BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5316/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 12 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị quyết số
52-NQ/TW ngày 27 tháng 09 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương, chính
sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị định số
75/2017/NĐ-CP ngày 20 ngày 6 tháng 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số
749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia;
Theo
đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này
“Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Bộ,
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Chánh
Thanh tra Bộ, các Thủ trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ và Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ, các Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương, Thủ trưởng Y tế Bộ, Ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng CP;
- Ban Kinh tế trung ương;
- Ủy ban về các vấn đề xã hội QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bộ trưởng, Thứ trưởng BYT;
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Lưu: VT, CNTT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thanh Long
|
CHƯƠNG TRÌNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5316 /QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2020 của
Bộ trưởng Bộ Y tế)
Phần thứ nhất
BỐI CẢNH
CHUNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ
I. VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG THAM GIA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN
THỨ 4
Cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa
đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán
đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống
số hóa – vật lý – sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực
lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các
mặt của cuộc sống, từ tổ chức kinh doanh, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh
doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội và chính bản thân con người.
Tại
nước ta, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ
tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng,
an ninh và môi trường. Rất nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng,
Nhà nước đã ban hành nhằm tiếp cận và chủ động tham gia cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ 4. Một số văn bản chính đã ban hành trong thời gian qua như:
Chỉ
thị số 16-CT/TTg ngày 4 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Nghị quyết
số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ chương,
chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết
số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động
của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52- NQ/TW ngày 2 tháng 9 năm 2019 của Bộ
Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư;
Quyết
định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
II. TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TỚI NGÀNH Y TẾ
1.
Khái niệm về chuyển đổi số y tế
Chuyển
đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện,
trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi
tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.
2.
Tác động của chuyển đổi số trong y tế
Trong
cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tiến bộ công nghệ sẽ tạo ra sự kết nối giữa
thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ,... sản sinh những công
cụ sản xuất hội tụ giữa thế giới thực và thế giới số. Những thành phần điển
hình của nền công nghiệp cách mạng lần thứ 4 bao gồm các công nghệ số như điện
toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật
(Internet of Thing) và công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt,
thực tế ảo, in 3D.
Quá
trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành
y tế theo ba nhóm nội dung chính:
Thứ
nhất, tác động đến cách thức lãnh đạo, quản
lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng
đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời,
hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.
Thứ
hai, tác động trực tiếp đến việc cung cấp
và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên
nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế
nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
Thứ
ba, tác động tới cách thức làm việc, giao
tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, chuyển
đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình
thành “người thầy thuốc số”.
III. HIỆN TRẠNG CỦA CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NGÀNH Y TẾ
1.
Về nhận thức, thể chế, môi trường pháp lý triển khai công nghệ thông tin (CNTT)
Bộ Y
tế đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0 từ năm
2015; Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0 năm 2019 nhằm tăng cường
khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ
tầng thông tin đồng bộ; tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong cải
cách hành chính, triển khai thành công và có hiệu quả nhiều dịch vụ công trực
tuyến.
Bộ Y
tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở
cho chuyển đổi số y tế, như:
Thông
tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu
điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
Quyết
định số 4210/QĐ-BYT ngày 20/9/2017 của Bộ Y tế về việc quy định chuẩn và định dạng
dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế;
Thông
tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ
xa;
Thông
tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng
Công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Thông
tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử;
Quyết
định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và
phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019 - 2025; Quyết định
số 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ
sức khỏe điện tử; Quyết định số 5454/QĐ-BYT ngày 10/09/2018 của Bộ Y tế phê duyệt
kế hoạch triển khai thống kê y tế điện tử; Quyết định số 2153/QĐ-BYT ngày
25/05/2020 của Bộ Y tế ban hành quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định
danh y tế; Quyết định 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng
và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Bộ Y
tế đang tập trung thực hiện 3 chương trình y tế điện tử:
Chương
trình 1. Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển
khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia về
y tế.
Chương
trình 2. Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử,
bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo tiêu
chuẩn.
Chương
trình 3. Xây dựng và vận hành hệ thống dịch
vụ công trực tuyến một cửa của Bộ Y tế kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
2.
Về hạ tầng, nền tảng kỹ thuật CNTT
Bộ Y
tế đã bước đầu xây dựng trung tâm dữ liệu y tế của Bộ, từng bước hoàn thiện cơ
sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập
trung. Hiện nay, Trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế đã bảo đảm hạ tầng cho hệ thống
dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử,
nền tảng
tích hợp dữ liệu của Bộ Y tế, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều
hành điện tử và nhiều hệ thống quan trọng khác của ngành y tế.
Tại
các địa phương, đơn vị, nhiều bệnh viện đã có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng
nhu cầu quản lý, lưu trữ dữ liệu của đơn vị, sử dụng bệnh án điện tử thay cho bệnh
án giấy.
3.
Về triển khai Chính phủ điện tử
Bộ Y
tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong
cơ quan nhà nước; 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực
hiện trên môi trường mạng và được ký số.
Bộ Y
tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào năm 2019. Đến ngày 30 tháng 6
năm 2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ
công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao.
Đã
khai trương Cổng công khai Y tế là kênh
chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về
giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán,
giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang
lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm
trong quảng cáo…Thông qua Cổng công khai Y tế người dân thực hiện quyền được biết
và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp.
Khai
trương Cổng công khai giá các thiết bị y tế
cũng như cấu hình thiết bị y tế, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói
thầu thiết bị y tế trên Cổng thông tin sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu
mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch,
công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.
4.
Về ứng dụng CNTT trong ngành y tế
Trong
thời gian qua, Ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng
CNTT, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực
tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... Một số kết quả ứng
dụng CNTT y tế nổi bật như sau:
Thứ
nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống
thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 01 phòng khám đã triển khai bệnh
án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ
và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện đã sử dụng mạng
xã hội trong tương tác bệnh nhân như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh; phát triển
ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An,
Tiền Giang, Kon Tum....
Thứ
hai, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội
Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh
cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám chữa
bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã
hội Việt Nam.
Thứ
ba, xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh
từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Bộ Y tế
đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh
từ xa giai đoạn 2020-2025. Ngày 25/9/2020, tại
Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa
Telehealth. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức
Đam đã tham dự Lễ Khánh thành.
Thứ
tư, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng
dụng rô-bốt trong y tế. Hiện nay đang có 4 hệ thống rô-bốt nổi bật được ứng dụng
trong y học hiện đại. Rô-bốt phẫu thuật nội soi Da vinci, rô bốt phẫu thuật cột
sống Renaissance, rô- bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô bốt
phẫu thuật thần kinh Rosa. Ngành y tế đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết
nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện. Bệnh viện đa khoa Phú
Thọ năm 2018, Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh năm 2018.
Thứ
năm, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử. Bộ Y
tế đã ban hành kế hoạch 5349/QĐ-BYT ngày 12/11/2019 của Bộ Y tế ban hành kế hoạch
triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe
người dân liên tục, suốt đời như Tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Bình Dương, ….
Thứ
sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
tại y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định
số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Hình thành nền tảng quản
lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20.
Thứ
bảy, tổ chức triển khai hệ thống thống kê
y tế điện tử trên toàn quốc.
Thứ
tám, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ
trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như đã triển khai các phần mềm
khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration),
Bluezone, An toàn COVID ….
Thứ
chín, ngành y tế đang triển khai nhiều hệ
thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống PACS cloud, ứng dụng
đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai
Hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng
thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia,… hướng tới chuyển
đổi số toàn diện ngành y tế.
Phần thứ hai
NỘI DUNG CỦA
CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ
I. TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Tầm
nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số
trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông
minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh
và quản trị y tế thông minh.
II. MỤC TIÊU
1.
Mục tiêu đến năm 2025
a) Về
mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
- Duy
trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó 80% dịch vụ công trực tuyến
được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di
động;
- 90%
hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của phòng y tế huyện
được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà
nước);
-
100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê
trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối,
tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia;
- 80%
các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối,
liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người
dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế không
phải cung cấp lại;
- Duy
trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá
các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá
thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá
khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu
hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm
trong quảng cáo…được công khai trên cổng.
b)
Phát triển xã hội số trong y tế
-
100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt;
- 100
% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;
-
100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến;
-
100% cán bộ, nhân viên ngành y tế tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam.
c)
Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân
- 100%
người dân được định danh y tế;
-
100% cán bộ y tế (Bác sĩ, dược sĩ, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế) được
định danh;
- 90%
người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
-
100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo
quy định của Bộ Y tế.
d)
Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh
15%
(khoảng 210) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ
sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử
không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày
28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
2.
Mục tiêu đến năm 2030
Tiếp
tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các
mục tiêu như sau:
a) Về
mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế:
- 100
% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác
nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
-
100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 90% hồ sơ công việc của phòng y tế
huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật
nhà nước);
-
100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết
nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người
dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia y tế
không phải cung cấp lại.
b)
Duy trì phát triển xã hội số trong y tế theo các chỉ tiêu đã đạt được ở giai đoạn
2021-2025.
c)
Duy trì các chỉ tiêu trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được
ở giai đoạn 2021-2025; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
d)
Chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh
50%
(khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ
sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử
không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT- BYT ngày
28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
1. Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số
1.1.
Chuyển đổi nhận thức
a) Đẩy
mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận
thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, cộng đồng về vai
trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế.
b) Chủ
động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các
lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh, bao gồm: triển khai hồ sơ
sức khỏe điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến,
bệnh án điện tử và các nội dung liên quan khác.
c)
Thúc đẩy, tạo điều kiện việc nghiên cứu, sáng tạo, và thử nghiệm các công nghệ
số trong y tế. Hình thành mạng lưới nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong phát
triển công nghệ số trong y tế.
d) Tổ
chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển CNTT y tế tại Việt
Nam trong việc phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng y tế số “make in Việt
Nam”.
đ) Tổ
chức các sự kiện về chuyển đổi số ngành y tế nhằm cung cấp thông tin cũng như
thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, cộng đồng.
e) Biểu
dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi
số ngành y tế.
1.2.
Kiến tạo thể chế
Hoàn
thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức
chi trả trong lĩnh vực CNTT y tế, cụ thể:
a) Ban
hành quy định hướng dẫn các về thử nghiệm các sản phẩm y tế số mới; phát triển
các nền tảng số trong y tế.
b)
Triển khai thực hiện, nâng cấp kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Y tế làm cơ sở
cho quy hoạch và phát triển CNTT của ngành y tế.
c)
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế tài chính, cơ chế thuê dịch vụ cho các dịch vụ
y tế số. Ban hành định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong
các cơ sở khám, chữa bệnh, tính giá dịch vụ công nghệ thông tin trong giá dịch
vụ y tế.
d)
Xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho tư vấn khám chữa bệnh từ xa và
đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận bác sỹ
nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.
đ)
Xây dựng, ban hành các quy định về quản lý, thu thập dữ liệu y tế. Xây dựng nghị
định về cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
e)
Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, quy định về kết nối, liên thông dữ liệu giữa
các phần mềm trong ngành y tế dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
g)
Hướng dẫn các công nghệ số áp dụng trong y tế. Bổ sung, hoàn thiện các hướng dẫn
về bệnh viện thông minh, bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy.
h)
Xây dựng hướng dẫn, quy định về xác thực điện tử trong ngành y tế.
i) Xây dựng, ban hành các quy định về bảo đảm an toàn, an
ninh; bảo đảm tính riêng tư của thông tin y tế trên môi trường mạng.
1.3.
Phát triển hạ tầng số y tế
Ứng dụng
các công nghệ hiện đại trong việc triển khai hạ tầng số ngành y tế. Nâng cấp,
chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật trên nền tảng điện toán đám mây, công nghệ máy chủ
hội tụ, siêu hội tụ, các công nghệ mạng dây dẫn, không dây hiện đại. Các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số y tế bao gồm:
a)
Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm dữ liệu y tế quốc gia đáp ứng
sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế. Xây dựng hệ thống quản
lý thông tin tổng thể phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế.
b)
Phát triển, nâng cấp hạ tầng tại trung tâm điều hành y tế thông minh tại các Sở
Y tế và các cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
c)
Phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
d)
Căn cứ vào nhu cầu và thực tiễn, các cơ sở y tế chuyên sâu (tim mạch, hô hấp,
xương khớp, ung thư, sản nhi...) lập các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm dữ
liệu lớn của chuyên ngành làm nền tảng ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo.
1.4.
Phát triển dữ liệu số y tế
a)
Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung cho toàn ngành y tế.
b)
Phát triển, hoàn thiện, cho phép sử dụng chung các cơ sở dữ liệu dùng chung
trong ngành y tế bao gồm cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh (bệnh án điện tử, hình ảnh
y khoa, thông tin xét nghiệm), cơ sở dữ liệu nhân lực y tế, cơ sở dữ liệu các
cơ sở y tế trên toàn quốc.
c)
Phát triển các cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành y tế.
d)
Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ
liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế. Ứng dụng các
công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời,
chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng,
từ đó có các chính sách quản lý y tế phù hợp.
e)
Xây dựng trung tâm dữ liệu gen (ADN) người Việt Nam
- Xây
dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thế hệ mới để giải mã trình tự gene phục vụ lưu
trữ, tại trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- Ứng
dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để xây dựng, quản
lý cơ sở dữ liệu gene. Bảo đảm nguồn nhân lực chuyên sâu để khai thác dữ liệu về
gen phục vụ công tác phòng bệnh và khám chữa bệnh.
1.5.
Phát triển nền tảng số trong y tế
a)
Phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các
cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế;
b)
Xây dựng, phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế cơ sở;
c)
Xây dựng nền tảng dịch vụ đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán điện tử không
dùng tiền mặt;
d)
Xây dựng nền tảng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện;
đ)
Xây dựng nền tảng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;
e) Phát
triển các nền tảng siêu ứng dụng di động (superapp) trong việc cung cấp các dịch
vụ y tế, hướng tới mạng xã hội dịch vụ y tế;
g)
Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu mở y tế, thu thập dữ liệu y tế từ nhiều
nguồn, như: người dân, doanh nghiệp, mạng xã hội, các thiết bị cảm biến (IoMT –
Internet of Medical Things) liên quan đến thông tin y tế và thông tin sức khỏe
người dân, kết hợp với dữ liệu chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu y tế, hướng tới
hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở trong y tế và mạng thông tin y tế quốc gia.
1.6.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng
a)
Xây dựng, triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin phục vụ
phát triển Chính phủ điện tử Bộ Y tế theo quy định của Chính phủ:
- Tổ
chức lực lượng ứng cứu sự cố an toàn, an ninh mạng;
- Hoàn
thành xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin y tế quốc gia, kết nối,
chia sẻ với Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia đặt tại Bộ Thông tin và
truyền thông;
- Các
cơ sở y tế được giám sát an toàn thông tin thông qua trung tâm giám sát an toàn
thông tin y tế quốc gia;
- Thực
hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin của
ngành y tế.
b)
Các cơ sở y tế triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông
tin của đơn vị theo đúng cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin.
c)
Phát triển, hoàn thiện hệ thống xác thực chữ ký số cho bệnh án điện tử tại các
bệnh viện;
1.7.
Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số
a) Đẩy
mạnh hợp tác quốc tế, thăm quan, học tập học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô
hình triển khai chuyển đổi số ngành y tế tại các quốc gia trên thế giới. Tổ chức
các hội thảo, các diễn đàn quốc tế về trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số ngành
y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mỗi năm tổ chức ít nhất
một hội thảo về các thành tựu, công nghệ mới trong chuyển đổi số y tế. Xây dựng
diễn đàn trao đổi trực tuyến về chuyển đổi số trong ngành y tế
b) Tổ
chức hợp tác sâu, rộng với các tổ chức quốc tế như WB, JICA, KOIKA, ADB, EU,
UNICEF, AEHIN, PATH và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các quốc gia
trên thế giới trong việc đào tạo, nghiên cứu, thử nghiệm và đầu tư các giải
pháp về chuyển đổi số trong Y tế.
c) Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp và các đơn vị
nghiên cứu khoa học trong nước nghiên cứu, xây dựng, triển khai các ứng dụng
thông minh trong y tế. Định kỳ, Bộ Y tế tổ chức các cuộc thi y tế số, y tế
thông minh trong lĩnh vực y tế nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân trong nước xuất
sắc trong việc chuyển đổi số y tế.
d) Bộ
Y tế ưu tiên bố trí ngân sách khoa học công nghệ cho các đề tài nghiên cứu về
chuyển đổi số ngành y tế, tối thiểu mỗi năm có một đề tài cấp Bộ về chuyển đổi
số trong lĩnh vực y tế.
1.8.
Phát triển nguồn nhân lực
a)
Triển khai đào tạo các chuyên gia cấp trung ương và các chuyên gia cho các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương về chuyển đổi số y tế.
b)
Triển khai các chương trình đào tạo về lãnh đạo chuyển đổi số trong y tế cho
các lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, các lãnh đạo Sở Y tế.
c)
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của
ngành y tế về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy việc đào tạo CNTT y tế
trong các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.
2. Phát triển Chính phủ số trong ngành y tế
Phát
triển, nâng cấp các hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất về
truyền thông xã hội, cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn
giản, thuận tiện trên di động, phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí
tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi
số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp
trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng, cụ thể như:
a)
Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn
chế việc sử dụng văn bản giấy, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực
điện tử, văn phòng điện tử tại Bộ Y tế, Sở Y tế và các đơn vị trong ngành y tế.
b)
Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện
tử về thủ tục hành chính của Bộ Y tế. Nâng cấp các công nghệ triển khai các dịch
vụ công trực tuyến trên nền tảng di động, nâng cao trải nghiệm người dùng.
Nghiên cứu, ứng dụng AI hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ trực tuyến, như đăng
ký thuốc trực tuyến, công bố tiêu chuẩn sản phẩm chức năng, đăng ký trang thiết
bị y tế, …. .
c)
Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng công khai
Y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế.
d)
Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin quốc gia về y tế bao gồm: hệ thống
thông tin thống kê y tế, nhân lực y tế, tài chính y tế, khám chữa bệnh, y dược
học cổ truyền, y tế dự phòng, môi trường y tế, HIV/AIDS, an toàn thực phẩm, dược
phẩm, trang thiết bị và công trình y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe
bà mẹ - trẻ em, khoa học công nghệ trong y học, ….
3. Phát triển kinh tế số trong ngành y tế
Phát
triển kinh tế số trong y tế với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp trong
lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế tăng cường ứng dụng
chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường
trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế, cụ
thể:
a) Thúc
đẩy và có chính sách khuyến khích các Tổ chức tài chính, Quỹ đầu tư, các nhà
tài trợ cá nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế số.
b)
Các Doanh nghiệp Dược, Thực phẩm, Trang thiết bị, các doanh nghiệp trong lĩnh vực
y tế tăng cường triển khai ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, quản trị
doanh nghiệp, quản trị khách hàng, cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho khách
hàng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và sản xuất Dược phẩm, Mỹ phẩm.
c)
Các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân đẩy mạnh tiến trình tiến tới bệnh viện
thông minh, đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh
nhân (kể cả khi ra viện) trên nền tảng số.
d)
Các Công ty công nghệ trong lĩnh vực y tế số tăng cường nghiên cứu, phát triển
các nền tảng chuyển đổi số trong y tế; tạo ra các dịch vụ số hiệu quả trong
ngành y tế “Make in VietNam”. Tăng cường nghiên cứu các công nghệ số phục vụ y
tế như dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây. Hằng năm, Bộ
Y tế tổ chức triển khai thử nghiệm, đánh giá các dịch vụ số hiệu quả theo đề xuất
từ các công ty, doanh nghiệp về y tế số.
4. Phát triển xã hội số trong ngành y tế
a)
Xây dựng, phát triển trung tâm đánh giá tác động và hỗ trợ chuyển đổi số trong
y tế (theo hướng xã hội hóa). Trung tâm này có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị
trong ngành y tế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các đơn vị trong ngành y tế
trong quá trình chuyển đổi số y tế.
b)
Xây dựng mạng kết nối y tế Việt Nam để kết nối các thầy thuốc, cán bộ y tế trên
toàn quốc.
c)
Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các siêu ứng dụng di động (superapp)
trong lĩnh vực y tế, hình thành các nhóm cộng đồng sử dụng các dịch vụ y tế
trên siêu ứng dụng di động.
5. Một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y
tế
5.1
Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện
thành công chương trình sức khỏe Việt Nam
a)
Triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người
dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm
sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe
điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và
thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ. Phát triển cổng
sức khỏe người dân, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe
của mình. Phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho
người dân trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
b) Phát
triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…
c)
Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu
thu thập từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng
xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân
tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
d)
Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh,
chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống COVID-19,
các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức
khỏe cá nhân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường
di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời,
mọi lúc, mọi nơi, kết nối với hệ tri thức Việt số hóa.
đ)
Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ
giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh,
các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
e)
Phát triển các hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho phép người dân có thể tự
kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng
ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho
người dân. Triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra
tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết
bị di động).
g)
Xây dựng, triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo đáp ứng được tất cả
các nghiệp vụ của trạm y tế xã, đáp ứng các quy định tại Quyết định số
3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển
khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn.
h)
Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý và cổng thông tin về ngộ độc thực phẩm,
phản ánh các thông tin mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo nhanh về an toàn
thực phẩm cho người dân qua các ứng dụng nhắn tin di động, kết nối với thông
tin kiểm nghiệm thực phẩm.
i)
Triển khai thu thập thông tin môi trường qua thiết bị cảm biến trong lĩnh vực
môi trường y tế.
5.2. Chuyển đổi số trong bệnh viện
a)
Triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn
trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ
liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết
bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình
ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân, …) trên mạng nhằm
nâng cao khả năng tự động hóa.
- Đồng
bộ mã số định danh Y tế (ID): Sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y
tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc;
- Xây
dựng “bệnh viện thông minh”: Các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số
54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng
công nghệ thông tin tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng
“bệnh viện thông minh” (Mức 6 của Thông tư 54).
b)
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo
lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế
quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh
toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
c)
Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT
ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt đề án khám, chữa bệnh từ xa giai
đoạn 2020-2025 và đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh.
d)
Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.
đ)
Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, ưu tiên một số lĩnh
vực sau:
- Xây
dựng chuẩn kết nối các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý
vạn vật y tế kết nối (Internet of Medical Things - IoMT) làm nền tảng xây dựng
các hệ thống chuyên gia hỗ trợ ra quyết định lâm sàng;
-
Phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng kết hợp chặt chẽ và thực hiện
tức thời (real-time) cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử;
- Hỗ trợ
chẩn đoán hình ảnh; Hỗ trợ phẫu thuật;
- Ứng
dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch,
hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi ….
- Các
cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hệ thống dữ liệu lớn với các thuật toán phân tích
nhanh hỗ trợ ra quyết định lâm sàng dựa trên trí tuệ nhân tạo;
- Ứng
dụng trí tuệ nhân tạo trong y dược cổ truyền.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm chi thường xuyên, chi sự nghiệp và chi đầu
tư phát triển của Bộ Y tế và các Sở Y tế.
2.
Kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị sự nghiệp y tế.
3.
Kinh phí từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
4.
Kinh phí từ các dự án, nhiệm vụ thực hiện theo hình thức hợp tác công tư, tài
trợ, giao nhiệm vụ, hình thức đặt hàng tùy theo từng nhiệm vụ cụ thể.
5.
Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Bộ Y
tế thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình chuyển đổi số Y tế do Bộ trưởng
làm Trưởng ban, các đồng chí Thứ trưởng làm Phó Trưởng ban, Lãnh đạo Văn phòng
Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ; một số đồng chí lãnh đạo Sở Y tế và
các bệnh viện tuyến trung ương làm ủy viên Ban chỉ đạo.
1.
Cục công nghệ thông tin
a)
Làm đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình
này.
b)
Làm đầu mối phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin y tế; triển
khai hồ sơ sức khỏe điện tử, thống kê y tế điện tử, hệ thống các dịch vụ công
trực tuyến mức 4 và hiện đại hóa hành chính cơ quan Bộ Y tế.
c)
Làm đầu mối xây dựng trung tâm dữ liệu y tế và cơ sở dữ liệu y tế quốc gia.
2.
Vụ Kế hoạch - Tài chính
a) Chủ
trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin xây dựng các chính sách, cơ chế tài
chính cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin y tế.
b) Chủ
trì thực hiện rà soát, sửa đổi danh mục hệ thống chỉ tiêu, hệ thống biểu mẫu,
báo cáo thống kê y tế tại các tuyến. Phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trong
việc triển khai thống kê y tế điện tử. Sử dụng cơ sở dữ liệu y tế quốc gia để kết
xuất số liệu phục vụ cho công tác kế hoạch, quản lý ngành Y tế.
c)
Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng về phân bổ nguồn vốn bảo đảm kinh phí để triển
khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình.
3.
Văn phòng Bộ Y tế
a) Chủ
trì thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử của Bộ Y tế,
tích hợp chữ ký số trong việc ban hành văn bản, tiến tới nền hành chính không sử
dụng giấy.
b) Phối
hợp với Cục Công nghệ thông tin trong việc triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến
và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ Y tế.
c) Phối
hợp với Cục công nghệ thông tin xây dựng, triển khai các nhiệm vụ về hiện đại
hóa hành chính và quản trị y tế thông minh tại cơ quan Bộ Y tế.
4.
Tổng cục Dân số
Chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong
lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình.
5.
Các Cục: Y tế dự phòng, An toàn thực phẩm, Môi trường y tế, phòng chống
HIV-AIDS
Chủ trì,
phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực:
Y tế dự phòng, An toàn thực phẩm, Môi trường y tế, phòng chống HIV-AIDS.
6.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
a) Chủ
trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền chỉ
đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.
b) Chủ
trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và
các đơn vị liên quan rà soát và hoàn chỉnh các quy định về hồ sơ bệnh án, bản tóm
tắt quá trình khám chữa bệnh của người bệnh khi kết thúc đợt điều trị và các hồ
sơ, quy trình khám, chữa bệnh.
7.
Cục Quản lý Dược
Chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong
lĩnh vực y tế Dược phẩm, Mỹ phẩm.
8.
Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế
Chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong
lĩnh vực Trang thiết bị y tế.
9.
Vụ Hợp tác quốc tế
Làm đầu
mối, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế
trong chương trình này.
10.
Các Vụ, Cục và Thanh tra Bộ
Căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện
chuyển đổi số trong lĩnh vực phụ trách theo thẩm quyền.
11.
Các Sở Y tế và y tế bộ, ngành
Căn cứ
vào chương trình chuyển đổi số của của Bộ Y tế, các Sở Y tế, y tế bộ ngành chủ
động xây dựng chương trình chuyển đổi số y tế của địa phương, của ngành và
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc lãnh đạo bộ, ngành phê duyệt và tổ chức
thực hiện sau khi chương trình được phê duyệt.
12.
Các đơn vị y tế (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
dự phòng, dược, trang thiết bị, các trường y dược, viện nghiên cứu ….)
Chủ động
xây dựng chương trình chuyển đổi số của đơn vị phù hợp nội dung trong chương
trình này.
Trong
quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế, các cơ quan, đơn vị, cá
nhân nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ảnh về Bộ Y tế (Cục Công nghệ
thông tin) để được xem xét giải quyết kịp thời, bảo đảm thực hiện thành công
chương trình chuyển đổi số y tế.