ỦY BANN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 189/QĐ-UBND
|
Quảng Nam, ngày
16 tháng 01 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 56-KL/TW NGÀY 23/8/2019
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA XI VỀ
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN VÀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số
24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng
phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Kết luận số 56-KL/TW
ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung
ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý
tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số
2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược
quốc gia về biến đổi khí hậu;
Căn cứ Công văn số
2474-CV/TU ngày 25/12/2019 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận số
56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị;
Căn cứ Kế hoạch số
5194/KH-UBND ngày 27/9/2017 của UBND tỉnh về tuyên truyền nâng cao nhận thức về
biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2021;
Theo đề nghị của Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Công văn số 73/STNMT-N ngày 13/01/2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày
23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7
khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, với những nội dung chính sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
- Nhằm nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp
nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7
khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài
nguyên và bảo vệ môi trường; phát huy ưu điểm, kết quả đạt được, kịp thời
chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế để tiếp tục thực hiện trong
thời gian đến;
- Chủ động ứng phó với biến
đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với thực
hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, góp phần thắng lợi mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Từng bước
xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng tài
nguyên, tăng cường khả năng phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu; ngăn ngừa,
hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo hài hòa giữa phát
triển kinh tế và bảo vệ môi trường;
- Việc cụ thể hóa nội dung
Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch này phải đồng
bộ với việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày
27/8/2013 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013
của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường; gắn
với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
II. NHIỆM VỤ
TRỌNG TÂM
1. Nâng
cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng
phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi
trường
- Tiếp tục chú trọng công
tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện
nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI
và Chương trình số 24-CTr/TU ngày 27/8/2013 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số
06-NQ/TU ngày 04/11/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng
và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số
09-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về quản lý, bảo vệ môi trường trên địa
bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025;
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến các nội dung theo Kế hoạch số 5194/KH-UBND ngày 27/9/2017
của UBND tỉnh về tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu tỉnh Quảng
Nam giai đoạn 2018 - 2021;
- Nâng cao vai trò của HĐND, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân
tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, nâng cao tính minh bạch,
dân chủ và công khai trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường;
- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo
tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản
lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
kinh tế; thực hiện việc lựa chọn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dựa
trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến
khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí
hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Hoàn
thiện các văn bản quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu,
quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
- Nghiên cứu các quy định hiện
hành của Luật Khoáng sản, Luật Sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả, Luật
Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Bảo vệ môi
trường, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, Môi
trường biển và Hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để triển khai có
hiệu quả; kịp thời đề xuất ban hành những chính sách, quy định phù hợp với điều
kiện của tỉnh đảm bảo không trái với quy định của pháp luật;
- Tiến hành điều chỉnh quy hoạch,
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cấp huyện, hạn chế tối
đa các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các dự án phát triển kinh tế sử
dụng lãng phí, khai thác không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát thải nhiều
chất ô nhiễm, khí nhà kính, hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi
trường, gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các vùng núi đầu nguồn nước, khu
dân cư và vùng ven biển của tỉnh;
- Triển khai thực hiện Kết luận
số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng
cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày
18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;
- Tiếp tục đẩy mạnh việc
thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm
nhìn đến năm 2045; Chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược
quốc gia về phòng, chống thiên tai; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến
năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,…
3. Nâng cao
năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực tài
nguyên và môi trường; hằng năm, xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác
thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; việc thanh tra, kiểm tra
phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm các lĩnh vực quản lý đất đai, tài
nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường;
- Tập trung giải quyết kịp thời,
dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, khai thác tài nguyên
trái phép theo đúng quy định của pháp luật;
- Xử lý các hành vi vi phạm
mang tính răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời, thực hiện
công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên và môi trường, giúp cho tổ chức,
doanh nghiệp và mọi cá nhân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật đất đai,
môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước;
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, hậu kiểm về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở đã được phê duyệt
hồ sơ môi trường. Kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình biện pháp bảo vệ
môi trường của các dự án đã phê duyệt hồ sơ môi trường;
- Tiếp tục phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan, lực lượng Cảnh sát môi trường của tỉnh, chính quyền địa
phương, thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp
luật về tài nguyên và môi trường.
III. MỘT SỐ
NHIỆM VỤ CẤP BÁCH
1. Tiếp tục triển khai thực
hiện Chương trình hành động tăng cường công tác quản lý bảo vệ tài nguyên
khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động về
quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng
đến năm 2025; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021
- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn
2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về
biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu
và tăng trưởng xanh của tỉnh.
2. Thực hiện đồng bộ các giải
pháp, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát để làm tốt công tác bồi thường, hỗ
trợ và tái định cư; phải có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa chủ đầu tư với
chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đơn vị liên quan; gắn trách nhiệm
của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong quá
trình tham gia thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
3. Tiếp tục hoàn thiện dự án
xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm đồng
bộ hóa cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa ngành, đa mục tiêu hướng tới quản
lý đất đai chặt chẽ và hợp lý.
4. Phê duyệt và công bố công
khai Danh mục khoanh định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước
dưới đất; tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, hạn chế việc cấp
giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với khu vực ven biển của tỉnh;
cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức
chịu tải của sông trên địa bàn tỉnh.
5. Cập nhật để hoàn thiện mạng
lưới quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, nhằm phục vụ công tác dự
báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh và đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp
với thực tế.
6. Tăng cường công tác kiểm
tra, xử lý vi phạm trong việc xả nước thải chưa qua xử lý vào nguồn nước của
các đơn vị, tổ chức; tập trung đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đầu tư
các công trình xử lý nước thải đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh, đều được dẫn
về trạm xử lý nước thải tập trung, nghiêm cấm xả trực tiếp ra môi trường hoặc
tự thấm vào đất.
7. Đầu tư, lắp đặt hệ thống thu
nhận, lưu trữ dữ liệu tài nguyên và môi trường; giám sát chặt chẽ việc vận hành
các hồ chứa thủy điện, thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản
xuất của người dân trong mùa cạn vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
8. Thực hiện đánh giá biến đổi
khí hậu, kiểm kê khí nhà kính; tiếp tục cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó
với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh theo chu kỳ 05 năm. Đẩy mạnh thực hiện
Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đảm bảo
hiệu quả, giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra.
9. Tiếp tục thực hiện chương
trình quan trắc môi trường hằng năm; triển khai có hiệu quả kế hoạch xử lý ô
nhiễm đối với các khu vực, điểm tồn lưu ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật;
phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa,
túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh.
10. Khai thác tổng hợp tiềm
năng và phát huy lợi thế các công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu. Đầu
tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các hồ chứa, hệ thống kè chống
sạt lở, công trình phòng chống thiên tai ở các địa phương có nguy cơ tổn thương
cao do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, đầu tư một số hồ chứa lớn,
nhằm tích lũy và sử dụng nước tiết kiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp trong
mùa khô, hạn.
11. Tăng cường hợp tác quốc tế
về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải, quản lý lưu vực sông;
kêu gọi đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến, hiện
đại; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực
môi trường, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp,
đô thị, cơ sở y tế, tái chế và xử lý rác thải, các công trình dân sinh góp
phần bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
12. Tích cực vận động các nguồn
tài trợ để thực hiện các dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn (rừng dừa nước,
đước, mắm), rừng chắn cát, chắn sóng biển (phi lao, dừa,..); nạo vét lòng
sông, xây và củng cố đê biển, kè biển, cảng, nhà đa năng, nhà cộng đồng tránh
bão, đường tránh lũ,... chú ý đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phải tính
đến tác động của các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các Sở, Ban,
ngành, hội, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp
tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW và
Kết luận số 56-KL/TW đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống
nhất cả trong nhận thức và hành động; triển khai thực hiện hiệu quả trong việc
lồng ghép các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch
triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 56- KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ
Chính trị. Định kỳ hằng năm, gửi kết quả thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy
theo yêu cầu.
2. UBND các cấp, các cơ quan
chuyên môn phối hợp cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể
tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát việc
thực hiện Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật về phòng, chống thiên
tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và
bảo vệ môi trường.
3. Các cơ quan thông tấn báo
chí, Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam phối hợp với các Sở,
Ban, ngành, hội, đoàn thể và UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền
sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân các chủ trương chính sách, pháp luật về
công tác phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng
cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013
của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019
của Bộ Chính trị gắn với các nội dung Chương trình số 24-CT/TU ngày 27/8/2013
của Tỉnh ủy; các Nghị quyết của Tỉnh ủy có liên quan và Kế hoạch này, tổng
hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các Sở, Ban,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, tổ
chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Bộ TN&MT (B/c);
- TTTU, HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- TT UBMT Tổ quốc VN tỉnh;
- Các Hội, đoàn thể tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KGVX, KTTH, KTN.
F:\Dropbox\Năm 2020\Quyết định\Môi trường\01 15 KH thuc hien KL 56 BCT.doc
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Khánh Toàn
|