CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/2021/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 7 năm 2021
|
NGHỊ ĐỊNH
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 181/2013/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2013
CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢNG CÁO
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quảng
cáo ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật An
ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Quảng cáo.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo
xuyên biên giới tại Việt Nam
1. Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên
giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông
tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử
dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.
2. Trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng
cáo xuyên biên giới tại Nghị định này là hệ thống thông tin sử dụng một hoặc
nhiều trang thông tin điện tử dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm
thanh và các dạng thông tin khác nhằm cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch
vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, trao đổi thông tin, chia sẻ âm thanh,
hình ảnh, tạo diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến để cung cấp dịch vụ
quảng cáo.
3. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát
hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động
cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định
của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản
lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế
theo quy định pháp luật về thuế.
4. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch
vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ được
quy định tại Điều 13 Luật Quảng cáo và các quy định sau:
a) Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và
Truyền thông những nội dung sau:
Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính
nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ
chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có);
Đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại
Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ;
Hình thức và thời gian thông báo: 15 ngày trước khi
bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức,
cá nhân nước ngoài gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua
phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền
hình và thông tin điện tử);
Khi nhận thông báo, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm
gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, doanh
nghiệp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo;
b) Không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm
pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng,
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ;
c) Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm
pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức
năng có thẩm quyền theo quy định tại Điều 14, Nghị định này; cung cấp thông tin
về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu
vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.
5. Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi
tham gia giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (bao gồm tổ
chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới)
có quyền và nghĩa vụ:
a) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không
đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở
hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải
pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể
kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ
thống cung cấp dịch vụ.
6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát
hành quảng cáo, người quảng cáo không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với
trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm
pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền
thông.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:
“Điều 14. Trách nhiệm quản lý đối với hoạt động
cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới
1. Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện
và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được
phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực quảng cáo.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận
các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành,
địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật
cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
2. Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên
biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 05 ngày, Bộ Thông tin và Truyền
thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng
văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh
dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thông tin về các quảng cáo vi phạm đã được gửi
cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để
xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin
và Truyền thông.
Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền
thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ
quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước
ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng,
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi
phạm pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới
vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có
thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm
pháp luật.
Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng
cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông
tin và Truyền thông.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Báo cáo định kỳ
1. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có
hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên
giới tại Việt Nam thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng
12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng
cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát
thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị
định này.
Báo cáo được gửi qua một trong các hình thức: gửi
báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.
2. Các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện báo
cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng 12) hoặc báo cáo đột xuất khi có
yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ được phân công về quản lý hoạt động cung cấp dịch
vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục
Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm
2021.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|
PHỤ
LỤC
(Kèm theo Nghị định
số 70/2021/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ)
Mẫu
số 01
TÊN CƠ QUAN,
TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
..., ngày ...
tháng ... năm...
|
BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC KINH DOANH DỊCH VỤ QUẢNG
CÁO XUYÊN BIÊN GIỚI TẠI VIỆT NAM
Kính gửi: ……………………..
Thông tin về doanh nghiệp
1. Tên tổ chức, doanh nghiệp:
2. Mã số doanh nghiệp:
3. Địa chỉ trụ sở, số điện thoại, địa chỉ thư điện
tử:
4. Danh sách tổ chức, cá nhân nước ngoài có hợp tác
quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam:
5. Doanh thu từ hoạt động hợp tác quảng cáo xuyên
biên giới tại Việt Nam (tính từ ngày 01 tháng 01 đến thời điểm báo cáo):
6. Các vấn đề vướng mắc, phát sinh (nếu có):
7. Kiến nghị, đề xuất (nếu có):
Nơi nhận:
- Như trên;
- ………..
|
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
CƠ QUAN,
TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP
(Ký, ghi rõ họ tên, chức danh và đóng dấu)
|