BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số: 3172/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 9 năm 2009
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KIỆN TOÀN, THÀNH LẬP TRUNG TÂM/PHÒNG ĐÀO TẠO VÀ CHỈ ĐẠO
TUYẾN CỦA BỆNH VIỆN HẠNG ĐẶC BIỆT, BỆNH VIỆN HẠNG I TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ ”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP, ngày
27/12/2007 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ
chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,Vụ trưởng Vụ Tổ chức
cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo- Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án: “Kiện toàn, thành lập trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của
bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế” ban hành kèm theo
Quyết định này.
Điều 2. Các
bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế, căn cứ thực trạng
cơ cấu tổ chức, nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật,
nhu cầu đào tạo, chỉ đạo tuyến, xây dựng đề án kiện toàn, thành lập trung
tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, trình Bộ Y tế xem xét, phê duyệt để triển
khai thực hiện.
Điều 3. Các
ông/ bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ trưởng
Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ
Y tế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
-
Như điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Vụ KH-TC; Vụ YDHCT; Vụ PC; Vụ SKBM-TE;
- Lưu: VT, KCB (2).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Quốc Triệu
|
ĐỀ
ÁN
KIỆN
TOÀN, THÀNH LẬP TRUNG TÂM/PHÒNG ĐÀO TẠO VÀ CHỈ ĐẠO TUYẾN CỦA BỆNH VIỆN HẠNG ĐẶC
BIỆT, BỆNH VIỆN HẠNG I TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3172 /2008/QĐ-BYT ngày 01 tháng 9 năm
2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
ĐẶT VẤN ĐỀ
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo
quyền được bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân và đảm bảo nguồn nhân lực phát
triển xã hội. Trong suốt các thời kỳ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, hệ thống y tế
Việt Nam không ngừng được quan tâm đầu tư phát triển.
Thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (Khóa VII),
Nghị quyết số 46 – NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác chăm sóc
sức khỏe nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế ngày
càng được củng cố và phát triển, tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao, tỷ
lệ suy dinh dưỡng trẻ em ngày càng giảm, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống
chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày một đa dạng; nhiều công nghệ mới được
nghiên cứu và ứng dụng; việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế đã có nhiều
cố gắng hơn trước. Nhân dân ở hầu hết các vùng miền đã được chăm sóc sức khỏe
tốt hơn.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức
khỏe nhân dân ở nước ta vẫn còn một số bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng
cao và đa dạng của nhân dân. Nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế góp phần phát
triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng tình hình,
nhiệm vụ mới, công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến cần được không ngừng quan tâm
củng cố, hoàn thiện và phát triển.
I. SỰ CẦN THIẾT KIỆN
TOÀN, THÀNH LẬP TRUNG TÂM/ PHÒNG ĐÀO TẠO VÀ CHỈ ĐẠO TUYẾN CỦA BỆNH VIỆN HẠNG
ĐẶC BIỆT, BỆNH VIỆN HẠNG I
1.1. Nhu cầu đào tạo và chỉ đạo tuyến
Hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực trong
ngành y tế thiếu và phân bố không đều, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Hoạt
động đào tạo nhân lực ngành y tế còn nhiều bất cập về phương thức, về số lượng,
chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực kỹ thuật cao chưa được phát triển. Nhu cầu
khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, dẫn tới nhu cầu nhân lực y tế ngày
càng tăng, hệ thống đào tạo ngành y tế chưa thể đáp ứng kịp.
Theo Qui chế Bệnh viện (1997), Bệnh viện có 7
nhiệm vụ:
- Cấp cứu – Khám bệnh – Chữa bệnh.
- Đào tạo cán bộ y tế.
- Nghiên cứu khoa học về y học.
- Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật.
- Phòng bệnh.
- Hợp tác quốc tế.
- Quản lý kinh tế trong bệnh viện
Để thực hiện 7 nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bệnh
viện hạng 1 theo quy chế bệnh viện gồm: 7 phòng chức năng, 45 khoa lâm sàng và
cận lâm sàng. Các phòng chức năng gồm: phòng Kế hoạch tổng hợp; phòng Y tá
(điều dưỡng); phòng Chỉ đạo tuyến; phòng Vật tư – thiết bị y tế; phòng Hành
chính quản trị; phòng Tổ chức cán bộ; phòng Tài chính kế toán.
Đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I,
phòng Chỉ đạo tuyến là phòng nghiệp vụ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc
bệnh viện và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về toàn bộ hoạt động công tác chỉ
đạo tuyến. Phòng Chỉ đạo tuyến có nhiệm vụ:
1) Lập kế hoạch chỉ đạo tuyến dưới, trình
Giám đốc bệnh viện phê duyệt để tổ chức thực hiện.
2) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu
quả công tác hoạt động chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới.
3) Phối hợp với các chuyên khoa tổ chức thực
hiện đào tạo liên tục cho cán bộ tuyến dưới, đồng thời làm tốt công tác nghiên
cứu khoa học.
4) Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm
về công tác chỉ đạo tuyến, trình giám đốc bệnh viện và báo cáo cấp trên.
5) Tổ chức thống kê, lưu trữ hồ sơ theo đúng
quy chế bệnh viện.
Để thực hiện 5 nhiệm vụ nói trên, phòng Chỉ
đạo tuyến của bệnh viện hạng I có 3 bộ phận chức năng, gồm:
a) Chỉ đạo hoạt động chuyên khoa ở tuyến
dưới.
b) Đào tạo cán bộ chuyên khoa.
c) Nghiên cứu khoa học.
Hoạt động đào tạo, gồm đào tạo liên tục cho
cán bộ y tế trong bệnh viện và đào tạo cho cán bộ y tế tuyến dưới để nâng cao
trình độ chuyên khoa. Hoạt động đào tạo liên tục, tại chỗ, đào tạo nâng cao tại
các bệnh viện sẽ giúp khắc phục tình trạng hiện tại về năng lực trình độ của
cán bộ y tế các cấp. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân
dân việc đào tạo lại, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, chuyển giao
các kỹ thuật công nghệ cao ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết, đòi hỏi ngành
Y tế không ngừng phát triển, hoàn thiện các loại hình đào tạo, đặc biệt là đào
tạo tại chỗ của các bệnh viện.
Hệ thống bệnh viện nước ta được tổ chức theo
tuyến kỹ thuật. Tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật tuyến dưới. Công tác
chỉ đạo tuyến là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện của
ngành Y tế.
Thông qua hoạt động chỉ đạo tuyến, bệnh viện
tuyến trên giúp đỡ tuyến dưới về phòng bệnh, chữa bệnh, về tổ chức quản lý và
chuyên môn kỹ thuật. Hoạt động chỉ đạo tuyến góp phần thực hiện công bằng trong
chăm sóc sức khỏe, giúp người bệnh được tiếp cận với kỹ thuật cao, giảm bớt chi
phí và tạo điều kiện nâng cao uy tín cho tuyến dưới do chữa được nhiều bệnh với
chất lượng kỹ thuật cao hơn.
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo các
cơ sở khám chữa bệnh thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhằm đưa những dịch vụ kỹ
thuật y tế đến gần dân, góp phần thực hiện công bằng và nâng cao chất lượng
khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo
tuyến vẫn còn bộc lộ nhược điểm: Một số cơ sở y tế có chức năng chỉ đạo tuyến
chưa thực hiện tốt kế hoạch chỉ đạo tuyến; công tác chỉ đạo tuyến chưa chú
trọng đến hướng dẫn kỹ năng thực hành; việc đào tạo cán bộ y tế để sử dụng các
trang thiết bị hiện đại, đắt tiền chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ sở y tế
chưa khai thác hết công suất sử dụng trang thiết bị đặc biệt là các sơ sở khám
chữa bệnh tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chính vì vậy, việc
đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân bị hạn chế, bệnh nhân
phải chuyển lên tuyến trên điều trị vẫn còn quá nhiều, gây quá tải ở bệnh viện
tuyến trên.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân
trong tình hình mới, việc hoàn thiện, phát triển hệ thống đào tạo và chỉ đạo
tuyến tại các bệnh viện đã trở thành nhu cầu bức thiết.
1.2. Tình hình chung về tổ chức và nhân lực
hệ thống bệnh viện công lập, cơ cấu tổ chức của các bệnh viện công lập ảnh
hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và chỉ đạo tuyến
1.2.1. Tình hình chung về tổ chức và nhân
lực hệ thống bệnh viện công lập
Tổng số các loại hình bệnh viện, cơ sở điều
dưỡng PHCN cả công và tư hiện có 1.104 cơ sở, với 138.373 giường bệnh. Số Bệnh
viện công lập là: 1.053 bệnh viện, được phân cấp như sau:
- Bộ Y tế quản lý:
+ BVđa khoa tuyến Trung ương: 11
+ BV chuyên khoa tuyến Trung ương:25
- Địa phương quản lý:
+ BV đa khoa tuyến tỉnh: 119
+ BV chuyên khoa tuyến tỉnh: 223
+ BV đa khoa thuộc quận, huyện, TP thuộc
tỉnh, thị xã: 595
- Các Bộ, ngành quản lý: 80 BV và trung tâm/
Nhà điều dưỡng PHCN.
Trong 1053 BV công có: 1 BV hạng đặc biệt; 53
BV hạng 1(5 %); 95 BV hạng 2(9 %); 497 BV hạng 3 (47,2 %); 247 BV hạng 4(23,5
%) và 160 cơ sở chưa hoặc không xếp hạng.
(Số liệu qui hoạch phát triển mạng lưới khám
chữa bệnh năm 2007)
- Cơ cấu nhân lực y tế:
+ Bác sỹ (kể cả tiến sỹ và thạc sỹ): 54.910
+ Dược sỹ (kể cả tiến sỹ và thạc sỹ): 10.270
+ Y sỹ: 48.738
+ Y tá ĐH: 1.308
+ Dược sỹ trung học: 12.059
+ Kỹ thuật viên y: 11.230
+ KTV Dược: 1.265
+ Y tá trung học: 50.031
+ Nữ hộ sinh ĐH và TH: 1.943
+ XNV ( kể cả XNV trung cấp): 710
+ Lương y: 677
+ Dược tá: 9.374
+ Đại học khác: 9.870
+ Trung học khác: 9.804
+ Cán bộ khác: 29.536.
(Nguồn “Niên giám thống kê năm 2007”)
1.2.2. Thực trạng về cơ cấu tổ chức của các
bệnh viện công lập ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và chỉ đạo
tuyến
Theo quy chế bệnh viện và Điều lệ tổ chức và
hoạt động, cơ cấu tổ chức của bệnh viện để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và chỉ
đạo tuyến của các bệnh viện rất phong phú. Kết quả khảo sát 35 bệnh viện trực
thuộc Bộ cho thấy:
- Chức năng chỉ đạo tuyến được giao cho:
+ Phòng Chỉ đạo tuyến: 22/35 BV;
+ Phòng Kế hoạch tổng hợp: 06/35 BV;
+ Phòng Đào tạo-NCKH và Chỉ đạo tuyến: 03/35
BV;
+ Trung tâm Đào tạo, Chỉ đạo tuyến: 01/35 BV;
+ Phòng Kế hoạch tổng hợp và Chỉ đao tuyến:
01/35 BV;
+ Phòng Chỉ đạo tuyến- NCKH và Đối ngoại:
01/35 BV;
+ Phòng NCKH và Chỉ đạo tuyến: 01/35 BV;
- Chức năng đào tạo, NCKH được giao cho:
+ Phòng Chỉ đạo tuyến: 08/35 BV;
+ Phòng Đào tạo, NCKH hoặc QL Đào tạo, NCKH:
07/35 BV;
+ Phòng Kế hoạch tổng hợp: 09/35 BV;
+ Phòng Đào tạo- Chỉ đạo tuyến và NCKH: 04/35
BV;
+ Trung tâm Đào tạo: 03/35 BV;
+ Phòng Đào tạo- NCKH và Trung tâm Đào tạo:
01/35 BV;
+ Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến: 01/35
BV;
+ Phòng Đào tạo: 01/35 BV;
+ Phòng NCKH và Chỉ đạo tuyến: 01/35 BV.
- Các bệnh viện thống nhất giao cho một đơn
vị đầu mối thực hiện 3 chức năng đào tạo, NCKH và chỉ đạo tuyến: 15/35. (Giao
cho: Trung tâm đào tạo và NCKH: 01BV; phòng Chỉ đạo tuyến: 08 BV; phòng Kế
hoạch tổng hợp: 06 BV).
Hiện tại 02 BV có Trung tâm Đào tạo và Chỉ
đạo tuyến (BV Bạch Mai, Viện Da liễu Quốc gia); 04 BV có Trung tâm Đào tạo (BV
Chợ Rẫy; BV Đa khoa TW Huế; BV Phụ sản TW, BV Y học cổ truyền TW).
Kết quả khảo sát trên cho thấy cơ cấu tổ chức
để thực hiện chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến ở các bệnh
viện trực thuộc Bộ hiện nay rất khác nhau. Sự khác nhau về cơ cấu tổ chức, dẫn
đến chỉ đạo khó thống nhất, việc thực hiện chồng chéo, khó khăn, không đạt được
hiệu quả mong muốn. Sự bất cập đó ảnh hưởng lớn đến kết quả công tác nghiên cứu
khoa học, đào tạo và chỉ đạo tuyến với những yêu cầu phát triển nhằm đáp ứng
công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Ngày 25/6/2008, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án
1816 cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ các
BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bộ phận tham mưu thực
hiện Đề án tại các bệnh viện không thống nhất, có bệnh viện giao cho phòng Kế
hoạch tổng hợp, có bệnh viện giao cho phòng Tổ chức Cán bộ hoặc phòng Chỉ đạo
tuyến...gây hạn chế trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Việc kiện toàn, thành lập trung tâm/ phòng
Đào tạo và Chỉ đạo tuyến tại các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I sẽ
giúp từng bước khắc phục hạn chế này, giúp hoàn thiện nâng cao năng lực hệ
thống đào tạo, chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ của toàn bộ mạng lưới bệnh
viện trong toàn quốc và góp phần thực hiện thành công Đề án 1816.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
2.1. Nghị quyết số 46 – NQ/TW ngày 23/2/2005
của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
trong tình hình mới;
2.2. Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày
05/20/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính
phủ thực hiện Nghị quyết số 46 – NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công
tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
2.3. Quyết định số 30/2008/QĐ-TTg ngày
22/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Qui hoạch mạng lưới khám, chữa
bệnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
2.4. Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày
25/4/2006 của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm
vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập;
2.5. Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày
27/12/2007 của Chính phủ qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Y tế;
2.6. Chỉ thi số: 09/2004/CT-BYT ngày
29/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác chỉ đạo tuyến
trong lĩnh vực khám chữa bệnh;
2.7. Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT ngày
26/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn
luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao
chất lượng khám chữa bệnh”;
2.8. Thông tư 07/2008/TT-BYT ngày 28/5/2008
về hướng dẫn công tác đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.
III. PHƯƠNG ÁN KIỆN
TOÀN, THÀNH LẬP TRUNG TÂM/ PHÒNG ĐÀO TẠO VÀ CHỈ ĐẠO TUYẾN TRỰC THUỘC BỆNH VIỆN
HẠNG ĐẶC BIỆT VÀ BỆNH VIỆN HẠNG I
3.1. Mục tiêu:
3.1.1. Mục tiêu chung:
Nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn và chất
lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện các tuyến nhất là tuyến dưới và miền núi,
vùng sâu, vùng xa.
3.1.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Kiện toàn, thành lập trung tâm Đào tạo và
Chỉ đạo tuyến trực thuộc BV Bạch Mai, BV Trung ương Huế và BV Chợ Rẫy, BV Y học
cổ truyền Trung ương, BV Phụ sản Trung ương.
b) Kiện toàn, thành lập trung tâm Đào tạo và
Chỉ đạo tuyến trực thuộc một số bệnh viện hạng I khi có nhu cầu và đáp ứng đủ
điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực đào tạo và được
Bộ Y tế cho phép.
c) Kiện toàn, thành lập phòng Đào tạo và Chỉ
đạo tuyến trực thuộc các bệnh viện hạng I.
3.2. Phương án kiện toàn, thành lập trung
tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến trực thuộc bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh
viện hạng I
3.2.1.Vị trí, tư cách pháp lý của trung
tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến
- Trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến là
đơn vị trực thuộc bệnh viện và chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc bệnh
viện.
- Đối với các bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở
vật chất, tổ chức, nhân lực, năng lực, có nhu cầu và được Bộ Y tế cho phép có
thể thành lập trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến là một đơn vị sự nghiệp có thu
trực thuộc bệnh viện, có tư cách pháp nhân có con dấu và tài khoản riêng.
3.2.2.Chức năng của trung tâm/phòng Đào tạo
và Chỉ đạo tuyến
Trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến có
chức năng tham mưu, giúp Giám đốc bệnh viện xây dựng chiến lược tổng thể, tổ
chức thực hiện và quản lý tập trung việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa
học, ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh; đào tạo
bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, chuyển giao công nghệ kỹ thuật y học
cho tuyến dưới; chỉ đạo kỹ thuật cho tuyến dưới, cử cán bộ đi luân phiên và
chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện về toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên
cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ của bệnh viện.
3.2.3. Nhiệm vụ của trung tâm/phòng Đào tạo
và Chỉ đạo tuyến
a) Đào tạo
- Điều phối và quản lý tập trung công tác đào
tạo và phát triển các loại hình đào tạo, bao gồm:
+ Đào tạo liên tục, chuyển giao kỹ thuật cho
cán bộ y tế; Đào tạo luân vòng cho bác sĩ, điều dưỡng mới tốt nghiệp;
+ Đào tạo chuyên khoa định hướng cho bác sĩ,
điều dưỡng;
+ Phối hợp theo dõi và quản lý học viên hệ
chính quy của các Trường Đại học Y, Dược, các Trường cao đẳng, Trung cấp y đến
thực tập tại bệnh viện;
+ Phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng
và Trung cấp Y, triển khai các loại hình đào tạo dài hạn, có bằng cấp chính
quy, Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II;
+ Các hình thức đào tạo khác.
- Hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực y
tế và phát triển năng lực khám chữa bệnh của các tuyến điều trị với các dự án,
đề án, chương trình, tổ chức trong nước và quốc tế.
b) Nghiên cứu khoa học
Điều phối, quản lý việc thực hiện các đề tài
nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở về hoạt động chuyên môn
và quản lý y tế.
c) Chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ
- Lập kế hoạch chỉ đạo tuyến, cử cán bộ
chuyên môn luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới thường xuyên và đột xuất
khi có nhu cầu. Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hướng về cộng đồng,
các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
- Theo dõi, đôn đốc kiểm tra, đánh giá hiệu
quả công tác chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết với tuyến dưới để
có thông tin hai chiều, rút kinh nghiệm trong thực hiện, điều chỉnh hoạt động
chỉ đạo tuyến và luân phiên cán bộ phù hợp với nhu cầu.
- Thống kê, lưu trữ các tài liệu về hoạt động
chỉ đạo tuyến, luân phiên cán bộ của bệnh viện.
3.2.4. Cơ cấu tổ chức, nhân lực, kinh phí hoạt
động
a) Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến
* Cơ cấu tổ chức
- Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến có Giám
đốc và các Phó Giám đốc.
- Các phòng chức năng: Phòng Đào tạo; phòng
Chỉ đạo tuyến và luân phiên; phòng Nghiên cứu khoa học; Văn phòng trung tâm.
Sơ đồ cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của trung
tâm Đào tạo và chỉ Đạo tuyến ( Phụ lục1).
* Nhân lực: Trung tâm có 20 - 30 cán bộ và
các cộng tác viên do Giám đốc bệnh viện quyết định theo nhu cầu chuyên môn và
qui mô, phạm vi hoạt động của trung tâm.
* Kinh phí hoạt động từ nguồn Ngân sách Nhà
nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
b) Phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến
- Cơ cấu tổ chức: Phòng Đào tạo và Chỉ đạo
tuyến có Trưởng phòng và các Phó Trưởng phòng giúp việc. Gồm ba bộ phận chức
năng: Chỉ đạo hoạt động chuyên khoa tuyến dưới; đào tạo cán bộ chuyên khoa,
nghiên cứu khoa học.
Sơ đồ cơ cấu tổ chức phòng Đào tạo và Chỉ đạo
tuyến (Phụ lục 2).
- Nhân lực, kinh phí: Do Giám đốc bệnh viện
giao trong tổng biên chế và kinh phí chung của bệnh viện.
3.2.5. Cơ chế hoạt động
- Trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến
chịu sự quản lý toàn diện của Giám đốc bệnh viện theo qui định của pháp luật.
- Trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến có
mối quan hệ phối kết hợp với các khoa, phòng chức năng của bệnh viện trong việc
thực hiện nhiệm vụ.
- Trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến có
mối quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực y tế và phát triển năng
lực khám chữa bệnh của các tuyến điều trị với các dự án, đề án, chương trình,
tổ chức trong nước và quốc tế và các cơ sở đào tạo khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
4.1. Lộ trình:
- Giai đoạn 1:
+ Bệnh viện hạng đặc biệt và một số bệnh viện
hạng I (BV Bạch mai, BV Trung ương Huế, BV Chợ Rẫy, BV Y học cổ truyền Trung
ương, BV Phụ sản Trung ương): Xây dựng đề án kiện toàn trình Bộ phê duyệt trước
tháng 12/2009.
+ Bệnh viện hạng I: Xây dựng kế hoạch kiện
toàn, thành lập phòng Đào tạo, chỉ đạo tuyến trước tháng 12/2009.
- Giai đoạn 2 :
+ Triển khai thí điểm tại 05 bệnh viện: Bạch
Mai,Trung ương Huế, Chợ Rẫy, BV Y học cổ truyền Trung ương, BV Phụ sản Trung
ương, từ tháng 12/2009 – tháng 6/2010.
+ Kiện toàn, thành lập, phòng Đào tạo và Chỉ
đạo tuyến của các bệnh viện hạng I.
- Giai đoạn 3: Từ tháng 6/2010 – tháng
12/2010. Đánh giá hoạt động các trung tâm/ phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến làm
cơ sở hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của trung tâm và phòng
Đào tạo và Chỉ đạo tuyến.
- Giai đoạn 4: Nhân rộng mô hình trung tâm
Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, từ năm 2011.
4.2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện:
4.2.1. Cục Quản lý khám, chữa bệnh:
Chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển
khai thực hiện Đề án kiện toàn, thành lập trung tâm/phòng Đào tạo và chỉ Đạo
tuyến; đảm bảo phát triển hoạt động chỉ đạo tuyến, duy trì ổn định không làm
ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn.
4.2.2. Vụ Tổ chức Cán bộ:
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ
đạo, hướng dẫn các bệnh viện kiện toàn, thành lập trung tâm/phòng Đào tạo và
Chỉ đạo tuyến theo nội dung của Đề án; làm đầu mối phối hợp với Cục Quản lý
khám, chữa bệnh, Vụ Khoa học và Đào tạo xem xét, thẩm định Đề án thành lập
trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của các bệnh viện.
4.2.3. Vụ Khoa học và Đào tạo:
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Vụ
Tổ chức Cán bộ và các Vụ, Cục liên quan, hướng dẫn các bệnh viện xây dựng kế
hoạch đào tạo; làm đầu mối xem xét, thẩm định chương trình đào tạo và tài liệu
dạy - học do các bệnh viện xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện xây dựng
kế hoạch nghiên cứu khoa học; quản lý các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của
các bệnh viện.
4.2.4.Vụ Kế hoạch - Tài chính:
Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ
Tổ chức cán bộ và các Vụ, Cục liên quan, hướng dẫn các bệnh viện xây dựng kế
hoạch kinh phí cho hoạt động của trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến trình
Bộ phê duyệt.
4.2.5. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Vụ Y Dược
cổ truyền:
Phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ
Tổ chức cán bộ và Vụ Khoa học và Đào tạo trong việc tổ chức triển khai thực
hiện Đề án.
4.2.6. Các bệnh viện trực thuộc Bộ:
Căn cứ nội dung Đề án, xây dựng đề án kiện
toàn, thành lập trung tâm/phòng Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, trình Bộ xem xét, phê
duyệt và triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Y tế.