Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 24/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thị Hồng
Ngày ban hành: 24/03/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 24/2009/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 3 năm 2009

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giá ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;
Căn cứ Thông tư số 15/2004/TT-BTC ngày 09 tháng 3 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 75/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Công văn số 1461/SCT ngày 26 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố và Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Giám đốc các Công ty trực thuộc thành phố quản lý chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các đoàn thể;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH. TP;
- Các cơ quan báo, đài TW và TP;
- VPHĐ-UB: các PVP;
- Các Phòng CV; TCTMDV (8b); TTCB;
- Lưu:VT, (TM/L) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

QUY CHẾ

PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 24 /2009/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các sở - ban - ngành, quận - huyện, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước); giữa các doanh nghiệp đầu mối về sản xuất - kinh doanh, các hợp tác xã thương mại của thành phố (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp đầu mối) với các cơ quan quản lý nhà nước để tập trung xử lý những biến động thị trường bất thường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Điều 2. Ban Chỉ đạo Xử lý những biến động thị trường bất thường thành phố (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo thành phố) là cơ quan chủ trì, điều phối hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các doanh nghiệp đầu mối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai các giải pháp cấp bách khi thị trường xảy ra biến động bất thường, nhằm tác động tích cực đến việc bình ổn giá cả và cân đối cung - cầu trên địa bàn thành phố. Sở Công Thương là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thành phố.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các mặt hàng thiết yếu là các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong từng thời kỳ.

2. Biến động bất thường là biến động về giá cả hoặc về lượng cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu xảy ra không bình thường, làm giá bán lẻ trên thị trường tăng hoặc giảm bình quân 15% trở lên so với mức giá trên thị trường trước khi có biến động trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục; do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, địch họa, khủng hoảng kinh tế; các tổ chức, cá nhân lạm dụng vị thế độc quyền, liên kết độc quyền để quy định giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác; do đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; do tác động bởi tin đồn thất thiệt, thông tin không chính xác; hoặc do các điều kiện bất thường khác gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn thành phố.

3. Doanh nghiệp đầu mối là một trong các loại doanh nghiệp sau đây:

a) Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh chuyên ngành hoặc đa ngành, trong đó có một hoặc nhiều mặt hàng thiết yếu là mặt hàng kinh doanh chủ lực thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố từng thời kỳ;

b) Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh được Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ hàng năm tham gia tạo nguồn hàng bình ổn thị trường thực hiện Đề án Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường thành phố.

Chương II

QUY TRÌNH VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP XỬ LÝ BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG BẤT THƯỜNG

Điều 4. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra biến động thị trường bất thường

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát hiện sự việc phải tiến hành ngay các công việc sau:

a) Tổ chức lực lượng, chủ động kiểm tra, rà soát, nắm sát tình hình, diễn biến giá cả, thị trường;

b) Xác định mặt hàng, nhóm hàng cụ thể đang biến động bất thường; điểm xuất phát và phạm vi lan tỏa của biến động bất thường;

c) Nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể gây biến động bất thường;

d) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân quận - huyện nơi xảy ra biến động và cấp trên trực tiếp quản lý, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện có biến động thị trường bất thường trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện và cơ quan chủ quản khi nhận được thông tin có biến động thị trường bất thường xảy ra trên địa bàn phải tập trung kiểm tra, chỉ đạo xử lý biến động theo thẩm quyền, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố chậm nhất trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được thông tin có biến động bất thường. Trường hợp đánh giá biến động bất thường có khả năng lan rộng, Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện phải báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xử lý biến động bất thường và thực hiện ngay công tác bình ổn giá.

3. Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố căn cứ tình hình thực tế, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trên địa bàn thành phố theo quy định tại điểm 3 khoản 3 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, chậm nhất trong vòng 12 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp quận - huyện. Cụ thể như sau:

a) Các biện pháp theo thẩm quyền để điều hòa cung cầu hàng hóa, dịch vụ;

b) Các biện pháp tài chính, tiền tệ;

c) Đăng ký giá, kê khai giá: thực hiện theo quy định tại Điều 22b khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Mục VI và VII Phần B Thông tư số 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính;

d) Công khai thông tin về giá theo quy định tại Điều 22c, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ;

đ) Các biện pháp về kinh tế, hành chính khác theo thẩm quyền bao gồm:

- Quyết định đình chỉ thực hiện các mức giá hàng hóa và dịch vụ do doanh nghiệp đã quyết định và yêu cầu thực hiện các mức giá trước khi có biến động bất thường.

- Phạt cảnh cáo, phạt tiền, thu chênh lệch giá do tăng giá bất hợp lý vào ngân sách nhà nước hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Quyết định tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý giá, bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết; xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo quy định của pháp luật.

- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm giá thành sản phẩm.

4. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc thẩm quyền quyết định và công bố thi hành các biện pháp bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá thực hiện ở từng vùng, khu vực hoặc trên phạm vi cả nước. Đồng thời, tổ chức triển khai ngay các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố giao.

Điều 5. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp đầu mối

1. Khi đánh giá biến động bất thường có khả năng gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo liên hệ ngay với các doanh nghiệp đầu mối về hàng hóa, dịch vụ có biến động thị trường để thông báo đầy đủ về biến động bất thường và yêu cầu phối hợp thực hiện công tác bình ổn giá.

2. Doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm:

a) Tập trung kiểm tra, xác định số lượng, chất lượng, chủng loại nguồn hàng hóa đang kinh doanh hoặc dự trữ có thể cung cấp cho thị trường để bình ổn giá. Nguồn dự trữ bao gồm nguồn hàng hóa có thể điều động từ các địa phương khác đưa về thành phố;

b) Báo cáo ngay với Thường trực Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân thành phố về khả năng điều tiết thị trường, đề xuất các phương án tổ chức thực hiện;

c) Thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố thi hành trên địa bàn thành phố:

- Tập trung mọi nguồn lực phân phối hàng hóa hoặc đưa hàng hóa từ các nơi khác về để điều tiết thị trường; đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và giá cả hợp lý đến từng đại lý, từng khu vực;

- Liên hệ với địa phương để được hỗ trợ về nhân sự phục vụ cho công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa điểm phân phối hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường;

d) Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần ổn định tâm lý người tiêu dùng, ngăn chặn các tác nhân gây xáo trộn thị trường;

đ) Khi cần thiết, theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp đầu mối phải báo cáo: chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá, giá thành, giá bán đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá để phục vụ yêu cầu kiểm soát và thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn thành phố.

3. Đối với các doanh nghiệp tham gia Đề án Chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu phục vụ cung cầu và bình ổn thị trường thành phố giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến năm 2015, đồng thời có hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao tại Quyết định phê duyệt Đề án này.

Điều 6. Phối hợp trong công tác thông tin, báo cáo và xử lý thông tin

1. Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng của thành phố về biến động bất thường; tổng hợp tình hình để báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố và các Bộ - ngành Trung ương; tiếp nhận thông tin chỉ đạo của các Bộ - ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo thành phố để triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo nhanh và đột xuất hàng ngày cho Ban Chỉ đạo.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng thiết lập ngay đường dây nóng hoặc số điện thoại phối hợp; phân công lãnh đạo cơ quan trực tiếp xử lý nhằm đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, chính xác; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tin báo hoặc tố giác của nhân dân và các cơ quan có liên quan khi có biến động bất thường; thực hiện chế độ báo cáo nhanh và đột xuất hàng ngày cho Ban Chỉ đạo.

3. Các ngành, các cấp khi nhận được thông tin, báo cáo hoặc phát hiện có xảy ra biến động bất thường phải chủ động xử lý và báo cáo, đề xuất ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố để có biện pháp bình ổn kịp thời. Công tác báo cáo và xử lý thông tin phải được thực hiện khẩn trương, cấp bách, trực tiếp đến cấp có thẩm quyền giải quyết, không nhất thiết phải theo trình tự từ cấp dưới lên cấp trên, từ cấp thấp hơn lên cấp cao hơn.

4. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các cơ quan báo, đài tập trung, ưu tiên đưa tin về tình hình biến động bất thường và các chủ trương, chính sách bình ổn thị trường đang được triển khai thực hiện để định hướng dư luận; kịp thời đưa tin về những đơn vị, cá nhân tham gia hưởng ứng, triển khai tích cực các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời làm rõ và công khai dư luận những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm.

5. Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố là cơ quan phát ngôn của Ban chỉ đạo.

Điều 7. Phối hợp trong hoạt động kiểm tra liên ngành

1. Khi phát hiện xảy ra biến động bất thường, tùy tình hình cụ thể, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có thể quyết định thành lập các Tổ kiểm tra liên ngành đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân quận - huyện nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá; các Sở quản lý hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ trì và các cán bộ của các ngành chức năng tham gia, phối hợp với Công an và chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý các biến động thị trường theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

2. Trường hợp cần thiết, Sở Công Thương thành lập hoặc báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra, xử lý biến động thị trường theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

3. Công tác phối hợp trong hoạt động kiểm tra liên ngành được thực hiện theo quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Công Thương:

a) Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố, có trách nhiệm nghiên cứu, dự báo cung - cầu các mặt hàng thiết yếu; kiểm tra, rà soát và đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa từng thời kỳ của các doanh nghiệp đầu mối; đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu ở mức tối thiểu, sẵn sàng cung ứng, tham gia điều phối thị trường khi cần thiết. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ dự trữ hàng hóa thiết yếu cho các doanh nghiệp hàng năm để tạo nguồn hàng bình ổn thị trường;

b) Tổ chức đường dây nóng của Ban Chỉ đạo thành phố, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận thông tin của các cơ quan nhà nước, các lực lượng chức năng và của nhân dân về biến động bất thường;

c) Phối hợp với các Sở quản lý hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có hàng hóa, dịch vụ đang biến động và các ngành chức năng báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố các giải pháp xử lý kịp thời;

d) Là đầu mối quan hệ phối hợp với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện chỉ đạo của cấp thẩm quyền về bình ổn giá;

đ) Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành phố có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, tiến hành kiểm tra đột xuất theo chức năng nhiệm vụ được giao và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố.

2. Sở Tài chính:

a) Là cơ quan quản lý nhà nước về giá, có trách nhiệm thu thập thông tin, phân tích tình hình biến động giá cả; thường xuyên theo dõi, phát hiện các biến động bất thường, báo cáo, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố xử lý kịp thời.

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc thẩm quyền quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố hoặc của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Phối hợp Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá để thực hiện trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 75/2008/NĐ-CP của Chính phủ và quy định tại Mục V Thông tư số 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính; thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan như: kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng hóa và dịch vụ theo giá niêm yết; việc đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá đối với loại hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, kê khai giá (theo thẩm quyền), phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Giá và các quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bình ổn giá.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Quản lý thị trường, Công Thương, Thuế, Hải quan, Công an... kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không đúng pháp luật về giá, lợi dụng chủ trương điều hành giá của Nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất hợp lý.

- Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Tài chính về tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ quyết định và công bố áp dụng trên địa bàn thành phố.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Chỉ đạo các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung, ưu tiên đưa tin về tình hình biến động bất thường và các chủ trương, chính sách bình ổn thị trường đang được triển khai thực hiện; kịp thời đưa tin về những đơn vị, cá nhân tham gia hưởng ứng, triển khai tích cực các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời làm rõ và công khai dư luận những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm.

b) Hỗ trợ Sở Công Thương trong công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình xử lý biến động bất thường để định hướng dư luận; phối hợp cơ quan an ninh kịp thời ngăn chặn những hành vi phát tán, gây nhiễu thông tin, làm biến động thị trường bất thường hoặc lợi dụng biến động thị trường làm mất ổn định chính trị và trật tự - an toàn xã hội.

4. Sở Giao thông vận tải:

a) Có kế hoạch chỉ đạo các phương tiện vận tải thủy, bộ phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo các điều kiện cần thiết để vận chuyển hàng hóa được thông suốt, nhanh chóng khi xảy ra biến động bất thường.

b) Cấp giấy phép vận chuyển vào đường cấm, vận chuyển vào giờ cao điểm cho các phương tiện vận tải theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thành phố, nhằm ưu tiên vận chuyển hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường.

5. Các Sở quản lý hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá:

a) Tổ chức thực hiện công tác bình ổn giá, trực tiếp xử lý các vấn đề có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do cơ quan mình quản lý khi xảy ra biến động bất thường. Đồng thời, nhanh chóng báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố và các Bộ, ngành chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

b) Phối hợp với cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, các ngành chức năng để thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo từng địa bàn, khu vực, ngành hàng, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các biến động bất thường theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Cục Thuế:

a) Chỉ đạo các phòng chức năng và Chi cục Thuế quận - huyện kiểm tra chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng những biến động bất thường để đầu cơ trục lợi, nâng giá bất hợp lý; xử lý vi phạm về thuế đối với các địa điểm kinh doanh và dịch vụ tự ý nâng giá, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

b) Phối hợp kiểm tra và tiếp nhận các hồ sơ vi phạm có liên quan, xử lý ngay trong thời gian ngắn nhất, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo tác động răn đe.

7. Công an thành phố:

a) Chỉ đạo các phòng chức năng và Công an quận - huyện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành điều tra, xác định cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm làm biến động thị trường bất thường; làm rõ động cơ, mục đích và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

b) Chỉ đạo Công an các quận - huyện, phường - xã cử nhân sự phối hợp với các lực lượng chức năng hoặc tham gia vào các tổ, đoàn kiểm tra liên ngành khi được yêu cầu; kịp thời xử lý các đối tượng có hành vi gây rối, đảm bảo trật tự - an toàn xã hội tại các địa điểm kinh doanh và trên địa bàn trong thời gian xảy ra biến động bất thường.

c) Tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu, khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo thành phố.

8. Cục Hải quan thành phố:

a) Khi xảy ra biến động bất thường đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá, có biện pháp nhanh chóng giải quyết thông quan các mặt hàng có liên quan đến biến động, đảm bảo cho các doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra tiêu thụ, cân đối cung cầu của thị trường.

b) Trường hợp phát hiện có chủ hàng cố tình lưu giữ tại cảng, không thông quan nhằm găm hàng, đầu cơ, tích trữ, tạo khan hiếm giả tạo thì tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm chủ hàng, xem xét, xử lý theo pháp luật và báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:

Chỉ đạo lực lượng quân sự quận - huyện, phường - xã, nhanh chóng phối hợp với các lực lượng chức năng ở địa phương để giữ gìn an ninh, trật tự khi xảy ra biến động bất thường về giá cả, thị trường tại các địa điểm kinh doanh.

10. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:

a) Phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố và các tỉnh giáp ranh tăng cường giám sát trên các tuyến cửa khẩu, ngăn chặn các hành vi lợi dụng những biến động bất thường để gây rối, phao tin đồn thất thiệt, có biện pháp tuyên truyền vận động, trấn an dư luận tại các địa bàn được phân công quản lý.

b) Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong điều tra, xác minh các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, đầu cơ, găm hàng ở khu vực cửa khẩu cảng và biển của thành phố.

c) Chi viện phương tiện, lực lượng hỗ trợ cho các ngành chức năng, đảm bảo phân phối các mặt hàng thiết yếu đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa khi xảy ra biến động bất thường.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Có cơ chế tiếp nhận thông tin về biến động bất thường, kịp thời xử lý theo thẩm quyền; báo cáo, đề xuất ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân thành phố trong trường hợp cần thiết.

b) Tập trung xử lý những vấn đề có liên quan đến biến động bất thường, xảy ra trên địa bàn quản lý theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Quy chế này.

c) Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, phát hiện các dấu hiệu phao tin đồn thất thiệt, đầu cơ, tích trữ, găm hàng, đẩy giá lên cao để kịp thời xử lý.

d) Chịu trách nhiệm với Ủy ban nhân dân thành phố khi không kịp thời xử lý hoặc không nắm được những biến động bất thường, xảy ra trên địa bàn quản lý.

Điều 9. Trách nhiệm của các doanh nghiệp đầu mối

1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch và biện pháp để phát triển sản xuất - kinh doanh; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá bất hợp lý; nâng cao chất lượng phục vụ, hạ giá thành sản phẩm; tổ chức mạng lưới phân phối cố định và lưu động rộng khắp đến người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu.

2. Chủ động phân tích tình hình, có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu tối thiểu theo yêu cầu, nhằm kịp thời bảo đảm nguồn cung ứng trong thời gian sớm nhất ra thị trường; cùng với các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng triển khai các biện pháp bình ổn giá khi xảy ra biến động bất thường theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Điều 10. Trách nhiệm phối hợp của cơ quan Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành - nghề

1. Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm thông tin cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành - nghề về tình hình biến động, diễn biến thị trường; các biện pháp bình ổn đã và đang thực hiện và đề nghị phối hợp triển khai công tác xử lý biến động bất thường.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành - nghề:

a) Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn để nhân dân tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành và tích cực hưởng ứng các biện pháp bình ổn giá của chính quyền địa phương;

b) Vận động nhân dân kịp thời phát hiện và tố cáo các tổ chức, cá nhân có hành vi tung tin đồn thất thiệt, lợi dụng biến động bất thường nhằm đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý, gây rối loạn thị trường đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý.

c) Các Hiệp hội ngành - nghề có hội viên hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ đang biến động bất thường có trách nhiệm vận động hội viên tham gia phối hợp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương sớm can thiệp, xử lý biến động, nhanh chóng bình ổn thị trường.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Căn cứ nội dung Quy chế này, Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ngành, các cấp cụ thể hóa chế độ công tác và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó và chủ động phối hợp xử lý những biến động thị trường bất thường xảy ra trên địa bàn thành phố.

Điều 12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hiệp hội ngành - nghề phối hợp thực hiện tốt Quy chế này.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, cần điều chỉnh, bổ sung Quy chế này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần báo cáo, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét, xử lý kịp thời./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 24/2009/QĐ-UBND ngày 24/03/2009 về quy chế phối hợp xử lý biến động thị trường bất thường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.520

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.187.60
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!