ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 86/KH-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
08 tháng 4 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HOÁ CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày
05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng
phó sự cố hóa chất độc hại và Công văn số 1924/BCT-HC ngày 19/3/2020 về việc
đôn đốc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất cấp tỉnh
và quản lý an toàn hoá chất; UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. Tình hình hoạt
động hoá chất trên địa bàn Tỉnh
Hoạt động hoá chất trên địa bàn Tỉnh
chủ yếu là kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hoá chất; tập trung trong các lĩnh vực
công nghiệp, nông nghiệp, y tế và giáo dục, trong đó:
- Hoạt động kinh doanh hoá chất: tập
trung trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp với các mặt hàng như: xăng dầu,
gas và thuốc bảo vệ thực vật (gồm: 541 cửa hàng kinh doanh gas và 1.190 cửa
hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật).
- Hoạt động sử dụng hoá chất tập
trung trong các lĩnh vực:
+ Công nghiệp: hoá chất được sử dụng
làm chất trung gian hoặc phối trộn trực tiếp để sản xuất sản phẩm, hàng hoá
khác gồm: 78 nhà máy nước đá, 02 doanh nghiệp giày da, 06 cơ sở sản xuất phèn
chua.
+ Y tế: hoá chất được dùng để sản xuất
dược phẩm (02 doanh nghiệp) và phần lớn được sử dụng trong các bệnh viện phục vụ
cho công tác khám chữa bệnh, được nhập về với khối lượng nhỏ.
+ Lĩnh vực giáo dục: hoá chất được sử
dụng chủ yếu trong các phòng thí nghiệm thực hành của các trường học và cơ sở
giáo dục nghề nghiệp, được nhập khẩu với khối lượng nhỏ.
- Hoạt động vận chuyển hoá chất: đối
với hoá chất nguy hiểm, độc hại được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng và
đáp ứng các điều kiện an toàn về vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định.
Nhìn chung, hoạt động hoá chất trên địa
bàn Tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ và nằm rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố.
Hiện nay, công tác phòng ngừa sự cố hoá chất được các sở, ban, ngành quan tâm
thực hiện khá tốt, thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Qua
đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hoạt động
hoá chất. Trong những năm qua, trên địa bàn Tỉnh, chưa xảy ra sự cố liên quan đến
hoạt động hoá chất.
II. Mục tiêu của Kế
hoạch
- Nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước
về phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại trên địa bàn
Tỉnh và ý thức chấp hành quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động
hoá chất; nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố hoá chất
xảy ra; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đối với môi trường, sức khỏe và tài sản
của cộng đồng.
- Từng bước xây dựng lực lượng nòng cốt
và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất trên địa bàn Tỉnh (năng
lực quản lý, chỉ đạo thực hiện, xây dựng lực lượng,...).
III. Nội dung của
Kế hoạch
1. Về công tác
phòng ngừa sự cố hoá chất cấp Tỉnh
1.1. Đối với các sở, ban, ngành Tỉnh
và UBND cấp huyện
a. Sở Công Thương
- Tăng cường quản lý hoá chất, hoá chất
nguy hiểm, chất độc hại trong lĩnh vực công nghiệp; phối hợp với các đơn vị có
liên quan tuyên truyền, tổ chức đào tạo, huấn luyện an toàn hoá chất cho các tổ
chức, cá nhân có hoạt động hoá chất trên địa bàn Tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành
liên quan thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về
hoạt động hoá chất theo quy định.
b. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở,
doanh nghiệp, cá nhân hoạt động hoá chất, hoá chất nguy hiểm, chất độc hại trên
địa bàn Tỉnh thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt
động hoá chất.
- Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp,
cá nhân có hoạt động hoá chất xử lý, thải bỏ hoá chất tồn dư trong quá trình sản
xuất, kinh doanh.
- Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ
các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động
hoá chất.
c. Sở Khoa học và Công nghệ
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở,
doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hoá chất, hoá chất nguy hiểm, chất độc hại
trên địa bàn Tỉnh thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hoá
chất theo thẩm quyền.
d. Sở Giao thông vận tải
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở,
doanh nghiệp, cá nhân hoạt động hoá chất, hoá chất nguy hiểm, chất độc hại trên
địa bàn Tỉnh thực hiện đúng các quy định về vận chuyển hoá chất nguy hiểm bằng
đường bộ, đường thủy nội địa và các quy chuẩn kỹ thuật về vận chuyển hoá chất
nguy hiểm theo thẩm quyền.
đ. Sở Y tế
- Tăng cường tuyên tuyền, phổ biến
các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá chất, hoá chất nguy hiểm, chất độc
hại; điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất, hóa thực phẩm trong ngành y tế
cho các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp theo thẩm quyền.
- Tăng cường quản lý hoá chất sử dụng
trong bào chế dược phẩm cho người, hoá chất sử dụng trong diệt khuẩn, diệt côn
trùng gia dụng, hoá chất sử dụng trong lĩnh vực y tế và phụ gia cho thực phẩm.
e. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Tăng cường công tác quản lý an toàn
hoá chất, hoá chất nguy hiểm, chất độc hại sử dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn
các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất trong sử dụng trong trồng
trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật; bảo quản, chế biến
nông sản, lâm sản, thủy sản và thực phẩm.
- Thanh tra, kiểm tra các cá nhân, cơ
sở, doanh nghiệp sử dụng, sản xuất, kinh doanh hoá chất với số lượng lớn có
nguy cơ cao xảy ra sự cố thuộc lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, thú y, thức
ăn chăn nuôi, hoá chất bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản… theo quy định.
f. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định
về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động tham gia hoạt động hoá chất,
hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại và quản lý việc sử dụng hoá chất trong các
cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi
phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến hoá chất trên địa
bàn Tỉnh theo thẩm quyền.
g. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tổ chức quản lý việc sử dụng hoá chất,
hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại trong các trường học và cơ sở giáo dục
khác do đơn vị quản lý.
h. Công an Tỉnh
- Tăng cường công tác quản lý hoá chất,
hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại sử dụng trong lĩnh vực an ninh, các tiền
chất ma túy; hoá chất phục vụ cho ngành theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan chỉ đạo, kiểm tra tình hình xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập ứng
phó sự cố hoá chất của các doanh nghiệp; đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, sử dụng hoá chất số lượng lớn, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hoá chất
trên địa bàn Tỉnh.
i. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
Tổ chức quản lý hoá chất, hoá chất
nguy hiểm, hoá chất độc hại, sản phẩm hoá chất trong lĩnh vực quốc phòng.
k. Cục Quản lý thị trường Tỉnh
Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành
vi vi phạm về đóng gói, nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm và các vi phạm khác
trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoá chất trên địa bàn Tỉnh theo thẩm quyền.
l. Ban Quản lý Khu Kinh tế
- Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc
kinh doanh, lưu chứa và sử dụng hoá chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại
đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Đối với các dự án đầu tư có liên
quan đến hoá chất, phải bố trí địa điểm xây dựng phù hợp theo quy hoạch, nhằm
giảm nhẹ tác động đến môi trường xung quanh khi có sự cố hoá chất xảy ra; không
thu hút đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp hoá chất lạc hậu, gây ô nhiễm
môi trường.
m. UBND cấp huyện
- Tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân
nhận thức ý nghĩa quan trọng của công tác phòng ngừa sự cố hoá chất, hoá chất
nguy hiểm, hoá chất độc hại tại địa phương.
- Chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tuyên
truyền, hướng dẫn các cơ sở, cá nhân có hoạt động hoá chất trên địa bàn quản lý
thực hiện các quy định pháp luật về hoá chất theo quy định. Đồng thời, phối hợp
với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá
nhân hoạt động hoá chất có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng
hoá chất, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.
1.2. Đối với các tổ chức, cá nhân
hoạt động hoá chất
- Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật
chất, kỹ thuật phù hợp với quy mô hoạt động và đặc tính của hoá chất theo quy định.
- Chỉ được sản xuất, kinh doanh hoá
chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại khi đáp ứng đủ điều kiện và được cơ
quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định; đảm bảo thực
hiện đúng các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo giấy chứng nhận, giấy phép được
cấp trong quá trình hoạt động.
- Rà soát danh mục, khối lượng hoá chất
tại cơ sở để xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất
theo quy định; thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự
cố hoá chất đã được phê duyệt.
- Bảo đảm các điều kiện an toàn cho
con người và môi trường trong quá trình hoạt động, đồng thời thực hiện tốt các
quy định về huấn luyện liên quan đến hoạt động hoá chất cho người lao động.
- Định kỳ thực hành diễn tập ứng phó
sự cố hoá chất đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoá chất quy
mô lớn.
- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan
có thẩm quyền kiểm tra các điều kiện sản xuất, kinh doanh hoá chất theo quy định;
chấp hành các quy định về kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
2. Về công tác ứng
phó sự cố hoá chất cấp Tỉnh
2.1. Một số tình huống sự cố hoá
chất cấp Tỉnh
- Sự cố hoá chất cấp Tỉnh là sự cố
hoá chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại vượt quá khả năng ứng phó của
các cơ sở, doanh nghiệp và UBND cấp huyện hoặc sự cố hoá chất chưa xác định được
nguồn gốc.
- Căn cứ vào phạm vi, mức độ nguy hiểm,
sự cố hoá chất có thể xảy ra các trường hợp sau:
+ Sự cố tràn đổ, rò rỉ khí amoniac
khan (NH3) trong sản xuất nước đá.
+ Sự cố tràn đổ, rò rỉ axit sunfuric
(H2SO4) trong sản xuất phèn chua.
+ Sự cố rò rỉ, tràn đổ thuốc bảo vệ
thực vật trong quá trình vận chuyển.
+ Sự cố rò rỉ, tràn đổ thuốc bảo vệ
thực vật trong bảo quản.
2.2. Các hoạt động ứng phó sự cố
hoá chất cấp Tỉnh
a. Công an Tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân
sự Tỉnh, các sở, ban, ngành Tỉnh và UBND cấp huyện tham mưu UBND Tỉnh thực hiện
các hoạt động ứng phó sự cố hoá chất cấp Tỉnh, cụ thể:
- Tiếp nhận thông tin và xác minh
thông tin xảy ra sự cố hoá chất.
- Tổ chức sơ tán toàn bộ người dân
trong vùng cách ly ban đầu; thành lập hàng rào, trạm gác, không cho người không
có nhiệm vụ vào vùng cách ly; thông báo cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng
ở cuối hướng gió, để có các giải pháp an toàn hoặc sơ tán toàn bộ người dân cho
đến khi sự cố được khắc phục hoàn toàn.
- Sơ bộ đánh giá tính chất, phạm vi,
mức độ và hậu quả có thể của sự cố hoá chất.
- Huy động lực lượng, trang thiết bị
và phương tiện sẵn sàng thực hiện công tác ứng phó khi có sự cố.
- Triển khai phương án ứng phó sự cố
hoá chất đối với từng trường hợp cụ thể.
- Thông báo cho các cơ quan, đơn vị
liên quan về biện pháp, phương án phối hợp ứng phó.
- Chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó
sự cố hoá chất tại hiện trường.
- Chỉ đạo điều tra, xác minh sự cố
hoá chất và đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả sự cố.
- Tổng hợp toàn bộ chi phí ứng phó,
làm cơ sở để thanh toán với đối tượng gây ra sự cố.
- Trường hợp sự cố hoá chất vượt quá
khả năng ứng phó của Tỉnh, kiến nghị UBND Tỉnh xem xét, yêu cầu trợ giúp của Ủy
ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
b. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
- Huy động các lực lượng vũ trang
trên địa bàn Tỉnh phối hợp với Công an Tỉnh trực tiếp chỉ huy bảo vệ hiện trường,
bảo vệ an ninh, trật tự trong khu vực xảy ra sự cố.
- Kết hợp với các đơn vị khác phân luồng
giao thông, bảo vệ tài sản nhân dân trong khu vực; sơ tán nhân dân đến vị trí đảm
bảo an toàn.
- Phối hợp với các ngành nắm bắt tình
hình trong và ngoài khu vực sự cố để có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự.
c. Sở Công Thương
- Định kỳ báo cáo UBND Tỉnh kết quả
triển khai thực hiện Kế hoạch, biện pháp ứng phó sự cố hoá chất của các sở,
ban, ngành Tỉnh, UBND cấp huyện.
- Có biện pháp quản lý lưu thông hàng
hóa, điều hòa thị trường, đặc biệt là lương thực, nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng,...
Đồng thời, phối hợp kiểm tra xử lý các hành vi đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị
trường, gian lận thương mại đối với khu vực xảy ra sự cố.
d. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tham mưu UBND Tỉnh giải quyết các hậu
quả của sự cố hoá chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại gây ảnh hưởng đến
môi trường.
- Kiểm tra, giám sát môi trường làm
việc và môi trường xung quanh khu vực xảy ra sự cố, trước khi doanh nghiệp, cơ
sở tái hoạt động.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
có liên quan đo đạc, phân tích các chỉ số về môi trường, cung cấp mã số chất thải
nguy hại của hoá chất liên quan.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
đánh giá thiệt hại, xử lý chất thải phát sinh, giám sát môi trường sau sự cố và
báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện.
đ. Sở Y tế
- Lập phương án huy động lực lượng,
phương tiện cùng các trang thiết bị y tế đến hiện trường, sẵn sàng cứu chữa khi
có thương vong xảy ra.
- Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, Bệnh
viện cấp huyện bố trí xe cứu thương thường trực ở khu vực sự cố và sẵn sàng tiếp
nhận người bị nạn.
- Phối hợp với UBND cấp huyện giám
sát sức khỏe những người có mặt trong vùng cách ly ban đầu sau khi sự cố được
khắc phục, để đảm bảo phát hiện và cứu chữa kịp thời tất cả các nạn nhân.
e. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
Phối hợp các cơ quan có liên quan điều
tra nguyên nhân các tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh
lao động có liên quan tới hoạt động hoá chất xảy ra trên địa bàn Tỉnh theo quy
định.
f. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Tham mưu UBND Tỉnh ứng phó sự cố hoá
chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại trong lĩnh vực nông nghiệp.
g. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với các đơn vị liên quan rà
soát các thông số về dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị, để báo cáo, đề xuất
UBND Tỉnh phương án xử lý sự cố.
h. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp với các đơn vị liên quan điều
tiết hệ thống giao thông khu vực, hướng dẫn di dân và cứu hộ.
i. Sở Thông tin và Truyền thông
Cập nhật, thông báo diễn biến tình
hình sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
k. Ban quản lý Khu kinh tế
- Huy động lực lượng ứng phó, khắc phục
khi xảy ra sự cố hoá chất tại khu kinh tế, khu công nghiệp.
- Phối hợp với các cơ quan có liên
quan tiến hành đánh giá thiệt hại, xử lý chất thải phát sinh, giám sát môi trường
sau sự cố tại khu kinh tế, khu công nghiệp.
l. Cục Quản lý thị trường Tỉnh
Kiên quyết xử lý các hành vi đầu cơ,
nâng giá, lũng đoạn thị trường, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp
luật khác của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu vực xảy ra sự cố.
m. UBND cấp huyện
Lập phương án, sẵn sàng huy động và
triển khai nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác ứng phó sự cố hoá chất
tại địa phương.
n. Các cơ sở có hoạt động hoá chất
- Khi xảy ra sự cố hoá chất các cơ sở,
doanh nghiệp phải đánh giá sự cố, nắm rõ tình hình và thực hiện các biện pháp
ngăn chặn sự cố lan rộng; báo ngay cho người đứng đầu đơn vị để trực tiếp điều
khiển các biện pháp ứng phó.
- Huy động lực lượng, phương tiện tại
chỗ để chữa cháy ban đầu, khi chưa có lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy
và cứu nạn cứu hộ đến ứng cứu.
- Cắt ngay các nguồn điện, các nguồn
đánh lửa, thực hiện tốt chế độ thông gió, tắt các thiết bị máy đang vận hành;
áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó theo kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa
và ứng phó sự cố hoá chất đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
- Nếu sự cố lớn vượt quá khả năng kiểm
soát của cơ sở thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan như:
UBND cấp huyện, cấp xã; Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Sở
Công Thương, Sở Y tế,…
- Phối hợp với cơ quan chức năng tham
gia ứng phó, bảo vệ hiện trường, điều tra, kết luận nguyên nhân các vụ cháy nổ.
2.3. Trách nhiệm bồi thường do sự
cố hoá chất
- Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố hoá
chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại phải chịu trách nhiệm chi trả chi
phí ứng phó, bồi thường thiệt hại và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền để
giải quyết việc bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp không xác định được đối
tượng gây ra sự cố hoá chất, hoá chất nguy hiểm, hoá chất độc hại thì sử dụng
ngân sách Nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí cho các hoạt động ứng phó do cơ
quan Nhà nước huy động.
IV. Tổ chức thực
hiện
1. Các sở, ban, ngành Tỉnh
- Tuỳ tình hình thực tế, xây dựng kế
hoạch hoặc phương án kinh phí cụ thể triển khai thực hiện các nội dung tại Mục III
Kế hoạch này, gửi Sở Công Thương trước ngày 30/6 hàng năm để tổng hợp, gửi Sở
Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức triển khai nội dung Kế hoạch
này đến các đối tượng có hoạt động hoá chất thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Sở Tài chính
- Hàng năm, thẩm định kinh phí, cân đối
ngân sách bố trí cho các sở, ban, ngành Tỉnh để thực hiện Kế hoạch.
- Bố trí ngân sách Tỉnh thanh toán tạm
thời cho các hoạt động ứng phó sự cố hoá chất do Công an Tỉnh huy động.
3. UBND cấp huyện
- Hàng năm, cân đối ngân sách cấp huyện
tổ chức xây dựng kế hoạch hoặc phương án kinh phí cụ thể triển khai thực hiện
các nội dung tại Mục III Kế hoạch này.
- Tổ chức triển khai nội dung Kế hoạch
này đến các đối tượng có hoạt động hoá chất thuộc thẩm quyền quản lý.
V. Chế độ báo cáo
- Hàng năm, các sở, ban, ngành Tỉnh
và UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, gửi Sở Công
Thương tổng hợp trước ngày 15/12, để báo cáo Bộ Công Thương và UBND Tỉnh.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở
Công Thương để báo cáo UBND Tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- UB Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- Công an Tỉnh;
- BCH Quân sự Tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NC/KTN(mqv).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thiện Nghĩa
|