BỘ
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
18/2002/QĐ-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
MÃ SỐ MÃ VẠCH"
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22 tháng 5 năm
1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ);
Căn cứ Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng
Chính phủ về việc quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ
quan quản lý nhà nước về mã số mã vạch;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án phát
triển và quản lý hoạt động mã số mã vạch”.
Điều 2. Tổng
cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm
hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Tổng
cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Vụ trưởng Vụ Pháp
chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Công báo;
- Lưu VT, TĐC, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG
Bùi Mạnh Hải
|
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG MÃ SỐ MÃ VẠCH
(Được phê duyệt tại Quyết định số: 18/2002/QĐ-BKHCN ngày 30 tháng 12 năm
2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TRIỂN
KHAI ĐỀ ÁN
Công nghệ mã số mã vạch (sau đây viết tắt là
MSMV) là một trong những công nghệ nhận dạng tự động các đối tượng là vật phẩm,
dịch vụ, tổ chức v.v..., dựa trên việc ấn định một mã (số hoặc chữ - số) cho đối
tượng cần phân định, sau đó thể hiện mã đó dưới dạng các vạch để thiết bị đọc
(máy quét) có thể đọc được và nhận biết được đối tượng đó.
Công nghệ này đơn giản, ít tốn kém, nhưng cho
phép nhận dạng các đối tượng một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả. Có
nhiều loại MSMV khác nhau được sử dụng như các mã EAN do Tổ chức Mã số mã vạch
Quốc tế (EAN quốc tế) quy định, mã UCC do Hội đồng Mã thống nhất của Mỹ (UCC)
quy định; mã QR (QR Code: 2D barcode) xuất hiện gần đây được sử dụng có hiệu quả
trong quản lý nhân sự, trong giao nhận hàng hoá và các dịch vụ hành chính, và
các mã chuyên ngành khác.
Công nghệ MSMV được ứng dụng rộng rãi trong các
lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các
hoạt động quản lý, đặc biệt trong thương mại, hàng không, bưu điện, y tế và vận
chuyển, giao nhận hàng hoá v.v. Quy mô ứng dụng được thực hiện ở các cấp độ
khác nhau như cơ sở, ngành, quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù mới xuất hiện gần 30 năm nay, nhưng công
nghệ này đã nhanh chóng phát triển ở quy mô toàn cầu. Tổ chức EAN quốc tế ra đời
năm 1977 đã nghiên cứu phát triển và tiêu chuẩn hoá một số loại MSMV, gọi là mã
EAN, để áp dụng chung trên toàn thế giới, nhằm tạo ra hệ thống thống nhất MSMV
đơn nhất trên phạm vi toàn cầu cho các vật phẩm, dịch vụ, tổ chức....,có thể nhận
dạng ở mọi nơi trên thế giới trong khi chỉ cần cấp một lần ở một nơi nào đó,
góp phần thuận lợi hoá và nâng cao hiệu quả công tác quản lý sản xuất, kinh
doanh và các hoạt động khác, đặc biệt trong bối cảnh điện tử hoá dịch vụ và
thương mại. Hiện nay các mã tiêu chuẩn này đã được 97 nước thành viên của EAN
quốc tế áp dụng để phân định gần 1.000.000 doanh nghiệp và hàng trăm triệu sản
phẩm, hàng hoá.
Năm 1995, thấy rõ lợi ích của công nghệ MSMV, đồng
thời để đáp ứng nhu cầu của một số doanh nghiệp cần sử dụng MSMV trên sản phẩm
xuất khẩu theo yêu cầu của bạn hàng nước ngoài, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đề nghị và Thủ tướng Chính phủ đã
cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây
viết tắt là Tổng cục TCĐLCL) tham gia EAN quốc tế nhằm
đưa công nghệ MSMV vào ứng dụng ở nước ta (Công văn số 3395/QHQT ngày 23 tháng
6 năm 1995 của Văn phòng Chính phủ). Từ đó đến nay công nghệ MSMV bước đầu được
áp dụng ở nước ta.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép tham gia
EAN quốc tế, Tổng cục TCĐLCL đã tích cực triển khai việc ứng
dụng công nghệ MSMV vào nước ta; tiến hành quản lý ngân hàng mã số quốc gia với
số đầu là 893 do EAN quốc tế cấp cho Việt Nam, cấp mã số cho các doanh nghiệp;
đồng thời thực hiện vai trò đại diện cho Việt Nam tại EAN quốc tế và được EAN
quốc tế công nhận là đại diện duy nhất của họ tại Việt Nam.
Tính đến ngày 30/7/2002, Bộ Khoa học và Công nghệ
đã ban hành 10 Tiêu chuẩn Việt Nam về MSMV trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn
của EAN quốc tế và đã cấp mã số cho hơn 1500 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác
nhau. Các doanh nghiệp này đã sử dụng MSMV trên hàng vạn sản phẩm để bán trong
nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Ngoài việc ứng dụng MSMV trong lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh, MSMV còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực khác ở nước ta như hàng
không, bưu điện, y tế, xuất bản v.v...
Tuy nhiên, việc ứng dụng và quản lý công nghệ
MSMV ở nước ta còn có những tồn tại như sau:
+ Việc ứng dụng công nghệ MSMV mới chỉ dừng ở việc
cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp in MSMV trên sản phẩm, hàng hoá
để phục vụ bán hàng, chưa triển khai ứng dụng các loại MSMV trên các đơn vị
giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử (EDI - Electronic Data
Interchange) và phân định các bên đối tác trong giao dịch sản xuất, kinh doanh
(chuỗi cung cấp). Số lượng các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ MSMV chiếm tỷ lệ
thấp, số lượng hàng hoá của Việt Nam sử dụng MSMV chưa nhiều.
+ Chưa có biện pháp đẩy mạnh việc nghiên cứu và
triển khai ứng dụng rộng rãi MSMV trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc
dân cũng như các ngành dịch vụ và văn hoá xã hội.
+ Hoạt động MSMV chưa được quản lý thống nhất,
việc cấp mã số thuộc ngân hàng mã số quốc gia cho các doanh nghiêp có thời gian
do hai tổ chức cùng thực hiện biệt lập nên gây ra nguy cơ cấp trùng, làm cho
các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lúng túng còn tổ chức
EAN quốc tế phải lo ngại do không bảo đảm được tính đơn nhất của hệ thống mã
EAN. Tình trạng này tồn tại khá dài, không được giải quyết dứt điểm và kịp thời
là lý do làm cho việc ứng dụng chậm, chưa có nhiều hiệu quả, việc ứng dụng tự
phát, tản mạn, chưa có sự hướng dẫn về công nghệ và kỹ thuật của cơ quan quản
lý nhà nước nên đôi khi các doanh nghiệp đã nhập khẩu các thiết bị in đọc và phần
mềm MSMV lạc hậu so với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.
Có thể nói, việc quản lý và ứng dụng công nghệ
MSMV thời gian qua tuy có bước tiến bộ ban đầu, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng
được những đòi hỏi của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập về
kinh tế với khu vực và thế giới.
Để tăng cường hiệu lực quản lý và đẩy mạnh việc ứng
dụng công nghệ MSMV ở Việt Nam phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội
nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, ngày 27/3/2002 Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg quy định nội dung quản lý Nhà nước về
MSMV và giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và
Công nghệ) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý
nhà nước về hoạt động MSMV và xây dựng Đề án phát triển và quản lý hoạt động
MSMV trên phạm vi cả nước.
II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG CỦA
ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
1.1. Tạo điều kiện, hướng dẫn và thúc đẩy các cơ
quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ MSMV
vào các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt vào các hoạt động sản xuất,
kinh doanh và dịch.
1.2. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà
nước đối với hoạt động MSMV.
2. Định hướng
2.1. Tập trung nghiên cứu thúc đẩy việc ứng dụng
các loại công nghệ MSMV đã được quốc tế hoá như mã EAN, UCC, QR ... nhằm đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế
giới; mở rộng hơn nữa việc ứng dụng công nghệ MSMV đối với các đối tượng là vật
phẩm, triển khai ứng dụng công nghệ MSMV đối với các đối tượng là dịch vụ, tổ
chức.
2.2. Chấn chỉnh hệ thống cơ quan, tổ chức cấp mã
thuộc ngân hàng mã số quốc gia theo hướng phân biệt rõ giữa hoạt động quản lý
nhà nước với hoạt động dịch vụ kỹ thuật, xóa bỏ tình trạng lỏng lẻo trong quản
lý và lộn xộn trong hoạt động cấp MSMV nhằm bảo đảm tính đơn nhất của mã EAN
theo quy định của EAN quốc tế. Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động
và quản lý hoạt động MSMV; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương
trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc ứng dụng
công nghệ MSMV trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương, xử lý nghiêm
minh các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động MSMV; hỗ trợ các Bộ, ngành, địa
phương và mọi tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ MSMV vào hoạt động quản lý, sản
xuất kinh doanh của mình.
III. PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG CÔNG
NGHỆ MSMV
1. Tổ chức nghiên cứu về công nghệ MSMV và xây dựng
các tiêu chuẩn về MSMV
Biện pháp thực hiện:
- Tổ chức điều tra, đánh giá các yêu cầu về ứng
dụng công nghệ MSMV;
- Thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và công
nghệ MSMV, nghiên cứu các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ MSMV;
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch xây
dựng và ứng dụng tiêu chuẩn về MSMV
2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo, huấn
luyện về công nghệ và tiêu chuẩn về MSMV
Biện pháp thực hiện:
Xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể phối hợp
giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các Bộ, ngành, địa phương và cả các tổ chức
có liên quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội, doanh
nghiệp, Hội KHKT MSMV và các cơ quan thông tin đại chúng để tiến hành:
- Biên soạn, phát hành tài liệu về MSMV, bản
tin, catalo điện tử...;
- Tổ chức tìm hiểu các tiêu chuẩn nước ngoài,
tiêu chuẩn quốc tế về MSMV, phổ biến và hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn đã ban
hành;
- Tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về
MSMV cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của các cơ quan quản lý và các doanh
nghiệp;
- Tổ chức các khoá đào tạo thường xuyên về công
nghệ MSMV tại các Trung tâm công nghiệp - thương mại trong cả nước.
3. Mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ MSMV cho
các hoạt động sau:
- Mua, bán hàng hoá; bán hàng tự động; thương mại
điện tử; giao dịch thương mại với các nước (đặc biệt đối với Mỹ);
- Quản lý sản xuất, kho hàng và vận chuyển, giao
nhận hàng hóa;
- Dịch vụ bưu chính viễn thông, thư viện, phát
hành sách báo, ấn phẩm;
- Lưu trữ hồ sơ, tài liệu, quản lý nhân sự;
- Các hoạt động khác.
Biện pháp thực hiện:
- Tập trung mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ
MSMV vào các lĩnh vực sau đây:
+ Thương mại điện tử;
+ Quản lý hồ sơ bệnh án, nhân sự;
+ Quản lý tài sản cố định, trang thiết bị trong
các doanh nghiệp, tổ chức.
- Đối với MSMV UCC (của Mỹ): hỗ trợ các doanh nghiệp,
tổ chức ứng dụng mã UCC theo yêu cầu của bạn hàng, đặc biệt chú ý hướng dẫn đối
với doanh nghiệp có hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ, Canađa;
- Nghiên cứu ứng dụng mã QR cho các đối tượng ở
Việt Nam;
- Khuyến khích thành lập Câu lạc bộ siêu thị ứng
dụng MSMV.
4. Thúc đẩy việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật
điện tử, nghiên cứu phát triển phần mềm ứng dụng kết hợp với công nghệ thông
tin
Biện pháp thực hiện:
- Hình thành mạng lưới tích hợp dữ liệu MSMV,
cung cấp thông tin về công nghệ MSMV cho các Bộ, ngành, địa phương, các doanh
nghiệp và các tổ chức;
- Xây dựng mạng lưới các tổ chức tư vấn, cung cấp
các dịch vụ để ứng dụng công nghệ MSMV; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chủ
trương, chính sách để thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng MSMV;
- Hướng dẫn lựa chọn, cung ứng, sử dụng các thiết
bị ghi/đọc MSMV trong các doanh nghiệp, siêu thị và các tổ chức khác;
- Huy động các chuyên gia trong lĩnh vực công
nghệ phần mềm để thiết kế các phần mềm, ưu tiên ứng dụng cho các siêu thị,
doanh nghiệp có nhiều mặt hàng phức tạp. Hình thành các tổ chức cung cấp các
thiết bị phần cứng và các chương trình, phần mềm ứng dụng công nghệ MSMV.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo các nguồn lực
trong và ngoài nước để phát triển ứng dụng công nghệ MSMV
Biện pháp thực hiện:
- Nghiên cứu hoạt động của các Tổ chức quốc tế
và khu vực, của các nước để học tập, rút kinh nghiệm, tranh thủ sự giúp đỡ của
các tổ chức và các nước khác có liên quan;
- Khuyến khích các hội ngành nghề, các tổ chức,
doanh nghiệp tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm cả hợp tác khu vực và
hợp tác song phương về MSMV.
6. Tạo điều kiện cho Hội Khoa học-Kỹ thuật MSMV
Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng của Hội như sau:
- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công nghệ
MSMV;
- Tư vấn, giám định, phản biện xã hội đối với
các chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước về phát triển, ứng dụng
công nghệ MSMV;
- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, dịch vụ kỹ thuật
cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ MSMV;
- Tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ MSMV;
- Tham gia tổ chức huấn luyện, đào tạo về công
nghệ MSMV;
- Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về
MSMV.
IV. CÁC NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MSMV
Việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động MSMV phải
đáp ứng các yêu cầu quy định tại các văn bản sau đây:
- Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của
Thủ tướng Chính phủ về việc quy định nội dung quản lý Nhà nước về mã số mã vạch
và cơ quan quản lý Nhà nước về mã số mã vạch và các văn bản quy phạm pháp luật
khác có liên quan.
- Điều lệ của EAN quốc tế quy định mỗi quốc gia
chỉ có một tổ chức đại diện cho Quốc gia tham gia là thành viên của EAN quốc tế;
thực hiện việc cấp, quản lý ngân hàng MSMV của Quốc gia.
Nội dung quản lý Nhà nước đối với hoạt động MSMV
bao gồm:
1. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và
tiêu chuẩn về MSMV
- Rà soát lại các quy định hiện hành của các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động MSMV và đánh giá nhu cầu điều chỉnh
pháp lý các hoạt động MSMV để có căn cứ xác định phương hướng và giải pháp hoàn
thiện hệ thống các quy định của pháp luật về hoạt động MSMV;
- Rà soát lại các tiêu chuẩn hiện hành về MSMV
và đánh giá nhu cầu xây dựng tiêu chuẩn về MSMV trong thời gian tới để có căn cứ
hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn về MSMV;
- Trên cơ sở các kết quả rà soát, nghiên cứu nêu
trên, tiến hành soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung hoặc
ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn cần thiết về
MSMV, trước hết xây dựng và trình chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt
động MSMV, văn bản về xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp
trong lĩnh vực MSMV.
2. Thống nhất quản lý ngân hàng mã số quốc gia
và việc cấp mã số cho các doanh nghiệp.
- Thống kê lại tất cả các mã số doanh nghiệp đã
cấp để xử lý các trường hợp cấp trùng hay chồng chéo nhằm bảo đảm tính đơn nhất
của hệ thống mã số quốc gia theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp
với các quy định của EAN quốc tế;
- Ban hành quy trình, thủ tục cấp và kiểm soát
việc sử dụng mã số doanh nghiệp thuộc ngân hàng mã số quốc gia một cách chặt chẽ
nhằm tránh tình trạng cấp trùng hay chồng chéo;
- Khẩn trương tiến hành tin học hoá hệ thống cấp
và kiểm soát mã số cấp cho cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả
việc quản lý ngân hàng mã số quốc gia và các hoạt động MSMV;
- Trước mắt, cần thực hiện việc phân công, phân
cấp quản lý MSMV như sau:
+ Đối với mã số thuộc ngân hàng mã số quốc gia
và loại mã số có tính quốc tế khác do một cơ quan duy nhất của nhà nước thực hiện
việc cấp, quản lý, thống kê, đăng bạ và công bố nhằm bảo đảm tính đơn nhất theo
quy định cảu EAN quốc tế, với những trình tự và thủ tục đơn giản và thuận lợi
nhất cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng các loại mã số này. Tổng
cục TCĐLCL chịu trách nhiệm trước Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quản
lý ngân hàng mã số quốc gia và các loại mã số khác có tính quốc tế.
Định kỳ hàng quý, Bộ Khoa học và Công nghệ thông
báo Danh mục mã số doanh nghiệp đã được cấp cho Bộ Thương mại để theo dõi.
Để tạo thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp
trong việc đăng ký cấp mã số thuộc ngân hàng mã số quốc gia và các loại mã số
có tính quốc tế khác, hình thành mạng lưới tại một số khu vực để làm dịch vụ phổ
biến, hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng công nghệ MSMV, tiếp nhận
và xử lý sơ bộ hồ sơ đăng ký cấp mã số thuộc ngân hàng mã số quốc gia và các mã
số có tính quốc tế khác, thực hiện các công việc khác có liên quan.
Sau khi doanh nghiệp được cấp mã số doanh nghiệp
(gồm cả mã số quốc gia và mã số doanh nghiệp) thuộc ngân hàng mã số quốc gia,
doanh nghiệp tự quy định mã số vật phẩm của mình (gồm cả mã số doanh nghiệp và
mã số phân định vật phẩm) để gắn/ghi trên vật phẩm, nhãn hiệu, bao bì, phương
tiện vận chuyển và các tài liệu liên quan phù hợp với các Tiêu chuẩn Việt Nam về
MSMV và các quy định hiện hành khác, và phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công
nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trực tiếp
hoặc thông qua tổ chức mạng lưới, để thống nhất quản lý.
+ Đối với những loại mã số không thuộc ngân hàng
mã số quốc gia, không thuộc các loại mã số có tính quốc tế khác, và cũng không
thuộc loại áp dụng chung trong từng Bộ, ngành, địa phương mà chỉ áp dụng trong
nội bộ một tổ chức, doanh nghiệp hay một nhóm tổ chức, doanh nghiệp thì tổ chức,
doanh nghiệp hay một nhóm tổ chức, doanh nghiệp tự quy định và quản lý.
3. Hoạt động hợp tác quốc tế về MSMV
- Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo thực hiện hoạt
động hợp tác quốc tế về MSMV.
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường
Chất lượng là đại diện cho Việt Nam tại EAN quốc tế, tổ chức thực hiện hoạt
động hợp tác quốc tế về MSMV theo chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ.
4. - Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá
nhân có liên quan tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế về MSMV, đặc biệt
của tổ chức EAN quốc tế, tham gia cả các chương trình hợp tác song phương với
các quốc gia khác về MSMV.
Quản lý và sử dụng
phí MSMV
Thực hiện chế độ thu, nộp, quản
lý và sử dụng phí về MSMV thuộc ngân hàng mã số quốc gia và các loại MSMV quốc
tế khác theo đúng các quy định của pháp luật tại Thông tư số 88/2002/TT-BTC
ngày 02/10/2002 của Bộ Tài chính về việc "Quy định chế độ thu, nộp và quản
lý sử dụng phí cấp mã số mã vạch".
5. Về kiểm tra, thanh tra và xử
lý các vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động MSMV
- Tổ chức việc xây dựng và thực
hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường việc tuân thủ pháp luật về
hoạt động MSMV;
- Tổ chức xây dựng kế hoạch
thanh tra các trường hợp vi phạm trong việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp
luật về hoạt động MSMV;
- Giải quyết kịp
thời khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động MSMV.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Triển khai các nội dung của Đề án theo các giai
đoạn sau đây:
1.1 Giai đoạn từ nay đến cuối năm 2003.
- Tập trung chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước
về hoạt động MSMV. Để thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước nêu tại Mục IV, trước mắt, về mặt tổ chức, cần sắp xếp lại bộ máy nhằm
phân tách rõ hoạt động quản lý nhà nước với hoạt động sự nghiệp kỹ thuật trong
lĩnh vực hoạt động MSMV, tức là bộ phận sự nghiệp về MSMV phải độc lập với cơ
quan quản lý nhà nước về mặt tổ chức biên chế và về tài chính.
- Rà soát lại tất cả các mã số đã cấp cho các
doanh nghiệp, chấm dứt tình trạng 2 tổ chức biệt lập cùng song song cấp mã EAN
cho các doanh nghiệp, hình thành và đưa vào hoạt động mạng lưới dịch vụ về MSMV
tại một số khu vực.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về trình
tự, thủ tục cấp MSMV thuộc ngân hàng mã số quốc gia và các loại MSMV khác có
tính quốc tế.
- Tổ chức việc thực hiện Thông tư số
88/2002/TT-BTC ngày 02/10/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp và quản lý
phí trong hoạt động MSM vào nề nếp.
- Hình thành tổ chức nghiên cứu khoa học và công
nghệ MSMV.
- Bổ sung vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoa học công nghệ một số quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động MSMV.
1.2 Giai đoạn 2004 - 2005.
Tập trung thực hiện các hoạt động sau đây:
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng kết
hoạt động MSMV, nghiên cứu và thực hiện các biện pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống
pháp luật về hoạt động MSMV, bao gồm cả việc xây dựng dự thảo Nghị định của
Chính phủ về hoạt động MSMV.
- Hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về MSMV.
- Biên soạn, phát hành tài liệu về MSMV, bản
tin, catalo điện tử...
- Đẩy mạnh việc tổ chức hội thảo, tập huấn,
tuyên truyền về MSMV cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật của các cơ quan quản
lý nhà nước và các doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh việc tổ chức các khoá đào tạo thường
xuyên về công nghệ MSMV tại các Trung tâm công nghiệp - thương mại trong cả nước.
1.3 Giai đoạn từ năm 2006 trở đi.
Tập trung đẩy mạnh các hoạt động chủ yếu sau
đây:
- Phối hợp với Bộ Nội vụ để nghiên cứu ứng dụng
công nghệ mã QR trong quản lý nhân sự.
- Phối hợp với Bộ Bưu chính Viễn thông trong việc
tổ chức nghiên cứu xây dựng các phần mềm ứng dụng trong hoạt động MSMV.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng
không dân dụng Việt Nam) để nghiên cứu ứng dụng công nghệ MSMV trong vận chuyển
hành khách, hành lý, hàng hóa.
- Phối hợp với Bộ Y tế để nghiên cứu ứng dụng
công nghệ MSMV vào quản lý hồ sơ bệnh án.
- Phối hợp với Bộ Thương mại để nghiên cứu ứng dụng
công nghệ MSMV và công nghệ phần mềm ứng dụng trong các siêu thị và Trung tâm
thương mại.
- Việc cấp MSMV cho các doanh nghiệp được thực
hiện thông qua mạng lưới tin học.
2. Mọi hoạt động trong khuôn khổ của Đề án được
bảo đảm bằng nguồn thu phí MSMV theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn
Đo lường Chất lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Khoa
học và Công nghệ và của các Bộ ngành, địa phương liên quan để xây dựng kế hoạch
cụ thể triển khai từng nhiệm vụ nêu trong Đề án và trình Lãnh đạo Bộ xem xét
quyết định./.