ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 246/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 27 tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP TUYÊN TRUYỀN, VẬN
ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG
ĐỒNG, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Chương trình phối hợp
số 01/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 13/10/2021 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt
Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh
doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng phát triển bền
vững giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực
hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Tiếp tục nâng cao ý thức,
trách nhiệm tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân (đặc
biệt là cơ sở nhỏ lẻ, hộ cá thể) tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm;
đấu tranh ngăn chặn hiệu quả việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn.
2. Thúc đẩy việc áp dụng và
nhân rộng mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm
trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn Quốc tế vì sức
khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần phát triển nông nghiệp tỉnh bền vững.
3. Phát huy vai trò các cấp Hội
và hội viên Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong tuyên truyền, vận
động và giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Kịp thời phát hiện biểu
dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và đấu
tranh, lên án các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
II. CÁC CHỈ
TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2025
1. Có 100% cơ sở sản xuất ban đầu,
sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy
sản an toàn; loại trừ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với sản xuất
để bán.
2. Có 100% các huyện, thành phố
xây dựng, nhân rộng các mô hình của Hội nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc thù
OCOP, áp dụng quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển
chuỗi giá trị nông sản, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các sản phẩm chủ lực
của tỉnh theo tiêu chuẩn Quốc tế.
3. Có 100% các cấp hội cập nhật
ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến vào tuyên truyền, vận
động, giám sát sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
III. NỘI
DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến kiến
thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn.
Phổ biến về yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước nhập khẩu nông lâm thủy
sản. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng
về an toàn thực phẩm.
Tuyên truyền, phổ biến, quán
triệt các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về sản xuất,
kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn như: Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số
15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn
thực phẩm.
2. Tiếp tục vận động các cơ sở
sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực
phẩm nông lâm thủy sản an toàn.
3. Vận động, hướng dẫn tập huấn
áp dụng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông
nghiệp hữu cơ; sơ chế, chế biến sản phẩm đặc thù OCOP; áp dụng quy trình quản lý
chất lượng, đảm bảo an toàn theo chuẩn mực quốc tế; phát triển các chuỗi liên kết
sản xuất, cung ứng nông sản an toàn cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn
cách sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu dùng thực phẩm an toàn;
cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia thực phẩm…;
vận động áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn
thực hành sản xuất tốt (GMP); hướng dẫn, vận động các cơ sở sản xuất, kinh
doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như:
- Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết
với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản
phẩm.
- Liên kết sản xuất, cung ứng sản
phẩm an toàn theo chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng đến giết mổ, sơ chế,
chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm.
4. Hỗ trợ kết nối cơ sở sản xuất
nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt
động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận; duy trì và
tăng cường phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, xây dựng
thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
5. Hỗ trợ cho các cấp hội và hội
viên Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cập nhật ứng dụng công nghệ
thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến trong tuyên truyền, vận động sản xuất,
kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về
an toàn thực phẩm.
6. Tăng cường công tác giám sát
phát hiện kịp thời những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm
không đảm bảo an toàn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời
biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản
thực phẩm an toàn.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
Là cơ quan đầu mối triển khai kế
hoạch. Chủ trì, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện
thành phố thực hiện các nội dung được phân công trong Chương trình phối hợp.
Cung cấp tài liệu tuyên truyền,
phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy
sản thực phẩm an toàn; tài liệu hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy
trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy
sản thực phẩm an toàn; yêu cầu tiêu chuẩn của một số thị trường tiêu thụ nông,
lâm, thủy sản của Việt nam và thế giới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn biên soạn, hướng dẫn.
Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn về an
toàn thực phẩm cho các cấp hội;
Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản
xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; ứng dụng hệ thống phần
mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc nông lâm
thủy sản thực phẩm bằng tem nhãn tích hợp mã QR code.
Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh thông tin, tuyên truyền kịp thời các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản
thực phẩm an toàn và kết quả triển khai Chương trình phối hợp.
2. Hội Nông
dân tỉnh
Xây dựng kế hoạch hằng năm, phối
hợp chặt chẽ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các Sở, ban, ngành có liên quan trong
quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.
Chủ trì tổ chức tập huấn kiến
thức về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; chia sẻ kinh nghiệm về
mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn cho cán bộ
hội các cấp, hội viên nông dân; làm điểm và chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thực
hiện của các cấp hội trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, vận động các hội
viên nông dân, cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản
xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn; giám sát việc tuân thủ
quy định về an toàn thực phẩm của các hội viên.
Chủ động đề xuất và nhân rộng
các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; mô hình sản
xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng mô hình thương hiệu
sản phẩm nông sản quy mô hộ nông dân làm chủ an toàn, chất lượng, chủ động kết
nối phát triển thị trường; tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất,
kinh doanh thực phẩm an toàn mang thương hiệu Hội Nông dân.
Kịp thời phát hiện, đề xuất biểu
dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất
sắc, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; phát hiện,
lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông lâm thủy sản không an
toàn.
3. Hội Liên
hiệp Phụ nữ tỉnh
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức
về an toàn thực phẩm, vận động hộ gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cơ sở
sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ ký cam kết sản xuất, kinh doanh nông lâm
thủy sản an toàn; loại trừ hoàn toàn hiện tượng sản xuất để ăn và sản xuất để
bán; phát triển các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản
thực phẩm an toàn; tích cực tham gia hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh
doanh nông sản thực phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, truy xuất nguồn
gốc, khẳng định chất lượng sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.
Xây dựng và nhân rộng các mô
hình cán bộ, hội viên, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Tổ
chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, tuyên truyền giới thiệu sản
phẩm nông lâm thủy sản an toàn do phụ nữ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hội
cấp dưới triển khai các nội dung của kế hoạch; kịp thời phát hiện, đề xuất biểu
dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất
sắc, tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; phát hiện,
lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông lâm thủy sản không an
toàn.
4. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trong việc biên soạn tài liệu và cử cán bộ làm giảng viên
trong tập huấn cho các cán bộ, hội viên theo tài liệu biên soạn.
Phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn, giám sát hỗ trợ chuyên môn về an toàn
thực phẩm cho các cấp hội.
Chủ trì tổ chức tuyên truyền,
hướng dẫn việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong
quá trình chế biến, bảo quản, kinh doanh nông sản thực phẩm.
Phối hợp với các cấp Hội Nông
dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức triển khai các nhiệm vụ đã được phân công
theo chương trình phối hợp.
5. Sở Công
Thương
Chủ trì tổ chức hỗ trợ kết nối
thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực phẩm
an toàn; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, chủ lực, đặc
trưng, OCOP của tỉnh thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, kênh hội
chợ trong nước và nước ngoài, các trang thương mại điện tử…;
Phối hợp với Cục Quản lý thị
trường và các cơ quan chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra về an toàn thực
phẩm tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh, phòng chống hàng nhập lậu, gian lận
thương mại và thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; hướng dẫn và
nhân rộng các chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm.
6. Sở Tài
chính
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này, hướng dẫn
các cơ quan, đơn vị lập dự toán, sử dụng kinh phí theo quy định.
7. Sở Thông
tin và Truyền thông, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, Cổng
Thông tin điện tử tỉnh
Phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời định hướng nội dung
tuyên truyền, cung cấp thông tin về chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động
sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng,
phát triển bền vững, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Đôn đốc, định hướng các cơ quan
báo chí truyền thông của tỉnh, chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đăng tải các
tin, bài tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú và đa dạng trên các phương
tiện thông tin, truyền thông tuyên truyền về chương trình phối hợp tuyên truyền,
vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe
cộng đồng, phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng
Sơn.
8. UBND các
huyện, thành phố
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên
môn, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức cho các cơ sở sản xuất
ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất, kinh
doanh nông lâm thủy sản an toàn; kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết;
rà soát thống kê danh sách thẩm định.
Phối hợp với Hội Nông dân và Hội
Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Bố trí
kinh phí hằng năm và tạo điều kiện cho các cấp hội thực hiện nội dung kế hoạch
đến cấp xã, phường, khu dân cư.
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện kế hoạch
được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác
theo quy định của pháp luật.
2. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch,
các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính tổng hợp,
trình Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.
VI. CHẾ ĐỘ
BÁO CÁO
Trên cơ sở kế hoạch này, yêu cầu
các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh, các tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện
Chương trình phối hợp theo nội dung trách nhiệm được phân công.
Định kỳ hằng năm và kết thúc
Chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối
hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UDND các huyện thành phố
và các sở, ban, ngành có liên quan tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình phối
hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo yêu cầu./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ
tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, YT, CT, TC,
TT&TT;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo LS, Cổng TTĐT tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung
tâm TH-CB;
- Lưu VT, KT (PVĐ).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lương Trọng Quỳnh
|