ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2095/2014/QĐ-UBND
|
Hải
Phòng, ngày 03 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHUYỂN TẢI HÀNG
HÓA, XĂNG DẦU TẠI KHU CHUYỂN TẢI LAN HẠ, HUYỆN CÁT HẢI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
29/11/2005;
Căn cứ Quyết định số
02/2013/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động
ứng phó sự cố tràn dầu;
Căn cứ Thông tư số
31/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010 của Bộ giao thông vận tải công bố vùng nước cảng
biển thuộc địa phận thành phố Hải Phòng và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải
Hải Phòng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 356/TTr-STNMT ngày 04/9/2014, Báo cáo thẩm
định số 12/BCTĐ-STP ngày 10/3/2014 của Sở Tư pháp, Công văn số 1222/SNV-TCBM
ngày 27/5/2014 của Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước
về chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải Lan Hạ, huyện Cát Hải,
thành phố Hải Phòng.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ngành: Tài nguyên
và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảnh sát Phòng cháy và chữa
cháy, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, Giám
đốc Vườn Quốc gia Cát Bà, Thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà,
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Các Bộ: TNMT, TP;
- TTTU, TT HĐNDTP;
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Các Ban HĐND TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- CVP, các PCVP;
- CV: MT, NC;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Trung Thoại
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP
TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHUYỂN TẢI HÀNG HÓA, XĂNG DẦU TẠI KHU CHUYỂN
TẢI LAN HẠ, HUYỆN CÁT HẢI, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2095/2014/QĐ-UBND, ngày 03/10/2014 của Ủy
ban nhân dân thành phố Hải Phòng)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng
áp dụng
Quy chế này quy định về mục đích,
nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước trong bảo vệ môi
trường, ứng phó sự cố tràn dầu, phòng cháy chữa cháy khi thực hiện chuyển tải
hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải Lan Hạ, huyện Cát Hải (sau đây gọi tắt là
khu chuyển tải) giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa
cháy, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Ban
chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, Vườn Quốc gia Cát Bà, Ủy ban
nhân dân huyện Cát Hải và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Mục đích phối hợp
1. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ
giữa các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong quản lý Nhà nước trong chuyển tải
hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải.
2. Nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa
các Sở, ngành, đơn vị có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý
nhà nước về chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải.
3. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường trong chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển
tải, đảm bảo phát triển bền vững thành phố Hải Phòng.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo sự quản lý thống nhất,
liên ngành, đồng bộ và hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn
vị trong việc chủ trì phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về chuyển tải hàng
hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải.
2. Việc thực hiện các nhiệm vụ phối hợp
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tuân thủ các quy định của
Quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung phối hợp
khác để thực hiện quản lý nhà nước về chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu
chuyển tải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Không cản trở các hoạt động hợp
pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ môi trường.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, tai biến
môi trường khi thực hiện chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải.
a) Kiểm tra, phát hiện những sai phạm
của đối tượng trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố
tràn dầu tại khu chuyển tải.
b) Theo dõi biến động về số lượng, chất
lượng tài nguyên, sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng môi trường nước biển
khu chuyển tải và xung quanh.
2. Ứng phó sự cố tràn dầu tại khu
chuyển tải và vùng xung quanh
a) Tổ chức ứng phó cố sự tràn dầu:
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin
sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo
cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để
nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để
cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
- Chủ động ứng phó gần nguồn dầu tràn
để ngăn chặn, hạn chế dầu tràn ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa
dầu tràn vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến
hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ.
- Hỗ trợ công tác chỉ huy thống nhất,
phối hợp chặt chẽ các lực lượng, phương tiện và thiết bị tham gia hoạt động ứng
phó.
b) Khắc phục và giải quyết hậu quả sự
cố tràn dầu:
- Điều tra, xác minh nguyên nhân gây
ra sự cố tràn dầu tại khu vực chuyển tải.
- Xác định thiệt hại, xác định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra cho khu chuyển tải và vùng
xung quanh.
- Hướng dẫn các hoạt động khắc phục
và làm sạch môi trường, quản lý chất thải sau thu gom, xây dựng chương trình phục
hồi môi trường sau sự cố.
3. Bảo đảm an toàn phòng chống cháy,
nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành
phố, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải và các đơn vị tham gia thực hiện ứng phó sự
cố tràn dầu về phòng chống cháy, nổ trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
b) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ
các quy định về an toàn, phòng chống cháy, nổ cho khu chuyển tải và các tàu
thuyền ra vào khu chuyển tải.
c) Triển khai các lực lượng phòng
cháy và chữa cháy tại hiện trường trực tiếp chỉ huy hoạt động phòng chống cháy,
nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CHUYỂN TẢI
HÀNG HÓA, XĂNG DẦU TẠI KHU CHUYỂN TẢI
Điều 5. Phòng ngừa ô nhiễm, sự cố
và tai biến môi trường khi thực hiện chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển
tải
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan trong việc kiểm tra, phát
hiện những sai phạm của đối tượng trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi
trường, ứng phó sự cố tràn dầu tại khu chuyển tải.
2. Vườn Quốc gia Cát Bà có trách nhiệm:
a) Theo dõi biến động số lượng, chất
lượng tài nguyên, sinh thái, đa dạng sinh học, chất lượng môi trường nước biển
khu chuyển tải và vùng xung quanh. Trường hợp phát hiện có thay đổi, biến động
báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường để có phương án xử
lý.
b) Phối hợp, tham gia với Sở Tài
nguyên và Môi trường, các ngành liên quan trong việc kiểm tra, phát hiện những
sai phạm của đối tượng trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng
phó sự cố tràn dầu khu chuyển tải.
3. Các Sở, ngành, đơn vị: Cảnh sát
Phòng cháy và Chữa cháy, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, Ủy
ban nhân dân huyện Cát Hải và các ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh
quyển Cát Bà trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về phòng ngừa ô nhiễm, sự
cố, tai biến môi trường sinh thái trong quá trình hoạt động của khu chuyển tải
theo chức năng và thẩm quyền.
Điều 6. Ứng phó sự cố tràn dầu tại
khu chuyển tải và vùng xung quanh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu chưa rõ
nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố tại khu chuyển tải
và vùng xung quanh.
b) Chủ trì xác định thiệt hại, xác định
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu gây ra cho khu chuyển tải và
vùng xung quanh.
c) Hướng dẫn các hoạt động khắc phục
và làm sạch môi trường, quản lý chất thải sau thu gom, xây dựng chương trình phục
hồi môi trường sau sự cố.
d) Phối hợp với các đơn vị có liên
quan trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cho đến khi kết thúc vụ việc.
2. Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có
trách nhiệm:
a) Chủ trì điều tra, xác minh nguyên
nhân gây tai nạn, sự cố gây ra tràn dầu tại khu chuyển tải và vùng xung quanh.
b) Chủ trì tổ chức giám sát sự cố
tràn dầu và các tàu vận chuyển hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải.
c) Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin
sự cố tràn dầu kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo
cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó cấp cơ sở.
d) Phối hợp với các đơn vị có liên
quan trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cho đến khi kết thúc vụ việc.
3. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và
Tìm kiếm cứu nạn thành phố có trách nhiệm:
a) Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để
nâng cao hiệu quả chuẩn bị và ứng phó sự cố tràn dầu, ưu tiên các hoạt động để
cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.
b) Hỗ trợ công tác chỉ huy thống nhất,
phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt
động ứng phó.
c) Phối hợp với các đơn vị có liên
quan trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cho đến khi kết thúc vụ việc.
4. Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải có
trách nhiệm:
a) Phối hợp giám sát, theo dõi sự cố
tràn dầu, huy động lực lượng về người, vật chất, phương tiện để phục vụ ứng
phó.
b) Huy động lực lượng về người,
phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ ứng phó sự cố tràn dầu theo chỉ đạo của Ủy
ban nhân dân thành phố và cấp trên.
c) Phối hợp trong việc xác định trách
nhiệm gây ra sự cố, xác định thiệt hại, tính toán đền bù, bồi thường thiệt hại.
d) Phối hợp trong công tác xử lý hậu
quả ô nhiễm môi trường, làm sạch biển và bờ biển bị ô nhiễm.
5. Các ngành, đơn vị liên quan khác
có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả, nhanh
nhất có thể các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu cũng như khắc phục các hậu quả
do sự cố gây ra.
Điều 7. Bảo đảm an toàn phòng chống
cháy, nổ trong ứng phó sự cố tràn dầu tại khu chuyển tải và vùng xung quanh
1. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện
Cát Hải, các đơn vị tham gia ứng phó sự cố tràn dầu về phòng cháy, chữa cháy
trong các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
b) Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ
các quy phạm về an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho khu chuyển tải và các tàu
thuyền ra vào khu chuyển tải.
c) Triển khai các lực lượng phòng
cháy và chữa cháy tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy hoạt động phòng cháy, chữa
cháy trong ứng phó sự cố tràn dầu.
2. Các Sở, ngành, đơn vị: Tài nguyên
và Môi trường, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Cảng vụ Hàng hải Hải
Phòng, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ủy ban nhân
dân huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà và các ngành, đơn vị liên quan phối hợp
với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ về
phòng cháy, chữa cháy, trong ứng phó sự cố tràn dầu tại khu chuyển tải theo chức
năng, thẩm quyền.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh
sát Phòng cháy và chữa cháy; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Ban Quản lý Khu dự trữ
sinh quyển Cát Bà, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố,
Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà và các cơ quan, tổ chức có
liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm
tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện
Cát Hải, đơn vị liên quan có trách nhiệm cử cán bộ đầu mối gửi về Sở Tài nguyên
và Môi trường để tổng hợp; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm lập báo cáo kết quả
thực hiện nhiệm vụ trong năm của mình và phương hướng nhiệm vụ năm tới gửi về Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, các Sở, ngành, đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên
và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp./.