ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2249/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 22
tháng 11 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN
TỬ, KINH DOANH DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử
ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Quản
lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Công điện số
889/CĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu
quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh
trên nền tảng số;
Căn cứ Quyết định số
2146/QĐ-BTC ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch
tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động
thương mại điện tử tại Việt Nam”;
Theo đề nghị của Cục Thuế tỉnh
tại Tờ trình số 1496/TTr-CTBCA ngày 13 tháng 9 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Quản lý thuế
đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2.
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện theo Đề án đảm bảo
quy định.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc
Sở Công Thương, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh,
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đăng Bình
|
ĐỀ ÁN
QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, KINH
DOANH DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Kèm theo Quyết định số 2249/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN
TỬ, KINH DOANH DỰA TRÊN NỀN TẢNG SỐ, SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
A. TÌNH HÌNH
QUẢN LÝ THUẾ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
I. TÌNH
HÌNH HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ, KINH DOANH DỰA TRÊN NỀN TẢNG SỐ
1. Khái niệm về thương mại
điện tử
Theo quy định tại Nghị định số
52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT) thì định
nghĩa về TMĐT được hiểu như sau: “Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc
toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối
với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Tuy nhiên, đối
với đại đa số người dùng hiện nay thì TMĐT được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đơn giản
và dễ hiểu hơn là: “TMĐT tức là mua bán trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua
các phương tiện điện tử và Internet”.
2. Thực trạng hoạt động TMĐT
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Thời gian qua, hoạt động TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số (sau đây gọi là hoạt động TMĐT) trên
địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn ra thường xuyên và phát triển mạnh mẽ trong các tổ chức,
cá nhân. Hoạt động TMĐT đã làm thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh từ
truyền thống sang hình thức TMĐT rất nhanh, số lượng lớn; tư duy về mua, bán,
trao đổi hàng hóa và thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo xu thế
của xã hội; rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua
hình thức TMĐT. Hoạt động này không chỉ diễn ra ở khu vực thành thị, trung tâm
thành phố mà đã lan tỏa ra khắp mọi nơi, len lỏi vào các ngõ ngách, thôn bản, tổ
dân phố. Hoạt động giao thương của người tiêu dùng giữa các địa phương trong và
ngoài tỉnh đang có xu hướng tăng cao, hình thức mua sắm trực tuyến qua các kênh
TMĐT được diễn ra thông qua việc lựa chọn các kênh mua sắm và giao dịch bằng
nhiều hình thức như: Sàn Giao dịch TMĐT, các ứng dụng TMĐT, mạng xã hội
Facebook, Instagram, Zalo.
Tuy nhiên, phạm vi hoạt động
TMĐT rất rộng, mọi giao dịch chủ yếu qua tin nhắn, điện thoại, Website, các
trang mạng xã hội, quảng cáo... các hoạt động mua bán này thường tiềm ẩn nhiều
rủi ro trong lĩnh vực quản lý thuế như không xuất hóa đơn khi giao dịch, thông
tin giao dịch trên Internet dễ xóa và cũng dễ thay đổi, do đó việc chứng minh
nguồn thu nhập của những tổ chức, cá nhân kinh doanh loại hình này thường khó
xác định, thiếu căn cứ, dẫn đến nhiều trường hợp đã lợi dụng và không thực hiện
đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Bên cạnh đó, các hoạt động quảng
cáo trên các nền tảng công nghệ, lĩnh vực phần mềm, nền tảng công nghệ thông
tin kỹ thuật số cũng rất đa dạng như: Quảng cáo trực tuyến trên Facebook,
Youtube, Google, Tiktok..., nhiều hoạt động có doanh thu rất lớn... nhưng có thể
nói số thuế thu được từ các hoạt động này vẫn còn rất nhỏ hoặc chưa quản lý thu
được thuế so với doanh thu phát sinh từ TMĐT, chưa phát huy hết tiềm năng thu
ngân sách từ lĩnh vực kinh doanh này.
Trên cơ sở số liệu theo dõi quản
lý và rà soát, nắm bắt tình hình thực tế của cơ quan thuế (CQT). Hiện nay, trên
địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngoài các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức
truyền thống, còn phát sinh một số tổ chức, cá nhân, loại hình kinh doanh trực
tiếp hoặc gián tiếp theo hình thức TMĐT, kinh doanh online, cụ thể như:
- Các hộ, cá nhân kinh doanh (CNKD)
nộp thuế theo phương pháp khoán ổn định kinh doanh theo phương thức truyền thống
có cửa hàng, cửa hiệu cố định và kinh doanh online. Đặc biệt, có một số hộ,
CNKD chỉ có kho hàng và chưa được quản lý thuế hoạt động chủ yếu theo hình thức
kinh doanh online.
- Các doanh nghiệp hoạt động sản
xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thu gom, chế biến các sản
phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có xây dựng và phát triển các trang Website để quảng
cáo, giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng. Đối với loại hình này
bước đầu đã được các đơn vị kê khai, nộp thuế theo quy định.
- Các công ty đang tổ chức hoạt
động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực
TMĐT như: Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng
dụng (như Booking.com, Agoda...): Cũng đã kê khai và nộp thuế theo quy định.
- Các tổ chức tham gia gián tiếp
đến hoạt động kinh doanh online dưới hình thức là các đơn vị vận chuyển, chuyển
phát hàng hóa có thu hộ tiền hàng (Ship COD) hoặc thu tiền dịch vụ chuyển phát
(Ship), gồm: Bưu điện tỉnh Bắc Kạn, các điểm Bưu điện văn hóa xã, phường; Bưu cục
Viettel Post Bắc Kạn; Trung tâm Chuyển phát nhanh J&T Express Bắc Kạn (có
bưu cục tại các phường: Sông Cầu và Đức Xuân...). Đối với các đơn vị này, hiện
nay CQT đã thực hiện quản lý thuế đối với doanh thu phát sinh từ hoạt động dịch
vụ vận chuyển theo đúng quy định. Tuy nhiên, số tiền hàng hóa thu hộ (chủ yếu
là tiền mặt) cho các chủ hàng được xác định là doanh thu bán hàng từ hoạt động
kinh doanh online phát sinh đối với các đơn hàng đến và đi trên địa bàn tỉnh Bắc
Kạn chưa được quản lý thu thuế.
- Các ngân hàng thương mại
(NHTM) tham gia vào hoạt động kinh doanh online dưới hình thức là đơn vị nhận
thực hiện các giao dịch thanh toán tiền mua, bán hàng hóa. Hiện nay các NHTM đã
thực hiện kê khai, nộp thuế đối với số tiền phí dịch vụ chuyển tiền theo quy định.
Tuy nhiên, số tiền giao dịch, thanh toán tiền mua, bán hàng hóa của các chủ tài
khoản là các tổ chức, CNKD online thường không ghi rõ nội dung, số tiền đã chuyển;
do đó thông tin từ các giao dịch thanh toán này rất khó xác định về nội dung
thanh toán thuộc lĩnh vực giao dịch dân sự thông thường hay giao dịch kinh tế
(kinh doanh online); do vậy chưa xác định được khoản doanh thu bán hàng này để
thực hiện quản lý thu thuế. Các NHTM gồm có: BIDV, Vietinbank, Agribank, Liên
Việt Post Bank ...
- Các đơn vị cung cấp dịch vụ
viễn thông (các nhà mạng Vinaphone, Viettel, MobiFone ...): Đây là các đơn vị
trung gian trong truyền tải nội dung thông tin đối với các giao dịch, hợp đồng
giữa bên bán hàng với bên mua hàng. Nội dung thông tin thuộc lĩnh vực cá nhân của
các chủ thuê bao nên CQT không có chức năng xác định cụ thể, chi tiết, do vậy,
thông tin liên quan đến hoạt động TMĐT, kinh doanh online phát sinh doanh thu
(nếu có) cũng chưa được quản lý thu thuế.
II. TÌNH
HÌNH QUẢN LÝ THUẾ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
1. Trong thời gian qua
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thực
hiện quản lý thu thuế đối với các tổ chức, CNKD theo phương thức truyền thống bằng
cách khoán thuế ổn định hằng tháng và quản lý thuế phát sinh từ doanh thu sử dụng
hóa đơn quyển đối với một số CNKD mua hóa đơn tại CQT là chủ yếu. Các hộ, CNKD
theo phương thức kinh doanh online chưa được quản lý thu thuế.
Công tác quản lý thuế được thực
hiện theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, tuy nhiên việc
quản lý thu thuế đối với các tổ chức tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt
động TMĐT, kinh doanh online phụ thuộc chủ yếu vào việc doanh nghiệp tự khai, tự
tính và nộp thuế vào ngân sách nhà nước; CQT thực hiện các biện pháp quản lý
thuế thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, qua công tác kiểm
tra thuế, đôn đốc và xử lý nợ thuế, nhưng các biện pháp quản lý thuế chủ yếu
xác định trên cơ sở số liệu kiểm tra sổ sách, hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp
nên không xác định chính xác được việc doanh nghiệp kê khai không đầy đủ, thiếu
chính xác doanh thu bán hàng thực tế phát sinh (nhất là doanh thu kinh doanh
online) dẫn đến thất thu thuế.
2. Tồn tại, hạn chế trong công
tác quản lý thuế
- Đối với các tổ chức, cá nhân
trực tiếp kinh doanh (người bán hàng online): Loại hình kinh doanh này trên địa
bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là nhỏ lẻ hoặc kết hợp với kinh doanh theo phương thức
truyền thống của các hộ, CNKD; còn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp
bán hàng online thì ít phát sinh. Do vậy, hoạt động kinh doanh của các tổ chức,
cá nhân trực tiếp kinh doanh online này chưa được quản lý thuế.
- Đối với các tổ chức, cá nhân
tham gia vận chuyển, chuyển phát hàng hóa:
+ Đối với tổ chức: Tiền công dịch
vụ chuyển phát (tiền Ship) thường chiếm tỷ trọng ít và đã được các đơn vị này
kê khai, nộp thuế. Tuy nhiên, đối với số tiền hàng hóa thu hộ người bán (chủ
hàng) chủ yếu bằng tiền mặt thường chiếm tỷ trọng lớn (được xác định là doanh
thu bán hàng) nhưng chưa được đơn vị kê khai, nộp thuế thay cho chủ hàng.
+ Đối với cá nhân giao hàng
chuyên nghiệp (Shipper): Tiền công dịch vụ chuyển phát (tiền Ship) và tiền hàng
hóa thu hộ (tiền COD) chưa được các cá nhân này tự giác kê khai, nộp thuế.
- Đối với thông tin về tài khoản
tại các NHTM: Khi thực hiện thanh toán tiền mua, bán hàng hóa giữa các tổ chức,
CNKD online thường không ghi rõ nội dung, số tiền đã chuyển; do đó thông tin từ
các giao dịch thanh toán này rất khó xác định về nội dung thanh toán thuộc lĩnh
vực giao dịch dân sự thông thường hay giao dịch kinh tế (kinh doanh online). Để
có cơ sở xác định chính xác các giao dịch thanh toán tiền thông qua tài khoản
trong hoạt động kinh doanh online làm căn cứ quản lý thuế đòi hỏi các ngân hàng
phải có quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung chuyển tiền.
- Đối với các nhà mạng: Việc phối
hợp giữa CQT với các nhà mạng để trao đổi, thu thập thông tin liên quan đến hoạt
động TMĐT, kinh doanh online phục vụ cho công tác quản lý thuế chưa thực hiện
được.
3. Nguyên nhân của tồn tại,
hạn chế
- Các tổ chức, cá nhân tham gia
trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh online chưa tự giác kê khai,
nộp thuế khi phát sinh.
- CQT chưa có quy chế phối hợp
với các NHTM, các nhà mạng để thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
- Hiện tại, về cơ bản cơ chế
chính sách quản lý thuế với hoạt động TMĐT đã và đang được hình thành nhưng mới
chỉ ở dạng “khung”, chưa quy định rõ ràng, cụ thể, chi tiết và đặc biệt là thiếu
chế tài xử lý đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân tham gia TMĐT, kinh doanh dựa
trên nền tảng công nghệ số phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà
nước.
B. SỰ CẦN
THIẾT, CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN
THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong thời gian qua hoạt động
TMĐT đang diễn ra hết sức sôi động, công tác quản lý thuế đối với hoạt động này
tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng số thuế thu được từ hoạt động
TMĐT còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển loại hình TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh
Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 502/KH-UBND ngày 05/8/2021 về việc quản lý thuế
và giải pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn,
Công văn số 6007/UBND-TH ngày 09/9/2021 về việc giao Ủy ban nhân dân thành phố
Bắc Kạn xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm Đề án Quản lý thuế đối với hoạt
động kinh doanh TMĐT, Công văn số 1952/UBND-TH ngày 01/4/2022 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Bắc Kạn về việc tham mưu xây dựng Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động
TMĐT.
Việc thu thuế đối với hoạt động
TMĐT được quy định tại Luật Quản lý Thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày
19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ
Tài chính đã quy định trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân về việc thực
hiện kê khai, nộp thuế liên quan đến hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, hiện nay việc
quản lý hoạt động TMĐT và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vẫn còn nhiều diễn
biến phức tạp, thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành, còn bất cập trong quản lý
như: Chưa quản lý được hết doanh thu bán hàng thực tế phát sinh đối với hoạt động
mua bán hàng hóa từ hoạt động TMĐT (cả trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến
TMĐT); chưa quản lý được các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ các
trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, Google, Tiktok... văn bản hướng dẫn thực
hiện việc quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT chưa quy định cụ thể, rõ ràng về
đối tượng quản lý thuế; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành với CQT chưa
thật sự mang lại hiệu quả; việc tự giác kê khai và chấp hành nghĩa vụ thuế của
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Qua thực tế đã nảy sinh nhiều hạn
chế, bất cập trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa
trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Để khắc phục những hạn chế,
bất cập và tạo sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý
thuế, việc ban hành “Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa
trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” là cần thiết.
II. CĂN CỨ
PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Quản lý thuế năm 2019 và
các văn bản thi hành;
- Các Luật Thuế, Luật Phí và
các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Luật Giao dịch điện tử năm 2005
và các văn bản hướng dẫn thực hiện;
- Luật Thương mại năm 2005 và
các văn bản hướng dẫn thực hiện;
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý
thuế;
- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP
ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021
của Chính phủ Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ;
- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP
ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và
thông tin trên mạng;
- Thông tư số 40/2021/TT-BTC
ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập
cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, CNKD;
- Chương trình hành động số
06-CTr/TU ngày 24/12/2020 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Nghị quyết Đại hội đại
biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
- Kế hoạch số 502/KH-UBND ngày
05/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc quản lý thuế và giải pháp chống
thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng
công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;
- Quyết định số 2388/QĐ-UBND
ngày 08/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2022;
- Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày
22/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc thu ngân sách và giải pháp
chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2022.
Phần thứ hai
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
A. MỤC
TIÊU
Phát huy hiệu lực, hiệu quả
công tác quản lý thuế, tăng thu ngân sách nhà nước trong lĩnh vực TMĐT. Nâng
cao nhận thức về pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của các tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động TMĐT, từ đó tạo được sự đồng thuận và tự giác chấp
hành kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định; đảm bảo sự
công bằng trong việc nộp thuế của người nộp thuế trong bất kỳ phương thức kinh
doanh, loại hình kinh doanh. Đề cao trách nhiệm phối hợp và tạo sự đồng bộ
trong quản lý của các cấp, các ngành trong công tác quản lý thuế.
B. YÊU CẦU
Đề án Quản lý thuế đối với hoạt
động kinh doanh TMĐT phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, công bằng
và phù hợp với chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về quản lý
TMĐT và pháp luật thuế; dễ thực hiện, dễ kiểm tra và nâng cao hiệu quả công tác
quản lý nhà nước và quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT.
C. PHẠM VI
ÁP DỤNG
1. Áp dụng đối với việc phối hợp
quản lý các khoản thuế, lệ phí gồm: Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập
doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), lệ phí môn bài của các tổ chức,
cá nhân tham gia vào hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Các công ty, hợp tác xã, tổ
chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hoạt động TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
3. Các sở, ban, ngành và các
đơn vị có liên quan phối hợp quản lý thuế gồm: Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở
Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh,
Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh
- Truyền hình Bắc Kạn, các nhà mạng, các NHTM, các công ty chuyển phát thu hộ
tiền bán hàng.
4. Nội dung không quy định
trong Đề án này thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản pháp
luật về thuế, phí, lệ phí hiện hành và các quy định có liên quan khác.
D. NỘI
DUNG, GIẢI PHÁP QUẢN LÝ THUẾ
I. NỘI
DUNG QUẢN LÝ THUẾ
1. Đối tượng quản lý thuế
- Các tổ chức, doanh nghiệp có
hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ
số.
- Các hộ, cá nhân có hoạt động
bán hàng TMĐT (bao gồm CNKD có địa điểm cố định, không có địa điểm cố định, mua
bán hàng hóa nước ngoài thông qua trung gian).
- Các tổ chức, cá nhân có thu
nhập nhận được từ hoạt động TMĐT:
+ Các Shipper giao hàng chuyên
nghiệp (có đăng ký thuế và chưa đăng ký thuế được thuê giao hàng).
+ Người nộp thuế nhận thu nhập
từ các tổ chức nước ngoài: Youtube, tiktok, google, Apple…
+ Người nộp thuế là trung gian
TMĐT (đại diện, môi giới, ủy thác…) làm cầu nối giữa bên bán và bên mua như bán
mỹ phẩm, thuốc... thông qua các cộng tác viên, du học sinh, hướng dẫn viên du lịch…
2. Căn cứ tính thuế
- Căn cứ tính thuế đối với tổ
chức là giá tính thuế và thuế suất.
- Căn cứ tính thuế đối với cá
nhân là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
2.1. Đối với tổ chức
* Giá tính thuế
- Đối với tổ chức tham gia trực
tiếp: Là số tiền phát sinh từ giao dịch mua, bán, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ
liên quan đến hoạt động TMĐT (chưa có VAT).
- Đối với tổ chức tham gia gián
tiếp: Là số tiền phát sinh từ giao dịch mua, bán, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ
liên quan đến hoạt động TMĐT được ủy quyền thu hộ (tiền mặt) hoặc số tiền thanh
toán qua tài khoản ngân hàng.
* Thuế suất
Thuế suất, mức thuế: Áp dụng
theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2.2. Đối với cá nhân
* Doanh thu tính thuế
- Cá nhân trực tiếp kinh doanh:
Là tổng số tiền phát sinh từ giao dịch mua, bán, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ
liên quan đến hoạt động TMĐT có giá trị từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
- Đối với các Shipper: Là tổng
số tiền phát sinh từ giao dịch mua, bán, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ liên quan
đến hoạt động TMĐT được ủy quyền thu hộ (nếu có) và số tiền công được hưởng có
giá trị từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
- Đối với cá nhân là trung gian
TMĐT: Là tổng số tiền thù lao nhận được khi người nộp thuế thực hiện các giao dịch
thương mại cho bên thuê dịch vụ (một hay nhiều thương nhân) và có giá trị từ
100 triệu đồng/năm trở lên.
* Tỷ lệ tính thuế trên doanh
thu
- Áp dụng đối với ngành: Phân
phối, cung cấp hàng hóa - Tỷ lệ phần trăm tính thuế GTGT là: 01%; tỷ lệ phần
trăm tính thuế TNCN là: 0,5%.
Riêng đối với số tiền công được
hưởng của các Shipper (hoạt động độc lập) thì áp dụng đối với ngành: Dịch vụ
bưu chính, chuyển phát thư tín và bưu kiện - tỷ lệ phần trăm tính thuế GTGT là:
05%; tỷ lệ phần trăm tính thuế TNCN là: 02%.
3. Cách thức tính thuế
3.1. Đối với tổ chức
* Tham gia trực tiếp hoạt động
TMĐT
- Thuế GTGT phải nộp = Thuế
GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Thuế GTGT đầu ra = Giá tính thuế
x thuế suất 10%.
- Thuế TNDN phải nộp: Áp dụng
theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
* Tham gia gián tiếp hoạt động
TMĐT
- Thực hiện khai thuế thay, nộp
thuế thay cho các cá nhân TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số trên cơ
sở số tiền được ủy quyền thu hộ (tiền mặt) hoặc số tiền thanh toán qua tài khoản
ngân hàng. Số tiền thuế khai thay, nộp thay được xác định như sau:
- Tổng số tiền thuế phát sinh =
(doanh thu x 01%) + (doanh thu x 0,5%).
Trong
đó: + Thuế GTGT phát sinh
= Doanh thu x 01%.
+ Thuế TNCN phát sinh = Doanh thu x 0,5%.
3.2. Đối với cá nhân
- Tổng số tiền thuế phát sinh =
(doanh thu x 01%) + (doanh thu x 0,5%).
Trong
đó: + Thuế GTGT phát sinh
= Doanh thu x 01%.
+ Thuế TNCN phát sinh = Doanh thu x 0,5%.
- Riêng tiền công của các
Shipper (hoạt động độc lập) thì xác định như sau:
Tổng số tiền thuế phát sinh =
(doanh thu x 05%) + (doanh thu x 02%).
Trong đó:
+ Thuế GTGT phát sinh = Doanh
thu x 05%.
+ Thuế TNCN phát sinh = Doanh thu x 02%.
4. Thuận lợi, khó khăn khi
triển khai thực hiện quản lý thuế
4.1. Thuận lợi
Khi thực hiện quản lý thuế đối
với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số thì căn cứ để xác
định số tiền thuế phát sinh phải nộp rất đơn giản, dễ hiểu và dễ xác định. Việc
thực hiện quản lý thuế triệt để đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền
tảng công nghệ số sẽ tạo được nguồn thu ổn định, chống thất thu ngân sách nhà
nước và phù hợp với xu thế kinh doanh trong thời kỳ mới; tạo ra sự công bằng
trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các thành phần kinh tế và loại hình
kinh doanh.
4.2. Khó khăn
Bước đầu triển khai thực hiện
công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh online sẽ gặp không ít khó
khăn đối với ngành Thuế do: Chức năng, nhiệm vụ được quy định; công tác phối hợp
với các ngành, các NHTM, các nhà mạng và cơ chế, chính sách quản lý chưa được
quy định cụ thể, rõ ràng. Từ đó, dẫn đến sự thiếu hợp tác từ các ngành liên quan;
sự từ chối hợp tác của các tổ chức, cá nhân trực tiếp, gián tiếp tham gia hoạt
động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
II. GIẢI
PHÁP QUẢN LÝ THUẾ
1. Quản lý thuế đối với các doanh
nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức
kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT
- Nội dung: Tăng cường tổ chức
thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để
công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT vào nề nếp.
- Giải pháp thực hiện: Tăng cường
công tác tuyên truyền về chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT qua các phương
tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức; xây dựng kế hoạch và tổ chức
thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế hoạt động trong lĩnh vực TMĐT (phân
tích rủi ro hay chuyên đề); trường hợp có doanh nghiệp phức tạp hoặc CQT đã thực
hiện giám sát rủi ro, kiểm tra theo chuyên đề nhưng người nộp thuế không tuân
thủ kê khai, nộp thuế thì thực hiện thanh tra chuyên sâu (nếu có); tăng cường
công tác kiểm tra tại trụ sở CQT, áp dụng các phương thức điện tử trong kiểm
tra để giám sát, phân tích thu thập, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp, tổ chức
kê khai không đầy đủ, xử lý theo quy định. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra,
kiểm tra, các khó khăn, vướng mắc trong thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động
TMĐT.
2. Quản lý thuế đối với các
cá nhân kinh doanh đang thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán
- Nội dung: Tiến hành khảo sát,
điều tra doanh thu bán hàng từ hoạt động TMĐT song song với phương thức truyền
thống để có căn cứ, cơ sở thực hiện điều chỉnh mức thuế khoán cho phù hợp với
thực tế phát sinh.
- Giải pháp thực hiện: Các Chi
cục Thuế chỉ đạo Đội Thuế liên xã, phường phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã,
phường tiến hành rà soát, thống kê các hộ, CNKD hiện nay đã được lập sổ bộ thuế
khoán có phát sinh hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số để
tổ chức điều tra, khảo sát doanh thu. Trên cơ sở kết quả khảo sát xác định được
chính xác doanh thu bán hàng để có căn cứ thực hiện điều chỉnh doanh thu khoán
thuế và mức thuế phải nộp theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
- Trách nhiệm của các đơn vị: Đội
Thuế liên xã, phường chủ trì phối hợp với hội đồng tư vấn thuế xã, phường triển
khai thực hiện điều tra, khảo sát doanh thu và lập sổ bộ thuế trình Chi cục Thuế
khu vực phê duyệt theo định kỳ hằng tháng, quý. Căn cứ vào sổ bộ thuế đã được
duyệt để tiến hành quản lý thu thuế và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà
nước đúng theo quy định.
3. Quản lý thuế đối với người
nộp thuế chưa được cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế
- Nội dung: Thực hiện rà soát,
kiểm tra đối với các CNKD có phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ từ tất cả
các hình thức TMĐT để yêu cầu người nộp thuế thực hiện đăng ký, khai nộp thuế
theo đúng quy định.
- Giải pháp thực hiện:
+ Lập tổ triển khai của Cục Thuế
tỉnh để thực hiện khai thác, thu thập thông tin (từ các tổ chức, cá nhân liên
quan; trên hệ thống giải pháp phần mềm quản trị với các nội dung liên quan tới
giám sát mạng xã hội - do Trung tâm Kinh doanh VNPT - Bắc Kạn hỗ trợ cung cấp)
và cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT cho phòng liên
quan, Chi cục Thuế rà soát và đưa vào quản lý.
+ Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến
hành kiểm tra, rà soát, thu thập thông tin, lập danh sách đối với các cá nhân
có hoạt động TMĐT; đồng thời vận động, tuyên truyền các cá nhân này thực hiện
đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, khai nộp thuế theo đúng quy định.
- Trách nhiệm của các đơn vị:
+ Cục Thuế tỉnh tiến hành khai
thác thông tin trên hệ thống giải pháp phần mềm quản trị với các nội dung liên
quan tới giám sát mạng xã hội và cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân có hoạt
động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số cho Chi cục Thuế quản lý.
+ Các Chi cục Thuế phối hợp với
Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến
chính sách thuế, trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện chính sách thuế của người nộp
thuế đến tất cả các cá nhân có hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng
công nghệ số nhằm đảm bảo cho các cá nhân này nắm rõ chính sách thuế để thực hiện
theo quy định.
+ Các Chi cục Thuế chủ động xây
dựng kế hoạch kiểm tra để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ
đạo các đơn vị: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Đội Quản lý thị trường, Công an huyện
và Ủy ban nhân dân các xã, phường cùng phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, kiểm
soát.
+ Các Chi cục Thuế tham mưu cho
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập đội kiểm tra liên ngành, thành
phần gồm: CQT, Đội Quản lý thị trường, Công an, Phòng Tài chính... để xem xét xử
lý đối với các trường hợp người nộp thuế chống đối, không phối hợp làm việc.
4. Quản lý thuế đối với các
tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia vận chuyển, chuyển phát hàng hóa và giao dịch
thanh toán
- Nội dung: Quản lý doanh thu
bán hàng thông qua số tiền hàng hóa được ủy quyền thu hộ (tiền mặt) hoặc số tiền
thanh toán qua tài khoản ngân hàng và tiền công vận chuyển của các Shipper được
thụ hưởng.
- Giải pháp thực hiện:
+ Đối với các tổ chức tham gia
vận chuyển, chuyển phát hàng hóa và các NHTM: Cục Thuế tỉnh lập danh sách các tổ
chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này phát sinh trên địa bàn tỉnh để báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức hội nghị đối thoại với các đơn vị nhằm
thống nhất biện pháp quản lý thuế theo hình thức: Các tổ chức này thực hiện
khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân có hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa
trên nền tảng công nghệ số trên cơ sở số tiền được ủy quyền thu hộ (tiền mặt)
hoặc số tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
+ Đối với các cá nhân tham gia
vận chuyển, chuyển phát hàng hóa (các Shipper hoạt động độc lập): Các Chi cục
Thuế chỉ đạo Đội Thuế phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường tiến hành rà
soát, nắm bắt thông tin và lập danh sách quản lý; đồng thời vận động, tuyên
truyền các cá nhân Shipper thực hiện đăng ký thuế, khai thuế để quản lý thu thuế
(nếu có) theo đúng quy định.
- Trách nhiệm của các đơn vị:
+ Cục Thuế tỉnh thống kê, lập
danh sách các tổ chức hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này phát sinh trên địa
bàn, bao gồm: Các doanh nghiệp, trung tâm chuyển phát do Chi cục Thuế tỉnh trực
tiếp quản lý, các đơn vị kinh doanh do Cục Thuế tỉnh quản lý và các NHTM trên địa
bàn.
+ Ủy ban nhân dân các xã, phường
tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin và lập danh sách quản lý các Shipper hoạt
động độc lập tại các thôn, tổ dân phố.
+ Các doanh nghiệp, đơn vị tham
gia vận chuyển, chuyển phát hàng hóa và các NHTM có trách nhiệm khai thuế thay,
nộp thuế thay cho người nộp thuế đối với số tiền phát sinh từ hoạt động TMĐT được
ủy quyền thu hộ (tiền mặt) hoặc số tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng và
báo cáo CQT theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục
Thuế tỉnh
1.1. Chủ trì triển khai, hướng
dẫn thực hiện Đề án đảm bảo cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số được thực hiện đúng theo quy định
- Tổ chức công tác quản lý thu
thuế, theo dõi, đôn đốc, xử lý và xây dựng các giải pháp thu nợ tiền thuế từ hoạt
động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các nhà mạng xây
dựng giải pháp phần mềm quản trị với các nội dung liên quan tới giám sát mạng
xã hội phục vụ cho CQT khai thác, thu thập thông tin đối với các tổ chức cá
nhân có hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
- Phối hợp với các ngành liên
quan, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá
nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số biết và chấp
hành nghiêm việc thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với ngân sách nhà nước
khi phát sinh thu nhập từ các hoạt động nêu trên. Phối hợp với các cơ quan truyền
thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, nghĩa vụ kê khai nộp thuế
đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm đảm bảo cho các tổ chức, CNKD trong lĩnh
vực này nắm rõ chính sách thuế để tự thực hiện kê khai, nộp thuế.
- Hướng dẫn, đôn đốc người nộp
thuế kê khai, nộp các loại thuế có liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT; xử
lý nghiêm các hành vi không chấp hành kê khai nộp thuế, gian lận, trốn tránh
nghĩa vụ thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT theo quy định tại Luật Quản lý
thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, rà soát, kiểm
tra, kiểm soát liên ngành để phát hiện, xử lý người nộp thuế có hoạt động kinh
doanh TMĐT trên địa bàn, yêu cầu phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
1.2. Làm đầu mối chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Đề án; tham mưu, hướng
dẫn các đơn vị thực hiện công tác báo cáo và xử lý các vướng mắc phát sinh
trong quá trình thực hiện
- CQT có trách nhiệm bảo mật
thông tin do các đơn vị liên quan cung cấp để phục vụ yêu cầu quản lý, chống thất
thu thuế theo các quy định của pháp luật có liên quan.
- Kiến nghị, đề xuất với Ủy ban
nhân dân tỉnh về bố trí lực lượng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành phục vụ cho
công tác kiểm tra, khảo sát, giám sát việc thực hiện Đề án.
- Định kỳ 06 tháng tổng hợp kết
quả quản lý thuế, thu nộp ngân sách Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, đánh giá những tồn
tại, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với
các sở, ban, ngành và địa phương xử lý hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết.
2. Các sở,
ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan
Các sở, ban, ngành có trách nhiệm
thường xuyên trao đổi thông tin (định kỳ hoặc đột xuất), tăng cường công tác kiểm
tra, kiểm soát, trao đổi thông tin, kết quả với CQT và xử lý nghiêm các vi phạm
trong hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, chống thất thu
ngân sách.
2.1. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Phối hợp với CQT, cơ quan quản
lý nhà nước có liên quan trao đổi, cung cấp thông tin về quản lý nhà nước đối với
hoạt động kinh doanh TMĐT: Cung cấp thông tin hoạt động, sử dụng dịch vụ
Internet; thông tin trên mạng; trò chơi điện tử trên mạng; cung cấp thông tin
liên quan đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; hoạt động mua bán sản phẩm, dịch
vụ công nghệ thông tin trên môi trường mạng, kinh doanh dựa trên nền tảng số;
các dịch vụ khác trên mạng và các thông tin liên quan trong quản lý thuế.
- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh
trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước đối với thông tin của tổ chức,
cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu
chính, các đơn vị viễn thông trên địa bàn cung cấp kịp thời, chính xác các
thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT theo yêu
cầu của CQT địa phương.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tin
đại chúng trên địa bàn thực hiện tuyên truyền các chính sách quản lý của Nhà nước,
nghĩa vụ kê khai, nộp thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh
dựa trên nền tảng công nghệ số.
2.2. Sở Công Thương
- Phối hợp và cung cấp cho CQT
thông tin dữ liệu các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh TMĐT và
cung cấp thông tin khác theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật có
liên quan như: Cung cấp thông tin danh sách về các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt
động/thông báo Website TMĐT trên địa bàn tỉnh…
- Phối hợp với CQT, các ngành
liên quan và chính quyền địa phương để thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động
kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh.
2.3. Ngân hàng Nhà nước Chi
nhánh tỉnh
- Chỉ đạo các chi nhánh NHTM, tổ
chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phối hợp chặt chẽ với CQT các cấp
trên địa bàn tỉnh trong việc cung cấp thông tin về tài khoản và số liệu giao dịch
qua tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo yêu cầu của CQT để chống thất
thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số;
thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của NHTM quy định tại khoản 3 Điều 5; khoản 7 Điều
17; khoản 2 Điều 19; Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019; Điều 30 Nghị định số
126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ (việc cung cấp thông tin của khách
hàng tại tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng hồ sơ, trình tự, thủ tục, theo
quy định tại Nghị định số 177/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc
giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của các tổ chức tín dụng).
- Chỉ đạo các chi nhánh NHTM
trên địa bàn tỉnh phối hợp với CQT các cấp trong thực hiện việc khấu trừ, nộp
thay nghĩa vụ thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú ở
Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam theo quy
định tại khoản 3 Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019 và khoản 3 Điều 30 Nghị định
số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
2.4. Cục Quản lý thị trường tỉnh
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong
lĩnh vực kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp chặt chẽ với CQT và
các sở, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh hàng
hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không có hóa đơn,
chứng từ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đối với các tổ chức, cá
nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT để ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các
hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Hằng quý tổng hợp danh sách
các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công
nghệ số được khai thác trên cơ sở dữ liệu quản lý của ngành và kết quả nắm bắt,
theo dõi thực tế để cung cấp cho CQT làm căn cứ quản lý thuế.
- Chỉ đạo các Đội Quản lý thị
trường phối hợp chặt chẽ với CQT địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực
TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn.
2.5. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các phòng chức năng,
cơ quan Công an các huyện, thành phố phối hợp khi có đề nghị của CQT các cấp
trên địa bàn để thực hiện chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT.
- Phối hợp với các sở, ngành
liên quan trong việc kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý các vi phạm có hành
vi trốn thuế, gian lận thuế của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT.
2.6. Báo Bắc Kạn, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh
- Phối hợp với CQT tuyên truyền
về trách nhiệm, nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động
kinh doanh TMĐT theo quy định của pháp luật thuế, pháp luật liên quan về TMĐT
nhằm đảm bảo người nộp thuế nắm được chính sách thuế để kê khai và nộp thuế
theo quy định.
- Phối hợp thông tin trên các
phương tiện thông tin đại chúng khi có văn bản đề nghị của CQT đối với trường hợp
các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT có hành vi trốn thuế.
2.7. Các nhà mạng
- Trung tâm Kinh doanh VNPT - Bắc
Kạn hỗ trợ Cục Thuế tỉnh xây dựng giải pháp phần mềm quản trị với các nội dung
liên quan tới giám sát mạng xã hội phục vụ công tác quản lý thuế.
- Phối hợp cung cấp cho CQT các
cấp trên địa bàn tỉnh những thông tin về các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT
đã đăng ký và đang sử dụng dịch vụ của các nhà mạng, công ty thông qua việc quản
lý các thông tin giao dịch mua, bán hàng hóa dưới hình thức: Zalo, Facebook,
Viber, COD ...
- Cung cấp cho CQT các giải
pháp để có thể giám sát và khai thác được thông tin của các tổ chức, cá nhân có
hoạt động TMĐT trên các trang mạng xã hội.
2.8. Các công ty bưu chính, các
công ty chuyển phát thu hộ tiền bán hàng
- Cung cấp thông tin về người gửi
hàng là các tổ chức, cá nhân có địa chỉ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã sử dụng dịch
vụ giao hàng thu tiền hộ (COD) của doanh nghiệp.
- Thực hiện khai thuế thay, nộp
thuế thay cho các cá nhân có hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công
nghệ số trên cơ sở số tiền được ủy quyền thu hộ.
2.9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Tăng cường công tác quản lý
nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh doanh
TMĐT trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp
luật về hoạt động kinh doanh TMĐT và pháp luật có liên quan.
- Chỉ đạo các phòng, ban, Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp với CQT địa phương
trong việc quản lý thuế và đôn đốc nộp các khoản thuế:
+ Thực hiện rà soát, kiểm tra,
kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn thu đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT trên địa
bàn; đối với các trường hợp không chấp hành, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng
quy định của pháp luật.
+ Phòng Tài chính - Kế hoạch: Hằng
tháng cung cấp danh sách các hộ, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh thương mại
để CQT làm cơ sở đưa vào rà soát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thực
tế nhằm phát hiện hình thức kinh doanh TMĐT núp bóng dưới hình thức kinh doanh
thương mại theo phương thức truyền thống. Tổ chức thực hiện cấp đăng ký kinh
doanh kịp thời, nhanh gọn về thủ tục đối với các cá nhân có nhu cầu đăng ký
TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Hằng tháng, tổng hợp danh sách
cấp đăng ký kinh doanh gửi Chi cục Thuế khu vực để phối hợp quản lý. Tăng cường
công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định đối với các
CNKD cố tình không thực hiện việc đăng ký.
+ Phòng Văn hóa - Thông tin: Phối
hợp với CQT tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, trách nhiệm,
nghĩa vụ thực hiện chính sách thuế của NNT đến tất cả các tổ chức, cá nhân có
hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số nhằm đảm bảo cho các
tổ chức, cá nhân này nắm rõ chính sách thuế để thực hiện theo quy định.
2.10. Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn
- Quản lý chặt chẽ đến địa bàn
từng thôn, tổ, rà soát các trường hợp người dân, doanh nghiệp có hoạt động kinh
doanh TMĐT, bán hàng online, kinh doanh trên nền tảng số để tuyên truyền, phổ
biến, nhắc nhở, đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế với Nhà nước.
- Cử cán bộ phối hợp, tham gia
các đoàn kiểm tra, kiểm soát liên ngành nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định
về kinh doanh TMĐT, chấp hành các quy định về thuế trên địa bàn. Chủ động xây dựng
kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến
các chính sách quản lý của Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số đến các thôn, tổ phố, khu dân cư trên
địa bàn được giao quản lý. Tổ trưởng tổ dân phố phát tờ rơi tuyên truyền, bản
cam kết về việc kê khai nộp thuế đối với hoạt động TMĐT đến từng hộ dân.
- Chỉ đạo hội đồng tư vấn thuế
xã, phường chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, Đội Quản lý thuế liên
xã, phường trên địa bàn được giao quản lý để thực hiện kiểm tra, thống kê, rà
soát và lập danh sách quản lý thuế đối với các trường hợp hộ, CNKD online, bán
hàng qua mạng phát sinh hàng tháng; đồng thời, yêu cầu các hộ, cá nhân TMĐT,
kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số thực hiện kê khai, nộp thuế đúng theo
quy định.
3. Người
nộp thuế
3.1. Chấp hành đúng chế độ kế
toán, hóa đơn chứng từ, Luật Quản lý thuế và các Luật Thuế, phí, lệ phí liên
quan
- Các tổ chức, cá nhân tham gia
trực tiếp hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số tự giác kê
khai thuế, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đảm bảo đúng theo
quy định.
- Các tổ chức, cá nhân gián tiếp
tham gia hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số có trách nhiệm
thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân TMĐT, kinh doanh dựa
trên nền tảng công nghệ số trên cơ sở số tiền được ủy quyền thu hộ (tiền mặt)
hoặc số tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
3.2. Chấp hành nghiêm Luật Giao
dịch điện tử, Luật Thương mại và các quy định về TMĐT
- Thực hiện đầy đủ các quy định
tại Điều 74, Điều 75 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ
về TMĐT; chế độ sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định doanh thu từ hoạt động
kinh doanh online thực tế làm căn cứ kê khai, nộp thuế theo đúng quy định.
- Kịp thời báo cáo, thông tin bằng
văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền khi đăng ký các trang Website để quảng
cáo, giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng hoặc đăng ký tham gia
các sàn giao dịch TMĐT trong nước, quốc tế; đăng ký các kênh bán hàng online
trên mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo, Youtube...
4. Xử lý vi
phạm
4.1. Xử lý vi phạm hành chính
- Các hành vi vi phạm hành
chính của tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động TMĐT
bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày
26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động
thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng.
- Các vi phạm hành chính trong
lĩnh vực thuế, quản lý thuế bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế tại
Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Nghị định Quy định xử phạt
vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành
quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật
khác có liên quan.
4.2. Các vi phạm khác
Các trường hợp vi phạm các quy
định khác của pháp luật trong hoạt động TMĐT bị xử lý theo quy định hiện hành.
5.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng
mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Cục Thuế
tỉnh) để kịp thời chỉ đạo giải quyết đảm bảo theo quy định./.