HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 184/NQ-HĐND
|
Đồng Nai, ngày
06 tháng 12 năm 2019
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH
NĂM 2020 CỦA TỈNH ĐỒNG NAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 179/2015/NQ-HĐND ngày 11
tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, giải pháp thực hiện
nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Nai 05 năm 2016 -
2020;
Xét Tờ trình số 13569/TTr-UBND ngày 21 tháng
11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 của tỉnh Đồng Nai; báo cáo thẩm
tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội
đồng nhân dân tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thống nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng - an ninh năm 2020 của tỉnh Đồng Nai tại Tờ trình số 13569/TTr-UBND ngày
21 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh (bao gồm cả nội dung đánh giá
kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm
2019), cụ thể như sau:
1. Mục tiêu
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các
nhiệm vụ đột phá; tái cơ cấu kinh tế và các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường
thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện
các dự án, công trình trọng điểm; tăng cường huy động các
nguồn lực, xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch và các dịch vụ phục
vụ du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tiếp tục thực hiện
tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo
vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và
thực thi pháp luật; hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo,
phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Củng cố
quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên
địa bàn.
2. Các chỉ tiêu về
kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh
a) Các chỉ tiêu kinh tế (06
chỉ tiêu)
- Tổng sản phẩm trên địa bàn -
GRDP tăng 8 - 9% so với năm 2019.
- GRDP bình quân đầu người (giá hiện
hành) đạt khoảng 5.300 USD (tương đương khoảng 124 triệu đồng/người).
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 10% - 11% so với năm 2019.
- Tổng vốn đầu tư phát triển huy động
toàn xã hội năm 2020 khoảng 90.000 -
91.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 23,2%
GRDP.
- Hoàn thành và đưa vào sử dụng 456 căn nhà ở xã
hội.
- Tổng thu ngân sách đạt dự toán
được giao.
b) Các chỉ tiêu xã hội (13
chỉ tiêu)
- Phấn đấu
trong năm 2020, toàn tỉnh có 05 - 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã
đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2020 còn 1,0%.
- Giữ tỷ lệ
lao động không có việc làm khu vực đô thị ở mức 2,4%.
- Phấn đấu giảm
0,19% tỷ lệ hộ nghèo (tương ứng 1.500 hộ nghèo); giảm 0,25% tỷ lệ hộ cận nghèo
(tương ứng 2.000 hộ cận nghèo) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.
- Tỷ lệ lao động qua
đào tạo đạt 82%, trong đó tỷ lệ lao động
qua đào tạo nghề đạt
65%; tỷ lệ tuyển sinh đào tạo từ trung cấp nghề trở lên trên tổng
số người được tuyển sinh trong năm đạt 25%.
- Số bác sỹ
trên 1 vạn dân là 8,5 bác sỹ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 30 giường.
- Tỷ lệ trẻ em
suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi giảm còn 8%.
- Tỷ lệ trẻ em
suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi giảm còn 22,5%.
- Tỷ lệ dân số
tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.
- Tỷ lệ lao động
trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội 55%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp là
47%.
- Đạt trên 95%
ấp, khu phố và trên 98% hộ gia đình đạt danh hiệu ấp, khu phố và hộ gia đình
văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (riêng doanh nghiệp đạt 72%).
- Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QC02, trong
đó: Tỷ lệ dân cư nội thành, nội thị trên 90%, dân cư nông thôn là 80%.
- Phấn
đấu tỷ lệ cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập là
7,5%; tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và cai nghiện ma túy tự
nguyện tại cơ sở cai nghiện là 12,5%, trong đó: Tỷ lệ cai nghiện ma túy tại gia
đình, cộng đồng là 8,2%, tỷ lệ cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai
nghiện ma túy là 4,3%.
c) Các chỉ tiêu về môi trường (03
chỉ tiêu)
- Thu gom và xử lý 100% chất thải y tế; 100% chất thải nguy hại; 100% chất thải công nghiệp
không nguy hại; 100% chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đảm bảo tỷ lệ chôn lấp
chất thải rắn sinh hoạt khoảng 15%.
- 100% các khu công nghiệp đang hoạt
động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100%
khu công nghiệp có nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải
tự động.
- Giữ độ che
phủ cây xanh đạt 52%; ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 29,76%.
d) Các chỉ tiêu về quốc phòng, trật
tự xã hội (06 chỉ tiêu)
- Hoàn thành chỉ tiêu giao quân do
Quân khu giao.
- Giảm ít nhất 3% số vụ tội phạm
hình sự (trừ tội phạm ma túy).
- Phát hiện và xử lý tội phạm ma
túy tăng từ 5% trở lên.
- Giảm từ 5% trở lên số vụ, số người
chết, bị thương do tai nạn giao thông.
- Phấn đấu xử lý từ 90% trở lên tin
báo, tố giác tội phạm; đạt tỷ lệ điều tra, khám phá các loại án từ 75% trở lên,
tỷ lệ điều tra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng từ 95% trở
lên.
- Tổ chức thi hành án dân sự xong
trên tổng số án có điều kiện thi hành; giảm số án thi hành chuyển kỳ sau, phấn
đấu hoàn thành chỉ tiêu giao theo quyết định giao của Tổng cục Thi hành án dân
sự.
3. Các nhiệm vụ,
giải pháp thực hiện
a) Về phát triển kinh tế
- Phấn đấu hoàn thành mục tiêu,
nhiệm vụ vào năm 2020 và của cả giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện có hiệu
quả các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành
phần; tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo đúng
định hướng của tỉnh, ưu
tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp
chủ lực.
- Thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch để làm căn cứ lập
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tiếp
theo. Tập trung rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ
khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính, quy định pháp lý trong các lĩnh vực
quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,...; huy
động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư
phát triển kết cấu hạ tầng. Đẩy nhanh tiến độ
thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các
bộ, ngành Trung ương thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Thực hiện đồng nhất các giải
pháp thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu dự toán được giao; tập trung chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ
nợ đọng thuế; có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu để phát triển. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao
chất lượng tín dụng, chú trọng các lĩnh vực sản xuất, nhất
là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng,
hạn chế tín dụng đen.
- Đẩy nhanh tiến
độ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị
trường trong nước gắn với bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt
hàng thiết yếu. Ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị
gia tăng cao như dịch vụ giáo dục, đào tạo; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe;
tài chính, ngân hàng; hàng hải, logistics... Thực
hiện tốt kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng khoa học công
nghệ vào quản lý, điều hành, giảm chi phí logistics,...
- Chú trọng phát
triển bền vững nguồn hàng xuất khẩu, vận dụng phù hợp pháp luật trong nước và
các quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để bảo
vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân trong nước. Tận dụng tối đa
các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại, trong đó có
Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp
định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
- Đẩy mạnh
các giải pháp phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, nhà ở
cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến
khích phát triển nhà cho thuê, nhà ở cho người có thu nhập thấp; kiểm soát chặt
chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển
nhà ở xã hội. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện
các chương trình về nhà ở.
- Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng
nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh đổi mới
các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản; phát triển sản xuất theo
chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu phù hợp với điều kiện
địa phương, sản phẩm, ngành hàng và nhu cầu thị trường; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường cho
sản phẩm từ khu vực nông thôn, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế. Chủ
động phòng, chống thiên tai, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tiếp
tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp
và phát triển nông thôn đã được phê duyệt.
b) Về phát triển
văn hóa - xã hội
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm
nghèo bền vững. Tăng cường công tác giải quyết việc làm gắn với phát triển thị
trường lao động.
- Quan tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em; làm tốt
công tác bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội. Tích cực triển khai thực
hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết
Trung ương, Tỉnh ủy về cải cách chính sách tiền lương,
chính sách bảo hiểm xã hội.
- Chủ động phòng chống dịch bệnh, tăng cường các hoạt động nâng cao sức
khoẻ nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh,
bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sự hài lòng của người dân.
- Thúc đẩy xã hội
hóa trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn
hóa, thể thao; tăng cường cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công
lập.
- Thực
hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013
của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
và đào tạo; chuẩn bị các điều kiện để
triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày
28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội. Đẩy mạnh hoạt động
giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Tiếp tục đổi mới công
tác quản lý giáo dục và đào tạo, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập
trong dạy và học, thi cử; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ
năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ
cương. Tiếp tục rà soát, xử lý hiệu quả vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tập
trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng đào
tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong
và ngoài nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
- Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Chú trọng đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch và các dự án phục vụ du lịch.
Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh thực
hiện Cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa". Thực hiện tốt các chính sách quản lý
nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đa dạng hóa các
hình thức truyền thông, giáo dục xây dựng và gìn giữ văn hóa trong nhân dân.
Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, chuyên
nghiệp.
c) Tăng cường quản
lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Chủ động phòng,
chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kịp thời, ứng phó,
khắc phục hiệu quả các sự cố, thiên tai và cứu nạn, cứu hộ, di dời dân cư khỏi
vùng thiên tai, sạt lở đất, lũ quét, ổn định đời sống dân cư; phòng, chống sạt
lở bờ sông, suối, kè sông, kè suối ở những vị trí xung yếu.
Kiểm soát chặt chẽ
môi trường tại khu, cụm công nghiệp và việc nhập khẩu phế liệu. Tăng cường điều
phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành trong quản lý, khai
thác, sử dụng tài nguyên (nhất là tài nguyên nước), bảo vệ môi trường và ứng
phó với biến đổi khí hậu. Có biện pháp phù hợp để tích tụ, tập trung đất đai phục
vụ thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây
ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; tập trung xử lý rác thải đô thị, nông
thôn, nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư công nghệ xử
lý chất thải sinh hoạt, đảm bảo đến năm 2020, đạt tỷ lệ chốn lấp khoảng 15%. Thực hiện nghiêm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn
thiên nhiên và đa dạng sinh học.
d) Tăng cường,
nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu
nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí
Triển khai đồng bộ,
quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh
tra, kiểm tra, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và xử lý nghiêm các
vi phạm. Kiên quyết xử lý, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho
người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí trong các lĩnh vực và trên toàn xã hội; trước hết là trong các cơ quan
hành chính nhà nước.
Thực hiện đồng bộ
các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo; thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu. Tiếp nhận,
giải quyết kịp thời và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người
dân, doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu
nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Nghiêm túc tổ chức thực
hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực
pháp luật.
đ) Xây dựng bộ
máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn
thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện
tử phục vụ người dân và doanh nghiệp
Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực,
hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; đổi
mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của
các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết
số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương. Tổ chức thực
hiện tốt xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và
doanh nghiệp.
Thực hiện sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức; sắp xếp,
bố trí số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư; ổn định đời sống của Nhân dân địa
phương bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an
ninh trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, giải thể,
điều chỉnh địa giới hành chính một số đơn vị cấp xã và thành lập thành phố Long
Khánh; về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập một số đơn vị hành chính
đô thị cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai.
Đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu
quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng các dịch vụ công
trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường quản lý nhà nước kết hợp với phát huy
vai trò tự quản của các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bảo đảm
hoạt động của các tổ chức nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp. Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu,
nhiệm vụ thi hành án dân sự.
Đẩy mạnh cải thiện
môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành
chính và sử dụng có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên
thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các sở,
ngành và địa phương, kết nối cổng thông tin một cửa tỉnh;
tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục
vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết
Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy.
e) Về quốc phòng, an ninh và công
tác đối ngoại
Tiếp tục củng cố tiềm
lực, quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn kết
chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, diễn tập khu vực phòng thủ. Kết hợp
chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh
trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng
vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động nắm
chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống
phá Đảng, Nhà nước; bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ, an ninh
kinh tế, an ninh tư tưởng, an ninh mạng, các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn, hội
nghị, các mục tiêu trọng điểm về an ninh Quốc gia. Tạo
chuyển biến tích cực, rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; từng bước đẩy lùi, làm
giảm các điều kiện nảy sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; tập trung đấu
tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự liên
quan đến "Tín dụng đen", cho vay lãi nặng, tội
phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao... Giảm thiểu tai nạn
giao thông và ùn tắc giao thông; tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ.
Tiếp tục đẩy mạnh
ngoại giao kinh tế, tập trung tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng và đa dạng
hóa thị trường, thu hút các nguồn vốn, công nghệ và du lịch. Triển khai đồng bộ
công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh có
trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ có đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân,
các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân
dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết
này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên vận động các tổ chức,
Nhân dân cùng giám sát việc thực hiện Nghị quyết này;
phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng và kiến
nghị của Nhân dân đến các cơ quan chức năng theo đúng quy
định pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa IX, kỳ họp
thứ 13 thông qua ngày 06 tháng 12 năm
2019 và có hiệu lực từ ngày 06 tháng
12 năm 2019./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Phú Cường
|