UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
35/2003/QĐ-UBBT
|
Phan
Thiết, ngày 16 tháng 5 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
XÃ HỘI HÓA TRÊN LĨNH VỰC ĐÀO TẠO NGHỀ.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa IX, kỳ hop thứ 5 thông qua ngày
21/06/1994;
- Căn cứ Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/08/1997của Chính phủ về phương hướng và
chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.
- Căn cứ Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/08/1999 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế,
văn hóa, thể thao.
- Xét đề nghị của Liên Sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính - Vật
giá tại Tờ trình số 12/LTTCVG-LĐ-TBXH ngày 28/4/2003 về việc ban hành một số
chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này "Bản Quy định một số
Chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa trên lĩnh vực đào tạo nghề"
tỉnh Bình Thuận, bao gồm:
1. Chính sách đối với cơ sở dạy
nghề ngoài công lập.
2. Chính sách đối với người học
nghề
3. Chính sách đối với người dạy
nghề
Điều 2.
Giao cho Sở Tài chính - Vật giá chủ trì, phối hợp với Sở
Lao động -Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh và các cơ
quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng HĐND&UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tài
chính - Vật giá, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Ngân
hành chính sách xã hội Tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- Bộ Tư pháp
- TT Tỉnh ủy (b/c)
- TT HĐND Tỉnh (b/c)
- Các Sở, ban, ngành tỉnh
- Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập
- UBND các huyện, thành phố
- Lưu: VP, VX, PPLT
|
TM.
UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH
Huỳnh Tấn Thành
|
BẢN QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HÓA TRÊN
LĨNH VỰC ĐÀO TẠO NGHỀ
(kèm theo Quyết định số: 35/2003/QĐ-UBBT ngày 16 tháng 5 năm 2003 của UBND tỉnh
Bình Thuận)
Thực hiện Nghị quyết số 90/NQ-CP
ngày 21/08/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt
động giáo dục, y tế, văn hóa và Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/08/1999 của
Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong
lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, căn cứ vào tình hình thực tế của địa
phương, UBND Tỉnh quy định một số Chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa
trên lĩnh vực đào tạo nghề như sau:
Chương I
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CƠ SỞ
DẠY NGHỀ NGOÀI CÔNG LẬP
Điều 1.
Chính sách cho thuê nhà, cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu nhà nước và thuê đất để xây
dựng cơ sở dạy nghề:
1. Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở dạy nghề được thành lập
theo quy định của Nhà nước bao gồm: Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề, lớp dạy
nghề thuộc các loại hình bán công, dân lập, tư thục sau đây gọi chung là cơ sở
dạy nghề ngoài công lập; các cơ sở dạy nghề công lập bao gồm: Trường Dạy nghề,
Trung tâm dạy nghề được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển một phần hoặc toàn
bộ sang cơ sở dạy nghề bán công.
2. Các cơ sở dạy nghề quy định tại
khoản 1 Điều này được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu Nhà nước, được
Nhà nước giao đất không thu tiền để xây dựng cơ sở dạy nghề. Đối với cơ sở dạy
nghề đang trả tiền thuê đất cho Nhà nước thì được miễn nộp tiền thuế từ ngày
1/1/2000.
3. Các cơ sở dạy nghề công lập
được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển một phần hoặc toàn bộ sang cơ sở dạy
nghề bán công thì cơ sở dạy nghề bán công được tiếp tục quản lý phần tài sản do
Nhà nước đã đầu tư (kể cả đất đai và tài sản trên đất) trên cơ sở kiểm kê, đánh
giá lại theo thời giá và xác định đó là phần vốn góp của Nhà nước.
4. Điều kiện hưởng chính sách ưu
đãi:
Để được xét hưởng chính sách ưu
đãi về thuê nhà, cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu Nhà nước hoặc thuê đất với tỷ lệ bằng
0%, các cơ sở dạy nghề phải lập đủ các thủ tục sau đây:
4.1. Quyết định thành lập và giấy
đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định của Nhà nước.
4.2. Công văn đề nghị thuê nhà,
cơ sở hạ tầng hoặc đề nghị thuê đất (đối với nơi còn quỹ đất) gồm những nội
dung chính như sau: Họ và tên, địa chỉ, dự kiến địa điểm, thời gian xin thuê và
các cam kết về sử dụng nhà, đất, cơ sở hạ tầng đúng mục đích.
Điều 2.
Chính sách tài trợ lại thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Các cơ sở dạy nghề ngoài công
lập thực hiện việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số
73/1999/NĐ-CP ngày 10/8/1999 của Chính phủ sau đó được ngân sách nhà nước tài
trợ lại thuế thu nhập doanh nghiệp theo nguyên tắc:
1.1. Số thuế được tài trợ lại tối
đa bằng số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước tương ứng với thời gian được giảm
theo quy định tại Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 10/8/1999 của Chính phủ.
1.2. Căn cứ vào số thuế quyết
toán của năm trước liền kề, Sở Tài Chính - Vật giá xem xét cấp lại trực tiếp
cho cơ sở dạy nghề số thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước.
2. Điều kiện, thủ tục xét tài trợ
lại thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở dạy nghề thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 18/2000/TT-BTC ngày 1/3/2000 của Bộ Tài chính.
Điều 3.
Chính sách cho vay vốn để mua sắm trang thiết bị dạy nghề.
1. Các cơ sở dạy nghề ngoài công
lập, được vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm để mua sắm trang thiết bị dạy
nghề với lãi suất ưu đãi do Nhà nước quy định (hiện nay là 0,5%/tháng). Mức vay
tối đa cho mỗi dự án là 200.000.000 đồng ( hai trăm triệu đồng) . Thời hạn vay
tối đa là 5 năm (60 tháng). Trong năm đầu tiên cơ sở dạy nghề được miễn trả vốn
gốc và lãi. Kể từ năm thứ hai trở đi, hàng năm thanh toán nợ bằng 25% tổng mức
vốn vay (kể cả lãi). Quá thời hạn vay, nếu cơ sở dạy nghề gặp khó khăn do
nguyên nhân khách quan sẽ được xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn tối đa là 5
năm (60 tháng).
2. Điều kiện vay vốn:
2.1. Cơ sở dạy nghề phải lập dự
án vay vốn, xác định tổng nhu cầu vốn cần vay, trong đó nêu rõ vốn vay và vốn đối
ứng của chủ dự án. Mục đích sử dụng vốn, thời hạn vay, hiệu quả sử dụng vốn vay
và cam kết trả nợ khi đến hạn.
2.2. Dự án vay vốn sau khi được
cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ được vay vốn theo cơ chế cho vay từ Quỹ Quốc gia
hỗ trợ việc làm.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội, Sở Tài Chính - Vật giá phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh hướng
dẫn thủ tục, trình tự vay vốn theo quy định hiện hành.
4. Nguồn vốn vay:
Hàng năm, dành một phần vốn cấp
mới và vốn thu hồi từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm do Trung ương quản lý cùng với
quỹ giải quyết việc làm của địa phương (nếu có) để cho vay theo khoản 1 Điều
này. Ban chỉ đạo giải quyết việc làm Tỉnh có trách nhiệm xem xét, tham mưu UBND
Tỉnh quyết định trích và phân bổ nguồn vốn này để cho vay đối với các cơ sở dạy
nghề có nhu cầu.
Chương II
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI
HỌC NGHỀ
Điều 4.
Chính sách giảm học phí học nghề.
1. Đối tượng áp dụng:
1.1. Thanh niên đã hoàn thành
nghĩa vụ quân sự trở về địa phương trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết
định xuất ngũ của cấp có thẩm quyền.
1.2. Lao động là người dân tộc
thiểu số đang sinh sống tại các xã vùng cao, các xã thuộc huyện Phú Quý. Riêng
lao động là dân tộc Chăm, Nùng ở tại các địa bàn này thì phải thuộc diện được cấp
giấy chứng nhận là hộ nghèo.
Ngoài các đối tượng trên, các đối
tượng thuộc diện chính sách, và thuộc diện hộ nghèo thực hiện theo quy định tại
Thông tư số 23/2001/ TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 06/04/2001 của Liên Bộ Tài chính, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách miễn giảm học
phí đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách đang theo học tại các cơ
sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập và Quyết định số 80/2001/QĐ/UBBT ngày
07/12/2001 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành Quy định tạm thời về chính
sách hỗ trợ người nghèo học nghề.
2. Các đối tượng quy định tại điểm
1.1, 1.2 khoản 1 Điều này khi học tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập có thời
gian học nghề từ 3 tháng trở lên được giảm học phí học nghề. Mức giảm bằng 50%
học phí nghề đào tạo. Mức giảm này chỉ được thực hiện một lần cho một khóa học
tương ứng với học một nghề nhất định. Không thực hiện việc giảm học phí học nghề
đối với những trường hợp tự ý bỏ học, có hành vi vi phạm nội quy, quy chế của
cơ sở dạy nghề bị xử lý buộc thôi học hoặc vi phạm pháp luật.
3. Điều kiện được giảm học phí:
3.1. Quyết định xuất ngũ của cấp
có thẩm quyền còn trong thời hạn quy định đối với thanh niên đã hoàn thành
nghĩa vụ quân sự.
3.2. Bản xác nhận của UBND xã đối
với các đối tượng là dân tộc thiểu số, đối tượng ở miền núi, vùng cao và hải đảo.
3.3. Bản hợp đồng học nghề được
ký kết giữa người học nghề với cơ sở dạy nghề
4. Phương thức thanh toán và nguồn
kinh phí chi trả:
4.1. Phương thức thanh toán:
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm xác định mức học phí của từng nghề
làm cơ sở cho việc xét giảm học phí. Phòng Tổ chức - Xã hội, phòng Tài chính -Kế
hoạch các huyện, thành phố căn cứ vào mức học phí do Liên Sở quy định và các giấy
tờ có liên quan lập thủ tục cấp lại phần học phí được giảm cho người học nghề .
4.2. Nguồn kinh phí chi trả:
Do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Giao Sở Tài Chính - Vật giá phối hợp với UBND các huyện, thành phố cân đối nguồn
kinh phí hành năm để thực hiện chính sách này.
Điều 5.
Chính sách cho vay vốn để học nghề.
1. Đối tượng và điều kiện áp dụng:
Người học nghề tại các cơ sở dạy
nghề ngoài công lập có thời gian học nghề từ 3 tháng trở lên theo hợp đồng học
nghề được ký kết giữa người học nghề với cơ sở dạy nghề, được vay vốn từ Quỹ Quốc
gia hỗ trợ việc làm với lãi suất ưu đãi (hiện nay là 0,5%/tháng) để chi trả học
phí học nghề. Mức vay bằng mức học phí ghi trong hợp đồng học nghề. Thời hạn
vay bằng thời hạn học nghề. Sau khi học nghề xong, nếu chưa tìm được việc làm
thì được xem xét cho gia hạn nợ tối đa bằng thời hạn học nghề và thanh toán vốn
gốc và lãi một lần khi đến hạn.
2. Phương thức vay vốn:
2.1. Người học nghề có nhu cầu
vay vốn để đóng học phí học nghề phải làm đơn xin vay (không phải lập dự án vay
vốn) có xác nhận của cơ sở dạy nghề gửi kèm theo hợp đồng học nghề (bản sao
công chứng ) và các giấy tờ khác có liên quan cho Ngân hàng chính sách Xã hội Tỉnh
để xem xét cho vay.
2.2. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hôi, Sở Tài Chính - Vật giá, Ngân hàng Chính Sách xã hội Tỉnh quy định thủ
tục, trình tự, thực hiện cho vay đối với người học nghề theo quy định hiện
hành.
Điều 6. Chế
độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật.
Người học các nghề thuộc danh mục
nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Nhà nước quy định được hưởng chế độ phụ cấp
độc hại hoặc bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật trong thời gian học tập. Các cơ sở
dạy nghề ngoài công lập có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế độ phụ cấp, chế độ
bồi dưỡng đối với người học nghề theo quy định. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề
ngoài công lập thực hiện cao hơn mức quy định của Nhà nước.
Điều 7.
Các chính
sách đối với người học nghề quy định tại các điều 4, 5 và 6 chương này được áp
dụng cho cả người học nghề học tại các cơ sở dạy nghề công lập. Các cơ sở dạy
nghề công lập có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chính sách đối với người học nghề
theo quy định này.
Chương III
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI
DẠY NGHỀ
Điều 8.
Chế độ phụ cấp độc hại, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật và phụ cấp giảng dạy.
1. Người dạy các nghề thuộc danh
mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Nhà nước quy định được hưởng chế độ
phụ cấp độc hại hoặc bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật trong thời gian trực tiếp
giảng dạy. Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế
độ phụ cấp, chế độ bồi dưỡng cho người dạy nghề theo quy định này.
2. Người dạy nghề dành riêng cho
các đối tượng là thương binh, người tàn tật ngoài tiền công còn được hưởng thêm
phụ cấp giảng dạy từ 15% đến 20% tiền công ghi trong hợp đồng dạy nghề. Các cơ
sở dạy nghề ngoài công lập có trách nhiệm tính toán chi trả khoản phụ cấp này
cùng với tiền công giảng dạy cho người dạy nghề.
Điều 9.
Chế độ phụ
cấp độc hại, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật và phụ cấp giảng dạy quy định tại
điều 8 chương này được áp dụng cho cả người dạy nghề dạy tại các cơ sở dạy nghề
công lập. Các cơ sở dạy nghề công lập có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chính
sách đối với người dạy nghề theo quy định này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
10. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính - Vật
giá và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai
thực hiện Quyết định này. Quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh khó
khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ảnh, tham mưu UBND Tỉnh xem xét sửa đổi, bổ
sung cho phù hợp. Khi chưa có quyết định sửa đổi, bổ sung của UBND Tỉnh thì
không được làm trái với quy định tại Quyết định này./.
DANH MỤC
CÁC HUYỆN, XÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ MIỀN NÚI. VÙNG CAO, HẢI ĐẢO
I. Huyện Tuy Phong :
- Các xã miền núi : Phú Lạc,
Vĩnh Hảo
- Các xã vùng cao : Phong Phú,
Phan Dũng
II- Huyện Bắc Bình :
- Các xã, thị trấn miền núi : Chợ
Lầu, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Hòa, Hải Ninh, Phan Rí Thành, Bình An, Hồng
Thái, Lương Sơn, Phan Thanh, Hòa Thắng, Sông Lũy, Bình Tân, Hồng Phong.
- Các xã vùng cao : Phan Lâm,
Phan Sơn, Phan Tiến
III- Huyện Hàm Thuận Bắc :
- Các xã miền núi : Thuận Hòa,
Hàm Trí, Hàm Phú, Hàm Chính, Hàm Liêm, Hồng Sơn, Hồng Liêm, Thuận Minh
- Các xã vùng cao : Đông Giang,
La Dạ, Đông Tiến, Đa Mi
IV - Huyện Hàm Thuận Nam :
- Các xã, thị trấn miền núi :
Thuận Nam, Tân Lập, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thuận, Hàm Thạnh, Mương Mán
- Các xã vùng cao : Mỹ Thạnh,
Hàm Cần
V- Huyện Hàm Tân :
- Các xã miền núi : Tân Nghĩa,
Tân Minh, Tân Xuân, Tân Thắng, Tân Hà.
VI- Huyện Tánh Linh :
- Các xã, thị trấn miền núi : Lạc
Tánh, Suối Kiết, Huy Khiêm, Nghị Đức, Đức Tân, Đức Phú, Gia An, Gia Huynh.
- Các xã vùng cao : Măng Tố, La
Ngâu, Bắc Ruộng, Đức Bình, Đức Thuận, Đồng Kho
VII- Huyện Đức Linh :
Toàn huyện là miền núi
VIII- Huyện Phú Quý :
Toàn huyện là hải đảo.