CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 163/2017/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2017
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ LOGISTICS
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thương
mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật đầu tư
ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh
doanh dịch vụ logistics.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh dịch
vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ
logistics.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với thương nhân kinh doanh
dịch vụ logistics và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 3. Phân loại dịch vụ
logistics
Dịch vụ logistics được cung cấp bao gồm:
1. Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại
các sân bay.
2. Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận
tải biển.
3. Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương
thức vận tải.
4. Dịch vụ chuyển phát.
5. Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.
6. Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả
dịch vụ thông quan).
7. Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm
tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy
mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị
chứng từ vận tải.
8. Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả
hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao
hàng.
9. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải
biển.
10. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải
đường thủy nội địa.
11. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải
đường sắt.
12. Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải
đường bộ.
13. Dịch vụ vận tải hàng không.
14. Dịch vụ vận tải đa phương thức.
15. Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.
16. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
17. Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch
vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.
Chương II
ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH
VỤ LOGISTICS VÀ GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI THƯƠNG NHÂN KINH DOANH DỊCH VỤ
LOGISTICS
Điều 4. Điều kiện kinh doanh dịch
vụ logistics
1. Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc
dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp
ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ
đó.
2. Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt
động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng
viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định
của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị
định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
3. Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh
doanh dịch vụ logistics:
Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản
1, khoản 2 Điều này, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành
viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều
kiện sau:
a) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):
- Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ
Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ
lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước
ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt
Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của
tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.
- Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập
doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.
b) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container
thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung
cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành
lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp,
trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước
ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp
đồng hợp tác kinh doanh.
c) Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container
thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các
sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá
50%.
d) Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch
vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.
Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới
hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
đ) Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm
các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định
hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận
hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn,
mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu
tư trong nước.
e) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ
vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần
vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
không quá 49%.
g) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp
tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần
vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
h) Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không
thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.
i) Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm
định kỹ thuật
- Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện
thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có
vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp
trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà
cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
- Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy
chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
- Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ
thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền
xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
4. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng
áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh
dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại
một trong các điều ước đó.
Điều 5. Giới hạn trách nhiệm
1. Giới hạn trách nhiệm là hạn mức tối đa mà thương
nhân kinh doanh dịch vụ logistics chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho
khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch
vụ logistics theo quy định tại Nghị định này.
2. Trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định
về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thực
hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
3. Trường hợp pháp luật liên quan không quy định giới
hạn trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ
logistics do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên không có thoả thuận thì thực
hiện như sau:
a) Trường hợp khách hàng không có thông báo trước về
trị giá của hàng hóa thì giới hạn trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng đối với
mỗi yêu cầu bồi thường.
b) Trường hợp khách hàng đã thông báo trước về trị
giá của hàng hóa và được thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics xác nhận thì
giới hạn trách nhiệm sẽ không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
4. Giới hạn trách nhiệm đối với trường hợp thương
nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức thực hiện nhiều công đoạn có quy định
giới hạn trách nhiệm khác nhau là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn
trách nhiệm cao nhất.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6. Điều khoản chuyển tiếp
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đã được
đăng ký, cấp phép thực hiện dịch vụ logistics trước thời điểm Nghị định này có
hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động theo nội dung đăng ký, cấp phép.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20
tháng 02 năm 2018.
2. Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm
2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về điều
kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân
kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực
thi hành.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện
Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).KN
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|