Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi

Số hiệu: 03/2012/NQ-HĐTP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao Người ký: Trương Hòa Bình
Ngày ban hành: 03/12/2012 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/NQ-HĐTP

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG PHẦN THỨ NHẤT “NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự ngày 29 tháng 3 năm 2011 (sau đây viết tắt là BLTTDS);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này hướng dẫn thi hành một số quy định chung nhằm bảo đảm thi hành đúng và thống nhất Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS.

Điều 2. Về nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các vụ việc dân sự

1. Căn cứ vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Chương III Phần thứ nhất của BLTTDS, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa dân sự, Tòa kinh tế, Tòa lao động Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong tố tụng dân sự được thực hiện như sau:

a) Tòa dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại các điều 25, 26, 27 và 28 của BLTTDS;

b) Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận;

c) Toà lao động có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về lao động quy định tại Điều 31 và Điều 32 của BLTTDS;

d) Trong trường hợp căn cứ vào hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này mà khó xác định được tranh chấp hoặc yêu cầu đó thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách nào, thì Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phân công cho một Toà chuyên trách giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp sau khi thụ lý vụ việc dân sự mới phát hiện được vụ việc dân sự thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Toà chuyên trách khác, thì Toà chuyên trách đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung, nhưng cần ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định theo đúng hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết này.

2. Toà dân sự, Toà kinh tế, Toà lao động Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ việc tương ứng được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị.

Điều 3. Về cách ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định dân sự

Ngoài việc ghi số và năm ban hành bản án, quyết định thì ký hiệu và trích yếu trong bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được ghi như sau:

1. Đối với bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về dân sự

a) Về việc ghi ký hiệu:

- Đối với bản án sơ thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-ST

Ví dụ: Số: 20/2013/DS-ST

- Đối với bản án phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-PT

Ví dụ: Số: 10/2013/DS-PT

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-GĐT

Ví dụ: Số: 05/2013/DS-GĐT

- Đối với quyết định tái thẩm, thì ghi ký hiệu: DS-TT

Ví dụ: Số: 01/2013/DS-TT

b) Về việc ghi trích yếu:

- Cần xác định tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 25 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của bản án, quyết định.

Ví dụ: Tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết là tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 25 của BLTTDS thì ghi: “V/v tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam”.

- Trong trường hợp tại khoản tương ứng của Điều 25 của BLTTDS quy định nhóm tranh chấp thì cần ghi cụ thể tranh chấp được giải quyết.

Ví dụ: Tranh chấp mà Tòa án thụ lý giải quyết là tranh chấp về hợp đồng dân sự được quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 25 của BLTTDS, thì cần ghi cụ thể tranh chấp về hợp đồng dân sự gì; nếu là hợp đồng thuê nhà ở thì ghi: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự thuê nhà ở”; nếu là hợp đồng vận chuyển hành khách thì ghi: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự vận chuyển hành khách”.

2. Đối với quyết định giải quyết việc dân sự

a) Về việc ghi ký hiệu:

- Đối với quyết định sơ thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-ST

Ví dụ: Số: 01/2013/QĐDS-ST

- Đối với quyết định phúc thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-PT

Ví dụ: Số: 10/2013/QĐDS-PT

- Đối với quyết định giám đốc thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-GĐT

Ví dụ: Số: 15/2013/QĐDS-GĐT

- Đối với quyết định tái thẩm, thì ghi ký hiệu: QĐDS-TT

Ví dụ: Số: 10/2013/QĐDS-TT.

b) Về việc ghi trích yếu:

Cần xác định yêu cầu cụ thể mà Tòa án thụ lý giải quyết được quy định tại khoản nào tương ứng của Điều 26 của BLTTDS, để ghi vào phần trích yếu của quyết định.

Ví dụ: Yêu cầu mà Tòa án thụ lý giải quyết là yêu cầu tuyên bố một người mất tích được quy định tương ứng tại khoản 3 Điều 26 của BLTTDS, thì ghi: “V/v yêu cầu tuyên bố một người mất tích”.

3. Đối với bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, thì việc ghi ký hiệu và trích yếu được thực hiện tương tự như việc ghi ký hiệu và trích yếu đối với bản án, quyết định giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về dân sự, nhưng thay ký hiệu “DS” bằng ký hiệu tranh chấp hoặc yêu cầu tương ứng: “HNGĐ”; “KDTM”; “LĐ”.

Ví dụ:

- Đối với bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại thì ghi: Số: 09/2013/KDTM-ST.

- Đối với quyết định sơ thẩm giải quyết yêu cầu về lao động thì ghi: Số: 10/2013/QĐLĐ-ST.

Điều 4. Về quy định tại khoản 9 Điều 25 và khoản 6 Điều 26 của BLTTDS

1. Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng tranh chấp với nhau về việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 9 Điều 25 của BLTTDS.

2. Trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật công chứng cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật và cùng có yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo quy định tại khoản 6 Điều 26 của BLTTDS.

Điều 5. Về quy định tại khoản 10 Điều 25 và khoản 7 Điều 26 của BLTTDS

1. Đối với tài sản bị cưỡng chế để thi hành án nhưng có tranh chấp về quyền sở hữu thì đương sự, người có tranh chấp (quy định tại Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự) có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án quy định tại khoản 10 Điều 25 BLTTDS để yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu, phân chia tài sản chung.

Ví dụ 1: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng. Do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án thông báo cho A về việc cưỡng chế quyền sử dụng đất là tài sản của A. C và D cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản chung của A, C và D nên khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của C và D trong khối tài sản chung của A, C và D. Trong trường hợp này Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sựkhoản 10 Điều 25 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng. Do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án đã cưỡng chế quyền sử dụng đất mang tên A để thi hành án. C cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản riêng của mình nhờ A đứng tên hộ nên khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Trường hợp này, Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự, khoản 10 Điều 25 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

2. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự) thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của BLTTDS, cụ thể như sau:

a) Có căn cứ cho rằng đó là tài sản thuộc sở hữu của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án để bảo đảm thi hành án;

b) Có căn cứ cho rằng đó là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án;

c) Có căn cứ cho rằng quyền sử dụng đất của người phải thi hành án, thì yêu cầu xác định quyền sử dụng đất của người đó để bảo đảm thi hành án;

d) Có căn cứ cho rằng quyền sử dụng đất là tài sản chung, trong đó có phần của người phải thi hành án thì yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Ví dụ: Theo bản án của Tòa án thì A phải trả B 500 triệu đồng nhưng do A không tự nguyện thi hành án nên Cơ quan thi hành án thông báo cho A về việc cưỡng chế quyền sử dụng đất là tài sản của A nhưng A cho rằng quyền sử dụng đất này là tài sản chung của A và C. Do A và C không tự phân chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và không khởi kiện. Trường hợp này, nếu B yêu cầu xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì Tòa án căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sựkhoản 7 Điều 26 của BLTTDS để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 6. Về quy định tại Điều 29 của BLTTDS

1. Cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh là cá nhân, tổ chức đã được các cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

a) Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác (theo Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại và các văn bản quy phạm pháp luật khác của về đăng ký kinh doanh);

b) Doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp);

c) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã);

d) Cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

2. Mục đích lợi nhuận của cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh, thương mại là mong muốn của cá nhân, tổ chức đó thu được lợi nhuận mà không phân biệt có thu được hay không thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại đó.

3. Hoạt động kinh doanh, thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại. Hoạt động kinh doanh, thương mại không chỉ là hoạt động trực tiếp theo đăng ký kinh doanh, thương mại mà còn bao gồm cả các hoạt động khác phục vụ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thương mại.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn A được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực may mặc. Hoạt động của Công ty A không chỉ giới hạn ở việc may sản phẩm là hàng dệt may để phục vụ thị trường mà còn bao gồm cả hành vi mua nguyên vật liệu về để sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, thuê xe ô tô để đưa công nhân đi làm, đi nghỉ hàng năm theo chế độ hoặc mua một số ti vi để cho công nhân giải trí sau giờ làm việc,...

4. Đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 29 của BLTTDS thì không nhất thiết đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải có đăng ký kinh doanh mà chỉ đòi hỏi cá nhân, tổ chức đều có mục đích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, thương mại; nếu chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận, còn bên kia không có mục đích lợi nhuận, thì tranh chấp đó là tranh chấp về dân sự quy định tại khoản 4 Điều 25 của BLTTDS.

5. Về các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS cần phân biệt như sau:

a) Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

b) Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

c) Khi thực hiện hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này, nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về trợ cấp cho người lao động, về hợp đồng lao động, về hợp đồng vay, mượn tài sản,...) thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS. Tùy từng trường hợp cụ thể để xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động.

Điều 7. Về quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS

1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:

a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;

đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

2. Đối với yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Luật Hôn nhân và Gia đình là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi cư trú của công dân Việt Nam.

3. Tài sản ở nước ngoài

Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

4. Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

5. Không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án

a) Đối với vụ việc dân sự không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS; được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết mới có sự thay đổi, như có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.

b) Đối với vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS và được hướng dẫn tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và được Tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết đúng thẩm quyền, nếu trong quá trình giải quyết có sự thay đổi không còn đương sự, tài sản ở nước ngoài và không cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì theo quy định tại Điều 412 của BLTTDS, Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã thụ lý tiếp tục giải quyết vụ việc dân sự đó.

Điều 8. Về quy định tại Điều 35 của BLTTDS

1. Về nguyên tắc chung thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.

2. Trường hợp đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản thì có quyền yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết. Việc thỏa thuận đó không được trái với quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS.

Ví dụ: Trong vụ án, nguyên đơn A cư trú tại huyện M của tỉnh N và bị đơn B cư trú tại huyện X của tỉnh Y. Theo nguyên tắc Tòa án huyện X tỉnh Y nơi bị đơn B cư trú có thẩm quyền. Nếu các bên thỏa thuận Tòa án nơi nguyên đơn A cư trú thì phải bảo đảm thẩm quyền của cấp Tòa án. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện thì thỏa thuận chỉ được chấp nhận khi các đương sự thỏa thuận Tòa án huyện M của tỉnh N giải quyết. Nếu các đương sự thỏa thuận Tòa án tỉnh N giải quyết thì thỏa thuận đó không được chấp nhận.

3. Đối với tranh chấp về bất động sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 của BLTTDS thì chỉ có Tòa án nơi có bất động sản mới có thẩm quyền giải quyết.

4. Trong vụ án về hôn nhân và gia đình, thừa kế tài sản,... mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 35 của BLTTDS.

5. Việc xác định nơi cư trú, làm việc, nơi có trụ sở quy định tại Điều 35 của BLTTDS được xác định tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.

Điều 9. Về quy định tại Điều 36 của BLTTDS

1. Khi xem xét yêu cầu của nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, thì ngoài việc phải thực hiện đúng quy định tại Điều 33 và Điều 34 của BLTTDS về thẩm quyền của các cấp Tòa án, cần phân biệt như sau:

a) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự phải có điều kiện, thì Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu khi điều kiện đó xảy ra.

Ví dụ: Điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy định: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Như vậy, chỉ trong trường hợp không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn mới có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết.

b) Đối với trường hợp mà Điều 36 của BLTTDS quy định yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không cần bất cứ điều kiện nào, thì Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.

Ví dụ: Điểm d khoản 1 Điều 36 của BLTTDS quy định: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết”. Như vậy, trong trường hợp này việc yêu cầu lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự không đòi hỏi phải có bất kỳ điều kiện nào, nên nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó.

2. Trong trường hợp nguyên đơn, người yêu cầu được quyền lựa chọn nhiều Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự (ví dụ: Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36 của BLTTDS), thì khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, Tòa án phải giải thích cho họ biết là chỉ có một Tòa án trong các Tòa án được Điều luật quy định mới có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự để họ lựa chọn. Cho nên người khởi kiện, người yêu cầu phải cam kết trong đơn khởi kiện hoặc trong đơn yêu cầu là không khởi kiện hoặc không yêu cầu tại các Tòa án khác.

Trong trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu nộp đơn khởi kiện, nộp đơn yêu cầu tại nhiều Tòa án khác nhau được Điều luật quy định, thì Tòa án đã thụ lý đầu tiên theo thời gian có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Các Tòa án khác, nếu chưa thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 của BLTTDS trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; nếu đã thụ lý thì căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 và điểm i khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, xoá tên vụ việc dân sự đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự.

Nếu đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án căn cứ vào khoản 3 Điều 193 của BLTTDS trả lại tiền tạm ứng án phí cho người đã nộp.

Điều 10. Về quy định tại khoản 1 Điều 37 của BLTTDS

Khi xét thấy vụ việc dân sự đã được thụ lý không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân địa phương khác cùng cấp hoặc khác cấp, thì Tòa án đã thụ lý vụ việc dân sự ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Trong trường hợp đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí, thì Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự không phải trả lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự mà tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc dân sự ký tên và đóng dấu của Tòa án. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ việc dân sự và hồ sơ vụ việc dân sự phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ việc đó theo quy định chung.

Điều 11. Quyết định của Tòa án trong một số trường hợp cụ thể

1. Trường hợp có tranh chấp và có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết, nếu sau khi Tòa án thụ lý vụ án và trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm các đương sự tự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, thì Tòa án phải lập biên bản về sự thoả thuận đó và ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 187 của BLTTDS.

2. Trường hợp các bên yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của BLTTDS, nhưng sau khi Tòa án thụ lý và trong quá trình giải quyết việc dân sự các bên có sự thay đổi về thoả thuận, thì cần phân biệt như sau:

a) Nếu các bên thay đổi sự thoả thuận (một phần hoặc toàn bộ) bằng một thoả thuận mới thì Tòa án tiếp tục giải quyết việc dân sự theo thủ tục chung;

b) Nếu một hoặc các bên thay đổi sự thoả thuận (một phần hoặc toàn bộ), nhưng không thoả thuận được về vấn đề đã được thoả thuận trước đó và có tranh chấp, thì được coi như đương sự rút đơn yêu cầu. Tòa án căn cứ vào Điều 311 và điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. Trong trường hợp này Tòa án cần giải thích cho đương sự biết nếu họ vẫn có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì phải khởi kiện vụ án dân sự theo thủ tục chung.

Điều 12. Về quy định tại Điều 43 của BLTTDS

“Thư ký Tòa án” quy định tại Điều 43 của BLTTDS là người tiến hành tố tụng bao gồm những người được xếp ngạch công chức “Thư ký Tòa án” và những người được xếp ngạch công chức “Chuyên viên pháp lý”, “Thẩm tra viên” được Chánh án Tòa án phân công tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 43 của BLTTDS.

Điều 13. Về quy định tại Điều 46 của BLTTDS

1. Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLTTDS thì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu họ là người thân thích của đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong vụ án dân sự.

2. Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;

b) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;

c) Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;

d) Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

3. Có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 của BLTTDS thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của nguyên đơn; Thẩm phán là con rể của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Thủ trưởng cơ quan nơi vợ của Thẩm phán làm việc,... mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế,...

Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án dân sự Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

Điều 14. Về quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của BLTTDS

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 47 của BLTTDS, thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau. Tuy nhiên, khi có hai người trong Hội đồng xét xử thân thích với nhau, thì chỉ có một người phải từ chối hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi ai trước khi mở phiên toà do Chánh án Tòa án quyết định, tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định. Việc xác định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong cùng một Hội đồng xét xử là người thân thích với nhau được thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này.

2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của BLTTDS, thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm,… trong vụ án đó”. Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm,... trong vụ án đó là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hoặc quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Điều 15. Về quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLTTDS

1. Tại phiên toà người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng phải trình bày rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Hội đồng xét xử nghe người bị yêu cầu thay đổi trình bày ý kiến của họ về yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng và lời trình bày của người có yêu cầu, của người bị yêu cầu thay đổi phải được ghi đầy đủ vào biên bản phiên toà. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và căn cứ vào quy định tại các điều 46, 47, 48 và 49 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị quyết này quyết định theo đa số thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng.

Trường hợp quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, thì trong quyết định phải ghi rõ việc hoãn phiên toà và đề nghị người có thẩm quyền cử người khác thay thế người tiến hành tố tụng đã bị thay đổi trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định và thời hạn hoãn phiên toà.

2. Quyết định thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng phải được Hội đồng xét xử công bố công khai tại phiên toà. Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng phải được gửi ngay cho những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của BLTTDS.

Điều 16. Về quy định tại khoản 3 Điều 57 của BLTTDS

Theo quy định tại khoản 3 Điều 57 của BLTTDS thì: “Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, ngoài việc trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, nếu trong trường hợp pháp luật có quy định khác, thì người chưa đủ mười tám tuổi vẫn có thể có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc ngược lại người từ đủ mười tám tuổi trở lên vẫn có thể không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do đó, để xác định đúng năng lực hành vi tố tụng dân sự của một người cụ thể, ngoài quy định của BLTTDS Tòa án phải xem xét có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định khác về năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không.

Ví dụ 1: Về trường hợp người chưa đủ mười tám tuổi nhưng có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì nữ từ mười tám tuổi trở lên được kết hôn và theo hướng dẫn tại điểm a mục 1 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không vi phạm điều kiện về tuổi kết hôn; do đó, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình thì họ có quyền tự mình tham gia tố tụng dân sự.

Ví dụ 2: Về trường hợp người từ đủ mười tám tuổi trở lên nhưng không có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo quy định tại Điều 41 của Luật Hôn nhân và Gia đình, thì cha, mẹ có thể bị Tòa án ra quyết định không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật của con; do đó, trong thời hạn bị Tòa án cấm làm người đại diện theo pháp luật của con, thì cha mẹ không được tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho con trong vụ việc dân sự.

Điều 17. Về quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 58 của BLTTDS

1. Đương sự chỉ được yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa án mở phiên toà xét xử vụ án. Khi có yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ phải làm đơn gửi Tòa án có thẩm quyền. Nếu họ trực tiếp đến Tòa án trình bày yêu cầu được ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ cũng phải thể hiện bằng văn bản nộp cho Tòa án. Nếu đương sự là người không biết chữ, thì Tòa án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ. Biên bản phải được đọc lại cho người có yêu cầu nghe, ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.

Đơn hoặc văn bản yêu cầu phải ghi cụ thể các tên tài liệu, chứng cứ mà mình cần ghi chép, sao chụp.

2. Trên cơ sở đề nghị của đương sự, Tòa án tạo điều kiện cho họ được ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ mà họ có yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định về chế độ bảo quản hồ sơ vụ án, về trách nhiệm của cán bộ, công chức của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo quản hồ sơ vụ án, thì Tòa án yêu cầu đương sự thực hiện quyền ghi chép, sao chụp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án như sau:

a) Tòa án cung cấp cho đương sự những tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp theo yêu cầu của họ, để họ thực hiện việc ghi chép, sao chụp bằng máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác của họ. Các tài liệu chứng cứ đó phải liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Nếu không cung cấp tài liệu nào theo đề nghị của đương sự thì cần nêu rõ lý do.

b) Trong trường hợp đương sự không có máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác để tự mình thực hiện việc sao chụp và nhờ Tòa án sao chụp giúp, thì tuỳ theo các điều kiện cụ thể, lực lượng cán bộ của Tòa án mà có thể sao chụp giúp được thì đương sự phải trả chi phí sao chụp theo quy định chung. Việc sao chụp có thể được thực hiện ngay hoặc có thể trong một thời hạn hợp lý do Tòa án ấn định.

c) Việc ghi chép, sao chụp phải được thực hiện tại trụ sở của Tòa án dưới sự giám sát của cán bộ Tòa án và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư.

Điều 18. Về quy định tại Điều 63 của BLTTDS

1. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Đối với Luật sư thì phải xuất trình cho Tòa án giấy giới thiệu của Văn phòng Luật sư nơi họ là thành viên hoặc có hợp đồng làm việc cử họ tham gia tố tụng tại Tòa án và thẻ Luật sư;

b) Đối với Trợ giúp viên pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý thì phải xuất trình cho Tòa án giấy giới thiệu của Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử họ tham gia tố tụng và thẻ Trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

c) Đối với người khác thì phải xuất trình cho Tòa án văn bản có nội dung thể hiện ý chí của đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; văn bản của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc xác nhận họ không có tiền án, không đang bị khởi tố về hình sự, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an; một trong các loại giấy tờ tuỳ thân (như chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu,...).

2. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ, tài liệu, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét giải quyết. Nếu họ có đầy đủ các điều kiện, thì cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự để họ tham gia tố tụng. Nếu họ không có đầy đủ các điều kiện thì không chấp nhận và thông báo bằng văn bản cho đương sự và người bị từ chối biết trong đó cần nói rõ lý do của việc không chấp nhận.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có một trong các hành vi quy định tại Điều 385 của BLTTDS, thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án lập biên bản về việc vi phạm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Biên bản phải có chữ ký của người tiến hành lập biên bản, người vi phạm, người làm chứng. Nếu người vi phạm từ chối ký vào biên bản, thì Thẩm phán phải ghi rõ vào biên bản việc từ chối đó. Trong trường hợp xét thấy việc để người vi phạm đó tiếp tục tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là không khách quan cho việc giải quyết vụ án, thì Tòa án không chấp nhận người vi phạm đó tiếp tục tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho đương sự và người đó biết.

4. Tại phiên toà đương sự mới nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thì Hội đồng xét xử chấp nhận, nếu người được đương sự nhờ làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đáp ứng các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này và việc chấp nhận đó không gây cản trở cho Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án.

Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của đương sự hoãn phiên toà để đương sự nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Điều 19. Về quy định tại khoản 2 Điều 64 của BLTTDS

Về quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại Điều 17 của Nghị quyết này.

Điều 20. Về quy định tại các khoản 3, 8 và 9 Điều 66 của BLTTDS

1. Về khoản 3 Điều 66 của BLTTDS

a) Liên quan đến bí mật nhà nước là liên quan đến những vấn đề (thông tin, tin tức, nội dung,...) trong các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được pháp luật quy định là có các mức độ: “Tuyệt mật”, “Tối mật” hoặc “Mật”.

b) Liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư là liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ của chính người làm chứng.

c) Có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự trong vụ án là người có quan hệ thân thích với người làm chứng.

c1) Việc xác định người thân thích của người làm chứng được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 của Nghị quyết này;

c2) Ảnh hưởng xấu cho đương sự là trường hợp nếu người làm chứng khai ra những điều mình biết thì ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc ảnh hưởng xấu khác trong cuộc sống, công tác, sản xuất, kinh doanh của đương sự là người có quan hệ thân thích với người làm chứng;

d) Nếu người làm chứng từ chối khai báo vì các lý do được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, thì Thẩm phán phải giải thích cho họ biết nếu việc từ chối khai báo không có căn cứ, thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Về khoản 8 Điều 66 của BLTTDS

a) Hội đồng xét xử chỉ có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên toà khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a1) Người làm chứng đã được triệu tập hợp lệ;

a2) Người làm chứng không đến phiên toà mà không có lý do chính đáng;

a3) Việc vắng mặt của người làm chứng tại phiên toà gây trở ngại cho việc xét xử vụ án;

a4) Việc dẫn giải người làm chứng đến phiên toà có thể thực hiện được trước khi Hội đồng xét xử vào Phòng nghị án để nghị án.

b) Quyết định dẫn giải người làm chứng phải được giao ngay cho lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân có thẩm quyền để thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2003/TT-BCA (V19) ngày 10-9-2003 của Bộ Công an hướng dẫn hoạt động hỗ trợ tư pháp của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân.

3. Về khoản 9 Điều 66 của BLTTDS

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên toà xét xử vụ án, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử yêu cầu người làm chứng phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ, trừ người làm chứng là người chưa thành niên. Lời cam đoan của người làm chứng phải có các nội dung sau:

a) Cam đoan đã được Tòa án giải thích rõ về quyền, nghĩa vụ của người làm chứng;

b) Cam đoan khai báo trung thực trước Tòa án;

c) Cam đoan chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, lời cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản lấy lời khai của người làm chứng. Tại phiên toà, lời cam đoan của người làm chứng được ghi vào biên bản phiên toà.

Điều 21. Về quy định tại Điều 73 của BLTTDS

Theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của BLTTDS, thì cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ. Trong trường hợp này cơ quan, tổ chức khởi kiện tham gia tố tụng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đó.

Điều 22. Về quy định tại Điều 75 của BLTTDS

1. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 75 của BLTTDS người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự, thì không được làm người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự đó đối lập với nhau. Trong trường hợp này họ chỉ được làm người đại diện theo pháp luật cho đương sự mà chính họ đang là người đại diện theo pháp luật của đương sự đó trong vụ án.

Ví dụ: Anh B đang là người đại diện theo pháp luật cho người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự, thì không được làm người đại diện theo pháp luật cho người em ruột của mình là người chưa thành niên trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ và người em đối lập nhau. Trong trường hợp này anh B chỉ có thể là người đại diện theo pháp luật của người vợ trong tố tụng dân sự.

2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 75 của BLTTDS, thì cán bộ, công chức trong ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an chỉ được làm người đại diện trong tố tụng dân sự khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi họ là người đại diện theo pháp luật cho cơ quan của họ hoặc là người đại diện được cơ quan của họ uỷ quyền;

b) Khi họ là người đại diện theo pháp luật của đương sự (không phải là cơ quan của họ) trong vụ án.

Điều 23. Về thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 159 của BLTTDS

1. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ 1: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp;

Ví dụ 2: Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm

Ví dụ 3: Đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác thì theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

2. Đối với các tranh chấp dân sự sau đây thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó;

Ví dụ: Tranh chấp ai có quyền sở hữu nhà ở; nếu có khởi kiện thì Tòa án thụ lý vụ án; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

b) Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó;

Ví dụ: Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A nhưng do B đang quản lý; A có tài liệu chứng minh ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A và khởi kiện đòi nhà thì Tòa án thụ lý; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.

c) Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.

3. Đối với tranh chấp dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, thuê tài sản, thuê khoán tài sản, hợp đồng gia công, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất), thì giải quyết như sau:

a) Đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự thì áp dụng thời hiệu quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tương ứng đối với loại giao dịch đó.

Ví dụ: Tranh chấp về hợp đồng thuê nhà thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là 02 năm.

b) Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về đòi lại tài sản, đòi lại quyền sử dụng đất do người khác quản lý, chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 1: Ngày 01-01-2008, A cho B vay 500 triệu đồng, thời hạn vay là 1 năm. Đến ngày 01-01-2009, B không trả tiền gốc và tiền lãi. Đến ngày 03-4-2011, A khởi kiện yêu cầu buộc B trả lại khoản tiền gốc và tiền lãi. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền lãi thì Tòa án không giải quyết vì đã hết thời hiệu khởi kiện. Đối với yêu cầu thanh toán khoản tiền gốc thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Ví dụ 2: Trường hợp người cho thuê tài sản mà có tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản thì thời hiệu khởi kiện đối với hợp đồng cho thuê tài sản được xác định theo quy định tại Điều 427 của Bộ luật dân sự năm 2005. Đối với tranh chấp về đòi lại tài sản cho thuê do người khác đang quản lý, chiếm hữu thì căn cứ hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và điểm b khoản 3 của Điều này không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Ví dụ 3: Đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ mà có tranh chấp về việc ai có quyền sở hữu đối với quyền sở hữu trí tuệ đó thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nếu tranh chấp các giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ thì áp dụng thời hiệu tương ứng đối với giao dịch quyền sở hữu trí tuệ đó.

4. Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện và không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều này, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Ví dụ: Điều 111 Luật Đường sắt quy định "Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về hợp đồng trong hoạt động kinh doanh đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về trọng tài thương mại".

5. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:

a) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm;

b) Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm;

c) Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này;

d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày bị xâm phạm.

đ) Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,..., thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,... là ngày bị xâm phạm.

e) Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.

g) Trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều này nếu các bên có thoả thuận khác về thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được xác định theo thoả thuận của các bên.

6. Theo quy định tại Điều 160 của BLTTDS thì các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự; do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện,... được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Điều 24. Về thời hiệu yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 159 của BLTTDS

1. Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu yêu cầu thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.

Ví dụ 1: Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài quy định tại Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại.

Ví dụ 2: Đối với yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì thời hạn yêu cầu là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam quy định tại Điều 360 của BLTTDS.

2. Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự mà trong văn bản quy phạm pháp luật không quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 159 của BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.

Ví dụ: Đối với yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu quy định tại khoản 6 Điều 26 của BLTTDSĐiều 45 của Luật Công chứng thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là một năm kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

3. Đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự liên quan đến quyền dân sự về nhân thân của cá nhân sau đây, thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu:

a) Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu hủy bỏ quyết định một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 319 và Điều 322 của BLTTDS;

b) Yêu cầu tuyên bố một người mất tích; hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích quy định tại Điều 330 và Điều 333 của BLTTDS;

c) Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết; yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết quy định tại Điều 335 và Điều 338 của BLTTDS;

d) Yêu cầu hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 41 của Luật Hôn nhân và Gia đình;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu

Thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu.

Ví dụ: Theo quy định tại Điều 45 của Luật Công chứng, thì Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền và lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này thời điểm bắt đầu thời hiệu yêu cầu được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu. Ngày phát sinh quyền yêu cầu là ngày biết được việc công chứng có vi phạm pháp luật.

Điều 25. Các mẫu văn bản tố tụng

Ban hành kèm theo Nghị quyết này các mẫu văn bản tố tụng sau đây:

1. Bản án dân sự sơ thẩm (Mẫu số 01);

2. Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Mẫu số 02).

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 03-12-2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và hướng dẫn về các vấn đề đã được hướng dẫn tại Nghị quyết này của Tòa án nhân dân tối cao ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2013.

2. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động mà Tòa án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.

Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có căn cứ kháng nghị khác.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; (để giám sát)
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; (để giám sát)
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; (để giám sát)
- Văn phòng Trung ương Đảng; (để báo cáo)
- Văn phòng Chủ tịch nước; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ 02 bản; (để đăng Công báo)
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (để phối hợp)
- Bộ Tư pháp; (để phối hợp)
- Thanh tra Chính phủ; (để phối hợp)
- Bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; (để phối hợp)
- Tòa án nhân dân các cấp;
(để thực hiện)
- Các Thẩm phán và các đơn vị TANDTC; (để thực hiện)
- Trang thông tin điện tử TANDTC (để đăng);
- Lưu: VT VP, VT Viện KHXX TANDTC.

TM. HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
CHÁNH ÁN





Trương Hoà Bình

 

Mẫu số 01 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN.......(1)

--------

Bản án số:(2)....../......./.......

Ngày:(3) .......-........-..........

V/v tranh chấp(4).................

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

NHÂN DANH

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA ÁN NHÂN DÂN (5)..............................

Với thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có:(6)

Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà: Ông (Bà)

Thẩm phán: Ông (Bà)

Các Hội thẩm nhân dân:

1. Ông (Bà)

2. Ông (Bà)

3. Ông (Bà)

Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà: Ông (Bà) …………………………..

cán bộ Toà án(7)

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân(8)....................... tham gia phiên toà:

Ông (Bà)........................................................... Kiểm sát viên.

Trong các ngày........ tháng........ năm........(9) tại................................ xét xử sơ thẩm công khai(10) vụ án thụ lý số:.........../.........../TLST-..........(11) ngày........ tháng........ năm........ về tranh chấp........................................(12) theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:................./................/QĐXX-ST ngày........ tháng........ năm........ giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:(13)

.................................................................................................

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:(14)

.................................................................................................

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:(15)

.................................................................................................

2. Bị đơn: (16)

.................................................................................................

Người đại diện hợp pháp của bị đơn:(17)

.................................................................................................

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:(18)

.................................................................................................

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:(19)

.................................................................................................

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:(20)

.................................................................................................

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:(21)

.................................................................................................

4. Người phiên dịch:(22)

.................................................................................................

5. Người giám định:(23)

.................................................................................................

NHẬN THẤY: (24)

.................................................................................................

.................................................................................................

.................................................................................................

XÉT THẤY:

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:(25)

- ...............................................................................................

- ...............................................................................................

- ...............................................................................................

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:(26)

................................................................................................

................................................................................................

..............................................................................................(27)

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 01:

Mẫu bản án sơ thẩm kèm theo bản hướng dẫn này được soạn thảo theo tinh thần quy định tại Điều 238 của Bộ luật tố tụng dân sự. Mẫu bản án sơ thẩm kèm theo hướng dẫn này được sử dụng cho tất cả các Toà án khi xét xử sơ thẩm các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc ghi số, ký hiệu và trích yếu trong bản án sơ thẩm phải thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Sau đây là những hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng mẫu bản án sơ thẩm kèm theo:

(1) Nếu là Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì ghi rõ tên Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội); nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam).

(2) Ô thứ nhất ghi số bản án, ô thứ hai ghi năm ra bản án theo đúng tinh thần hướng dẫn của Chính phủ về cách ghi số văn bản, ô thứ ba ghi ký hiệu loại bản án theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (ví dụ: Nếu là bản án giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình năm 2012 có số 108 thì ghi: Số: 108/2012/HNGĐ-ST).

(3) Ghi ngày, tháng, năm tuyên án không phân biệt vụ án được xét xử sơ thẩm và kết thúc trong một ngày hay được xét xử sơ thẩm trong nhiều ngày.

(4) Ghi đúng theo việc ghi trích yếu được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

(5) Ghi như hướng dẫn tại điểm (1).

(6) Nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm ba người, thì chỉ ghi họ và tên của Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, bỏ dòng “Thẩm phán...”, đối với Hội thẩm nhân dân chỉ ghi họ và tên của hai Hội thẩm nhân dân; nếu Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm có năm người, thì ghi họ và tên của Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà, họ và tên của Thẩm phán, họ và tên của cả ba Hội thẩm nhân dân. Cần chú ý là không ghi chức vụ của Thẩm phán; chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân.

(7) Ghi họ tên của Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà và tên của Toà án, nơi Thư ký Toà án công tác như hướng dẫn tại điểm (1).

(8) Nếu có Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà thì ghi như hướng dẫn tại điểm (1) song đổi các chữ “Toà án nhân dân” thành “Viện kiểm sát nhân dân”.

(9) Trong trường hợp vụ án được xét xử và kết thúc trong một ngày thì bỏ hai chữ “Trong các” (ví dụ: Ngày 15 tháng 3 năm 2012 tại...).

Trong trường hợp vụ án được xét xử trong hai ngày trở lên, nếu số ngày tương đối ít thì có thể ghi đủ số ngày (ví dụ: Trong các ngày 3, 4 và 5 tháng 3...); nếu số ngày nhiều liền nhau thì ghi từ ngày đến ngày (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 7 đến 11 tháng 3 năm ....); nếu khác tháng mà xét xử liên tục thì ghi từ ngày... tháng... đến ngày... tháng... (ví dụ: Trong các ngày từ ngày 28-2 đến ngày 02-3 năm...), nếu không xét xử liên tục thì ghi các ngày của từng tháng (Ví dụ: Trong các ngày 30, 31 tháng 3 và các ngày 04, 05 tháng 4 năm...).

(10) Nếu xét xử kín thì thay hai chữ “công khai” bằng chữ “kín”.

(11) Ô thứ nhất ghi số thụ lý, ô thứ hai ghi năm thụ lý và ô thứ ba nếu là tranh chấp về dân sự thì ghi “DS”; nếu là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thì ghi “HNGĐ”; nếu là tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì ghi “KDTM”; nếu là tranh chấp về lao động thì ghi “LĐ” (ví dụ: số 18/2012/TLST-HNGĐ).

(12) Ghi như hướng dẫn tại điểm (4).

(13) Nguyên đơn là cá nhân thì ghi họ tên, địa chỉ cư trú. Nếu nguyên đơn là người chưa thành niên thì sau họ tên cần ghi thêm ngày, tháng, năm sinh.

Nguyên đơn là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và địa chỉ của cơ quan, tổ chức đó.

(14) Chỉ ghi khi có người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và ghi họ tên, địa chỉ cư trú; ghi rõ là người đại diện theo pháp luật hay là người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn; nếu là người đại diện theo pháp luật thì cần ghi chú trong ngoặc đơn quan hệ giữa người đó với nguyên đơn; nếu là người đại diện theo uỷ quyền thì cần ghi chú trong ngoặc đơn: “văn bản uỷ quyền ngày... tháng... năm...”.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A trú tại... là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn (Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi).

Ví dụ 2: Bà Lê Thị B trú tại... là người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn (Văn bản uỷ quyền ngày... tháng... năm...).

(15) Chỉ ghi khi có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Ghi họ tên, địa chỉ cư trú (nếu là Luật sư thì ghi là Luật sư của Văn phòng luật sư nào và thuộc Đoàn luật sư nào); nếu có nhiều nguyên đơn thì ghi cụ thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn nào.

(16) và (19) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (13).

(17) và (20) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (14).

(18) và (21) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (15).

(22) và (23) Ghi họ tên, địa chỉ nơi làm việc (nếu không có nơi làm việc thì ghi địa chỉ cư trú).

(24) Trong phần này ghi quan hệ được xác lập giữa các đương sự dẫn đến có tranh chấp; các vấn đề cụ thể mà người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết; yêu cầu phản tố (nếu có) và đề nghị cụ thể của bị đơn; yêu cầu độc lập và đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chú ý không mô tả diễn biến sự việc theo lời trình bày của các đương sự).

Ví dụ 1: Trong đơn khởi kiện ngày... tháng... năm... (được bổ sung ngày... tháng... năm..., (nếu có)), nguyên đơn là... trình bày giữa nguyên đơn và bị đơn là... có giao kết hợp đồng kinh doanh thương mại về vận chuyển hàng hoá. Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, nên nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết buộc bị đơn: (các yêu cầu cụ thể).

Tại văn bản phản tố ngày... tháng... năm... (hoặc tại văn bản ngày... tháng... năm..., hoặc tại phiên toà sơ thẩm) bị đơn có yêu cầu, đề nghị Toà án giải quyết (các yêu cầu, đề nghị cụ thể).

Tại văn bản ngày... tháng... năm... (hoặc tại phiên toà sơ thẩm) người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là... (nếu có) có yêu cầu độc lập, đề nghị: (các yêu cầu, đề nghị cụ thể).

Ví dụ 2: Trong đơn khởi kiện (đơn xin ly hôn) ngày... tháng... năm... (được bổ sung ngày... tháng... năm..., (nếu có)) nguyên đơn là... trình bày giữa nguyên đơn và bị đơn là... đăng ký kết hôn ngày... tháng... năm... Do tình trạng hôn nhân ngày càng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, nên nguyên đơn yêu cầu Toà án giải quyết (các yêu cầu cụ thể: ly hôn, nuôi con, chia tài sản chung...).

Tại văn bản ngày... tháng... năm... (hoặc tại phiên toà sơ thẩm) bị đơn là... có yêu cầu, đề nghị Toà án giải quyết (các yêu cầu, đề nghị cụ thể).

Tại văn bản ngày... tháng... năm... (hoặc tại phiên toà sơ thẩm) người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là... (nếu có) có yêu cầu độc lập, đề nghị (các yêu cầu, đề nghị cụ thể).

(25) Trong phần này ghi nhận định của Toà án, phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận từng yêu cầu, đề nghị cụ thể của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát (nếu có). Cần viện dẫn điểm, khoản và điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận.

(26) Trong phần này ghi áp dụng điểm, khoản, điều luật của văn bản quy phạm pháp luật mà Toà án căn cứ để ra quyết định. Ghi các quyết định của Toà án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.

(27) Phần cuối cùng của bản án, nếu là bản án gốc được thông qua tại phòng nghị án thì cần phải có đầy đủ chữ ký, họ và tên của các thành viên Hội đồng xét xử (bản án này phải lưu vào hồ sơ vụ án); nếu là bản án chính để gửi cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp thì cần ghi như sau:

 

Nơi nhận:

(Ghi những nơi mà Toà án cấp sơ thẩm phải giao hoặc gửi bản án theo quy định tại Điều 241 của Bộ luật tố tụng dân sự và những nơi cần lưu bản án chính).

T.M HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM

ThẨm phán - ChỦ tỌA phiên toà

(Ký tên và đóng dấu của Toà án)

(Họ và tên)

 

Mẫu số 02 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN.........(1)
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:(2)........./........./TA-GCN

............, ngày......... tháng......... năm .........

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

NGƯỜI BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ

TÒA.......................................

Căn cứ vào Điều 41 và Điều 63 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào hồ sơ vụ án.............(3) thụ lý số:......../........./TLST-.......(4) ngày........ tháng........ năm........;

Sau khi xem xét các giấy tờ, tài liệu về điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

CHỨNG NHẬN:

1. Ông (Bà)(5)................................................................................. …..

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của:(6)....................................... …..

Trong vụ án(7)................................................................................. …..

2. Ông (Bà)...................................... thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

 

Nơi nhận:
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Đương sự.......................................;
- Lưu hồ sơ vụ án.

TÒA ÁN NHÂN DÂN ..................

ThẨm phán

(Ký tên và đóng dấu của Toà án)

(Họ và tên)

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 02:

(1) Ghi tên Toà án: Nếu là Toà án nhân dân cấp huyện thì ghi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Toà án nhân dân quận 1, thành phố H); nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh thì ghi Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (Toà án nhân dân thành phố Hà Nội); nếu là Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao thì ghi: Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (ví dụ: Số: 10/2012/TA-GCN).

(3) Ghi đúng theo cách ghi trích yếu được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Ví dụ: Căn cứ vào hồ sơ vụ án tranh chấp về hợp đồng thuê nhà ở.

(4) Ghi đúng theo cách ghi ký hiệu được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03-12-2012 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; nếu là Toà án cấp phúc thẩm thì thay ký hiệu “TLST” bằng ký hiệu “TLPT”. Ví dụ: Số: 215/2012/TLST-LĐ hoặc Số: 217/2012/TLPT-KDTM.

(5) Ghi họ tên, địa chỉ cư trú hoặc nơi làm việc; nếu là Luật sư thì ghi Luật sư của Văn phòng Luật sư nào thuộc Đoàn luật sư nào.

(6) Ghi địa vị pháp lý của đương sự trong vụ án và họ tên. Ví dụ: nguyên đơn là ông (bà)...

(7) Ghi như hướng dẫn tại điểm (3).

THE JUDGES’ COUNCIL OF SUPREME PEOPLE’S COURT
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No.: 03/2012/NQ-HĐTP

Hanoi, December 03rd, 2012

 

RESOLUTION

PROVIDING GUIDLINE FOR THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF PROVISIONS IN PART ONE "GENERAL PROVISIONS" OF THE CIVIL PROCEDURE CODE THAT ARE AMENDED AND SUPPLEMENTED ACCORDING TO LAW ON AMENDMENTS AND SUPPLEMENTS TO A NUMBER OF THE CIVIL PROCEDURE CODE

THE JUDGES’ COUNCIL OF SUPREME PEOPLE’S COURT

Pursuant to the Law on organization of People’s Courts;

To implement conformably and consistently Part one "General Provisions" of the civil procedure code that are amended and supplemented according to the Law on amendments and supplements to a number of the Civil Procedure Code dated March 29th, 2011 (hereinafter referred to as the CPC);

After receiving unified opinions of the Chairpersons of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of Justice,

RESOLVES:

Article 1. Scope of regulation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Tasks and power to resolve civil cases

1. Pursuant to the Law on Organization of People’s Courts and Chapter III Part One of the CPC, tasks and power of Civil, Economic, Labor tribunals of People’s Courts of provinces or central-affiliated cities in civil procedures are specified as follows:

a) Civil tribunals shall have tasks and power to settle civil, marriage and family disputes and petitions specified in Articles 25, 26, 27 and 28 of the CPC;

b) Economic tribunals shall have tasks and power to settle business and trade disputes and petitions specified in Articles 29 and 30 of the CPC; business and trade disputes where one or both parties have not conducted business registration but both have profitable purposes;

c) Labor tribunals shall have tasks and power to settle labor disputes and petitions specified in Articles 31 and 32 of the CPC;

d) In case where it is difficult to determine the tribunal whose tasks and power covers a dispute or petition though being pursuant to guidelines in points a, b and c clause 1 of this Article, the Executive judge of People’s Courts of province or central-affiliated city shall make decision to assign a tribunal to settle such dispute/petition according to general procedures. If it is not until the civil case has been accepted by a tribunal is it discovered that such case falls within tasks and power of another tribunal, the former one shall continue the settlement of the civil case according to general provisions; in such case, numbers, codes and subjects shall be written on the judgment/decision according to the guidance in Article 3 of this Resolution.

2. The Civil, Economic, Labor tribunals of the Supreme People’s Court shall conduct cassation or reopening trials of the corresponding cases guided in clause 1 of this Article where effective judgment and decision of People’s Courts of provinces are appealed against.

Article 3. Provisions for numbers, codes and subjects of civil judgments/decisions

Apart from writing the judgment/decision's number and year of issue, codes and subjects in judgments/decisions on the settlement of civil, marriage and family, business, trade and labor disputes and petitions shall be written as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Codes:

- For first-instance judgments: DS-ST

Ex: No.: 20/2013/DS-ST

- For appellate judgments: DS-PT

Ex: No.: 10/2013/DS-PT

- For cassation decisions: DS-GĐT

Ex: No.: 05/2013/DS-GĐT

- For reopening decisions: DS-TT

Ex: No.: 01/2013/DS-TT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- The types of the disputes accepted by the Courts must be determined according to provisions of Article 25 of the CPC to be written in the subjects of the judgments/decisions.

Ex: The dispute accepted by the Court is a dispute between an individual and an individual about Vietnamese nationality specified in clause 1 Article 25 of the CPC, then the subject shall be written: “V/v tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam” (Re. dispute over the Vietnamese nationality among individuals).

- In case the corresponding provision of Article 25 of the CPC prescribes about group of disputes, the types of disputes to be settled shall be specified.

Ex: The dispute accepted by the Court is a dispute about civil contracts provided for in clause 3 Article 25 of the CPC, the type of civil dispute shall be specified; if the contract is a house lease contract, then the subject shall be written: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự thuê nhà ở” (Re. dispute over house-leasing civil contract); if the contract is a passenger-transporting contract, then the subject shall be written: “V/v tranh chấp về hợp đồng dân sự vận chuyển hành khách” (Re. dispute over passenger-transporting civil contract).

2. Regarding decisions on settlement of civil matters

a) Signs:

- For first-instance decisions: QĐDS-ST

Ex: No.: 01/2013/QĐDS-ST

- For appellate decisions: QĐDS-PT

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For cassation decisions: QĐDS-GĐT

Ex: No.: 15/2013/QĐDS-GĐT

- For reopening decisions: QĐDS-TT

Ex: No.: 10/2013/QĐDS-TT.

b) Subjects:

The types of the petitions accepted by the Courts must be determined according to provisions of Article 26 of the CPC to be written in the subjects of the decisions.

Ex: If the petition accepted by the Court is a petition to declare a person missing specified in clause 3 Article 26 of the CPC, then the subject shall be written: "“V/v yêu cầu tuyên bố một người mất tích” (Re. petition to declare a person missing)

3. Regarding judgments/decisions on the settlement of family, business, trade, labor disputes and petitions, the writing of signs and subjects shall be carried out according to provisions for the ones of judgments and decisions on the settlement of civil disputes and petitions, where “DS” shall be replaced by the corresponding signs, including “HNGĐ"; “KDTM"; “LĐ".

Ex:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

- For first-instance for settlement of labor petitions: No.: 10/2013/QĐLĐ-ST.

Article 4. Provisions in clause 9 Article 25 and clause 6 Article 26 of the CPC

1. If the petitioners for notarization, witness, persons with related rights and interests and competent state agencies according to regulations of the Law on Notarization have disputes with each other on the declaration of notarized documents invalid may petition the Courts to declare the notarized documents invalid as provided for in clause 9 Article 25 of the CPC.

2. If the petitioners for notarization, witness, persons with related rights and interests and competent state agencies according to regulations of the Law on Notarization believe that the notarization is unconformable to law and petition the Courts to declare the notarized documents invalid, they may petition the Courts to declare the notarized documents invalid as prescribed in clause 6 Article 26 of the CPC.

Article 5. Provisions in clause 10 Article 25 and clause 7 Article 26 of the CPC

1. Regarding properties forfeited to enforce judgments being in disputes about right to ownership, the involved parties and people involved in the disputes (specified in Article 75 of the Law on Civil judgment enforcement) may initiate lawsuits over the disputes related to the forfeited properties to enforce judgments specified in clause 10 Article 25 of the CPC to petition the Courts to determine the ownership and division of common properties.

Ex 1: According to the judgment of the Court, A must pay VND 500,000,000 to B. A did not voluntarily execute the judgment and the judgment enforcement agency notifies A of the forfeiture of his/her land use right being A’s property. C and D deem that the land use right is common property of A, C and D and initiate lawsuits to petition the Court to determine the possessions of C and D in the common property of A, C and D. In such case, the Court shall base itself on the provisions in clause 1 Article 74 of the Law on civil judgment enforcement and clause 10 Article 25 of the CPC to decide to accept and settle the case according to general procedures.

Ex 1: According to the judgment of the Court, A must pay VND 500,000,000 to B. A did not voluntarily enforce the judgment and the judgment enforcement agency coerces the land use right bearing A’s name to serve the judgment enforcement. C deems that the land use right is his/her own property that bears A’s name because on his/her behalf and initiate lawsuits to petition the Court to verify his/her ownership towards such land use right. In such case, the Court shall base itself on provisions of Article 75 of the Law on civil judgment enforcement and clause 10 Article 25 of the CPC to accept and settle such case according to general procedures.

2. Petitions for determination of the right to ownership and the right to enjoyment towards property; division of common property for the judgment enforcement according to law provisions to enforce civil judgment (clause 1 Article 74 of the Law on civil judgment enforcement) falling within the jurisdiction of the Court according to provisions clause 7 Article 26 of the CPC. To be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) There are grounds for presuming that such property is a common property and the judgment debtor is one of the owners, the ownership rates of the judgment debtor in the common property shall be determined to ensure the judgment enforcement;

c) There are grounds for presuming that the land use right belongs to the judgment debtor, his/her land use right shall be determined to ensure the judgment enforcement;

d) There are grounds for presuming that the land use right is a common property and the judgment debtor is one of the owners, the ownership rates of the judgment debtor in the common property shall be determined to ensure the judgment enforcement;

Ex: According to the Court’s judgment, A must pay VND 500,000,000 to B but A fails to voluntarily execute the judgment, then the judgment enforcement agency notifies A of the forfeiture of land use right being A’s property but A deems that such land use right is a common property of A and C. A and C do not determine their contributions in the common property nor initiate lawsuits. In such case, if B petitions for determination of the contribution of the judgment debtor in the common property, the Court shall base itself on provisions of clause 1 Article 74 of the Law on civil judgment enforcement and clause 7 Article 26 of the CPC to accept and settle such case according to general procedures.

Article 6. Provisions of Article 29 of the CPC

1. Individuals and/or organizations with business registration are individuals and/or organizations that have obtained Certificate of Business registration issued by business registration authorities according to law provisions, including:

a) Individual, household, artel (according to the Civil Code 2005, the Law on Commerce and other legislative documents pertaining to business registration);

b) Enterprise (according to the Law on Enterprise and legislative documents providing guidance on the implementation thereof);

c) Cooperatives, cooperative unions (according to the Law on Cooperatives and legislative documents providing guidance on the implementation thereof);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Purpose of profits of individuals and/or organizations in business and trade activities are desires of such individuals/organizations to collect profits, regardless of whether or not such profits are collected from such business/trade activities.

3. Business and/or trade activities are activities for the profitable purpose, including the goods purchase, service provision, commercial investment and promotion and other activities for profitable purpose specified in clause 1 Article 3 of the Law on Commerce. Business and trade activities are not only direct activities according to business and/or trade registration but also other activities serving the promotion and increase of the efficiency of business and/or trade activities.

Ex: “A” limited liability company obtained the Certificate of Business registration in field of apparel. The operation of "A" Company is not only within the production of apparels to the market but also the purchase of raw materials for the production, construction of workshops, purchase of equipment, lease of vehicles for transporting employees or for the purchase of televisions for employees to relax after work, etc.

4. Regarding disputes specified in Article 29 of the CPC, individuals and/or organizations are not required to obtain business registration but are only required to have profitable purpose from the business and/or trade activities; if only 1 party has profitable purpose, such dispute shall be civil dispute provided for in clause 4 Article 25 of the CPC.

5. Disputes between a company and its members or among members of a company regarding the establishment, operation, dissolution, merger, amalgamation, division or organizational transformation of a company specified in clause 3 Article 29 of the CPC shall be separated as follows:

a) A dispute between a company and its members is a dispute regarding the capital holding of each member in the company (usually, such capital holding is calculated by money or by objects or the value of the right to ownership of industrial property); regarding the face value of stocks and the issued stocks (applicable to joint stock companies); regarding the right to ownership to a part of asset of the company in proportion to the contribution to the company; regarding the right to receive prohibits or obligation to bear the losses in proportion to the contribution to the company; regarding the petitions to the company for transform or settlement of loans of the company, disposal of asset and of contracts that the company has concluded when conducting the dissolution of the company; or regarding other matters related to the establishment, operation, dissolution, merger, amalgamation, division or organizational transformation of the company.

b) A dispute among members of a company is a dispute between members of a company regarding value of their contributions to the company; regarding the transfer of capital holdings in the company between members of the company or the transfer of capital holding in the company of a member of the company to a person who is not a member of the company; regarding the transfer of bearer shares and registered shares; regarding face value of stocks, issued stocks and bonds of the joint stock company or regarding the right to ownership of the property in proportion to the shares of each member of the company; regarding the right to receive profits or the obligation to bear the losses and to settle loans of the company; regarding the disposal of property and the sharing of loans of members of the company in case the company is dissolved; or regarding other matters between members of the company related to the establishment, operation, dissolution, merger, amalgamation, division or organizational transformation of the company.

c) When implementing guidance in points a and b clause 5 of this Article, any dispute between the company and its members or among members of the company not related to the establishment, operation, resolution, merger, amalgamation or organization transformation of such company but only related to other relationship like labor or civil relationship (for example disputes regarding social insurance, employee benefits, labor contract, loan contract, property borrowing contract, etc.) shall not be a dispute regarding business and/or trade specified in clause 3 Article 29 of the CPC. On a case-by-case basis, a dispute shall be determined to be a civil or labor dispute.

Article 7. Provisions of clause 3 Article 33 of the CPC

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Involved parties being foreigners who do not settle, study or work in Vietnam and are present in Vietnam at the time the Courts accept the civil cases;

b) Involved parties being Vietnamese persons who settle, study or work in foreign countries and are present in or absent from Vietnam at the time the Courts accept the civil cases;

c) Involved parties being foreigners who settle, study or work in Vietnam and are absent from Vietnam at the time the Courts accept the civil cases;

d) Involved parties being Vietnamese persons who settle, study or work in Vietnam and are absent from Vietnam at the time the Courts accept the civil cases;

dd) Agencies or organizations, regardless of whether they are foreign or Vietnamese agencies/organizations, which do not have headquarters, branches or representative offices in Vietnam at the time the Courts accept the civil cases.

2. Regarding petitions for dissolution of illegal marriage, settlement of divorce and disputes about rights and obligations of spouses, parents and children, about adoption of parents or children and guardians between Vietnamese citizens residing in border area and citizens of neighbor countries, as prescribed in clause 3 Article 102 of the Law on Marriage and Family, fall within the jurisdiction of People’s Courts of districts or provincial cities where the Vietnamese citizens reside.

3. Overseas properties

Overseas properties are properties determined according to regulations in the Civil Code 2005 outside the Socialist Republic of Vietnam at the time the Courts accept the civil cases.

4. Overseas representative offices of the Socialist Republic of Vietnam, foreign Courts and/or competent authorities shall be petitioned for judicial assistance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Not changing the jurisdiction of courts

a) Regarding civil cases other than those specified in clause 3 Article 33 of the CPC, guided in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article and accepted intra vires by People’s Courts of districts, if an issue arises during the settlement, like an involved party or a property is overseas or it is necessary that overseas representative offices of the Socialist Republic of Vietnam or foreign Courts and/or competent authorities are petitioned for judicial assistance, according to provisions of Article 412 of the CPC, the People’s Court of district which has accepted the civil case shall continue the settlement of such case.

b) Regarding civil cases specified in clause 3 Article 33 of the CPC, guided in clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article and accepted intra vires by People’s Courts of provinces, if during the settlement of such case, there is no longer involved party or property being overseas and it is no longer necessary to petition an overseas representative office of the Socialist Republic of Vietnam or a foreign Court or competent authority for judicial assistance, according to provisions of Article 412 of the CPC, the People’s Court of province which has accepted the civil case shall continue the settlement of such case.

Article 8. Provisions of Article 35 of the CPC

1. For general rules, territorial jurisdiction of Courts to settle civil lawsuits shall be determined according to provisions of point a clause 1 Article 35 of the CPC.

2. If involved parties reach an agreement in writing, they may petition the Court where the plaintiff resides or works, applicable to plaintiffs being individuals, or where the plaintiff is headquartered, applicable to plaintiffs being agencies or organizations, to settle. Such agreement must not be contrary to provisions of Articles 33 and 34 of the CPC.

Ex: In a case, plaintiff A resides in M district of N province and defendant B resides in X district of Y province. According to the rule, the Court of X district Y province where defendant B resides shall have the jurisdiction. If parties reach an agreement that the Court of where plaintiff A resides has the jurisdiction, the jurisdiction of Court level shall be ensured. If the case falls within the jurisdiction of the district-level Court, the agreement shall be approved only when involved parties have reached an agreement that the case will be settled by the Court of M district of N province. If involved parties reach an agreement that the case will be settled by the Court of N province, such agreement shall be rejected.

3. Regarding dispute over real estate specified in point c clause 1 Article 35 of the CPC, only the Court where exits such real estate shall have the jurisdiction to settle it.

4. In cases regarding marriage and family, property inheritance, etc, if there is dispute regarding real estate, the jurisdiction of Court shall be determined according to provisions on points a and b clause 1 Article 35 of the CPC.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Provisions of Article 36 of the CPC

1. When considering the petition of a plaintiff to choose a Court to settle a civil case, apart from complying with regulations in Articles 33 and 34 of the CPC on jurisdiction of Court levels, the following matters shall be paid attention to:

a) For cases which are provided for in Article 36 of the CPC that petitions for the choosing of Courts to settle civil cases must be conditional, the Court shall accept the petitions only when such conditions are satisfied.

Ex: Point a clause 1 Article 36 of the CPC states that: "If the plaintiffs do not know where the defendants reside or work or where their head-offices are located, they may ask the courts of the areas where the defendants last reside or work or where the head-offices of the defendants are last located or where the defendants' properties are located to settle cases”. Thus, only in cases where the plaintiffs do not know where the defendants reside or work or where their head-offices are located may the plaintiffs petition the courts of the areas where the defendants last reside or work or where the head-offices of the defendants are last located or where the defendants' properties are located to settle cases.

b) For cases which are provided for in Article 36 of the CPC that petitions for the choosing of Courts to settle civil cases are unconditional, the Court shall accept such petitions.

Ex: Point d clause 1 Article 36 of the CPC states that: "If disputes are over compensation for non-contractual damage, the plaintiffs may ask the courts of the areas where they reside, work or are headquartered or where the damage is caused to settle them”. Thus, in such case, the petitions for choosing Courts to settle the civil disputes do not require any conditions and the plaintiffs may petition the Courts where they reside, work or where their head offices are located or where exists the damages subject to settlement and the Courts shall accept such petitions.

2. In cases where the plaintiffs/petitioners may choose multiple Courts which are jurisditional to settle civil cases (ex: The Court where the defendant last resides or works or where its head office is located or where exists the defendant’s property specified in point a clause 1 Article 36 of the CPC), then when receiving the petitions, the Court shall explain them that only one of Courts provided for in the Article has the jurisdiction to settle the civil cases so that they can choose. Therefore, the petitioners must state in the petitions the undertaking to not initiate lawsuits or not initiate lawsuits in other Courts.

In case where the petitions submit the petitions to different Courts according to law provisions, the Courts that first accept such petitions shall have the jurisdiction to settle the civil cases.  Other Courts which have not accepted the petitions shall return the petitions to the involved parties according to provisions of point dd clause 1 Article 168 of the CPC to. If they have accepted the petitions, according to point dd Article 168 and point i clause 1 Article 192 of the CPC, they shall make decisions to terminate the resolution of civil cases and cross out such cases in their acceptance books and return the petitions enclosed with the accompanying materials and evidences to the involved parties.

If the involved parties have paid the court fee advances, the Courts shall return them the court fee advances pursuant to clause 3 Article 193 of the CPC.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

When deeming that the accepted civil cases do not within their jurisdiction but of other Courts, the Courts which have accepted such cases shall issue decisions to forward the dossiers of such civil cases to the jurisdictional Courts and cross out such cases in their acceptance books. If the involved parties have paid the court fee advances, the Courts forwarding the dossiers of the civil cases shall not return such advances to the involved parties; such advance amounts shall be handled when the jurisdictional Courts process the cases. The decisions to forward the civil cases shall bear the signatures of the Judges being assigned to take charge of the cases and the seals of the Courts in charge. Such decisions shall be immediately sent to the Procuracies of the same levels and relevant individuals, agencies and organizations. The jurisdictional Courts which have received the decisions to forward the civil cases and the dossiers of such cases shall recorded them in their acceptance books and continue the proceeding of such cases according to general provisions.

Article 11. Decisions of the Courts in specific cases

1. In case where there are disputes and petitions are submitted to the Courts for settlement, if when the Courts have accepted the cases and during the preparation for first-instance trials, involved parties reach agreements on the settlement of the whole cases, the Courts shall write up minutes on such agreements and make decisions to recognize the agreements of involved parties according to provisions of Article 187 of the CPC.

2. If involved parties petition for recognition of voluntary divorce, child custody and property division upon divorces; petition for recognition of agreements on the change of post-divorce child custodian as prescribed in clauses 2 and 3 Article 28 of the CPC; however, when the Courts have accepted the matters and during the settlement of such matters, parties apply for change in the agreements, the settlement shall be proceeded as follows:

a) If involved parties would like to replace the whole or a part of the agreement with a new agreement, the Court shall continue the settlement of the civil matters according to general procedures;

b) If one or both parties would like to change the whole or a part of the agreement but fail to reach another agreement on the matter that has been priorly agreed and are drawn into dispute, the application for recognition shall be considered to be withdrawn. The Court shall base itself on Article 311 and point c clause 1 Article 192 of the CPC to make a decision to terminate the settlement of the civil matter. In such case, the Court shall explain the involved parties that they must initiate civil lawsuits according to general procedures if they would like the Court to settle the matter.

Article 12. Provisions of Article 43 of the CPC

“Court clerks” specified in Article 43 of the CPC are proceeding officers including public employees who are appointed to work as “Court clerks” and who are appointed to work as “Legal experts”, “Ombudspersons” who are assigned by the Executive Judges of the Courts to proceed civil cases and exercise tasks and powers specified in Article 43 of the CPC.

Article 13. Provisions of Article 46 of the CPC

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Relatives of involved parties are persons who have the following relationships with the involved parties:

a) Being husbands, wives, natural fathers, natural mothers, adoptive fathers, adoptive mothers, natural children, adoptive children of the involved parties;

b) Being paternal grandfathers, paternal grandmothers, maternal grandfathers, maternal grandmothers, full brothers or full sisters of the involved parties;

c) Being paternal uncles, maternal uncles, paternal aunts, maternal aunts of the involved parties;

d) Being grandchildren, nephews or nieces of the involved parties.

3. Having good grounds presuming that they are not impartial while on duty means excepting for cases specified in clauses 1 and 2 Article 46 of the CPC, in other cases (such as romantic relationship, relationship between parents of wife and parents of husband, work relationship, economic relationship, etc.), there are good grounds presuming that the Judges, People’s Jurors, Procurators or the Court Clerks are not impartial while on duty. Ex: The People’s Juror is the plaintiff’s twinning brother; the Judge is the son in law of the defendant; the person with relevant interests and duties is the Head of the office where the wife of the Judge works, etc. and there are good grounds presuming that in actual life, they have a close relationship with each other or have an economic relationship, etc.

It is considered that there are good grounds to believe that they may not be impartial while on duty if within the same civil lawsuit trial, the Procurator, the Judge, the People’s Juror and the Court Clerk are mutual relatives, or if the Judge, the People’s Juror or the Procurator who is assigned to adjudicate the appellate trial for a civil lawsuit having their relatives being the Judge, the People’s Juror or the Procurator have conducted the first-instance trial, appellate trial of that lawsuit.

Article 14. Provisions in clauses 2 and 3 Article 47 of the CPC

1. As prescribed in clause 2 Article 47 of the CPC, the Judge and the People’s Juror must refuse to process the procedures or must be replaced if they are members of the same panel and are relatives. However, when there are two persons in the Trial Panel are relatives, only one of them shall be replaced or compelled to refuse. The determination of persons to be replaced shall be decided by the Executive Judge of the Court, applicable to the replacement before the opening of the trial, or by the Trial Panel, applicable to the replacement during the trial. The determination of whether the Judge and the People’s Juror in the same Trial Panel are mutual relatives is performed according to the guidance in clause 2 Article 13 of this Resolution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Provisions of clause 2 Article 51 of the CPC

1. At court sessions, the persons who petition replacement of proceeding officers must clearly state the reasons for and grounds of their petitions.

The Trial Panel shall hear the replaced persons presenting their opinions on the petitions for replacement of proceeding officers.

The petitions for replacement of people conducting legal proceedings and the statements of the petitioners or of the people petitioned to be replaced must be fully recorded in the minutes of the court session. The Trial Panel shall discuss them at the deliberation room and base itself on the provisions of Articles 46, 47, 48 and 49 of the CPC and the guidance in Articles 13 and 14 of this Resolution to decide under the majority rule whether to replace the proceeding officers.

In case where the proceeding officers are decided to be replaced, the decision shall clearly state the postponement of the court session and petition the competent persons to assign another person for the replacement within three days from the day on which the decision and the duration of court session postponement are received.

2. The decision on replacement or non-replacement of the proceeding officers must be publicly announced at the court session by the Trial Panel. The decision on replacement of the proceeding officers must be immediately sent to competent persons specified in clause 2 Article 51 of the CPC.

Article 16. Provisions of clause 3 Article 57 of the CPC

As prescribed in clause 3 Article 57 of the CPC: “The involved parties being persons aged full 18 years or older shall have full civil procedure act capacity, except for persons lacking legal capacity, persons with limited capacity of exercise or except otherwise provided for by law”. Thus, apart from excepting persons with lack of legal capacity and persons with limited capacity of exercise, if in case of otherwise provided for by law, persons who are not full 18 years may have full civil procedure act capacity and vice versa, persons who are full years may not have full civil procedure act capacity. Hence, to determine exactly the civil procedure act capacity of a specific person, apart from the provisions of the CPC, the Court shall consider whether there is a legislative document otherwise provides for his/her civil procedure act capacity.

Ex 1: For case where a person is aged full 18 years but has full civil procedure act capacity. As prescribed in Article 9 of the Law on marriage and family, a female aged 18 years or older may get married and as guided in point a section 1 of Resolution No. 02/2000/NQ-HĐTP dated 23-12-2000 by the Judge's Council of the Supreme People’s Court, a female turning 18 years old who gets married is not contrary to law provisions; thus, she shall be entitled to participate to civil procedures for a marriage and family case by herself.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 17. Provisions of point dd clause 2 Article 58 of the CPC

1. Involved parties shall be allowed to take notes, make photocopies of documents and/or evidences included in the case files before the Courts open the court trials for the cases. When being petitioned to take notes or make photocopies of documents and/or evidences, involved parties shall file applications to the competent Courts. If the involved parties have directly come to Courts to present their application for taking notes and making photocopies of documents and evidences, they shall send written applications to the Courts as well. If the involved parties are illiterate, the Court shall record to minutes clearly stating their petitions. Such minutes shall be read out to the petitioners then shall bear signatures or fingerprints of the petitioners.

Applications or written petitions must specify names of documents and evidences to be taken notes or made photocopies.

2. On the basis of petitions of the involved parties, the Courts shall enable them to take notes and make photocopies of documents and evidences that they have petitioned. However, according to regulations on the storage of case files, regarding responsibility of officers and public employees of proceeding authorities in the storage of case files, the Court shall petition involved parties to exercise the right to take notes and make photocopies of documents and evidences included in case files as follows:

a) The Courts shall provided involved parties with documents and evidences to be taken notes and to be made photocopies at their petitions so that they can take notes and make photocopies using their cameras or other technical means. Such documents and evidences must be related to the case files and must not be relevant to the State secrets, professional secrets, business secrets or private secrets. If the Courts refuse to provide documents at the petitions of the involved parties, explanation must be made.

b) In case where the involved parties do not have cameras or other technical means to take notes or make photocopies by themselves and petition the Courts to do it for them, depending on specific conditions and human resources of the Courts, involved parties must pay the photocopy fees to the Courts according to general provisions, if the Courts agree to help them to make photocopies. The photocopies may be made immediately or within a reasonable duration designated by the Courts.

c) Documents and evidences must be taken notes or made photocopies at the head offices of the Courts under the supervision of Courts’ officers according to law on the protection of the State secrets, professional secrets, business secrets and private secrets.

Article 18. Provisions of Article 63 of the CPC

1. On a case-by-case basis, any person who is petitioned by an involved party to be defense counsel of his/her legitimate rights and interests must present to the Court the following papers and documents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Regarding Legal aid providers or persons participating in the provision of legal aid, the letter of introduction of the organization providing legal aid appointing him/her to participate in the procedure must be presented and enclosed with his/her Legal-aid provider’s card or his/her card of freelance legal-aid provider.

c) Regarding persons other than those specified in point a and b of this Clause, documents containing the petition of the involved party for the protection of his/her legitimate lawful rights and interests; documents of the People’s Committee of commune, ward or town where such involved party resides or of the agency or organization where he/she works certifying that he/she has no previous conviction, is not currently charged with a criminal act, is other than those liable to an administrative handling measure and is not a cadre or public employee in a Court, Procuracy or Police Department and one of identity papers (like ID card, passport, family register, etc) shall be presented.

2. Within three working days from the day on which satisfactory papers and documents are received, the assigned Judge shall consider settling the case. If conditions are fully satisfied, such person shall be issued with the certificate of defense counsel of legitimate rights and interests of the involved party so that he/she can participate in the procedures. If conditions are not fully satisfied, written notification shall be sent to the involved party and the person applying for being the defense counsel of legitimate rights and interests of the involved party containing the explanation.

3. During the settlement of a case, if a defense counsel of rights and interests of an involved party performs any acts specified in Article 385 of the CPC, the Judge assigned to settle the case shall file a record of the violation of such person.  The record must bear the signature of the person who makes it, of the violator and of the witness. If the violator refuses to append signature to the record, the Judge shall clearly state on the record such refusal. In case where it is deemed that that such violator continues participating in the procedures as the defense counsel of legitimate rights and interests of the involved party will make the settlement of the case partial, the Judge shall not allowed such person to continue participating in the procedures as such role and send written notification to him/her and the involved party.

4. If it is not until the Court is opened does the involved party petition a person to be his/her defense counsel of rights and interests, the Trial Panel shall approve such petition if such person satisfies conditions guided in clause 1 of this Article and such approval does not obstruct the settlement of the case by the Trial Panel.

The Trial Panel shall not approve the petition of the involved party to postpone the court session to petition a person to be his/her defense counsel of rights and interests.

Article 19. Provisions of clause 2 Article 64 of the CPC

Defense counsels of legitimate rights and interests of involved parties may take notes and make photocopies of necessary documents in the case files to defend legitimate rights and interests of the involved parties according to guidance in Article 17 of this Resolution.

Article 20. Provisions in clauses 3, 8 and 9 Article 66 of the CPC

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Being “related to the State secret” means being related to matters (information, news, contents, etc.) in legislative documents of competent agencies which are classified by the law to be “Tuyệt mật” (1st-degree top secret), “Tối mật” (2nd-degree top secret), or “Mật” (Confidential).

b) Being “related to professional secrets, business secrets, private secrets" means being related to professional secrets, business secrets or private secrets of the witness which are protected by the legislation.

c) Regarding “adversely affect or harm the involved parties being close relatives of the witness”.

c1) The determination fo relatives of a witness shall be conducted according to the guidance in clause 2 Article 13 of this Resolution;

c2) “Adversely affect the involved parties” means cases where it may asversely affect the happiness, honor, dignity or prestige or other of the life, work or business of the involved parties who are relatives of the witness if he/she declares what he/she knows;

d) If the witness refuse to make declaration due to reasons guided in points a, b and c clause 1 of this Article, the Judge shall explain them that if his/her refusal to make declaration is ungrounded, he/she must take responsibility according to law.

2. Regarding clause 8 Article 66 of the CPC

a) The trial panel may issue decisions to escort a witness to the court session when the following conditions are fully satisfied:

a1) The witness has been duly summoned;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a3) The absence of the witness from the court session obstructs the settlement of the case;

a4) The witness may be escorted to the court session before the Trial Panel enter the deliberation room for deliberation.

b) The decision to escort the witness shall be immediately sent to Security Police and legal aid forces of People’s Police forces which are competent to be exercised according to regulations in the Circular No. 15/2003/TT-BCA (V19) dated 10-9-2003 by the Ministry of Public Security guiding legal aid activities of Security Police forces and legal aid of People’s Police forces.

3. Regarding clause 9 Article 66 of the CPC

During the prepartion for the trial and at the court session, the Judge or the Trial Panel shall petition the witness to undetake before the Court to exercise his/her rights and obligations, unless the witness is a minor person. Such undertaking shall include:

a) The undertaking that he/she has been clearly explained by the Court the rights and obligations of a witness;

b) The undertaking that he/she makes honest declaration at the Court;

c) The undertaking that he/she take fully legal responsibility for his/her declaration.

During the preparation for the trial, the undertaking of the witness shall be recorded in the witness-testimony taking minute. At the court session, the undertaking of the witness shall be recorded in the minute of the court session.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

As prescribed in clause 2 Article 73 of the CPC, agencies or organizations initiating lawsuites to protect lawful rights and interests of other people shall be also legal representatives in civil procedures of the protected people. In such cases, the agencies or organizations initiating lawsuits shall participate in the procedures through their legal representatives of proxy representatives.

Article 22. Provisions of Article 75 of the CPC

1. As prescribed in point b clause 1 Article 75 of the CPC, a person who is acting as a legal representative in civil procedures for a involved party must not be a legal representative of another person in the same case whose legitimate rights and interests are contrary to those of the represented person. Thus, in a case, a person shall be the legal representative for the involved party he/she is doing.

Ex: B is being the legal representative for the wife who lacks of legal capacity must not be the legal representative for his/her full brother/sister who is a minor in the same case if lawful rights and interests of the wife and his/her brother/sister are contrary to each other. In such case, B shall be only the legal representative for the wife in the civil procedures.

2. As prescribed in clause 3 Article 75 of the CPC, a cadre or a public employee of a Court, Procuracy or Police Department must not act as a legal representative in civil procedures in any of the following cases:

a) He/she is a legal representative of his/her office or a representative authorized by his/her office;

b) He/she is a legal representative of a party (which is not his/her office) in a case.

Article 23. Provisions for the prescriptive periods of lawsuit provided for in clause 3 Article 159 of the CPC

1. Regarding civil disputes for which legislative documents provide regulations on prescriptive periods for initiating lawsuit, such regulations shall be applicable.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex 2: For labor disputes involving individuals, as prescribed in clause 2 Article 202 of the Labor Code, prescriptive periods for initiating lawsuits over labor disputes involving individuals shall be 01 year from the date of determination of the acts which are believed to have infringed their legitimate rights and interests by each party.

Ex 3: For disputes over the division of inheritance, verification of the inheritor’s lawful right to inheritance of a person or refusal of the inheritor’s lawful right to inheritance of another person, as prescribed in Article 645 of the Civil Code 2005, the prescriptive period of lawsuit shall be 10 years from the time of commencing inheritance.

2. Prescriptive periods shall not apply to the following disputes:

a) Disputes over property ownership mean disputes to find out who have the right to possess, use and dispose such property;

Ex: Disputes to find out the persons having housing ownership; any lawsuit initiated shall be accepted by the Court; the approval or disapproval shall be based on law.

b) Disputes over claim back of properties under others’ management or in others’ possession mean disputes over properties under the ownership and legal use of a person but under the management and possession of another person;

Ex: The house is within the ownership of A but is under the management of B; A has documents to prove that the house is within his/her ownership and initiates a lawsuit for claiming his/her house back, then the Court shall accept the case; the approval or disapproval shall be based on other law provisions.

c) Disputes over the land use right according to legislation on land are disputes to find out the person having the right to use such land.

3. Regarding civil disputes arising from civil transaction (contracts for loan of property, contracts for bailment/lease of property, contracts for property package lease, processing contracts, transport contracts, contracts of transferring land use right, contracts of leasing land use right, contracts of sub-lease of land use right):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex: Disputes over house leasing contracts, prescriptive periods applicable to contracts for lease of property shall be determined according to regulations in Article 427 of the Civil Code 2005 which is 02 year.

b) For disputes over the property ownership, over the claiming back of property or claiming back of land use right under the other’s management or possession through civil transaction, then the prescriptive periods for initiating lawsuits shall not be applicable.

Ex 1: On 01-01-2008, A lended out VND 500,000,000 to B for 1-year period. On 01/01/2009, B failed to pay back the principal as well as the interest. 03/4/2011, A initiated a lawsuit petitioning the Court to force B to payback the principal and the interest. The Court shall not settle the claims for payment of interest because the prescriptive period of lawsuit has expired. The prescriptive period shall not apply to the principal and the Court shall accept the case according to general procedures.

Ex 2: In case where the property lessor is involved in the dispute over the property leasing contract, the prescriptive period for initiating a lawsuit over the property leasing contract shall be determined according to provisions of Article 427 of the Civil Code 2005. Regarding the dispute over the claiming back of leased property which is under the management/possession of another person, pursuant to the guidance in point a clause 3 Article 159 of the CPC and point b clause 3 of this Article, no prescriptive period shall be applicable.

Ex 3: For disputes over the intellectual property rights in which there are disputes to find out the ownership towards such intellectual property rights, no prescriptive period shall be applicable. Regarding disputes over the transaction of intellectual property rights, the corresponding prescriptive periods shall be applied.

4. Regarding civil disputes where no legislative document provides for the prescriptive period and the disputes do not fall in cases specified in point a clause 3 Article 159 of the CPC and guided in clause 2 and point b clause 3 of this Article, the prescriptive period of civil lawsuits shall be 02 years from the day on which the individuals/agencies/organizations know that their lawful rights and interests are infringed upon.

Ex: Article 11 of the Law on Railway provides for that: “The prescriptive periods for lawsuit to petition settlement of disputes over contracts in railway business activities shall comply with the provisions of legislation on civil procedures and legislation on commercial arbitration”.

5. The prescriptive periods shall be calculated from the date the legitimate rights and interests of individuals, agencies or organizations, public interests or the State's interests are infringed upon and shall be considered follows:

a) Regarding civil obligations which parties have reached agreements on or when the law has provided for time limit for such obligations, if the obliged parties fail to fulfill their obligations within the time limit, the expiry of the fulfillment of the obligations shall be considered the date of infringement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Past the time limit for the fulfillment of a civil obligation, if parties have reached an agreement on the extension of time for the fulfillment of such obligation, the determination of date of infringement of lawful rights and interests shall be based on the day on which the agreement expires and shall be conducted according to provisions in points a and b Clause 5 of this Article;

d) During the execution of a contract, if there is a violation against the obligations specified in the contract, the date of violation shall be considered the date of infringement, unless otherwise agreed by the parties. If one party unilaterally suspend the execution of the contract, the date of unilateral suspension shall be considered the date of infringement.

dd) For cases of petitioning compensation for damage by the infringement of property, health, life, etc., the day on which the property, health, life, etc. is infringed upon shall be considered the date of infringement.

e) In a legal relationship or in a civil transaction, if the infringement occurs at different time, the prescriptive periods of lawsuit shall be calculated from the time the last infringement occurs.

g) In cases guided in points a, b, c, d, dd and e clause 5 of this Article, if otherwise agreed by the parties on the starting of the prescriptive periods of lawsuit, such periods shall be determined according to such agreement.

6. As prescribed in Article 160 of the CPC, provisions of the Civil Code 2005 regarding the prescriptive periods shall be applicable to civil procedures; thus, the non-application of prescriptive periods, time periods excluded from prescriptive periods, the re-commencement of prescriptive periods for initiating lawsuits, etc. shall comply with provisions of the Civil Code 2005.

Article 24. Provisions for the prescriptive periods of petition provided for in clause 4 Article 159 of the CPC

1. Regarding petitions for settlement of civil matters for which legislative documents provide regulations on prescriptive periods of petition, such regulations shall be applicable.

Ex 1: For petitions for repeal of the arbitral award, the time limit for making petition shall be 30 days from the day on which the arbitral award is received as prescribed in Article 69 of the Law on commercial arbitration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For petitions for settlement of civil matters which no legislative document provides for prescriptive periods, the prescriptive periods of petition to Courts for settlement of a civil matter shall be 01 year from the day on which the right to petition is exercised, except for case specified in clause 4 Article 159 of the CPC and guided in clause 3 of this Article.

Ex: For petitions for declaration of notarized documents to be invalid specified in clause 6 Article 26 of the CPC and Article 45 of the Law on Notarization, the prescriptive periods of petition to Courts for declaration of notarized documents to be invalid shall be 01 year from the day on which the right to petition is exercised.

3. For petitions for the settlement of the following civil matters related to the civil rights regarding personal records of individuals, the prescriptive periods shall not be applicable:

a) Petitions for declaring a person lacking legal capacity or having limited civil act capacity; petitions for repealing decisions on declaration of a person lacking legal capacity or having limited civil act capacity specified in Article 319 and 322 of the CPC;

b) Petitions for declaring a person missing; petitions for repealing decisions on declaration of a person missing specified in Article 330 and Article 333 of the CPC;

c) Petitions for declaring a person dead; petitions for repealing decisions on declaration of a person dead specified in Article 335 and Article 338 of the CPC;

d) Petitions for limitation of a number of rights of parents towards underage children as prescribed in Article 41 of the Law on marriage and family;

dd) Other cases provided for by law.

4. Commencement of the prescriptive periods of petition

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Ex: As provided for in Article 45 of the Law on Notarization, the Notaries, the notarization petitioners, the witnesses, persons with relevant rights and interests and competent agencies may petition the Courts to declare a notarized document to be invalid when there are grounds for presuming that the notarization is contrary to law. In such cases, the prescriptive periods of petition shall be calculated from the day on which the right to petition is exercised. The day on which the right to petition is exercised is the day on which the notarization is known to be contrary to law.

Article 25. Procedural forms

The following procedural forms are enclosed with this Resolution:

1. First-instance civil judgment (Form No. 01);

2. The Certificate of defense counsels of legitimate rights and interests of involved parties (Form No. 02).

Article 26. Effect

1. This Resolution was passed on 03-12-2012 by the Judge's Council of the Supreme People’s Court and takes effect from 01-7-2013.

Resolution No. 01/2005/NQ-HĐTP dated 31-3-2005 by the Judge's Council of the Supreme People’s Court and documents guiding matters that are also provided for in this Resolution which are promulgated before the effective date of this Resolution shall be annulled from 01-7-2013.

2. Civil, marriage and family, economic and labor cases which have been accepted by the Courts but have not been brought in to first-instance trials, appellate trials or cassation trials or reopening trials shall be settled according to guidance provided for in this Resolution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

 

PP. THE JUDGE'S COUNCIL
THE EXECUTIVE JUDGE




Truong Hoa Binh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 hướng dẫn Quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


311.198

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.107.146
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!