Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn phần thứ hai Bộ Luật tố tụng dân sự sửa đổi

Số hiệu: 05/2012/NQ-HĐTP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Người ký: Trương Hòa Bình
Ngày ban hành: 03/12/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ HAI “THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011(sau đây viết tắt là BLTTDS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS nhằm bảo đảm thi hành đúng và thống nhất Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS.

Điều 2. Quyền khởi kiện vụ án quy định tại Điều 161 của BLTTDS

Khi xét thấy cần khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải làm đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTDS và cần phân biệt như sau:

1. Đối với cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

2. Đối với cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự đó. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

3. Đối với cá nhân là người chưa thành niên (trừ trường hợp được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này), người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

4. Đối với cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này là người không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình làm đơn khởi kiện, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án và phải có người làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận việc khởi kiện và nội dung khởi kiện vào đơn khởi kiện trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.

“Người làm chứng” trong trường hợp này phải là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự quy định tại Điều 57 của BLTTDS.

5. Đối với cơ quan, tổ chức, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Đồng thời, ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.

Trường hợp đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức thực hiện việc khởi kiện vụ án, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi chức vụ của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác thực hiện việc khởi kiện vụ án thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của cơ quan, tổ chức, ghi dòng chữ “Người đại diện theo ủy quyền”; người đại diện theo ủy quyền ký tên, ghi họ, tên của người đại diện theo ủy quyền và đóng dấu của cơ quan, tổ chức.

Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện, thì tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân, ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân. Đóng dấu của pháp nhân hoặc đóng dấu của văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân.

6. Khi xét thấy có đủ điều kiện để thụ lý vụ án, thì việc xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, thì nguyên đơn trong vụ án chính là người khởi kiện;

b) Đối với trường hợp được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này, thì nguyên đơn là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Do những người này không có năng lực hành vi tố tụng dân sự, nên người đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn tại Toà án;

c) Đối với cơ quan, tổ chức được hướng dẫn tại khoản 5 Điều này, thì cơ quan, tổ chức khởi kiện là nguyên đơn trong vụ án. Người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền tham gia tố tụng, thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức là nguyên đơn đó.

Điều 3. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước quy định tại Điều 162 của BLTTDS

1. Cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 162 của BLTTDS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức đó có những nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định;

b) Lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu Toà án bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách.

Ví dụ 1: Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng.

Ví dụ 2: Cơ quan Văn hoá - Thông tin có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi xâm phạm di sản văn hoá thuộc sở hữu toàn dân phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.

2. Khi xét thấy có đủ điều kiện để thụ lý vụ án do cơ quan, tổ chức khởi kiện theo quy định tại Điều 162 của BLTTDS, thì việc xác định tư cách nguyên đơn trong vụ án được thực hiện như sau:

a) Đối với trường hợp cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình thì nguyên đơn là:

a1) Người được cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình;

a2) Người con được cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình;

a3) Cha, mẹ được cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ khởi kiện vụ án để yêu cầu Toà án xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Hôn nhân và Gia đình.

b) Đối với trường hợp công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án về tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, thì nguyên đơn là tập thể người lao động có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ;

c) Đối với trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, thì nguyên đơn chính là cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án.

Điều 4. Phạm vi khởi kiện quy định tại Điều 163 của BLTTDS

Được coi là “nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau” để giải quyết trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Việc giải quyết quan hệ pháp luật này đòi hỏi phải giải quyết đồng thời quan hệ pháp luật khác;

Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả lại quyền sử dụng đất. Đồng thời, A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc C phải tháo dỡ công trình mà C đã xây dựng trên đất đó.

b) Việc giải quyết các quan hệ pháp luật có cùng đương sự và về cùng loại tranh chấp quy định trong một điều luật tương ứng tại một trong các điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.

Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả nợ 100 triệu đồng. Đồng thời, A còn khởi kiện yêu cầu Toà án buộc B phải trả lại chiếc xe ôtô mà B thuê của A do đã hết thời hạn cho thuê.

Điều 5. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện quy định tại Điều 164 của BLTTDS.

Để bảo đảm cho việc làm đơn khởi kiện đúng và thống nhất, Toà án yêu cầu người khởi kiện làm đơn khởi kiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này. Toà án phải niêm yết công khai tại trụ sở Toà án mẫu đơn khởi kiện và hướng dẫn sử dụng mẫu đơn khởi kiện.

Điều 6. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện quy định tại Điều 165 của BLTTDS

Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do khách quan nên họ không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, thì họ phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ khác, người khởi kiện phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Toà án trong quá trình giải quyết vụ án.

Ví dụ 1: Khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án yêu cầu giải quyết ly hôn (có đăng ký kết hôn hợp pháp), nuôi con, chia tài sản, thì về nguyên tắc người khởi kiện phải gửi kèm theo đầy đủ các tài liệu, chứng cứ về quan hệ hôn nhân, con, tài sản chung của vợ chồng; nếu họ chưa thể gửi đầy đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện, họ phải gửi bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh của con (nếu có tranh chấp về nuôi con).

Ví dụ 2: Khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng, thì người khởi kiện phải gửi kèm theo bản sao hợp đồng có tranh chấp, hoá đơn thanh toán tiền, nhận tài sản, biên bản thanh lý,…; nếu họ chưa thể gửi đủ các tài liệu, chứng cứ này, thì cùng với đơn khởi kiện họ phải gửi bản sao hợp đồng.

Điều 7. Thủ tục nhận đơn khởi kiện quy định tại Điều 167 của BLTTDS

1. Toà án phải có sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện.

2. Toà án thực hiện thủ tục nhận đơn của người khởi kiện như sau:

a) Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Toà án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 166 của BLTTDS, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Ngày khởi kiện được xác định là ngày nộp đơn.

b) Trường hợp đương sự gửi đơn đến Toà án qua bưu điện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 166 của BLTTDS, thì Toà án ghi ngày, tháng, năm nhận đơn do bưu điện chuyển đến vào sổ nhận đơn và ngày, tháng, năm đương sự gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu bưu điện nơi gửi đơn. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn khởi kiện. Ngày khởi kiện được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì, thì Toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là “không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện”. Trong trường hợp này, ngày khởi kiện được xác định là ngày Toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến.

c) Toà án phải ghi (hoặc đóng dấu nhận đơn có ghi) ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn khởi kiện.

d) Việc giao nhận chứng cứ do đương sự nộp hoặc gửi kèm theo đơn khởi kiện được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

đ) Sau khi nhận đơn khởi kiện, Toà án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện; nếu Toà án nhận đơn khởi kiện gửi qua bưu điện, thì Toà án gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết.

3. Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, việc phân công người xem xét đơn khởi kiện được thực hiện như sau:

a. Đối với Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án cấp huyện), thì Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện;

b. Đối với Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh), thì Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm, Chánh Toà hoặc Phó Chánh toà được Chánh án uỷ quyền phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

4. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định sau đây:

a) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo quy định tại Điều 171 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 của Nghị quyết này;

b) Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Thủ tục chuyển đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự;

c) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 168 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết này và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết.

Điều 8. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của BLTTDS

1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện là người không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 161 và Điều 162 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết này.

Người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự là người không có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự theo quy định tại Điều 57 của BLTTDS.

2. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện để khởi kiện (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn kiện), nhưng đương sự đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

Ví dụ 1: Theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai thì tranh chấp đất đai phải qua thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. Do đó, kể từ ngày 01-7-2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành), thì Tòa án chỉ xem xét, thụ lý tranh chấp đất đai khi tranh chấp đất đó đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Trường hợp tranh chấp đất đai chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 của BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn đương sự tiến hành thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.

Ví dụ 2: Trong đơn khởi kiện, nguyên đơn không ghi đúng địa chỉ của bị đơn, mặc dù Toà án yêu cầu bổ sung nhưng đã quá thời hạn do Toà án ấn định mà nguyên đơn vẫn không bổ sung được.

Ví dụ 3: Công ty A và Công ty B ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, trong đó thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Trọng tài. Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng, Công ty A khởi kiện Công ty B tại Tòa án trước khi yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Tòa án xét thấy thỏa thuận trọng tài giữa các bên là hợp pháp theo đúng quy định của Luật Trọng tài thương mại thì Tòa án căn cứ vào quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 của BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn họ tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài.

3. Khi xác định điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mà đối tượng khởi kiện là quyền sử dụng đất thì thực hiện như sau:

a) Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai.

b) Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS.

4. Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là trường hợp không thuộc một trong các tranh chấp quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.

5. Việc trả lại đơn khởi kiện phải được Toà án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp biết; trong đó cần ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 1 Điều 168 của BLTTDS. Thông báo này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện. Việc giao hoặc gửi thông báo này phải có sổ theo dõi.

6. Khoản 1 Điều 168 của BLTTDS đã bỏ căn cứ trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, vì vậy, Toà án không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để trả lại đơn khởi kiện.

Trường hợp trước đây, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết mà đương sự có yêu cầu khởi kiện lại, thì Toà án thụ lý vụ việc và đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí nếu không thuộc diện được miễn theo quy định pháp luật.

Trường hợp đã có bản án, quyết định của Toà án bác yêu cầu hoặc đình chỉ vì lý do thời hiệu khởi kiện đã hết, thì Toà án căn cứ điểm b khoản 1 Điều 168 của BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện và giải thích cho họ biết họ có quyền làm đơn đề nghị xem xét vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định nêu trên.

7. Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 và các điểm c, e, g khoản 1 Điều 192 của BLTTDS và các văn bản pháp luật có quy định.

"Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 168 của BLTTDS là các trường hợp trong BLTTDS chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ví dụ 1: Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ thành theo quy định tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và Gia đình và đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc hòa giải đoàn tụ thành giữa các đương sự. Trong thời gian đoàn tụ, các đương sự lại phát sinh mâu thuẫn và có đơn xin ly hôn yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án căn cứ vào Điều 85 của Luật Hôn nhân và Gia đình để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Trường hợp Tòa án đã bác đơn xin ly hôn của người chồng xin ly hôn vợ đang có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi, thì Tòa án chỉ thụ lý lại vụ án xin ly hôn của người chồng khi đã đáp ứng đủ điều kiện khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Hôn nhân và Gia đình.

Điều 9. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện quy định tại Điều 169 của BLTTDS

1. Khi nhận đơn khởi kiện hoặc sau khi nhận đơn khởi kiện, xét thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của BLTTDS, thì tuỳ theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Toà án yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong một thời hạn do Toà án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày người khởi kiện nhận được văn bản của Toà án yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Trong trường hợp đặc biệt, Toà án có thể gia hạn thêm, nhưng không quá mười lăm ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn do Toà án ấn định nêu trên.

2. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện phải được làm bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện biết để họ thực hiện. Văn bản này có thể được giao trực tiếp hoặc gửi cho người khởi kiện qua bưu điện. Việc giao hoặc gửi này phải có sổ theo dõi.

3. Thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện. Ngày khởi kiện vẫn được xác định là ngày nộp đơn khởi kiện, nếu người khởi kiện nộp trực tiếp tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi, nếu đơn khởi kiện được gửi qua bưu điện.

4. Sau khi người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án tiếp tục việc thụ lý vụ án theo thủ tục chung quy định tại Điều 171 của BLTTDS. Nếu hết thời hạn do Toà án ấn định mà người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Toà án, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.

5. Trường hợp trong đơn khởi kiện không ghi đầy đủ cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện; tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì Toà án yêu cầu người khởi kiện ghi đầy đủ và đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện không thực hiện, thì Toà án căn cứ vào khoản 2 Điều 169 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ mà không được thụ lý vụ án. Việc Toà án thụ lý vụ án để sau đó ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “chưa tìm được địa chỉ của bị đơn” là không đúng quy định của BLTTDS, vì đây không phải là một trong những trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 189 của BLTTDS. Toà án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.

6. Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS, hướng dẫn tại Điều 5 của Nghị quyết này và Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết này nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Toà án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

7. Nếu người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Điều 10. Thụ lý vụ án quy định tại Điều 171 của BLTTDS

1. Trong trường hợp người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn mười lăm ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 171 của BLTTDS vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật dân sự năm 2005, thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí.

2. Tòa án phải ấn định cho người khởi kiện trong thời hạn bảy ngày, sau khi hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này người khởi kiện mới nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, thì giải quyết như sau:

a) Trường hợp chưa trả lại đơn khởi kiện, thì Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án;

b) Trường hợp đã trả lại đơn khởi kiện mà người khởi kiện chứng minh được là họ đã nộp tiền tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định, nhưng vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên họ nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Toà án không đúng hạn, thì Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

c) Trường hợp sau khi Toà án trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện mới nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Toà án, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì được coi là nộp đơn khởi kiện lại, Thẩm phán yêu cầu họ nộp lại đơn khởi kiện, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và tiến hành thụ lý lại vụ án theo thủ tục chung.

3. Hết thời hạn được hướng dẫn tại khoản 2 Điều này, người khởi kiện không nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, thì Toà án thông báo cho họ biết về việc không thụ lý vụ án với lý do là họ không nộp tiền tạm ứng án phí.

Điều 11. Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án quy định tại Điều 172 của BLTTDS

1. Chánh án Toà án cấp huyện có thể tự mình hoặc uỷ nhiệm cho một Phó Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

Chánh án Toà án cấp tỉnh có thể uỷ nhiệm cho một Phó Chánh án hoặc uỷ quyền cho Chánh toà hoặc Phó Chánh toà phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.

2. Khi phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, thì cần tiếp tục phân công Thẩm phán đã thực hiện việc xem xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án. Việc phân công này không phải ra quyết định.

3. Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài, thì cần phân công thêm Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử liên tục.

Điều 12. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn quy định tại Điều 176 của BLTTDS

1. Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.

Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.

2. Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập).

Ví dụ: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu của C mà là của mình hoặc công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu chung của C và D. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C.

3. Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

Ví dụ: Xem ví dụ 1 khoản 1 Điều này.

4. Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

Ví dụ: A có chiếc xe ô tô thuộc sở hữu riêng đã bán cho C, nhưng nói với con (B là con của A) là cho C thuê mỗi tháng năm triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong một năm qua là sáu mươi triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu xe ô tô và có tranh chấp. Nếu Toà án chấp nhận yêu cầu phản tố của C, thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B đòi C thanh toán tiền thuê xe ô tô.

5. Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.

Ví dụ: Chị M khởi kiện yêu cầu anh N phải trợ cấp nuôi con P một tháng ba trăm ngàn đồng. Anh N có yêu cầu phản tố yêu cầu Toà án xác định P không phải là con của anh.

Điều 13. Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập quy định tại Điều 178 của BLTTDS

1. Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện như thủ tục khởi kiện của nguyên đơn quy định tại các điều 164, 165, 166, 167, 168, 169 và 170 của BLTTDS và hướng dẫn tại các điều 5, 6, 7, 8 và 9 của Nghị quyết này.

2. Trong trường hợp Toà án nhận được đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án, thì (thời hạn chuẩn bị xét xử được xác định từ ngày hoàn thành thủ tục phản tố, yêu cầu độc lập) ngày thụ lý vụ án để tính thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án đó được xác định như sau:

a) Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày Toà án nhận được đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

b) Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

Ví dụ: Ngày 15-3-2013, Toà án thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện vụ án của nguyên đơn A. Toà án thông báo về việc thụ lý vụ án cho bị đơn B biết. Sau khi nhận được thông báo, ngày 31-3-2013, bị đơn B có đơn yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A. Toà án tiến hành thủ tục xem xét đơn yêu cầu phản tố. Ngày 15-4-2013, bị đơn B nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Trong trường hợp này, ngày Toà án thụ lý vụ án được xác định lại là ngày 15-4-2013 (Tòa án ghi chú lại ngày thụ lý vụ án trong sổ thụ lý vụ án). Trong trường hợp bị đơn B không phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án được xác định lại là ngày 31-3-2013.

c) Trường hợp có nhiều bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, thì ngày thụ lý vụ án được xác định như sau:

c1) Là ngày Toà án nhận được đơn về yêu cầu phản tố hoặc đơn về yêu cầu độc lập cuối cùng, nếu họ đều thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí;

c2) Là ngày người nộp cuối cùng cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, nếu họ thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Điều 14. Thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 của BLTTDS

Điều 179 của BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử; do đó, các thời hạn quy định trong Điều này đều được tính trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như sau:

1. Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

a) Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án tối đa là:

- Bốn tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

- Hai tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của BLTTDS.

b) Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày Toà án thụ lý vụ án tối đa là:

- Sáu tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của BLTTDS;

- Ba tháng đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của BLTTDS.

c) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này mà phiên toà không được mở trong thời hạn một tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng trường hợp được cộng thêm tối đa là một tháng nữa.

2. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại, kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

3. Về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử.

Đối với những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTDS mà thời hạn gần hết (thời hạn chuẩn bị xét xử còn lại không quá năm ngày) mà Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thấy rằng vụ án phức tạp nên chưa thể ra được một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTDS, thì cần phải báo ngay với Chánh án Toà án để ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn quy định tại đoạn cuối khoản 1 Điều 179 của BLTTDS và hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này. Hết thời hạn được gia hạn, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra một trong những quyết định quy định tại khoản 2 Điều 179 của BLTTDS.

a) “Những vụ án có tính chất phức tạp” là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài,… Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

b) “Trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu,… làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

Ví dụ: Toà án nhân dân huyện X, tỉnh H ở miền núi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong đó đã ấn định ngày mở phiên toà. Tuy nhiên, còn hai ngày nữa là tiến hành mở phiên toà, thì xảy ra lũ quét. Trụ sở của Toà án nhân dân huyện X bị hư hỏng. Do phải khắc phục hậu quả của lũ quét, sửa chữa lại trụ sở, nên Toà án nhân dân huyện X không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

c) “Lý do chính đáng” quy định tại khoản 3 Điều 179 của BLTTDS được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án có tính chất phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến,… nên cản trở Toà án tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

Điều 15. Những vụ án dân sự không được hòa giải quy định tại Điều 181 của BLTTDS

1. “Tài sản của Nhà nước” được hiểu là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước quy định tại Điều 200 của Bộ luật dân sự năm 2005 và được điều chỉnh theo các quy định tại mục 1 Chương XIII của Bộ luật dân sự năm 2005.

“Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản của Nhà nước” là trường hợp tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật, do hợp đồng vô hiệu, do vi phạm nghĩa vụ dân sự,... gây ra và người được giao chủ sở hữu đối với tài sản Nhà nước đó có yêu cầu đòi bồi thường.

Khi thi hành quy định tại khoản 1 Điều 181 của BLTTDS cần phân biệt:

a) Trường hợp tài sản của Nhà nước được giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng hoặc đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước thực hiện quyền sở hữu thông qua cơ quan có thẩm quyền, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến loại tài sản này, Toà án không được hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

b) Trường hợp tài sản của Nhà nước được Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước, góp vốn trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của các chủ sở hữu khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà doanh nghiệp được quyền tự chủ chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản đó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì khi có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản đó, Toà án tiến hành hoà giải để các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

2. Toà án không được hoà giải vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật (giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật) hoặc trái đạo đức xã hội, nếu việc hoà giải nhằm mục đích để các bên tiếp tục thực hiện các giao dịch đó. Trường hợp các bên chỉ có tranh chấp về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu do trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, thì Toà án vẫn phải tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đó.

Điều 16. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được quy định tại khoản 1 Điều 182 của BLTTDS

Trong trường hợp bị đơn đã được Toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt, thì Toà án lập biên bản về việc không tiến hành hoà giải được do bị đơn vắng mặt và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Trong trường hợp tại phiên toà bị đơn có yêu cầu Toà án hoãn phiên toà để tiến hành hoà giải, thì Toà án không chấp nhận, nhưng cần tạo điều kiện cho các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

Điều 17. Thành phần phiên hòa giải quy định tại Điều 184 của BLTTDS

1. Toà án phải triệu tập tất cả những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án quy định tại khoản 3 Điều 64 và Điều 184 của BLTTDS tham dự phiên hoà giải.

2. Nếu việc hoà giải vụ án có liên quan đến tất cả các đương sự trong vụ án mà có đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hoà giải để mở lại phiên hoà giải khác có mặt tất cả các đương sự. Thẩm phán thông báo hoãn phiên hòa giải theo Mẫu số 06b ban hành kèm theo Nghị quyết này.

3. Nếu trong vụ án có nhiều quan hệ pháp luật mà quan hệ pháp luật này liên quan đến đương sự này, quan hệ pháp luật kia liên quan đến đương sự khác và việc giải quyết quan hệ pháp luật đó chỉ liên quan đến các đương sự có mặt, không liên quan đến các đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán tiến hành hoà giải những vấn đề có liên quan đến các đương sự có mặt.

Trường hợp nêu trên mà các đương sự có mặt thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì thoả thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thoả thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt, thì thoả thuận này chỉ có giá trị nếu đương sự vắng mặt tại phiên hoà giải đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp trước khi tiến hành hòa giải đương sự vắng mặt đã có ý kiến bằng văn bản nhưng sau khi kết thúc phiên hòa giải, nội dung hòa giải của các đương sự có mặt khác với nội dung văn bản thể hiện ý chí của đương sự vắng mặt, thì Tòa án phải lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải về thỏa thuận của các đương sự tại phiên hòa giải. Thủ tục và thời hạn lấy ý kiến bằng văn bản của đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trường hợp đương sự đồng ý với kết quả hoà giải thì ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải được xác định là ngày các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án.

Điều 18. Nội dung hòa giải quy định tại Điều 185 của BLTTDS

1. Toà án xem xét các yêu cầu cụ thể của đương sự trong vụ án phải giải quyết để tiến hành hoà giải từng yêu cầu theo thứ tự hợp lý.

Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, có cả tranh chấp về nuôi con, chia tài sản thì Toà án cần hoà giải về quan hệ hôn nhân trước, nếu hoà giải đoàn tụ không thành thì tiếp tục tiến hành hoà giải việc nuôi con và sau đó hoà giải việc chia tài sản.

2. Khi tiến hành hoà giải, ngoài việc tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 184 của BLTTDS, tùy theo các quan hệ pháp luật Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình mà tự nguyện thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; phân tích hậu quả pháp lý của việc hoà giải thành cho các đương sự biết (như mối quan hệ giữa các đương sự, việc chịu án phí,…). Thẩm phán không được nói trước với các đương sự ai sai, ai đúng ở chỗ nào hoặc nếu các đương sự không thoả thuận được, thì hướng xét xử của Toà án như thế nào,…

Điều 19. Trình tự hòa giải quy định tại Điều 185a của BLTTDS

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án tiến hành việc hòa giải theo trình tự như sau:

1. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải khai mạc phiên hòa giải như sau: “Hôm nay, ngày, tháng, năm, Toà án nhân dân… tiến hành tổ chức hòa giải vụ án về…, tôi tuyên bố khai mạc phiên hòa giải”.

2. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác tham gia phiên hòa giải (nếu có).

3. Thư ký Toà án báo cáo với Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án và lý do vắng mặt. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải kiểm tra lại sự có mặt và kiểm tra căn cước của những người tham gia phiên hòa giải theo giấy triệu tập, giấy báo của Toà án (quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 184 của BLTTDS).

4. Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS.

Ví dụ: Đối với nguyên đơn phải giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 58 và Điều 59 của BLTTDS,… Đối với người phiên dịch, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên, thì yêu cầu họ cam đoan khai báo trung thực.

7. Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải theo nội dung hoà giải quy định tại Điều 185 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 18 của Nghị quyết này.

8. Phiên hòa giải phải được ghi biên bản theo quy định tại Điều 186 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 20 của Nghị quyết này, trước khi kết thúc phiên hòa giải Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải xem xét (lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành…) về việc giải quyết vụ án tại phiên hòa giải.

Điều 20. Biên bản hòa giải quy định tại Điều 186 của BLTTDS

1. Thư ký Toà án ghi biên bản hoà giải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 186, có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của những người quy định tại khoản 2 Điều 186 của BLTTDS và theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

2. Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án, thì Thẩm phán hoặc Thư ký Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành phải ghi cụ thể nội dung thoả thuận của các đương sự theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải ký tên và đóng dấu của Toà án vào biên bản. Các đương sự tham gia phiên hoà giải phải ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản hoà giải thành. Biên bản hoà giải thành phải được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải.

Đối với các đương sự vắng mặt mà việc hoà giải thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 184 của BLTTDS, thì Toà án phải gửi ngay biên bản hoà giải thành cho các đương sự vắng mặt.

3. Trong biên bản hoà giải thành cần ghi: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải, nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến về sự thoả thuận, thì phải làm thành văn bản gửi cho Toà án”. Trong trường hợp đương sự trực tiếp đến Toà án xin thay đổi thoả thuận, thì Thẩm phán phải lập biên bản ghi ý kiến thay đổi thoả thuận của họ. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự và lưu vào hồ sơ vụ án. Việc thay đổi ý kiến về sự thoả thuận này phải được Toà án thông báo cho các đương sự khác có liên quan đến thoả thuận đó.

Điều 21. Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự quy định tại Điều 187 của BLTTDS

1. Hết thời hạn bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó, thì về nguyên tắc chung Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Nếu vì trở ngại khách quan mà Thẩm phán không ra quyết định được, thì Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán khác ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự.

2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nhưng không thoả thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí, thì Toà án không công nhận sự thoả thuận của các đương sự mà tiến hành mở phiên toà để xét xử vụ án.

3. Trong trường hợp các đương sự chỉ thoả thuận được với nhau về việc giải quyết một phần vụ án, còn phần khác không thoả thuận được, thì Toà án ghi những vấn đề mà các đương sự thoả thuận được và những vấn đề không thoả thuận được vào biên bản hoà giải theo quy định tại khoản 1 Điều 186 của BLTTDS và tiến hành ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Điều 22. Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại Điều 189 của BLTTDS

1. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà không phụ thuộc có hay không có yêu cầu của đương sự khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 189 của BLTTDS.

2. “Trường hợp cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp đã có quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc sáp nhập, chia, tách cơ quan, tổ chức đó, nhưng cơ quan, tổ chức mới chưa được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng chưa có đầy đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật đối với loại hình cơ quan, tổ chức đó.

“Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó” là trường hợp chưa xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định tại các điểm a và b khoản 2, khoản 3 Điều 62 của BLTTDS.

3. “Đại diện hợp pháp của đương sự” quy định tại khoản 3 Điều 189 của BLTTDS bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện hợp pháp của đương sự được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 73 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 21 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

4. “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án” quy định tại khoản 4 Điều 189 của BLTTDS là trường hợp mà kết quả giải quyết vụ án dân sự, hình sự, hành chính đó, hoặc kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cơ sở để xác định thẩm quyền của Tòa án, xác định quyền khởi kiện đối với vụ án, xác định địa vị pháp lý, xác định người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp hoặc là căn cứ khác để Tòa án giải quyết vụ án này một cách toàn diện, chính xác và đúng pháp luật.

"Vụ án khác có liên quan” đến vụ án mà Tòa án đang giải quyết là vụ việc dân sự, vụ án hình sự, hành chính.

“Sự việc được pháp luật quy định” phải là sự việc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, và nếu không được cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước thì việc giải quyết của Tòa án là vi phạm pháp luật.

Ví dụ 1: Trong vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản giữa nguyên đơn A và bị đơn B. Sau khi thụ lý vụ án mà Tòa án nhân dân huyện X nhận được thông báo của Tòa án nhân dân huyện Y về việc Tòa án này đang thụ lý giải quyết vụ án giữa nguyên đơn C và bị đơn A về tranh chấp quyền sở hữu đối với tài sản đó. Trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện X cần ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản giữa A và B để chờ kết quả giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu tài sản đó của Tòa án nhân dân huyện Y. Căn cứ vào kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Y, Tòa án nhân dân huyện X sẽ tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Tòa án nhân dân huyện X đang giải quyết tranh chấp giữa nguyên đơn A và bị đơn B xuất phát từ giao dịch trái pháp luật giữa A và B thì nhận được thông báo của Viện kiểm sát nhân dân huyện X về giao dịch giữa A và B có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và yêu cầu Tòa án nhân dân huyện X chuyển hồ sơ để điều tra hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện X cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả điều tra của Cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật đó. Nếu cơ quan điều tra kết luận giao dịch dân sự trái pháp luật giữa A và B chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Tòa án nhân dân huyện X tiếp tục giải quyết vụ án tranh chấp giữa A và B về giao dịch trái pháp luật đó.

5. "Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Toà án mới giải quyết được vụ án mà thời hạn giải quyết đã hết” quy định tại khoản 5 Điều 189 của BLTTDS là trường hợp Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp hoặc chưa có kết quả thực hiện ủy thác tư pháp hoặc chưa nhận được các tài liệu, chứng cứ từ cơ quan, tổ chức mà thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả trường hợp đã gia hạn) đã hết hoặc tuy đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa xét xử mà xét thấy cần phải thực hiện ủy thác tư pháp hoặc cần phải yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ mới giải quyết được vụ án thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

Ví dụ: Theo quy định tại khoản 4 Điều 93 của BLTTDS, thì Tòa án phải tiến hành ủy thác thu thập chứng cứ ra nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Trường hợp đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả trường hợp đã gia hạn) mà vẫn chưa có kết quả ủy thác thu thập chứng cứ theo quy định, thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Sau khi có kết quả ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc sau khi đã hết thời hạn ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật, thì Tòa án tiếp tục tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

6. “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” quy định tại khoản 6 Điều 189 của BLTTDS là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong BLTTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 23. Hậu quả của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại khoản 3 Điều 190 của BLTTDS

1. Khi quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và việc kháng cáo, kháng nghị là hợp lệ, thì Toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 255 của BLTTDS.

2. Trong trường hợp hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mới có khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thì cần phân biệt như sau:

a) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm xét thấy quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là không đúng, thì tiếp tục giải quyết vụ án bị tạm đình chỉ vì lý do tạm đình chỉ không còn.

b) Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm xét thấy quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là đúng và vẫn giữ nguyên, thì khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Điều 24. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại điểm c và điểm k khoản 1 Điều 192 của BLTTDS

1. Khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện, thì Toà án cần phải xem xét trong vụ án có yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không để quyết định như sau:

a) Trong trường hợp không có yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập, thì Toà án chấp nhận việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện và căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

b) Trong trường hợp có yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì tuỳ trường hợp mà giải quyết như sau:

b1) Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút;

b2) Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu phản tố của bị đơn đã rút;

b3) Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với yêu cầu của người khởi kiện và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã rút.

c) Sau khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của đương sự đã rút được hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này, Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định lại địa vị tố tụng của các đương sự theo đúng quy định tại Điều 219 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 33 của Nghị quyết này.

d) Trong trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết toàn bộ vụ án.

2. “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” quy định tại điểm k khoản 1 Điều 192 của BLTTDS là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong BLTTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 25. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại khoản 1 Điều 193 của BLTTDS

Trong trường hợp đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, thì cần phân biệt như sau:

1. Trường hợp quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại các điểm a, b, d, đ, h, i và k khoản 1 Điều 192 của BLTTDS, thì đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS, thì trước khi ra quyết định, Tòa án phải giải thích rõ cho các đương sự về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó.

Trường hợp cơ quan, tổ chức (trong trường hợp không có nguyên đơn), nguyên đơn quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS chỉ rút văn bản khởi kiện, không yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án khi có những điều kiện nhất định theo thỏa thuận, thương lượng giữa các đương sự thì Tòa án cần ghi rõ điều kiện đó trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án để làm căn cứ cho việc khởi kiện lại của đương sự.

Do đó, trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 192 của BLTTDS thì trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án Tòa án phải nêu rõ hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là các đương sự sẽ không có quyền khởi kiện lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

2. Trường hợp quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định tại các điểm c, e và g khoản 1 Điều 192 của BLTTDS, hoặc vụ việc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 của BLTTDS, thì đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó theo thủ tục chung, nếu thời hiệu khởi kiện vụ án theo quy định tại Điều 159 của BLTTDS vẫn còn, mặc dù việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

3. Trường hợp quyết định đình chỉ vụ án quy định tại điểm g khoản 1 Điều 192 của BLTTDSkhoản 2 Điều 77 của Luật Phá sản, nếu sau đó Toà án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh gửi trả lại hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền, thì Toà án đó tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Điều 26. Quyết định đưa vụ án ra xét xử quy định tại Điều 195 của BLTTDS

1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 195 của BLTTDS và theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị quyết này. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được ban hành chậm nhất là bảy ngày làm việc trước ngày mở phiên tòa.

2. Để không phải hoãn phiên toà và bảo đảm đúng quy định của BLTTDS, trong trường hợp Hội thẩm nhân dân được phân công tham gia xét xử không tiếp tục tham gia xét xử được sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì đồng thời với việc phân công Hội thẩm nhân dân chính thức, cần phân công Hội thẩm dự khuyết và cùng ghi họ tên Hội thẩm dự khuyết vào quyết định đưa vụ án ra xét xử.

3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được gửi cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi Toà án ra quyết định, không phân biệt vụ án đó Viện kiểm sát cùng cấp có tham gia phiên toà hay không.

Trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà, thì Toà án gửi hồ sơ vụ án dân sự cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-8-2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.

Điều 27. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại Điều 199 của BLTTDS

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố được triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt và không có người đại diện tham gia phiên tòa mà không vì sự kiện bất khả kháng, thì Tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có yêu cầu phản tố có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Điều 28. Xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt tại phiên toà quy định tại Điều 202 của BLTTDS.

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt mà không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 199 của BLTTDS thì dù có hay không có lý do chính đáng, Toà án hoãn phiên toà.

Tòa án chỉ tiến hành xét xử vắng mặt đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có một hoặc một số đương sự; người đại diện của một hoặc một số đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một hoặc một số đương sự có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt và các đương sự còn lại, người đại diện của các đương sự còn lại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự còn lại vẫn có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

b) Tất cả các đương sự và người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án đều có đơn đề nghị Toà án xét xử vắng mặt. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ để giải quyết theo quy định pháp luật.

2. Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 199 của BLTTDS.

3. Trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của BLTTDS, đã được Toà án tống đạt hợp lệ giấy triệu tập phiên toà theo quy định tại các điều từ Điều 150 đến Điều 156 của BLTTDS và đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã chuẩn bị tham gia phiên toà xét xử vụ án, nhưng do sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với họ vào trước thời điểm Toà án mở phiên toà hoặc ngay trong thời điểm họ đang trên đường đến Toà án để tham gia phiên toà (do thiên tai, địch hoạ, bị tai nạn, ốm nặng phải đi bệnh viện cấp cứu, người thân bị chết,…) nên họ không thể có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án, thì Toà án cũng hoãn phiên toà.

Trường hợp do Toà án không nhận được thông báo từ phía đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt họ, nếu sau khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, đương sự có khiếu nại và chứng minh được việc họ vắng mặt tại phiên toà là do sự kiện bất khả kháng, thì khiếu nại cần được xem xét theo thủ tục tái thẩm.

Điều 29. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa quy định tại Điều 208 của BLTTDS

1. Thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá ba mươi ngày, kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà.

Nếu phiên toà xét xử một vụ án bị hoãn nhiều lần, thì thời hạn của mỗi lần hoãn phiên toà không được quá giới hạn cho phép là ba mươi ngày, kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà của lần đó. Thời gian hoãn phiên toà không tính vào thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 của BLTTDS và được hướng dẫn tại Điều 14 của Nghị quyết này. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở lại phiên toà xét xử vụ án theo đúng quy định, thì sau khi hoãn phiên toà, Toà án phải có kế hoạch mở lại phiên toà trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên toà.

2. Quyết định hoãn phiên toà phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 208 của BLTTDS và ghi theo Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

3. Trường hợp đã ấn định được ngày mở lại phiên toà, thì trong quyết định hoãn phiên toà phải ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên toà. Nếu chưa ấn định được ngày mở lại phiên toà, thì trong quyết định ghi về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà sẽ được Toà án thông báo sau.

Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử thông báo công khai quyết định hoãn phiên toà cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên toà biết và giao ngay cho họ quyết định này. Đối với người vắng mặt và Viện kiểm sát cùng cấp, thì Toà án gửi ngay quyết định hoãn phiên toà. Quyết định này được coi như giấy triệu tập mới đối với đương sự, nếu trong quyết định đã ghi thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.

Trong trường hợp có sự thay đổi về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà, thì Toà án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.

4. Hội đồng xét xử không được hoãn phiên toà vì lý do tại phiên toà đương sự yêu cầu hoãn phiên toà để nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc để uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng thay mình.

5. Nếu tại phiên toà, đương sự xuất trình tài liệu, chứng cứ mới mà có yêu cầu giám định bổ sung đối với tài liệu, chứng cứ đó hoặc giám định lại (kể cả việc tài sản mới được phát hiện cần phải định giá, thẩm định giá) và xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại (định giá, thẩm định giá) là cần thiết cho việc giải quyết vụ án, thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại (định giá, thẩm định giá) và căn cứ vào khoản 4 Điều 230 của BLTTDS ra quyết định hoãn phiên toà.

Nếu sắp hết thời hạn hoãn phiên toà mà chưa có kết quả giám định, kết quả định giá, thẩm định giá thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của BLTTDS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Điều 30. Biên bản phiên tòa quy định tại Điều 211 của BLTTDS

1. Biên bản phiên toà phải ghi đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 211 của BLTTDS. Theo quy định tại khoản 1 Điều 211 của BLTTDS, thì biên bản phiên toà phải ghi mọi diễn biến ở phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà. Trong biên bản phiên toà không phải ghi phần quyết định của bản án.

2. Sau khi kết thúc phiên toà trước khi trình chủ tọa phiên toà kiểm tra lại và ký vào biên bản phiên toà, Thư ký Toà án phải tự mình kiểm tra lại biên bản phiên toà để sửa chữa những điểm không chính xác trong biên bản phiên toà. Chủ tọa phiên toà phải kiểm tra lại biên bản và cùng với Thư ký Toà án ký vào biên bản đó. Sau khi chủ tọa phiên toà đã kiểm tra lại và ký vào biên bản phiên toà, nếu phát hiện được những điểm không chính xác trong biên bản phiên toà cần phải được sửa đổi, thì Thư ký Toà án không được tự mình sửa đổi mà phải báo cáo với chủ tọa phiên toà xem xét việc sửa đổi. Khi có một trong những người quy định tại khoản 4 Điều 211 của BLTTDS có yêu cầu được xem biên bản phiên toà, thì chủ tọa phiên toà phải cho phép họ xem biên bản phiên toà. Nếu họ có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà, thì Thư ký Toà án phải ghi những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của họ. Không được tẩy xoá, sửa chữa trực tiếp vào những vấn đề đã ghi mà ghi những sửa đổi, bổ sung tiếp vào biên bản phiên toà. Người nào được quy định tại khoản 4 Điều 211 của BLTTDS có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà, thì ghi tư cách tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng và họ tên của người đó. Tiếp theo ghi những vấn đề được ghi trong biên bản phiên toà có yêu cầu sửa đổi, bổ sung và những sửa đổi, bổ sung cụ thể. Nếu có nhiều người yêu cầu, thì ghi thứ tự từng người một. Sau đó người có yêu cầu phải ký xác nhận.

Ví dụ 1: (trường hợp có một người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung)

Những sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Văn A:

1. Về vấn đề được ghi tại dòng (các dòng) từ trên xuống (hoặc từ dưới lên) trang... của biên bản phiên toà yêu cầu ghi sửa đổi, bổ sung như sau:

...

2. ...

Ví dụ 2: (trường hợp có từ hai người trở lên có yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung)

Những sửa đổi, bổ sung:

1. Theo yêu cầu của Kiểm sát viên Trần Văn B:

a. ...

b. ...

2. Theo yêu cầu của bị đơn Lê Thị M:

a. ...

b. ..

Điều 31. Khai mạc phiên tòa quy định tại Điều 213 của BLTTDS

1. Chủ tọa phiên toà khai mạc phiên toà và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Khi khai mạc phiên toà, chủ tọa phiên toà yêu cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy. Chủ toạ phiên toà khai mạc phiên toà như sau: “Hôm nay, ngày, tháng, năm, Toà án nhân dân… mở phiên toà sơ thẩm công khai (không công khai) xét xử vụ án về tranh chấp… thay mặt Hội đồng xét xử, tôi tuyên bố khai mạc phiên toà” và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

2. Sau khi nghe Thư ký Toà án báo cáo có đương sự vắng mặt tại phiên toà, Hội đồng xét xử phải vào phòng nghị án thảo luận việc hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 210 của BLTTDS.

3. Chủ tọa phiên toà tiến hành kiểm tra căn cước của đương sự có mặt tại phiên toà như sau:

a) Chủ tọa hỏi để các đương sự khai về họ, tên, ngày tháng năm sinh; nơi cư trú (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nơi cư trú); nghề nghiệp (nếu đương sự là cá nhân); tên, địa chỉ trụ sở chính (nếu đương sự là cơ quan, tổ chức). Đối với người đại diện hợp pháp của đương sự phải hỏi họ để họ khai về: họ, tên, tuổi; nghề nghiệp; chức vụ; nơi cư trú; quan hệ với đương sự.

b) Trong trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các đương sự về căn cước có sự khác nhau, thì cần phải xác minh chính xác về căn cước của họ.

4. Đối với việc phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác, chủ tọa phiên toà phải phổ biến đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại điều luật tương ứng của BLTTDS.

Ví dụ: Đối với nguyên đơn phải giải thích đầy đủ quyền, nghĩa vụ của họ quy định tại Điều 58 và Điều 59 của BLTTDS,…

Đối với người phiên dịch, người giám định, chủ tọa phiên toà yêu cầu họ phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ; đối với người làm chứng là người thành niên, thì yêu cầu họ cam đoan khai báo trung thực.

5. Đối với trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà, thì khi mở lại phiên toà, chủ tọa phiên toà không đọc lại quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Nếu Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà mà trong thời gian chuẩn bị mở phiên toà, có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, thì Toà án thông báo cho những người quy định tại khoản 2 Điều 195 của BLTTDS biết.

Điều 32. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS

Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà. Trong trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu thay đổi, bổ sung của đương sự, thì phải ghi trong bản án.

Trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu trước và tại phiên tòa, thì Tòa án ghi vào phần nhận định và quyết định trong bản án, quyết định về việc rút yêu cầu đó của đương sự.

Điều 33. Thay đổi địa vị tố tụng quy định tại Điều 219 của BLTTDS

Trường hợp tại phiên toà có đương sự rút yêu cầu, thì tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:

1. Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:

a) Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS;

b) Công bố việc thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự. Bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình trở thành nguyên đơn; nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu của mình trở thành bị đơn.

2. Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:

a) Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, của bị đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS.

b) Công bố công khai tại phiên toà việc thay đổi địa vị tố tụng tùy theo mối quan hệ giữa các đương sự liên quan đến yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

3. Việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà và phải được ghi trong bản án.

Điều 34. Công nhận sự thỏa thuận của đương sự quy định tại khoản 1 Điều 220 của BLTTDS

1. Trước khi chuyển sang phần hỏi, Hội đồng xét xử cần giải thích cho các đương sự biết nội dung quy định tại Điều 220 của BLTTDS, hỏi họ có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không; nếu có thì hỏi họ có hoàn toàn tự nguyện hay không, có bị ép buộc hay không và xem xét thoả thuận đó có trái pháp luật, đạo đức xã hội hay không và cho họ biết hậu quả của việc Toà án ra quyết định công nhận thoả thuận đó, thì các đương sự không được kháng cáo, Viện kiểm sát không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; quyết định của Toà án công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.

2. Sự thoả thuận của các đương sự phải được ghi vào biên bản phiên toà. Theo quy định tại Điều 210 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử thảo luận và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án tại phòng xử án.

Điều 35. Nghị án quy định tại Điều 236 của BLTTDS

1. Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một; cụ thể là các vấn đề chính sau: căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét tại phiên toà, qua việc hỏi và tranh luận tại phiên toà, qua việc xem xét ý kiến của những người tham gia tố tụng, kiểm sát viên (nếu có) đã đủ căn cứ để chấp nhận toàn bộ, một phần các yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc không chấp nhận toàn bộ, một phần các yêu cầu của các đương sự hay chưa, nếu đã đủ căn cứ để chấp nhận thì theo điểm, khoản, điều luật nào của văn bản quy phạm pháp luật tương ứng và án phí dân sự sơ thẩm.

2. Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, thì khi phát biểu (hoặc khi biểu quyết) các Hội thẩm nhân dân phát biểu (hoặc biểu quyết) trước, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phát biểu (hoặc biểu quyết) sau. Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm có hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân, thì các Hội thẩm nhân dân phát biểu (hoặc biểu quyết) trước, đến Thẩm phán không phải là chủ toạ phiên toà và sau cùng là Thẩm phán chủ toạ phiên toà phát biểu (hoặc biểu quyết).

3. Thành viên của Hội đồng xét xử có ý kiến thiểu số, thì có quyền (không phải là nghĩa vụ) trình bày ý kiến của mình bằng văn bản riêng và văn bản đó được đưa vào hồ sơ vụ án.

4. Trong biên bản nghị án phải ghi lại đầy đủ các ý kiến đã thảo luận về từng vấn đề một và quyết định theo đa số của Hội đồng xét xử về từng vấn đề đó. Các thành viên Hội đồng xét xử phải ký vào biên bản nghị án tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

5. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, việc nghị án đòi hỏi phải có thời gian dài, thì Hội đồng xét xử có thể quyết định thời gian nghị án nhưng không quá năm ngày làm việc, kể từ khi kết thúc tranh luận tại phiên toà. Hội đồng xét xử phải thông báo ngày giờ tuyên án cho các đương sự biết. Nếu đã ấn định ngày giờ tuyên án mà có thay đổi, thì Hội đồng xét xử phải thông báo lại cho các đương sự biết việc thay đổi đó.

Điều 36. Bản án sơ thẩm quy định tại Điều 238 của BLTTDS

Bản án sơ thẩm phải được viết theo đúng quy định tại Điều 238 của BLTTDS, cách viết, trình bày phải theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ tọa phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Toà án thực hiện việc giao hoặc gửi bản án theo quy định tại Điều 241 của BLTTDS.

Điều 37. Tuyên án quy định tại Điều 239 của BLTTDS

Khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy. Nếu thấy có người không đứng dậy, thì Thư ký Toà án phải nhắc nhở họ, nếu người đó báo cáo vì lý do sức khoẻ nên không thể đứng dậy được, thì chủ toạ phiên toà cho phép ngồi tại chỗ và sau đó mới tuyên án. Chủ tọa phiên toà hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử đọc bản án; nếu bản án dài thì có thể thay nhau đọc bản án.

Trong trường hợp bản án quá dài, thì chủ tọa phiên toà có thể chỉ yêu cầu mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi đọc phần mở đầu và phần quyết định của bản án.

Sau khi đọc xong bản án, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, chủ tọa phiên toà hoặc một thành viên khác của Hội đồng xét xử giải thích thêm về việc thi hành bản án và quyền kháng cáo của đương sự.

Đối với đương sự không biết tiếng Việt, thì sau khi tuyên án xong người phiên dịch phải dịch lại cho họ nghe toàn bộ bản án sang thứ tiếng mà họ biết (bao gồm cả phần bản án có liên quan đến họ và phần bản án có liên quan đến các đương sự khác trong vụ án).

Điều 38. Sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại Điều 240 của BLTTDS

1. Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:

a) Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự,…

b) Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai,… mà phải sửa lại cho đúng.

2. Toà án phải gửi văn bản thông báo về việc sửa chữa, bổ sung bản án cho những người quy định tại khoản 1 Điều 240 của BLTTDS. Thông báo về việc sửa chữa, bổ sung bản án trình bày theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 39. Các mẫu văn bản tố tụng

Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1. Đơn khởi kiện (Mẫu số 01);

2. Giấy báo nhận đơn khởi kiện (Mẫu số 02);

3. Thông báo trả lại đơn khởi kiện (Mẫu số 03);

4. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí (Mẫu số 04);

5. Thông báo về việc thụ lý vụ án (Mẫu số 05);

6. Thông báo về phiên hoà giải (Mẫu số 06a);

- Thông báo hoãn phiên hòa giải (Mẫu số 06b);

7. Biên bản hoà giải (Mẫu số 07);

8. Biên bản hoà giải thành (Mẫu số 08a);

- Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành (Mẫu số 08b);

9. Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự (Mẫu số 09a);

- Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự (Mẫu số 09b);

10. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Mẫu số 10a);

- Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Mẫu số 10b);

11. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Mẫu số 11a);

- Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Mẫu số 11b);

12. Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Mẫu số 12);

13. Biên bản phiên toà sơ thẩm (Mẫu số 13);

14. Quyết định hoãn phiên toà (Mẫu số 14);

15. Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án (Mẫu số 15).

Điều 40. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 03-12-2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn về các vấn đề đã được hướng dẫn tại Nghị quyết này của Tòa án nhân dân tối cao ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

2. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.

Đối với bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có căn cứ kháng nghị khác.

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội;
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ 02 bản (để đăng Công báo);
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ Tư pháp;
- Thanh tra Chính phủ;
- Bộ, các cơ quan ngang bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Toà án nhân dân các cấp;
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC;
- Trang thông tin điện tử TANDTC (để đăng);
- Lưu: VT VP, VT Viện KHXX TANDTC.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

COUNCIL OF JUDGES SUPREME PEOPLE'S COURT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.: 05/2012/NQ-HDTP

Hanoi, December 03, 2012

 

RESOLUTION

GUIDANCE ON THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF PROVISIONS IN THE PART II "PROCEDURES FOR SETTLEMENT OF CASES AT THE COURT OF FIRST INSTANCE" OF THE CODE OF CIVIL PROCEDURE WHICH HAS BEEN AMENDED AND SUPPLEMENTED UNDER THE LAW AMENDING AND SUPPLEMENTING A NUMBER OF ARTICLES OF THE CODE OF CIVIL PROCEDURE

COUNCIL OF JUDGES
SUPREME PEOPLE'S COURT

Pursuant to the Law on Organization of People's Court;

In order to properly and consistently implement the provisions in the Part II “Procedures for settlement of cases at the Court of first instance" of the Code of Civil Procedure which has been amended and supplemented under the Law amending and supplementing a number of articles of the Code of Civil Procedure dated March 29, 2001 (hereafter referred to as CCP);

After obtaining the consensus of opinion from the Chief Procurator of the Supreme People's Procuracy and the Minister of Justice,

DECIDES:

Article 1. Scope

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Right to sue specified in Article 161 of CCP

When deemed necessary to initiate lawsuit at a competent Court to request the protection of legitimate rights and interests, the individuals, agencies or organizations should submit a petition in accordance with the provisions of Clause 2, Article 164 of the CCP and should distinguish as follows:

1. For individual who has sufficient civil act capacity, he/she may prepare the petition for lawsuit by himself/herself or ask for someone to do it. In the section name and address of the petitioner in the petition, the name and address of that individual must be specified. At the same time, at the end of the petition, that person must sign or fingerprint.

2. For individual who is at full age of fifteen to the under age of eighteen having his/her civil act capacity or without restricted civil act capacity and having participated in labor under the labor contract or civil transction by his/her own property, he/she may prepare the petition for lawsuit by himself/herself or ask for someone to do it in the case of dispute related to that labor contract or civil transaction. In the section name and address of the petitioner in the petition, the name and address of that individual must be specified. At the same time, at the end of the petition, that person must sign or fingerprint.

3. For individual who is a minor (except for cases guided in Clause 2 of this Article), the person who loses or is restricted his/her civil act capacity, his/her legal representative may prepare petition for lawsuit or ask for someone to prepare it of the case. In the section name and address of the petitioner in the petition, the name and address of the legal representative of that person must be specified. At the same time, at the end of the petition, that representative person must sign or fingerprint.

4. For individuals in the cases specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article who are the illiterate, blind so can not prepare petition for lawsuit by themselves, sign or affix fingerprint, they may ask for someone to prepare the petition for lawsuit with a witness. The witness must sign to certify the lawsuit and the contents of lawsuit in the petition before the person having the authority to certify of the communal People’s Committee. The person having the authority to certify of the communal People’s Committee shall make certification before the petitioner and the witness;

“Witness” in this case must be the person having civil act capacity specified in Article 57 of CCP;

5. For agency or organization, its legal representative may prepare the petition for lawsuit or ask for someone to do it. In the section name and address of the petitioner, the name and address of that agency or organization and the legal representative of that agency or organization. At the same time, at the end of the petition, the representative person of that agency or organization must sign or fingerprint.

Where the legal representative of agency or organization carries out the lawsuit, in the section ‘’ Name and address of petitioner’’, after specifying the name and address of the agency or organization, the name and address of legal representative of that agency and organization. In the section ‘’Petitioner’’ at the end of petition, the name of agency or organization and the position of legal representative of that agency or organization must be specified. The legal representative of agency or organization signs and writes his/her full name and affixes the seal of the agency or organization;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where the representative office or branch of legal entity carries out the lawsuit arising from the transactions done by that representative office or branch, in the section ‘’Name and address of petitioner’’, after the name and address of the agency or organization are specified, the name and position of the head of representative office or branch of legal entity, authorization document (number, date) and position of legal representative of the authorizing legal entity must be specified. In the section ‘’Petitioner’’ at the end of petition, the name of legal entity and position of the head of representative office or branch of legal entity; the head of representative office or branch of legal entity signs and write his/her full name and affixes the seal of legal entity or of the representative office or branch of legal entity;

6. When deemed eligible for handling the case, the determination of plaintiff’s capacity in the case is carried out as follows :

a) For the cases guided in the Clause 1 and 2 of this Article, the plaintiff in the case is the right petitioner;

b) For the cases guided in the Clause 3 of this Article, the plaintiff is the minor or the persons who lose civil act capaciity or have the restricted civil act capaciity. Because these persons do not have their civil act capaciity, their legal representatives shall carry out the rights and procedural obligations of the plaintiff at the Court;

c) For the agency or organization guided in Clause 5 of this Article, the agency or organization suing is the plaintiff of the case. The legal or authorized representative shall participate in the proceedings and carry out the rights and procedural obligations of that agency or organization that is the plaintiff;

Article 3. The right to initiate a lawsuit to protect the legitimate rights and interests, public and state interests specified in Article 162 of CCP

1. Agency or organization has the right to initiate a lawsuit to request the Court to protect the public and state interests specified in Clause 3, Article 162 of CCP when meeting the following conditions :

a) Agency or organization has duties or rights in performing the state management and social management in a certain field;

b) The public and state interests in need of protection of the Court must belong to the field of which that agency or organization takes charge;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The agency of Culture – Information to has the right to initiate a lawsuit of civil case to request the Court to force the individual, agency or organization having acts of infringing the cultural heritage under the posession of entire people to compensate for damages caused by the infringement;

2. When deemed eligible for handling the case against which the agency or organization initiates a lawsuit specified in Article 162 of CCP, the determination of plaintiff’s capacity in the case is carried out as follows :

 a) For the agency of population - families and children or the Women's Union initiates a lawsuit against the case of marriage and family, the plaintiff is :

a1) The person who is represented by the agency of population - families and children or the Women's Union to initiate a lawsuit to request the Court to force the person who does not perform his/her supporting obligations voluntarily to perform it in accordance with the provisions in Clause 3, Article 55 of the Law on Marriage and Family;

a2) The child who is represented by the agency of population - families and children or the Women's Union to initiate a lawsuit to request the Court to identify the father or mother for minor child or adult child losing civil act capacity specified in Clause 3, Article 66 of the Law on Marriage and Family;

a3) The father or mother who is represented by the agency of population - families and children or the Women's Union to initiate a lawsuit to request the Court to identify the child for the father or mother losing civil act capacity specified in Clause 3, Article 66 of the Law on Marriage and Family;

b) In case where the superior Union of the grassroots Union initiates a lawsuit against the labor dispute to protect the legitimate rights and interests of collective of laborer , the plaintiff is the collective of laborer having legitimate rights and interests to be protected;

c) In case where the agency or organization initiates a lawsuit to request the Court to protect the public or state interests, the plaintiff is the right agency or organization initiating the lawsuit;

Article 4. Scope of lawsuit specified in Article 163 of CCP

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The settlement of this legal relation requires the settlement of another legal relation;

Ex : A initiates a lawsuit to request the Court to force B to return the land use right. At the same time, A initiates a lawsuit to request the Court to force C to dismantle the works that have been built on that land.

b) The settlement of the legal relations with the same person concerned and the same type of dispute specified in a similar article of law in one of the Articles 25, 27, 29 and 31 of the CCP.

Ex : A initiates a lawsuit to request the Court to force B to repay a debt of 100 million dong. At the same time, A also initiates a lawsuit to request the Court to force B to return the motobike B has rents from A due to the expiration of rent term;

Article 5. Form and content of petition specified in Article 164 of CCP

In order to ensure the proper and uniform preparation of petition, the Court requires the petitioner to prepare the petition under the Form No.01 issued together with this Resolution. The Court shall publicize the form of petition and guidance on the use of form of petition at the Court;

Article 6. Documents and evidences attached to the petition specified in Article 165 of CCP

In principle, when submitting petition to the Court, the petitioners must enclose it with documents and evidences to prove that they are the persons having the right to initiate a lawsuit and their requests are well-grounded and lawful. However, in case of objective reasons, they cannot submit them immediately, they must submit the initial documents and evidences to prove that the lawsuit is well-grounded. Other documents and evidences, the petitioners must supplement by themselves or as required by the Court in settling the case;

Ex 1 : When submitting petition to the Court for the settlement of divorce (with legal registration of marriage), child support, property division, in principle, the petitioners must enclose all documents and evidences of marriage relation, common children and property of spouse. If they cannot send all of these documents and evidences, they should send copy of marriage certificate, copy of birth certificate of children (if there is any dispute over child support) with the petition;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Procedures for receipt of petition specified in Article 167 of CCP

1. The Court should have a book to record the date of receipt of petition of person concerned as a basis for determining the lawsuit date;

2. The Court carries out the procedures for receving the petitioner’s petition as follows :

a) Where the petitioner directly submits petition at the Court under the provisions at Point a, Clause 1, Article 166 of CCP, the Court shall record the date, month, year of petition submission in the receipt book. The lawsuit date is determined as the filing date;

b) Where the person concerned send petition by post under the provisions at Point b, Clause 1, Article 166 of CCP, the Court shall record the date, month and year of receipt of petition sent by post in the receipt book and the date, month, year of filing date according to the date, month, year with the postmark. The envelop with postmark must be enclosed with the petition. The lawsuit date is determined as the date with postmark. If the date, month, year of postmark on the envelop cannot be determined, the Court shall note in the receipt book "impossible to determine the date, month, year of postmark." In this case, the lawsuit date is determined as the date the Court receives the petition sent by post;

c) The Court must record (or affix seal of receipt) the date, month, year of receipt of petition on the left corner of petition;

d) The delivery and receipt of evidences submitted by the person concerned or enclosed with the petition shall comply with the guidelines in Article 4 of Resolution No. 04/2012/NQ-HDTP dated December 03, 2012 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions on ‘’Proof and evidence’’ of the Code of Civil Procedure amended and supplemented under the Law amending and supplementing a number of articles of the Code of Civil Procedure;

dd) After receiving the petition, the Court shall issue the receipt of petition to the petitioner. If the Court receives the petition sent by post, it shall send the receipt to the petitioner;

3. Right after receiving the petitioner, the assignment of person to review the petition is done as follows :

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b. For People’s Court of province or centrally-affiliated city (hereafter referred to as provincial Court), the Tribunal President or Vice President authorized by the President, the Chief of Court or Deputy Chief of Court authorized by the Tribunal President to assign a Judge to review the petition;

4. Within five working days, from the date of receipt of petition, the Judge assigned to review the petition must have one of the following decisions :

a) Conducting the procedures for handling the case. If the case is under his/her settlement jurisdiction under the provisions in Article 171 of CCP and the guidelines in Article 10 of this Resolution;

b) Transferring the petition to the competent Court and giving a written notice to the petitioner. The procedures for transferring petition is done under the provision in Article 37 of CCP and the guidelines in Article 10 of Resolution No. 03/2012/NQ-HDTP dated December 03, 2012 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions in the first Part ‘’ General regulations’’ of the Code of Civil Procedure amended and supplemented under the Law amending and supplementing a number of articles of the Code of Civil Procedure;

c) Returning the petition to the petitioner, if subject to one of the cases specified in Article 168 of CCP and the guidelines in Article 8 of this Resolution and giving a written notice to the petitioner;

Article 8. Return of petition, the consequence of return of petition specified in Article 168 of CCP

1. The petitioner who has no right to initiate a lawsuit is the person who does not fall into one of the subjects specified in Article 161 and 162 of CCP and the guidelines in Article 2 and 3 of this Resolution;

The petitioner having no sufficient civil act capacity is the person who is unable to perform the procedural rights and obligations or authorizes his/her representative to take part in the civel proceedings under the provisions in Article 57 of CCP;

2. There is not sufficient conditions for lawsuit is the case the persons concerned have agreed or the law has regulations on conditions for lawsuit (including the form and content of petition) but the person concerned has initiated a lawsuit when still lacking one of those conditions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex 2: In the petition, the plaintiff did not properly record the address of the defendant, although the Court has required the addition but beyond the time limit fixed by the Court that the plaintiff has not added it.

Ex 3: Company A and B have signed the goods sale contract and agreed to settle disputes by arbitration. When there is any dispute over the contract, Company A shall initiate a lawsuit against Company B at the Court before requesting the arbitration to settle the dispute. The Court considers that the arbitration agreement between the parties is legal in accordance with the provisions of the Law on Commercial Arbitration, the Court shall, based on the provisions at Point d, Clause 1, Article 168 of CCP, return the petition and guide them through the procedures for settlement of dispute at the Arbitration;

3. When determining the conditions for civil lawsuit, the subject of lawsuit is the land use right:

a) For the disputes concerning who has the land use right, that dispute must be mediated at the People’s Committee of commune, ward and town where the disputed land is located under the provisions in Article 135 of the Land Law;

b) For the disputes concerning the land use right such as: disputes over transactions related to the land use right, disputes over the inheritance of land use right, division of common property as the land use right of spouse,…these disputes shall not have to be mediated at the People’s Committee of commune, ward and town where the disputed land is located but the procedures for mediation must be done under the provision of CCP;

4. The case is not under the settlement jurisdiction of the Court is the cases not subject to one of the disputes specified in the Articles 25, 27, 29 and 31 of CCP;

5. The return of petition must be notified in writing by the Court to the petitioner and the Procuracy at the same level stating the reasons for return of petition subject to what circumstance specified in Clause 1, Article 168 of CCP. This notice may be delivered directly or sent to the petitioner by post. The delivery or sending of this notice must be monitored by a book;

6. Clause 1, Article 168 of CCP has annulled the grounds for return of petition because the statute of limitations has expired. Therefore, the Court must not make excuses for the expiration of statute of limitations to return the petition;

In previous cases, the Court has returned the petition due to the expiration of statute of limitations but the person concerned has requested the lawsuit again, the Court handling the case and the person concerned must pay the court fee if not subject to being exempted as provided for by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. The petitioners have the right to re-file petition for lawsuit when they fall into one of the cases specified in Clause 3, Article 168 and the Points c, e, g, Clause 1, Article 192 of CCP and documents provided for by law;

 ‘’Other cases provided for by law’’ specified at Point d, Clause 3, Article 168 of CCP are the cases which have not been specified in the CCP but specified in the other legal normative documents or after the CCP takes effect, they shall be specified in the legal normative documents issued then or in the international agreements in which the Socialist Republic of Vietnam is a member;

Ex 1 : Where the Court conducts the successful mediation of reunion specified in Article 88 of the Law on Marriage and Family and makes a decision to recognize the agreement on successful mediation between the persons concerned. During the time of reunion, these persons concerned have conflicts again and file petition for divorce to the Court, the Court shall, based on Article 85 of the Law on Marriage and Family, handle and settle the case by the general procedures;

Ex 2 : Where the Court has rejected the divorce petition of the husband who asks for divorce from his wife who are pregnant or nursing a child under twelve months of age, the Court only handles the case of divorce of husband again when meeting the conditions for lawsuit specified in Clause 2, Article 85 of the Law on Marriage and Family;

Article 9. Requirement for amendment and supplementation of petition specified in Article 169 of CCP

1. When or after receiving the petition, considering that the petition has not sufficient contents specified in Clause 3, Article 164 of CCP, depending on the requirement for amendment and supplementation of petition, the Court shall require the petitioner to modify or modify the petition within the time prescribed by the Court, but no more than 30 days, from the date the petitioner receives the document of the Court requiring the amendment and supplementation of petition. In special cases, the Court may accept the extension, but no more than 15 days, from the expiration date prescribed above by the Court.

2. The requirement for amendment and supplementation of petition must be made in writing specifying the issues to be modified or supplemented for the petitioner. This document may be deilvered directly or sent to the petitioner by post. The delivery or sending of this notice must be monitored by a book;

3. The time to carry out the amendment and supplementation of petition is not included in the statute of limitations. The date of lawsuit is still determined as the date to file the petition, if the petitioner submits the petition at the Court directly or the date of postmark if the petition is sent by post

4. After the petitioner has modified or supplemented the petition as required by the Court, the Court shall continue handling the case by the general procedures specified in Article 171 of CCP. If the time limit prescribed by the Court is expired but the petitioner fails to modify or supplement as required by the Court, then the Court shall, based on Clause 2, Article 169 of CCP, return the petition and accompanied documents and evidences to the petitioner;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. In case where in the petition, the petitioner has fully and properly specified the address of the defendant and the person with the related interests and obligations in accordance with the provisions in Clause 2, Article 164 of CCP and the guidelines in Article 5 of this Resolution and the Form No.01 issued with this Resolution but they do not have the fixed residence and regularly change their residence without notifying their new address to the petitioner and the Court in order to hide their address and evade obligations to the petitioner, this case is deemed that the defendant and the person with the related interests and obligations intentionally hide their address. The Court shall handle the case by the general procedures;

7. If the petitioner does not know or properly specify the address of the defendant and the person with the related interests and obligations in the petition, the petitioner shall find the address of the defendant and the person having the related interests and obligations;

Article 10. Handling the case specified in Article 171 of CCP

1. Where the petitioner fails to pay the advance of court fee within 15 days specified in Clause 2, Article 171 of CCP due to unforeseen events or objective obstacles, then as provided for in Clause 1, Article 161 of the Code of Civil Procedure 2005, the time of unforeseen events or objective obstacles shall not be included in the time limit for payment of court fee;

2. The Court must give the petitioner a time limit of seven days, after the end of the time limit of fifteen days, from the date of receipt of notice of the Court on the payment of court fee, the petitioner must submit the receipt of payment to the Court. After this time limit, the petitioner shall have to submit the receipt of payment to the Court, the Court shall do the following procedures :

a) If the petition has not been returned, the Judge shall handle the case;

b) If the petition has been returned but the petitioner proves that he/she has paid the court fee at prescribed time limit, but submitted the receipt of payment to the Court not in a timely manner due to unforeseen events or objective obstacles, the Judge shall require the petitioner to re-submit petition and accompanied documents and evidences and conduct the handling of case by the general procedures;

c) If after the Court returns the petition, the petitioner pays the court fee and submit the receipt of payment to the Court, if not due to unforeseen events or objective obstacles, this case is regarded as re-filing of lawsuit petition;

3. When the time limit as guided in Clause 2 of this Article is over but the petitioner fails to submit the receipt of payment to the Court, then the Court shall inform the petitioner of not handling the case due to the failure to pay the court fee;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Tribunal President of district-level Court shall assign or authorize a Tribunal Vice President to assign a Judge to settle the case;

The Tribunal President of provincial-level Court shall authorize a Tribunal Vice President or a Chief of Court or Deputy Chief of Court to assign a Judge to settle the case;

2. When assigning a Judge to settle the case, the Judge who has reviewed the petition and handled the case shall be given an assignment. This assignment does not have to make a decision;

3. For complex cases, the settlement may be prolonged, another alternate Judge may be assigned to ensure the continuation of judgment;

Article 12. The right to request the defendant's counterclaim specified in Article 176 of the CCP

1. Deemed as the request for the defendant’s counterclaim over the plaintiff or the person with related interests and obligations having independent request if it is independent and not related to the request the plaintiff and the person with related interests and obligations having independent request asking for the Court’s settlement;

Ex : Plaintiff A has filed a petition to require the defendant B to pay the debt of the rent of five million dong in 2005. The defendant B requires the plaintiff A to pay the amount of money of three million dong for house repair and the tax of land use the defendant has paid on behalf of the plaintiff. In this case, the request of defendant B is regarded as the counterclaim over the plaintiff A;

2. Deemed as the defendant’s opinion and not the defendant’s counterclaim request over the plaintiff or the person with related interests and obligations having independent request if the defendant has the request related to the request of the plaintiff or the person with related interests and obligations having independent request (such as requesting the Court not to accept the request of the plaintiff or the person with related interests and obligations having independent request or only accept a portion of request of the plaintiff or the person with related interests and obligations having independent request);

Ex : Plaintiff C has filed the petition to request the Court to recognize the ownership of a car and force the defendant Article to return the car to him/her. The defendant D has requested the Court not to recognize this car does not belong to C but him/her or belongs to both. In this case, the request of defendant Article is not regarded as the counterclaim request over the plaintiff C;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex : Refer to example 1, Clause 1 of this Article

4. The counterclaim request of the defendant results in the exclusion of a part or the whole of the request of the plaintiff and the person with related interests and obligations having independent request is the case where the defendant has the counterclaim request over the plaintiff the person with related interests and obligations having independent request and if that request is accepted, the acceptance of a portion or the whole of request of the plaintiff and the person with related interests and obligations having independent request is excluded because there is no ground;

Ex : A has an own car sold to C but says to his/her child (B is A’child) that he/she rents the car out to C at 5 million dong each month. After that, A dies, B initiates a lawsuit to require C to pay the rent in a year of sixty million dong. C has the counterclaim request to ask the Court to recognize the ownershp of the car with the dispute. If the Court accepts the counterclaim request of C, that results in not accepting all of the request of B to require B to pay that rent;

5. There is a relation between the counterclaim request of defendant and the request of the plaintiff and the person with related interests and obligations having independent request. That is the case where these two requests have a relation with each other and if they are settled in the same case, it shall make the settlement of the case more correct and rapidly;

Ex : Mrs.M initiates a lawsuit to require Mr. N to support the child P with an amount of three hundred thousand dong. Mr. N has a counterclaim request to ask the Court to determine that P is not his child;

Article 13. Procedures for counterclaim request or independent request specified in Article 178 of CCP

1. The procedures for counterclaim request or independent request is done the same as those of lawsuit of the plaintiff specified in Articles 164, 165, 166, 167, 168, 169 and 170 of CCP and the guidelines in the Articles 5, 6, 7, 8 and 9 of this Resolution;

2. Where the Court receives the petition for the counterclaim request from the defendant or the independent request of the person with related interests and obligations to settle in the same case, then (the time limit for preparing the judgment is from the date of completion of procedures for counterclaim and independent request) the date of handling the case to calculate the time limit for preparing the judgment of that case is defined as follows :

a) Where the defendant or the person with related interests and obligations are exempted or shall not have to pay the court fee, the date of handling the case is the date the Court receives the petition for counterclaim request of the defendant or the independent request of the person with related interests and obligations with the accompanied documents and evidences;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex : On March 15, 2013, the Court handles the case under the petition of plaintiff A. The Court shall give a notice of the handling of case to the defendant B. After receiving the notice, on March 31, 2013, the defendant B files a petition for counterclaim request over the plaintiff A. The Court shall conduct the procedures for reviewing the petition for counterclaim request. On April 15, 2013, the defendant B submitted the receipt of court fee. In this case, the date the Court handles the case is determined as April 15, 2013 (The Court shall record the date of handling the case in the case handling book). In case where the defendant B does not have to pay the court fee, the date of handling the case is re-determined as March 31, 2013;

c) Where there are a lot of defendants having their counterclaim request or there are a lot of persons with related interests and obligations, the date of handling the case is determined as follows :

c1) As the date the Court receives the petition for counterclaim request or the last petition for independent request. If they are eligible for exemption or no need of payment of court fee;

c2) As the date the last person submits the receipt of payment of court fee, if they are subject to the cases of paying the court fee;

Article 14. Time limit for judgment specified in Article 179 of CCP

Article 179 of CCP specifying the time limit for preparing the judgment, therefore, the time limits specified in this Article are included in the time limit for trial preparation. Depending on each specific case, the time limit for trial preparation is calculated as follows :

1. Where there is a decision on judgment of case

a) If the time limit for preparation of judgement shall not have to be extended, the maximum time limit for trial preparation from the date the Court handles the case is:

- Four months for the cases specified in Article 25 and 27 of CCP;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) If the time limit for the judgment has to be extended, then the maximum time limit for trial preparation is from the date the Court handles the case is:

- Four months for the cases specified in Article 25 and 27 of CCP;

- Three months for the cases specified in Article 29 and 31 of CCP;

c) In cases guided at Point a and b, Clause 1 of this Article but the court has not been opened within one month from the date there is a decision on bringing the case to the trial because of plausible reasons, the time limit for preparation of judgement for each case is added a maximum of one month;

2. In case where there is a decision on suspending the settlement of civil case;

In case where there is a decision on suspending the settlement of civil case, the time limit for preparation of judgement ends on the date of making a decision on suspension. The time limit for preparation of judgement shall be re-calculated from the date the Court proceeds with the settlement of the case when the reason for suspension no longer exists.

3. Extension of time limit for trial preparation

For the cases with complex nature or due to objective obstacles specified at Point a and b, Clause 1, Article 179 of CCP but the time limit is nearly expired (the remaining time limit for trial preparation is no more than five days) but the Judge in charge of settling the case finds that the case is complex adn cannot make one of the decisions specified in Clause 2, Article 179 of the CCP, it is required to immediately notify the Tribunal President in order to make a decision on extension of the time limit for trial preparation. This extension must not exceed the time limit specified inthe last paragraph, Clause 1, Article 179 of CCP and the guidelines at Point b, Clause 1 of this Article. Upon the end of expired time limit, the Judge in charge of settling the case must make one of the decisions specified in Clause 2, Article 179 of the CCP;

a) “ Cases with complex nature’’ are the cases having a lot of persons concerned and related to a lot of fields, having a lot of documents and conflicting evidences that need more time to study and summarize documents in the case record or consultation from specialized agencies or complex technical expertise; the cases where the persons concerned are foreigners residing abroad or Vietnamese people residing, studying and working abroad, the property in foreign countries in need of time for judicial authorization for consular or diplomatic agencies of Vietnam abroad or for foreign Courts,… However, for the case of having to wait for the opinion of the specialized agencies, or wait for the result of complex technical expertise or the result of judicial authorization whose time limit for trial preparation has expired (including the extended time), the Judge shall, based on Clause 4, Article 189 of the CCP, make a decision on suspending the settlement of civil case;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex : People’s Court of X district, H province in the mountainous area has made a decision to bring the case to trial and fix the date of trial opening. However, two days before the date of trial opening, there is flash flood. The head office of People’s Court of X district is damaged. Because of remedy of flash flood, repair of head office, the People’s Court of X district cannot proceed the trial within the prescribed time limit;

c) “Plausible reasons’’ specified in Clause 3, Article 179 of CCP are understood that the events occur in objective and unforeseen way such as : there is a need of change or reassignment of procedure conducting person named in the decision to bring the case to trial but the competent person has not appointed the substitute; the case with complex nature has been judged a lot of times at various level of Courts, thus there is not sufficient Judge to judge that case which must be transferred to the superior Court or waiting the secondment of Judge from another Court,…that hinder the Court to conduct the trial within the prescribed time limit;

Article 15. Unmediated civil cases specified in Article 181 of CCP

1. "State Property" means the property under the state ownership specified in Article 200 of the Civil Code 2005 and is amended by the provisions of section 1, Chapter XIII of the Civil Code 2005.

"Request for compensation for damage to the State property" is the case where the State property is damaged by unlawful behavior, due to an invalid contract, breach of civil obligation, ... and the person assigned to be the owner of that State property claims for compensation.

When conducting the provisions in Clause 1, Article 181 of CCP, it is necessary to differentiate :

a) Where the state property is allocated to the agency, organization or armed unit for management, use or investment in the State-owned enterprises of which the State implements its ownership through the competent agencies, then when there is a request for compensation for damage to this type of property, the Court must not mediate in order for the persons concerned to reach an agreement upon the settlement of case;

b) Where the State property is invested by the State in the State-owned enterprises or used as contributed capital in joint venture enterprises with the invested capital of other owners as stipulated by the provisions of the Enterprise Law, the Investment Law allowing enterprises to own, use, make a decision on the property or take responsibility before the State for that property in business and production, then when there is a request for compensation for damage of that property, the Court shall conduct the mediation in order for the persons concerned to reach an agreement upon the settlement of case by the general procedures;

2. The Court must not conduct the mediation of civil cases generated from illegal transactions (transactions in violation of law) or in contradiction with social morality, if the mediation is for the parties to continue those transactions. Where the parties only have disputes over the settlement of consequence of invalid transaction due to violation of law or social morality, the Court shall have to conduct the mediation in order for the persons concerned to reach an agreement with each other upon the settlement of consequence of invalid transaction;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where the defendant was duly summoned for the second time but still deliberately absent, the court shall record the failure of mediation due to the absence of defendant and make a decision on bringing the case to judgment by the general procedures. In case at the trial, the defendant requests the Court to adjourn the jusgment for mediation, the Court shall not accept but create conditions for the parties to reach agreement on the resolution of the case.

Article 17. Composition of mediation trial specified in Article 184 of CCP

1. The Court shall summon all persons related to the settlement of the case specified in Clause 3, Article 64 and 184 of CCP to be present at the mediation trial;

2. If the mediation is related to all of the persons concerned in the case but with the absence of any person concerned, the Judge shall adjourn the mediation trial to re-open another trial with the presence of all persons concerned. The judge shall announce the adjournment of the mediation trial under the Form No. 06b issued with this Resolution;

3. If there are a lot of legal relations in the case related to other persons concerned and the settlement of those legal relation is only related to the person concerned present anf not related to the person concerned absent, the judge shall conduct the mediation of issues related to the person concerned absent;

For the case mentioned above but the persons concerned have reach an agreement on the settlement of the case, that agreement is only valid for the persons present and is recognized by the Judge’s decision if it does not affect the rights and obligations of the person concerned absent. Where their agreement affects the the rights and obligations of the person concerned absent. this agreement is only valid if the person concerned absent at the mediation trial give a written consent;

Where prior to the mediation, the person concerned absent has a written opinion but after the completion of mediation, the contents of mediation of the persons concerned are different from the contents of document expressing the will of the persons concerned absent, the Court shall collect the written opinion from the person concerned absent from the mediation trial on the agreements of the persons concerned at the mediation trial. The procedures and time limit for collecting the written opinion from the person concerned shall comply with the civil procedure law. Where the persons concerned agrees with the result of mediation, then the date of receipt of wirtten opinion from the person concerned is determined as the date the persons concerned have reached an agreement on the issues to be settled in the case;

Article 18. Contents of mediation specified in Article 185 of CCP

1. The Court shall consider the requests of the persons concerned in the case to be settled in order to conduct the mediation of each request in logical order;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. When conducting the mediation, in addtion to the compliance with the principles specified in Article 184 of the CCP, depending on legal relations, the Judge shall announce the legal regulations related to the settlement of the case to the persons concerned so that they could reach an agreement voluntarily in relation to their rights and obligations on the settlement of the case; analyze the legal consequence of successful mediation to the persons concerned (such as the relationship between the persons concerned, payment of court fee,...). The judge must not foretell the persons concerned that who is right or wrong or how wrong or right or if the persons concerned fail to reach an agreement, how the direction of judgment is...;

Article 19. Mediation order specified in Article 185a of CCP

The Judge assigned to settle the case shall conduct the mediation in the order as follows :

1. The Judge presiding over the mediation opens the mediation session as follows :’’Today, on date......., the People’s Court .....conducts the mediation of the case on...., I declare the opening of the mediation’’.

2. The Judge presiding over the mediation introduces full name of the procedure conductiong persons, inspector, interpreter, other individuals and agencies participating in the mediation (if any);

3. The Court Clerk reports to the Judge presiding over the mediation on the presence and absence of the person participating in the mediation with the summons or notice of the Court and reason for absence. The Judge presiding over the mediation re-checks the presence and check ID of the participants of the mediation session of the person participating in the mediation with the summons or notice of the Court (specified in Clause 3, 4 and 5, Article 184 of CCP);

4. The Judge presiding over the mediation shall announce the rights and obligations of the persons concerned and other persons participating in the proceedings specified in the corresponding articles of CCP;

Ex : Explaining the rights and obligations to the plaintiff as specified in Article 58 and 59 of CCP,...For the interpreters, the Judge presiding over the mediation require them to commit to fulfill their duties; for the witnesses as adults, require them to ensure their honest declaration.

7. The Judge presiding over the mediation under the content of mediation specified in Article 185 of CCP and the guidelines in Article 18 of this Resolution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Record of mediation specified in Article 186 of CCP

1. The Court Clerk records the mediation with complete contents specified in Clause 1 of Article 186 and the signatures or fingerprints of the persons specified in Clause 2, Article 186 of CCP and and under the Form No.07 issued together with this Resolution;

2. When the persons concerned have reached an agreement upon the issues to be settled in the case, the Judge and the Clerk shall record the successful mediation. The successful record must have the content of agreement of the persons concerned under the Form No. 08a issued with this Resolution;

The Judge presiding over the mediation signs and affixes the seal of the Court on the record. The persons concerned participating in the mediation must sign or affix fingerprint on the successful record of mediation which shall be sent immediately to the persons concerned participating in the mediation;

For the persons concerned absent but the mediation is subject to the cases specified in Clause 3, Article 184 of CCP, the Court shall send the successful record of mediation immediately to the persons concerned absent;

3. In the successful record of mediation, write:‘’ Within 07 days, from the date of recording the mediation, if any person concerned changes his/her opinion on the agreement, it must be made in writing and sent to the Court’’. If the persons concerned come to the Court to ask for the change of agreement, the Judge shall record the opinion on the change of their agreement. The record must have the signatures or fingerprints of the persons concerned and be kept in the case file. The change of opinion about this agreement must be notified by the Court to the other persons concerned related to that agreement;

Article 21. Making a decision on recognizing the agreement of the person concerned specified in Article 187 of CCP

1. Within seven days, from the date of recording the successful mediation without any change of opinion about that agreement from the persons concerned, in general principle, the Judge presiding over the mediation shall make a decision on recognizing the agreement of the persons concerned. If the Judge cannot make a decision due to the objective obstacles, the Tribunal President shall assign another Judge to make a decision on recognizing the agreement of the persons concerned.

2. The Judge shall only make a decision on on recognizing the agreement of the persons concerned if they have agreed with each other on the settlement of the entire case (legal relations and requests of the persons concerned in the case) and the court fee. Where the persons concerned have agreed with each other on the settlement of the entire case but failed to reach an agreement on the responsibility for the court fee or rate of court fee, the Court shall not recognize the agreement of the persons concerned and open a trial to hear the case;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 22. Temporarily suspending the settlement of civil case specified in Article 189 of CCP

1. The Judge makes a decision on temporarily suspending the settlement of civil case regardless of with or without the applicant's request in one of the cases specified in Article 189 of the CCP.

2. “Where the agencies or organizations have been merged, divided or split without any agency or organization inheriting the rights and procedural obligations of that agency or organization’’ is the case where there is a decision from the agency or organization having the authority over the merger, division, splitting of that agency or organization but the new agency or organization has not been established or has been established but is not eligible for operation under regulations of law for the type of that agency or organization;

‘’Where the agency or organization has been dissolved but there has not been any agency or organization inheriting the rights and procedural obligations of that agency or organization’’ is the case where the agency or organization inheriting the rights and procedural obligations has not been determined yet under the provisions at Point a and b, Clause 2, 3, Article 62 of CCP;

3. “ Legal representatives of the persons concerned’’ specified in Clause 3, Article 189 of CCP consist of the legal representative and authorized representative. The legal representatives of the persons concerned are determined under the provisions of Civil Code 2005, Article 73 of CCP and the guidelines in Article 21 of Resolution No. 03/2012/NQ-HDTP dated December 03, 2012 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions in the Part I “General provisions’’ of the Code of Civil Procedure amended and supplemented under the Law amending and supplementing a number of provisions of the Code of Civil Procedure;

4. “It is required to wait for the result of settlement of other related cases or events that must be settled by another agency or organization before settling the case as prescribed by law’’ specified in Clause 4, Article 189 of CCP is the case where the result of settlement of that civil, criminal or administrative case, or the result of settlement of the competent agency or organization as a basis for determining the jurisdiction of the Court, the right to initiate a lawsuit against the case, legal status, person involved in the proceedings, legal relation of dispute or other grounds for the Court to settle the case comprehensively, correctly and in accordance with law;

 ‘’Another case related’’ to the case the Court is settling is the civil, criminal and administrative case;

 ‘’Events prescribed by law’’ must be the events directly affecting the settlement of case, and if the case has not been settled in advance by another agency or organization, the settlement of Court is in violation of law;

Ex 1 : In the case of dispute over the property sale contract between the plaintiff A and the defendant B. After handling the case, the People’s Court of district X receives the notice from the People’s Court of district Y stating that this Court is handling the case between the plaintiff C and the defendant A on the dispute over the ownership of that property. In this case, the People’s Court of district Y needs to make a decision on temporarily suspending the settlement of case of dispute over the property sale contract between A and B to wait for the result of settlement of case of dispute over the ownership of that property from the People’s Court of district Y. Based on the result of settlement of the People’s Court of district Y, the People’s Court of district X shall continue settling the case by the general procedures;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. ‘’It is required to wait for the result of implementation of judicial authorization or wait for the provision of documents and evidences from the agency or organization as required by the Court in order to settle the case but the time limit is over’’ specified in Clause 5, Article 189 of CCP is the case where the Court has to make a decision to temporarily suspend the case to carry out the judicial authorization or there has not been the result of implementation of judicial authorization or has not received documents or evidences from the agency or organization but the time limit for trial preparation (including the extended cases) is over or despite of having a decision to bring the case to trial or at the trial, if the implementation of judicial authorization is necessary or it is required to ask for the provision of new documents or evidences from the agency or organization to settle the case, the Court must make a decision to temporarily suspend the case;

Ex : As provided for in Clause 4, Article 93 of CCP, the Court must conduct the authorization to gather evidences abroad in case of necessity. In case of expiration of time limit for trial preparation (including the extended case), there has not been the result of authorization to gather evidences as prescribed, the Court must make a decision to temporarily suspend the case to wait for the result of judicial authorization from the foreign competent authority. After having the result of judicial authorization from the foreign competent authority or after the expiration of judicial authorization as prescribed by law, the Court shall proceed with the settlement of case by the general procedures;

6. ‘’Other cases prescribed by law’’ specified in Clause 6, Article 189 of CCP are the cases as a basis for the Court to make a decision on suspending the settlement of civil case and they are not specified in the CCP but specified in other legal normative documents or specified after the effective date of CCP in the legal normative documents issued later or in the international agreements in which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

Article 23. Consequence of suspending the settlement of civil case specified in Clause 3, Article 190 of CCP

1. When the decision on suspending the settlement of civil case is appealed or protested by the appellate procedures and if the appeal or protest is valid, the Court of First Instance must send the record of case, the appeal or protest to the Court of Appeal specified in Article 255 of CCP;

2. In case of expiry of appeal or protest, there are complaints or requests for the decision on temporarily suspending the settlement of civil case, it is necessary to make a distinction as follows :

a) Where the Court of First Instance considers that the decision on temporarily suspending the settlement of civil case is not right, it shall continue settling the suspended cases because the reasons for suspension no longer exist;

b) Where the Court of First Instance considers that the decision on temporarily suspending the settlement of civil case is right and remains, the request for the decision on temporarily suspending the settlement of civil case must be considered by the cassation procedures;

Article 24. Suspending the settlement of civil case specified at Point c and k, Clause 1, Article 192 of CCP

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) In case where there is no counterclaim request or the independent request, the Court shall accept the withdrawal of petition from the petitioner and make a decision on suspending the settlement of civil case based on the Point c, Clause 1, Article 192 of CCP.

b) Where there are the counterclaim request of the defendant and the independent request of the person with the related interests and obligations, depending on each case, the settlement is as follows:

b1) Where the petitioner withdraws his/her petition, the defendant still keeps his/her counterclaim request and the person with the related interests and obligations still keeps his/her independent request, the Court shall make a decision on suspending the settlement of civil case for the request of the petitioner who has withdrawn his/her petition;

b2) Where the petitioner withdraws his/her petition, the defendant withdraws all his/her couterclaim request but the person with the related interests and obligations still keeps his/her independent request, the Court shall make a decision on suspending the settlement of civil case for the request of the petitioner who has withdrawn his/her counterclaim request;

b3) Where the petitioner withdraws his/her petition and the person with the related interests and obligations still keeps his/her independent request, but the defendant still keeps his/her counterclaim request, the Court shall make a decision on suspending the settlement of civil case for the request of the petitioner and the independent request of the person with the related interests and obligations;

c) After making a decision on suspending the settlement of civil case for the request of the person concerned having withdrawn his/her petition as guided at Point b, Clause 1 of this Article, the Court shall continue to settle the case by the general procedures for the counterclaim request of the defendant or the independent request of the person with the related interests and obligations and based on each specific case, re-determine the procedural status of the persons concerned in accordance with the provisions in Article 219 of CCP and the guidelines in Article 33 of this Resolution;

d) Where the petitioner withdraws all his/her requests for lawsuit and the defendant withdraws all his/her counterclaim requests, the person with the related interests and obligations withdraws all his/her independent request, the Court shall make a decision on suspending the settlement of civil case;

2. ‘’Other cases prescribed by law’’ specified at Point k, Clause 1, Article 192 of CCP are the cases as a basis for the Court to make a decision on suspending the settlement of civil case and they are not specified in the CCP but specified in other legal normative documents or specified after the effective date of CCP in the legal normative documents issued later or in the international agreements in which the Socialist Republic of Vietnam is a member.

Article 25. Consequence of suspending the settlement of civil case specified in Clause 1, Article 193 of CCP

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Where the decision on suspending the settlement of civil case is specified at Point a, b, d, dd, h, i and k, Clause 1, Article 192 of CCP, the persons concerned have no right to initiate a lawsuit to request the Court to re-settle the civil case, if the lawsuit of the subsequent case is not different from the previous case in terms of the plaintiff, the defendant and the legal relations in dispute.

Where the Court makes a decision on suspending the settlement of case specified at Point d and dd, Clause 1, Article 192 of CCP, before making a decision, the Court must explain the consequence of suspending the settlement of case to the persons concerned that they shall have no right to re-initiate a lawsuit of that case;

Where the agency, organization (in case of no plaintiff), or plaintiff specified at Point d and dd, Clause 1, Article 192 of CCP only withdraw the lawsuit document without requesting the Court to continue settling the case when there are certain conditions under agreement or negotiation between the persons concerned, the Court should specify those conditions in the decision on suspending the settlement of case as basis for re-initiating a lawsuit of the case of the persons concerned;

Therefore, in case of suspending the settlement of case specified at Point d, dd, Clause 1, Article 192 of CCP, in the decision on suspending the settlement of case, the Court must clearly state the legal consequence of the suspension that the persons concerned shall not have the right to re-initiate a lawsuit of that case, if the lawsuit of subsequent case is not different from the previous case in terms of plaintiff, defendant and legal relations in dispute;

2. Where the decision on suspending the civil case specified at Points c, e and g, Clause 1, d 192 of CCP, or the case is subject to the provisions in Clause 3, Articles 168 of CCP, the person concerned has the right to initiate a lawsuit to request the Court to re-settle that case by the general procedure, if the statute of limitations of the case specified in Article 159 of CCP remains, although the lawsuit of subsequent case is not different from the previous case in terms of plaintiff, defendant and legal relations in dispute;

3. In case of decision on suspending the case specified at Point g, Clause 1, Article 192 of CCP and Clause 77 of the Law on bankruptcy, if after that the Court makes a decision on suspending the procedures for recovery of business operation and returns the case record to the competent Court, then that Court shall proceed with the case by the general procedures;

Article 26. Decision on bringing the case to trial specified in Article 195 of CCP

1. The decision on bringing the case to trial must have all information specified in Clause 1, Article 195 of CCP and under the Form No.12 issued with this Resolution. The decision on bringing the case to trial must be issued within 07 working days before the date of trial opening;

2. In order not to delay the trial and to ensure the compliance with the provisions of CCP, if the People’s Juror assigned to take part in the proceedings cannot continue the trial after there is a decision on bringing the case to trial, simultaneously with the assignment of official People’s Juror, it is necessary to assign an alternative People’s Juror and specify the name of People’s Juror in the decision on bringing the case to trial;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where the Procuracy at the same level participates in the trial, the Court shall send the record of the civil case with the decision on bringing the case to trial as guided in the Joint Circular No. 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC dated August 01, 2012 of the Supreme People’s Procuracy, the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions of the Code of Civil Procedure on supervising the compliance with the law in civil proceedings;

Article 27. Presence of the persons concerned, the representatives and the persons protecting the legitimate rights and interests of the persons concerned specified in Article 199 of CCP

Where the defendant having his/her counterclaim request has summoned the second time but still absent without any representative participating in the trial not due to the unforeseen events, the Court shall suspend the settlement for the defendant’s counterclaim request, unless that person requests for default judgment. The defendant having the counterclaim request has the right to sue for that counterclaim request if the statute of limitations remains;

Article 28. Judgment in case of absence at the trial of the persons concerned and the persons protecting the legitimate rights and interests specified in Article 202 of CCP

1. If the Court sends the first summons but the persons concerned and the persons protecting the legitimate rights and interests are still absent without requesting the default judgment under provisions in Clause 1 Article 199 of CCP, whether or not there is a good reason, the court shall adjourn the trial.

The Court only conducts the hearing without the presence of the persons concerned and the persons protecting the legitimate rights and interests if the Court validly sends the first summons subject to one of the cases as follows:

a) There is one or several persons concerned, representative of one or several persons concerned, person protecting the legitimate rights and interests of one or several persons concerned requesting for the default judgment and the remaining persons concerned, the representative of remaining persons concerned, the person protecting the legitimate rights and interests of the remaining persons concerned still attend the trial by the summons of the Court;

b) All of the persons concerned and their representatives and persons protecting the legitimate rights and interests in the case request the Court for default judgment. In this case, the trial panel shall, based on the documents in the record, settle the case under regulations of law;

2. Where the Court sends the second summons, the persons concerned or their representatives and persons protecting the legitimate rights and interests must be present at the trial. If they are absent not due to the unforeseen events, the handling shall apply as provided for in Clause 2, Article 199 of CCP;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where the Court does not receive the notification from the persons concerned and their representatives and persons protecting the legitimate rights and interests and still conduct the trial without their presence. If after the judgment or decision of the Court takes effect, the persons concerned lodge their complaints and provide evidence of their absence from the trial due to the unforeseen events, their complaints shall be considered by the appellate procedures;

Article 29. Duration of adjournment and decision on adjournment specified in Article 208 of CCP;

1. The duration of adjournment of the first instance trial is within 30 days from the date the trial Panel make a decision on adjournment;

If the trial for a case is adjournd many times, the duration of each adjournment shall not exceed the permitted limit of 30 days, from the date the trial Panel makes a decision on adjournment of that time. The duration of adjournment is not included in the duration of trial preparation specified in Article 179 of CCP and guided in Article 14 of this Resolution. However, in order to protect the rights and interests of the persons concerned and ensure the re-opening of trial as prescribed, after the adjournment, the Court must have the plan for re-opening of trial as soon as possible without necessarily waiting up to 30 days to re-open the trial;

2. The decision on adjournment must have the main contents specified in Clause 2, Article 208 of CCP and under the Form No.14 issued with this Resolution;

3. Where the date to re-open the trial is fixed, in the decision on adjournment, the time and location to re-open the trial must be specified. If the date to re-open the trial is not fixed, the time and location to re-open the trial in the decision shall be notified later by the Court;

The Chairman of trial shall, on behalf of the trial Panel, announce the decision on adjournment to the persons present at the trial and hand over the decision to them immediately. For the persons absent and the Procuracy at the same level, the Court shall send this decision on adjournment immediately. This decision is regarded as the new sommons for the persons concerned, if the time and location to re-open the trial are specified in the decision;

Where there is a change of time and location to re-open the case specified in the decision on adjournment, the Court must notify immediately the Procuracy at the same level and the persons taking part in the proceedings of the time and location to re-open the case;

4. The trial Panel must not adjourn the trial for the reason that at the trial, the persons concerned request te adjournment to ask someone to protect their legitimate rights and interests or authorize other persons to take part in the proceedings on their behalf.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the duration of adjournment is nearly expired without result of inspection, valuation or appraisal, the Judge shall, based on Clause 4, Article 189 of CCP, make a decision on temporarily suspending the settlement of case;

Article 30. Cour record specified in Article 211 of CCP

1. The court record must have all contents specified in Clause 1, Article 211 of CCP. As provided for in Clause 1, Article 211 of CCP, the court record must state all developments at the trial from the beginning to the end of trial. In the court record, the it is not required to specify the Court’s decision;

2. After the end of the trial and before submitting the court record to the Chairman of trial to re-check and sign it, the Court Clerk must check the court record by himself/herself to correct its inaccuracies. The Chairman of trial and the Court Clerk must re-check the court record and sign it with the Court Clerk. After the Chairman of trial re-checks and signs the court record, if any inaccuracy is found in the court record and must be modified, the Court Clerk must not correct it by herself but report to the Chairman of trial to consider the amendment. When there is one of persons specified in Clause 4, Article 211 of CCP requesting to read the court record, the Chairman of trial must allow him/her to read the court record. If this person requests to record the amendments or supplements in the court record, the Court Clerk must record these amendments or supplements as required; It is required not to erase or correct directly on the recorded issued but record the amendments or supplements following the contents of the court record. The persons specified in Clause 4, Article 211 of CCP request for the recording of amendments or supplements in the court record, record the legal proceedings or participation in proceedings and full name of those persons. The issues recorded in the court record in need of amendment or supplementation and the specific amendments or supplements must also be recorded. If there are a lot of requesters, record the amendments or supplements of each person one by one. After that, the requesters must sign for certification;

Ex 1 (In case where there is a person requesting the recording of amendments or supplements)

The amendments or supplements as requested by plaintiff Nguyen Van A :

1. On the issues recorded in the line (lines) from the top (or bottom up) page…of the court record for amendment or supplementation to be recorded as follows :

...

2. ...

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Amendments or supplements:

1. As requested by Prosecutor Tran Van B:

a. ...

b. ...

2. As requested by defendant Le Thi M:

a. ...

b. ..

Article 31. Opening of trial specified in Article 213 of CCP

1. The Chairman opens the trial and reads the decision on bringing the case to trial;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. After hearing the Court Clerk to report that there are persons concerned absent from the trial, the trial Panel must go into the deliberation room to discuss the adjournment as provided for in Clause 2, Article 210 of CCP;

3. The Chairman shall conduct the checking of ID of the persons concerned present at the trial as follows :

a) The Chairman ask the persons concerned about their full names, date of birth, place of residence (permanent residence), occupation (if the persons concerned are individuals); name and address of head office (if the persons concerned are agencies or organizations); for the legal representative of the person concerned: full name, age, occupation, position, residence, relation with the person concerned;

b) Where the documents in the record and the declaration of the persons concerned on ID are different, it is required to verify the accuracy of their ID;

4. For the announcement of rights and obligations of the persons concerned and of the other persons taking part in the proceedings, the Chairman of trial shall announce their rights and obligations in the corresponding articles of law of CCP;

Ex : For plaintiffs, explaining their rights and obligations specified in Article 58 and 59 of CCP,…

For the interpreter and inspector, the Chairman shall require them to commit their fulfilment of task; for the witnesses as adults, require them to give truthful declaration;

5. In case the trial Panel decides the adjournment, when re-opening the trial, the Chairman shall not read the decision on bringing the case to trial again;

If the trial Panel decides the adjournment but during the time of preparing the opening of trial, there are changes or re-assignment of proceeding conducting persons named in the list of decision on bringing the case to trial, the Court shall notify the persons specified in Clause 2, Article 195 of CCP;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The change or supplementation of request of the persons concerned at the trial is only accepted by the trial Panel if this change or supplementation does not exceed the scope of lawsuit request, counterclaim request or independent request initially expressed in the petition of plaintiff, the counterclaim petition of defendant, petition of independent request of the persons with related interest and obligations;

The change or supplementation of request of the persons concerned must be recorded in the court record. In case where the trial Panel accepts the request for supplementation or change of the persons concerned, it must record it in the judgment;

Where the persons concerned withdraw a part of request before and at the trial, the Court shall record it in the remark and decision in the judgment and the decision on withdrawal of request of the persons concerned;

Article 33. Change of proceeding status specified in Article 219 of CCP

Where there is a person concerned withdrawing his/her request, depending on each case, do as follows :

1. If the plaintiff withdraw all his/her lawsuit request but the defendant still keeps his/her counterclaim request as provided for in Clause 1, Article 219 of CCP, the trial Panel shall :

a) Make a decision on suspending the trial for the entire request withdrawn of the plaintiff as provided for in Clause 2, Article 218 of CCP;

b) Announce the change of proceeding status of the persons concerned. The defendant still keeping his/her counterclaim request becomes the plaintiff; the plaintiff withdrawing his/her entire request becomes the defendant;

2. If the plaintiff withdraws his/her lawsuit request and the defendant withdraws his/her counterclaim request, but the person with related interests and obligations still keep his/her independent request as provided for in Clause 2, Article 219 of CCP, the trial Panel shall :

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Announce at the trial the change of proceeding status depending on the relation between the persons concerned related to the independent request of the person with related interests and obligations;

3. The change of proceeding status of the persons concerned must be recorded in the court record and in the judgment;

Article 34. Recognizing the agreement of the persons concerned specified in Clause 1, Article 220 of CCP

1. Before moving on to the question, the trial Panel need to explain the contents specified in Article 220 of CCP, asking them if they have agreed with each other on the settlement of case; if yes, ask them whether they are voluntary or not or coerced or not and consider if the agreement is in contradiction with the law or social morality or not or tell them the consequence of the Court’s decision on recognizing that agreement, then the persons concerned must not appeal against this decision. The Procuracy must not protest the decision under the appellate procedures; the decision of the Court to recognize the agreement of the persons concerned on the settlement of case shall take legal effect.

2. The agreement of the persons concerned must be recorded in the court record. According to the provisions in Article 210 of CCP, the trial Panel shall discuss and make a decision on recognizing the agreement of the persons concerned on the settlement of case at the courtroom;

Article 35. Deliberation specified in Article 236 of CCP

1. The members of the trial Panel must settle all issues of the case by majority voting on each issue, particularly the main issues : based on the documents and evidences verified and considered at the trial, through the questions and arguments at the trial, by considering the opinions of the persons taking part in the proceedings, the prosecutor (if any) has sufficent grounds to accept the whole or a part of all requests of the plaintiff, the counterclaim request of the defendant, the independent request of the person with related interest and obligations or not accept the whole or a part of all requests of the persons concerned. If having sufficient grounds for acceptance, specify the Point, Clause and Article of the corresponding legal normative documents and the civil court fee of first instance.

2. Where the trial Panel of the First Instance Court only has a Judge and two People’s Jurors, upon expression of opinion (or voting), the People’s Jurors shall express their opinions (or vote) first, the Judge as the Chairman of the trial shall express hid/her opinions (or vote) later. Where the trial Panel has two Judges and three People’s Jurors, the People’s Jurors shall express their opinions (or vote) first, then the Judge not as the Chairman and finally the Judge as the Chairman shall express his/her opinions (or vote);

3. The members of the trial Panel with minority opinions have the right (not obligation) to express their opinions in separate document and this document is attached to the case record;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. In case where there are many complicated circumstances, the deliberation requires a long time, the trial Panel may decide the deliberation time but not later than five working days after the end of arguments at the trial. The trial Panel shall inform the sentencing date to the the persons concerned. If the sentencing date has been fixed but changed, then the trial Board must notify the persons concerned of such change.

Article 36. Sentence of first instance specified in Article 238 of CCP

The sentence of first instance must be written in accordance with the provisions in Article 238 of CCP, the way of writing and presentation must be in line with the Form No.01 issued together with Resolution No. 03/2012/NQ-HDTP dated December 03, 2012 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions in the first Part “General provisions’’ of the Code of Civil Procedure amended and supplemented under the Law amending and supplementing a number of Articles of the Code of Civil Procedure;

Together with the deliberation record, the original sentence must be adopted and signed by the members of the trial Panel at the deliberation room and kept in the case record. On the basis of original sentence, the presiding Judge of the trial shall, on behalf of the trial Panel, sign the main sentences and the Court shall hand over or send the sentences as provided for in Article 241 of the CCP;

Article 37. Sentence declaration specified in Article 239 of CCP

When the sentence is declared, all of the people in the courtroom shall stand up. If any person does not stand up, the Court Clerk shall remind him/her. If that person says he/she cannot stand up due to bad health, the Chairman of the trial shall permit him/her to sit in place and then declare the sentence. The Chairman or another member of the trial Panel shall read the verdict. If the verdict is long, the Chairman and that member can take turns reading the verdict;

Where the verdict is too long, the Chairman only tell the people in the court room to stand up when reading the introduction and the decision of the verdict;

After finishing the reading of verdict, depending on each specific case, the Chairman or another member of the trial Panel shall give further explanation about the enforcement of sentence and right of appeal of the persons concerned;

For the persons concerned who do not speak Vietnamese, after the declaration of sentence, the interpreter must translate the whole verdict for them into the language they know (including the part of verdict related to them and the part of verdict related to the other persons concerned in the case);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The verdict is only amended or supplemented in the following cases:

a) Obvious errors found in spelling such as: incorrect written words, accent marks, uppercase or lowercase letters, foreign language transliterated into Vietnamese, omitted middle name in the full name of the persons concerned,...

b) Data by mistake or miscalculation (including court fees) as: wrong addition, subtraction, multiplication, division, ... that have to be corrected.

2. The Court must send a written notce of the amendment or supplementation of verdict to ther persons specified in Clause 1, Article 240 of CCP. This notice is presented under the Form No. 15 issued together withi this Resolution.

Article 39. Forms of written proceedings

Issued together with this Resolution are the forms of written proceedings as follows :

1. Petition (Form No. 01) ;

2. Petition receipt notice (Form No.02) ;

3. Petition returning notice (Form No.03) ;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Notice of handling of case (Form No.05) ;

6. Notice of mediation session (Form No.06a) ;

- Notice of adjournment of mediation (form No. 06b) ;

7. Record of mediation (Form No.07) ;

8. Record of successful mediation (Form No. 08a) ;

- Record of recognizing the voluntary divorce and successful mediation (Form No. 08b) ;

9. Decision on recognizing the agreement of the persons concerned (Form No. 09a) ;

- Decision on recognizing the consensual divorce and the agreement of the persons concerned (Form No.09) ;

10. Decision on temporarily suspending the settlement of civil case (Form No.10a) ;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

11. Decision on suspending the settlement of civil case (Form No.11a) ;

- Decision on suspending the settlement of civil case (Form No.11b) ;

12. Decision on bringing the case to trial (Form No.12) ;

13. Record of trial of first instance trial (Form No.13) ;

14. Decision on adjournment of trial (Form No.14) ;

15. Notice of amendment or supplementation of verdict (No. 15) ;

Article 40. Effect

1. This Resolution was adopted by the Council of Judges of the Supreme People’s Court on December 03, 2012 and takes effect on July 01, 2013

Resolution No. 02/2006/NQ-HDTP dated May 12, 2006 of the Council of Judges of the Supreme People’s Court guiding the implementation of a number of provisions in the second Part “Procedures for settlement of the case at the First Instance Court” of the Code of Civil Procedure and the guidelines for the issues guided in this Resolution of the Supreme People’s Court issued before the effective date of shall expire on July 01, 2013 ;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

For the sentence and decision of the Court that has taken legal effect before the effective date of this Resolution, the guidelines in this Resolution shall not apply for protest under the appellate or cassational procedures, except where there are other grounds for protest.

 

 

FOR THE COUNCIL OF JUDGES
TRIBUNAL PRESIDENT




Truong Hoa Binh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn Quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


137.832

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.165.68
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!