

- Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện gắn với rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục giữa các vùng trong tỉnh, đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS. Tập trung triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, không để xảy ra tiêu cực trong giáo dục và thi cử; tiếp tục rà soát nâng tỷ lệ và chất lượng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp học và các cơ sở đào tạo, hoàn thành Chương trình đổi mới giáo dục để đến năm 2025, có 65% trường phổ thông và 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đồng thời nâng chất lượng các trường đã đạt chuẩn; đầu tư hoàn thành Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Trãi.

- Xây dựng cơ chế nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ các ngành nghề mũi nhọn, đột phá. Phát triển Phân hiệu Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh thành phân hiệu mạnh làm nòng cốt hướng đến hình thành trường Đại học đa ngành khi đủ điều kiện; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, xúc tiến hợp tác với các tổ chức có uy tín, có thương hiệu thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh.

2.2. Phát triển khoa học - công nghệ:

Triển khai và thực hiện có hiệu quả các Chương trình phát triển khoa học - công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, phát huy năng lực sáng tạo của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Lựa chọn, tập trung phát triển công nghệ mới, đầu tư nghiên cứu các đề tài, dự án phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhất là các đề tài có tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

2.3. Hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, báo chí:

- Thực hiện phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; có kế hoạch bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng trong các lễ hội văn hóa; gắn chặt và phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ, giữ gìn văn hóa cho các thế hệ sau. Tiếp tục thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Triển khai có hiệu quả phong trào toàn dân rèn luyện thân thể, chú trọng phát triển thể thao quần chúng, khôi phục các trò chơi dân gian, các hội thi truyền thống; quan tâm phát triển thể thao thành tích cao. Phấn đấu đến năm 2025 có 95% thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 95% hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa và 37% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

- Tập trung quản lý nâng cao chất lượng hoạt động của lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin truyền thông. Hiện đại hóa công nghệ phát thanh-truyền hình, đảm bảo phủ sóng phát thanh - truyền hình chất lượng cao đến tất cả các địa bàn dân cư.

2.4. Công tác dân số và chăm sóc sức khỏe Nhân dân:

Tiếp tục thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ y tế theo hướng đa dạng hóa, đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và khuyến khích các hình thức chăm sóc sức khỏe tại nhà, mô hình bác sĩ gia đình. Phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; có thêm 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 100% số xã.

2.5. Lao động việc làm, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội:

Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều, nhất là quan tâm các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt các chính sách người có công với cách mạng và an sinh xã hội; nâng chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề, gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 1,5 - 2%, trong đó huyện nghèo giảm trên 4%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

- Lao động, việc làm: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giải quyết việc làm, góp phần thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Coi trọng chất lượng đào tạo, đi đôi với mở rộng quy mô đào tạo đa ngành để phục vụ nhu cầu chuyển đổi nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập người lao động; đồng thời lựa chọn một số ngành có lợi thế để ưu tiên đầu tư, tạo thương hiệu về đào tạo nghề trong khu vực, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập. Phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở đào tạo hiện có và xúc tiến mời gọi đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo có thương hiệu tại tỉnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo ở nông thôn, miền núi, đặc biệt là huyện nghèo Bác Ái. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đào tạo nghề. Phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động.

- Về công tác giảm nghèo: Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội (khóa XIV), bằng nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, đồng bộ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chương trình dự án để thực hiện giảm nghèo bền vững trên cùng địa bàn, dành nguồn vốn ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng ven biển, các xã có tỷ lệ nghèo cao. Tổng kết và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, xây dựng các mô hình giảm nghèo ở từng vùng; giảm dần chênh lệch về phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân giữa các vùng, miền và các tầng lớp dân cư trong tỉnh.

- Về chính sách đối với người có công: Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sỹ, nhất là chính sách ưu đãi và nâng cao mức sống đối với người có công. Duy trì và phát triển Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; đẩy mạnh các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, huy động thêm các nguồn lực để sớm đạt mục tiêu nâng cao mức sống của các đối tượng chính sách ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.

- Về chính sách an sinh xã hội: Mở rộng các hình thức trợ giúp, cứu trợ đối với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người bị nhiễm chất độc da cam, nhiễm HIV/AIDS. Ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và mở rộng việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho mọi đối tượng.

Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội thông qua phát triển và củng cố các quỹ của xã hội và đoàn thể, thu hút sự tham gia và nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển mạng lưới an sinh xã hội, trong đó Mặt trận Tổ quốc các cấp từ tỉnh đến cơ sở chủ trì và phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể quần chúng xây dựng các phương thức vận động các cơ quan, doanh nghiệp và dân cư tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ các đối tượng nghèo.

2.6. Bình đẳng về giới và bảo đảm quyền cho trẻ em:

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục nghề nghiệp; khắc phục khoảng cách giới, tạo điều kiện thúc đẩy việc làm bền vững, an sinh xã hội cho phụ nữ. Chú trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em, bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em[95], bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[96], phòng ngừa bạo lực, xâm hại và tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường các giải pháp nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt cho trẻ em và các đối tượng yếu thế[97].

3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền và mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và hiệu quả tổ chức thực hiện; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động; nâng chất lượng hoạt động bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, có năng lực chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ; tạo môi trường, điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá cấp Tỉnh (PAR INDEX, PAPI, SIPAS, PCI, ICT,...); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, đạo đức, không còn uy tín.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn. Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đề cao, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

4. Quốc phòng, an ninh

Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và Nhân dân trong Tỉnh về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tập trung xây dựng nền quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc. Quan tâm hỗ trợ đầu tư các công trình quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng và bảo đảm an ninh.

Thường xuyên chủ động nắm chắc tình hình, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, vô hiệu hóa các hoạt động thâm nhập tác động chuyển hóa nội bộ; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động. Thường xuyên đảm bảo an ninh trật tự, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, dự án kinh tế - xã hội. Đấu tranh ngăn chặn, làm giảm các loại tội phạm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, chỉ đạo xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KINH TẾ - XÃ HỘI TRỌNG ĐIỂM

1. Hạ tầng giao thông

- Ưu tiên đầu tư một số tuyến giao thông quan trọng, tạo kết nối với các tỉnh trong vùng và cả nước. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam;

- Phát triển mạng lưới giao thông kết nối với các tuyến đường Quốc lộ IA, Quốc lộ 27 và tuyến đường ven biển để khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trọng tâm ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường 21 tháng 8, đường đôi vào hai đầu thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (đoạn phía Nam), các tuyến đường liên huyện kết nối với 2 hành lang Quốc lộ 1A và đường ven biển, các tuyến đường vành đai của tỉnh gắn kết với quốc lộ 27, các tuyến đường liên huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước, một số tuyến đường giao thông đến các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi.

- Tập trung thu hút đầu tư cảng biển tổng hợp Cà Ná đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 tấn; các cảng chuyên dùng phục vụ du lịch Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ; nâng cấp và mở rộng các cảng cá kết hợp làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền.

2. Hạ tầng thủy lợi và các công trình phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi theo quy hoạch đảm bảo đồng bộ từ các công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương nội đồng; thực hiện đấu nối liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi. Huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư một số hồ chứa nước như hồ Phước Hà, hồ Quảng Sơn…; triển khai xây dựng hệ thống kênh mương cấp II, III để phát huy tốt nhất hiệu quả các hồ chứa đã đầu tư. Tiếp tục đầu tư các dự án theo mô hình “hệ thống thủy - lâm kết hợp” nhằm mục tiêu gắn thủy lợi với trồng rừng, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án đầu tư phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ nhằm hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhất là các xã vùng ven biển, vùng cửa sông; tranh thủ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và huy động các nguồn tài trợ ODA để đầu tư các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, chống sạt lở.

3. Hạ tầng đô thị

Phát triển đô thị theo hướng hình thành hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, đô thị thông minh, tận dụng lợi thế về địa kinh tế của Tỉnh và phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn quá trình đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, kết hợp cải tạo với xây dựng mới, lấy đô thị trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm làm động lực, phát triển các đô thị vệ tinh ở các vùng huyện.

4. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Tiếp tục triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp Thành Hải, Du long, Phước Nam (giai đoạn II), Cà Ná. Quy hoạch phát triển hệ thống cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện với quy mô từ 30 - 50 ha để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân; ưu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch chi tiết.

5. Hạ tầng văn hóa - xã hội

Tiếp tục đầu tư nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới khám chữa bệnh, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 32 giường bệnh/10.000 dân, có thêm 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 100% số xã; đầu tư đồng bộ cơ sở y tế với hệ thống thiết bị hiện đại và xử lý chất thải y tế. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng y tế, khuyến khích đầu tư thành lập bệnh viện tư nhân và các loại hình y tế ngoài công lập.

Đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp học và các cơ sở đào tạo, dạy nghề; phối hợp Bộ Giáo dục Đào tạo đầu tư cơ bản hoàn thành Phân hiệu trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh; tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học theo Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, Đề án đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục mầm non và phổ thông; đến năm 2025 có 65% trường phổ thông và 30% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đồng thời đầu tư nâng chất lượng các trường đã công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh. Xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, xã; tập trung ưu tiên đầu tư các công trình văn hóa, thể thao quan trọng đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô cấp quốc gia và quốc tế trên địa bàn tỉnh.

V. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá:

- Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bám sát Quy hoạch tỉnh gắn với triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ; đồng thời rà soát, bổ sung và cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh, trọng tâm là các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh, chính sách tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chính sách thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực tỉnh có lợi thế về năng lượng, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; các cơ chế liên kết phát triển vùng, nhất là lĩnh vực du lịch, liên kết tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Phát triển nhanh nguồn nhân lực: Tăng cường năng lực cho đào tạo nghề theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực; liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ các ngành trụ cột, đột phá; đào tạo người lao động gắn yêu cầu của doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực phải kết nối với đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và gắn với phát triển chương trình khởi nghiệp và tăng cường năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ: Tranh thủ, tận dụng tối đa các nguồn lực từ các chính sách đã ban hành, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; đổi mới phương thức huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là đầu tư các tuyến giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ IA, Quốc lộ 27 và tuyến đường ven biển; các tuyến đường vành đai; các tuyến đường liên huyện để liên kết khai thác những vùng đất tiềm năng chưa được khai thác; đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi theo hướng liên thông và đa mục tiêu để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất/ha canh tác; hạ tầng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường.

2. Nhóm giải pháp về ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực tài nguyên đất đai:

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ đủ mạnh, đủ sức tiếp cận thành quả của nền kinh tế tri thức; thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường. Xây dựng chương trình hợp tác liên kết với các tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước để nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất.

- Điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, trữ lượng tài nguyên khoáng sản; áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên khoáng sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản và quản lý môi trường, tiến tới đấu thầu quyền khai thác tài nguyên. Xử lý nghiêm việc khai thác tài nguyên không phép, trái phép. Đẩy mạnh công tác thăm dò, đánh giá tiềm năng nước mặt và nước ngầm. Triển khai thực hiện các giải pháp lưu giữ và sử dụng tiết kiệm các nguồn nước. Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Giải pháp về phát huy nội lực và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài:

Nâng cao hiệu lực quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; khai thác có hiệu quả nguồn thu, nhất là thu bền vững từ các ngành đột phá, trụ cột của tỉnh; đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản để trở thành nguồn thu chủ lực trong nguồn thu cân đối của tỉnh; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

4. Chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Tập trung đầu tư những công trình văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở để đáp ứng nhu cầu tinh thần và nâng cao thể chất cho người dân, đẩy mạnh thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với cân đối các nguồn lực toàn xã hội thông qua việc triển khai các chương trình, đề án giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình việc làm giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo việc làm mới; thu hút lao động vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sát với nhu cầu xã hội.

5. Nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình:

Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm; Phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh ở tuyến tỉnh, huyện; tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

6. Đẩy mạnh xã hội hóa đối với chăm sóc người có công và đối tượng yếu thế trong xã hội:

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng và sửa nhà ở cho người có công, góp phần nâng cao mức sống gia đình người có công trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất. Tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động.

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh:

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, đúng luật định; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách thể chế, công tác cán bộ và hiện đại hóa các cơ quan quản lý Nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản.

8. Triển khai xây dựng các chương trình, đề án để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững

Tổ chức rà soát, đánh giá 9 Chương trình, Đề án đã triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 để tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: (1) Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018 - 2023 theo Nghị quyết 115 của Chính phủ; (2) Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; (3) Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (4) Huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết phát triển kinh tế - xã hội; (5) Đẩy mạnh phát triển công nghiệp; (6) Phát triển kinh tế biển để trở thành động lực; (7) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Ninh Thuận; (8) Tăng cường công tác cải cách hành chính; (9) Tăng cường công tác giảm nghèo bền vững.

Đồng thời triển khai xây dựng 12 Chương trình, Đề án mới, gồm: (1) Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; (2) Xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; (3) Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh; (4) Phát triển kinh tế đô thị, trọng tâm là từng bước xây dựng Phan Rang-Tháp Chàm thành thành phố thông minh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; (5) Ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; (6) Đề án tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; (7) Đề án thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (8) Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; (9) Chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (10) Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030; (11) Đề án Phát triển sản xuất giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030; (12) Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Căn cứ Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm bằng kế hoạch cụ thể hàng năm.

b) Trên cơ sở Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành khung theo dõi đánh giá thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm theo kết quả đầu ra. Tổ chức đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp để hoàn thành thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

c) Trên cơ sở khả năng vốn ngân sách địa phương cân đối hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Tài chính tham mưu xác định danh mục công trình sử dụng vốn ngân sách địa phương theo thứ tự ưu tiên; tìm các giải pháp tích cực và hữu hiệu huy động cao nhất các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đạt mục tiêu đề ra.

2. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Trên cơ sở Kế hoạch này, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hoàn thiện kế hoạch 5 năm của ngành, địa phương mình và cụ thể hóa vào kế hoạch hàng năm nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai xây dựng và ban hành một số chương trình, đề án trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch này.

c) Chủ động triển khai các biện pháp huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của ngành và địa phương mình.

d) Hàng năm, các sở, ngành và địa phương tổ chức đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa phương mình được phân công; giữa kỳ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phục vụ công tác đánh giá chung của tỉnh./.

(Đính kèm: Hệ thống biểu mẫu về kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025)

PHỤ LỤC I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020
(kèm theo Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Biểu số 1

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

A

Chỉ tiêu về kinh tế

1

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP-Giá ss 2010)

tỷ đồng

12.030,5

12.030,5

19.220

20.176

12.773

14.245

15.442

17.987

20.176

10,9

167,7

- Tốc độ tăng trưởng

%

4,6

7,3

10-11

10,90

6,2

11,5

8,40

16,5

12,17

Đạt

a

Giá trị gia tăng các ngành:

Trong đó:

- Nông lâm ngư nghiệp

tỷ đồng

4.028,6

4.028,6

5.380

5.998,9

4.121

4.841

5.112

5.914

5.999

8,3

148,9

Tốc độ tăng

%

-5,8

3,3

5-6

8,3

2,3

17,5

5,6

15,7

1,4

- Công nghiệp - xây dựng

tỷ đồng

2.565,8

2.565,8

5.120

6.333,7

2.699

2.796

3.247

4.363

6.334

19,8

246,9

Tốc độ tăng

%

13,0

11,6

14-15

19,8

5,2

3,6

16,1

34,4

45,2

- Dịch vụ

tỷ đồng

4.716,1

4.716,1

8.720

6.535

5.126

5.753

6.180

6.431

6.535

6,7

138,6

Tốc độ tăng

%

8,6

7,4

11-12

6,7

8,7

12,2

7,4

4,1

1,6

b

Thuế sản phẩm

tỷ đồng

720,0

720,0

1.309

827

855

903

1.279

1.309

12,7

181,8

Tốc độ tăng

%

18,6

25,0

12,7

14,8

3,5

5,6

41,6

2,4

2

GRDP theo giá hiện hành

tỷ đồng

16.482,1

16.482,1

36.014

17.789

20.438

24.325

30.578

36.014

16,9

218,5

3

GRDP bình quân đầu người

triệu đồng

27,7

27,7

58-60

60,7

29,6

33,7

39,8

51,7

60,7

17,0

219,3

Đạt

- Quy đổi ra USD/người

USD/người

1.276

1.276

2.683

1.349

1.501

1.758

2.288

2.683

16,0

210,3

4

Cơ cấu kinh tế

Đạt

- Nông lâm ngư nghiệp

%

38,7

38,7

28-29

28,4

37,3

38,5

37,6

33,0

28,4

- Công nghiệp - xây dựng

%

22,4

22,4

30-31

34,9

22,3

20,4

22,3

27,0

34,9

- Dịch vụ

%

38,9

38,9

39-40

36,7

40,4

41,1

40,1

40,0

36,7

5

Giá trị sản xuất theo giá ss 2010

tỷ đồng

24.639,0

24.639,0

40.212,5

26.011,4

29.224,1

32.144,0

36.846,9

40.212,5

10,3

163,2

a

Nông lâm thủy sản

tỷ đồng

8.541,1

8.541,1

11.686,5

8.794,3

10.300,4

10.858,9

11.549,5

11.686,5

6,5

136,8

- Nông lâm nghiệp

"

4.337,3

4.337,3

4.728,5

4.224,5

4.746,0

4.733,5

5.044,4

4.728,5

1,7

109,0

- Thủy sản

"

4.203,8

4.203,8

6.958,0

4.569,8

5.554,4

6.125,4

6.505,1

6.958,0

10,6

165,5

b

Công nghiệp - xây dựng

tỷ đồng

8.471,2

8.471,2

16.971,5

8.481,6

9.843,8

11.308,4

13.848,2

16.971,5

14,9

200,3

- Công nghiệp

"

5.116,4

5.116,4

9.532,7

5.396,2

5.703

6.380

7.404,9

9.532,7

13,3

186,3

- Xây dựng

"

3.354,8

3.354,8

7.438,8

3.085,4

4.140,7

4.929

6.443,3

7.438,8

17,3

221,7

c

Dịch vụ

tỷ đồng

7.626,7

7.626,7

11.554,5

8.735,5

9.079,9

9.976,7

11.449,2

11.554,5

8,7

151,5

6

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

tỷ đồng

8.780

33.175

51.000 - 55.000

79.275

8.320

8.850

13.845

22.500

25.760

24,0

239,0

Đạt

7

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn

triệu USD

94,0

94,0

575

102,7

103,0

322,2

620,0

575

43,7

- Kim ngạch xuất khẩu

triệu USD

60,1

60,1

150

90

80,2

75,5

85

100

90

8,4

149,9

Không đạt

Trong đó:Xuất khẩu địa phương

"

60,1

60,1

90

80,2

75,5

85

100

90

8,4

149,9

- Kim ngạch nhập khẩu

triệu USD

33,9

33,9

485

22,5

27,5

237,2

520

485

70,3

1430,7

8

Thu ngân sách trên địa bàn

tỷ đồng

1.918

7.763,6

2.800- 3.000

15.531

2.104

2.317

2.967

4.243

3.900

15,3

200,1

Đạt

- Thu nội địa

"

1.749,5

6.223,4

12.430

2.094

2.292,6

2.470,1

2.873

2.700

9,1

199,7

- Thu từ thuế xuất nhập khẩu

"

168,5

1.540,2

3.101

10

24,4

496,9

1.370

1.200

48,1

201,4

9

Chi ngân sách địa phương

tỷ đồng

3.991

17.508

25.622

4.120

4.044

5.279

5.778

6.401

9,9

146,3

Trong đó: Chi thường xuyên

tỷ đồng

1.514

11,272

15.987

2.808

2.910

3.190

3.079

4.000

21,4

141,8

B

Chỉ tiêu về xã hội

Dân số - y tế

1

Dân số trung bình

103 người

595,9

595,9

640

593,6

601,4

606,9

611,8

591,0

593,6

2

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

1,17

1,17

1,12

1,12

1.167

1.166

1.130

1.125

1,12

Đạt

3

Tỷ lệ sinh

%o

16,7

16,7

14,69

16,37

15,91

15,49

15,09

14,69

4

Mức giảm sinh

%o

0,7

0,7

0,4

0,33

0,46

0,42

0,41

0,4

5

Số bác sĩ/10.000 dân

bác sĩ/ 10.000 dân

7,4

7,4

10

10,0

7,7

7,8

7,8

9,1

10,0

6,2

135,1

Đạt

6

Tỷ lệ trạm y tế xã phường, thị trấn có bác sĩ làm việc

%

60

60

70

89,8

61,5

66,2

80,0

88,1

89,8

Đạt

7

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế

%

61,5

61,5

90

90,8

66,2

75,4

78,5

89,2

90,8

Đạt

8

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn

%

18

18,0

<13

12,8

17,0

16,0

15,0

13,9

12,8

Đạt

9

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

%o

4,1

4,1

5,2

5,1

3,9

3,1

3,5

5,2

Giáo dục - Đào tạo

10

Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia

%

30,2

30,2

50

52,1

34,7

36,4

39,3

46,3

52,1

Đạt

11

Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

%

50,1

50,1

80

80,5

55,0

58,8

63,5

76,0

80,5

Đạt

12

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

%

10,1

10,1

20

23,0

10,0

13,0

15,9

23,0

23,0

Đạt

13

Số LĐ được giải quyết việc làm mới

103 người

16.091

79.590

77,5

83.796

16.040

16.532

16.667

17.174

17.383

1,6

105,3

Đạt

14

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

50,4

50,4

60

60,17

52,2

54,1

56,86

59,85

60,17

Đạt

Trong đó: Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

%

33,5

33,5

45

45,09

35,8

38,2

40,52

42,88

45,09

15

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị

%

5,24

5,24

4,13

4,92

4,06

5,15

4

4,13

16

Tỷ lệ hộ nghèo còn (theo chuẩn mới)

%

5,77

5,77

5,33

12,54

10,36

8,34

6,74

5,33

17

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,76

1,94

1,5-2

1,92

2,39

2,18

2,02

1,60

1,41

Đạt

Văn hóa

18

Tỷ lệ thôn, khu phố đạt chuẩn về văn hóa

%

71,6

71,6

90

90,0

73,1

79,9

85,1

87,6

90,0

Đạt

19

Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa

%

98

98

100

100

98

99

100

100

100

Đạt

Xây dựng

20

Diện tích sàn nhà ở bình quân

m2 sàn/người

20

20,5

17,1

17,6

18,3

19,6

20,5

Đạt

Nông thôn mới

21

Số huyện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

huyện

1-2

2

2

Đạt

22

Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

%

23,4

23,4

50

57,4

34,0

36,2

42,6

53,2

57,4

Đạt

C

Chỉ tiêu về môi trường

1

Tỷ lệ thành phố, thị trấn được thu gom rác thải

%

94

94

95

97,4

90

95,95

96,2

97,4

Đạt

2

Tỷ lệ thành phố, thị trấn được xử lý chế biến rác thải

%

100

100

100

100

100

100

100

100

3

Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

100

100

100

100

100

100

100

100

4

Tỷ lệ che phủ rừng

%

44,1

44,1

50

46,8

42,0

42,27

42,34

45,6

46,8

Không đạt

5

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh

%

87,0

87

95

95,0

89

90,5

93

94

95

Đạt

6

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình hợp vệ sinh

%

70,0

70

85

85,0

72,0

74,0

75,0

79,0

85,0

Đạt

Biểu số 2

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

1

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010)

tỷ đồng

8.541,1

8.541,1

11.686,5

8.794,3

10.300,4

10.858,9

11.549,5

11.686,5

6,5

136,8

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất

%

-6,7

4,9

6-7

6,5

3,0

17,1

5,4

6,4

1,2

Đạt

- Nông lâm nghiệp

tỷ đồng

4.337,3

4.337,3

4.728

4.224,5

4.746,0

4.733,5

5.044,4

4.728,5

1,7

109,0

+ Nông nghiệp

tỷ đồng

4.282,4

4.282,4

4.647

4.153,7

4.669,7

4.635,3

4.963,9

4.647,0

1,6

108,5

. Trồng trọt

"

3.105,9

3.105,9

3.142

2.996,7

3.417,6

3.275,1

3.487,5

3.142,2

0,2

101,2

. Chăn nuôi

"

1.021,6

1.021,6

1.361

985,4

1.063,9

1.191,3

1.304,5

1.360,5

5,9

133,2

. Dịch vụ

"

154,9

154,9

144

171,6

188,2

168,8

171,9

144,3

-1,4

93,2

+ Lâm nghiệp

tỷ đồng

54,9

54,9

81,5

70,8

76,3

98,2

80,5

81,5

8,2

148,4

- Thủy sản

tỷ đồng

4.203,8

4.203,8

6.958

4.569,8

5.554,4

6.125,4

6.505,1

6.958,0

10,6

165,5

+ Khai thác

"

2.910,3

2.910,3

4.719

3.200,9

3.803,3

4.255,0

4.487,1

4.719,2

10,2

162,2

+ Nuôi trồng

"

1.293,5

1.293,5

2.239

1.368,9

1.751,1

1.870,4

2.018,1

2.238,8

11,6

173,1

Trong đó: Sản xuất giống

"

637,1

637,1

1.415

711,0

889,5

1.007,7

1.147,5

1.414,7

17,3

222,1

2

Giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác

triệu đồng/ha

94,7

94,7

125

125,5

98,3

113,6

115

120

125,5

5,8

132,5

Đạt

3

Diện tích chủ động tưới

ha

34.582

34.582

50.260

34.582

34.791

43.175

45.000

50.260

7,8

145,3

- Tỷ lệ diện tích được chủ động tưới trong hệ thống thủy lợi

%

49,7

49,7

60

60

49,7

50

51,5

53,7

60

Đạt

4

Sản phẩm chủ yếu:

- Sản lượng lương thực có hạt

nghìn tấn

273,4

273,4

247,6

257,4

327,7

292,8

310,3

247,6

-2,0

90,6

Trong đó:+ Lúa

"

224,6

224,6

200,7

211,8

276,6

243,3

262,8

200,7

-2,2

89,4

+ Ngô

"

48,7

48,7

46,9

45,5

50,7

49,5

47,5

46,9

-0,7

96,3

- Sắn

tấn

73.690

73.690

96.295

55.388

67.902

60.093

88.935

96.295

5,5

130,7

- Mía

tấn

160.940

160.940

120.203

149.480

176.244

201.300

186.871

120.203

-5,7

74,7

- Thuốc lá

tấn

842

842

122

335

126

109

98,1

122,2

-32,0

14,5

- Nho

tấn

30.078

30.078

26.871

25.810

25.605

24.450

25.367

26.871

-2,2

89,3

- Táo

tấn

39.943

39.943

35.317

34.043

30.199

34.814

35.241

35.317

-2,4

88,4

- Hạt điều

tấn

1.196

1.196

1.060

907

807

947

1.069

1.060

-2,4

88,6

- Măng tây

tấn

1.185

1.185

4.126

1.403

2.835

4.061

3.782,6

4.126,1

28,3

348,2

- Rau, đậu các loại

+ Rau ....

tấn

122.173

122.173

147.200

130.167

144.261

140.373

144.753

147.200

3,8

120,5

+ Đậu ....

tấn

3.340

3.340

4.950

4.296

3.692

3.178

4.200

4.950

8,2

148,2

5

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm

ha

70.248

70.248

68.600

78.567

86.988

81.715

82.268

68.600

-0,5

97,7

Trong đó:

- Lúa cả năm

ha

37.258

37.258

32.508

41.315

48.435

42.939

44.347

32.508

-2,7

87,3

- Chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng khác có hiệu quả, tiết kiệm nước

ha

489

570

2.003

200

179,0

182,0

477,0

965

14,6

351,4

- Ngô

ha

11.775

11.775

10.162

11.675

12.852

11.726

11.033

10.162

-2,9

86,3

- Sắn

ha

3.232

3.232

3.000

5.194

2.801

3.352

2.899

4.478

5.194

10,0

160,7

Đạt

- Mía

"

3.105

3.105

5.000

2.347

2.972

3.364

3.534

3.562

2.347

-5,4

75,6

Không đạt

- Thuốc lá

"

373

373

52

151

72

52

45

52

-32,6

13,9

- Nho

"

997

997

2.000

1.153

1.126,0

1.123

1.249

1.108

1.153

2,9

115,6

Không đạt

- Táo

ha

901

901

1.200

914

890,1

894

1.017

916

914

0,3

101,5

Không đạt

- Điều

"

2.957

2.957

3.083

2.790

2.922

3.073

3.064

3.083

0,8

104,3

- Măng tây

"

50

50

497

60

83

100

411,7

496,6

58,3

993,2

- Cỏ chăn nuôi

"

1.870

1.870

1.120

904

1.045

1.105

1.100

1.120

-9,7

59,9

- Rau, đậu các loại

+ Rau ....

Ha

6.442

6.442

9.200

7.286

8.382

8.442

9.180

9.200

7,4

142,8

+ Đậu ....

Ha

4.573

4.573

4.500

6.118

5.027

4.304

4.000

4.500

-0,3

98,4

6

Lâm nghiệp

- Tỷ lệ che phủ rừng

%

44,1

44,1

50

46,8

42

42,27

42,34

45,6

46,8

Không đạt

- Trồng mới rừng tập trung

ha

575

2.330

3.347,1

803

695

344,6

662

842,5

7,9

143,7

- Bảo vệ rừng

ha

17.126

50.526

321.388

66.366

66.366

61.181

60.888

66.587

31,2

636,1

- Khoanh nuôi rừng tái sinh

ha

17.293

660

3.530

5.781

4.295

3.027

- Sản lượng gỗ khai thác

m3

1.424

32.620

1.650

4.513

2.214

+ Gỗ tự nhiên

"

1.424

32.408

1.650

+ Gỗ rừng trồng

"

212

4.513

2.214

7

Chăn nuôi

- Tổng đàn gia súc

nghìn con

354,824

354,824

514

465,366

501,473

507,426

491,402

454,855

465,366

5,6

131,2

Không đạt

Trong đó: Gia súc có sừng

nghìn con

273,518

273,518

373,681

409,956

415,199

401,062

365,897

373,681

6,4

136,6

+ Tổng đàn bò

"

91,7

91,7

120,793

112,68

112,444

120,018

118,836

120,793

5,7

131,7

Trong đó: Tỷ lệ sind hóa đàn bò

%

38,7

38,7

50

49,900

39,8

40,5

41,0

42,0

49,9

Không đạt

+ Tổng đàn trâu

nghìn con

3,653

3,653

3,933

3,786

3,860

3,845

3,843

3,933

1,5

107,7

+ Tổng đàn dê

"

82,633

82,633

132,286

127,732

137,967

135,189

128,700

132,286

9,9

160,1

+ Tổng đàn cừu

"

95,532

95,532

116,669

165,758

160,928

142,010

114,518

116,669

4,1

122,1

- Tỷ lệ lai tạo giống mới đàn dê, cừu

%

80,0

80,0

90

85

81

82

83

84

85

Không đạt

- Tổng đàn lợn

nghìn con

81,306

81,306

92

91,517

92,227

90,3

88,958

91,685

2,4

112,8

- Tổng đàn Gia cầm

nghìn con

1.364

1.364

2.160

1.411

1.466

1.549

1.922

2.160

9,6

158,4

- Sản lượng thịt hơi các loại

nghìn tấn

22,973

22,973

33

21,415

24,402

28,482

31,463

33,182

7,6

144,4

Trong đó: + Thịt hơi gia súc

"

18,988

18,988

27,1

17,852

20,071

24,447

25,963

27,125

7,4

142,9

+ Thịt hơi gia cầm

"

3,985

3,985

6,1

3,563

4,331

4,035

5,500

6,057

8,7

152,0

8

Đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản

a)

Diện tích nuôi trồng thủy sản

ha

1.154

1.154

938

936

1.162

1.172

1.112

938

-4,1

81,3

Tr.đó: Nuôi tôm

"

823,0

823

730

724

927

944

879

730

-2,4

88,7

b)

Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản

tấn

85.686

85.686

128.415

91.765

108.452

117.990

124.358

128.415

8,4

149,9

Chia ra:

- Sản lượng nuôi trồng thủy sản

tấn

10.114

10.114

9.725

8.158

9.501

10.190

10.753

9.725

-0,8

96,2

Tr.đó: Sản lượng tôm nuôi

"

7.093

7.093

12.000

6.009

5.790

7.311

7.027

6.816

6.009

-3,3

84,7

Không đạt

- Sản lượng khai thác hải sản

"

75.572

75.572

70.000- 75.000

118.690

83.607

98.951

107.800

113.605

118.690

9,4

157,1

Đạt

- Năng lực tàu thuyền

chiếc

2.735

2.735

2.475

2.759

2.771

2.517

2.467

2.475

-2,0

90,5

CV

276.318

276.318

469.230

300.495

345.129

425.959

459.901

469.230

11,2

169,8

- Sản lượng sản xuất tôm giống

triệu con

19.500

19.500

36.000

42.684

21.652

27.146

31.000

34.478

42.684

17,0

218,9

Đạt

Biểu số 3

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÀNH CÔNG NGHIỆP 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

1

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010)

tỷ đồng

5.116,4

5.116,4

13.340

9.533

5.396,2

5.703,1

6.379,6

7.404,9

9.532,7

13,3

186,3

Tốc độ tăng trưởng hàng năm

%

7,5

14,4

19-20

13,3

5,5

5,7

11,9

16,1

28,7

Không đạt

- Công nghiệp khai khoáng

tỷ đồng

450,3

450,3

700

594

324,5

211,2

303,4

440

594

5,7

132,0

- Công nghiệp chế biến

"

4.311,7

4.311,7

11.530

4.938

4.699

5.058,9

5.633,6

5.221

4.938

2,8

114,5

- SX và PP điện, khí đốt, nước

"

238,2

238,2

810

3.813

250,3

310,2

308,5

1.572

3.813

74,1

1.600,7

- Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải

"

116,2

116,2

300

187

122,4

122,8

134,1

172

187

10,0

161,2

2

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ theo gốc năm 2010

%

110,5

114,9

103,9

106,0

109,73

109,12

151,8

- Công nghiệp khai khoáng

"

116,7

101,5

81,6

84,2

131,33

85,90

138,87

- Công nghiệp chế biến

"

111,2

103,8

110,2

105,0

111,55

99,47

93,98

- SX và PP điện, khí đốt, nước

"

104,8

139,3

103,9

125,3

95,35

160,85

262,4

- Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải

"

112,5

107,4

109,6

100,8

108,99

109,25

108,71

3

Tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia

%

100

100,0

100

100

100

100

100

100

4

Tỷ lệ số hộ nông thôn có điện

%

100

100,0

100

100

100

100

100

100

5

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu:

- Xi măng

1000 tấn

187,2

187,2

220

180

167,6

151,4

170,0

220,0

3,3

117,5

- Gạch nung

triệu viên

112,4

112,4

80

118,0

111,4

98,8

92,6

80

-6,6

71,2

- Gạch không nung

triệu viên

6,5

6,5

25

7

13

3,7

6

25,0

30,9

384,0

- Đá xây dựng

1000 m3

904,5

904,5

1.000

937,6

1.074

768,2

845

1.000

2,0

110,6

- Thuốc lá điếu

triệu bao

25

25,0

24

24,0

24,3

24,0

24,0

24,0

-0,8

96,0

- Quần áo may sẵn

triệu SP

2

2,0

3

2,7

2,8

3,7

3,0

3,0

8,3

149,3

- Chế biến tôm đông lạnh

tấn

6.994,2

6.994,2

6.800

4.605

5.380,6

6.346,0

6.472,0

6.800

-0,6

97,2

- Muối các loại

1000 tấn

363,4

363,4

475

464

234,3

133,8

365,2

293,8

464,0

5,0

127,7

Không đạt

- Chế biến muối tinh

1000 tấn

92,7

92,7

60

88,4

79,6

90,2

66,2

60,0

-8,3

64,8

- Đường RS

tấn

16.736

16.736,0

5.842

17.714

19.614

21.489

11.500

5.842

-19,0

34,9

- Nhân hạt điều

"

3.754

3.753,7

4.200

4.605

3.402

4.177

5.075

4.200

2,3

111,9

- Bột mì tinh

"

20.172

20.171,9

10.000

17.621

16.589

9.659

14.850

10.000

-13,1

49,6

- Phân hữu cơ

"

4.679

4.679,0

800

3.000

2.844,6

1.401

1.500

800

-29,8

17,1

- Điện thương phẩm

triệu kWh

514,3

514,3

700

543

574,9

636

696

700

6,4

136,1

- Nước máy ghi thu

1000 m3

15.185

15.184,7

23.000

16.741

18.300

20.046

20.700

23.000

8,7

151,5

- Sản xuất điện

triệu kWh

1.187,6

1.187,6

4.000

1.165

1.568,5

1.422

2.595,4

4.000

27,5

336,8

- Bia

triệu lít

50,7

50,7

45

57,0

65

66,8

58,4

45

-2,4

88,8

- Nước yến

1000 lít

71

71,0

70

55,0

80

65

70

70

-0,3

98,6

- Nước khoáng

"

18,2

18,2

800

220

220

564

600

800

113,0

4386,0

- Chế biến đá Granite

1000 m2

160

160,0

160

160,0

229

248

206

160

0,0

100,0

- Bao bì giấy

tấn

687

687,0

600

445

494

381

400

600

-2,7

87,3

- Sản xuất khăn bông

tấn

2.417,7

2.417,7

4.500

2.674

3.081

3.591

4.200

4.500

13,2

186,1

- Bột rau câu

tấn

120

120,0

150

137

42

70,0

128

150

4,6

125,0

- Nha đam

tấn

0,0

7.516

3.748

3.850,6

6.405

7.800

7.516

Biểu số 4

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÀNH DỊCH VỤ 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

I

Thương mại

1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá hiện hành)

tỷ đồng

13.888,6

13.888,6

23.877

15.517

17.587

19.993

22.797

23.877

11,4

171,9

- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

%

13,9

16,9

18-20

11,4

11,7

13,3

13,7

14,0

4,7

Không đạt

2

Chỉ số giá tiêu dùng

%

II

Vận tải

1

Vận tải hàng hóa

Khối lượng hàng hóa vận chuyển

1.000 tấn

5.135

5.135

7.465,0

5.677,0

6.242

7.050

7.728,0

7.465

7,8

145,4

Khối lượng hàng hóa luân chuyển

1.000 T.Km

392.084

392.084

549.919

432.748

468.566

526.096

579.933

549.919

7,0

140,3

2

Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển

1.000 người

5.031

5.031

4.933,0

5.447,0

5.869

6.704

6.916,0

4.933

-0,4

98,1

Khối lượng hành khách luân chuyển

1.000 người.Km

419.343

419.343

378.956

432.627

461.834

524.783

545.433

378.956

-2,0

90,4

III

Thông tin-Truyền thông

1

Số thuê bao điện thoại cố định và di động trả sau phát triển mới

thuê bao

5.578

15.630

11.534

4.920

1.614

1.400

1.406

2.194

-17,0

73,8

- Nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng

thuê bao

46.426

46.426

88.200

47.150

45.407

84.600

86.006

88.200

13,7

190,0

2

Số thuê bao điện thoại trên 100 dân

thuê bao/ 100 dân

7,8

7,8

14,8

7,8

7,8

14,2

14,5

14,8

13,7

190,3

3

Số thuê bao Internet phát triển mới

thuê bao

48.082

70.562

191.310

22.348

22.962

126.007

3.693

16.300

-19,5

271,1

- Nâng tổng số thuê bao Internet trên toàn mạng

thuê bao

102.915

102.915

294.255

125.263

148.255

274.262

277.955

294.255

23,4

285,9

4

Số thuê bao Internet trên 100 dân

thuê bao/ 100 dân

17,2

17,2

90,8

20,9

24,4

46,0

89,2

90,8

39,5

527,9

IV

Du lịch

1

Doanh thu toàn ngành du lịch

tỷ đồng

610

2.390

4.808

750

883

1.050

1.250

875

7,5

201,2

2

Số lượt khách

103 lượt khách

1.500

5.751

>2.400

9.316

1.700

1.900

2.190

2.350

1.176,5

-4,7

162,0

Không đạt

Trong đó: - Khách quốc tế

"

40

354

313

55

61

80

100

16,6

-16,2

88,3

- Khách nội địa

"

1.460

5.396

9.004

1.645

1.839

2.110

2.250

1.159,9

-4,5

166,9

V

Ngân hàng

1

Tổng vốn huy động

tỷ đồng

8.229

8.229

16.900

8.881

11.011

13.230

15.648

16.900

15,5

205,4

2

Tổng dư nợ cho vay

tỷ đồng

12.480

12.480

29.000

14.809

17.768

20.794

24.548

29.000

18,4

232,4

- Dư nợ trung và dài hạn

tỷ đồng

6.304

6.304

14.600

7.703

9.302

10.997

12.276

14.600

18,3

231,6

- Dư nợ ngắn hạn

tỷ đồng

6.176

6.176

14.400

7.106

8.466

9.797

12.272

14.400

18,4

233,2

VI

Kim ngạch xuất - nhập khẩu

1

Kim ngạch xuất khẩu

triệu USD

60,1

60,1

150

90,0

80,2

75,5

85

100

90,0

8,4

149,9

Không đạt

Trong đó: Doanh nghiệp có vốn ĐTNN

triệu USD

0,5

0,5

0,3

0,2

Tốc độ tăng trưởng hàng năm

%

33,8

5,3

8,4

33,5

-5,9

12,6

17,6

-10,0

Trong đó: - Thủy sản xuất khẩu

triệu USD

32,1

32,1

35,0

35,2

32,0

37,0

37,4

35

1,8

109,2

- Nông sản

triệu USD

27,1

27,1

30,0

43,7

40,9

41,7

44,1

30

2,1

110,7

- Mặt hàng khác

triệu USD

0,9

0,9

25,0

1,3

2,6

6,3

18,5

25,0

94,4

2777,8

2

Kim ngạch nhập khẩu

triệu USD

33,9

33,9

485,0

22,5

27,5

237,2

520

485

70,3

1430,7

Trong đó: Doanh nghiệp có vốn ĐTNN

"

10,1

10,1

5,1

8,0

- Máy móc thiết bị và phụ tùng, hàng tiêu dùng

"

13,2

13,2

320

9

13

213

500

320

89,2

2425,3

- Nguyên nhiên liệu

"

20,7

20,7

15,0

13,1

14,5

24,4

20,0

165,0

51,5

72,4

Biểu số 5

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN - DOANH NGHIỆP - HỢP TÁC XÃ 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

I

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

tỷ đồng

8.780

33.175

51.000- 55.000

79.275

8.320

8.850

13.845

22.500

25.760

24,0

239,0

Đạt

a

Theo nguồn vốn

- Vốn đầu tư nguồn NSNN

tỷ đồng

3.840

14.157

13.010

2.780

1.650

2.350

2.770

3.460

-2,1

91,9

+ Vốn do địa phương quản lý

"

3.150

12.485

8.682

2.040

1.462

1.510

1.800

1.870

-9,9

69,5

+ Vốn Trung ương quản lý

"

690

1.672

4.328

740

188

840

970

1.590

18,2

258,9

- Vốn các thành phần kinh tế và dân cư

tỷ đồng

4.940

19.018

66.265

5.540

7.200

11.495

19.730

22.300

35,2

348,4

+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

"

200

1.168

9.220

80

540

2.300

4.000

2.300

63,0

789,4

+ Vốn DN trong nước

"

2.400

8.092

42.785

2.660

3.700

6.195

12.530

17.700

49,1

528,7

+ Vốn dân cư

"

2.300

9.702

14.210

2.750

2.960

3.000

3.200

2.300

0,0

146,5

+ Vốn đầu tư nhà máy điện hạt nhân

"

40

56

50

50

89,3

b

Vốn đầu tư phân theo các ngành, lĩnh vực:

tỷ đồng

8.780

33.175

51.000- 55.000

79.275

8.320

8.850

13.845

22.500

25.760

24,0

239,0

- Nông lâm nghiệp và thủy sản

"

1.829

6.567

10.506

1.668

1.686

2.087

2.125

2.940

10,0

160,0

- Công nghiệp và xây dựng

"

1.938

9.376

49.893

2.529

2.989

8.661

17.094

18.620

57,2

532,1

- Giao thông vận tải, bưu điện

"

1.889

7.071

3.103

394

239

702

818

950

-12,8

43,9

- Thương mại, du lịch

"

2.149

5.780

10.414

2.979

3.197

1.533

1.205

1.500

-6,9

180,2

- Giáo dục và đào tạo

"

292

742

1.140

257

325

191

167

200

-7,3

153,6

- Y tế

"

153

646

399

41

55

171

60

72

-14,0

61,7

- Văn hóa, xã hội, môi trường và khác

"

370

1.870

3.549

411

315

457

966

1.400

30,5

189,8

- Quốc phòng, an ninh và quản lý Nhà nước

"

160

1.123

272

41

44

43

65

78

-13,4

24,2

II

Doanh nghiệp

1

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập

DN

3.007

3.007

5.513

3.373

3.803

4.234

4.763

5.513

12,9

183,3

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

6,1

6,1

11,1

6,0

9,4

10,7

10,9

11,1

12,7

182,0

Trong đó:

1.1

DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

DN

691

691

1.230

784

881

959

1.080

1.230

12,2

178,0

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

23,0

23,0

22,3

23,2

23,2

22,6

22,7

22,3

-0,6

97,1

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

3,3

3,3

3,3

3,2

3,1

3,1

3,2

3,3

0,0

100,0

1.2

DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp

DN

376

376

740

418

494

571

658

740

14,5

196,8

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

12,5

12,5

13,4

12,4

13,0

13,5

13,8

13,4

1,4

107,3

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

18,5

18,5

42,8

18,5

37,2

41,7

42,5

42,8

18,3

231,4

1.3

DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng

DN

629

629

1.150

719

781

897

1.000

1.150

12,8

182,8

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

20,9

20,9

20,9

21,3

20,5

21,2

21,0

20,9

-0,1

99,7

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

4,5

4,5

7,5

4,3

4,6

7,1

7,4

7,5

10,8

166,7

1.4

DN hoạt động trong lĩnh vực TM-DV

DN

1.311

1.311

2.393

1.452

1.647

1.807

2.025

2.393

12,8

182,5

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

43,6

43,6

43,4

43,0

43,3

42,7

42,5

43,4

-0,1

99,6

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

4,8

4,8

6,9

4,6

6,5

6,6

6,8

6,9

7,5

143,8

2

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động

DN

2.125

2.125

3.750

2.332

2.652

2.895

3.164

3.750

12,0

176,5

3

Số doanh nghiệp đăng ký mới

DN

330

1.338

2.506

366

430

431

529

750

17,8

187,3

4

Tổng số doanh nghiệp thu hồi, giải thể

DN

882

882

1.763

1.041

1.151

1.339

1.599

1.763

14,9

199,9

Số doanh nghiệp giải thể hàng năm

DN

198

472

881

159

110

188

260

164

-3,7

186,7

5

Doanh nghiệp dừng hoạt động

DN

37

76

485

64

90

102

109

120

26,5

638,2

6

Doanh nghiệp dừng hoạt động đã quay trở lại SXKD

DN

16

44

331

36

47

73

85

90

41,3

752,3

III

Hợp tác xã

1

Hợp tác xã

-

Tổng số hợp tác xã trên địa bàn

HTX

75

75

110

89

76

81

82

81

89

3,5

118,7

80,9

Trong đó:

+ Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

8

27

40

37

3

10

7

8

9

2,4

137,0

92,5

+ Số hợp tác xã giải thể

HTX

4

26

10

23

2

5

6

9

1

88,5

230,0

-

Tổng số thành viên hợp tác xã

người

30.080

30.080

44.000

21.023

30.255

30.211

30.350

20.733

21.023

69,9

47,8

-

Tổng số lao động trong hợp tác xã

người

320

320

550

560

460

450

485

550

560

11,8

175,0

101,8

Trong đó: Số lao động là thành viên hợp tác xã

người

220

220

385

360

300

320

335

355

360

10,4

163,6

93,5

-

Tổng doanh thu của hợp tác xã

triệu đồng

1.733

1.733

2.800

2.150

1.800

1.900

1.950

2.100

2.150

4,4

124,1

76,8

-

Thu nhập bình quân người lao động hợp tác xã

triệu đồng

27

27

60

40

29

32

35

38

40

8,2

148,1

66,7

2

Liên hiệp hợp tác xã

-

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

Liên hiệp hợp tác xã

Trong đó: Số liên hiệp hợp tác xã thành lập mới

Liên hiệp hợp tác xã

3

Tổ hợp tác

-

Tổng số tổ hợp tác

THT

1.160

1.160

1.500

980

1.205

1.225

1.255

946

980

84,5

65,3

Trong đó: Số THT có đăng ký thành lập

THT

566

566

1.250

630

590

600

630

630

630

2,2

111,3

50,4

-

Tổng số thành viên tổ hợp tác

thành viên

11.060

11.060

14.460

11.360

11.800

12.130

12.600

11.320

11.360

0,5

102,7

78,6

-

Tổng số lao động trong THT

người

11.060

11.060

14.460

11.360

11.800

12.130

12.600

11.320

11.360

0,5

102,7

78,6

-

Doanh thu bình quân một THT

triệu đồng

150

150

450

260

160

140

150

250

260

11,6

173,3

57,8

-

Lãi bình quân một THT

triệu đồng

36

36

60

43

40

32

35

40

43

3,6

119,4

71,7

Biểu số 6

LĨNH VỰC DÂN SỐ - LAO ĐỘNG 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

I

Dân số

1

Dân số trung bình

nghìn người

595,9

595,9

640

593,6

601,4

606,9

611,8

591,0

593,6

1.1

Phân theo giới tính: Nam

"

300,5

300,5

297,4

303,3

306,1

308,6

296,4

297,4

Nữ

"

295,4

295,4

296,2

298,1

300,8

303,2

294,7

296,2

1.2

Phân theo khu vực: Thành thị

"

215,7

215,7

212,6

217,7

219,8

221,5

211,3

212,6

Nông thôn

"

380,2

380,2

381

383,7

387,1

390,3

379,7

381,0

2

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

1,17

1,17

1,12

1,12

1,167

1,166

1,13

1,125

1,12

Đạt

3

Tỷ lệ sinh

%o

16,7

16,7

14,69

16,37

15,91

15,49

15,09

14,69

4

Tỷ lệ chết

%o

5,0

5,0

3,49

4,70

4,25

4,19

3,84

3,49

5

Mức giảm tỷ lệ sinh

%o

0,7

0,7

0,4

0,33

0,46

0,42

0,41

0,4

II

Lao động

1

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên

nghìn người

343,1

343,1

370

347,7

352,4

356,2

362

370

1,5

107,8

2

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân

nghìn người

330,1

330,1

350

335,4

342,9

345,6

347,5

350

1,2

106,0

Trong đó:

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

nghìn người

160,3

160,3

136,5

154,0

173,5

164,9

152,9

136,5

-3,2

85,2

Tỷ lệ

%

48,6

48,6

29,0

39,0

45,1

50,6

47,7

44,0

39,0

Không đạt

- Công nghiệp và xây dựng

nghìn người

53,1

53,1

87,5

59,0

58,3

65,0

73,0

87,5

10,5

164,8

Tỷ lệ

%

16,1

16,1

34,0

25,0

17,9

17,0

18,8

21,0

25,0

Không đạt

- Dịch vụ

nghìn người

116,7

116,7

126,0

122,4

111,1

115,8

121,6

126,0

1,5

108,0

Tỷ lệ

%

35,4

35,4

37,0

36,0

37,0

32,4

33,5

35,0

36,0

Không đạt

3

Số người được giải quyết việc làm mới trong năm

nghìn người

16,091

79,59

77,5

83,796

16,040

16,532

16,667

17,174

17,383

1,6

105,3

Đạt

Trong đó: + Việc làm trong tỉnh

"

6,1

32,2

30,845

6,394

5,323

6,605

6,387

6,136

0,1

95,8

+ Việc làm ngoài tỉnh

"

9,947

46,8

52,221

9,543

11,062

9,860

10,577

11,179

2,4

111,5

+ Xuất khẩu lao động

người

40

170

730

103

147

202

210

68

11,2

429,4

4

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị

%

5,24

5,24

4,13

4,92

4,06

5,15

4

4,13

5

Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động

%

50,4

50,4

60

60,17

52,2

54,14

56,86

59,85

60,17

Đạt

Trong đó: Đào tạo nghề

%

33,5

33,5

45

45,09

35,8

38

40,52

42,88

45,09

Đạt

6

Đào tạo nghề cho người lao động

người

8.119

41.901

45.705

8.572

9.175

9.203

9.326

9.429

3,0

109,1

- Đào tạo nghề dài hạn

người

719

4.851

5.119

947

1.311

1.266

755

840

3,2

105,5

- Đào tạo nghề ngắn hạn

người

7.400

37.050

40.586

7.625

7.864

7.937

8.571

8.589

3,0

109,5

7

Tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề

người

719

4.851

5.119

947

1.311

1.266

755

840

3,2

105,5

8

Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

xã, phường, thị trấn

46

46

47

47

56

56

47

47

0,4

102,2

- Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

%

70,8

70,8

72,3

72,3

86,2

86,2

72,3

72,3

9

Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc

trẻ em

1.098

1.098

2.500

2.054

2.134

2.369

2.400

2.500

17,9

227,7

- Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc

%

90

90

95

90,0

91,0

92

93

95

10

Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc

%

82

82,0

75,4

82

80

80

72,4

75,4

11

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện

%

1,2

1,2

3,1

0,89

0,81

0,67

1,02

3,1

12

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp

%

67

67,0

71,5

67

68

69

63,2

71,5

III

Hộ nghèo

1

Tổng số hộ của toàn tỉnh

hộ

159.198

159.198

179.042

161.516

166.794

172.504

176.822

179.042

2,4

112,5

2

Số hộ nghèo

hộ

23.767

23.767

9.543

20.253

17.284

14.391

11.925

9.543

-16,7

40,2

3

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới)

%

5,77

5,77

5,33

12,54

10,36

8,34

6,74

5,33

4

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,76

1,94

1,5-2

1,92

2,39

2,18

2,02

1,60

1,41

Đạt

5

Số hộ thoát khỏi nghèo trong năm

hộ

2.010

2.010

2.718

4.873

3.889

3.465

2.853

2.718

6,2

135,2

6

Số hộ cận nghèo

hộ

11.915

11.915

13.657

16.649

16.698

15.862

14.176

13.657

2,8

114,6

7

Tỷ lệ hộ cận nghèo

%

7,3

7,3

7,63

10,31

10,01

9,17

8,02

7,63

8

Số hộ tái nghèo

hộ

100

2.763

237

86

107

21

13

10

-36,9

8,6

Biểu số 7

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, VĂN HÓA, Y TẾ VÀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 5 NĂM 2016 - 2020

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

TH 2015

TH 5 năm 2011-2015

Mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

Thực hiện giai đoạn 2016-2020

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020/ TH 5 năm 2011-2015 (%)

So sánh ƯTH 5 năm 2016-2020 với mục tiêu KH 5 năm 2016-2020

ƯTH 5 năm 2016-2020

Trong đó:

TH 2016

TH 2017

TH 2018

TH 2019

ƯTH 2020

I

Giáo dục - Đào tạo

1

Số trường phổ thông công nhận mới đạt chuẩn quốc gia

trường

9

50

42

11

4

6

13

8

-2,3

84,0

- Nâng tổng số trường phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia

trường

71

71

113

82

86

92

105

113

9,7

159,2

Tỷ lệ trường phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia

%

30,2

30,2

50

52,1

34,7

36,4

39,3

46,3

52,1

Đạt

2

Số trường mầm non công nhận mới đạt chuẩn quốc gia

trường

2

9

11

0

3

2

6

0

122,2

- Nâng tổng số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia

trường

9

9

20

9

12

14

20

20

17,3

222,2

Tỷ lệ trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia

%

10,1

10,1

20

23,0

10,0

13,0

15,9

23,0

23,0

Đạt

3

Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày

%

50,1

50,1

80

80,5

55

58,8

63,5

76,0

80,5

Đạt

4

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi:

%

+ Tiểu học

"

99,3

99,3

99,8

99,4

99,4

99,5

99,7

99,8

+ Trung học cơ sở

"

78,5

78,5

80,0

79,0

79,5

79,7

79,8

80,0

+ Trung học phổ thông

"

63,5

63,5

70

64,0

65,0

66,0

68,0

70,0

5

Tổng số học sinh đầu năm học

H.sinh

131.278

131.278

142.020

132.363

135.608

139.348

141.187

142.020

1,6

108,2

+ Mẫu giáo

"

21.338

21.338

27.320

23.844

26.105

27.018

26.852

27.320

5,1

128,0

+ Tiểu học

"

56.555

56.555

59.500

55.075

55.611

57.734

59.357

59.500

1,0

105,2

+ Trung học cơ sở

"

37.091

37.091

38.000

37.272

37.514

37.816

38.155

38.000

0,5

102,5

+ Trung học phổ thông

"

16.294

16.294

17.200

16.172

16.378

16.780

16.823

17.200

1,1

105,6

6

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo

%

71,8

71,8

75,3

70,3

70,1

74,76

74,8

75,3

7

Số xã, phường đạt phổ cập THCS

xã, phường

64

64

64

64

64

64

64

64

0,0

100,0

8

Tỷ lệ xã, phường đạt phổ cập THCS

%

98,5

98,5

98,5

98,5

98,5

98,5

98,5

98,5

9

Số huyện, thành phố đạt phổ cập THCS

huyện, thành phố

7

7

7

7

7

7

7

7

0,0

100,0

10

Tỷ lệ huyện, thành phố đạt phổ cập THCS

%

100

100

100

100

100

100

100

100

11

Tuyển mới hệ Cao đẳng, Trung học sư phạm

người

210

1.432

740

204

217

114

85

120

-10,6

51,7

Trong đó: + Hệ CĐSP chính quy

"

210

1.320

566

118

161

82

85

120

-10,6

42,9

12

Tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp

người

419

3.351

2.863

647

1.011

525

330

350

-3,5

85,4

II

Văn hóa -Thể dục TT

1

Tổng số thôn, khu phố văn hóa được phát động xây dựng (cộng dồn)

thôn, khu phố

402

402

402

402

402

402

402

402

0,0

100,0

- Trong đó: Đã công nhận (cộng dồn)

"

288

288

362

294

321

342

352

362

4,7

125,7

Tỷ lệ thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa

%

71,6

71,6

90

90

73,1

79,9

85,1

87,6

90,0

Đạt

2

Số xã phường có nhà văn hóa, thư viện

xã, phường

18

18

18

18

18

18

18

18

0,0

100,0

3

Số xã, phường có thiết chế Văn hóa-TDTT

cơ sở

18

18

18

18

18

18

18

18

0,0

100,0

4

Số thôn, khu phố có thiết chế Văn hóa- TDTT

thôn, khu phố

11

11

11

11

11

11

11

11

0,0

100,0

5

Số hộ được công nhận là gia đình văn hóa

hộ

135.318

135.318

166.509

144.234

150.448

156.979

162.676

166.509

4,2

123,1

6

Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa

%

85

85

93

89,3

90,2

91

92

93

7

Số điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em

điểm

10

10

11

11

11

11

11

11

1,9

110,0

Trong đó:

- Cấp tỉnh

"

7

7

8

8

8

8

8

8

2,7

114,3

- Cấp huyện

"

3

3

3

3

3

3

3

3

0,0

100,0

8

Số người tập luyện Thể dục thể thao thường xuyên

người

153.729

153.729

181.642

159.972

166.291

172.528

180.265

181.642

3,4

118,2

9

Tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên

%

25,8

25,8

29,8

30,6

26,6

27,4

28,2

30,5

30,6

Đạt

10

Số buổi biểu diễn nghệ thuật

buổi

183

863

622

129

147

132

124

90

-13,2

72,1

Trong đó: Số buổi phục vụ miền núi

"

40

220

214

45

45

40

44

40

0,0

97,3

11

Số buổi chiếu phim công ích

buổi

750

3.750

3.776

750

760

757

759

750

0,0

100,7

Trong đó:

- Phục vụ miền núi

"

400

1.716

2.011

400

407

402

402

400

0,0

117,2

- Phục vụ thiếu nhi

"

200

1.000

1.007

200

200

203

204

200

0,0

100,7

- Phục vụ nông thôn

"

150

750

758

150

153

152

153

150

0,0

101,1

12

Số di tích được trùng tu, nâng cấp trong năm

di tích

7

15

35

5

8

8

9

5

-6,5

233,3

III

Y tế

1

Số giường bệnh/10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã)

giường

24,3

24,3

29,2

25,4

26,0

26,8

29,3

29,2

3,7

120,2

- Số giường bệnh quốc lập/10.000 dân

giường

24,3

24,3

29,2

25,4

26,0

26,8

29,3

29,2

3,7

120,2

- Số giường bệnh tư/10.000 dân

giường

2

Số bác sĩ/10.000 dân

bác sĩ

7,4

7,4

10

10

7,7

7,8

7,8

9,1

10

6,2

135,1

Đạt

3

Tỷ lệ trạm Y tế xã có Bác sĩ làm việc

%

60

60

70

89,8

61,5

66,2

80

88,1

89,8

Đạt

4

Số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế

xã, phường

40

40

59

43

49

51

58

59

8,1

147,5

5

Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế

%

61,5

61,5

90

90,8

66,2

75,4

78,5

89,2

90,8

Đạt

6

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

%

73,5

73,5

85

91,37

78,2

85,7

88,6

91,7

91,37

Đạt

7

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ

%

98,1

97,3

> 95

98,2

97,4

97,3

97,5

> 95

8

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi

%

18,5

18,5

<13

12,8

17,0

16,0

15,0

13,9

12,8

Đạt

9

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

%o

6,2

6,2

6,4

6,7

6,0

3,8

3,8

6,4

10

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

%o

4,1

4,1

5,2

5,1

3,9

3,1

3,5

5,2

11

Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai so với 100 bé gái)

112,7

108,8

107

107,7

108,1

110,3

107,2

107,0

12

Tuổi thọ trung bình

tuổi

72,7

72,7

73,2

72,8

72,9

72,93

73,1

73,2

13

Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống

%o

16

25,2

< 40

8,2

0,0

32,8

17,1

< 40

14

Tỷ lệ số xã có trạm y tế

%

100

100

90,8

100

100

100

90,8

90,8

15

Số dân mắc ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân

người

5,9

4,7

< 7

2,5

37,9

0,0

0,0

< 7

16

Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn

%

100

100

100

100

100

100

100

100

IV

Khoa học công nghệ

1

Số lượng đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện

đề tài

11

53

50

14

13

8

6

9

-3,9

94,3

Trong đó:

- Cấp Nhà nước

"

1

4

10

2

2

3

1

2

14,9

250,0

- Cấp tỉnh

"

10

49

40

12

11

5

5

7

-6,9

81,6

2

Số lượng đề tài KHCN được nghiệm thu đưa vào ứng dụng

"

9

36

61

12

13

8

16

12

5,9

169,4

3

Số doanh nghiệp được hỗ trợ về KH&CN

DN

17

50

180

33

25

40

53

29

11,3

360,0

Trong đó: Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO

DN

3

15

10

3

2

2

1

2

-7,8

66,7

+ DN được hỗ trợ sở hữu trí tuệ

DN

14

50

88

21

13

17

17

20

7,4

176,0

4

Số phương tiện đo được kiểm định

PTĐ

41.355

88.913

49.629

12.448

9.038

8.143

10.000

10.000

-24,7

55,8

5

Hỗ trợ áp dụng HTQLCL tiên tiến

đơn vị

2

43

75

13

18

11

17

16

51,6

174,4

6

Hướng dẫn công bố tiêu chuẩn cho các sản phẩm

hồ sơ

5

45

36

0

3

7

16

10

14,9

80,0

V

Phát thanh truyền hình

1

Tỷ lệ phủ sóng phát thanh

%

99

99

100

99

99

99

100

100

2

Tỷ lệ phủ sóng truyền hình

%

98

98

100

99

99

100

100

100

3

Số xã có bưu điện văn hóa xã

39

39

39

39

39

39

39

39

0,0

100,0

- Tỷ lệ xã có bưu điện văn hóa xã

%

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

4

Số giờ phát sóng phát thanh

giờ/năm

13.500

79.787

82.564

13.681

13.681

13.884

20.659

20.659

8,9

103,5

Trong đó:

+ Chương trình địa phương

"

5.110

34.750

33.752

6.808

7.000

6.648

6.648

6.648

5,4

97,1

+ Riêng tiếng Dân tộc thiểu số

"

48

240

240

48

48

48

48

48

0,0

100,0

5

Số giờ phát sóng truyền hình

giờ/năm

98.870

604.046

532.332

103.416

103.416

84.600

120.450

120.450

4,0

88,1

Trong đó:

+ Chương trình địa phương

"

34.670

244.006

184.346

35.000

35.000

35.000

37.696

41.650

3,7

75,5

+ Riêng tiếng Dân tộc thiểu số

"

26

130

130

26

26

26

26

26

0,0

100,0

6

Số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam

hộ

156.014

156.014

179.042

159.901

165.126

170.779

176.822

179.042

2,8

114,8

- Tỷ lệ hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam

%

98

98

100

99

99

99

100

100

7

Số hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam

hộ

152.830

152.830

179.042

158.286

163.458

170.779

175.054

179.042

3,2

117,2

- Tỷ lệ hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam

%

96

96

100

98

98

99

99

100

PHỤ LỤC II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025
(kèm theo Quyết định số 458/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Biểu số 1

MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

A

Chỉ tiêu về kinh tế

1

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP-Giá ss 2010)

tỷ đồng

20.176

33.797

22.211

24.523

27.173

30.207

33.797

10,87

167,5

- Tốc độ tăng trưởng

%

10,9

10,87

10,08

10,41

10,81

11,17

11,89

a

Giá trị gia tăng các ngành:

Trong đó:

- Nông lâm ngư nghiệp

tỷ đồng

5.999

7.130

6.222

6.436

6.658

6.890

7.130

3,52

118,9

Tốc độ tăng

%

8,3

3,52

3,72

3,44

3,45

3,48

3,49

- Công nghiệp - xây dựng

tỷ đồng

6.334

14.135

7.349

8.619

10.123

11.895

14.135

17,42

223,2

Tốc độ tăng

%

19,8

17,42

16,03

17,28

17,45

17,51

18,83

- Dịch vụ

tỷ đồng

6.535

10.677

7.200

7.934

8.752

9.662

10.677

10,32

163,4

Tốc độ tăng

%

6,7

10,32

10,17

10,20

10,30

10,40

10,51

b

Thuế sản phẩm

tỷ đồng

1.309

1.855

1.440

1.533

1.640

1.760

1.855

7,23

141,7

Tốc độ tăng

%

12,7

7,23

10,03

6,48

6,96

7,32

5,39

2

Tỷ lệ đóng góp của kinh tế biển vào GRDP

%

41-42

3

GRDP theo giá hiện hành:

tỷ đồng

36.014

69.250

41.231

46.661

52.995

60.386

69.250

13,97

192,3

- GRDP bình quân đầu người

triệu đồng

60,7

114,1

69,2

77,9

88,1

100,0

114,1

13,47

188,1

- Quy đổi ra USD/người

USD/người

2.683

5.188

3.143

3.542

4.005

4.544

5.188

14,10

193,4

4

Cơ cấu kinh tế

- Nông lâm ngư nghiệp

%

28,4

18,1

26,0

23,9

21,9

20,0

18,1

- Công nghiệp - xây dựng

%

34,9

42,7

36,8

38,3

39,7

41,1

42,7

- Dịch vụ

%

36,7

39,2

37,2

37,8

38,4

38,9

39,2

5

Giá trị sản xuất theo giá ss 2010

tỷ đồng

40.212,5

70.473

44.544

49.671

55.605

62.482

70.473

11,87

175,3

Tốc độ tăng

%

10,3

11,87

10,8

11,5

11,9

12,4

12,8

a

Nông lâm thủy sản

tỷ đồng

11.686,5

13.934

12.132

12.557

12.999

13.457

13.934

3,58

119,2

Tốc độ tăng

%

6,5

3,58

3,81

3,51

3,52

3,53

3,54

- Nông lâm nghiệp

tỷ đồng

4.728,5

6.030

5.037

5.268

5.510

5.764

6.030

4,98

127,5

Tốc độ tăng

%

1,7

4,98

6,52

4,59

4,60

4,60

4,61

- Thủy sản

tỷ đồng

6.958,0

7.904

7.095

7.289

7.488

7.693

7.904

2,58

113,6

Tốc độ tăng

%

10,6

2,58

1,97

2,74

2,74

2,74

2,74

b

Công nghiệp - xây dựng

tỷ đồng

16.971,5

37.658

19.679

23.082

27.129

31.938

37.658

17,28

221,9

Tốc độ tăng

%

14,9

17,3

15,96

17,29

17,53

17,73

17,91

- Công nghiệp

tỷ đồng

9.532,7

21.711

11.162

13.151

15.519

18.343

21.711

17,89

227,8

Tốc độ tăng

%

13,3

17,9

17,09

17,82

18,01

18,19

18,36

- Xây dựng

tỷ đồng

7.438,8

15.947

8.517,4

9.931

11.610

13.595

15.947

16,48

214,4

Tốc độ tăng

%

17,3

16,5

14,5

16,6

16,9

17,1

17,3

c

Dịch vụ

tỷ đồng

11.554,5

18.881

12.733

14.032

15.477

17.087

18.881

10,32

163,4

Tốc độ tăng

%

8,7

10,3

10,2

10,2

10,3

10,4

10,5

6

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

tỷ đồng

79.275

105.000

26.500

18.000

19.000

20.000

21.500

132,5

7

Xuất, nhập khẩu

575

420

445

260

310

370

420

-6,1

73,0

- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn

triệu USD

90

250

100

160

190

220

250

22,7

277,8

Trong đó:Xuất khẩu địa phương

"

90

250

100

160

190

220

250

22,7

277,8

- Tổng kim ngạch nhập khẩu địa phương

triệu USD

485

170

345

100

120

150

170

-18,9

35,1

8

Thu ngân sách trên địa bàn

tỷ đồng

15.531

26.880

3.900

5.000

5.500

6.000

6.480

10,7

173,1

- Thu nội địa

tỷ đồng

12.430

19.680

2.700

3.500

4.000

4.500

4.980

13,0

158,3

- Thu từ thuế xuất nhập khẩu

tỷ đồng

3.101

7.200

1.200

1.500

1.500

1.500

1.500

4,6

232,2

9

Chi ngân sách địa phương

tỷ đồng

25.622

38.861

6.831

6.800

7.550

8.380

9.300

7,8

151,7

Trong đó: Chi thường xuyên

tỷ đồng

15.987

20.645

3.590

3.841

4.110

4.398

4.706

3,3

129,1

B

Chỉ tiêu về xã hội

Dân số - y tế

1

Dân số trung bình

103người

593,6

606,8

596,2

598,8

601,5

604,1

606,8

0,44

102,2

2

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

1,12

1,1

1,1

1,1

1,1

1,1

1,1

3

Tỷ lệ sinh

%o

14,69

12,69

14,29

13,89

13,49

13,09

12,69

4

Mức giảm sinh

%o

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

5

Duy trì mức sinh thay thế

con/phụ nữ

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

6

Số bác sĩ/10.000 dân

bác sĩ/ 10.000 dân

10,0

11,0

10,2

10,4

10,6

10,8

11,0

1,92

110,0

7

Tỷ lệ trạm y tế xã phường, thị trấn có bác sĩ làm việc

%

89,8

100,0

91,5

93,2

94,9

98,3

100,0

8

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế

%

90,8

100,0

93,8

95,4

96,9

98,5

100,0

9

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn

%

12,8

< 12

12,6

12,4

12,2

12,0

< 12

10

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn

%

24

< 20

23,2

22,4

21,6

20,8

< 20

11

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

%o

5,2

< 10

< 10

< 10

< 10

< 10

< 10

Giáo dục - Đào tạo

12

Tỷ lệ trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia

%

52,1

65

53,5

55,8

59,0

61,8

65

13

Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

%

80,5

100

81,0

82,0

83,0

90,0

100,0

14

Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

%

23,0

30

24,1

25,3

26,4

27,6

30

15

Số LĐ được giải quyết việc làm mới

103người

83,796

80,0

16,0

16,0

16,0

16,0

16,0

-1,6

95,5

16

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

%

60,17

70,0

63,2

64

65

67

70

Trong đó: Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ

%

24,0

33,0

25

27

29

31

33

17

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị

%

4,13

3,76

4,00

3,90

3,85

3,83

3,76

18

Tỷ lệ hộ nghèo còn (theo chuẩn mới)

%

5,33

8,7

15,2

13,2

11,4

9,9

8,7

19

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,92

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

Văn hóa

20

Tỷ lệ thôn, khu phố đạt chuẩn về văn hóa

%

90

95

91

92

93

94

95

21

Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt chuẩn về văn hóa

%

100

100

100

100

100

100

100

Xây dựng

22

Diện tích sàn nhà ở bình quân

m2sàn/người

20,5

25

21

22

23

24

25

4,0

122,0

Nông thôn mới

23

Số huyện đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Huyện

2

3

2

2

2

3

3

24

Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới

%

57,4

75,0

61,7

68,0

70,2

72,3

75,0

C

Chỉ tiêu về môi trường

1

Tỷ lệ thành phố, thị trấn được thu gom rác thải

%

97,4

98,5

97,6

97,8

98,0

98,2

98,5

2

Tỷ lệ thành phố, thị trấn được xử lý chế biến rác thải

%

100

100

100

100

100

100

100

3

Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường

%

100

100

100

100

100

100

100

4

Tỷ lệ che phủ rừng

%

46,8

49,0

47,0

47,1

47,5

48,4

49,0

5

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh

%

95

> 98

96,0

96,5

97,0

97,5

> 98

6

Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch ở đô thị

%

> 98

> 98

7

Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có trẻ em được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong và sau thiên tai

%

94

94

94

95

95

95

8

Tỷ lệ các điểm nguy cơ xảy ra thiên tai có biển báo về đuối nước, sạt lở đất

%

81

82

85

90

100

9

Tỷ lệ người dân được sơ tán trước khi thiên tai xảy ra tại khu vực dễ bị tổn thương như khu vực ven biển, vùng trũng, vùng bị ngập lụt, vùng hay bị lũ quét và sạt lở đất

%

87

98

99

100

100

Biểu số 2

NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

1

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010)

tỷ đồng

11.686,5

13.933,6

12.131,7

12.557,2

12.998,8

13.457,4

13.933,6

3,58

119,2

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất

%

6,5

3,58

3,81

3,51

3,52

3,53

3,54

- Nông lâm nghiệp

tỷ đồng

4.728,5

6.029,8

5.036,8

5.268,1

5.510,4

5.764,1

6.029,8

5,0

127,5

+ Nông nghiệp

tỷ đồng

4.647,0

5.944,2

4.954,5

5.185,0

5.426,5

5.679,3

5.944,2

5,0

127,9

. Trồng trọt

"

3.142,2

4.163,1

3.425,0

3.596,2

3.776,0

3.964,8

4.163,1

5,8

132,5

. Chăn nuôi

"

1.360,5

1.595,4

1.379,6

1.430,6

1.483,5

1.538,4

1.595,4

3,2

117,3

. Dịch vụ

"

144,3

185,7

149,9

158,2

166,9

176,1

185,7

5,2

128,7

+ Lâm nghiệp

tỷ đồng

81,5

85,6

82,3

83,1

84,0

84,8

85,6

1,0

105,1

- Thủy sản

tỷ đồng

6.958,0

7.903,8

7.094,9

7.289,0

7.488,4

7.693,3

7.903,8

2,6

113,6

+ Khai thác

"

4.719,2

5.375,8

4.813,6

4.948,4

5.086,9

5.229,4

5.375,8

2,6

113,9

+ Nuôi trồng

"

2.238,8

2.528,0

2.281,3

2.340,6

2.401,5

2.463,9

2.528,0

2,5

112,9

Trong đó: Sản xuất giống

"

1.414,7

1.595,9

1.440,2

1.477,6

1.516,1

1.555,5

1.595,9

2,4

112,8

2

Giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác

triệu đồng/ha

125,5

150,0

130,0

135,0

140,0

145,0

150,0

3,6

119,5

3

Diện tích chủ động tưới

ha

50.260

51.950

50.260

50.260

50.260

50.260

51.950

0,7

103,4

- Tỷ lệ diện tích được chủ động tưới trong hệ thống thủy lợi

%

60,0

62,0

60,0

60,0

60,0

60,0

62,0

4

Sản phẩm chủ yếu:

- Sản lượng lương thực có hạt

nghìn tấn

247,6

351,0

343,6

346,1

347,7

349,4

351,0

7,2

141,8

Trong đó:+ Lúa

"

200,7

282,1

280,6

281,7

282,0

282,0

282,1

7,0

140,6

+ Ngô

"

46,9

68,9

63,0

64,4

65,7

67,4

68,9

8,0

146,9

- Sắn

tấn

96.295

100.060

97.230

97.440

97.650

99.170

100.060

0,8

103,9

- Mía

tấn

120.203

213.000

171.000

181.125

184.000

197.200

213.000

12,1

177,2

- Nho

tấn

26.871

50.000

33.750

34.365

37.916

42.500

50.000

13,2

186,1

- Táo

tấn

35.317

48.600

44.000

44.500

45.000

46.800

48.600

6,6

137,6

- Hạt điều

tấn

1.060

1.300

1.200

1.240

1.250

1.270

1.300

4,2

122,6

- Măng tây

tấn

4.126

10.500

5.400

6.825

6.250

8.550

10.500

20,5

254,5

- Rau, đậu các loại

+ Rau ....

tấn

147.200

164.500

148.800

153.780

158.950

159.290

164.500

2,2

111,8

+ Đậu ....

tấn

4.950

5.500

5.005

5.060

5.115

5.170

5.500

2,1

111,1

- Cây trồng khác

+ Cỏ chăn nuôi

tấn

234.000

243.000

207.000

216.000

225.000

234.000

243.000

103,8

5

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm

ha

68.600

86.900

86.200

86.400

86.500

86.700

86.900

4,8

126,7

Trong đó:

- Lúa cả năm

ha

32.508

45.500

46.000

45.800

45.700

45.550

45.500

7,0

140,0

- Chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng khác có hiệu quả, tiết kiệm nước

ha

2.003

2.500

500

500

500

500

500

-24,2

124,8

- Ngô

"

10.162

13.500

12.600

12.800

13.000

13.350

13.500

5,8

132,9

- Sắn

ha

5.194

4.600

4.600

4.600

4.600

4.600

4.600

-2,4

88,6

- Mía

"

2.347

2.200

2.200

2.200

2.200

2.200

2.200

-1,3

93,7

- Nho

"

1.153

2.000

1.365

1.400

1.500

1.700

2.000

11,7

173,5

- Táo

ha

914

1.200

1.110

1.120

1.150

1.170

1.200

5,6

131,2

- Điều

"

3.083

4.630

4.560

4.580

4.600

4.610

4.630

8,5

150,2

- Măng tây

"

180

400

200

250

300

350

400

17,3

222,2

- Cỏ chăn nuôi

"

1.120

1.200

1.120

1.150

1.170

1.180

1.200

1,4

107,1

- Rau, đậu các loại

+ Rau ....

ha

9.200

10.870

10.130

10.310

10.400

10.670

10.870

3,4

118,2

+ Đậu ....

ha

4.500

5.000

4.550

4.600

4.650

4.700

5.000

2,1

111,1

6

Lâm nghiệp

- Trồng mới rừng tập trung

ha

3.347,1

970

210

210

210

180

160

-28,3

29,0

- Bảo vệ rừng

ha

321.388

228.395

45.116

45.116

45.701

46.221

46.241

-7,0

71,1

- Khoanh nuôi rừng tái sinh

ha

17.293

15.321

4.027

4.527

3.767

1.500

1.500

-13,1

88,6

- Tỷ lệ che phủ rừng

%

46,8

49,0

47,0

47,1

47,5

48,4

49,0

7

Chăn nuôi

Tổng đàn gia súc

nghìn con

465,366

449

419

426

430

435

449

-0,7

96,5

Trong đó: - Gia súc có sừng

nghìn con

373,681

339

327

331

333

336

339

-1,9

90,7

+ Tổng đàn trâu

nghìn con

3,933

4

4

4

4

4

4

0,3

101,7

+ Tổng đàn dê

"

132,286

110

102

105

106

108

110

-3,6

83,2

+ Tổng đàn cừu

"

116,669

125

121

122

123

124

125

1,4

107,1

+ Tổng đàn bò

"

120,793

100

100

100

100

100

100

-3,7

82,8

Trong đó: Tỷ lệ sind hóa

%

49,9

55

51,0

52,0

53,0

54,0

55,0

- Tổng đàn lợn

nghìn con

91,685

110

92

95

97

99

110

3,7

120,0

- Tổng đàn Gia cầm

nghìn con

2.160

2.600

2.200

2.300

2.400

2.500

2.600

3,8

120,4

- Sản lượng thịt hơi các loại

nghìn tấn

33,182

37,0

30,8

32,3

33,8

35,4

37,0

2,2

111,5

Trong đó:

+ Thịt hơi gia súc

"

27,125

31,5

26,1

27,4

28,7

30,1

31,5

3,0

116,1

+ Thịt hơi gia cầm

"

6,057

5,5

4,7

4,9

5,1

5,3

5,5

-1,9

90,8

8

Đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản

a)

Diện tích nuôi trồng thủy sản

ha

938

767

767

767

767

767

767

-3,9

81,8

Tr.đó: Nuôi tôm

"

730

500

500

500

500

500

500

-7,3

68,5

b)

Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản

tấn

122.915

123.750

128.000

122.400

122.800

123.200

123.750

0,1

100,7

Chia ra:

- Sản lượng nuôi trồng thủy sản

tấn

9.725

9.500

8.500

8.800

9.100

9.300

9.500

-0,5

97,7

Tr.đó: Sản lượng tôm nuôi

"

6.009

6.000

4.500

4.800

5.200

5.700

6.000

0,0

99,9

- Sản lượng khai thác hải sản

"

118.690

114.250

119.500

113.600

113.700

113.900

114.250

-0,8

96,3

- Năng lực tàu thuyền

chiếc

2.475

2.498

2.498

2.498

2.498

2.498

2.498

0,2

100,9

CV

469.230

+ Tàu < 12m (vùng bờ)

chiếc

1.166

1.060

1.150

1.125

1.100

1.080

1.060

-1,9

90,9

+ Tàu từ 12 - <15m (vùng lộng)

chiếc

520

653

563

588

613

633

653

4,7

125,6

+ Tàu > 15m (vùng khơi)

chiếc

785

785

785

785

785

785

785

0,0

100,0

- Sản lượng sản xuất tôm giống

triệu con

42.684

41.000

42.800

38.000

39.000

40.000

41.000

-0,8

96,1

Biểu số 3

NGÀNH CÔNG NGHIỆP 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

1

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010)

tỷ đồng

9.533

21.711

11.162

13.151

15.519

18.343

21.711

17,9

227,8

Tốc độ tăng trưởng hàng năm

%

13,3

17,9

117,1

117,8

118,0

118,2

118,4

- Công nghiệp khai khoáng

tỷ đồng

594

692

613

632

651

671

692

3,1

116,5

- Công nghiệp chế biến

"

4.938

10.616

5.763

6.714

7.822

9.112

10.616

16,5

215,0

- SX và PP điện, khí đốt, nước

"

3.813

10.170

4.591

5.601

6.833

8.336

10.170

21,7

266,7

- Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải

"

187

233

196

205

214

223

233

4,5

124,6

2

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ theo gốc năm 2010

%

114,9

114,41

115,24

110,68

113,21

112,64

120,54

- Công nghiệp khai khoáng

"

101,49

104,10

115,79

102,78

100,0

102,70

100,0

- Công nghiệp chế biến

"

103,82

117,14

113,85

114,41

115,97

118,11

123,61

- SX và PP điện, khí đốt, nước

"

139,27

111,93

128,17

106,67

108,20

108,93

109,04

- Cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải

"

107,43

106,38

105,35

105,97

106,05

106,85

107,70

3

Tỷ lệ số xã có điện lưới quốc gia

%

100

100

100

100

100

100

100

4

Tỷ lệ số hộ nông thôn có điện

%

100

100

100

100

100

100

100

5

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu:

- Xi măng

1000 tấn

220

700

250

400

500

600

700

26,0

318,2

- Gạch nung

triệu viên

80

70

80

90

80

80

70

-2,6

87,5

- Gạch không nung

triệu viên

25

40

30

33

35

37

40

9,9

160,0

- Đá xây dựng

1000 m3

1.000

1.700

1.200

1.600

1.600

1.700

1.700

11,2

170,0

- Thuốc lá điếu

triệu bao

24

24

24

24

24

24

24

0,0

100,0

- Quần áo may sẵn

triệu SP

3,0

4,5

3,6

3,8

4,0

4,2

4,5

8,4

150,0

- Chế biến tôm đông lạnh

tấn

6.800

12.000

7.000

8.000

10.000

10.000

12.000

12,0

176,5

- Muối các loại

1000 tấn

464

330

330

330

330

330

330

-6,6

71,1

- Chế biến muối tinh

"

60

150

100

120

130

140

150

20,1

250,0

- Đường RS

tấn

5.842

20.000

7.000

14.000

16.000

18.000

20.000

27,9

342,3

- Nhân hạt điều

"

4.200

8.000

4.500

6.000

6.500

7.000

8.000

13,8

190,5

- Bột mì tinh

"

10.000

24.000

14.000

18.000

20.000

22.000

24.000

19,1

240,0

- Phân hữu cơ

"

800

5.000

1.000

3.500

4.000

4.500

5.000

44,3

625,0

- Điện thương phẩm

triệu kWh

700

950

750

800

850

900

950

6,3

135,7

- Nước máy ghi thu

1000 m3

23.000

28.000

24.000

25.000

26.000

27.000

28.000

4,0

121,7

- Sản xuất điện

triệu kWh

4.000

6.000

5.000

5.200

5.300

5.500

6.000

8,4

150,0

- Bia

triệu lít

45

100

70,0

80

85,0

90

100

17,3

222,2

- Nước yến

1000 lít

70

80

80

80

80

80

80

2,7

114,3

- Nước khoáng

"

800

1.600

900

1.000

1.200

1.400

1.600

14,9

200,0

- Chế biến đá Granite

1000 m2

160

250

220

250

250

250

250

9,3

156,3

- Bao bì giấy

tấn

600

3.000

1.000

1.500

2.000

2.500

3.000

38,0

500,0

- Sản xuất khăn bông

tấn

4.500

6.000

5.000

6.000

6.000

6.000

6.000

5,9

133,3

- Bột rau câu

tấn

150

200

150

150

150

170

200

5,9

133,3

- Nha đam

tấn

7.516

12.000

8.000

10.000

12.000

12.000

12.000

9,8

159,7

Một số sản phẩm mới

- Rượu Vodka

1000 lít

3.000

500

1.000

1.500

2.000

3.000

- Chế biến hạt dẻ

tấn

3.000

500

1.000

2.000

3.000

- Linh kiện, kết cấu kim loại

tấn

500

100

200

350

500

- Thức ăn gia súc từ bắp

tấn

3.000

1.500

1.800

2.000

2.500

3.000

- Sản phẩm từ măng tây

tấn

180

50

100

120

150

180

- Sản phẩm tinh dầu

tấn

100

20

50

100

Biểu số 4

NGÀNH DỊCH VỤ 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

I

Thương mại

1

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá hiện hành)

tỷ đồng

23.877

49.450

27.500

31.763

36.781

42.629

49.450

15,7

207,1

- Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

%

11,4

15,7

115,2

115,5

115,8

115,9

116,0

2

Chỉ số giá tiêu dùng

%

< 4

< 4

< 4

< 4

< 4

< 4

II

Vận tải

1

Vận tải hàng hóa

Khối lượng hàng hóa vận chuyển

1.000 tấn

7.465

14.563

8.518

9.727

11.118

12.719

14.563

14,3

195,1

Khối lượng hàng hóa luân chuyển

1.000 T.Km

549.919

1.046.801

625.258

710.293

807.603

919.052

1.046.801

13,7

190,4

2

Vận tải hành khách

Khối lượng hành khách vận chuyển

1.000 lượt người

4.933

10.316

5.707

6.609

7.660

8.886

10.316

15,9

209,1

Khối lượng hành khách luân chuyển

1.000 người.Km

378.956

773.549

436.936

503.351

580.363

669.739

773.549

15,3

204,1

III

Thông tin-Truyền thông

1

Số thuê bao điện thoại cố định và di động trả sau phát triển mới

thuê bao

11.534

4.500

900

900

900

900

900

-16,3

39,0

- Nâng tổng số thuê bao trên toàn mạng

thuê bao

88.200

92.700

89.100

90.000

90.900

91.800

92.700

1,0

105,1

2

Số thuê bao điện thoại trên 100 dân

thuê bao/ 100 dân

14,8

15,5

14,85

15,0

15,15

15,3

15,5

0,9

104,7

3

Số thuê bao Internet phát triển mới

thuê bao

191.310

136.000

25.000

27.000

28.000

28.000

28.000

11,4

71,1

- Nâng tổng số thuê bao Internet trên toàn mạng

thuê bao

294.255

430.255

319.255

346.255

374.255

402.255

430.255

7,9

146,2

4

Số thuê bao Internet trên 100 dân

thuê bao/ 100 dân

90,8

114,0

94,2

99,0

104,3

109,3

114,0

4,7

125,6

IV

Du lịch

1

Doanh thu toàn ngành du lịch

tỷ đồng

4.808

11.580

1.500

2.070

2.380

2.730

2.900

27,1

240,8

2

Số lượt khách

103 lượt khách

9.316

15.100

2.500

2.800

3.000

3.200

3.600

25,1

162,1

Trong đó:

- Khách quốc tế

"

313

1.536

200

252

300

352

432

92,0

491,4

- Khách nội địa

"

9.004

13.564

2.300

2.548

2.700

2.848

3.168

22,3

150,6

V

Ngân hàng

1

Tổng vốn huy động

tỷ đồng

16.900

31.400

19.435

22.300

25.000

28.000

31.400

13,2

185,8

- Tốc độ tăng

%

15,5

13,2

15,0

14,7

12,1

12,0

12,1

2

Tổng dư nợ cho vay

tỷ đồng

29.000

61.700

33.350

40.500

46.600

53.600

61.700

16,3

212,8

- Dư nợ trung và dài hạn

tỷ đồng

14.600

31.400

16.746

20.600

23.700

27.300

31.400

16,6

215,1

- Dư nợ ngắn hạn

tỷ đồng

14.400

30.300

16.604

19.900

22.900

26.300

30.300

16,0

210,4

VI

Kim ngạch xuất-nhập khẩu

1

Kim ngạch xuất khẩu

triệu USD

90

250,0

100

160

190

220

250

22,7

277,8

Trong đó: Doanh nghiệp có vốn ĐTNN

triệu USD

Tốc độ tăng trưởng hàng năm

%

-10,0

22,7

11,1

60,0

18,8

15,8

13,6

Trong đó:

- Thủy sản xuất khẩu

triệu USD

35,0

75,0

40,0

60,0

66,5

70

75

16,5

214,3

- Nông sản

triệu USD

30,0

100,0

35,0

66,7

76,0

88

100

27,2

333,3

- Mặt hàng khác

triệu USD

25,0

75,0

25,0

33,3

47,5

62

75

24,6

300,0

2

Kim ngạch nhập khẩu

triệu USD

485,0

170,0

345,0

100,0

120,0

150

170

-18,9

35,1

Trong đó: Doanh nghiệp có vốn ĐTNN

"

-

Máy móc thiết bị và phụ tùng, hàng tiêu dùng

"

320

100

320

70

80

90

100

-20,8

31,3

-

Nguyên nhiên liệu

"

165

70,0

25

30

40

60

70

-15,8

42,4

Biểu số 5

VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN - DOANH NGHIỆP - HỢP TÁC XÃ 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

I

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội

tỷ đồng

79.275

105.000

26.500

18.000

19.000

20.000

21.500

132,5

a

Theo nguồn vốn

- Vốn đầu tư nguồn NSNN

tỷ đồng

13.010

18.230

3.230

3.400

3.600

3.800

4.200

140,1

+ Vốn do địa phương quản lý

"

8.682

12.095

2.195

2.300

2.400

2.500

2.700

139,3

+ Vốn Trung ương quản lý

"

4.328

6.135

1.035

1.100

1.200

1.300

1.500

141,8

- Vốn các thành phần kinh tế và dân cư

tỷ đồng

66.265

86.770

23.270

14.600

15.400

16.200

17.300

130,9

+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

"

9.220

14.000

2.500

2.700

2.800

3.000

3.000

151,8

+ Vốn DN trong nước

"

42.785

59.770

18.370

9.400

10.000

10.500

11.500

139,7

+ Vốn dân cư

"

14.210

13.000

2.400

2.500

2.600

2.700

2.800

91,5

+ Vốn đầu tư nhà máy điện hạt nhân

"

50

-

b

Vốn đầu tư phân theo các ngành, lĩnh vực:

tỷ đồng

79.275

105.000

26.500

18.000

19.000

20.000

21.500

132,5

+ Nông lâm nghiệp và thủy sản

"

10.506

6.790

1.740

1.200

1.250

1.300

1.300

64,6

+ Công nghiệp và xây dựng

"

49.893

54.200

13.900

9.400

9.600

10.000

11.300

108,6

+ Giao thông vận tải, bưu điện

"

3.103

17.150

4.500

3.000

3.150

3.200

3.300

552,8

+ Thương mại, du lịch

"

10.414

17.065

4.500

2.500

3.065

3.450

3.550

163,9

+ Giáo dục và đào tạo

"

1.140

645

120

125

130

135

135

56,6

+ Y tế

"

399

605

120

100

125

130

130

151,7

+ Văn hóa , xã hội, môi trường và khác

"

3.549

8.150

1.550

1.600

1.600

1.700

1.700

229,7

+ Quốc phòng, an ninh và quản lý Nhà nước

"

272

395

70

75

80

85

85

145,2

II

Doanh nghiệp

1

Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập

DN

5.513

10.100

6.200

7.030

7.940

8.940

10.100

12,9

183,2

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

11,1

16

12,0

13,0

14,0

15,0

16,0

7,6

144,1

Trong đó:

1.1

DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp

DN

1.230

1.800

1.400

1.500

1.600

1.700

1.800

7,9

146,3

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

22,5

17,8

22,6

21,3

20,2

19,0

17,8

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

3,3

5,7

3,8

4,2

4,7

5,2

5,7

11,6

172,7

1.2

DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp

DN

740

1.400

800

950

1.100

1.250

1.400

13,6

189,2

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

13,5

13,9

12,9

13,5

13,9

14,0

13,9

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

42,8

55,0

48,0

48,6

50,3

52,7

55,0

5,1

128,5

1.3

DN hoạt động trong lĩnh vực Xây dựng

DN

1.150

1.700

1.300

1.400

1.500

1.600

1.700

8,1

147,8

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

21,1

16,8

21,0

19,9

18,9

17,9

16,8

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

7,5

13,3

8,1

9,4

10,7

11,9

13,3

12,1

177,3

1.4

DN hoạt động trong lĩnh vực TM-DV

DN

2.343

5.200

2.700

3.180

3.740

4.390

5.200

17,3

221,9

Tỷ lệ chiếm trong tổng số DN

%

42,9

51,5

43,5

45,2

47,1

49,1

51,5

Quy mô doanh nghiệp bình quân

tỷ đồng

6,9

9,4

7,3

7,8

8,3

8,8

9,4

6,4

136,2

2

Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động

DN

3.750

7.500

4.390

5.060

5.800

6.600

7.500

14,9

200,0

3

Số doanh nghiệp đăng ký mới

DN

2.506

4.650

750

830

910

1.000

1.160

9,1

185,6

4

Tổng số doanh nghiệp thu hồi, giải thể

DN

1.763

2.600

1.810

1.970

2.140

2.340

2.600

8,1

147,5

Số doanh nghiệp giải thể hàng năm

DN

881

900

110

160

170

200

260

9,7

102,2

5

Doanh nghiệp dừng hoạt động

DN

485

992

140

160

192

230

270

17,6

204,6

6

Doanh nghiệp dừng hoạt động đã quay trở lại SXKD

DN

331

1.280

361

433

135

160

190

16,1

386,6

III

Hợp tác xã

1

Hợp tác xã

-

Tổng số hợp tác xã trên địa bàn

HTX

89

89

129

97

105

113

121

129

7,7

Trong đó:

+ Số hợp tác xã thành lập mới

HTX

37

37

50

10

10

10

10

10

-23,0

+ Số hợp tác xã giải thể

HTX

23

23

10

2

2

2

2

2

-38,6

-

Tổng số thành viên hợp tác xã

người

21.023

21.023

22.760

21.320

21.650

22.000

22.370

22.760

1,6

-

Tổng số lao động trong hợp tác xã

người

560

560

760

600

640

680

720

760

6,3

Trong đó: Số lao động là thành viên hợp tác xã

người

360

360

500

380

410

440

470

500

6,8

-

Tổng doanh thu của hợp tác xã

triệu đồng

2.150

2.150

3.100

2.300

2.500

2.700

2.900

3.100

7,6

-

Thu nhập bình quân người lao động hợp tác xã

triệu đồng

40

40

56

43

46

50

53

56

7,0

2

Liên hiệp hợp tác xã

-

Tổng số liên hiệp hợp tác xã

Liên hiệp hợp tác xã

1

Trong đó: Số liên hiệp hợp tác xã thành lập mới

Liên hiệp hợp tác xã

1

3

Tổ hợp tác

-

Tổng số tổ hợp tác

Tổ hợp tác

980

980

1.030

990

1.000

1.010

1.020

1.030

1,0

Trong đó: Số THT có đăng ký thành lập

Tổ hợp tác

630

630

680

640

650

660

670

680

1,5

-

Tổng số thành viên tổ hợp tác

thành viên

11.360

11.360

11.610

11.410

11.460

11.510

11.560

11.610

0,4

-

Tổng số lao động trong THT

người

11.360

11.360

11.610

11.410

11.460

11.510

11.560

11.610

0,4

-

Doanh thu bình quân một THT

triệu đồng

260

260

410

290

320

350

380

410

9,5

-

Lãi bình quân một THT

triệu đồng

43

43

65

45

50

55

60

65

8,6

Biểu số 6

LĨNH VỰC DÂN SỐ - LAO ĐỘNG 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

I

Dân số

1

Dân số trung bình

nghìn người

593,6

606,8

596,2

598,8

601,5

604,1

606,8

0,44

102,2

1.1

Phân theo giới tính: Nam

"

297,4

304,0

298,7

300,0

301,3

302,7

304,0

0,44

102,2

Nữ

"

296,2

302,8

297,5

298,8

300,1

301,5

302,8

0,44

102,2

1.2

Phân theo khu vực: Thành thị

"

212,6

261,0

213,4

214,4

216,5

218,7

261,0

4,19

122,8

Nông thôn

"

381,0

345,8

382,8

384,5

384,9

385,4

345,8

-1,92

90,8

2

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên

%

1,12

1,1

1,1

1,1

1,1

1,1

1,1

3

Tỷ lệ sinh

%o

14,69

12,69

14,29

13,89

13,49

13,09

12,69

4

Tỷ lệ chết

%o

3,49

1,69

3,29

2,89

2,49

2,09

1,69

5

Mức giảm tỷ lệ sinh

%o

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

0,4

6

Duy trì mức sinh thay thế

con/phụ nữ

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

2-2,2

II

Lao động

1

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên

nghìn người

370,0

395

373

381

390

392

395

1,3

106,7

2

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân

nghìn người

350,0

383

364

370

378

380

383

1,8

109,4

Trong đó:

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản

nghìn người

136,5

111

135

129

125

118

111

-4,0

81,4

Tỷ lệ

%

39,0

29,0

37,0

35,0

33,0

31,0

29,0

- Công nghiệp và xây dựng

nghìn người

87,5

126

98

105

113

120

126

7,6

144,4

Tỷ lệ

%

25,0

33,0

27,0

28,5

30,0

31,5

33,0

- Dịch vụ

nghìn người

126

146

131

135

140

142

146

2,9

115,5

Tỷ lệ

%

36,0

38,0

36,0

36,5

37,0

37,5

38,0

3

Số người được giải quyết việc làm mới trong năm

nghìn người

83,796

80,0

16,0

16,0

16,0

16,0

16,0

-1,6

95,5

Trong đó: + Việc làm trong tỉnh

"

30,845

35,0

7,0

7,0

7,0

7,0

7,0

2,7

113,5

+ Việc làm ngoài tỉnh

"

52,221

44,250

8,850

8,850

8,850

8,850

8,850

-4,6

84,7

+ Xuất khẩu lao động

"

730

0,750

0,150

0,150

0,150

0,150

0,150

-70,6

0,1

4

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị

%

4,13

3,76

4,00

3,90

3,85

3,83

3,76

5

Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động

%

60,17

70,0

63,2

64

66

68

70

Trong đó: Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ

%

24,0

33

25

27

29

31

33

6

Đào tạo nghề cho người lao động

người

45.705

45.000

9.000

9.000

9.000

9.000

9.000

-0,9

98,5

- Đào tạo nghề dài hạn

người

5.119

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

3,5

97,7

- Đào tạo nghề ngắn hạn

người

40.586

40.000

8.000

8.000

8.000

8.000

8.000

-1,4

98,6

7

Tuyển mới cao đẳng nghề và trung cấp nghề

người

5.119

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

3,5

97,7

8

Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

xã, phường, thị trấn

47

50

50

50

50

50

50

1,2

106,4

- Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em

%

72,3

76,9

76,9

76,9

76,9

76,9

76,9

9

Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc

trẻ em

2.500

2.620

2.301

2.391

2.407

2.528

2.620

0,9

104,8

- Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc

%

95,0

96

94,1

94,8

95,1

95,7

96

10

Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc

%

75,4

95,0

95,0

95,0

95,0

95,0

95,0

11

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện

%

3,1

3,95

1,43

1,84

2,38

3,06

3,95

12

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm thất nghiệp

%

71,5

95,0

95,0

95,0

95,0

95,0

95,0

13

Tỷ lệ trẻ em trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp và hòa nhập cộng đồng

%

90,0

95,0

91

92

93

94

95

14

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng thường xuyên xảy ra thiên được vay vốn NHCS để phát triển kinh tế

%

100,0

100,0

100

100

100

100

100

III

Hộ nghèo

1

Tổng số hộ của toàn tỉnh

hộ

179.042

193.600

182.160

184.900

187.700

190.600

193.600

1,6

108,1

2

Số hộ nghèo

hộ

9.543

16.843

27.688

24.407

21.398

18.869

16.843

12

176

3

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới)

%

5,33

8,7

15,2

13,2

11,4

9,9

8,7

4

Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo

%

1,92

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

1,5-2

5

Số hộ thoát khỏi nghèo trong năm

hộ

2.718

2.026

3.496

3.282

3.009

2.528

2.026

-5,7

74,5

6

Số hộ cận nghèo

hộ

13.657

11.616

16.394

15.347

13.890

12.961

11.616

-3,2

85,1

7

Tỷ lệ hộ cận nghèo

%

7,63

6,0

9,0

8,3

7,4

6,8

6,0

8

Số hộ tái nghèo

hộ

237

210

70

50

40

30

20

14,9

88,6

Biểu số 7

GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, VĂN HÓA, Y TẾ, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 5 NĂM 2021 - 2025

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

ƯTH 5 năm 2016-2020

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 (%)

So sánh KH 5 năm 2021-2025/ ƯTH 5 năm 2016-2020 (%)

KH 5 năm 2021-2025

Trong đó:

KH 2021

KH 2022

KH 2023

KH 2024

KH 2025

I

Giáo dục - Đào tạo

1

Số trường phổ thông công nhận mới đạt chuẩn quốc gia

trường

42

24

3

4

5

6

6

-5,6

57,1

- Nâng tổng số trường phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia

trường

113

137

116

120

125

131

137

3,9

121,2

Tỷ lệ trường phổ thông được công nhận đạt chuẩn quốc gia

%

52,1

65

53,5

55,8

59,0

61,8

65

2

Số trường mầm non công nhận mới đạt chuẩn quốc gia

trường

11

6

1

1

1

1

2

54,5

- Nâng tổng số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia

trường

20

26

21

22

23

24

26

5,4

130,0

Tỷ lệ trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia

%

23,0

30

24,1

25,3

26,4

27,6

30

3

Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày

%

80,5

100,0

81,0

82,0

83,0

90,0

100

4

Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi:

%

+ Tiểu học

"

99,8

99,8

99,8

99,8

99,8

99,8

99,8

+ Trung học cơ sở

"

80,0

85,0

81,0

82,0

83,0

84,0

85,0

+ Trung học phổ thông

"

70,0

70

70,0

70,0

70,0

70,0

70,0

5

Tổng số học sinh đầu năm học

H.sinh

142.020

147.980

142.950

144.150

145.500

146.780

147.980

0,8

104,2

+ Mẫu giáo

"

27.320

30.000

27.800

28.300

28.900

29.500

30.000

1,9

109,8

+ Tiểu học

"

59.500

60.650

59.450

59.750

60.050

60.350

60.650

0,4

101,9

+ Trung học cơ sở

"

38.000

38.370

37.900

38.000

38.150

38.250

38.370

0,2

101,0

+ Trung học phổ thông

"

17.200

18.960

17.800

18.100

18.400

18.680

18.960

2,0

110,2

6

Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo

%

75,3

80

75,5

75,6

75,7

75,8

80,0

7

Số xã, phường đạt phổ cập THCS

xã, phường

64

65

64

64

64

65

65

0,3

101,6

8

Tỷ lệ xã, phường đạt phổ cập THCS

%

98,5

100,0

98,5

98,5

98,5

100

100

9

Số huyện, thành phố đạt phổ cập THCS

huyện, thành phố

7

7

7

7

7

7

7

0,0

100,0

10

Tỷ lệ huyện, thành phố đạt phổ cập THCS

%

100

100

100

100

100

100

100

11

Tuyển mới hệ Cao đẳng, Trung học sư phạm

người

740

300

60

60

60

60

60

-12,9

40,5

Trong đó: + Hệ CĐSP chính quy

"

566

300

60

60

60

60

60

-12,9

53,0

12

Tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp

người

2.863

6.500

1.300

1.300

1.300

1.300

1.300

30,0

227,0

13

Tỷ lệ trẻ em được tham gia vào các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

%

50

95

65

75

85,5

90

95

14

Tỷ lệ các cơ sở giáo dục được sử dụng làm địa điểm để người dân sơ tán ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai

%

52,1

65,2

53,5

55,8

58,7

61,8

65,2

II

Văn hóa -Thể dục TT

1

Tổng số thôn, khu phố văn hóa được phát động xây dựng (cộng dồn)

thôn, khu phố

402

402

402

402

402

402

402

0,0

100,0

- Trong đó: Đã công nhận (cộng dồn)

"

362

382

366

370

374

378

382

1,1

105,5

Tỷ lệ thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa

%

90,0

95

91

92

93

94

95

2

Số xã phường có nhà văn hóa, thư viện

xã, phường

18

28

20

22

24

26

28

9,2

155,6

3

Số xã, phường có thiết chế Văn hóa-TDTT

Cơ sở

18

28

20

22

24

26

28

9,2

155,6

4

Số thôn, khu phố có thiết chế Văn hóa-TDTT

thôn, khu phố

11

21

13

15

17

19

21

13,8

190,9

5

Số hộ được công nhận là gia đình văn hóa

hộ

166.673

183.920

169.773

173.251

176.813

180.498

183.920

2,0

110,3

6

Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa

%

93

95

93,2

93,7

94,2

94,7

95,0

7

Số điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em

điểm

11

15

15

15

15

15

15

6,4

136,4

Trong đó:

- Cấp tỉnh

"

8

8

8

8

8

8

8

0,0

100,0

- Cấp huyện

"

3

7

7

7

7

7

7

18,5

233,3

8

Số người tập luyện Thể dục thể thao thường xuyên

người

181.458

224.507

190.788

203.604

210.515

217.482

224.507

4,3

123,7

9

Tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên

%

30,6

37,0

32

34

35

36

37

10

Số buổi biểu diễn nghệ thuật

buổi

622

600

120

120

120

120

120

5,9

96,5

Trong đó: Số buổi phục vụ miền núi

"

214

200

40

40

40

40

40

0,0

93,5

11

Số buổi chiếu phim công ích

buổi

3.776

3.750

750

750

750

750

750

0,0

99,3

Trong đó:

- Phục vụ miền núi

"

2.011

2.000

400

400

400

400

400

0,0

99,5

- Phục vụ thiếu nhi

"

1.007

1.000

200

200

200

200

200

0,0

99,3

- Phục vụ nông thôn

"

758

750

150

150

150

150

150

0,0

98,9

12

Số di tích được trùng tu, nâng cấp trong năm

di tích

35

30

8

6

5

5

6

3,7

85,7

13

Tỷ lệ xã, phường có điểm vui chơi (NVH) dành cho trẻ em

%

100

100

100

100

100

100

14

Tỷ lệ huyện có nhà văn hóa thiếu nhi

%

33,2

266

33,2

49,8

49,8

66,4

66,4

III

Y tế

1

Số giường bệnh/10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã)

giường

29,2

32

29,8

30,4

30,9

31,6

32

2,1

110,7

- Số giường bệnh quốc lập/10.000 dân

giường

29,2

32

29,8

30,4

30,9

31,6

32

2,1

110,7

- Số giường bệnh tư/10.000 dân

giường

2

Số bác sĩ/10.000 dân

bác sĩ

10

11

10,2

10,4

10,6

10,8

11

1,9

110,0

3

Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ làm việc

%

89,8

100,0

91,5

93,2

94,9

96,6

100,0

4

Số xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế

xã, phường

59

65

61

62

63

64

65

2,0

110,2

5

Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí Quốc gia về y tế

%

90,8

100,0

93,8

95,4

96,9

98,5

100,0

6

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế

%

91,37

95

91

92

93

94

95

7

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ

%

> 95

> 95

> 95

> 95

> 95

> 95

> 95

8

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn

%

12,8

< 12

12,6

12,4

12,2

12,0

< 12

9

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn

%

24

< 20

23,2

22,4

21,6

20,8

< 20

10

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

%o

6,4

< 15

< 15

< 15

< 15

< 15

< 15

11

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi

%o

5,2

< 10

< 10

< 10

< 10

< 10

< 10

12

Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai so với 100 bé gái)

107

< 110

< 113

< 112

< 111

< 111

< 110

13

Tuổi thọ trung bình

tuổi

73,2

74,0

73,3

73,4

73,6

73,8

74,0

0,2

101,1

14

Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống

%o

< 40

< 35

< 35

< 35

< 35

< 35

< 35

15

Tỷ lệ số xã có trạm y tế

%

90,8

90,8

90,8

90,8

90,8

90,8

90,8

16

Số dân mắc ngộ độc thực phẩm trên 100.000 dân

người

< 7

< 7

< 7

< 7

< 7

< 7

< 7

17

Tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt tiêu chuẩn

%

100

100

100

100

100

100

100

18

Số trạm y tế có cơ sở vật chất đạt được tiêu chí cần thiết bền vững trong thiên tai

trạm

59

59

59

59

59

59

59

19

Tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng trong mùa mưa lũ

%

95

> 95

> 95

> 95

> 95

> 95

> 95

IV

Khoa học công nghệ

1

Số lượng đề tài, dự án KH&CN triển khai thực hiện

đề tài

50

45

9

9

9

9

9

0,0

90,0

Trong đó:

- Cấp Nhà nước

"

10

5

1

1

1

1

1

-12,9

50,0

- Cấp tỉnh

"

40

40

8

8

8

8

8

2,7

100,0

2

Số lượng đề tài KHCN được nghiệm thu đưa vào ứng dụng

"

61

40

8

8

8

8

8

-7,8

65,6

3

Số doanh nghiệp được hỗ trợ về KH&CN

DN

180

107

25

16

21

21

24

-3,7

59,4

Trong đó: Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO

DN

10

10

2

2

2

2

2

0,0

100,0

+ DN được hỗ trợ sở hữu trí tuệ

DN

88

97

23

14

19

19

22

1,9

110,2

4

Số phương tiện đo được kiểm định

PTĐ

49.629

57.000

10.000

11.400

11.600

11.800

12.200

4,1

114,9

5

Hỗ trợ áp dụng HTQLCL tiên tiến

đơn vị

75

55

7

9

11

13

15

-1,3

73,3

6

Hướng dẫn công bố tiêu chuẩn cho các sản phẩm

hồ sơ

36

50

10

10

10

10

10

0,0

138,9

V

Phát thanh truyền hình

1

Tỷ lệ phủ sóng phát thanh

%

100

100

100

100

100

100

100

2

Tỷ lệ phủ sóng truyền hình

%

100

100

100

100

100

100

100

3

Số xã có bưu điện văn hóa xã

39

39

39

39

39

39

39

0,0

100,0

- Tỷ lệ xã có bưu điện văn hóa xã

%

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

83,0

4

Số giờ phát sóng phát thanh

giờ/năm

82.564

100.340

20.068

20.068

20.068

20.068

20.068

-0,6

121,5

Trong đó:

+ Chương trình địa phương

"

33.752

33.750

6.750

6.750

6.750

6.750

6.750

0,3

100,0

+ Riêng tiếng Dân tộc thiểu số

"

240

260

52

52

52

52

52

1,6

108,3

5

Số giờ phát sóng truyền hình

giờ/năm

532.332

602.250

120.450

120.450

120.450

120.450

120.450

0,0

113,1

Trong đó:

+ Chương trình địa phương

"

184.346

208.250

41.650

41.650

41.650

41.650

41.650

0,0

113,0

+ Riêng tiếng Dân tộc thiểu số

"

130

260

52

52

52

52

52

14,9

200,0

6

Số hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam

hộ

179.042

193.600

182.160

184.900

187.700

190.600

193.600

1,6

108,1

- Tỷ lệ hộ nghe được Đài tiếng nói Việt Nam

%

100

100

100

100

100

100

100

7

Số hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam

hộ

179.042

193.600

178.517

183.051

187.700

190.600

193.600

1,6

108,1

- Tỷ lệ hộ xem được Đài Truyền hình Việt Nam

%

100

100

100

100

100

100

100

8

Tỷ lệ số giờ truyền hình dành cho trẻ em trên số giờ phát sóng trong một năm (cấp tỉnh)

%

0,6

0,6

0,6

0,6

0,6

0,6

0,6

9

Tỷ lệ số giờ phát thanh dành cho trẻ em trên số giờ phát sóng trong một năm (cấp tỉnh)

%

2,3

2,3

2,3

2,3

2,3

2,3

2,3

10

Tỷ lệ số giờ phát thanh chương trình địa phương sản xuất dành cho trẻ em trên số giờ phát sóng dành cho trẻ em trong một năm (cấp tỉnh)

%

50

50

50

50

50

50

50



[1] Chuyển đổi cơ cấu cây trồng 7.500 ha, vượt 4,1% KH; nhân rộng các mô hình: 24 liên kết cánh đồng lớn đến T9/2019 đạt 2.914 ha, ước đến 2020 khoảng 4.000 ha; mô hình bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo trên 70 ha; mô hình bao trùm trái trên cây nho; mô hình san phẳng đồng ruộng bằng thiết bị laser 30 ha; mô hình tưới nước tiết kiệm SX rau an toàn với diện tích 348 ha….

[2] - Năng suất: Cây lúa từ 51,3 tạ/ha năm 2016 lên 61,7 tạ/ha vào năm 2020, tăng 0,5%/năm. Cây bắp từ 39 tạ/ha năm 2016 lên 46,1 tạ/ha vào năm 2020, tăng 2,2%/năm. Cây nho từ 229 tạ/ha năm 2016 lên 233 tạ/ha vào năm 2020. Cây táo từ 382,5 tạ/ha năm 2016 lên 386,3 tạ/ha vào năm 2020.

- Sản lượng lúa đạt 200,7 ngàn tấn; bắp đạt 46,9 ngàn tấn; sắn đạt 96,3 ngàn tấn tăng BQ 5,5%/ năm; nho đạt 26,8 ngàn tấn; táo đạt 35,3 ngàn tấn.

[3] trong đó gia súc có sừng tăng 6,4%/năm (Tổng đàn gia súc có sừng năm 2015 đạt 273,5 nghìn con; năm 2020 đạt 373,6 nghìn con, tăng 100,1 nghìn con so năm 2015) và đàn gia cầm tăng 9,6%/năm (Tổng đàn gia cầm năm 2015 đạt 2,16 triệu con; năm 2020 đạt 0,8 triệu con, tăng 0,74 triệu con so năm 2015)

[4] Đã trồng mới 3.347,1 ha rừng tập trung, tăng 43,6% so giai đoạn trước, khoán bảo vệ rừng bình quân hàng năm trên 64,2 ngàn ha, tổng 5 năm là 321.388 ha, tăng gấp 6,36 lần so giai đoạn trước.

[5] Trong 5 năm đã trồng 530 ha cây ăn quả xen cây lâm nghiệp (bưởi 250 ha, bơ 30 ha, mãng cầu 250 ha), kết hợp với chăn nuôi dưới tán rừng cho 844 con bò, 232 con dê, 11 con cừu, 62 con heo đen tại các huyện Thuận Nam, Ninh Sơn và Bác Ái. Hỗ trợ trồng cây ăn quả 351 ha/13.278 triệu đồng, dừa xiêm năng suất cao 66.040 cây/3.590 triệu đồng…

[6] GTSX đến năm 2020 ước đạt 6.958 tỷ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm, tăng 2.561 tỷ đồng so với năm 2015.

[7] Tính đến tháng 9/2019, có 43 dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt theo NĐ 67.

[8] Toàn tỉnh hiện có 2.461 chiếc/459.901 CV (trong đó có 4 tàu trên 1000 CV, 77 tàu từ 800 CV - dưới 1.000 CV và 468 tàu từ 400 CV - dưới 800 CV), bình quân 186,9 CV/tàu, tăng 1,85 lần so với năm 2015. Hiện có 603 tàu tham gia khai thác vùng “biển xa”, tăng hơn 200 tàu so với 2016; Ngư trường đánh bắt từ vùng biển phía Đông Trường Sa đến Kiên Giang.

[9] Đã hình thành 170 Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, với 1.018 tàu cá tham gia duy trì hoạt động khai thác thường xuyên trên biển bằng 3,7 lần số tổ và gấp 5,1 lần số tàu so kế hoạch. Đang tiến hành thành lập Nghiệp đoàn nghề cá

[10] Từ đầu Chương trình đến nay có 43 hộ được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, đã hạ thủy 43 tàu, giải ngân 489,328 tỷ đồng 98,1% kế hoạch; hỗ trợ 1 lần sau đầu tư cho 7 tàu; hỗ trợ khai thác biển xa 4.540 chuyến, với tổng kinh phí trên 332,3 tỷ đồng.

[11] Đến nay có 20 tàu dịch vụ; 08 cửa hàng xăng dầu, 97 cơ sở thu mua chế biến, đông lạnh; 07 doanh nghiệp đóng sửa tàu cá, trong đó có 04 cơ sở đủ điều kiện đóng tàu có công suất từ 400CV trở lên.

[12] Đến nay toàn tỉnh có trên 450 cơ sở doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản đang hoạt động, dự kiến đến năm 2020 sản xuất tôm giống ước đạt 42,6 tỷ con, đạt mục tiêu năm 2020 (36 tỷ con giống), tăng bình quân 17%/năm và gấp 2,2 lần so năm 2015.

[13] Đã triển khai xây dựng mới 05 chuỗi liên kết giá trị trên cây lúa, măng tây xanh, mía, mỳ, bắp giống, nâng tổng số 13 chuỗi liên kết giá trị.

[14] Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 25,82 triệu đồng/người/năm, ước năm 2020 khoảng 38,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,83 lần so với năm 2015 (21 triệu đồng/người/năm)

[15] Cơ chế quản lý và phân cấp thực hiện Chương trình; Đề án chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; điều chỉnh bộ thiết kế mẫu; danh mục các loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù; quy định về quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng.

[16] Trong đó NSTW 222,6 tỷ đồng, NS địa phương 336,4 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình 1.051,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 191,1 tỷ đồng; vốn tín dụng 1.022 tỷ đồng, huy động trong dân 120,4 tỷ đồng.

[17] Đến năm 2020 có 27 xã, chiếm 57,4% số xã

[18] Kết quả, từ năm 2016 đến tháng 6/2020, phát triển mới 33 HTX, nâng tổng số 84 HTX đang hoạt động (38 HTX thành lập trước năm 2012 chuyển đổi sang mô hình mới và 46 HTX thành lập mới theo Luật HTX năm 2012), với trên 21.023 thành viên, trong đó lĩnh vực nông nghiệp 65 HTX, chiếm 77,4%; kinh doanh dịch vụ tổng hợp 5 HTX, chiếm 6%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 7 HTX, chiếm 8,3%; vận tải 4 HTX, chiếm 4,8% và 3 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 3,6%.

[19] Tính đến tháng 6/2020, có 24 HTX lĩnh vực nông nghiệp tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, HTX với nông dân sản xuất một số loại cây trồng chính như: lúa, bắp, nho, măng tây xanh, điều hữu cơ , trong đó:

- HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước liên kết với Công ty CP giống cây trồng Nha Hố thực hiện mô hình thí điểm cánh đồng lớn chuyên sản xuất lúa giống, quy mô 56 ha, với 103 hộ thành viên; năng suất đạt 8 tấn/ha, tăng gần 2 tấn/ha so với sản xuất lúa thương phẩm.

- HTX dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, huyện Ninh Phước hợp tác với Trang Trại Nông nghiệp Hữu cơ Tiên Tiến trồng măng tây xanh, quy mô trên 20 ha, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha/năm.

- HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, huyện Ninh Phước liên kết với các doanh nghiệp mở rộng DT sản xuất bắp lai giống và bao tiêu 100% sản phẩm, quy mô trên 250 ha; năng suất đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/ha.

[20] Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương và của tỉnh đã đầu tư 234.622 triệu đồng

[21] Quy mô khu neo đậu cửa sông Cái: 3.200 tàu cá các loại; Quy mô khu neo đậu Ninh Chữ: 1.000 tàu công suất từ 600 CV trở lên và cho phép tiếp nhận tàu vận tải đến 2.000 tấn.

[22] Trong đó: Vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật nuôi trồng thủy sản 24.448 triệu đồng

[23] Những năm qua, tỉnh đã chủ động xây dựng trình phê duyệt QH phát triển Điện lực Tỉnh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035; Quy hoạch phát triển điện mặt trời Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 quy mô 10.476 MW và được Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung Tổ hợp điện khí Cà Ná vào QH điện lực Quốc gia để thu hút và đã tạo làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực này. Kết quả đến cuối năm 2020 có 37 dự án điện mặt trời/2.576,85 MW/68.688 tỷ đồng và 15 dự án điện gió/766,46 MW/28.000 tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư; đã hòa lưới 36 dự án/2.446,35 MW (32 dự án mặt trời/2.256,8 MW và 4 dự án điện gió/61 trụ/189,55 MW).

[24] Đã đưa vào hoạt động một số dự án lớn: Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận, nhà máy chế biến nước mắm Ca Na, nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu, dệt Quảng Phú, chế biến măng tây, nha đam, nhân điều, nước mắm xuất khẩu ...

[25] Gạch không nung tăng 30,9%, đá xây dựng tăng 2%, quần áo may sẵn tăng 8,3%, nhân hạt điều tăng 2,3%, điện thương phẩm tăng 6,4%, sản xuất điện tăng 27,5%, nước máy ghi thu tăng 8,7%, khăn bông tăng 13,2%.

[26] Từ 2016 đến nay đã phê duyệt tổng số 223 đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết, trong đó thành phố PRTC 13 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu 98,56%) và có 118 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 (tỷ lệ phủ kín 75,35%); thị trấn Khánh Hải 14 đồ án quy hoạch 1/500 (tỷ lệ phủ kín 19,12%); thị trấn Phước Dân 01 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 (tỷ lệ phủ kín 38,46%) và 10 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (tỷ lệ phủ kín 13,88%); thị trấn Tân Sơn 06 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 (tỷ lệ phủ kín 11,57%); huyện Bác Ái 01 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (tỷ lệ phủ kín 60,43%) và 04 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 (tỷ lệ phủ kín 34,26%); huyện Thuận Bắc có 07 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 (tỷ lệ phủ kín 60,07%); huyện Thuận Nam 02 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (tỷ lệ phủ kín 44,22%) và 06 đồ án 1/500 (tỷ lệ phủ kín 11,31%). Ngoài ra, còn có 34 đồ án quy hoạch chi tiết (quy hoạch các khu chức năng khác ngoài đô thị).

[27] Đã kêu gọi đầu tư 07 dự án khu đô thị, khu dân cư với diện tích 161,6 ha/2.250,8 tỷ đồng, hiện nay 02 dự án đã hoàn thành thi công, 03 dự án đang triển khai và 02 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư

[28] Đến nay 97,35% dân số đô thị được cấp nước sạch, riêng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt 99,75%; Diện tích cây xanh đô thị đạt mật độ 7,3 m2/người,riêng thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đạt 8,52 m2 /người.

[29] Các dự án nhà ở xã hội được tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng 159.619 m2 nhà ở (Dự án nhà ở xã hội Phú Thịnh, quy mô 12 tầng, 374 căn, tổng vốn đầu tư 208 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Dự án nhà ở xã hội Hacom GalaCity, tổng diện tích sàn 73.313m2, 848 căn hộ, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, hiện đang thi công), nâng tổng số đến nay có 185.155 m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhà ở cho CBCC, công nhân lao động và đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời hỗ trợ 2.083 căn nhà cho các đối tượng CS xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng.

[30] Từ năm 2016 -9/2019, Tỉnh đã đẩy mạnh tham gia 34 đợt xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 01 đợt xúc tiến đầu tư tại Nga, tham gia 03 hội nghị hợp tác, xúc tiến đầu tư trong nước do các Bộ, ngành, Trung ương tổ chức

[31] Từ năm 2016 đến tháng 10/2019, đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư 25 dự án du lịch/vốn đăng ký trên 16.337 tỷ đồng, nâng tổng số 58 dự án/vốn đăng ký 27.698 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành đi vào hoạt động 19 dự án; một số dự án đang xúc tiến triển khai đẩy nhanh tiến độ, trong đó có dự án trọng điểm, quy mô lớn, đẳng cấp cao như: dự án Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark; Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa.

[32] Trong đó khách quốc tế 313 ngàn lượt, bằng 88,3%/năm, khách nội địa 9.004 ngàn lượt, tăng 66,9% so giai đoạn trước.

[33] Đã hình thành thêm 1 siêu thị tổng hợp Vinmart, 02 siêu thị chuyên doanh (Điện máy, Nội thất Chợ Lớn và điện tử Từ Sơn). Chợ Cà Nà - huyện Thuận Nam và chợ Lợi Hải - huyện Thuận Bắc. Nâng tổng số đến nay có 101 chợ, 06 siêu thị.

[34] Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 05 bến khách thủy nội địa, 05 Trung tâm đào tạo lái xe mô tô và 02 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô; khối lượng luân chuyển hàng hóa tăng bình quân 7%/năm và luân chuyển hành khách giảm bình quân 2%/ năm.

[35] Trong 5 năm (2016-2020) toàn tỉnh đã phát triển mới 11.534 thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao điện thoại đạt 88.200 máy, đạt 14,8 máy/100 dân và 191.310 thuê bao Internet mới, nâng tổng số 294.255 thuê bao Internet, đạt 90,8 thuê bao/100 dân..

[36] Đến nay, tỉnh đã thu hút được 04 sàn giao dịch, số lượng giao dịch 1.617 sản phẩm, góp phần tăng thu tiền thuế từ đất đai. Số lượng giao dịch qua thị trường trung gian đạt khoảng 3.000 lượt/năm.

[37] Đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020; phê duyệt KH sử dụng đất 7/7/ huyện, TP .

[38] Đến nay đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho 1.172 tổ chức/2.648 vị trí đất/174.333,64 ha, đạt 100%. Đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân 59.185,39 ha, đạt 100 %, (đất nông nghiệp 54.524,54 ha, đạt 100%; đất ở 4.660,8 ha, đạt 100%). Đăng ký QSD đất 327.071 thửa cần đăng ký, đạt tỷ lệ 100%.

[39] Nhà máy đường Phan Rang; Nhà máy bia Sài Gòn; Nhà máy chế biến rong sụn; Nhà máy chế biến Nha Đam; Nhà máy chế biến thủy sản tôm số 1 tại phường Thanh Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và Nhà máy chế biến tôm số 2 tại KCN Thành Hải; Nhà máy tinh bột sắn Fococev Ninh Thuận và Khu công nghiệp Thành Hải.

[40] Đến cuối năm 2020 có 13 chi nhánh (04 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước, 8 chi nhánh ngân hàng thương mại 01 chi nhánh NHCS), 03 quỹ tín dụng nhân dân và 33 phòng giao dịch, tăng 3 chi nhánh và 6 phòng giao dịch so năm 2015

[41] Các ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 54 doanh nghiệp, 6 HTX và 9 trang trại, với tổng vốn cho vay hơn 3.179 tỷ đồng.

[42] Kết quả từ năm 2016 đến nay đã đàm phán ký kết 16 bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư, tài trợ với các tổ chức quốc tế, đồng thời có 13 dự án ODA vận động mới được triển khai, với tổng vốn trên 4.471 tỷ đồng; thu hút 61 dự án viện trợ phi chính phủ với tổng giá trị viện trợ gần 07 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh khác (tiếp nhận tình nguyện viên, viện trợ nhân đạo, văn hóa - thông tin - truyền thông...).

[43] Đến năm 2020 có 06 doanh nghiệp/1.000 dân (cả nước 7,9 DN/1.000 dân), tăng bình quân 2 DN/1.000 dân so năm 2015.

[44] Từ năm 2016 đến tháng 6/2020, có 2.066 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 33.248 tỷ đồng, tăng 1,5 lần số doanh nghiệp và số vốn tăng 3,9 lần so giai đoạn 2011 - 2015; nâng tổng số đến 30/6/2020, toàn tỉnh có 3.380 doanh nghiệp đang hoạt động/57.117 tỷ đồng. Quy mô vốn bình quân 16,9 tỷ đồng/01 DN, tăng 1,8 lần so năm 2015

[45] như: Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Hà Đô, Tập đoàn Crystal Bay, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Amanơi, …).

[46] Tỷ trọng vốn NSNN giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 43,7%, giai đoạn 2016 - 2020 chiếm 13,8% , giảm 29,9%; tỷ trọng vốn TPKT và dân cư giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 56,3%, giai đoạn 2016-2020 chiếm 86,2%, tăng 29,9%.

[47] Tăng 0,08 km/km3 so với năm 2011 và tăng 0,03 km/km3 so với năm 2015.

[48] Xử lý khẩn cấp Đê bờ Bắc Sông Dinh; Đoạn đê phường Đông Hải; Đê bảo vệ khu vực Đầm Vua; các Kè chống sạt lở đoạn bờ hữu sông Cái Phan Rang; Kè chống sạt lở hạ lưu Cầu Móng; Kè chống sạt lở bờ biển thôn Khánh Hội; Công trình phòng tránh thiên tai Trường Mẫu giáo Bắc Sơn; Trường tiểu học Chất Thường...

[49] Đây là dự án đa mục tiêu (hồ chứa nước, thủy điện, đập dâng) có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành ngoài việc bổ sung nước cho các hồ chứa hiện có, còn đảm bảo nguồn nước tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó vùng miền núi hơn 1.600 ha, góp phần bảo đảm tốt hơn nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và cải thiện mực nước ngầm phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh.

[50] Xây mới 19 và nâng cấp 10; 01 chợ hạng 1, 08 chợ hạng 2 và 92 chợ hạng 3

[51] Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở dạy nghề, tăng 4 cơ sở so với năm 2011, trong đó có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập; 02 phân hiệu đại học; 02 trường Cao đẳng và 02 trường T.Cấp chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất và trang thiết bị các cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư nâng cấp và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục mở rộng, nâng cấp Trường Cao đẳng nghề.

[52] Các bệnh viện huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Thuận Nam và Ninh Phước được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng; các phòng khám đa khoa khu vực được tập trung đầu tư; đầu tư hoàn thành Trung tâm y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) đạt chuẩn Quốc gia về y tế dự phòng; xây mới Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; đầu tư xây mới, nâng cấp 22 trạm y tế xã. Đến cuối năm 2019 tỷ lệ giường bệnh tăng khá, đạt 29,3 giường bệnh/vạn dân, tăng 6,5% so với năm 2011, tăng 5% so với năm 2015; 89,2% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 49,2% so năm 2011, tăng 27,7% so năm 2015. Ước cuối năm 2020 tỷ lệ giường bệnh đạt 29,2% giường/vạn dân, tăng 4,8% so năm 2015; 90,8% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tăng 29,3% so năm 2015.

[53] Đến cuối năm 2019 giảm 20 trường trong đó: MN giảm 8 trường, PT giảm 12 trường (TH giảm 10 trường, THCS giảm 02 trường); hình thành 3 trường liên cấp (THCS-THPT Nguyễn Văn Linh, THCS-THPT Bác Ái và THCS-THPT Đặng Chí Thanh)

[54] Học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đều tăng: Năm học 2015 - 2016 đạt 91,7%, 2016 - 2017 đạt 95,3%, 2017 - 2018 đạt 95,8%, riêng năm học 2018 - 2019 giảm 88,1%; HS đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia tăng qua các năm: năm học 2015 - 2016 có 134 em đạt giải, 2016 - 2017 có 179 em; 2017 - 2018 có 226 em, 2018 - 2019 có 240 em.

[55] Năm học 2015- 2016 là 1,33%; năm học 2016 - 2017 là 1,1%; năm học 2017 - 2018 là 1,09%; năm học 2018-2019 là 0,97%.

[56] Đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 827 phòng học. Có 5/7 huyện, TP có trường PT dân tộc nội trú, 11 trường bán trú (3 trường tiểu học, 8 trường THCS).

[57] Tổng số trường PT đạt chuẩn 113/217 trường, đạt 52,1%, vượt mục tiêu NQ, trong đó TH 75/134 trường, đạt 56%; THCS 30/61 trường, đạt 49,2%; THPT 8/22, đạt 36,4%; Mầm non 20/87 trường, đạt 23%, vượt mục tiêu NQ là 20%.

[58] 65/65 xã phường và 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học.

[59] Hàng năm có khoảng 22-25% số học sinh THCS sau khi tốt nghiệp vào học hệ GDTX và học nghề.

[60] Thành lập trường phổ thông liên cấp Ischool, trường liên cấp Hoa Sen và có 189 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

[61] Quy mô đào tạo đến năm 2020 khoảng 2.000 SV.

[62] Sáp nhập Trung tâm KTTH - Hướng nghiệp Phan Rang vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

[63] 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập.

[64] Trong đó đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp nghề 5.119 lao động, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên cho 40.586 lao động.

[65] Nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam, rong sụn, dê, cừu, tôm giống, nước mắm Cà Ná, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc.

[66] Thành lập BV Mắt trên cơ sở TT Chuyên khoa Mắt của tỉnh; sáp nhập BV Phục hồi chức năng vào BV Y dược cổ truyền; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập TT YTDP, TT TTGDSK, TT Phòng, chống HIV/AIDS và TT Phòng chống sốt rét và KST; sáp nhập TT DS-KHHGĐ vào TTYT huyện, tp; sáp nhập BVĐKKV Ninh Sơn vào TTYT Ninh Sơn; giải thể 6 trạm YT xã phường, thị trấn và chuyển nhiệm vụ vào TTYT huyện, TP; giải thể TT CSSKSS, chuyển nhiệm vụ vào BV đa khoa tỉnh và TT Kiểm soát bệnh tật; nâng cấp Trường TC Y tế lên Trường Cao đẳng Y tế. Tổ chức lại Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội thành Bệnh viện Chuyên khoa Da liễu - Tâm thần tỉnh Ninh Thuận; thành lập Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Giám định Y khoa và Pháp y.

[67] ước đến năm 2020 có 90,8% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 29,3% so năm 2015; đạt 29,2 giường bệnh/vạn dân, tăng 4,9 giường và có 89,8% trạm y tế xã, phường có bác sỹ tăng 29,8% so năm 2015

[68] Đã thực hiện được một số kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cao như: đặt stent động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim, phẫu thuật nội soi... giảm đáng kể bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.

[69] Tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi hàng năm đạt trên 98%, suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm còn dưới 12,9%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến năm 2020 ước đạt 91,37%, tăng 17,87% so năm 2015

[70] Xây mới các khoa Nội tổng hợp và khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu; cải tạo khoa Chạy thận nhân tạo và nâng cấp mở rộng khoa Gây mê -Hồi sức.

[71] Bệnh viện Sài gòn - Phan Rang quy mô 50 giường được Bộ Y tế thẩm định cấp phép và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2018.

[72] Từ năm 2016 - 2020 ngành Y tế đã cử CCVC đi đào tạo, bồi dưỡng: lý luận chính trị 60, Quản lý nhà nước 198, bác sĩ CKII 53, Thạc sĩ/CKI 107, Đại học 236. Theo Đề án đào tạo nhân lực y tế: cử viên chức đào tạo sau đại học 90 người (27 bác sĩ CKII, 61 bác sĩ CKI, 01 dược sĩ CKI, 01 điều dưỡng CKI), tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, định hướng chuyên khoa 45 người hoàn thành 100% chỉ tiêu theo Đề án. Đào tạo Đại học Y Dược hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng: 103 sinh viên (đến nay đã tốt nghiệp 49 trường hợp, tiếp nhận và bố trí công tác cho 36 trường hợp, còn 13 trường hợp xin không nhận công tác bồi hoàn lại kinh phí hỗ trợ của tỉnh). Tiếp nhận 02 bác sĩ tốt nghiệp hệ cử tuyển - chính quy ngành Y đa khoa về làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và TTYT huyện Thuận Nam, tiếp nhận 01 Cử nhân Điều dưỡng tốt nghiệp hệ cử tuyển về làm việc tại huyện Bác Ái.

[73] Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 5,1%o năm 2016 xuống còn 3,5%o năm 2019.

[74] Có 03 di sản văn hóa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di sản quốc gia đặc biệt (Nhóm đền tháp PôKlong Garai và Hòa Lai, Lễ bỏ mả của người Raglai tỉnh Ninh Thuận), 02 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản cấp quốc gia (Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm và Lễ hội Kate của đồng bào Chăm.) và 43 di tích, thắng cảnh cấp tỉnh được xếp hạng.

[75] Có 90% thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, 93% hộ gia đình công nhận gia đình văn hóa, 100% cơ quan đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

[76] Có 68.836 lượt hộ tham gia vay vốn từ ngân hàng CSXH, với tổng số dư nợ 312.441 triệu đồng, có 165.049 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,54% năm 2016 xuống còn 5,74% năm 2020, bình quân giảm 1,84%/năm.

[77] Xây mới và sửa chữa 848 nhà ở cho người có công với Cách mạng và 1.235 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/QĐ- TTg của Thủ tướng CP và hộ nghèo ở vùng bão lũ..

[78] Từ năm 2016- đến tháng 6/2020 huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 13.818 triệu đồng, có 99% hộ gia đình chính sách cơ bản có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú

[79] Có 730 lao động đi làm việc ở nước ngoài, gấp 4,29 lần so giai đoạn 2011-2015.

[80] Đến năm 2020 tỷ lệ nữ trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt 50,6%; tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt 52,15%; tỷ lệ nữ trong độ tuổi 15-40 ở vùng ĐBKK, vùng DTTS biết chữ chiếm 48,5% dân số; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 25,4/100 ngàn trẻ đẻ sống năm 2015 xuống còn 12,8/100 ngàn trẻ đẻ sống vào năm 2020.

[81] Đến năm 2020, có 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và bảo vệ, tăng 5% so năm 2015.

[82] Ước cuối năm 2020 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 12,8%, giảm 5,7% so với năm 2015.

[83] Ước cuối năm 2020 có 94% hộ gia đình nông thôn có trẻ em được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong và sau thiên tai; 91% trẻ em trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai có hoàn cảnh được can thiệp, trợ giúp và hòa nhập cộng đồng.

[84] Trên 99% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp miễn phí bảo hiểm y tế.

[85] Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 44/2016/NQ-HĐND ngày 23/8/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 71/2016/QĐ-UBND ngày 03/10/2016 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

[86] Tổng vốn đầu tư 2.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 2.406 tỷ đồng (NSĐP 457 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác 1.949 tỷ đồng) và vốn tài trợ 19 tỷ đồng.

[87] Có 98% trạm y tế xã có bác sỹ; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trong 4 năm (2016 - 2019) đào tạo 6.150 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo 1.537 lao động; giải quyết việc làm mới cho 23.170 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 4.634 lao động, xuất khẩu lao động 350 người, bình quân mỗi năm xuất khẩu 88 lao động, gấp 3,6 lần so giai đoạn 2011-2015.

[88] Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2020 đạt 28,8 triệu đồng/người, tăng 69,4% so với năm 2015 (tăng 11,8 triệu đồng/người).

[89] Chỉ số PAPI năm 2016 xếp hạng 17/63; năm 2017 xếp hạng 30/63, năm 2018 xếp hạng 13/63, năm 2019 xếp hạng 37/63. Chỉ số PAR INDEX năm 2016 xếp hạng 19/63, năm 2017 xếp hạng 30/63, năm 2018 xếp hạng 32/63, năm 2019 xếp hạng 32/63. Chỉ số PCI năm 2016 xếp hạng 49/63, năm 2017 xếp hạng 38/63, năm 2018 xếp hạng 43/63, năm 2019 xếp hạng 37/63. Chỉ số SIPAS năm 2017 xếp hạng 23/63, năm 2018 xếp hạng 49/63, năm 2019 xếp hạng 49/63. chỉ số công nghệ thông tin (ICT) năm 2017 xếp hạng 39/63, năm 2018 xếp hạng 21/63, năm 2019 xếp hạng 14/63.

[90] Đã ban hành 602 văn bản QPPL, trong đó 154 nghị quyết, 444 quyết định và 4 chỉ thị. Đồng thời tham gia thẩm định và góp ý 1.533 văn bản (thẩm định 372 văn bản, góp ý 801 văn bản)

[91] Thanh tra các cấp đã tiến hành 1.510/1.452 cuộc, đạt 104%. Qua thanh tra đã thu hồi nộp ngân sách 22.576/25.055 triệu đồng, 182.057/182.531 m2 đất các loại và chuyển cơ quan điều tra xử lý 01 vụ, 01 người, kiến nghị xử lý hành chính 154 tập thể. 349 cá nhân.

[92] Đã tiếp nhận 8.048 đơn (khiếu nại 7.786 đơn, tố cáo 262 đơn); đã xử lý 7.675 đơn, đạt 95,4%; đã thu hồi lại cho nhà nước 46.165 m2 đất các loại, nộp ngân sách 1.420 triệu đồng, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho công dân 18.060 triệu đồng, 113.927 m2 đất các loại; xử lý 8 trường hợp và minh oan cho 38 trường hợp.

[93] Tỷ trọng vốn NSNN năm 2015 chiếm 43,7%, đến năm 2020 chiếm 11,5% , giảm 32,2% so năm 2015.; tỷ trọng vốn TPKT và dân cư năm 2015 chiếm 56,3%, năm 2020 chiếm 88,5%, tăng 32,2% so năm 2015.

[94] Trong đó thu nội địa từ 4.900 - 5.000 tỷ đồng, tăng bình quân 13%/năm, thuế XNK 1.500 tỷ đồng.

[95] Có 76,9% xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em vào năm 2025.

[96] Đến năm 2025 có 96% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, bảo vệ.

[97] 95% hộ gia đình nông thôn có trẻ em được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong và sau thiên tai; trên 95% trẻ em được tiêm phòng trong mùa mưa lũ; 95% trẻ em được tham gia vào các chương trình nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 458/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận 5 năm 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


698

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.241.205
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!