ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
39/2012/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày
05 tháng 11 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH NỘI DUNG
CHI, MỨC CHI; VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM
CHO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng
12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06
tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06
tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12
tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30
tháng 11 năm 2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị
định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 tháng 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử
lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP
ngày 17 tháng 8 năm 2011 của liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự
toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử
lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2012/NQ-HĐND ngày 20
tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái quy định cụ thể mức chi bảo
đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp
luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 28/TTr-STP ngày 13 tháng 9 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quyết định này quy định nội dung chi, mức
chi; việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ giúp cơ
quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản do cơ quan, tổ chức khác ban hành,
quy định tại Điều 14 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về
kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số
40/2010/NĐ-CP) và thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định tại
Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân, Điều 12 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được ngân sách nhà nước cấp kinh phí bảo đảm
cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
theo Quyết định này bao gồm:
a) Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
b) Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố;
c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
d) Các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm
vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu, kế
hoạch.
Điều 2. Nội dung chi bảo đảm công tác
kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản
1. Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để
trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết
quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu, kế hoạch (bao gồm cả
xử lý văn bản tại cơ quan được kiểm tra); họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý,
rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan kiểm tra.
2. Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực
hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực; kiểm
tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật.
3. Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công
tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
4. Chi lấy ý kiến chuyên gia: Trong trường hợp
văn bản được kiểm tra, rà soát thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp
hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức pháp chế
quyết định việc lấy ý kiến chuyên gia.
5. Chi báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống
hóa văn bản theo chuyên đề, theo địa bàn, theo ngành, lĩnh vực; báo cáo định kỳ,
hàng năm hoặc đột xuất về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; báo
cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật.
6. Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp
luật, kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
7. Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm
tra văn bản khi phát hiện văn bản trái pháp luật. Trường hợp nếu có chế độ phụ
cấp trách nhiệm theo nghề đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm tra văn bản
thì không thực hiện chế độ chi hỗ trợ kiểm tra văn bản theo quy định này.
8. Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra
văn bản:
a) Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm
tra văn bản; chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản theo hợp đồng khoán việc
tính trên số lượng văn bản xin ý kiến.
b) Chi thanh toán công tác phí cho cộng tác viên
tham gia đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực.
9. Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho
công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
a) Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực
pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở
dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản; chi rà soát,
hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004; Điều 12 Nghị
định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ.
b) Chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các
thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản; trang bị sách, báo, tạp chí.
c) Chi tổ chức mạng lưới thông tin phục vụ cho
việc xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu; duy trì, bảo dưỡng và nâng cao hiệu
quả, hiệu suất hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin (bao gồm cả việc chi
mua sắm phần cứng, phần mềm, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, dịch vụ khác);
chi ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn (bao gồm
cả việc tin học hóa hệ cơ sở dữ liệu).
10. Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu,
thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
11. Các nội dung chi khác liên quan đến công tác
kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản gồm: Chi tổ chức nghiên cứu khoa
học; chi tập huấn; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chi sơ kết, tổng kết, thi
đua, khen thưởng; chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm
tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi làm thêm giờ; chi văn phòng phẩm
và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà
soát hệ thống hóa văn bản pháp luật.
Điều 3. Mức chi công tác kiểm tra, xử lý, rà
soát, hệ thống hóa văn bản
1. Các nội dung chi cho công tác kiểm tra, xử
lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng chế độ,
tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Cụ thể như sau:
a) Đối với các khoản chi để tổ chức các cuộc họp,
hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết; các khoản chi công tác phí cho
những người đi công tác trong nước (bao gồm cả cộng tác viên, thành viên tham
gia các đoàn kiểm tra văn bản và đoàn kiểm tra công tác kiểm tra, rà soát văn bản)
thực hiện theo quy định tại Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 21/4/2011 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc họp,
hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Yên
Bái.
b) Đối với các khoản chi cho việc tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho đội ngũ
cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội
ngũ cộng tác viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày
21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh
phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
c) Chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực, địa
phương về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản thực hiện
theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của
Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
d) Đối với các khoản chi điều tra, khảo sát thực
tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính
quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống
kê;
đ) Đối với các khoản chi mua sắm các trang thiết
bị, lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản thực
hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công
nghệ thông tin và các quy định hiện hành về công nghệ thông tin, xây dựng và quản
lý hệ cơ sở dữ liệu;
e) Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành
tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực
hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi khen thưởng;
g) Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm
tra văn bản thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.
Điều 4. Một số khoản chi, mức chi có tính chất
đặc thù trong kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật
1. Chi cho các thành viên tham gia họp, hội thảo,
tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp
xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu, kế hoạch
(bao gồm cả xử lý văn bản tại cơ quan được kiểm tra); họp bàn về kế hoạch kiểm
tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan kiểm
tra:
a. Chủ trì cuộc họp: 150.000 đồng/người/buổi.
b. Các thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi.
2. Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với văn bản thuộc
chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp: 600.000 đồng/báo cáo/văn bản.
3. Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm
tra văn bản: 100.000 đồng/văn bản.
4. Chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản:
a. Mức chi chung: 140.000 đồng/văn bản
b. Đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực
chuyên môn phức tạp: 300.000 đồng/văn bản.
5. Chi soạn thảo, viết báo cáo:
a. Báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật:
200.000 đồng/báo cáo.
b. Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa
văn bản theo chuyên đề, địa bàn, theo ngành, lĩnh vực (bao gồm cả báo cáo liên
ngành và báo cáo của từng sở, ban, ngành): 1.000.000 đồng/báo cáo.
Trường hợp phải thuê các chuyên gia bên ngoài cơ
quan: 1.500.000 đồng/báo cáo
c. Báo cáo hàng năm, đột xuất về công tác kiểm
tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp trên địa bàn toàn tỉnh:
4.000.000 đồng/báo cáo.
6. Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp
luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện
thông tin đại chúng: Mức chi được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp.
7. Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho
công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
a. Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực
pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở
dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ công tác kiểm tra văn bản; Chi rà soát, hệ
thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004; Điều 12 Nghị định
số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân: 100.000 đồng/văn bản.
b. Chi thu thập, phân loại, xử lý thông tin, tư
liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản, trang bị sách, báo, tạp chí phục vụ xây dựng
cơ sở dữ liệu kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Được
thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp.
Đối với việc phân loại, xử lý thông tin, tư liệu,
tài liệu, văn bản mà không có mức giá xác định sẵn: 70.000 đồng/văn bản (Khoản
chi này không áp dụng đối với việc thu thập các văn bản quy phạm pháp luật đã
được cập nhật trong các hệ cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc đăng
trên Công báo).
8. Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu,
thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
Được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp.
9. Đối với các khoản chi khác (Làm đêm, làm thêm
giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm): Được thực hiện theo
chứng từ chi hợp pháp.
Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản
quy phạm pháp luật
1. Kinh phí phục vụ hoạt động tự kiểm tra văn bản
theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP được sử dụng từ nguồn kinh
phí chi hoạt đông thường xuyên của cơ quan thực hiện việc tự kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật;
2. Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử
lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức thuộc
cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân
sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.
3. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác kiểm
tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản và căn cứ vào nội dung chi, mức chi
quy định tại Điều 3, Điều 4 của Quyết định này, các cơ quan, đơn vị được quy định
tại khoản 2, Điều 1 của Quyết định này lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công
tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tổng hợp chung vào dự toán
ngân sách chi thường xuyên hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Riêng năm 2012,
các cơ quan, tổ chức chủ động sắp xếp trong dự toán 2012 đã được cấp có thẩm
quyền giao để thực hiện.
4. Đối với tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh không phải là đơn vị dự toán, hàng năm, tổ chức
pháp chế phải căn cứ vào các nội dung kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử
lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định tại Quyết định này và kế hoạch kiểm
tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho
công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản gửi bộ phận tài chính của
cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định.
5. Quản lý, sử dụng và quyết toán: Việc quản lý,
sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ
thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách
nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 6. Điều khoản thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày
kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Sở Tư pháp (tự kiểm tra văn bản);
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh , Phó VP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT;
- Phòng CNTT-CB;
- Lưu VT, NC, TC
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phạm Duy Cường
|