ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 35/2015/QĐ-UBND
|
Nghệ
An, ngày 10 tháng 07 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN QUẢN
LÝ KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN PÙ HUỐNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển
rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số
23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển
rừng; Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và
quản lý hệ thống rừng đặc dụng; Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của
Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Thông tư số
78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ; Thông tư liên tịch số
22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27/03/2007 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Nội vụ Hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm
lâm ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1077/TTr-SNN-TCCB ngày
15/5/2015; của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 146/TTr-SNV ngày 22/6/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí, chức năng:
1. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định
của pháp luật.
2. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống chịu sự quản lý chỉ đạo trực tiếp về tổ chức, hoạt động của Sở
Nông nghiệp và phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng
dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của
pháp luật.
3. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống có chức năng tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và phát triển nông
thôn thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn,
phát huy về các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật; bảo tồn thiên
nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, các giá trị văn hóa, lịch sử; nghiên cứu khoa học,
hợp tác quốc tế, cứu hộ và phát triển sinh vật; giáo dục nâng cao nhận thức môi
trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái theo
quy định của pháp luật thuộc phạm vi do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù
Huống được giao quản lý.
4. Trụ sở chính của Ban quản lý
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đặt tại Khối Hợp Hòa, thị trấn Quỳ Hợp, huyện
Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
Ban quản lý Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg
ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý
hệ thống rừng đặc dụng, cụ thể:
1. Quản lý, bảo vệ và bảo tồn các
hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu; phục hồi tài nguyên và cảnh
quan thiên nhiên trên diện tích được giao:
a) Bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh
thái tự nhiên. Bảo vệ, bảo tồn phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên
nhiên, sinh vật, nguồn nước và các nhân tố thiên nhiên khác; phòng cháy, chữa
cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại và sinh vật ngoại lai xâm hại; ngăn chặn kịp
thời các hành vi xâm hại rừng, môi trường cảnh quan;
b) Phục hồi các hệ sinh thái rừng
tự nhiên, các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo tồn tính đa dạng
sinh học;
c) Bảo tồn và tôn tạo các di tích
lịch sử, văn hóa cảnh quan trong Khu bảo tồn.
2. Lập các báo cáo quy hoạch, các
dự án đầu tư phát triển và bảo tồn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy hoạch và tổ chức thực hiện theo
quy định của pháp luật và phân công của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
3. Nghiên cứu khoa học và hợp tác
quốc tế:
a) Xây dựng các chương trình, kế
hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học về bảo vệ, bảo tồn, phát triển cộng đồng, thực
vật rừng, đa dạng sinh học, đặc biệt là đối với các loài động, thực vật quý hiếm,
đặc hữu và nguy cấp; Tổ chức triển khai sau khi được phê duyệt;
b) Tổ chức các dịch vụ nghiên cứu
khoa học, học tập tại Khu bảo tồn.
c) Sưu tập, nuôi trồng thực nghiệm,
bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm.
d) Xây dựng chương trình, dự án hợp
tác quốc tế về quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên và
đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế sau khi được phê duyệt
của cấp có thẩm quyền.
đ) Nghiên cứu các mô hình lâm nghiệp
trang trại, mô hình khuyến lâm, khuyến nông, khuyến ngư ở vùng đệm, mô hình
làng du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân vùng đệm.
4. Tổ chức cứu hộ, bảo tồn và phát
triển sinh vật rừng theo Điều 31 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
a) Tiếp nhận, cứu hộ các loài bản
địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của khu rừng đặc dụng hoặc các
loài được phép nghiên cứu khoa học trong đề tài do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt;
b) Nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã nhằm
mục đích tái thả sinh vật về môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học;
thả sinh vật về môi trường sống tự nhiên của chúng sau khi cứu hộ nuôi;
c) Nghiên cứu, duy trì giống gốc,
cung cấp nguồn giống cho phát triển gây nuôi theo quy định của Nhà nước; thu thập
mẫu vật, nguồn gen sinh vật theo quy định;lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài
nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cung ứng nguồn giống
sinh vật, dịch vụ thú y cho các tổ chức và cá nhân để gây nuôi phát triển bền vững
theo quy định hiện hành của Nhà nước.
d) Tổ chức thực hiện công tác
nghiên cứu khoa học theo các đề tài, dự án nghiên cứu, thực nghiệm khoa học kỹ
thuật về cứu hộ, phát triển sinh vật và bảo tồn đa dạng sinh học được cấp có thẩm
quyền phê duyệt;
đ) Hợp tác quốc tế về cứu hộ, bảo
tồn và phát triển sinh vật.
5. Sử dụng bền vững tài nguyên, hoạt
động dịch vụ trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
a) Khai thác, sử dụng bền vững, có
hiệu quả tài nguyên thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đảm bảo chức
năng bảo tồn, duy trì và phát triển sự đa dạng sinh học của rừng; thu thập mẫu
vật, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen sinh vật theo quy định; bảo tồn và phát huy các
giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử và môi trường.
b) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt các quy hoạch, dự án phát triển du lịch sinh thái và tổ chức thực hiện
theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường,
du lịch, di sản văn hóa và quy chế quản lý khu rừng đặc dụng;
c) Tự tổ chức hoặc liên doanh,
liên kết hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác thuê môi trường rừng để tổ chức các
hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hướng dẫn, kiểm tra
và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái của các tổ chức, cá nhân
theo hợp đồng đã ký kết;
d) Tổ chức, thực hiện các chính
sách về dịch vụ môi trường theo quy định của Chính phủ về chính sách chi trả dịch
vụ môi trường rừng; dịch vụ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị
đa dạng sinh học cho các tổ chức, cá nhân sử dụng theo quy định của pháp luật;
6. Tổ chức xây dựng các chương
trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương.
a) Chủ động xây dựng các dự án, đề
án phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng sinh kế cho cộng đồng dân cư sống
trong vùng lõi và vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; tổ chức các hoạt động
thu hút cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần ổn định
xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lõi và
vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững;
b) Nghiên cứu xây dựng các mô hình
lâm nghiệp trang trại, mô hình khuyến nông, lâm, ngư ở vùng đệm, mô hình làng
du lịch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nhân dân trong vùng đệm.
7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng dân cư; hướng dẫn, kiểm
tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn
thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
8. Lập, trình cơ quan có thẩm quyền
thẩm định, giám sát và thực hiện các dự án có liên quan đến quản lý bảo vệ rừng,
bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường, vườn thực vật, cây
xanh, cây cảnh, mô hình nông lâm khi được cơ quan có thẩm quyền giao; tự thiết
kế hoặc thuê tư vấn thiết kế các dự án quản lý, bảo vệ rừng của Ban quản lý Khu
bảo tồn thiên nhiên Pù Huống theo quy định hiện hành hoặc được Sở Nông nghiệp
và phát triển nông thôn giao; tham gia góp ý, phản biện, thẩm định các dự án
phát triển kinh tế, xã hội có liên quan hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Khu bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống hoặc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
9. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của
chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tình
hình diễn biến tài nguyên rừng; tình hình kết quả hoạt động của đơn vị theo quy
định.
10. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy,
chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công
tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu đề xuất các giải pháp tăng cường
các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
11. Quản lý tổ chức bộ máy, biên
chế, tài chính, tài sản được giao theo quy định hiện hành của Nhà nước.
12. Thực hiện các nhiệm vụ khác
khi được cấp có thẩm quyền giao.
Điều 3. Cơ cấu
tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Ban gồm Giám đốc và
không quá 02 Phó Giám đốc, trong đó, Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng hạt Kiểm
lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
a) Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn
nhiệm chức danh Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống;
b) Giám đốc chịu trách nhiệm trước
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và pháp luật về toàn bộ hoạt động của
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống; các Phó Giám đốc giúp Giám đốc chỉ đạo một số
mặt, lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và pháp luật về nhiệm
vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền
điều hành các hoạt động của Ban quản lý;
c) Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng
hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức
danh trưởng, phó các phòng, trạm, bộ phận trực thuộc Khu bảo tồn theo phân cấp
quản lý hiện hành.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ,
đơn vị trực thuộc:
a) Phòng Tổ chức, Hành chính:
b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
c) Phòng Khoa học và Hợp tác quốc
tế.
d) Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống:
- Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên
nhiên Pù Huống có Hạt trưởng (đồng thời là Giám đốc Ban quản lý) và không quá
03 Phó Hạt trưởng. Việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ
cấu tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống thực hiện theo quy trình quy định và phân cấp quản lý hiện
hành:
- Tổ chức bộ máy giúp việc của Hạt
Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống bao gồm các bộ phận: Cơ quan Hạt; Đội
Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng và các Trạm Quản lý bảo vệ rừng.
đ) Căn cứ yêu cầu thực tế về công
tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật; giáo dục môi trường, dịch vụ môi trường
và các quy định, điều kiện về nguồn lực của Khu bảo tồn, Giám đốc Ban quản lý
khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có thể đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập Trung
tâm Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật và Trung tâm Giáo dục môi
trường và Dịch vụ môi trường rừng.
Điều 4. Biên
chế, số lượng người làm việc
1. Biên chế, số lượng người làm việc
của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được UBND tỉnh giao theo kế hoạch
hàng năm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu chức danh, vị trí việc
làm theo quy định, định mức biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành
và điều kiện, tình hình thực tế khả năng ngân sách của tỉnh, của cơ quan, đơn vị.
2. Căn cứ quyết định về việc phê
duyệt kế hoạch cơ cấu, vị trí việc làm, số lượng người được hợp đồng lao động của
UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống được ký kết hợp
đồng lao động theo quy định của pháp luật.
3. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng,
bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Ban quản lý Khu Bảo
tồn thiên nhiên Pù Huống thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản
lý hiện hành.
Điều 5. Trách
nhiệm thi hành
1. Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống có trách nhiệm căn cứ các quy định tại Quyết này và quy định
của pháp luật hiện hành, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng
chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ban và tổ chức thực hiện có hiệu quả;
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc hoặc chưa phù hợp, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù
Huống tổng hợp báo cáo với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10
ngày kể từ ngày ký và thay thế nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống tại Quyết
định số 342/QĐ-UB ngày 25/01/2002 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban quản lý
Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện có liên quan; Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn
thiên nhiên Pù Huống chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Cục Kiểm lâm;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- PVP (NN) UBND tỉnh;
- Trung tâm Tin học - Công báo;
- CV: NN;
- Lưu: VT, TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Xuân Đường
|