ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 38/2014/QĐ-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 06 tháng
11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐẮK LẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công
trình thủy lợi ngày 04/4/2001; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày
12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn tổ chức hoạt
động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 147/NNNT-TL ngày 22/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp Quản lý, khai thác công trình thủy
lợi trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan theo dõi,
kiểm tra việc thực hiện; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ trưởng
các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá
nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ
ngày ban hành./.
Nơi nhận:
-
Như Điều
3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/cáo);
- Tổng cục Thủy lợi (b/cáo);
- Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh; các Đoàn thể cấp tỉnh (b/cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- TT Huyện ủy, Thị ủy ,Thành ủy; UBMTTQVN các huyện, thị xã, thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Đắk Lắk, Website tỉnh;
- Các phòng: TH, TCTM;
- Lưu: VT, NN-MT (H- 90 b)
|
TM. ỦY
BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Dhăm Ênuôl
|
QUY ĐỊNH
PHÂN
CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 06/11/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này phân cấp quản lý, khai thác đối
với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng bằng nguồn
vốn ngân sách nhà nước, có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đã được đưa vào khai
thác, sử dụng.
Đối với các công trình thủy lợi được xây dựng
mới và đưa vào sử dụng sau khi Quy định này có hiệu lực, việc phân cấp quản lý,
khai thác được áp dụng theo các nội dung của Quy định này.
Đối với các công trình, hệ thống công trình thủy
lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành
do chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) quyết định trên cơ sở vận dụng hướng dẫn
của Quy định này và các văn bản pháp luật liên quan.
Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi
trên địa bàn tỉnh, nhưng không thuộc tỉnh quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh
của quy định này.
2. Đối tượng áp dụng.
Quy định này được áp dụng đối với các cơ
quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công
trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc
phân cấp.
1. Việc tổ chức quản lý, khai thác công trình
thủy lợi phải bảo đảm tính hệ thống của công trình, kết hợp quản lý theo lưu vực
và vùng lãnh thổ. Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thủy
lợi trong việc tưới tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế
- xã hội và môi trường.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc
có tham gia quản lý, khai thác công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải có
đủ năng lực, kinh nghiệm phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật của từng
công trình, hệ thống công trình được giao.
3. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy
lợi thực hiện đồng thời với việc củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức Hợp
tác dùng nước. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong
việc tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ, nhằm phát huy hiệu quả công trình
thủy lợi.
4. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy
lợi thực hiện trên nguyên tắc phân cấp công trình nhưng không phân cấp lao động
quản lý, khai thác công trình. Các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm sắp xếp, bố
trí lao động một cách hợp lý, phù hợp với tính chất kỹ thuật của từng công
trình, được giao quản lý, khai thác và bảo vệ.
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản
lý, khai thác các công trình thủy lợi được hưởng đầy đủ các quyền lợi và phải
thực hiện các nghĩa vụ trong quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi
theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương II
NỘI DUNG
VÀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
Điều 3. Nội dung quản
lý, khai thác công trình thủy lợi.
Công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi
bao gồm ba nội dung chính sau:
1. Quản lý nước: Điều hòa phân phối tưới,
tiêu nước công bằng, hợp lý trong hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu
phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, môi trường và các ngành kinh tế
quốc dân khác.
2. Quản lý công trình: Kiểm tra, theo dõi,
phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trong hệ thống công trình thủy lợi, đồng
thời thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp công trình, máy móc,
thiết bị; bảo vệ và vận hành công trình theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật,
đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả và sử dụng lâu dài.
3. Tổ chức và quản lý kinh tế: Xây dựng mô
hình tổ chức hợp lý để quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tài sản và mọi
nguồn lực được giao nhằm thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ khai thác công
trình thủy lợi, kinh doanh tổng hợp đa mục tiêu theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Quy định về cống
đầu kênh.
Cống đầu kênh là công trình dẫn nước hoặc
tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của
người hưởng lợi. Chi phí quản lý vận hành tu sửa và bảo vệ các công trình từ cống
đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp.
Cống đầu kênh được xác định theo diện tích tưới,
tiêu hưởng lợi mà cống đó phụ trách, được quy định như sau:
Đối với công trình có diện tích tưới lớn hơn
500 ha lúa: cống đầu kênh được quy định tại vị trí diện tích được tưới nhỏ hơn
100 ha lúa.
Đối với công trình có diện tích tưới nhỏ hơn
hoặc bằng 500 ha lúa: Cống đầu kênh được quy định tại vị trí diện tích được tưới
nhỏ hơn 20 ha lúa.
Đối với diện tích tưới cho các loại cây trồng
khác được quy đổi (2 ha cây trồng khác = 1 ha lúa; 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy
sản = 1 ha lúa).
Điều 5. Phân cấp quản
lý, khai thác công trình thủy lợi.
1. Giao cho Công ty
trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk (sau đây
gọi tắt là Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk) trực tiếp quản
lý, khai thác các công trình đầu mối, các trục kênh chính kênh nhánh và các
công trình điều tiết nước (không phân biệt quy mô công trình theo Phu lục “Danh
mục công trình thủy lợi phân cấp cho Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi
Đắk Lắk” ban hành kèm theo), nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các huyện, xã
trong phạm vi hệ thống và giữa các đối tượng sử dụng nước. Công ty TNHH MTV quản
lý công trình thủy lợi Đắk Lắk trực tiếp quản lý, khai thác các công trình thủy
lợi tính từ vị trí cửa ra cống đầu kênh đến công trình đầu mối.
2. Phần diện tích tưới tính từ sau cống đầu
kênh đến mặt ruộng, người hưởng lợi từ tổ chức thành lập tổ chức hợp tác dùng
nước để quản lý khai thác; thỏa thuận với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng
nước về mức phí dịch vụ lấy nước, mức phí này không được vượt quá mức trần do Ủy
ban nhân dân tỉnh quy định.
3. Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá
nhân có thể hợp đồng với Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk để
quản lý công trình, kênh mương trước cống đầu kênh và được trích một phần kinh
phí từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước, tỷ lệ và mức trích cụ thể theo
thỏa thuận giữa Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk với Tổ chức
hợp tác dùng nước trên cơ sở khối lượng, nội dung công việc thực hiện, diện
tích phục vụ trong phạm vi hợp đồng và theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công
trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn Công ty TNHH
MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk phối hợp với UBND các huyện, thị xã,
thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ các
công trình thủy lợi để bàn giao nguyên trạng cho Công ty TNHH MTV quản lý công
trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý.
b) Hướng dẫn các địa phương tiến hành thành lập,
củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực tổ chức hợp tác dùng nước để quản lý, khai
thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Phối hợp với UBND các cấp lập kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho lực lượng tham gia quản lý, khai thác và bảo
vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định.
c) Hàng năm xây dựng kế hoạch để kiểm tra
công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh,
báo cáo kết quả kiểm tra về UBND tỉnh.
d) Chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng
kế hoạch đặt hàng về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa
bàn tỉnh theo Thông tư 56/2010/TT-BNNPTNT ngày 01/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
e) Chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV quản
lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, các địa phương, đơn vị liên quan xác định vị
trí “cống đầu kênh” thuộc hệ thống các công trình thủy lợi được phân cấp để tổ
chức thực hiện.
2. Sở Tài chính.
a) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị, cá nhân
đánh giá đúng giá trị tài sản từng công trình tại thời điểm chuyển giao.
b) Hướng dẫn cụ thể công tác chuyển giao tài
sản, vốn theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác của Nhà
nước.
c) Bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí cấp bù thủy
lợi phí theo kế hoạch được duyệt cho Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi
Đắk Lắk; các Hợp tác xã và các đơn vị dùng nước theo quy định.
d) Bố trí vốn sự nghiệp thủy lợi để sửa chữa
các công trình khi gặp sự cố thiên tai lũ lụt, hạn hán.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí
ngân sách hàng năm để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa
bàn tỉnh.
4. Sở Xây dựng.
Hướng dẫn Công ty TNHH MTV quản lý công trình
thủy lợi Đắk Lắk thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng
công trình xây dựng khi tham gia xây dựng công trình.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình thủy
lợi do Công ty quản lý.
5. Sở Nội vụ.
Tham mưu cho UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm
các thành viên Hội đồng thành viên và Kiểm soát viên của Công ty TNHH MTV quản
lý công trình thủy lợi Đắk Lắk.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan và Công ty TNHH MTV quản lý công
trình thủy lợi Đắk Lắk trong việc quản lý, sử dụng lao động theo đúng các quy định
hiện hành.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường.
a) Chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV quản
lý công trình thủy lợi Đắk Lắk kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh
thu hồi diện tích chiếm đất của các công trình thủy lợi giao lại cho chủ quản
lý mới theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013.
b) Hướng dẫn Công ty TNHH MTV quản lý công
trình thủy lợi Đắk Lắk lập hồ sơ xin khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định
của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã.
a) Phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý thủy
lợi Đắk Lắk thực hiện việc bàn giao các công trình thủy lợi được UBND tỉnh phân
cấp cho Công ty TNHH MTV quản lý thủy lợi Đắk Lắk theo đúng lộ trình thực hiện.
b) Thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của
pháp luật. Phối hợp với Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản
lý tốt công trình thủy lợi trên địa bàn cũng như xem xét để trình cơ quan có thẩm
quyền khôi phục, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
c) Làm chủ đầu tư khôi phục, sửa chữa, nâng cấp
các công trình thủy lợi khi được UBND tỉnh phân công.
9. Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi
Đắk Lắk.
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các địa phương, đơn vị liên quan xác định vị trí “cống đầu kênh” thuộc
hệ thống công trình do công ty quản lý, để tổ chức thực hiện.
b) Phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện,
thực hiện việc bàn giao các công trình thủy lợi được UBND tỉnh phân cấp cho
Công ty theo đúng lộ trình thực hiện.
c) Xác định đúng giá trị tài sản các công
trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác theo hướng dẫn của Sở Tài chính và
các quy định hiện hành để thực hiện phân cấp theo đúng quy định.
d) Báo cáo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi
có sự thay đổi về hiện trạng công trình và thực trạng quản lý, khai thác công
trình thủy lợi đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn và Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
e) Thực hiện kế hoạch đặt hàng về quản lý,
khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi do UBND tỉnh duyệt hàng năm.
f) Thỏa thuận về mức trích thủy lợi phí từ
nguồn cấp bù của Nhà nước với Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá nhân
quản lý công trình, kênh mương có quy mô diện tích phục vụ lớn hơn quy mô diện
tích cống đầu kênh theo quy định tại Quy định này. Mức trích cụ thể trên cơ sở
khối lượng, nội dung công việc thực hiện, diện tích thực tế vượt định mức quy định
và theo đúng các quy định hiện hành.
g) Củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động để
đáp ứng với chính sách thủy lợi phí mới. Xây dựng và thực hiện các chỉ tiêu định
mức kinh tế kỹ thuật hợp lý, nhằm tiết kiệm triệt để điện, nước, xăng, dầu,
ngày công và chi phí quản lý phù hợp với điều kiện của tổ chức và thực trạng
công trình được giao quản lý, khai thác và bảo vệ.
10. Các tổ chức, cá nhân khác.
Tổ chức hợp tác dùng nước, hộ gia đình, cá
nhân được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm quản lý,
khai thác công trình thủy lợi được giao đúng quy định của pháp luật.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu
có những nội dung chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung; đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi
ý kiến đề xuất, kiến nghị về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.