BỘ
TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
1007/CT-TCHQ
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2008
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI & CHỐNG
THẤT THU THUẾ
Trong thời gian qua tình hình buôn
lậu, gian lận thương mại có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều phương thức,
thủ đoạn và hình thức gian lận, xảy ra tại hầu hết các khâu, các lĩnh vực trong
quá trình làm thủ tục Hải quan cụ thể như: Khai báo không đúng tên hàng, khai
báo nhiều chủng loại hàng hóa với một tên hàng để áp mã có mức thuế suất thấp;
làm giả C/O để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt; khai báo không đúng trị
giá thực thanh toán để gian lận trị trí; bán nguyên phụ liệu, thành phẩm ra thị
trường nội địa đối với loại hình nhập khẩu đầu tư gia công, sản xuất – xuất khẩu
để trốn thuế với số lượng lớn, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn khi nợ
thuế ngân sách nhà nước; tình hình trên đã một phần ảnh hưởng đến việc điều
hành chính sách xuất nhập khẩu của nhà nước.
Để khắc phục tình trạng trên, thực
hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính về các giải pháp kiềm chế lạm phát, nhập
siêu; kiểm soát tăng giá, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại
qua thuế, giá, chống nợ đọng, Tổng cục trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị
trong ngành thực hiện tốt những việc sau đây:
1. Đối với Cục trưởng các Cục Hải
quan tỉnh, thành phố:
a) Quán triệt tư tưởng cho toàn thể
cán bộ công chức trong đơn vị về tình hình phát triển kinh tế xã hội, những khó
khăn, thách thức do sự biến động, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, trách nhiệm
và nghĩa vụ của ngành Hải quan đối với sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế
của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, cần phát huy tinh thần trách nhiệm,
nâng cao ý thức và hành động của mỗi cán bộ công chức trong thực thi công việc
góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
b) Thường xuyên chỉ đạo và tổ chức
kiểm tra việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, quy trình, quy chế của Ngành
và các văn bản pháp luật về hải quan tại tất cả các khâu nghiệp vụ, đơn vị nghiệp
vụ thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện đầy đủ chế độ kiểm tra, báo cáo theo quy định
của Ngành.
c) Tăng cường công tác chống buôn lậu,
chống gian lận thương mại, có biện pháp thu thập thông tin, phân tích xử lý
thông tin cho các Chi cục hải quan cửa khẩu. Thực hiện cập nhật thông tin kịp
thời bổ sung cho việc thực hiện quản lý rủi ro.
d) Tập trung chỉ đạo việc kiểm tra
hoạt động nghiệp vụ tại các Chi cục trực thuộc, đặc biệt lưu ý các nội dung
sau:
- Áp mã số đối với những mặt hàng
nhạy cảm, có thuế suất cao, hàng hóa áp mã chưa thống nhất giữa các Chi cục, kiểm
tra tính xác thực của C/O và thực tế hàng hóa nhập khẩu đối với các lô hàng được
hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
- Tham vấn, xác định trị giá tính
thuế đối với các nhóm hàng trọng điểm có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhưng trị
giá khai báo thấp như mặt hàng: ô tô du lịch, ô tô tải, ô tô bus (bao gồm cả xe
cũ và xe mới); xe máy; …
- Kiểm tra định mức tiêu hao nguyên
liệu thực tế; công tác thanh khoản hợp đồng gia công, sản xuất – xuất khẩu đối
với loại hình gia công, sản xuất – xuất khẩu.
- Thực hiện phân loại nợ, xử lý,
đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các khoản nợ phát sinh trước
ngày 01/07/2007 theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số: 17685/BTC-TCHQ
ngày 28/12/2007. Kiên quyết không để nợ mới phát sinh đồng thời thực hiện theo
đúng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật quản lý thuế.
- Khâu quản lý rủi ro: Tăng cường
kiểm tra các đối tượng lợi dụng luồng xanh để vi phạm pháp luật về hải quan
trên cơ sở thường xuyên nắm thông tin, theo dõi, phân tích các đối tượng hủy tờ
khai đã đăng ký với cơ quan Hải quan đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm
tra ngẫu nhiên đối với các tờ khai được phân vào luồng xanh, cập nhật thông tin
và kết quả kiểm tra để toàn Ngành tham khảo.
- Chú trọng khâu kiểm tra phúc tập
hồ sơ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong khâu thông quan.
- Tăng cường công tác kiểm tra sau
thông quan tại trụ sở hải quan và doanh nghiệp đối với các mặt hàng trọng điểm,
mặt hàng có thuế suất cao và doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thường xuyên xin
hủy tờ khai.
2. Đối với Thủ trưởng các Cục, Vụ
và đơn vị tương đương thuộc cơ quan Tổng cục:
a) Tăng cường chỉ đạo đơn vị, hướng
dẫn, kiểm tra các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong việc triển khai các hoạt động
nêu tại điểm 1 trên đây. Kịp thời tham mưu, giải quyết các vướng mắc phát sinh
trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại của các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố.
b) Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục
Kiểm tra sau thông quan tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình,
xây dựng các phương án kiểm tra, kiểm soát để chủ động thực hiện hoặc cung cấp
thông tin cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Kiểm tra, hướng
dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện các quy định quản lý rủi ro
trong hoạt động nghiệp vụ của ngành.
c) Vụ Giám sát quản lý phối hợp với
các đơn vị chức năng để tăng cường kiểm tra công tác phân loại mã số hàng hóa
thống nhất giữa các Cục hải quan địa phương trong toàn Ngành.
d) Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập
khẩu tăng cường kiểm tra công tác tham vấn, xác định trị giá tính thuế đối với
hàng nhập khẩu.
3. Nghiên cứu, đề xuất tổ chức các
đoàn kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố khi cần
thiết. Tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Cục Hải quan tỉnh,
thành phố với nhau; giữa Cục Hải quan tỉnh, thành phố với các Vụ, Cục chuyên
môn thuộc cơ quan Tổng cục để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp
buôn lậu, gian lận thương mại gây thất thu thuế; thông báo trong toàn Ngành và
tổ chức rút kinh nghiệm để có biện pháp kiểm tra phù hợp.
4. Tăng cường phối hợp với các cơ
quan chức năng dưới các hình thức trao đổi thông tin trong hoạt động kiểm hóa,
chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như trong hoạt động tuyên truyền, đào
tạo, phổ biến các văn bản pháp luật về Hải quan để nâng cao tính tự giác, tuân
thủ pháp luật về Hải quan của doanh nghiệp.
5. Định kỳ hàng tháng, thủ trưởng
các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo
cáo kết quả thực hiện chỉ thị qua báo cáo tháng về Văn phòng Tổng cục để tổng hợp
báo cáo Tổng cục trưởng.
6. Chỉ thị này được quán triệt tới
tất cả cán bộ, công chức trong ngành Hải quan. Yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan
các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn
cứ vào chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này trước ngày
25/4/2008. Đơn vị, cá nhân nào không nghiêm túc thực hiện chỉ thị này, để xảy
ra hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và thất thu thuế trên địa bàn quản
lý của mình thì tùy mức độ phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục
Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/cáo)
- Lãnh đạo TCHQ;
- Các đơn vị thuộc & trực thuộc Tổng cục (để t/hiện);
- Cục HQ tỉnh, Thành phố (để t/hiện)
- Website Hải quan;
- Lưu: VT, KTTT (3)
|
TỔNG
CỤC TRƯỞNG
Lê Mạnh Hùng
|