CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 127/2015/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 12 năm 2015
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thanh
tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Xử lý
vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật An
toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Dầu
khí ngày 06 tháng 7 năm 1993, Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 09 tháng 6 năm 2000 và ngày 03 tháng
6 năm 2008;
Căn cứ Luật Hóa chất
ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Thương
mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Cạnh
tranh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Điện lực
ngày 03 tháng 12 năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt
động thanh tra ngành Công Thương.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động của
các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Công Thương; Thanh tra viên
ngành Công Thương, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và
cộng tác viên thanh tra ngành Công Thương; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức,
cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương.
Điều 2. Đối tượng thanh tra
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý
của Bộ Công Thương, Sở Công Thương.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ chấp hành
quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ
Công Thương, Sở Công Thương.
Điều 3. Áp dụng Điều ước quốc tế
Trường hợp Nghị định này và Điều ước quốc tế mà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng
một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế.
Chương II
TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN
HẠN CỦA THANH TRA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Điều 4. Cơ quan thực hiện chức
năng thanh tra ngành Công Thương
1. Cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm:
a) Thanh tra Bộ Công Thương (sau đây gọi chung là
Thanh tra Bộ);
b) Thanh tra Sở Công Thương (sau đây gọi chung là
Thanh tra Sở).
2. Các cơ quan được giao thực
hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:
a) Tổng cục Năng lượng; Cục Quản lý thị trường; Cục
Hóa chất; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Điều tiết điện lực;
Cục Xúc tiến thương mại; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin; Cục Quản
lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương (sau đây gọi chung là Tổng cục và Cục);
b) Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương
(sau đây gọi chung là Chi cục).
Điều 5. Vị trí, chức năng, cơ cấu
tổ chức của Thanh tra Bộ
1. Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Công Thương, giúp
Bộ trưởng Bộ Công Thương (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) quản lý nhà nước về
công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống
tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của
pháp luật.
2. Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh
Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra Bộ Công Thương (sau đây gọi chung
là Chánh Thanh tra Bộ) do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống
nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công Thương do Bộ trưởng bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ. Phó Chánh
Thanh tra Bộ Công Thương giúp Chánh Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ theo sự
phân công của Chánh Thanh tra Bộ.
3. Thanh tra Bộ có con dấu, tài khoản riêng.
4. Thanh tra Bộ có các phòng nghiệp vụ để thực hiện
nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng quyết định thành lập các phòng thuộc Thanh tra Bộ.
5. Thanh tra Bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ
trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của
Thanh tra Chính phủ.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Thanh tra Bộ
Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại Điều 18 Luật Thanh tra và Điều 7 Nghị định
số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy
phạm pháp luật liên quan đến công tác thanh tra ngành Công Thương.
2. Xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trình Bộ
trưởng phê duyệt.
3. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra
chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành thuộc Bộ Công Thương, Thanh tra Sở.
4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng
nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân
và phòng, chống tham nhũng.
5. Yêu cầu cơ quan được giao thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công Thương báo cáo về công tác thanh tra thuộc
phạm vi quản lý.
6. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết
luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng và Chánh Thanh tra
Bộ.
7. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết
định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, biện pháp xử lý tố cáo của
Bộ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
8. Chủ trì Đoàn thanh tra liên ngành hoặc tham gia
các Đoàn thanh tra liên ngành do Bộ, ngành thành lập.
9. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong phạm
vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan
có liên quan.
10. Thường trực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại,
tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
11. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
12. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Chánh Thanh tra Bộ
Chánh Thanh tra Bộ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quy định tại Điều 19 Luật Thanh tra, Điều 8
Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Báo cáo Bộ trưởng, Tổng Thanh tra Chính phủ về
công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống
tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm được giao.
2. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc thực hiện
pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng,
chống tham nhũng.
3. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn
vị thuộc Bộ Công Thương tham gia hoạt động thanh tra.
4. Giúp Bộ trưởng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các
cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng trong việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Vị trí, chức năng, cơ cấu
tổ chức của Thanh tra Sở
1. Thanh tra Sở là cơ quan của Sở Công Thương, giúp
Giám đốc Sở Công Thương (sau đây gọi chung là Giám đốc Sở) tiến hành thanh tra
hành chính, thanh tra chuyên ngành; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân
và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh
Thanh tra, Thanh tra viên và công chức khác.
Chánh Thanh tra Sở Công Thương (sau đây gọi chung
là Chánh Thanh tra Sở) do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi
thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi
chung là Chánh Thanh tra tỉnh).
Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương do Giám đốc Sở bổ
nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chánh Thanh tra Sở. Phó Chánh
Thanh tra Sở Công Thương giúp Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ theo sự
phân công của Chánh Thanh tra Sở.
3. Thanh tra Sở có con dấu và tài khoản riêng.
4. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám
đốc Sở; chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra
hành chính của Thanh tra tỉnh, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của
Thanh tra Bộ.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Thanh tra Sở
Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại Điều 24 Luật Thanh tra, Điều 13 Nghị định
số 86/2011/NĐ-CP và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Sở Công
Thương thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra; giải quyết khiếu nại,
tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
2. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết
luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; quyết định giải quyết khiếu nại,
kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý, kiến nghị về tố cáo của Giám đốc Sở,
Thanh tra Sở.
3. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra;
giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong phạm
vi quản lý của Sở Công Thương với Thanh tra tỉnh và các cơ quan có liên quan.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ quan, đơn
vị thuộc Sở Công Thương thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
5. Chủ trì Đoàn thanh tra liên ngành hoặc tham gia
các Đoàn thanh tra liên ngành do Sở, ngành thành lập.
6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Chánh Thanh tra Sở
Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
quy định tại Điều 25 Luật Thanh tra, Điều
14 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Báo cáo Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh
Thanh tra Bộ về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân
và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm được giao.
2. Thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị thuộc
Sở Công Thương trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra; giải quyết khiếu nại,
tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
3. Trưng tập công chức, viên chức của cơ quan, đơn
vị thuộc Sở Công Thương tham gia hoạt động thanh tra.
4. Giúp Giám đốc Sở theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các
cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của Giám đốc Sở trong việc tiếp công dân,
giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
5. Hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công Thương.
6. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Tổng cục, Cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Tổng cục, Cục được giao thực hiện chức năng thanh
tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều
10 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định
về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động
thanh tra chuyên ngành và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Bộ tổng
hợp trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành,
quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực do Bộ trưởng
giao.
3. Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp
luật khi được Bộ trưởng và Chánh Thanh tra Bộ giao.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết
luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình.
5. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành
với Thanh tra Bộ.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra
chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 10
Nghị định số 07/2012/NĐ-CP và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra Sở tổng
hợp trình Giám đốc Sở phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó.
2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành,
quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực do Giám đốc
Sở giao.
3. Thanh tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp
luật và những vụ việc khác khi được Giám đốc Sở giao.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết
luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của mình.
5. Tổng hợp, báo cáo kết quả thanh tra chuyên ngành
với Thanh tra Sở.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của
Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Chi cục trưởng được giao thực hiện chức năng
thanh tra chuyên ngành
Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Chi cục trưởng thực
hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 11 của Nghị định số
07/2012/NĐ-CP và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Xử phạt vi phạm hành chính và xử lý các vi phạm
pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
2. Cử công chức tham gia các Đoàn thanh tra của
Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở và các cơ quan khác khi được yêu cầu.
3. Quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ
thanh tra chuyên ngành căn cứ vào tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
Điều 14. Bộ phận tham mưu về
công tác thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục, Chi cục được giao thực hiện
chức năng thanh tra chuyên ngành
Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành
tại Tổng cục tổ chức theo mô hình Vụ; tại Cục và Chi cục tổ chức theo mô hình
Phòng hoặc giao bộ phận khác của Tổng cục, Cục, Chi cục kiêm nhiệm.
Chương III
HOẠT ĐỘNG THANH TRA
NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Mục 1. HOẠT ĐỘNG THANH TRA HÀNH
CHÍNH
Điều 15. Đối tượng thanh tra
hành chính
Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở thanh tra việc thực hiện
chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của các cơ quan, tổ chức,
cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
Điều 16. Thẩm quyền ra quyết định
thanh tra hành chính
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính thực
hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thanh tra, Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.
Điều 17. Trình tự, thủ tục
thanh tra hành chính
Trình tự, thủ tục thanh tra hành chính thực hiện
theo quy định từ Điều 44 đến Điều 50 Luật Thanh tra và từ Điều 21 đến Điều 31 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP.
Mục 2. HOẠT ĐỘNG THANH TRA
CHUYÊN NGÀNH
Điều 18. Đối tượng thanh tra
chuyên ngành
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
Điều 19. Thẩm quyền ra quyết định
thanh tra chuyên ngành
Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành thực
hiện theo quy định tại Điều 51 Luật Thanh tra, Điều 14 và 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Điều 20. Trình tự, thủ tục
thanh tra chuyên ngành
Trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành thực hiện
theo quy định từ Điều 52 đến Điều 56 Luật Thanh tra, từ Điều 16 đến Điều 32 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Điều 21. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực an toàn kỹ thuật công nghiệp
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về an toàn điện;
an toàn đập thủy điện; an toàn hóa chất, khí dầu mỏ hóa lỏng; an toàn vật liệu
nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; an toàn cơ khí và áp lực; an toàn trong
khai thác mỏ, dầu khí; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực cơ khí, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
chỉ tiêu chất lượng sản phẩm ngành cơ khí, luyện kim, công nghiệp hỗ trợ thuộc
phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực năng lượng
1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành
về lĩnh vực điện thuộc phạm vi quản lý:
a) Thực hiện các nội dung trong giấy phép hoạt động
điện lực;
b) Vận hành hệ thống điện quốc gia, bao gồm: Dự báo
phụ tải, đấu nối, đo đếm điện năng, thao tác trong hệ thống điện, xử lý sự cố,
khởi động đen, dịch vụ phụ trợ và ngừng, giảm mức cung cấp điện; chấp hành các
quy định của pháp luật về điều độ hệ thống điện;
c) Chấp hành các quy định của pháp luật về giá điện
và các loại phí, bao gồm: Khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá
truyền tải điện, giá bán lẻ điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ
vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực; quy định
của pháp luật về thị trường điện lực;
d) Chấp hành các quy định của pháp luật về tiến độ
thực hiện, địa điểm thực hiện, bãi tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện theo hình
thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhà máy nhiệt điện khác; chấp hành
các quy định của pháp luật về lưới điện, điện nông thôn, thủy điện;
đ) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành
về năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng thuộc phạm vi quản
lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành
về khai thác, chế biến, hạ tầng than; thu hồi than trong khai thác, chế biến;
hoạt động tiêu thụ, nhập khẩu than; giá thành sản xuất, vận chuyển than thuộc
phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
4. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành
về dầu khí gồm: Thăm dò trữ lượng, khai thác, vận chuyển, chế biến và phân phối
dầu khí; việc thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ
hoạt động dầu khí; đốt bỏ khí đồng hành; thực hiện các dự án thăm dò, khai
thác, vận chuyển, tàng trữ, xử lý, chế biến và phân phối sản phẩm dầu khí, các
hợp đồng dầu khí thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của
pháp luật.
5. Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành
về sản xuất, chế biến và kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng thuộc phạm vi
quản lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực hóa chất
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
giới hạn hàm lượng cho phép của hóa chất độc hại trong một số sản phẩm điện, điện
tử; phân loại hóa chất theo GHS; phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh
vực công nghiệp; sản xuất, sử dụng hóa chất Bảng 1, 2, 3; điều kiện sản xuất,
kinh doanh, chất lượng phân bón vô cơ; điều kiện sản xuất, kinh doanh vật liệu
nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc danh mục
hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện và hóa chất hạn chế sản xuất, kinh
doanh trong lĩnh vực công nghiệp thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 25. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ
khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng)
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, an toàn vệ sinh trong khai
thác mỏ và chế biến khoáng sản thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 26. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất
khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm
sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo,
bao bì chứa đựng và các sản phẩm thực phẩm khác thuộc phạm vi quản lý; các nội
dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực xuất nhập khẩu
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá
cảnh hàng hóa, ủy thác xuất khẩu, ủy thác nhập khẩu; xuất xứ hàng hóa thuộc phạm
vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực xúc tiến thương mại
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
khuyến mại; trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; hội chợ, triển lãm thương
mại; thành lập và hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương
mại nước ngoài tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 29. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực thương mại điện tử
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
quản lý website thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng
di động; cung cấp thông tin và giao dịch trong thương mại điện tử; cung cấp dịch
vụ thương mại điện tử; đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử; đánh giá
và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử;
cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; bảo vệ thông tin cá nhân trong
thương mại điện tử thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 30. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về hoạt động thương mại
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
thương mại biên giới, hoạt động ủy thác, đại lý mua bán, gia công, giám định
thương mại, môi giới thương mại thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo
quy định của pháp luật.
Điều 31. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực cạnh tranh
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hoạt
động bán hàng đa cấp thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 32. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực phòng vệ thương mại
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ và chống lẩn
tránh thuế chống bán phá giá, lẩn tránh thuế chống trợ cấp thuộc phạm vi quản
lý; các nội dung khác theo quy định của pháp luật.
Điều 33. Nội dung thanh tra
chuyên ngành về lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về
đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của pháp luật
về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc phạm vi quản lý; các nội dung khác
theo quy định của pháp luật.
Mục 3. KẾ HOẠCH THANH TRA, XỬ LÝ
CHỒNG CHÉO TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA, CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO VÀ THANH TRA LẠI
Điều 34. Xây dựng và phê duyệt
kế hoạch thanh tra hằng năm
1. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các Cục, Tổng
cục thuộc Bộ, căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Tổng
Thanh tra Chính phủ và yêu cầu công tác quản lý xây dựng kế hoạch thanh tra,
trình Bộ trưởng chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm. Bộ trưởng phê duyệt kế
hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 25 tháng 11 hằng năm.
2. Thanh tra Sở chủ trì, phối
hợp với Chi cục thuộc Sở, căn cứ vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh
tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý xây dựng kế hoạch thanh tra, trình Giám đốc
Sở chậm nhất vào ngày 05 tháng 12 hằng năm. Giám đốc Sở phê duyệt kế hoạch thanh
tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 12 hằng năm.
3. Kế hoạch thanh tra quy định
tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ
chức có liên quan.
Điều 35. Xử lý chồng chéo
trong hoạt động thanh tra
1. Trong trường hợp kế hoạch thanh tra của Bộ Công
Thương và kế hoạch thanh tra của Sở Công Thương có chồng chéo thì thực hiện
theo kế hoạch thanh tra của Bộ Công Thương.
2. Chánh Thanh tra Bộ xử lý việc chồng chéo về phạm
vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra của Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục
thuộc Bộ Công Thương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trình
Bộ trưởng xem xét quyết định; phối hợp với Chánh Thanh tra các Bộ, cơ quan
ngang Bộ giải quyết việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra của cơ quan thanh
tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ; phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh giải quyết việc
chồng chéo trong hoạt động thanh tra ngành Công Thương với cơ quan thanh tra của
địa phương.
3. Trong trường hợp kế hoạch
thanh tra của Thanh tra Sở và kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện
chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở có chồng chéo thì thực hiện theo kế
hoạch thanh tra của Thanh tra Sở. Chánh Thanh tra Sở báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh
xử lý việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra với các cơ quan thanh tra của địa
phương.
Điều 36. Chế độ thông tin, báo
cáo công tác thanh tra
1. Thanh tra Bộ báo cáo Bộ trưởng, Tổng Thanh tra
Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và
phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm được giao.
2. Tổng cục, Cục báo cáo Thanh tra Bộ về công tác
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham
nhũng trong phạm vi trách nhiệm được giao.
3. Thanh tra Sở báo cáo Giám đốc Sở, Chánh Thanh
tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố
cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi trách nhiệm được
giao.
4. Chi cục báo cáo Thanh tra Sở
về công tác thanh tra chuyên ngành trong phạm vi trách nhiệm được giao.
5. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương có
trách nhiệm sao gửi kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán về Thanh tra Bộ chậm
nhất 10 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra, báo
cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 37. Thanh tra lại
1. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ
việc đã được Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên
ngành thuộc Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm
vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhưng phát hiện có dấu hiệu
vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng giao.
2. Giám đốc Sở giao Chánh
Thanh tra Sở quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Thủ trưởng cơ quan được
giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công Thương kết luận
nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
3. Trình tự, thủ tục thanh tra lại được thực hiện
theo quy định từ Điều 48 đến Điều 52 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP
và từ Điều 33 đến Điều 38 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP.
Chương IV
THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC
VIÊN THANH TRA NGÀNH CÔNG THƯƠNG, NGƯỜI ĐƯỢC GIAO THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THANH TRA
CHUYÊN NGÀNH
Điều 38. Thanh tra viên ngành
Công Thương
1. Thanh tra viên ngành Công Thương là công chức của
Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm
vụ thanh tra theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ khác theo sự phân công
của Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn, tiêu chuẩn của Thanh tra
viên được quy định tại Luật Thanh tra, Nghị
định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2011
của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và quy định
của pháp luật có liên quan.
3. Thanh tra viên ngành Công
Thương được cấp trang phục, thẻ thanh tra, phù hiệu, biển hiệu và được hưởng
các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.
Điều 39. Cộng tác viên thanh
tra ngành Công Thương
1. Cộng tác viên thanh tra ngành Công Thương là người
được Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở trưng tập tham gia Đoàn thanh tra.
2. Cộng tác viên thanh tra ngành Công Thương là người
không thuộc biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt;
có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; có chuyên
môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan trưng tập.
3. Cộng tác viên thanh tra ngành Công Thương có nhiệm
vụ, quyền hạn, trách nhiệm và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của
pháp luật về thanh tra và pháp luật có liên quan khác.
Điều 40. Người được giao thực
hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao thực hiện chức
năng thanh tra chuyên ngành
1. Người được giao thực hiện
nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc Tổng cục, Cục thuộc Bộ Công
Thương, Chi cục thuộc Sở Công Thương có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định
của ngạch công chức đang giữ, các tiêu chuẩn quy định tại Điều 12 Nghị định số
07/2012/NĐ-CP và
quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra
chuyên ngành tại Tổng cục, Cục, Chi cục có quyền xử phạt vi phạm hành chính
theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính
và hưởng các chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định
của pháp luật.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH CÔNG THƯƠNG
Điều 41. Trách nhiệm của Bộ
trưởng Bộ Công Thương
1. Chỉ đạo hoạt động thanh tra trong phạm vi quản
lý của Bộ Công Thương.
2. Phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm.
3. Xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị về công
tác thanh tra.
4. Bảo đảm kinh phí, điều kiện làm việc cho Thanh
tra Bộ và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc
Bộ.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 42. Trách nhiệm của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm bảo biên chế, kinh phí, điều kiện hoạt động
của Thanh tra Sở và Chi cục Quản lý thị trường.
2. Chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp
vụ thanh tra và bảo đảm chế độ chính sách đối với thanh tra viên, công chức của
Thanh tra Sở và công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Điều 43. Trách nhiệm của Giám
đốc Sở Công Thương
1. Chỉ đạo hoạt động thanh tra trong phạm vi quản
lý của Sở Công Thương.
2. Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch
thanh tra hằng năm.
3. Xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị về công
tác thanh tra.
4. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về
công tác thanh tra; xử lý vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra.
5. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 44. Trách nhiệm phối hợp
giữa cơ quan thanh tra ngành Công Thương và các cơ quan, tổ chức có liên quan
1. Thanh tra Bộ phối hợp với các đơn vị trực thuộc
Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, Tổng cục, Cục thuộc Bộ Công
Thương, Thanh tra tỉnh, Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan trong hoạt động
thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
2. Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra Bộ, Thanh
tra tỉnh, Thanh tra các Sở, ngành của tỉnh, Thanh tra quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại thuộc
Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan trong hoạt động thanh
tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 45. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 02 năm 2016 và thay thế Nghị định số 117/2006/NĐ-CP
ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra
Công nghiệp và Nghị định số 103/2004/NĐ-CP ngày
01 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Điện lực.
Điều 46. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương tổ chức thực hiện Nghị
định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|