Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 395/QĐ-UBND 2021 phê duyệt Đề án Phát triển quan hệ lao động tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu: 395/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh Người ký: Vương Quốc Tuấn
Ngày ban hành: 21/10/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 395/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 21 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Công đoàn năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới;

Căn cứ Kết luận số 239-KL/TU ngày 13/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 24/11/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025” (Có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sớ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này theo đúng quy định hiện hành. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Đề án về UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; Công an tỉnh; Liên đoàn Lao động tỉnh; các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Hội doanh dân trẻ tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các các cơ quan, đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ LĐ-TB và XH (b/c);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, KTTH, XDCB;
- Lưu: VT, KGVX(NTT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 395/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

Phần 1

PHẦN MỞ ĐẦU

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội. Sau 24 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và trở thành cực tăng trưởng kinh tế của cả nước, vùng Thủ đô và các tỉnh phía Bắc; trong đó, đặc biệt là quy mô sản xuất công nghiệp, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút lượng lớn lao động đến từ các địa phương khác.

Để tiếp tục khơi thông các nguồn lực phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm, triển khai một số giải pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định: nhận thức của các cấp, các ngành và của người lao động, người sử dụng lao động về quan hệ lao động từng bước được nâng lên; số lượng các cuộc đình công trên địa bàn trong thời gian gần đây có xu hướng giảm; quan hệ lao động tập thể duy trì được sự ổn định nhất định; đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được cải thiện. Những kết quả này đóng góp một phần vào quá trình công nghiệp hóa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp: vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động của tổ chức công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động còn nhiều hạn chế; thực hiện quy định về đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt hiệu quả chưa cao; thỏa ước lao động tập thể chưa thực sự là kết quả của quá trình thương lượng; lao động trong các một số doanh nghiệp không ổn định; đình công không đúng trình tự thủ tục pháp luật còn diễn ra và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp; các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động như hòa giải viên lao động, trọng tài lao động cơ bản chưa thể phát huy trong thực tiễn, nhất là đối với tranh chấp lao động tập thể. Những hạn chế này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như tốc độ tăng trưởng công nghiệp nhanh, khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện thì nguyên nhân chủ quan của các hạn chế trên là: (i) Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa thực sự nhận thức đầy đủ và chưa coi trọng việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; (ii) Công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động chưa thực sự được quan tâm, củng cố; (iii) Việc triển khai các giải pháp, chính sách phát triển quan hệ lao động còn chưa đồng bộ và thiếu bền vững; (iv) Nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chậm được đổi mới dẫn đến vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động của một số tổ chức công đoàn cơ sở đạt hiệu quả thấp.

Trong bối cảnh đất nước tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, nhiều chủ trương, chính sách mới được Đảng và Nhà nước ban hành. Bộ luật Lao động năm 2019 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và đặt ra nhiều yêu cầu mới và cao hơn về quan hệ lao động. Trong đó, đặc biệt là sự thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đòi hỏi việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước để đổi mới, tăng cường quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định.

Thực tế này đòi hỏi Bắc Ninh cần có một kế hoạch tổng thể, bền vững với những giải pháp mang tính đồng bộ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án: “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ khoa học

Quan hệ lao động là mối quan hệ phổ biến trong kinh tế thị trường. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động phản ánh mối quan hệ giữa chủ sở hữu của hai yếu tố sản xuất chính là tư liệu sản xuất và sức lao động. Chính vì vậy, quan hệ lao động có hài hòa, ổn định thì mới giải phóng được các nguồn lực sản xuất và phát triển ổn định. Trái lại, quan hệ lao động không ổn định làm đình trệ sản xuất và tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự xã hội.

Quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường vận động thông qua những cơ chế như: sự liên kết và tổ chức của người lao động; đối thoại và thương lượng tập thể; giải quyết tranh chấp lao động. Các cơ chế quan hệ lao động được vận hành bởi các thiết chế quan hệ lao động như: Thiết chế quản lý (cơ quan quản lý nhà nước); thiết chế đại diện (tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động); thiết chế trung gian, hòa giải (hòa giải viên lao động); thiết chế phán xử (trọng tài lao động, tòa án) và các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động.

Trong quá trình vận động của các cơ chế quan hệ lao động luôn tiềm ẩn, nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích giữa người lao động và người người sử dụng lao động. Những xung đột này có thể tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng xã hội. Vì vậy, nhà nước sẽ tham gia vào quan hệ lao động với hai chức năng, đó là quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động. Với chức năng quản lý, nhà nước thiết lập khung khổ pháp luật để vận hành hệ thống quan hệ lao động; tổ chức, hướng dẫn thực hiện triển khai các chính sách và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Với chức năng hỗ trợ quan hệ lao động, nhà nước hỗ trợ nâng cao năng lực của các chủ thể quan hệ lao động; tạo lập, hỗ trợ và vận hành các thiết chế trung gian, hòa giải và trọng tài lao động. Vai trò quản lý và hỗ trợ của nhà nước chỉ được phát huy khi có sự thống nhất về nhận thức, đồng bộ về chính sách và phối kết hợp hiệu quả trong hành động giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, cơ quan nhà nước càng phải đóng vai trò kiến tạo, tích cực hơn. Quan hệ lao động không chỉ phù hợp với luật pháp quốc gia mà còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với những nguyên tắc lao động cơ bản được áp dụng ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Các nguyên tắc cơ bản đó được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên và có nghĩa vụ thực hiện.

2. Căn cứ chính trị

- Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nghị quyết nêu rõ chủ trương cho phép thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam, đồng thời đặt yêu cầu phải quản lý tốt để các tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh và đúng pháp luật.

- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết đặt ra yêu cầu việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả trong đó có cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức Công đoàn

- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết nêu rõ chủ trương là nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Tiền lương tại doanh nghiệp do các bên tự xác định thông qua các cơ chế quan hệ lao động.

- Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới. Chỉ thị đặt trọng tâm vào nhiệm vụ chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể và giải quyết tốt tranh chấp lao động, đình công.

3. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 80/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Công ước yêu cầu các quốc gia phải có hành động trong luật pháp và thực tiễn để bảo vệ thích đáng các tổ chức của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động khỏi các hành vi can thiệp, thao túng, phân biệt đối xử của bên kia; khuyến khích và thúc đẩy thương lượng tập thể trong quan hệ lao động.

- Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Bộ luật thể chế quan điểm, đường lối của Đảng về quan hệ lao động, quy định việc thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; vai trò của cơ quan nhà nước trong hỗ trợ thương lượng tập thể và giải quyết tranh chấp lao động.

- Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn.

- Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 24/11/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

III. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Mục đích: Đề án đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để phát huy tối đa năng lực và sự phối kết hợp giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong giai đoạn 2021- 2025.

2. Đối tượng áp dụng:

Đối tượng áp dụng của Đề án gồm:

- Người lao động, các cấp công đoàn và tổ chức của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được thành lập theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện

- Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động tỉnh.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nội dung Đề án.

3. Phạm vi điều chỉnh

- Phạm vi không gian: Đề án có phạm vi điều chỉnh là việc quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động, đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

- Phạm vi thời gian: Giai đoạn 2021-2025

IV. YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

Đề án đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đề án phải đánh giá một cách đầy đủ, chính xác, khách quan thực trạng, và những vấn đề đặt ra đối với quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025.

- Các giải pháp, nhiệm vụ phải đặt trên cơ sở thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư và Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021); phát huy đúng và đủ vai trò của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động, trung gian, hòa giải, trọng tài và xử lý các cuộc đình công

Phần 2

THỰC TRẠNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Về phát triển kinh tế

Tính đến cuối năm 2020, nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chuyển biến tích cực, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương với tốc độ tăng trưởng là 3,31%. Nhiều chỉ tiêu kinh tế trong tốp đầu cả nước, cụ thể: quy mô GRDP (giá hiện hành) tiếp tục được mở rộng, ước đạt 209.227 tỷ đồng, đứng thứ 8 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đạt 147,4 triệu đồng gấp 2,1 lần bình quân cả nước, đứng thứ 3 toàn quốc; thu ngân sách năm 2020 đạt 30.731 tỷ đồng đứng thứ 9 cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, xếp thứ 2 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.349,5 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước.

2. Về đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Tỉnh Bắc Ninh xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó kinh tế có vốn FDI là một bộ phận không tách rời. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp và 26 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với 10.123 doanh nghiệp; trong đó có 1.229 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đầu tư chiếm đa số. Lũy kế đến hết năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.628 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt xấp xỉ 19,9 tỷ USD. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của ba nhãn hàng lớn là Samsung, Canon, Foxconn. Với cơ chế chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ...

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI ở Bắc Ninh đã và đang mang lại nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, cũng chính từ sự phát triển đó đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ lao động. Những bức xúc, vướng mắc giữa người sử dụng lao động là người nước ngoài và người lao động Việt Nam phát sinh ngày càng nhiều; đặc biệt, đa số các vấn đề về quan hệ lao động như đình công và tranh chấp lao động đều xảy ra tại các doanh nghiệp FDI, trong các khu công nghiệp. Với chủ trương tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp FDI dự báo sẽ là một điểm nóng trong thời gian tới. Đây được coi là một đặc trưng của quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cần được quan tâm điều chỉnh, hỗ trợ.

3. Về lao động, việc làm

Dân số Bắc Ninh năm 2020 là 1.419.126 người; lực lượng lao động trên địa bàn là 774.570 nghìn người, chiếm 55% dân số tỉnh. Tổng số lao động có việc làm trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng dần qua từng năm, tính đến cuối năm 2020 là 454.225 người, số lao động làm việc cho doanh nghiệp FDI là 308.192 người (chiếm 67,9%); số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 331.609 người (chiếm 73%), trong đó: số lao động ngoại tỉnh trong các khu công nghiệp là 249.991 người (chiếm 73,38% số lao động trong các khu công nghiệp), số lao động phổ thông, làm công việc giản đơn trong các khu công nghiệp là 205.066 người (chiếm 61,8% số lao động trong các khu công nghiệp). Như vậy có thể thấy, lao động trên địa bàn tỉnh tập trung lớn trong khu công nghiệp, ở các doanh nghiệp FDI; chủ yếu là lao động ngoại tỉnh và lao động phổ thông, làm công việc giản đơn.

4. Về tiền lương, thu nhập và phúc lợi xã hội

4.1. Tiền lương, tiền thưởng

Nhìn chung, tiền lương, tiền thưởng bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều cao hơn hoặc tiệm cận với mức bình quân chung của cả nước, cơ bản đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Năm 2020, tiền lương bình quân của người lao động trên toàn tỉnh 8,26 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 720 nghìn đồng so với tiền lương bình quân của người lao động trên cả nước, cao gấp 2,1 lần so với tiền lương tối thiểu vùng 2; tiền thưởng tết dương lịch bình quân theo kế hoạch của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 1,08 triệu đồng/người/tháng; tiền thưởng Tết Nguyên đán bình quân theo kế hoạch của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh 5,33 triệu đồng/người/tháng.

Cơ chế xác định tiền lương trong doanh nghiệp chủ yếu dựa trên việc xây dựng thang lương, bảng lương, có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; bên cạnh đó, tại một số ít doanh nghiệp, việc xác định tiền lương bước đầu được thực hiện qua thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể về một số nội dung như phụ cấp lương, thời hạn trả lương. Việc xác định tiền thưởng chủ yếu được thực hiện thông qua việc xây dựng quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên việc xác định tiền lương, tiền thưởng thông qua hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn còn hạn chế; chủ yếu các nội dung về tiền lương, tiền thưởng đều được người sử dụng lao động đề xuất phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, đề nghị từ phía tập thể người lao động. Trong một số trường hợp, do chính sách tiền lương và tiền thưởng của doanh nghiệp thay đổi hoặc không phù hợp với mong muốn của người lao động, tập thể người lao động phản đối bằng hình thức đình công không theo trình tự thủ tục để yêu cầu xác lập mức tiền lương hoặc tiền thưởng mới. Việc đình công này cũng không xuất phát từ quá trình thương thượng tập thể, mà chỉ thực hiện sau khi có quyết định của người sử dụng lao động không phù hợp với mong muốn của tập thể người lao động.

4.2. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)

Tỉnh Bắc Ninh nhận thức rõ chính sách BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, vì vậy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc xây dựng, triển khai, thực hiện các chính sách BHXH; kết quả đạt được đáp ứng mục tiêu, kế hoạch của tỉnh đề ra, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2020, có 438.271 người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 50,8% lực lượng lao động trong độ tuổi; có 9.899 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 40,7% so với năm 2019; có 428.341 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 48,3% lực lượng lao động trong độ tuổi. Công tác thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động về hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp đều được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nợ đóng bảo hiểm; tính đến cuối năm 2020, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của toàn tỉnh là 361,93 tỷ đồng, tỷ lệ nợ 3,75% trên kế hoạch thu năm 2020, tăng 0,26% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ nợ tăng một phần là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

4.3. Các phúc lợi xã hội khác

Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 dự án nhà ở cho người lao động với quy mô 105,56 ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 125.697 người lao động. Hiện tại đã có 07 dự án nhà ở cho người lao động đã đưa vào sử dụng đáp ứng gần 46.264 chỗ ở, 05 dự án đang triển khai đầu tư, 09 dự án đang hoàn thiện thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề nhà ở, một số công ty đã đầu tư xây dựng ký túc xá cho người lao động như Công ty TNHH SamSung Electronics Việt Nam, Tập đoàn KHKT Hồng Hải, Công ty TNHH Canon Việt Nam...

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến việc xây dựng nhà trẻ, đảm bảo nhu cầu gửi con của người lao động, về giáo dục mầm non hiện nay toàn tỉnh có 172 trường, trong đó 155 trường công lập, 17 trường tư thục; thu hút 19.506 trẻ nhà trẻ; 78.501 trẻ ra lớp mẫu giáo. Đối với nhóm lớp độc lập tư thục, hiện toàn tỉnh có 185 cơ sở, nhóm, lớp độc lập tư thục, với 596 nhóm, lớp, 10.561 cháu; trong đó con công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 5.291 cháu, số cháu từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi 1.556 cháu. Tuy nhiên, phần lớn lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong độ tuổi sinh đẻ nên nhu cầu gửi con ở các nhà trẻ, mẫu giáo là rất lớn, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tại khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; bên cạnh đó, việc gửi con ở các nhà trẻ công lập tương đối khó khăn do công nhân lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp có hơn 70% là lao động nhập cư, thời gian làm việc không phù hợp để gửi trẻ ở trường mầm non công lập.

II. THỰC TRẠNG CƠ CHẾ, THIẾT CHẾ QUAN HỆ LAO ĐỘNG

1. Tổ chức công đoàn

1.1. Phát triển tổ chức và phát triển đoàn viên

Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở của tổ chức công đoàn thường xuyên được các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Ninh quan tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có công đoàn so với tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn chưa tương xứng với số doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 1.995 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với 199.415 đoàn viên, trong đó có 1.120 công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Hợp tác xã với 164.978 đoàn viên. Bình quân mỗi năm thành lập mới từ 50 đến 70 công đoàn cơ sở.

1.2. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các cấp công đoàn trong tỉnh đã làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động như: tổ chức Tốt sum vầy; thăm tặng quà người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân Tháng công nhân, Tết Nguyên Đán; tổ chức hội nghị hướng dẫn, tư vấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đối thoại, tuyên truyền phổ biến chính sách - pháp luật của nhà nước liên quan đến người lao động; triển khai chương trình ký kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ vì lợi ích đoàn viên; thực hiện tư vấn cho người lao động qua trang facebook, nhóm zalo, trang điện tử công đoàn... đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo hướng về cơ sở vì lợi ích đoàn viên và người lao động; chú trọng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, tạo điều kiện để công nhân, lao động thực hiện được quyền làm chủ của mình; một số công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tốt các phong trào thi đua vào mục tiêu “năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “việc làm - đời sống - dân chủ và công bằng xã hội”.

1.3. Chăm lo đời sống đoàn viên và người lao động

Trong những năm qua, đời sống văn hóa tinh thần của người lao động đã được quan tâm, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ lao động Bắc Ninh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trong đó tổ chức công đoàn cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động như: tổ chức Ngày hội công nhân; phiên chợ nghĩa tình; Hội thao trong công nhân, viên chức, lao động; Chương trình sau giờ thứ 8; các hội diễn văn nghệ... được triển khai từ cơ sở đến cấp tỉnh.

Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của người lao động tại nhiều cơ sở, doanh nghiệp còn nghèo nàn; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của người lao động được quan tâm chưa tương xứng với thực tế và nhu cầu phát triển; một số người lao động có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội. Nhiều vấn đề xã hội mới, phức tạp có thể xuất hiện, lao động trẻ trong các khu công nghiệp dễ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, chia rẽ; bị tác động của mặt trái các phương tiện truyền thông hiện đại.

Về chăm lo đời sống vật chất cho người lao động: các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể chăm lo đời sống vật chất, cho người lao động; an sinh xã hội được quan tâm, nhất là các đối tượng người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động. Trong đó Liên đoàn Lao động có vai trò quan trọng với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động như: Quỹ Mái ấm công đoàn, Quỹ trợ vốn vì nữ công nhân lao động nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; tổ chức “Tết Sum vầy” hàng năm. Mặc dù đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất cho người lao động, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.

2. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Ủy ban nhân dân tỉnh luôn tạo điều kiện trong việc thành lập và hoạt động của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Một số tổ chức đại diện người sử dụng lao động được thành lập trên địa bàn tỉnh có hoạt động nổi bật như Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên minh hợp tác xã, Hội doanh nhân trẻ. Tổng số hội viên của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động này là hơn 1.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hợp tác xã, chỉ chiếm khoảng 14% trên tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Như vậy, các tổ chức này chưa là đại diện cho đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức được thành lập với mục đích tập hợp, trao đổi liên kết, hợp tác giúp đỡ nhau giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ yếu trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn hàng; chưa tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề phát triển quan hệ lao động.

Ngoài ra, Bắc Ninh là tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản; có nhiều doanh nghiệp lớn là thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam. Các doanh nghiệp này có thể hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp thành viên trong các vấn đề về quan hệ lao động.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động

Tại cấp tỉnh, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động gôm: Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội và An toàn lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, với 04 công chức; Phòng Quản lý lao động thuộc Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh với 07 công chức. Tại cấp huyện, mỗi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí từ 01 đến 02 biên chế làm công tác lao động, số lượng biên chế hiện tại trong các cơ quan quản lý nhà nước về lao động chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý nhà nước về lao động nói chung và quan hệ lao động nói riêng. Các cán bộ thường xuyên phải thực hiện công tác kiêm nhiệm; không có cán bộ chuyên trách về quan hệ lao động; bên cạnh đó, cán bộ cấp tỉnh còn thực hiện thêm trách nhiệm đối với việc hòa giải tranh chấp lao động, giải quyết định công không theo trình tự thủ tục luật định, mà theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện và hòa giải viên lao động.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phát hành tờ rơi, áp phích... Việc thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động được thực hiện định kỳ hằng năm theo kế hoạch; bình quân mỗi năm, các cơ quan, đơn vị phối hợp thanh tra, kiểm tra về pháp luật lao động tại gần 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, 2021, do tình hình dịch bệnh phức tạp, vì vậy không thực hiện thanh tra, kiểm tra. Số lượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật hằng năm nhìn chung còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về lao động, bước đầu góp phần tạo nền tảng để quan hệ lao động trong doanh nghiệp phát triển.

Nhìn chung, trong lĩnh vực quan hệ lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động mới tập trung vào các hoạt động quản lý hành chính như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động; thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước chưa quan tâm, chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Theo tinh thần của Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban bí thư và Bộ luật Lao động năm 2019 thì ngoài chức năng quản lý hành chính, cơ quan quản lý nhà nước còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ quan hệ lao động như: Hỗ trợ tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp cho các chủ thể quan hệ lao động; trung gian và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các tiến trình đối thoại, thương lượng tập thể; hỗ trợ cung cấp các thông tin, dữ liệu về thị trường lao động như tiền lương, thu nhập và điều kiện làm việc khác để các bên có cơ sở thương lượng; hỗ trợ các bên đối thoại ở cấp tỉnh thông qua các diễn đàn ba bên về quan hệ lao động.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thêm trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức đại diện người lao động (bao gồm cả các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp). Do đó, yêu cầu về khối lượng, chất lượng công việc của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đặc biệt là cấp tỉnh, sẽ tăng lên. Vì vậy, việc củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng nhân sự trong cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động là hết sức cần thiết.

4. Đối thoại, thương lượng tập thể và thỏa ước lao động tập thể

4.1. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Những năm qua, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng công tác thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, coi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là nhiệm vụ và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Một số doanh nghiệp do chưa tìm thấy tiếng nói chung trong quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động chưa đối thoại thực sự dân chủ nên còn xảy ra ngừng việc tập thể. Tổ chức Hội nghị người lao động đôi khi còn mang tính hình thức.

Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan chức năng còn hạn chế, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước, dẫn đến người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

4.2. Đối thoại

Việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được các cấp, các ngành và doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện; trong đó có vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chủ động phối hợp tổ chức đối thoại đạt hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tham mưu tổ chức 03 cuộc đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và một số lãnh đạo các sở, ban, ngành với đại biểu công đoàn cơ sở, công nhân lao động. Các kiến nghị đề xuất, nguyện vọng của người lao động đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh giải đáp và chỉ đạo các cấp chính quyền, ban, ngành giải quyết. Năm 2021, tỉnh cũng đã tổ chức đối thoại giữa các sở, ban, ngành và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong sản xuất kinh doanh. Định kỳ hàng quý một số công đoàn cơ sở các doanh nghiệp có đông người lao động (như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam) đều tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động; thông qua đối thoại nhiều kiến nghị của người lao động được người sử dụng lao động ghi nhận, giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

4.3. Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Trong những năm qua, thỏa ước lao động tập thể của cơ sở đã được ký kết theo trình tự quy định của pháp luật, số lượng thỏa ước lao động tập thể tăng dần qua các năm. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 67% (755/1.120) đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Về chất lượng thỏa ước lao động tập thể: nhiều thỏa ước lao động tập thể có những quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn nhiều thỏa ước lao động tập thể mang tính hình thức, sao chép các quy định của pháp luật, thương lượng không thực chất; có những bản thỏa ước hết hạn không được sửa đổi bổ sung kịp thời, chưa được cụ thể hoá, chưa có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; việc tiến hành tổ chức kiểm điểm, đánh giá định kỳ các nội dung của thỏa ước lao động tập thể 6 tháng, 01 năm về thực hiện cũng còn hạn chế; chất lượng thỏa ước lao động tập thể theo khung tiêu chí chấm điểm của Tổng Liên đoàn loại C, D chiếm 67.57% so với tổng số bản thỏa ước đủ điều kiện phân loại.

5. Giải quyết tranh chấp lao động và đình công

5.1. Tranh chấp lao động, đình công; giải quyết chấp lao động, đình công

Tình hình tranh chấp lao động cá nhân có xu hướng tăng qua các năm. Từ năm 2015 đến năm 2020, có khoảng hơn 300 tranh chấp lao động cá nhân được giải quyết, trong đó chỉ có hơn 30 tranh chấp lao động do hòa giải viên lao động giải quyết, còn lại các tranh chấp lao động chủ yếu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh giải quyết. Các tranh chấp lao động cá nhân chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp FDI, có nội dung liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với vấn đề tranh chấp lao động tập thể, đa số các tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn tỉnh đều bùng phát thành đình công trong khoảng thời gian ngắn mà chưa qua hòa giải theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế nắm bắt các tranh chấp lao động tập thể để có những biện pháp hướng dẫn, hòa giải kịp thời, hạn chế đình công xảy ra.

Từ năm 2016 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh xảy ra 17 cuộc đình công với 8.828 người lao động tham gia (đình công tập trung nhiều vào năm 2017, 2018). Các cuộc đình công trên địa bàn tỉnh đều không theo tình tự thủ tục pháp luật, diễn ra bất ngờ, không báo trước, thời gian kéo dài từ 1 đến 4 ngày và tập trung chủ yếu tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc trong các khu công nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, số lượng các cuộc đình công có xu hướng giảm, tuy nhiên xuất hiện một số cuộc đình công có diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng lôi kéo, kích động và ép buộc đình công. Nguyên nhân xảy ra đình công thường xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc lợi ích, hoặc hỗn hợp với một số lý do sau: thay đổi chế độ tiền lương, tiền thưởng mà không thông báo, thỏa thuận trước với người lao động; không thưởng Tết cho người lao động hoặc chi trả tiền thưởng Tết sau kỳ nghỉ Tết; yêu cầu người lao động làm thêm giờ và trả lương làm thêm giờ không đúng theo quy định của pháp luật; điều kiện lao động, chế độ ăn trưa không đảm bảo; thái độ quản lý của người nước ngoài chưa phù hợp... Các cuộc đình công bắt nguồn từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có xu hướng gia tăng.

Việc giải quyết đình công chủ yếu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, Công đoàn các Khu công nghiệp Bắc Ninh và Công an các cấp thực hiện; vai trò của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc giải quyết đình công theo quy định của pháp luật còn mờ nhạt. Việc tham gia giải quyết kịp thời của các sở, ban, ngành nói trên đã giúp đình công được giải quyết nhanh chóng, doanh nghiệp và người lao động sớm ổn định sản xuất kinh doanh, trật tự an ninh trên địa bàn được đảm bảo. Tuy nhiên việc giải quyết đình công chưa chú trọng đến việc hỗ trợ hai bên thương lượng. Phần lớn các yêu cầu của người lao động đều được đáp ứng và người lao động vẫn được nhận lương trong quá trình đình công không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc này khiến người lao động cho rằng đình công không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật là con đường dễ nhất để đạt được các yêu cầu đối với người sử dụng lao động.

5.2. Hoạt động của Hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động

Từ 2015 đến nay, Bắc Ninh đã bổ nhiệm 47 hòa giải viên lao động[1] và đang trong quá trình bổ nhiệm hòa giải viên lao động cho nhiệm kỳ mới. Nhìn chung, hoạt động của hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả chưa cao. Theo quy định của pháp luật, hòa giải viên lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể; tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động giải quyết tranh chấp của hòa giải viên mới tập trung ở giải quyết các vụ tranh chấp lao động cá nhân và số vụ tham gia giải quyết cũng rất thấp: tính từ năm 2015 đến 2020 chỉ có gần 30 tranh chấp lao động cá nhân được hòa giải viên lao động giải quyết. Hòa giải viên thực hiện hòa giải chủ yếu là cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; hòa giải viên tại một số cơ quan khác như Liên đoàn Lao động cấp huyện, Phòng Tư pháp chưa tham gia nhiều trong việc giải quyết tranh chấp lao động. Theo tinh thần của Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban bí thư, ngoài chức năng hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải viên còn có nhiệm vụ quan trọng đó là hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Với hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động còn thấp như hiện nay, việc phát triển đội ngũ hòa giải đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới là hết sức cần thiết.

Hội đồng trọng tài lao động tỉnh Bắc Ninh được kiện toàn năm 2016 gồm 07 thành viên[2]. Năm 2021, Bắc Ninh đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động nhiệm kỳ 2021-2026 và bổ nhiệm 15 trọng tài viên lao động là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động[3]. Từ khi thành lập và kiện toàn đến nay, Hội đồng trọng tài lao động chưa nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định. Bộ luật Lao động năm 2019 đã có những quy định nhằm nâng cao vai trò của Hội đồng trọng tài lao động như mở rộng thẩm quyền, phạm vi giải quyết tranh chấp lao động; do đó đòi hỏi cao về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng giải quyết của các Trọng tài viên lao động. Vì vậy, đây cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm phát triển trong Đề án.

6. Cơ chế phối hợp ba bên

Cơ chế phối hợp ba bên trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được thiết lập, chủ yếu thông qua việc lấy ý kiến đóng góp của các bên về một số chính sách của nhà nước về lao động; tổ chức hội thảo; hoạt động của Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (hội đồng có sự tham gia của ba bên trong quan hệ lao động). Ngoài ra, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp, người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Bộ luật Lao động và các văn bản liên quan, giải quyết một số khó khăn của công nhân lao động trong các vấn đề về chỗ ở, dịch vụ công cộng.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

- Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nhận thức chung của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và các doanh nghiệp trong tỉnh về quan hệ lao động được nâng cao.

- Việc quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực lao động đã bước đầu tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; giảm thiểu số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động. Các giải pháp về mặt phúc lợi hỗ trợ cho phát triển quan hệ lao động bước đầu phát huy kết quả tích cực, cải thiện vấn đề nhà ở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động ngày càng tốt hơn.

- Công đoàn các cấp đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo sự tin tưởng và thu hút người lao động tham gia hệ thống công đoàn.

- Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể, thành lập bộ phận quan hệ công chúng là cầu nối giữa người sử dụng lao động và tập thể người lao động hoặc đã có doanh nghiệp tham gia chương trình Better Work[4].

- Số lượng người tham gia quan hệ lao động có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tình hình lao động trên địa bàn tỉnh về cơ bản vẫn được bảo đảm duy trì và ổn định. Phần lớn các cuộc đình công được giải quyết nhanh chóng, không để xảy ra những vụ việc lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, chính trị - xã hội.

- Cơ chế phối hợp ba bên bước đầu được thực hiện, phát huy được vai trò của các bên trong việc tham vấn các chính sách pháp luật về lao động.

2. Tồn tại hạn chế

- Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển quan hệ lao động mới chỉ tập trung vào chức năng quản lý nhà nước, chủ yếu là các giải pháp hành chính; chức năng hỗ trợ quan hệ lao động bước đầu đã được thực hiện, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao trong việc điều chỉnh, dẫn dắt, quản lý và thúc đẩy phát triển quan hệ lao động.

- Công tác quản lý nhà nước về lao động như thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc tuân thủ pháp luật của một bộ phận người sử dụng lao động chưa được nghiêm túc. Tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn còn diễn ra như vi phạm về chấm dứt hợp đồng lao động, xử lý kỷ luật lao động, xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, trả lương làm thêm giờ, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và số đoàn viên chưa tương xứng so với tổng số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và người lao động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức công đoàn ở một số nơi, nhất là công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích người lao động trong quan hệ lao động. Hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với công đoàn cơ sở còn nhiều bất cập.

- Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động hoạt động chủ yếu về hỗ trợ xúc tiến thương mại cho những doanh nghiệp, hợp tác xã là thành viên; những vấn đề về quan hệ lao động chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.

- Hoạt động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể chưa tương xứng với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thỏa ước lao động tập thể chưa thực sự là kết quả của quá trình thương lượng của đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động mà thường chịu sự chi phối, tác động bởi yêu cầu của người sử dụng lao động, số lượng doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc còn ít; một số doanh nghiệp thực hiện một cách đối phó, làm giảm hiệu quả của quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Hoạt động của hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động hiệu quả chưa cao. Chưa tận dụng được hết các nguồn lực của hòa giải viên lao động. Chưa có kinh phí hỗ trợ hòa giải viên trong công tác hòa giải.

- Số lượng tranh chấp lao động cá nhân có xu hướng tăng; 100% các cuộc đình công đều không đúng theo trình tự của pháp luật, không do công đoàn lãnh đạo; các cuộc đình công diễn ra bất ngờ, không báo trước khiến doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước bị động trong việc xử lý đình công. Việc giải quyết tranh chấp lao động, xử lý đình công hiện nay chưa đúng thẩm quyền; vai trò của hòa giải viên lao động và Ủy ban nhân dân cấp huyện còn mờ nhạt.

- Cơ chế phối hợp ba bên trong quan hệ lao động còn hạn chế và chưa chặt chẽ. Chủ yếu là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức đại diện tập thể người lao động. Sự tham gia của tổ chức đại diện người sử dụng người lao động trong cơ chế ba bên hiệu quả đạt được chưa cao.

3. Nguyên nhân của những hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan

Tình hình quan hệ lao động của Việt Nam nói chung và của Bắc Ninh nói riêng đang ở trong nền kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa với các đặc trưng cơ bản về quan hệ lao động, đó là: (i) Nhận thức của các chủ thể về quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế còn hạn chế, còn chưa cao và ở mức độ khác nhau; (ii) Công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, thu hút nhiều lao động ngoại tỉnh, lao động trẻ và ít được đào tạo; (iii) Khung khổ pháp lý cho quan hệ lao động đã được hình thành và phát triển nhưng chưa hoàn thiện, chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (iv) Các thiết chế quan hệ lao động chưa phát triển tương xứng với yêu cầu, còn hạn chế về năng lực và cơ chế hoạt động.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ, trong đó có các cấp ủy Đảng và chính quyền về quan hệ lao động và về vai trò của cơ quan nhà nước trong quan hệ lao động còn hạn chế. Các giải pháp về tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cũng như quan hệ lao động chưa phát huy được hiệu quả.

- Vai trò của cơ quan nhà nước và các thiết chế khác trong việc hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể chưa được phát huy. Bộ máy quản lý nhà nước còn có những hạn chế: thiếu về số lượng, thiếu cán bộ chuyên trách quan hệ lao động; cán bộ quản lý nhà nước về lao động chưa được đào tạo bài bản về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ của các cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động chưa thực sự rõ ràng; các giải pháp phát triển quan hệ lao động còn thiên về hành chính nhà nước; thiếu các giải pháp mang tính hỗ trợ, các giải pháp mang tính chiều sâu, dài hạn.

- Cơ chế quản lý, phối hợp giữa cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động với đội ngũ hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chưa được phát huy, nhất là trong hỗ trợ quan hệ lao động và phòng ngừa tranh chấp lao động. Còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với công đoàn, hòa giải viên lao động trong việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm trong lĩnh vực lao động. Chưa đẩy mạnh và có những giải pháp đổi mới trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

- Phương thức hoạt động của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở chậm đổi mới để bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của quan hệ lao động.

- Nguồn lực tài chính, nhân sự cho công tác giải quyết tranh chấp lao động, hỗ trợ quan hệ lao động chưa được quan tâm bố trí đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phần 3

MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. BỐI CẢNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI QUAN HỆ LAO ĐỘNG

1. Bối cảnh

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đang thực hiện những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong quan hệ lao động. Quan hệ lao động ở Việt Nam nói chung, từng địa phương nói riêng phải phù hợp với những nguyên lý cơ bản của quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, phù hợp với những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện.

Nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW nêu rõ chủ trương đảm bảo sự ra đời và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với các nguyên tắc của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Ngày 3/9/2019 Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 80/2019/QH14 về việc gia nhập Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Ngày 20/11/2019 Quốc hội phê chuẩn Bộ luật Lao động năm 2019 với nhiều nội dung đổi mới quan trọng về quan hệ lao động. Trong đó, đặc biệt là cho phép sự ra đời và hoạt động của các tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đổi mới vai trò của cơ quan nhà nước trong quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia (CPTPP, EVFTA) đều có những điều khoản ràng buộc chặt về quan hệ lao động kèm theo cơ chế thúc đẩy, giám sát thực thi. Những cam kết quốc tế về quan hệ lao động phải được đảm bảo trong cả luật pháp và thực tiễn. Do vậy, từng địa phương phải có trách nhiệm xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quan hệ lao động phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam.

Trong những năm qua, Bắc Ninh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh vượt bậc, thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác vào làm việc trong các khu công nghiệp tập trung. Trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong hệ thống cung ứng của Công ty TNHH Samsung Electronics (Việt Nam), Công ty TNHH Canon Việt Nam và Tập đoàn KHKT Hồng Hải. Đây là những nhãn hàng lớn có vai trò và ảnh hưởng đến quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 dự kiến sẽ có tác động mạnh đến ngành kinh tế động lực của tỉnh, qua đó tác động đến thị trường lao động, quan hệ lao động.

2. Những vấn đề đặt ra đối với quan hệ lao động

Giai đoạn 2021 - 2025 là giai đoạn quan trọng, có tính bản lề trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới về quan hệ lao động. Sự phát triển quan hệ lao động trong giai đoạn này tác động sâu sắc đến quan hệ lao động, an ninh trật tự và kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo. Cụ thể:

Một là, quá trình triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 với sự ra đời của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu mới về quản lý, hỗ trợ để các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng pháp luật. Khi tổ chức được thành lập và hoạt động sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm quản lý. Nhà nước cần có biện pháp để chủ động hỗ trợ tổ chức này ngay từ khi mới thành lập và hoạt động.

Hai là, năng lực quản lý và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện còn nhiều hạn chế. Việc triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 và Chỉ thị số 37-CT/TW đặt ra nhiều nhiệm vụ mới về quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động, nếu không nhanh chóng đổi mới, kiện toàn thì khó đáp ứng được yêu cầu phát triển quan hệ lao động.

Ba là, có nhiều thay đổi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Về thương lượng tập thể: Điều 74, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thương lượng tập thể (tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên thương lượng tập thể, xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, thị trường lao động... Về giải quyết tranh chấp lao động: Điều 181, Bộ luật Lao động năm 2019 giao các cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Bốn là, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước số 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể theo Nghị quyết số 80/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra những yêu cầu về phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam cũng như vai trò của nhà nước trong quan hệ lao động cần có sự đổi mới và phù hợp với những tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Nhằm thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất, nhà nước phải hỗ trợ để đảm bảo điều kiện thuận lợi để quá trình thương lượng tập thể diễn ra. Ngoài ra, nhà nước phải hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các bên trong quá trình thương lượng và việc thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất sẽ được giám sát, hỗ trợ bởi ILO và các hiệp định thương mại. Nếu không làm tốt thì sẽ gây ảnh hưởng tới uy tín quốc gia và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện các giải pháp phát triển quan hệ lao động. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan quản lý nhà nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ, tổ chức đại diện NSDLĐ trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

- Phát triển quan hệ lao động phải giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp nên kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025 cơ bản xây dựng và đi vào vận hành hệ thống quan hệ lao động mới phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà Việt Nam đã cam kết đảm bảo sự tiến bộ, hài hòa và ổn định; đảm bảo những quyền của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các Khu công nghiệp, mỗi cơ quan bố trí cán bộ phụ trách về quan hệ lao động. 100% cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.

- Hoàn thành phân công và tổ chức thực hiện chức năng đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động; đảm bảo các cơ chế tiếp nhận, phân công và hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện hiệu quả.

- Hoàn thành việc thí điểm lập hồ sơ theo dõi, quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tranh chấp lao động tập thể.

- 100% tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi có yêu cầu được hướng dẫn thành lập, đăng ký thành lập, được hỗ trợ đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

- Kết nạp được 40.000 đoàn viên Công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức Công đoàn.

- 80% cán bộ ban chấp hành, ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quan hệ lao động khi được bầu vào ban chấp hành, ban lãnh đạo.

- Phấn đấu 80% doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 85% bản thỏa ước lao động tập thể có điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

- Hoàn thành việc xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập, các điều kiện lao động và thông tin kinh tế xã hội khác nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể.

- Hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động, đảm bảo 100% trọng tài viên lao động được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động.

- Củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động đảm bảo 100% hòa giải viên lao động được đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt đồng thời hai chức năng hỗ trợ quan hệ lao động và hòa giải tranh chấp lao động.

III. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN QUAN HỆ LAO ĐỘNG

Đề án đề xuất 6 nhóm giải pháp để phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2021-2025 như sau:

1. Nhóm giải pháp 1: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của Cơ quan nhà nước

(1) Hoạt động 1.1: Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện và bố trí cán bộ phụ trách thực hiện chức năng quản lý các tổ chức đại diện của người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh.

a. Mục đích: Củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước đảm bảo thực hiện hiệu quả vai trò quản lý và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động

b. Nội dung:

- Củng cố tổ chức bộ máy, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, phân công, phân cấp giữa các bộ phận làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về quan hệ lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phù hợp với yêu cầu mới của Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể: (i) Rà soát, bổ sung, sửa đổi chức năng nhiệm vụ các bộ phận quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện; (ii) Xác định vị trí việc làm, quyền hạn và trách nhiệm của cán bộ phụ trách về quản lý các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và quản lý hỗ trợ quan hệ lao động trong cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh; (iii) Phân công, tổ chức đầu mối để tiếp nhận hồ sơ, cấp đăng ký và tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ của các tổ chức của người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn; (iv) Phân công, tổ chức đầu mối để tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gắn với bộ phận thường trực của Hội đồng trọng tài lao động và bộ phận điều phối hòa giải viên lao động đảm bảo phát hiện và can thiệp sớm các tranh chấp lao động tập thể khi mới phát sinh.

- Tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện Đề án.

- Thiết lập cơ chế quản lý, điều phối hiệu quả giữa cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quan hệ lao động với hòa giải viên lao động. Phân công trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ quan hệ lao động doanh nghiệp, hỗ trợ tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cho từng hòa giải viên lao động. Xây dựng và thực hiện quy chế tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ và phân công, theo dõi hòa giải viên lao động hỗ trợ các bên trong tổ chức đối thoại và thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Xây dựng chế độ đãi ngộ xứng đáng cho hòa giải viên lao động.

- Thí điểm xây dựng hồ sơ theo dõi, quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tranh chấp lao động tập thể phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

(2) Hoạt động 1.2: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động theo một chương trình tổng thể, thống nhất phù hợp với yêu cầu mới về quan hệ lao động.

a. Mục đích: Đảm bảo cán bộ quản lý nhả nước đủ năng lực thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ quản lý và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo các yêu cầu mới.

b. Nội dung:

- Xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với yêu cầu mới bao gồm: kiến thức về quan hệ lao động; kiến thức pháp luật lao động; kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động; quản lý tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

- Xây dựng cẩm nang dành cho cán bộ quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động, pháp luật lao động, nghiệp vụ quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động; quản lý tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

(3) Hoạt động 1.3: Tăng cường năng lực, đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra về lao động theo hướng tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

a. Mục đích: Giảm thiểu vi phạm về pháp luật lao động trong doanh nghiệp.

b. Nội dung:

- Tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra, kiểm tra lao động.

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật lao động trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và tập trung vào các nội dung thường dẫn đến tranh chấp lao động.

- Xây dựng và thực hiện giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa cán bộ phụ trách quản lý quan hệ lao động, thanh tra lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nhằm tăng cường nắm bắt thông tin, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về lĩnh vực lao động.

(4) Hoạt động 1.4: Tăng cường quản lý và hỗ trợ quá trình thành lập, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

a. Mục đích: Đảm bảo các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động thuận lợi, lành mạnh, đúng chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích theo quy định của pháp luật.

b. Nội dung:

- Lập hồ sơ và thông tin dữ liệu về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ trong quan hệ lao động.

- Thiết lập hệ thống hòa giải viên làm nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức của người lao động có đông thành viên để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khi có yêu cầu.

- Tổ chức tập huấn xây dựng năng lực cho hòa giải viên lao động trong việc theo dõi, hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ lãnh đạo của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, bao gồm: chương trình đào tạo cho cán bộ mới được bầu vào ban lãnh đạo và chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức và nâng cao năng lực cho cán bộ đương nhiệm.

- Tổ chức tập huấn về pháp luật lao động, quan hệ lao động cho các cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp và tham gia hỗ trợ quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Công an trong việc theo dõi, hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị xã hội, an ninh trật tự.

(5) Hoạt động 1.5: Tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và người sử dụng lao động về pháp luật lao động và quan hệ lao động.

a. Mục đích: Nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, quan hệ lao động trong bối cảnh mới cho người lao động, tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động, từ đó xác lập thái độ và hành vi tích cực trong quan hệ lao động tại nơi làm việc.

b. Nội dung:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và những người làm về quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh về pháp luật lao động và về quan hệ lao động trong bối cảnh mới.

- Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, quan hệ lao động cho các bên trong quan hệ lao động.

- Xây dựng và vận hành các kênh thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội để chia sẻ và nắm bắt thông tin về pháp luật lao động, quan hệ lao động.

2. Nhóm giải pháp 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

(6) Hoạt động 2.1: Đổi mới hoạt động và nâng cao vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động.

a. Mục đích: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phát huy tốt nhất vai trò chỉ đạo và hỗ trợ các tổ chức công đoàn cơ sở trong thu hút đoàn viên, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

b. Nội dung:

- Ban hành nghị quyết về công tác cán bộ để thống nhất nhận thức và hành động, cụ thể hóa các quy định của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm.

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn theo hướng toàn diện, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo các lĩnh vực hoạt động công đoàn. Nội dung đào tạo theo vị trí việc làm, theo chức danh công việc, chú trọng bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

- Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hỗ trợ Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp như: hỗ trợ, thúc đẩy công đoàn cơ sở trong đối thoại, tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở bởi các hành vi phân biệt đối xử, can thiệp thao túng.

(7) Hoạt động 2.2: Đẩy mạnh việc thu hút đoàn viên công đoàn theo hướng đa dạng hóa cách tiếp cận để vận động thành lập công đoàn cơ sở, bảo đảm sự tham gia thực chất và tích cực của người lao động và không có sự can thiệp, thao túng của người sử dụng lao động.

a. Mục đích: Thu hút đoàn viên, nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

b. Nội dung:

- Nghiên cứu, đổi mới và triển khai tích cực các biện pháp tiếp cận, tuyên truyền vận động trực tiếp người lao động tham gia công đoàn bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền ở khu nhà trọ, tờ rơi, tổ chức các diễn đàn, vận động người lao động thành lập công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật lao động, quan hệ lao động và công đoàn cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch vận động, thu hút các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để các tổ chức này gia nhập hệ thống Công đoàn Việt Nam.

- Tổ chức các hoạt động tọa đàm chia sẻ kỹ năng sống, làm việc và tác phong lao động cho công nhân lao động nhất là những người lao động làm công việc giản đơn, từ đó nâng cao nhận thức và vận động người lao động sống, làm việc theo pháp luật và tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.

(8) Hoạt động 2.3: Phát triển năng lực và tăng cường bảo vệ đối với cán bộ công đoàn cơ sở.

a. Mục đích: Đảm bảo cán bộ công đoàn cơ sở đủ năng lực và thực hiện đúng chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động theo quy định của pháp luật.

b. Nội dung:

- Tổ chức đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở về kiến thức pháp luật lao động, quan hệ lao động, kỹ năng vận động, tập hợp người lao động, kỹ năng đàm phán, thương lượng.

- Nghiên cứu để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cán bộ công đoàn không chuyên trách khi đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bảo vệ tổ chức công đoàn cơ sở khỏi sự chi phối, thao túng và phân biệt đối xử của người sử dụng lao động.

3. Nhóm giải pháp 3: Thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể

(9) Hoạt động 3.1: Xây dựng, phát triển năng lực và hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp.

a. Mục đích: Đảm bảo các tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động có đủ năng lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể.

b. Nội dung:

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người sử dụng lao động.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, cẩm nang về đối thoại, thương lượng cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người sử dụng lao động.

- Thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng mô hình hòa giải viên lao động, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động làm trung gian, hỗ trợ kỹ thuật cho các tiến trình đối thoại, thương lượng tập thể trong các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

- Tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Công đoàn (cấp trên cơ sở) thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thành viên tham gia đối thoại, thương lượng tập thể.

(10) Hoạt động 3.2: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác tại một số nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể.

a. Mục đích: Cung cấp sự hỗ trợ về mặt thông tin để các bên có cơ sở tham chiếu trong đối thoại, thương lượng và xác định tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động cụ thể phù hợp với mặt bằng khu vực và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp.

b. Nội dung:

- Tổ chức nghiên cứu, thu thập và tổng hợp thông tin về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác ở một số nhóm doanh nghiệp trên địa bàn.

- Định kỳ công bố thông tin, số liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động trung bình ở một số nhóm doanh nghiệp làm cơ sở cho các bên tham khảo trong quá trình đối thoại và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

(11) Hoạt động 3.3: Vận động, triển khai việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.

a. Mục đích: Xác lập mặt bằng tối thiểu chung về tiền lương, thu nhập và điều kiện làm việc trong một số nhóm doanh nghiệp cùng ngành và đảm bảo sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn tỉnh.

b. Nội dung:

- Vận động các doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn tỉnh tham gia thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia. Trước mắt, tập trung vào các doanh nghiệp trong ngành điện tử và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu của các bên thương lượng để hỗ trợ các bên thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

4. Nhóm giải pháp 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động

(12) Hoạt động 4.1: Kiện toàn tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động đáp ứng yêu cầu mới.

a. Mục đích: Đảm bảo thiết chế hòa giải viên lao động tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp trong thực hiện cả hai vai trò hỗ trợ phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động.

b. Nội dung:

- Kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động đáp ứng được yêu cầu mới. Xây dựng quy chế hoạt động của hòa giải viên lao động. Bảo đảm việc đãi ngộ cũng như điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động.

- Xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động trong hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động theo yêu cầu mới.

- Nghiên cứu và thực hiện giải pháp để hướng các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân từ cơ chế khiếu nại, hành chính sang cơ chế hòa giải tranh chấp lao động cá nhân theo quy định pháp luật.

- Nghiên cứu, thí điểm mô hình nhóm hòa giải viên lao động tham gia hỗ trợ giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động sau đình công.

(13) Hoạt động 4.2: Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động theo yêu cầu, nhiệm vụ mới

a. Mục đích: Đảm bảo Hội đồng trọng tài lao động, các Ban trọng tài và trọng tài viên lao động thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tài và tham gia hỗ trợ quan hệ lao động.

b. Nội dung:

- Kiện toàn tổ chức Hội đồng trọng tài lao động tỉnh. Xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động. Xây dựng cơ chế để trọng tài viên lao động cùng với hòa giải viên lao động tham gia hỗ trợ quan hệ lao động tại doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, nắm tình hình và hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp xảy ra đình công không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Bảo đảm việc đãi ngộ cũng như điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động.

- Tổ chức tập huấn về pháp luật lao động, nghiệp vụ trọng tài, giải quyết tranh chấp lao động, hỗ trợ quan hệ lao động cho các trọng tài viên lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

5. Nhóm giải pháp 5: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

(14) Hoạt động 5: Đẩy mạnh chương trình xây dựng thiết chế công đoàn nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

a. Mục đích: Giảm thiểu áp lực về chỗ ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần để người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

b. Nội dung:

- Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trong các nhà máy, các khu công nghiệp: thư viện, bể bơi, nhà luyện tập thể thao đa năng, sân thể thao ngoài trời.

- Vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) đối với người lao động thông qua việc tăng cường chế độ phúc lợi cho người lao động và tham gia vào các chương trình phúc lợi do cơ quan tổ chức khác phát động và tổ chức.

6. Nhóm giải pháp 6: Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế ba bên trong quan hệ lao động

(15) Hoạt động 6: Tăng cường cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động.

a. Mục đích: Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả sự phối hợp, tham vấn và chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

b. Nội dung:

- Xây dựng quy chế phối hợp, tham vấn chính sách, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động, quan hệ lao động ở địa phương.

- Định kỳ tổ chức các diễn đàn quan hệ lao động ba bên cấp tỉnh

Phần 4

KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí: Nguồn Ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động, đóng góp hợp pháp khác.

2. Kinh phí thực hiện Đề án: Hằng năm, các sở, ban ngành, địa phương và đơn vị có liên quan chủ động xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án gửi về Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Phần 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1.1. Là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án.

1.2. Hàng năm, căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án hằng năm.

1.3. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện các giải pháp của Đề án; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả hoạt động triển khai thực hiện Đề án với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1.4. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết sau khi kết thúc mỗi giai đoạn triển khai thực hiện Đề án.

2. Liên đoàn Lao động tỉnh

2.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai thực hiện các giải pháp của Đề án, cụ thể: Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho công đoàn cơ sở; Hỗ trợ, thúc đẩy tổ chức, thành viên trong hệ thống công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động theo đúng trình tự, thủ tục, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong việc thực hiện các giải pháp còn lại của Đề án.

2.2. Hàng năm, căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch của Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án hằng năm.

2.3. Triển khai, phân công nhiệm vụ thực hiện các giải pháp của Đề án tới các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh.

2.4. Định kỳ hàng năm tiến hành đánh giá kết quả hoạt động triển khai thực hiện Đề án, gửi báo cáo cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

3. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh

3.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện các giải pháp của Đề án, cụ thể: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan nhà nước đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; Hỗ trợ các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể trong các khu công nghiệp; Phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong việc thực hiện các giải pháp còn lại của Đề án.

3.2. Hàng năm, căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch của Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh trong việc triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án hằng năm.

3.3. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả hoạt động triển khai Đề án tới Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản

4.1. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện giải pháp của Đề án về tăng cường cơ chế ba bên trong quan hệ lao động. Thúc đẩy thành viên của tổ chức trong việc đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động theo đúng trình tự, thủ tục, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong việc thực hiện các giải pháp còn lại của Đề án.

4.2. Xây dựng kế hoạch hằng năm của đơn vị trong việc triển khai thực hiện Đề án.

4.3. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả hoạt động triển khai Đề án tới Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương hằng năm, rà soát các nội dung hoạt động theo chế độ quy định hiện hành, tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Đề án; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định.

6. Công an tỉnh: Đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đảm bảo an ninh trật tự tại các doanh nghiệp xảy ra đình công đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo pháp luật các phần tử xúi giục, kích động người lao động đình công trái pháp luật, chống người thi hành công vụ hoặc ngăn cản người lao động vào làm việc, gây mất trật tự công cộng.

Chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành Công an trong việc theo dõi, hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị xã hội, an ninh trật tự.

7. Các sở, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Đề án. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện, phối hợp thực hiện các hoạt động đề ra trong kế hoạch của địa phương phù hợp Đề án khi triển khai trên địa bàn. Bảo đảm bố trí các nguồn lực theo quy định để thực hiện có hiệu quả Đề án tại địa phương.

8. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Chủ động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong việc thực hiện các giải pháp của Đề án.

9. Đề nghị các Cơ quan Trung ương

9.1. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn đối với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan của tỉnh Bắc Ninh về các nội dung trong quan hệ lao động tại địa phương.

- Hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Ninh triển khai Đề án này, trong đó đề nghị tập trung vào một số hoạt động: Hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; Hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình triển khai Đề án; Hỗ trợ, đào tạo cho bộ máy chuyên môn về quan hệ lao động; Tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án; Thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật khác theo yêu cầu...

9.2. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn đối với Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh trong việc tổ chức triển khai các nội dung nêu tại Đề án này thuộc chức năng của Công đoàn.

 

PHỤ LỤC

LỘ TRÌNH, CƠ QUAN THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ ÁN
(Kèm theo Đề án "Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025)

Stt

Hoạt động

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

1

NHÓM GIẢI PHÁP 1: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan nhà nước

 

1.1. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện và bố trí cán bộ phụ trách trong cơ quan qun lý nhà nước ở cấp tỉnh để thực hiện chức năng quản lý các tổ chức đại diện của người tao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động

Củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019

UBND Tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Sở Nội vụ; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

2022

Tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện Đề án

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; LĐLĐ tỉnh.

2022-2023

Tổ chức sơ kết Đề án

UBND Tnh

Sở LĐ-TB&XH; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn lao động tỉnh

2023

Tổ chức tổng kết Đề án

UBND Tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn lao động tỉnh

2025

Xây dựng quy chế quản lý, điều phối, đãi ngộ hòa giải viên lao động trong hỗ trợ quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động

Sở LĐ-TB&XH; Sở Nội vụ

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2022

Xây dựng kinh phí đãi ngộ HGVLĐ, TTVLĐ trong giải quyết tranh chấp, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Sở LĐTBXH, UBND các huyện, thị xã, thành phố

 

Hằng năm

Thí điểm xây dựng hồ sơ theo dõi, quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, doanh nghiệp có nguy cơ cao về tranh chấp lao động tập thể

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hòa giải viên lao động

2021-2025

1.2. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động theo một chương trình tổng thể, thống nhất phù hợp với yêu cầu mới về quan hệ lao động.

Xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch tổng thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động cấp tỉnh, huyện phù hợp với yêu cầu mới

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021-2025

Xây dựng cẩm nang dành cho cán bộ quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2022-2023

Tổ chức lập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

Tổ chức hằng năm từ 2021 - 2025

1.3. Tăng cường năng lực, đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra về lao động theo hướng tăng cường sự kết nối giữa cơ quan cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Tăng cường năng lực và đội ngũ thanh tra, kiểm tra lao động.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; UBND huyn/thị xã/thành phố

2021-2025

Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật lao động trong các doanh nghiệp

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021-2025

Xây dựng và thực hiện giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa cán bộ phụ trách quản lý quan hệ lao động, thanh tra lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; UBND huyện/thị xã/thành phố; Hòa giải viên lao động

2021-2025

1.4. Tăng cường quản lý và hỗ trợ quá trình thành lập, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Lập hồ sơ và thông tin dữ liệu về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ trong quan hệ lao động

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh

2022-2025

Thiết lập hệ thống hòa giải viên làm nhiệm vụ thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức của người lao động có đông thành viên để thực hiện các hoạt động hỗ trợ khi có yêu cầu.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, LĐLĐ tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố

2021-2025

Tổ chức tập huấn xây dựng năng lực cho hòa giải viên lao động trong việc theo dõi, hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Tổ chức tập huấn hàng năm, từ 2021- 2025

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn tăng cường năng lực cho cán bộ lãnh đạo của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Tổ chức tập huấn hàng năm, từ 2021

Tổ chức tập huấn về pháp luật lao động, quan hệ lao động cho các cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp và tham gia hỗ trợ quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Tổ chức tập huấn hàng năm, từ 2021- 2025

Xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và ngành công an trong việc theo dõi, hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong phạm vi quan hệ lao động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị xã hội, an ninh trật tự.

Công an tỉnh

Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan, đơn vị liên quan

2022

1.5. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và người sử dụng lao động về pháp luật lao động và quan hệ lao động

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và những người làm về quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh về pháp luật lao động và về quan hệ lao động trong bối cảnh mới

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh

Tổ chức tập huấn hàng năm, từ 2021 - 2025

Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, quan hệ lao động cho các bên trong quan hệ lao động.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh

2021-2025

Xây dựng và vận hành các kênh thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội để chia sẻ và nắm bắt thông tin về pháp luật lao động, quan hệ lao động.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Sở LĐ-TB&XH; Liên đoàn Lao động tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông

Hàng năm từ 2021-2025

2

NHÓM GIẢI PHÁP 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

 

2.1. Đổi mới hoạt động và nâng cao vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động

Ban hành nghị quyết về công tác cán bộ để thống nhất nhận thức và hành động, cụ thể hóa các quy định của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

2021-2023

Xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn theo hướng toàn diện, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo các lĩnh vực hoạt động công đoàn. Nội dung đào tạo theo vị trí việc làm, theo chức danh công việc, chú trọng bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Liên đoàn Lao động tỉnh

Công đoàn cấp trên cơ sở

2021-2025

Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, hỗ trợ Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp, như: hỗ trợ, thúc đẩy công đoàn cơ sở trong đối thoại, tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở bởi các hành vi phân biệt đối xử, can thiệp thao túng

Liên đoàn Lao động tỉnh

Công đoàn cấp trên cơ sở

2021-2025

2.2. Đẩy mạnh việc thu hút đoàn viên công đoàn theo hướng đa dạng hóa cách tiếp cận để vận động thành lập công đoàn cơ sở, bảo đảm sự tham gia thực chất và tích cực của người lao động và không có sự can thiệp, thao túng của người sử dụng lao động

Nghiên cứu, đổi mới và triển khai tích cực các biện pháp tiếp cận, tuyên truyền vận động trực tiếp người lao động tham gia công đoàn bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền ở khu nhà trọ, tờ rơi, tổ chức các diễn đàn, vận động người lao động thành lập công đoàn theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Liên đoàn Lao động tỉnh

Công đoàn cấp trên cơ sở

Từ 2021

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

2021-2025

Xây dựng chương trình, kế hoạch vận động, thu hút các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để các tổ chức này gia nhập hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

Từ 2021

Tổ chức các hoạt động tọa đàm, chia sẻ kỹ năng sống, làm việc và tác phong lao động cho công nhân lao động nhất là những lao động làm công việc giản đơn, từ đó nâng cao nhận thức và vận động người lao động sống, làm việc theo pháp luật và tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

2021-2025

2.3. Phát triển năng lực và tăng cường bảo vệ đối với cán bộ công đoàn cơ sở

Tổ chức đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở về kiến thức pháp luật lao động, quan hệ lao động, kỹ năng vận động, tập hợp người lao động, kỹ năng đàm phán, thương lượng

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

2021-2025

Nghiên cứu để có biện pháp hữu hiệu bảo vệ cán bộ công đoàn không chuyên trách khi đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Bảo vệ tổ chức công đoàn cơ sở khỏi sự chi phối, thao túng và phân biệt đối xử của người sử dụng lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh

Các cấp công đoàn trong tỉnh

 

3

NHÓM GIẢI PHÁP 3: Thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể

 

3.1: Xây dựng, phát triển năng lực và hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người sử dụng lao động.

Sở LĐ-TB&XH; LĐLĐ tỉnh

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Tổ chức tập huấn hàng năm, từ 2021- 2025

Xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, cẩm nang về đối thoại, thương lượng cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, người sử dụng lao động.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh

2021-2025

Thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng mô hình hòa giải viên lao động, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động trực tiếp làm trung gian, hỗ trợ kỹ thuật cho các tiến trình đối thoại, thương lượng tập thể tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021-2025

Tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Công đoàn (cấp trên cơ sở) thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thành viên tham gia đối thoại, thương lượng tập thể

LĐLĐ các cấp; HH DN nhỏ và vừa tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Hiệp hội DN Hàn Quốc, Hiệp hội DN Nhật Bản

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, công đoàn cơ sở

2021-2025

3.2: Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác tại một số nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể

Tổ chức nghiên cứu, thu thập và tổng hợp thông tin về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác ở một số nhóm doanh nghiệp trên địa bàn các KCN.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Sở LĐ-TB&XH; Liên đoàn Lao động tỉnh; Cục Thống kê

2021-2025

Định kỳ công bố thông tin, số liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động trung bình ở một số nhóm doanh nghiệp trong các KCN làm cơ sở cho các bên tham khảo trong quá trình đối thoại và thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Sở LĐ-TB&XH; Liên đoàn Lao động tỉnh; Cục Thống kê

2021-2025

3.3: Vận động, triển khai việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia

Vận động các doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn tỉnh tham gia thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh

Sở LĐ-TB&XH; Liên đoàn Lao động tỉnh

2021-2025

Thành lập Hội đồng thương lượng tập thể khi có yêu cầu của các bên thương lượng để hỗ trợ các bên thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh

2021-2025

4

NHÓM GIẢI PHÁP 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động

 

4.1: Kiện toàn tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động đáp ứng yêu cầu mới

Kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động đáp ứng được yêu cầu mới. Xây dựng quy chế hoạt động của hòa giải viên lao động. Bảo đảm việc đãi ngộ cũng như điều kiện hoạt động của hòa giải viên lao động.

Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/tp

2021-2022

Xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ cho hòa giải viên lao động trong hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; LĐLĐ tỉnh

2021 -2025

Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động theo yêu cầu mới

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

Tổ chức hàng năm. Từ 2021-2025

Nghiên cứu và thực hiện giải pháp để hướng các yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân từ cơ chế khiếu nại, hành chính sang cơ chế hòa giải tranh chấp lao động cá nhân theo quy định pháp luật

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021 -2025

Nghiên cứu, thí điểm mô hình nhóm hòa giải viên lao động tham gia hỗ trợ giải quyết đình công không đúng trình tự, thủ tục và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động sau đình công

S LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021 -2025

4.2: Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động theo yêu cầu, nhiệm vụ mới

Kiện toàn tổ chức Hội đồng trọng tài lao động tỉnh. Xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động. Xây dựng cơ chế để trọng tài viên lao động cùng với hòa giải viên lao động tham gia hỗ trợ quan hệ lao động tại doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, nắm tình hình và hỗ trợ các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp xảy ra đình công không đúng trình tự, thủ tục của pháp luật. Bảo đảm việc đãi ngộ cũng như điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động

Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021

Tổ chức tập huấn về pháp luật lao động, nghiệp vụ trọng tài, giải quyết tranh chấp lao động, hỗ trợ quan hệ lao động cho các trọng tài viên lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; UBND huyện/thị xã/thành phố

2021-2025

5

NHÓM GIẢI PHÁP 5: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

 

5. Đẩy mạnh chương trình Xây dựng thiết chế công đoàn nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao trong các nhà máy, các khu công nghiệp

Ủy ban nhân dân tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Sở Nội vụ; Sở Tài chính; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; LĐLĐ tỉnh

 

Vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) đối với người lao động thông qua việc tăng cường chế độ phúc lợi cho người lao động và tham gia vào các chương trình phúc lợi do cơ quan tổ chức khác phát động và tổ chức

Liên đoàn Lao động tỉnh

Sở LĐ-TB&XH; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh;

 

6

NHÓM GIẢI PHÁP 6: Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế ba bên trong quan hệ lao động

 

6. Tăng cường cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động

Xây dựng quy chế phối hợp, tham vấn chính sách, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động, quan hệ lao động ở địa phương

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Tổ chức đại diện NSDLĐ

2021

Định kỳ tổ chức các diễn đàn quan hệ lao động ba bên cấp tỉnh

Sở LĐ-TB&XH

Ban quản lý các KCN Bắc Ninh; Liên đoàn Lao động tỉnh; Tổ chức đại diện NSDLĐ

Tổ chức hàng năm

 



[1] Theo các Quyết định: Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 12/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 11/04/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

[2] Theo Quyết định số 1576/QĐ-UBND ngày 22/11/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

[3] Theo Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 15/4/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân n tnh Bc Ninh

[4] Better Work Vietnam được thành lập năm 2009, là chương trình hợp tác đặc biệt giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG). Chương trình kết nối người lao động, doanh nghiệp và các đơn vị Chính phủ với nhau nhằm mục đích cải thiện điều kiện lao động và thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành may mặc.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 395/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 phê duyệt Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


818

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.195.180
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!