ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/CT-UBND
|
Bình Định, ngày 26 tháng 05 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG
TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP KIỂM SOÁT PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM
DA NỔI CỤC Ở TRÂU, BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò đã và
đang xảy ra tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước và diễn biến phức tạp. Bộ Nông
nghiệp và PTNT nhận định nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan diện
rộng trong thời gian đến là rất cao. Tại Bình Định, theo báo cáo của Sở Nông
nghiệp và PTNT, dịch bệnh Viêm da nổi cục đã xuất hiện tại một số địa phương
trong tỉnh. Tính đến ngày 24/5/2021, dịch bệnh đã bùng phát nhỏ lẻ tại 33 xã
của 04 huyện, thị xã gồm: huyện Phù Cát (15 xã), huyện Phù Mỹ (13 xã), huyện
Hoài Ân (4 xã) và thị xã An Nhơn (1 xã) với tổng số bò mắc bệnh là 531 con.
Nguyên nhân xảy ra bệnh dịch là do truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt mang
mầm bệnh (muỗi, ruồi, ve…) và một số phương tiện vận chuyển trâu, bò ra vào địa
phương nghi ngờ mang mầm bệnh xâm nhập. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến
khó lường, nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh ra diện rộng là rất cao.
Nhằm tăng cường tổ chức triển khai đồng bộ các giải
pháp phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò; quán triệt triển khai
Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, sớm khống chế
tình hình dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, Chủ tịch UBND
tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị
xã, thành phố nghiêm túc quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các nội
dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 631/CĐ-TTg ngày
17/5/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm
soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; chỉ đạo của Bộ Nông
nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 về việc tập trung
nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và chỉ đạo của UBND
tỉnh tại Văn bản số 2300/UBND-KT ngày 26/4/2021 về việc tăng cường triển khai
các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò.
2. Sở Nông nghiệp
và PTNT:
a) Thành lập các Tổ Công tác
để tiến hành kiểm tra công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh
Viêm da nổi cục tại các địa phương. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những địa
phương còn chủ quan, lơ là để chỉ đạo xử lý kịp thời.
b) Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng
kinh phí phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục để hỗ trợ ngành Nông nghiệp và
PTNT và các địa phương, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Tăng cường phối hợp với Phòng Nông
nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trong hoạt động kiểm tra, đôn đốc, công tác tổ chức phòng, chống dịch tại các địa phương,
nhất là các địa phương đang xảy ra dịch. Phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật
thường xuyên có mặt tại các địa phương để giám sát công tác tổ chức chống dịch,
hướng dẫn điều tra dịch tễ, tiêm phòng bao vây, xác định nguồn lây, vùng dịch,
vùng uy hiếp, vùng đệm và kiểm soát dịch bệnh.
- Thường xuyên cập nhật đầy đủ thông
tin, đánh giá diễn biến, nhận định tình hình dịch bệnh, tham mưu Sở Nông nghiệp
và PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai các
giải pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả, sớm khống
chế tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò.
- Tăng cường kiểm tra hoạt động kiểm
tra, phúc kiểm gia súc quá cảnh tại các Trạm Kiểm dịch đầu mối giao thông. Tăng
cường công tác kiểm dịch động vật tại gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vận
chuyển, giết mổ trâu, bò mắc bệnh, nghi mang mầm bệnh xuất phát từ các địa
phương có dịch. Trường hợp cần thiết, đề nghị cảnh sát giao thông phối hợp hỗ
trợ.
- Hướng dẫn các địa phương sử dụng
nguồn vaccine Viêm da nổi cục trâu, bò tiêm phòng phù hợp theo khuyến cáo của
Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 (theo đó,
khuyến cáo sử dụng vaccine Lympyvac (Thổ Nhĩ Kỳ), Mevac LSD (Ai Cập) để tiêm
phòng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục). Đồng thời, tăng cường
kiểm soát, quản lý nguồn vaccine tiêm phòng tại các địa phương; kịp thời phát
hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán vaccine không tuân thủ theo
quy định.
3. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng
cảnh sát giao thông và Công an các địa phương phối hợp với lực lượng thú y
trong công tác kiểm dịch động vật tại các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông,
kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và
xử lý các trường hợp vi phạm.
4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và PTNT cân đối nguồn kinh phí, đảm bảo đủ, kịp thời hỗ trợ
ngành Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, phục vụ công tác phòng, chống dịch
bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
5. Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị trực
thuộc thuộc liên quan phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch
vụ nông nghiệp tổ chức phát động ra quân phun hóa chất diệt côn trùng phòng các
bệnh truyền nhiễm ở người, phòng bệnh Viêm da nổi cục tại các địa phương.
6. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị
trường tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu
thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm.
5. Đài Phát thanh và Truyền hình Bình
Định, Báo Bình Định
Tăng cường tuyên truyền các quy định
về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò. Vận động người chăn nuôi chủ
động mua vaccine để tiêm phòng cho trâu, bò gia đình mình và hợp tác với thú y
cơ sở, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, khai báo nhanh dịch bệnh để
được phối hợp xử lý kịp thời.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Thường xuyên tuyên truyền trên Đài
Truyền thanh cấp huyện, cấp xã hướng
dẫn cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống. Tích cực vận động người chăn nuôi mua vaccine Viêm da nổi cục tiêm phòng và tăng
cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò gia đình mình.
Đồng thời, phát hiện báo cáo nhanh dịch bệnh để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cung cấp nội dung tuyên truyền và địa chỉ mua
vaccine cụ thể để người chăn nuôi liên hệ.
b) Đối với các địa phương đang xảy ra
dịch:
- Nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo
phòng chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò; phân công nhiệm vụ cụ thể cho
từng thành viên đứng chân địa bàn để đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo công tác chống
dịch.
- Tập trung huy động các nguồn lực để
triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, xử lý ổ dịch;
tiến hành điều tra dịch tễ, xác định nguồn truyền lây; tổ chức tiêm phòng bao
vây (đảm bảo đạt tỷ lệ hơn 90% tổng đàn thuộc diện tiêm); thiết lập các chốt
kiểm soát dịch bệnh (nếu cần thiết); thực hiện cam kết giữ trâu, bò bệnh tại
chuồng, không chăn thả, bán chạy, giết mổ trâu, bò bệnh; nghiêm cấm hoạt động
mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò tại vùng dịch cho đến khi công bố hết
dịch; hướng dẫn vệ sinh tiêu độc sát trùng và biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt
côn trùng truyền bệnh; hạn chế lây lan, phát sinh các ổ
dịch mới; sớm khống chế dịch bệnh.
- Hàng ngày, tổng hợp, báo cáo đầy đủ
tình hình dịch bệnh, kết quả công tác tổ chức phòng, chống dịch và nhận định
tình hình, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND cấp huyện và Sở Nông nghiệp và PTNT
(qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
- Cấp xuất kinh phí từ nguồn dự phòng
của địa phương, đảm bảo đủ, kịp thời để mua vật tư, dụng cụ, hóa chất, vaccine
tiêm phòng... và các chi phí hỗ trợ cho công tác tổ chức phòng, chống dịch tại
địa phương. Trường hợp nguồn kinh phí không đảm bảo, báo cáo UBND tỉnh xem xét,
giải quyết.
- Trường hợp trâu, bò bệnh chết do
dịch bệnh do cơ quan Thú y xác định, được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định
40/2018/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 của UBND tỉnh Quy định mức hỗ trợ để khôi phục
sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn
tỉnh Bình Định. Đối với trường hợp xảy ra rủi ro do tiêm phòng thì được xem
xét, hỗ trợ theo Văn bản số 1163/UBND-KTN ngày 28/3/2014 của UBND tỉnh về việc
cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm xảy ra rủi ro do tiêm phòng
và dịch bệnh.
c) Đối với các địa phương chưa xảy ra
dịch bệnh:
- Giao trách nhiệm cho chính quyền
cấp xã tích cực hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp chăn
nuôi an toàn sinh học và phòng, chống dịch bệnh cho trâu, bò; tổ chức tiêu độc
sát trùng và có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt côn trùng truyền bệnh. Quán
triệt người chăn nuôi tự giác báo cáo dịch bệnh để được phối hợp xử lý kịp
thời, tuyệt đối không được giấu dịch. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê
đàn trâu, bò hiện có thuộc địa bàn. Vận động người chăn nuôi đăng ký mua vaccine Viêm da nổi cục để tiêm phòng trâu, bò gia đình mình.
Tổng hợp danh sách, số lượng nhu cầu đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp liên
hệ mua, phục vụ cho công tác tiêm phòng.
- Tăng cường công tác quản lý chăn
nuôi, xuất nhập trâu, bò và theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; phát huy
vai trò hoạt động của thú y cơ sở và Trưởng cấp thôn trong công tác phát hiện
kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi mắc bệnh để nhanh
chóng phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp chống dịch theo quy định.
- Cấp xuất kinh phí từ nguồn dự phòng
của địa phương để hỗ trợ cho công tác tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Cân đối
kinh phí mua vaccine Viêm da nổi cục để tổ chức tiêm khẩn
cấp tại các vùng giáp ranh vùng dịch, vùng có nguy cơ cao thuộc địa bàn quản lý.
d) Chỉ đạo Trung tâm Y tế xem xét, hỗ
trợ hóa chất để các địa phương tiến hành phun thuốc diệt côn
trùng phòng các bệnh truyền nhiễm và bệnh Viêm da nổi cục tại các địa phương.
đ) Quán triệt lực
lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò chấp
hành tuân thủ đầy đủ quy trình phòng, chống dịch Covid-19 khi tham gia thực
hiện nhiệm vụ.
7. Đề nghị các Hội, đoàn thể: Chỉ đạo
các cấp hội trực thuộc, thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên
chấp hành thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh Viêm da nổi cục trâu,
bò; chủ động mua vaccine tiêm phòng và hợp tác với thú y cơ sở, trưởng cấp thôn trong việc phát hiện, báo cáo
kịp thời dịch bệnh.
Yêu cầu Giám đốc
các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Y tế, Công Thương; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục
Quản lý thị trường tỉnh; Chủ tịch UBND
các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan nghiêm túc quán triệt,
triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ NN và PTNT (B/cáo);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (B/cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Cục Thú y;
- Các sở, ban, ngành;
- Các Hội, đoàn thể
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- LĐVP, CV UBND tỉnh;
- Lưu VT, K10.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|