THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1045/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 08 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH
TRANH QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4
năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt
Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01
năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Phát
triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015 và Quyết định số 2169/QĐ-TTg ngày 11 tháng
11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của
Danh mục các nhiệm vụ, đề án, chương trình triển khai Kế hoạch hành động quốc
gia về Phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số
160/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5
năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia
thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình truyền thông về Phát triển bền vững
và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” (gọi tắt là Chương trình) với những nội
dung chủ yếu sau đây:
I. YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần phát huy và hướng đến những giá trị tốt đẹp,
lâu bền, tạo động lực và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện
các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
2. Truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia cần gắn với thực tiễn, cập nhật theo từng thời kỳ,
giai đoạn phát triển, xây dựng đất nước, bám sát các mục tiêu của Kế hoạch hành
động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
3. Lồng ghép nội dung chương trình với các nhiệm vụ
có liên quan nhằm tận dụng tối đa mọi nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả
trong công tác truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh
tranh quốc gia.
II. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của
các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về phát triển bền vững và nâng
cao năng lực cạnh tranh quốc gia; gắn kết nội dung về phát triển kinh tế với bảo
vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội.
2. Tuyên truyền kịp thời các chủ trương, giải pháp,
biện pháp và kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia theo mỗi giai đoạn phát triển đất nước.
III. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Truyền thông về chủ trương, chính sách phát triển
bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Truyền thông sâu rộng về các mục tiêu phát triển
bền vững của Liên Hợp quốc, các chương trình nghị sự và sự kiện quốc tế về phát
triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Việt Nam tổ chức,
tham gia; phổ biến các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
của các tổ chức uy tín trên thế giới tới các tổ chức và người dân.
- Truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quá
trình thực hiện và những kết quả đạt được qua các năm.
- Truyền thông về các chính sách khuyến khích, hỗ
trợ khởi nghiệp sáng tạo, thi đua xây dựng đất nước, các điển hình tiên tiến và
các việc làm thiết thực góp phần thực hiện phát triển bền vững, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia.
2. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực kinh tế:
truyền thông về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện tăng trưởng
xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đảm bảo an ninh lương thực,
phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tăng cường nội lực, nâng cao năng lực
cạnh tranh của quốc gia.
3. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực văn hóa -
xã hội: truyền thông về các mục tiêu phát triển văn hóa hài hòa với phát triển
kinh tế; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận
các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội.
4. Truyền thông các nội dung về lĩnh vực môi trường:
truyền thông về các nội dung khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền
vững các nguồn tài nguyên quốc gia; cách sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ
môi trường, giảm thiểu ô nhiễm; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng
phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì triển khai thực hiện Chương trình, tổ chức
công tác tổng kết và báo cáo việc thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước.
b) Chỉ đạo các cơ quan báo chí ở trung ương và các
đơn vị liên quan triển khai công tác truyền thông về phát triển bền vững và
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tận dụng lợi thế của hình thức truyền
thông qua mạng viễn thông, Internet.
2. Bộ Tài chính bố trí kinh phí hàng năm cho việc
triển khai thực hiện Chương trình ở trung ương theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên
quan đến phát triển kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường phối hợp với
Bộ Thông tin và Truyền thông biên tập, xây dựng các tài liệu về phát triển bền
vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chủ động cung cấp thông tin cho
các cơ quan báo chí, phục vụ công tác tuyên truyền những nội dung liên quan tới
các tầng lớp nhân dân trên cả nước.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương
a) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương
trong công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về phát triển bền vững và nâng
cao năng lực cạnh tranh tới các tổ chức và người dân trên địa bàn.
b) Bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện nhiệm
vụ truyền thông về phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh tại địa
phương.
5. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt
Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin, truyền thông khác
a) Căn cứ Chương trình truyền thông được phê duyệt,
xây dựng kế hoạch, dành thời lượng phát sóng, cung cấp cho các tầng lớp xã hội
những thông tin về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương
triển khai sản xuất, biên tập các chuyên mục, đoạn phim, phóng sự về quá trình
thực hiện, những kết quả đạt được về các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công
báo;
- Lưu: VT, KGVX (2). PC.
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|