Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 47/2021/QĐ-UBND an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ Thái Nguyên

Số hiệu: 47/2021/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Dương Văn Lượng
Ngày ban hành: 04/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2021/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 04 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 9336/TTr-CAT-PCCC ngày 07/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên, Đài PT - TH tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Lượng

 

QUY ĐỊNH

VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI NHÀ Ở RIÊNG LẺ VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Kèm theo Quyết định số: 47/2021/QĐ-UBND ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Đối với căn hộ trong nhà chung cư, nhà ở tập thể không bắt buộc áp dụng quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm: nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014.

2. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là nhà ở riêng lẻ, ngoài chức năng
để ở còn sử dụng để làm nơi sản xuất, kinh doanh (cửa hàng buôn bán, dịch vụ văn phòng, cơ sở sản xuất nhỏ và các dịch vụ khác) hoặc công trình phụ trợ phục vụ kinh doanh, sản xuất (kho tàng, thu mua phế liệu...);

Nhà được thiết kế có công năng để ở và sản xuất, kinh doanh mà có phần diện tích sản xuất, kinh doanh chiếm từ 30% tổng diện tích tổng diện tích sàn xây dựng của nhà trở lên (không bao gồm các diện tích sàn dùng cho hệ thống kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy và đỗ xe) được xác định là nhà hỗn hợp.

3. Phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia về an toàn phòng cháy và chữa cháy nhằm đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất sự cố cháy, nổ xảy ra.

4. Chất dễ cháy là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hóa khi có tác động của nguồn gây cháy và có khả năng tiếp tục cháy kể cả khi không còn nguồn gây cháy.

5. Chất khó cháy là chất có thể bốc cháy, cháy âm ỉ hoặc cacbon hóa khi có tác động của nguồn gây cháy nhưng không có khả năng tiếp tục cháy khi không còn nguồn gây cháy.

6. Chất không cháy là chất không bốc cháy, không cháy âm ỉ và không cacbon hóa khi có tác động của nguồn gây cháy.

7. Bếp sử dụng khí LPG là bếp sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (hay còn gọi là bếp gas).

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng       

1. Tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh đối với từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp quy định của pháp luật về điều kiện bảo vệ môi trường; tuân thủ quy định về sử dụng công trình đúng công năng được cấp phép, trường hợp thay đổi công năng sử dụng phải đảm bảo quy định pháp luật về môi trường, điều kiện kinh doanh hoặc ý kiến của cơ quan quản lý (nếu có).

2. Thực hiện tốt các quy định về phòng cháy và chữa cháy; trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong phòng cháy chữa cháy; các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Nhà ở và Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

3. Đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo hướng ổn định phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài, hạn chế việc gián đoạn sản xuất, kinh doanh của người dân.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Trách nhiệm chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân

1. Chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, trang bị cho cá nhân và những người thân trong gia đình các quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; liên hệ, phối hợp với Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy để được hướng dẫn các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, địa phương tổ chức; tham gia phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy tại tổ dân phố, khu dân cư.

2. Thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy tại nơi ở, sinh sống để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ; tự trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, thực hiện tốt công tác kiểm tra bảo quản, bảo dưỡng đảm bảo các phương tiện này luôn hoạt động tốt; phải sử dụng thành thạo các trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã trang bị.

3. Thực hiện các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Điều 7 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Điều 6. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở

hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ).

1. Tài sản, vật tư, chất cháy phải được bố trí, sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối và đường thoát nạn, bảo đảm việc sơ tán người và tài sản nhanh chóng, an toàn khi xảy ra cháy; bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực...) ở nơi dễ thấy, dễ lấy để kịp thời mở cửa khi có sự cố cháy, nổ.

2. Việc đun nấu trong nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng cháy và chữa cháy, cụ thể:

a) Bếp sử dụng khí LPG: Bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, thông thoáng, cách xa thiết bị điện và lắp đặt thiết bị báo dò khí LPG tại khu vực sử dụng khí LPG; thường xuyên kiểm tra tình trạng của van khóa, dây dẫn và đóng van bình gas sau khi sử dụng, không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, bình gas, dây dẫn khí, bếp không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện có mùi đặc trưng của khí gas phải giữ nguyên hiện trạng của hệ thống điện (không bật, tắt các công tắc thiết bị tiêu thụ điện vào thời điểm đó), không dùng ngọn lửa trần (bật lửa, diêm, đèn dầu, hương, nến...), mở cửa sổ, cửa chính (tránh làm phát sinh tia lửa) để thoát khí gas, phải khóa ngay van bình và báo cho đại lý cung cấp gần nhất; không sử dụng các bình gas mini đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

b) Bếp điện: Lắp đặt, sử dụng dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với công suất của bếp và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;

c) Bếp dầu: Bố trí trên mặt sàn bằng phẳng, không dùng xăng hoặc xăng pha dầu để đun bếp dầu, không rót thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, tắt bếp sau khi sử dụng.

3. Nhà có thiết kế ban công, lô gia cần đảm bảo thông thoáng. Người dân không nên che chắn ban công, lô gia thành phòng; không nên lắp đặt lồng sắt, lưới sắt gây cản trở việc thoát nạn và cứu người khi sự cố xảy ra. Trường hợp muốn trang bị cửa cuốn, cửa trượt, lưới sắt…với mục đích bảo vệ tài sản, chủ hộ gia đình phải bố trí mở lối ra thứ 2 khi có sự cố chảy, nổ xảy ra, đồng thời cửa cuốn cần sử dụng loại có cơ cấu tự thu, mở nhanh, cửa mở bằng mô tơ điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

4. Khi thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, khi đun nấu phải có người trông coi; trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra, tắt nguồn điện tới các thiết bị tiêu thụ điện không sử dụng.

5. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Đường dây dẫn điện và các thiết bị điện hư hỏng phải được sửa chữa khắc phục ngay hoặc ngắt nguồn điện đến đường điện hoặc thiết bị không an toàn.

6. Khi sửa chữa, cải tạo nhà ở có quá trình hàn cắt phải đảm bảo giải pháp ngăn cháy, có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và phải có người giám sát, sẵn sàng chữa cháy trong suốt quá trình hàn cắt và sau khi hàn cắt 30 phút.

7. Mỗi nhà ở riêng lẻ khuyến khích trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy ở mỗi tầng phù hợp với quy mô, điều kiện gia đình. Bình chữa cháy phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra; khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20 m.

8. Đối với nhà ở riêng lẻ là nhà sàn chất liệu gỗ khuyến khích không nên bố trí bếp trong nhà, nếu bố trí bếp trong nhà trên mặt nhà sàn gỗ thì vị trí đặt bếp phải bằng vật liệu không cháy, xung quanh bếp phải được che chắn bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

9. Ngoài các biện pháp an toàn phòng cháy và chữa cháy tại khoản 1 đến khoản 8 Điều này, khuyến khích chủ hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà ở riêng lẻ thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 đến khoản 6 Điều 7 Quy định này, nhằm tăng cường công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy cho nhà ở, hộ gia đình.

Điều 7. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải thực hiện các quy định:

1. Quy định các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy ngay từ khi thiết kế, thi công xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

a) Vật liệu xây dựng, trang trí nội thất phải là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Không được dùng các vật liệu dễ cháy, vật liệu khi cháy phát sinh ra nhiều khói, khí độc để xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa;

b) Hệ thống điện được thiết kế và lắp đặt theo tiêu chuẩn TCVN 9206:2012 , TCVN 9207:2012 và quy chuẩn QCVN 12:2014/BXD; tại các phòng, tầng, thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn phải lắp đặt aptomat chống quá tải;

c) Đảm bảo các điều kiện về lối thoát nạn tại khoản 3 của Điều này.

2. Quy định an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện

a) Không lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy; lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn;

b) Không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải, nilon... để bao, che bóng điện; khoảng cách tối thiểu từ các chất dễ cháy đến các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện như: bóng đèn, bàn ủi, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện... tối thiểu 0,5m; không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm, không đấu nối nhiều dây dẫn điện vào chung một phích cắm; sử dụng băng keo cách điện để bọc các mối nối dây;

c) Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng một lúc; khi sạc các thiết bị tích điện (ắc quy xe đạp điện, xe máy điện, quạt tích điện…) phải có người trông coi, không được sạc trong một thời gian dài, không sạc qua đêm.

3. Quy định về lối thoát nạn

Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải có các giải pháp thoát nạn phù hợp khi có cháy, nổ xảy ra.

a) Bố trí ít nhất 02 lối thoát nạn (chiều rộng thông thủy tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9m) phân tán nhau trong nhà. Cửa chính của nhà thoát nạn ra ngoài phải sử dụng cửa có bản lề;

b) Đối với nhà chỉ có 01 lối ra thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: ra ban công các tầng, thoát nạn trên sân thượng ra các nhà xung quanh;

c) Nhà dạng nhà ống, ban công hoặc lô gia có khung sắt, lồng sắt bảo vệ phải bố trí cửa mở ra ngoài tạo lối thoát nạn thứ 2 khi có sự cố cháy, nổ xảy ra;

d) Lắp đặt các lỗ cửa thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng;

đ) Cửa chính là loại cửa cuốn cần sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, cửa mở bằng mô tơ điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng;

e) Các gian phòng tồn chứa hàng hóa, vật liệu dễ cháy hoặc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải được ngăn cách với lối ra thoát nạn tại các tầng bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Trường hợp tầng 1 (tầng trệt) được sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì lối thoát nạn từ các tầng phía trên xuống thông qua cầu thang bộ
tại tầng 1 phải có lối đi an toàn ngăn cách với khu vực sản xuất, kinh doanh bằng tường ngăn cháy, vách ngăn cháy, chiều rộng lối đi không nhỏ hơn 0,8m.

4. Quy định an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt

a) Không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh có chứa chất, hàng dễ cháy;

b) Khu vực thắp hương thờ cúng phải đảm bảo: vách, trần nhà phải bằng vật liệu không cháy, khó cháy, phía trên trần có đặt tấm phản xạ nhiệt; đèn dầu, hương, nến khi thắp phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy hoặc khó cháy;

c) Khu vực bếp nấu phải để xa các vật liệu dễ cháy ít nhất 0,7m, nếu có tấm cách nhiệt ngăn cháy thì được phép để gần hơn, nhưng không dưới 0,2m. Trường hợp trong nhà có sử dụng thiết bị tiêu thụ LPG: tất cả các thiết bị điện trong nhà phải lắp đặt cách bình LPG tối thiểu 1,5m; lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas;

d) Khi điều kiện sản xuất, kinh doanh có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải bố trí cách các vật liệu dễ cháy, các phương tiện, dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy (ô tô, xe máy...) ít nhất 0,7m, nếu có tấm cách nhiệt ngăn cháy thì được phép để gần hơn, nhưng không dưới 0,2m; khi điều kiện sản xuất, kinh doanh cần dự trữ xăng, dầu và các chất lỏng dễ cháy thì phải bảo quản tại nơi thông thoáng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, tránh ánh nắng trực tiếp và không để trên lối ra thoát nạn.

5. Quy định an toàn trong sắp xếp hàng hóa và lắp đặt biển quảng cáo

a) Sắp xếp, bảo quản hàng hóa theo từng loại, có cùng tính chất, cùng đặc điểm, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, không cản trở lối đi, lối thoát nạn, đặc biệt là sảnh, lối ra tại tầng 1 và khu vực cầu thang bộ;

b) Hàng hóa dễ cháy hoặc dễ bắt cháy cần bố trí trong các khu vực, gian phòng riêng, không để lẫn với các hàng hóa khác và đảm bảo yêu cầu ngăn cháy lan, không bố trí dưới gầm cầu thang bộ;

c) Việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo vào nhà ở có sẵn, phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quảng cáo, tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời QCVN 17:2018/BXD.

6. Quy định trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy

a) Đối với khu vực kinh doanh, sản xuất phải trang bị số lượng bình chữa cháy đảm bảo diện tích bảo vệ theo quy định của mục 5 Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890:2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng. Khoảng cách di chuyển lớn nhất đến bình chữa cháy không quá 20m.

b) Trang bị, lắp đặt, sử dụng hệ thống cảnh báo cháy nhanh; thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas; thiết bị cứu nạn cứu hộ (đèn pin, khẩu trang, mặt nạ phòng độc, thang dây, dây cứu nạn…) để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

7. Ngoài các quy định nêu tại Điều này, chủ hộ kinh doanh, cá nhân phải duy trì thực hiện các biện pháp an toàn tại khoản 1 đến khoản 8 Điều 6 Quy định này trong suốt quá trình hoạt động.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với các nhà đã chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh trước thời điểm quy định này có hiệu lực; chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh phải cam kết thời gian hoàn thành, thực hiện xong nội dung quy định các yêu cầu tại Điều 7 của quy định này trong thời hạn 12 tháng nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.

2. Đối với các nhà ở có sẵn chuyển đổi công năng vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh sau thời điểm quy định này có hiệu lực phải thực hiện đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy theo các yêu cầu tại Điều 7 của quy định này trước khi tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều 9. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Công an tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của quy định này, tổng hợp các ý kiến vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

3. Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các khu dân cư có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nguy cơ cháy, nổ cao.

4. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho người đứng đầu tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các đối tượng khác khi có yêu cầu.

5. Phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chủ hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quy định này.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ;

b) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo quy định này của
Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ;

b) Tuyên truyền, phổ biến quy định này đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân liên quan trong phạm vi trách nhiệm quản lý;

c) Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định này của nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý (trừ nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thuộc phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP); xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 47/2021/QĐ-UBND ngày 04/12/2021 quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.476

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.102.160
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!