ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
17/2021/QĐ-UBND
|
Thanh
Hóa, ngày 24 tháng 8 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VỀ
AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ
18/2019/QĐ-UBND NGÀY 25/6/2019 CỦA UBND TỈNH THANH HÓA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 47/2019/QH14 ngày
22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 63/2020/QH14 ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số
55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
Căn cứ các Nghị định của Chính phủ
số: 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
An toàn thực phẩm; 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 quy định sửa đổi, bổ sung một
số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà
nước của Bộ Y tế; 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều
của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản
lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số
17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quy định phương thức quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở
sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản
xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm
vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư số
43/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn
thực phâm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số
18/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định
phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế
tại Công văn số 3425/SYT-NVY ngày 13/8/2021 về việc tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo
Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định phân công, phân cấp quản lý
về an toàn thực phàm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số
18/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm theo Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND
ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa như sau:
1. Bổ sung Điểm c
vào Khoản 1, Điều 3 như sau:
“c) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
đồng thời tại cùng địa điểm có sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm thực phẩm do Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương quản lý có Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp.”
2. Sửa đổi, bổ sung
Điểm a, Khoản 2, Điều 3 như sau:
“a) Cơ sở sản xuất dụng cụ, vật liệu
bao gói, chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (trừ những dụng cụ, vật liệu
bao gói chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương được sản xuất trong
cùng một cơ sở và chỉ để dùng cho các sản phẩm thực phẩm của cơ sở đó) có Giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống
phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn
thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về
an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc
tương đương còn hiệu lực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Y tế.”
3. Bổ sung Khoản 5
vào Điều 3 như sau:
“5. Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm
thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, Sở Y tế chủ trì phối hợp với
các ngành quản lý thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận.”
4. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 2, Điều 4 như sau:
“2. Quản lý về an toàn thực phẩm đối
với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định gồm các cơ sở
sau:
a) Cảng cá.
b) Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12
mét đến dưới 15 mét.
c) Cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký
doanh nghiệp đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt
(GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống
quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu
chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm
(FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”
5. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 3, Điều 5 như sau:
“3. Tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm
đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; đăng tải
tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử
của cơ quan tiếp nhận. Tiếp nhận bản sao các loại Giấy chứng nhận còn hiệu lực
(có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) theo quy định tại Điểm
k, Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ của
các cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý của
ngành Công Thương.”
6. Sửa đổi, bổ
sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp huyện
1. Quản lý, cấp, thu hồi Giấy chứng
nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sau:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm/nhóm
sản phẩm thực phẩm theo Phụ lục 2, 3 kèm theo Quy định này có Giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh do UBND cấp huyện cấp.
b) Cơ sở giết mổ động vật tập trung có
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện cấp.
c) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND cấp huyện cấp có quy mô dưới 200
suất ăn/lần phục vụ.
2. Quản lý về an toàn thực phẩm đối với
cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không
thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định
có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện cấp, gồm các cơ sở sau:
a) Cơ sở kinh doanh sản phẩm/nhóm thực
phẩm được quy định tại Phụ lục 1, 2, 3 kèm theo Quy định này.
b) Bếp ăn tập thể không có đăng ký
ngành nghề kinh doanh thực phẩm có quy mô từ 50 suất ăn đến dưới 200 suất ăn/lần
phục vụ.
c) Chợ hạng 2.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ
sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc Phụ lục 2, 3 kèm theo Quy
định này đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt
(GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống
quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu
chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm
(FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực; tiếp nhận bản sao các loại Giấy chứng
nhận trên còn hiệu lực (có xác nhận của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm) của
các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm/nhóm sản phẩm thuộc Phụ lục 3 kèm theo
Quy định này có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND huyện cấp.
4. Quản lý về an toàn thực phẩm đối với
tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 12 mét.
5. Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý
an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của pháp luật.”
7. Sửa đổi, bổ sung
Khoản 2, Điều 7 như sau:
“2. Quản lý về an toàn thực phẩm đối với
cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ; bữa cỗ có từ 30 người ăn trở lên, bếp ăn tình
thương, bữa ăn tình thương, các Lễ hội được tổ chức trên địa bàn.”
Điều 2. Bổ sung,
thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoán, điều của Quy định phân công,
phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ban hành kèm
theo Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa như
sau:
1. Bổ sung cụm từ
“hương liệu” sau cụm từ “Phụ gia” tại số thứ tự thứ 4 Phụ lục 1 kèm theo Quy định
này.
2. Thay thế dấu
chấm phẩy bằng dấu “,” tại Điểm b, Khoản 1, Điều 5.
3. Bỏ cụm từ
“kinh doanh” tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3; bỏ cụm từ “của Bộ Y tế” tại Khoản 3,
Điều 3; bỏ cụm từ “của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” tại Khoản 3, Điều
4.
Điều 3. Điều khoản
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 03 tháng 9 năm 2021.
2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc
các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng
các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện
Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có những vấn đề mới phát sinh cần
phải sửa đổi, bổ sung, các sở, ngành và UBND cấp huyện, UBND cấp xã phản ánh kịp
thời về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 QĐ;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban Chỉ đạo liên ngành TW về ATTP (để b/c);
- Các bộ: Y tế, NN & PTNT, Công Thương (để b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (để b/c);
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng điều phối về VSATTP tỉnh;
- Báo Thanh Hóa, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT tỉnh;
- Website Chính phủ, Công báo;
- Lưu: VT,NN. (527.2021)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đầu Thanh Tùng
|