BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2014/TT-BNNPTNT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 03 năm 2014
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÙNG ĐỆM CỦA KHU RỪNG ĐẶC DỤNG VÀ VÀNH ĐAI BẢO VỆ CỦA
KHU BẢO TỒN BIỂN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng
11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008
của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm
quan trọng quốc gia và quốc tế;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày
24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Theo đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;
Tổng cục Thủy sản;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
ban hành Thông tư quy định về tiêu chí xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng
và vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tiêu chí xác định vùng đệm
của khu rừng đặc dụng và vành đai bảo vệ của khu bảo tồn biển (sau đây viết
chung là vùng đệm) trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
bao gồm:
1. Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn
loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ và
phát triển rừng;
2. Vườn quốc gia, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu
dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh theo quy định của pháp luật về thủy sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức,
cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước
ngoài có liên quan đến việc xác định vùng đệm.
Điều 3. Mục đích xác lập vùng đệm
1. Vùng đệm là vùng rừng, vùng đất, vùng đất có mặt
nước, vùng đất ven biển và hải đảo, khu vực biển nằm trong ranh giới khu rừng đặc
dụng hoặc liền kề với ranh giới khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển. Vùng đệm
bao gồm vùng đệm bên trong và vùng đệm bên ngoài.
a) Vùng đệm bên trong là vùng đệm nằm trong phạm vi
ranh giới khu rừng đặc dụng.
b) Vùng đệm bên ngoài là vùng đệm liền kề với ranh
giới ngoài của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển.
2. Vùng đệm có tác dụng ngăn ngừa, giảm nhẹ sự xâm
hại vào khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển; thu hút người dân tham gia các hoạt
động của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển theo phương thức đồng quản lý nhằm
từng bước nâng cao, ổn định đời sống của người dân trong vùng đệm.
Điều 4. Tiêu chí xác định vùng
đệm
1. Tiêu chí xác định vùng đệm bên trong
Việc xác lập vùng đệm bên trong phải đáp ứng các
tiêu chí sau:
a) Khu vực đang có cộng đồng dân cư thôn, cụm dân
cư sinh sống ổn định trước khi thành lập khu rừng đặc dụng, không có điều kiện
di dân tái định cư ra khỏi khu rừng đặc dụng; có quy hoạch ổn định dân cư lâu
dài tại chỗ phù hợp với quy hoạch của khu rừng đặc dụng;
b) Diện tích vùng đệm bên trong được xác định trên
cơ sở hiện trạng về đất, mặt nước sử dụng thực tế của các hộ sinh sống, canh
tác ổn định trước khi thành lập khu rừng đặc dụng, nhưng tối đa không vượt quá
10% tổng diện tích khu rừng đặc dụng.
2. Tiêu chí xác định vùng đệm bên ngoài khu rừng đặc
dụng
Việc xác lập vùng đệm bên ngoài khu rừng đặc dụng
đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Khu vực có cộng đồng dân cư thôn sinh sống và hoạt
động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt theo truyền thống;
b) Khu vực diện tích các thôn liền kề với ranh giới
ngoài của khu rừng đặc dụng.
3. Tiêu chí xác định vùng đệm khu bảo tồn biển.
a) Vùng đệm khu bảo tồn biển có độ rộng tối đa
không quá 1.000 (một nghìn) mét tính từ ranh giới khu bảo tồn biển trở ra, có
các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, bến đậu tàu thuyền, điểm du lịch
và các hoạt động khác của người dân tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn của
khu bảo tồn biển;
b) Các khu bảo tồn biển tiếp giáp với đất liền, hải
đảo vùng đệm còn bao gồm khu vực đất, mặt nước ven biển có cộng đồng dân cư
thôn, cụm dân cư sinh sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt theo
truyền thống.
4. Khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển có ranh giới
tiếp giáp với biên giới quốc gia, khu rừng phòng hộ, khu bảo tồn khác hoặc khu
vực quốc phòng thì không phải xác định vùng đệm bên ngoài đối với phần tiếp
giáp đó.
Điều 5. Trách nhiệm xác lập
vùng đệm
Ban quản lý khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển chủ
trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, cơ quan quốc phòng và cộng
đồng dân cư thôn có liên quan lập Báo cáo xác định vùng đệm, trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
Điều 6. Nội dung Báo cáo xác định
vùng đệm
1. Tên báo cáo: Xác định vùng đệm của khu rừng đặc
dụng hoặc khu bảo tồn biển.
2. Cơ sở pháp lý xác định vùng đệm.
3. Mục tiêu xác định vùng đệm: phù hợp với các mục
tiêu quy hoạch của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển hoặc trong Luận chứng
kinh tế kỹ thuật.
4. Phương pháp xác định vùng đệm: bao gồm thu thập
tài liệu hiện có, khảo sát hiện trường, tham vấn cộng đồng dân cư vùng đệm, xây
dựng bản đồ xác định vùng đệm, viết báo cáo xác định vùng đệm.
5. Báo cáo xác định vùng đệm phải đáp ứng các yêu cầu
cơ bản sau:
a) Hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội tại các
thôn, cụm dân cư dự kiến thuộc vùng đệm;
b) Hiện trạng sử dụng đất, mặt nước, mặt biển và
các mối đe dọa tới khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển của các thôn, cụm dân cư
dự kiến thuộc vùng đệm;
c) Chương trình, dự án đầu tư vùng đệm có liên quan
đến khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển;
d) Danh mục đề xuất các thôn, cụm dân cư thuộc vùng
đệm theo tiêu chí quy định tại Điều 4 Thông tư này.
6. Kết luận, kiến nghị.
Điều 7. Hồ sơ, trình tự thẩm định,
phê duyệt Báo cáo xác định vùng đệm
1. Hồ sơ thẩm định báo cáo xác định vùng đệm bao gồm:
a) Tờ trình của Giám đốc Ban quản lý khu rừng đặc dụng,
khu bảo tồn biển (bản chính);
b) Báo cáo xác định vùng đệm quy định tại Điều 6 của Thông tư này (bản chính);
c) Bản đồ vùng đệm có thể hiện các phân khu chức
năng của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển theo hệ quy chiếu VN 2000;
d) Ban quản lý nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua
đường bưu điện đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với khu rừng đặc
dụng, khu bảo tồn biển thuộc địa phương quản lý; đến Tổng cục Lâm nghiệp đối với
khu rừng đặc dụng thuộc Trung ương quản lý; đến Tổng cục Thủy sản đối với khu bảo
tồn biển thuộc Trung ương quản lý.
2. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo
xác định vùng đệm
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì
thẩm định báo cáo xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển thuộc
địa phương quản lý, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt.
Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm: đại diện các
Sở, ngành liên quan của tỉnh, các cơ quan khoa học và đơn vị liên quan. Lãnh đạo
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Chủ tịch Hội đồng.
b) Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thẩm định báo cáo
xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng thuộc Trung ương quản lý, Tổng cục Thủy
sản chủ trì thẩm định báo cáo xác định vùng đệm của khu bảo tồn biển thuộc
Trung ương quản lý, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê
duyệt.
Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm: đại diện Tổng
cục Lâm nghiệp hoặc Tổng cục Thủy sản và các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; đại diện một số cơ quan khoa học và Ban quản lý khu rừng
đặc dụng hoặc khu bảo tồn biển. Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Tổng cục Thủy
sản là Chủ tịch Hội đồng.
d) Thời gian thẩm định hồ sơ, phê duyệt báo cáo xác
định vùng đệm
Thời gian hoàn thành việc thẩm định không quá hai
mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng
cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ
không hợp lệ, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, các cơ quan kể trên phải
thông báo cho Ban quản lý khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển biết để hoàn thiện.
Thời gian hoàn thành việc phê duyệt báo cáo xác định
vùng đệm khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và trả kết quả không quá mười lăm
(15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định.
đ) Công bố Báo cáo xác định vùng đệm: Ban quản lý
khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển có trách nhiệm công bố báo cáo xác định
vùng đệm cùng với bản đồ vùng đệm sau khi được phê duyệt và gửi đến Ủy ban nhân
dân cấp huyện, cấp xã vùng đệm và các bên liên quan khác.
e) Phạm vi, ranh giới vùng đệm bên trong và bên
ngoài khu rừng đặc dụng, vùng đệm bên ngoài khu bảo tồn biển được thể hiện bằng
tọa độ trên bản đồ và cắm mốc trên thực địa, thả phao trên biển; trường hợp
chưa tổ chức cắm mốc, thả phao thì Ban quản lý khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn
biển thống nhất với các bên liên quan về ranh giới vùng đệm để quản lý.
3. Đối với khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển mới
thành lập, việc xác lập vùng đệm thực hiện đồng thời với việc lập dự án thành lập
khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển.
Điều 8. Điều chỉnh ranh giới
vùng đệm
1. Vùng đệm được xác định, xem xét điều chỉnh đồng
thời với việc lập, điều chỉnh quy hoạch khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo
xác định vùng đệm của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển là cơ quan có thẩm
quyền quyết định điều chỉnh ranh giới vùng đệm của khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn
biển theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 12
tháng 5 năm 2014.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông
thôn để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website: Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Lưu: VT BNNPTNT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|