BỘ
XÂY DỰNG
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------
|
Số:
13/2007/TT-BXD
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2007
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2007/NĐ-CP NGÀY
09/4/2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
Căn cứ Nghị định số
36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất
thải rắn;
Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy
hoạch xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, phục hồi và tái sử dụng cơ sở
xử lý chất thải rắn sau khi kết thúc hoạt động, lập và quản lý dự toán xử lý chất
thải rắn được quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10, 34, 35 và 37 của Nghị định số
59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn như sau:
1. QUY HOẠCH
QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN
1. Quy hoạch quản lý chất thải rắn
được nêu tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP được
hiểu như sau:
a. Quy hoạch quản lý chất thải rắn
là quy hoạch chuyên ngành xây dựng, bao gồm: điều tra, khảo sát, dự báo chi tiết
nguồn và tổng lượng phát thải các loại chất thải rắn thông thường và nguy hại;
xác định vị trí và quy mô các trạm trung chuyển, phạm vị thu gom, vận chuyển;
xác định vị trí, quy mô cơ sở xử lý chất thải rắn trên cơ sở đề xuất công nghệ
xử lý thích hợp; xây dựng kế hoạch và nguồn lực nhằm thu gom và xử lý triệt để
chất thải rắn;
b. Quy hoạch quản lý chất thải rắn
bao gồm: quy hoạch vùng liên tỉnh: quy hoạch vùng tỉnh. Quy hoạch quản lý chất
thải rắn vùng liên tỉnh chỉ xét đến các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế,
khu du lịch, khu lịch sử - văn hóa có ý nghĩa liên vùng, là động lực phát triển
vùng;
c. Quy hoạch quản lý chất thải rắn
được lập cho giai đoạn 10, 20 năm hoặc dài hơn tùy theo giai đoạn lập quy hoạch
xây dựng.
2. Hồ sơ quy hoạch quản lý chất
thải rắn thực hiện theo các nội dung được quy định tại khoản 2,
Điều 7 bao gồm:
2.1. Phần thuyết minh:
a. Đánh giá hiện trạng, gồm các
nội dung:
- Hiện trạng các nguồn và lượng
chất thải rắn phát sinh từ các đô thị, cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề,
các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di tích lịch sử - văn hóa, khu du lịch; thành phần,
tính chất và tổng khối lượng chất thải rắn thông thường và nguy hại;
- Hiện trạng về tỷ lệ thu gom,
phân loại chất thải rắn; phương tiện và phương thức thu gom; vị trí, quy mô các
trạm trung chuyển và các cơ sở xử lý chất thải rắn; đánh giá công nghệ xử lý chất
thải rắn;
- Hiện trạng cơ sở hạ tầng kỹ
thuật có liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn;
b. Thuyết minh tính toán và dự
báo về nguồn và khối lượng chất thải rắn thông thường và nguy hại trên cơ sở hiện
trạng, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch ngành liên khác;
c. Đánh giá khả năng phân loại,
tái chế và tái sử dụng chất thải rắn thông thường phát thải từ sinh hoạt, sản
xuất công nghiệp và dịch vụ;
d. Thuyết minh việc lựa chọn, vị
trí, quy mô các trạm trung chuyển chất thải rắn; vị trí, quy mô các cơ sở xử lý
chất thải rắn; phạm vi tiếp nhận chất thải rắn của các cơ sở xử lý; phương thức
thu gom chất thải rắn (bằng thiết bị cơ giới, các phương tiện thô sơ khác…).
Khi xác định vị trí, quy mô của trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải rắn,
cần thuyết minh sự phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt (nếu có). Đối
với cơ sở xử lý chất thải rắn, cần thuyết minh khả năng mở rộng quy mô trong
tương lai.
đ. Đề xuất lựa chọn công nghệ
thích hợp để xử lý các loại chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại
nhằm đảm bảo xử lý triệt để chất thải rắn, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ
sinh môi trường;
e. Xây dựng kế hoạch và nguồn lực
thực hiện để đảm bảo thống kê đầy đủ và xử lý triệt để tất cả các loại chất thải
rắn. Khi xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch, phải thuyết minh nguồn từ ngân
sách địa phương, trung ương và các nguồn vốn đầu tư khác từ xã hội hóa công tác
quản lý chất thải rắn.
g. Các kết luận và kiến nghị.
2.2. Phần bản vẽ:
a. Hiện trạng vị trí các nguồn
phát thải, thống kê khối lượng chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy
hại;
b. Hiện trạng phạm vi thu gom;
hiện trạng vị trí, quy mô các trạm trung chuyển; hiện trạng vị trí, quy mô và
công nghệ của cơ sở xử lý chất thải rắn;
c. Khu vực phát thải (các điểm
dân cư, khu công nghiệp tập trung, khu thương mại – dịch vụ, khu du lịch,…) kèm
theo thống kê khối lượng chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại được
dự báo theo thời gian quy hoạch;
d. Quy hoạch vị trí, quy mô các
trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn và công nghệ xử lý được đề xuất;
phạm vi địa giới thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường, nguy hại đối với
cơ sở xử lý chất thải rắn.
II. QUY HOẠCH
XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN
Quy hoạch xây dựng các công
trình xử lý chất thải rắn theo quy định tại các Điều 8 và 9 của
Nghị định số 59/2007/NĐ-CP được hướng dẫn như sau:
1. Yêu cầu đối với quy hoạch tổng
mặt bằng xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn:
a. Vị trí, quy mô cơ sở xử lý chất
thải rắn phải phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
b. Tiêu chuẩn diện tích đất, diện
tích xây dựng; định mức sử dụng điện, nước được xác định theo công nghệ xử lý
đã lựa chọn và theo tiêu chuẩn thiết kế tổng mặt bằng đối với các nhà máy công
nghiệp và tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn;
c. Đảm bảo hoạt động của nhà máy
theo công suất thiết kế và an toàn cho công nhân trong quá trình vận hành;
d. Có biện pháp cách ly đối với
các khu vực có khả năng gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ cháy nổ (bãi chôn lấp, bể xử
lý nước rác, nơi chứa tạm thời chất thải nguy hại sau khi phân loại và chờ đưa
đi xử lý);
đ. Phải bố trí vị trí các điểm
quan trắc môi trường (nước, không khí) nhằm theo dõi sự biến động về môi trường
trong quá trình vận hành và sau khi đóng cửa cơ sở xử lý chất thải rắn;
e. Phải dự kiến các phương án phục
hồi cảnh quan và tái sử dụng mặt bằng cơ sở xử lý chất thải rắn sau khi chấm dứt
hoạt động.
2. Quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng
do chủ đầu tư thực hiện khi lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn.
Các hạng mục công trình của cơ sở xử lý chất thải rắn bao gồm:
a. Các công trình chính (tiếp nhận,
phân loại, xử lý chất thải rắn; nơi chứa sản phẩm tái chế, tái sử dụng…);
b. Các công trình phụ trợ phục vụ
quản lý vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn (quản lý, điều hành, phòng thí nghiệm,
nhà ăn, khu vệ sinh…);
c. Vị trí tập kết để đóng rắn hoặc
chôn lấp chất thải rắn thông thường còn lại sau khi đã được xử lý (tái chế, tái
sử dụng, đốt,…); khu vực cô lập vĩnh viễn chất thải rắn nguy hại;
d. Hệ thống các công trình hạ tầng
kỹ thuật của cơ sở xử lý chất thải rắn (hệ thống đường, cấp thoát nước, cấp điện
chiếu sáng và sản xuất, hệ thống xử lý nước thải, sân bãi, cây xanh) và vị trí
các điểm đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào cơ sở xử lý chất
thải rắn.
3. Hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng
xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn:
a. Phần thuyết minh;
b. Phần bản vẽ: tỷ lệ bản vẽ
1/500. Các bản vẽ bao gồm:
- Hiện trạng khu đất, ranh giới khu
vực bố trí cơ sở xử lý chất thải rắn;
- Tổng mặt bằng, định vị các
công trình của cơ sở xử lý chất thải rắn; tóm tắt các chỉ tiêu kỹ thuật của giải
pháp quy hoạch;
- Tổng mặt bằng bố trí các hạng
mục công trình hạ tầng kỹ thuật; cao độ; các điểm đấu nối với công trình hạ tầng
kỹ thuật bên ngoài khu đất; vị trí các điểm quan trắc môi trường nước mặt, nước
ngầm, không khí (khói, bụi, khí thải…).
III. PHỤC HỒI,
TÁI SỬ DỤNG DIỆN TÍCH CƠ SỞ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SAU KHI CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG
1. Việc phục hồi, tái sử dụng diện
tích cơ sở xử lý chất thải rắn sau khi chấm dứt hoạt động được quy định tại Điều 34 của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP.
2. Việc đóng bãi chôn lấp, chấm
dứt hoạt động cơ sở xử lý chất thải rắn được thực hiện khi: lượng chất thải đã
chôn lấp đạt được dung tích lớn nhất theo thiết kế kỹ thuật; bãi chôn lấp không
hợp vệ sinh và buộc phải đóng cửa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Giải pháp phục hồi và tái sử
dụng diện tích cơ sở xử lý chất thải rắn có thể bao gồm:
a. Tháo dỡ, di dời các hạng mục
nhà xưởng; phục hồi cảnh quan môi trường khu vực bằng cách trồng cỏ, cây xanh;
b. Sau khi thực hiện các công
tác theo yêu cầu được quy định tại khoản 1, Điều 34 của Nghị định
số 59/2007/NĐ-CP có thể tái sử dụng mặt bằng cơ sở xử lý chất thải rắn làm
khu vui chơi, giải trí, sân thể thao, bãi đỗ xe… Không xây dựng các công trình
nhà cửa trên bãi chôn lấp chất thải rắn. Khi tái sử dụng cơ sở xử lý chất thải
rắn cho mục đích khác, cần lập dự án và quy hoạch xây dựng theo quy định của
pháp luật về đầu tư xây dựng.
IV. LẬP VÀ QUẢN
LÝ DỰ TOÁN DỊCH VỤ CÔNG ÍCH XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN
1. Dự toán chi phí dịch vụ công
ích xử lý chất thải rắn nêu tại Điều 35 của nghị định số
59/2007/NĐ-CP được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố
chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo các công nghệ khác
nhau, đảm bảo khả năng thu hồi vốn và phát triển của chủ đầu tư cơ sở xử lý chất
thải rắn; khuyến khích thực hiện xã hội hóa dịch vụ công ích xử lý chất thải rắn.
2. Chi phí đầu tư xây dựng cơ sở
xử lý chất thải rắn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP
ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và
các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định; bao gồm các khoản chi phí như: chi
phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định
cư; chi phí quản lý dự án trong quá trình đầu tư xây dựng, chi phí tư vấn xây dựng;
chi phí khác và chi phí dự phòng.
3. Dự toán chi phí, dịch vụ công
ích xử lý chất thải rắn là chi phí cần thiết để hoàn thành khối lượng sản phẩm
dịch vụ theo quy trình kỹ thuật quy định; bao gồm: chi phí nguyên vật liệu để xử
lý chất thải rắn; chi phí nhân công để xử lý chất thải rắn, chi phí máy, thiết
bị, khấu hao nhà xưởng; chi phí quản lý chung và lợi nhuận định mức. Giá dự
toán, đơn giá của từng loại công việc xử lý chất thải rắn, chi phí quản lý
chung và lợi nhuận định mức được xác định như đơn giá của từng loại công việc dịch
vụ công ích, chi phí quản lý chung và lợi nhuận định mức quy định tại Thông tư
số 17/2005/TT-BXD ngày 01/11/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập và
quản lý giá dự toán dịch vụ công ích đô thị.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh phê duyệt dự toán chi phí dịch vụ công ích xử lý chất thải rắn. Dự toán được
phê duyệt là căn cứ để lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ công ích xử
lý chất thải rắn theo phương thức đấu thầu hoặc đặt hàng.
Đối với chất thải rắn công nghiệp
và chất thải rắn nguy hại, chủ nguồn thải và chủ xử lý chất thải rắn ký kết hợp
đồng trên cơ sở dự toán dịch vụ xử lý chất thải rắn theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 59/2007/NĐ-CP.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt
quy hoạch quản lý chất thải rắn theo quy định tại Điều 10 của
Nghị định số 59/20007/NĐ-CP.
2. Ủy ban nghị định cấp tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt
quy hoạch xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn thuộc vùng tỉnh và vùng
liên tỉnh nằm trên địa bàn.
3. Đối với các bãi chôn lấp chất
thải rắn hiện tại không hợp vệ sinh và thuộc danh mục nêu tại Quyết định số
64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ
chức lập và thực hiện dự án cải tạo bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn môi trường.
4. Thông tư này có hiệu lực sau
15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Xây dựng để hướng dẫn, giải
quyết./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Liên
|